Dấu hiệu bạn đang yêu người ái kỷ và cách xử lý, đối phó
Khi yêu người ái kỷ, bạn sẽ nhận thấy rằng đối phương hay đòi hỏi sự chú ý, quan tâm từ người khác nhưng hiếm khi đáp lại tình cảm. Nếu cảm thấy mình đang bị bỏ rơi, đã đến lúc bạn cần nhìn lại mối quan hệ tình cảm này.
Người ái kỷ có biết yêu không?
Rất nhiều người thắc mắc rằng người ái kỷ có biết yêu không. Thực tế, họ biết yêu nhưng tình yêu lại rất méo mó. Họ yêu người khác chỉ khi đối phương mang lại cảm giác thỏa mãn với sự tán dương cùng cảm giác được kiểm soát.
Tình yêu của người ái kỷ chỉ đẹp ở giai đoạn đầu với những cảm xúc mãnh liệt, nhưng càng về sau mọi thứ lại trở nên lạnh nhạt. Họ chỉ trích, hạ bệ đối phương và dần không còn quan tâm đến nửa kia. Chính vì vậy, tình yêu của người ái kỷ chủ yếu chỉ là tình yêu dành cho bản thân, không phải là tình yêu thực sự dành cho người khác.
Mặc dù có thể tạo ra sự gắn bó cảm xúc mãnh liệt, nhưng sự thay đổi tâm trạng của người ái kỷ lại ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ như có lúc vui vẻ rồi lại rơi xuống “đáy vực” mà không lý do.
Và người ái kỷ coi tình yêu như nguồn xác nhận từ bên ngoài để thúc đẩy lòng tự trọng của mình. Họ không hiểu rằng tình yêu chân chính cần sự có qua có lại. Vì vậy, tình yêu trở thành một thứ sở hữu, dẫn đến những tương tác một chiều và độc hại. Họ cũng tuyên bố tình yêu không cần có sự kết nối sâu sắc, khiến mối quan hệ trở nên nông cạn và thiếu ý nghĩa theo thời gian.
10 Dấu hiệu bạn đang yêu người ái kỷ
Người ái kỷ mang đến cho đối phương cảm xúc mãnh liệt và lời hứa đầy ngọt ngào, nhưng ẩn sau đó là một tình yêu méo mó, chỉ tồn tại khi được đáp ứng nhu cầu của bản thân. Những dấu hiệu sau đây cho thấy bạn đang yêu một người ái kỷ để từ đó quyết định hướng đi cho chính mình:
1. Không thừa nhận mình sai
Người ái kỷ thường không thể thừa nhận sai lầm vì nó giống như hình phạt tinh thần mà bản thân không muốn đối diện. Thay vì chấp nhận trách nhiệm, họ sẽ đổ lỗi cho người khác, tự biện minh khiến người yêu thấy mọi vấn đề xuất phát từ mình. Nếu nửa kia chỉ ra sai lầm trong mối quan hệ, người ái kỷ sẽ chỉ trích, làm cho người đó cảm thấy bản thân tồi tệ.
Người kia sẽ luôn phải gánh chịu áp lực từ việc không được công nhận và để cảm xúc tiêu cực đó làm tổn thương bản thân. Hơn nữa, việc không thừa nhận lỗi lầm cũng cho thấy người ái kỷ không thực sự tôn trọng nhu cầu của đối phương, khiến tình yêu trở nên thiếu vững bền.
2. Luôn hứa hẹn nhưng không làm
Một trong những đặc trưng rõ nét của người ái kỷ là hứa hẹn rất nhiều nhưng không thực hiện. Những lời hứa như “Anh/em sẽ thay đổi”, “Chúng ta sẽ có một kỳ nghỉ tuyệt vời”,… chỉ là lời nói suông, không bao giờ trở thành hiện thực.
Đối với người ái kỷ, lời hứa không thực hiện chỉ là cách để duy trì sự kiểm soát và khiến đối phương phụ thuộc vào họ. Điều này làm cho nửa kia thấy hụt hẫng và mất niềm tin vào mối quan hệ. Khi đó, đối phương sẽ dần nhận ra rằng tình yêu mà người kia dành cho mình không có chiều sâu và không phải là mối quan hệ lành mạnh.
3. Kiểm soát bạn quá mức
Kiểm soát nửa kia một cách quá mức là hành vi người ái kỷ hay làm bởi vì xuất phát từ nỗi sợ mất quyền lực. Họ muốn biết người kia đang làm gì, với ai, ở đâu, theo dõi trên mạng xã hội hoặc yêu cầu chia sẻ mật khẩu điện thoại. Cùng với đó là giám sát cách người yêu giao tiếp với người khác và cả cách đối phương dành thời gian cho bản thân.
