Đối phó với người ái kỷ – 8 cách giúp bạn vượt mặt họ

Đối phó với người ái kỷ không hề đơn giản, bởi họ luôn biết cách thao túng cảm xúc và kiểm soát người khác. Tuy nhiên, nếu bạn nắm rõ những chiến lược thông minh thì hoàn toàn có thể thoát khỏi ảnh hưởng tiêu cực của người bệnh.

Tại sao phải đối phó với người ái kỷ?

Ái kỷ là một kiểu tính cách đặc trưng bởi cảm giác tự tôn cao và nhu cầu cần được chú ý, tán thưởng. Người ái kỷ là những người có xu hướng tập trung vào bản thân một cách quá mức và luôn đặt nhu cầu của mình lên trên người khác.

đối phó với người ái kỷ
Người ái kỷ luôn xem thường và đặt lợi ích của mình lên trên người khác

Đặc điểm thường thấy ở người ái kỷ gồm:

  • Thường xuyên phóng đại thành tựu của mình để gây ấn tượng
  • Thiếu đồng cảm với người khác và ít quan tâm đến cảm xúc mọi người
  • Luôn cần sự ngưỡng mộ và công nhận từ xung quanh
  • Dễ trở nên cáu kỉnh, thất thường khi không được đối xử như mong muốn
  • Tin rằng mình vượt trội hơn và xứng đáng với nhiều đặc quyền
  • Tận dụng các mối quan hệ để đạt được lợi ích cá nhân
  • Kiểm soát và thao túng người khác để thỏa mãn nhu cầu riêng
  • Nhạy cảm với phê bình và luôn tìm cách đổ lỗi cho người khác

Người ái kỷ thường lạm dụng mối quan hệ, thao túng cảm xúc và khiến người khác cảm thấy mệt mỏi khi phải liên tục đáp ứng nhu cầu của họ. Đồng thời coi mình là trung tâm, khiến nhiều người bị tổn thương. Nếu không đối phó, sự bất công trong mối quan hệ sẽ ngày càng gia tăng, khiến cho mọi người kiệt sức.

8 cách đối phó với người ái kỷ, vượt mặt họ làm chủ bản thân

Người ái kỷ luôn tạo không khí căng thẳng và bất ổn trong các mối quan hệ. Cùng với đó là việc luôn đòi hỏi sự chú ý, không chịu thấu hiểu cảm xúc của người khác. Chính sự kiểm soát, lạm dụng này khiến người khác cảm thấy ngột ngạt. Việc đối phó với người bệnh tuy không dễ dàng, nhưng nếu không hành động thì mọi người lại bị cuốn vào tổn thương kéo dài.

cách đối phó với người ái kỷ
Nhiều người tìm cách đối phó với người ái kỷ để tránh tổn thương kéo dài

1. Duy trì lòng tự trọng của mình

Duy trì lòng tự trọng là yếu tố quan trọng để một người thoát khỏi sự kiểm soát của người ái kỷ. Người có lòng tự trọng cao sẽ không dễ bị ảnh hưởng bởi lời chỉ trích, thái độ coi thường từ phía người bệnh. Cùng với đó là việc biết rõ giá trị bản thân và không để những lời phán xét không công bằng làm lung lay ý chí của mình.

Hơn nữa, khi có lòng tự trọng vững chắc thì sẽ hiểu rõ rằng những lời chỉ trích của bệnh nhân xuất phát từ sự bất an và nỗi sợ hãi của chính họ chứ không phải là sự thật về bạn. Việc nhìn nhận mọi thứ theo hướng tích cực giúp bạn giữ tâm trí bình tĩnh, đồng thời không ngừng phát triển bản thân để tránh bị kéo vào tranh cãi không cần thiết.