Hành vi kiểm soát cho thấy người ái kỷ đang cảm thấy thiếu an toàn và muốn chứng minh quyền lực của mình trong mối quan hệ. Nó dẫn đến xung đột lớn và khiến đối phương cảm thấy không tự do. Người đó sẽ bắt đầu tự hỏi liệu mối quan hệ này có thực sự mang lại cho mình hạnh phúc hay chỉ đang trói buộc không thể thoát ra.
4. Bạn sẽ tự trách mình
Khi yêu một người ái kỷ, nửa kia làm bạn thấy tội lỗi và tự trách mình bởi đổ trách nhiệm qua. Họ có khả năng thuyết phục bạn rằng bản thân không đủ tốt nên làm giảm lòng tự trọng của bạn. Những câu nói chỉ trích, thậm chí là châm biếm có thể trở thành “vũ khí” sử dụng để kiểm soát và thao túng người yêu.
Điều này khiến bạn cảm thấy thiếu thốn yêu thương và sự hỗ trợ từ đối phương. Những hành vi tiêu cực của họ sẽ ảnh hưởng đến cảm xúc của bạn. Dần dần, bạn sẽ tự trách mình về những điều không đáng phải chịu và mất đi sự tự tin vốn có.
5. Có nhiều mối quan hệ nhưng không lâu dài
Tuy xây dựng nhiều mối quan hệ nhưng người ái kỷ lại không duy trì được lâu dài. Họ có thể tìm kiếm tình cảm từ nhiều người nhưng bỏ rơi mối quan hệ khi không còn thấy hứng thú.
Các mối quan hệ này không có chiều sâu. Đối với người ái kỷ, tình yêu giống như một món đồ chơi mà họ có thể thay đổi bất cứ lúc nào khi cảm thấy nhàm chán. Họ không đầu tư thời gian và cảm xúc vào đó dẫn đến tổn thương cho những người khác mà bản thân tiếp cận.
6. Thiếu sự đồng cảm
Trong tình yêu, người ái kỷ chỉ tập trung vào mong muốn của mình mà không quan tâm đến cảm xúc của đối phương. Thay vì lắng nghe, họ phản ứng lạnh nhạt, chỉ trích bạn lúc khó khăn. Người đó không quan tâm đến ngày sinh nhật, thành tựu của bạn cho đến những vấn đề lớn hơn như khủng hoảng tâm lý.
Cách họ hành xử lạnh nhạt và thiếu trách nhiệm không phải chỉ xảy ra khi mối quan hệ trở nên căng thẳng, mà là từ lúc mới yêu. Người ái kỷ không nhận ra, không quan tâm đến cảm giác của bạn nên tạo ra một khoảng cách cảm xúc lớn. Đối phương không xây dựng mối quan hệ dựa trên sự thấu hiểu mà chỉ chăm chăm vào điều bản thân mình muốn.
7. Đối phương cố chứng minh bản thân
Với nhu cầu chứng minh bản thân cho người khác, người ái kỷ tìm cách “tô vẽ” sự hoàn hảo, thể hiện mình là người thành công và đáng ngưỡng mộ trong mắt nửa kia. Điều này thể hiện qua việc khoe khoang về thành tích, vật chất, hình ảnh cá nhân trên mạng xã hội. Họ cần sự công nhận từ người khác để cảm thấy mình có giá trị.
Lòng thù địch và ganh đua cũng xuất hiện khi người ái kỷ cố chứng minh mình vượt trội. Họ trở nên cạnh tranh và khó chịu khi thấy người khác thành công hơn mình. Điều này không chỉ gây áp lực cho bản thân mà còn tạo ra môi trường độc hại cho mọi người, khiến người còn lại cảm thấy mình không bao giờ đủ tốt trong mắt đối phương.
8. Họ vẫn để mắt đến người khác
Dù có thể yêu bạn, nhưng người ái kỷ vẫn để mắt đến người khác. Điều này phản ánh bản chất và thể hiện một mục đích rằng họ muốn duy trì sự tự do kể cả khi yêu đương. Họ tìm kiếm sự chú ý từ nhiều phía, khiến đối phương bất an về sự chung thủy. Nhưng với người ái kỷ, mối quan hệ này chỉ là trò chơi và cách họ khẳng định bản thân trong mắt người khác.
Khi vẫn đang yêu bạn, người ái kỷ hành động như thể mình không làm gì sai. Họ tiếp tục giao tiếp với người khác mà không hề cảm thấy hối lỗi. Đối với người đó, việc thu hút sự chú ý từ người khác là cách để chứng minh giá trị bản thân và giữ vững cảm giác được yêu thương.
Mặc dù không có ý định gây tổn thương, nhưng việc để mắt đến người khác khi đang yêu bạn vẫn là dấu hiệu của sự thiếu cam kết. Điều này khiến bạn nghi ngờ về tình yêu và gây mâu thuẫn không cần thiết. Nó còn dẫn đến xung đột và căng thẳng trong mối quan hệ, khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và chán nản.
9. Lạm dụng tinh thần bạn
Người ái kỷ là những kẻ gaslighting và trong tình yêu sẽ lạm dụng tinh thần bạn một cách tinh vi. Họ thường xuyên làm cho người yêu thấy hoang mang về cảm xúc của mình, khiến người đó tự nghi ngờ về điều bản thân nghĩ. Cùng với đó, họ làm cho nửa kia thấy bản thân đang quá nhạy cảm và không ngần ngại bác bỏ cảm xúc của đối phương.
Khi lạm dụng tinh thần người yêu, đối phương cảm thấy rất cô đơn và bị tổn thương. Những lúc như vậy, người kia phải chịu đựng cảm xúc tiêu cực mà người ái kỷ gây ra như bất lực và không được yêu thương. Lúc này người đó sẽ tự hỏi liệu có phải là do bản thân không đủ tốt hay không mà họ lại không thể thấu hiểu mình.
10. Họ đã từng rất thu hút, hoàn hảo
Có lẽ bạn đã từng thấy người ái kỷ rất thu hút và hoàn hảo khi mới bắt đầu yêu. Họ biết cách khiến bạn cảm thấy đặc biệt, hạnh phúc, thường xuyên dành lời khen và sự chú ý. Chúng tạo ra ấn tượng rằng họ là người lý tưởng, người mà bạn đã mơ ước. Tuy nhiên, khi thời gian trôi qua, hình ảnh hoàn hảo ấy bắt đầu phai nhạt và mọi thứ không như mong đợi.
Sự thay đổi này xảy ra khi đối phương bắt đầu cảm thấy mối quan hệ nhàm chán, không còn nỗ lực để giữ lửa. Sự quan tâm, chăm sóc và khả năng lắng nghe trước đây dần biến mất, thay vào đó là sự thờ ơ. Bạn sẽ nhận ra rằng chính tính cách của người ái kỷ đã khiến họ trở nên kém hấp dẫn hơn trong mắt mình.
Điều này không phải là điều hiếm gặp trong mối quan hệ với người ái kỷ bởi thực chất, đó là tính cách cố hữu của họ. Họ luôn xuất hiện với vẻ ngoài hoàn hảo, nhưng bên trong lại thiếu đi giá trị cần thiết cho một mối quan hệ bền vững. Những ký ức đẹp đẽ ban đầu dần được thay thế bởi sự thất vọng, tổn thương và làm bạn cảm thấy như mình đã yêu một người hoàn toàn khác.
Cách đối phó với người yêu ái kỷ
Dù là duy trì mối quan hệ một cách lành mạnh hay thậm chí quyết định rời bỏ, việc nắm rõ cách đối phó với người yêu ái kỷ là rất cần thiết.
1. Khuyến khích người yêu thăm khám chuyên môn
Đối phó với người yêu ái kỷ không hề đơn giản, nhất là khi đối phương không nhận thức được vấn đề của bản thân. Để người bệnh hiểu rõ hơn về tình trạng của mình, bạn có thể khuyến khích thăm khám chuyên môn một cách chân thành, khiến đối phương cảm thấy được yêu thương.
Dù không có phương pháp điều trị dứt điểm cho chứng ái kỷ, việc kết hợp giữa thuốc và trị liệu tâm lý giúp họ thay đổi suy nghĩ sai lệch về bản thân, xóa bỏ nỗi sợ thất bại. Sự hỗ trợ của người yêu rất quan trọng trong điều trị khi họ phải đối mặt với tác dụng phụ không mong muốn từ thuốc.
Để đưa người yêu đi thăm khám, bạn có thể dùng chiêu khéo léo như nói rằng bạn bè của mình là bác sĩ tâm lý và muốn gặp gỡ để hiểu rõ hơn về người yêu. Điều này khơi dậy tâm lý thích thể hiện và khao khát được khen ngợi ở người ái kỷ, giúp họ sẵn lòng chấp nhận việc đi khám. Trị liệu tâm lý cũng giúp bệnh nhân dần nhận thức đúng về bản thân và mối quan hệ để có cách cải thiện lâu dài.
2. Bày tỏ sự thấu cảm
Với người yêu ái kỷ, việc bày tỏ sự thấu cảm là vô cùng quan trọng bưởi nguyên nhân sâu xa của chứng bệnh liên quan đến tổn thương trong thời thơ ấu như bị ngược đãi, nuông chiều thái quá. Dù yêu họ không hề dễ dàng, nhưng sự đồng cảm từ bạn có thể trở thành nguồn động lực lớn lao để đối phương quyết tâm điều trị. Nhắc nhở uống thuốc đúng giờ, lắng nghe những gì bác sĩ khuyên đều tạo sự hỗ trợ tích cực trong quá trình hồi phục.
Ngoài ra, bạn cũng cần kiên nhẫn với bản thân trong suốt thời gian này. Dù người ái kỷ có vẻ ngoài tự tin, nhưng ẩn sâu bên trong vẫn là đứa trẻ cần chăm sóc. Tình yêu và sự chân thành của bạn giúp đối phương chấp nhận bản thân đúng đắn hơn. Thực hiện những hoạt động lành mạnh, cùng nhau tham gia vào các hoạt động thiện nguyện sẽ khơi dậy lòng trắc ẩn, qua đó giúp người bệnh có cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc sống.
3. Nâng cao giá trị bản thân
Người yêu ái kỷ không công nhận thành tích của người khác, vì vậy bạn cần phải kiên định và bảo vệ quan điểm của mình. Khi nhận ra giá trị của bản thân, bạn sẽ tự tin hơn trong việc đặt ra giới hạn để mình không bị tổn thương và dễ dàng tìm kiếm mối quan hệ lành mạnh khác.
Nâng cao giá trị bản thân là cách để chữa lành tâm hồn với các hoạt động sau đây:
- Chăm sóc sức khỏe thể chất bằng chế độ ăn uống lành mạnh, nghỉ ngơi đầy đủ
- Học hỏi những điều mới, kỹ năng mới mỗi ngày
- Tìm hiểu về các kỹ năng thư giãn như thiền, yoga, hít thở sâu,….
- Tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động tình nguyện,…
- Đặt mục tiêu cá nhân và theo đuổi đam mê
- Tự thưởng cho bản thân bằng những điều mình yêu thích
- Kết nối với những người tích cực xung quanh mình
- Thực hiện những sở thích riêng
- Tập thể dục đều đặn để duy trì sức khỏe
- Tha thứ cho bản thân và học hỏi từ sai lầm
Khi nào nên rời bỏ?
Khi nhận ra rằng đối phương có hành vi lợi dụng, soi mói, gây tổn thương tinh thần và thể xác của mình, đã đến lúc nên xem xét việc chia tay với người yêu ái kỷ. Mối quan hệ độc hại này chỉ càng kéo dài sẽ càng khiến bản thân mệt mỏi hơn.
Chia tay với người bệnh không hề đơn giản, vì họ sẽ tìm cách đả kích và làm bạn cảm thấy kém tự tin. Đồng thời nói xấu hoặc nhanh chóng tìm kiếm mối quan hệ mới để chứng minh rằng mình vẫn “đẹp” trong mắt người khác. Tuy nhiên, nếu nhận ra bản thân chỉ là một món đồ trang sức để người ái kỷ thể hiện bản thân, thì tình yêu ấy không đáng để bạn giữ lại.
Khi đã quyết định chia tay, hãy sẵn sàng đối mặt với phản ứng từ phía người yêu. Họ sẽ cố gắng ly gián mối quan hệ của bạn với bạn bè và gia đình, nhưng đừng để điều đó làm mình chùn bước. Hãy chặn mọi kênh liên lạc và tập trung phục hồi bản thân. Đồng thời nhớ rằng, bạn xứng đáng có một tình yêu chân thành và lành mạnh.
Nếu đã nhận ra các dấu hiệu bạn đang yêu người ái kỷ, đừng ngại tìm sự giúp đỡ từ bạn bè, gia đình hoặc chuyên gia tâm lý để đưa ra quyết định sáng suốt. Kết thúc một mối quan hệ với người bệnh tuy rất khó khăn, nhưng đó là cách tốt nhất để bạn giữ lại sự cân bằng và hạnh phúc cho bản thân.
Có thể bạn quan tâm:
- Tự luyến: Định nghĩa và dấu hiệu nhận biết người tự luyến
- 9 tác hại của bệnh ái kỷ cần biết để cải thiện dần
- Hay tự khen mình đẹp là bệnh gì?
Các nguồn tham khảo:
- iphd.vn
- https://www.choosingtherapy.com/in-love-with-a-narcissist/
- https://theinternationalpsychologyclinic.com/10-signs-you-are-in-love-with-a-narcissist/
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!