2. ​​​​Hạn chế tranh luận, phản bác

Tranh luận với người ái kỷ thường không mang lại kết quả tốt bởi đối phương luôn luôn muốn thắng. Khi bạn tránh tranh luận, không phản bác lại thì bệnh nhân khó có cơ hội để kéo bạn vào cuộc đối đầu vô nghĩa. Người bệnh không thể chịu được sự thua cuộc nên việc giữ im lặng, không tham gia tranh cãi sẽ khiến họ cảm thấy mất phương hướng.

cách trả thù người ái kỷ
Người ái kỷ cảm thấy mất phương hướng khi không thể kéo người khác vào cuộc tranh cãi

Việc hạn chế tranh luận không có nghĩa là nhượng bộ, yếu thế. Cách khôn ngoan nhất là không phản ứng với lời công kích mà tập trung vào những điều quan trọng hơn với thái độ điềm tĩnh. Bệnh nhân sẽ giảm dần áp lực lên bạn khi nhận ra rằng người khác không dễ dàng bị kích động, lôi kéo.

3. Phớt lờ, không đáp trả

Phớt lờ và không đáp trả là một chiến lược hiệu quả khi đối phó với người ái kỷ. Không phản ứng với hành động, lời nói khiêu khích sẽ khiến người bệnh mất đi công cụ chính để thao túng bạn. Tuy tìm kiếm sự chú ý và muốn người khác phản ứng theo ý mình nhưng nếu bạn không đáp trả, bệnh nhân sẽ không thể kiểm soát được tình huống.

Để thực hiện điều này khéo léo, bạn cần giữ thái độ bình tĩnh và không tỏ ra bị tổn thương, xúc động. Hãy tránh để người bệnh nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy bạn bị ảnh hưởng. Khi không thể ép buộc bạn phản ứng theo cách mình muốn, người ái kỷ sẽ dần mất hứng thú và tìm đối tượng khác để thao túng.

4. Nuôi dưỡng mối quan hệ lành mạnh

Những mối quan hệ lành mạnh mang lại nhiều sự hỗ trợ tinh thần, giúp bạn cảm thấy an toàn khi phải đối diện với người có tính cách khó chịu. Việc có người thân, bạn bè luôn đứng sau lưng sẽ khiến bạn không còn thấy cô đơn, dễ bị người ái kỷ thao túng nữa.

Để nuôi dưỡng mối quan hệ lành mạnh, hãy dành thời gian chăm sóc những người yêu quý xung quanh. Hãy tạo không gian để lắng nghe, chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau. Chính mối quan hệ này sẽ là nguồn động viên để cá nhân duy trì sự cân bằng, không bị  ảnh hưởng bởi sự tiêu cực mà người ái kỷ mang đến.

cách vượt mặt người ái kỷ
Mối quan hệ lành mạnh được nuôi dưỡng sẽ giúp cá nhân thoát khỏi người ái kỷ dễ dàng

5. Giả vờ chú ý

Khi đối phó với người ái kỷ, giả vờ chú ý là một cách khéo léo để tránh tranh cãi. Bởi người bệnh muốn cảm nhận được sự chú ý và quan tâm. Do đó, thông qua tỏ ra lắng nghe và thể hiện sự chú ý, bạn có thể làm đối phương hài lòng mà không cần phải thật sự đồng ý với quan điểm của họ. Điều này giúp bạn tránh những lúc đối đầu căng thẳng, đồng thời giữ bản thân tránh xa cuộc tranh luận vô ích.

Tuy nhiên, để thực hiện một cách tinh tế thì bạn nên tỏ ra chân thành khi lắng nghe bằng cách gật đầu, đưa ra vài câu nhận xét trung lập như “Ừ, mình hiểu”, “Điều đó cũng có lý”. Chúng đảm bảo bạn không bị phát hiện là đang giả vờ mà vẫn tránh được việc phải phản bác trực tiếp.

6. Đồng cảm, thông cảm với người bệnh

Việc đồng cảm với người ái kỷ vừa làm đối phương cảm thấy được tôn trọng mà còn tạo cơ hội để bạn giữ vững lập trường trong mối quan hệ. Bệnh nhân khó kiểm soát cảm xúc của mình và hay che giấu tổn thương bằng sự tự cao. Nên lúc này bạn cần thể hiện sự thông cảm, giảm bớt căng thẳng và làm dịu đi sự bùng nổ cảm xúc của người bệnh.

chiến lược đối phó với người ái kỷ
Sự tự cao của người ái kỷ có thể được xoa dịu bằng sự thấu hiểu của người khác

Để thể hiện sự đồng cảm, bạn có thể lắng nghe một cách chân thành và thấu hiểu những khó khăn mà người bệnh gặp phải. Đồng thời sử dụng các câu nói mang đến sự quan tâm như “Mình hiểu bạn đang gặp khó khăn”, “Mình hiểu cảm giác của bạn”. Giữ thái độ bình tĩnh và nhẹ nhàng trong cách phản ứng sẽ khiến bệnh nhân thấy mình không bị phản bác.

7. Giúp đỡ tìm kiếm bác sĩ, chuyên gia trị liệu

Giúp người ái kỷ tìm đến bác sĩ, chuyên gia trị liệu là một cách tích cực để đối phó với tình trạng của họ. Người bệnh do không tự nhận ra vấn đề tâm lý của mình nên khi được người thân hỗ trợ sẽ dần chấp nhận việc tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên môn. Đây là cách giúp bệnh nhân được tiếp cận với liệu pháp chữa trị mà không làm tổn thương lòng tự tôn của họ.

Để thực hiện điều này, bạn có thể nhẹ nhàng gợi ý rằng việc gặp gỡ chuyên gia sẽ giúp người bệnh cảm thấy tốt hơn. Đồng thời đề xuất một vài tên chuyên gia uy tín và hỗ trợ bệnh nhân đặt lịch hẹn. Nếu đồng ý, điều này có thể mang lại kết quả tích cực trong việc cải thiện hành vi và tâm lý của người ái kỷ.

8. Thiết lập, thực thi ranh giới

Người ái kỷ thường hay vượt qua giới hạn cá nhân của người khác để thỏa mãn nhu cầu cá nhân của mình. Việc đặt ra giới hạn giúp bệnh nhân hiểu rằng bạn sẽ không chấp nhận những hành vi không phù hợp, qua đó bảo vệ được sự riêng tư của bạn. Hãy rõ ràng về những thứ bạn chấp nhận – không chấp nhận được.

cách kiểm soát người ái kỷ
Ranh giới là thứ khiến người ái kỷ không thể kiểm soát được người khác

Khi thiết lập ranh giới, bạn phải thực thi nó một cách nghiêm túc. Nếu người ái kỷ vượt qua giới hạn thì cần có hành động ngay lập tức. Chẳng hạn như kết thúc cuộc trò chuyện khi bệnh nhân bắt đầu xúc phạm, tỏ thái độ bất hợp tác. Điều này cho người bệnh thấy bạn không dễ dàng bị thao túng và sẵn sàng bảo vệ quyền lợi của mình. Việc thực thi ranh giới giúp bạn kiểm soát mối quan hệ và giữ vững lập trường trước người ái kỷ.

Đối phó với người ái kỷ không đơn thuần là việc thay đổi bệnh nhân mà là bảo vệ chính bạn khỏi những tác động tiêu cực. Với các chiến lược phù hợp, bạn có thể vừa giữ được sự cân bằng trong mối quan hệ, vừa tránh rơi vào sự kiểm soát mà người bệnh tạo ra.

Có thể bạn quan tâm:


Nguồn tham khảo:

  • https://www.verywellmind.com/living-with-a-narcissist-tips-for-how-to-cope-5211902
  • https://www.choosingtherapy.com/deal-with-narcissist/
  • https://www.psychologytoday.com/intl/blog/laugh-cry-live/202212/6-keys-to-dealing-with-narcissistic-people
  • https://www.anchortherapy.org/blog/8-tips-for-dealing-with-a-narcissist-nj-nyc
Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *