Bị Ám Ảnh Sợ Quá Khứ: Nguyên Nhân Và Cách Giúp Bạn Vượt Qua

Những người bị ám ảnh sợ quá khứ thường sợ hãi quá mức, hoảng loạn và khó kiểm soát cảm xúc khi nhớ lại những trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ. Tương tự như các vấn đề tâm lý khác, tình trạng này gây ra nhiều phiền toái đối với cuộc sống và ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.

ám ảnh sợ quá khứ
Những trải nghiệm tiêu cực đã xảy ra sẽ để lại nỗi ám ảnh về quá khứ đối với một số người

Nỗi ám ảnh sợ quá khứ – Biểu hiện của vấn đề tâm lý

Nỗi ám ảnh sợ quá khứ còn được gọi là Mnemophobia (nỗi sợ ký ức). Những người gặp phải tình trạng này thường có sự ám ảnh và sợ hãi thái quá về những sự việc đã xảy ra trong quá khứ (thường là những sự kiện có tính chất sang chấn). Khi có ai đó nhắc lại hoặc đến những nơi gợi nhắc về sự kiện trong quá khứ, họ có thể trở nên hoảng loạn, bất an, bồn chồn và sợ hãi tột độ.

Những người bị ám ảnh sợ quá khứ thường né tránh các đối tượng và tình huống gợi nhắc lại những chuyện đã qua. Chứng bệnh này có biểu hiện khá giống với các dạng của rối loạn lo âu. Tuy nhiên hiện nay, ám ảnh sợ quá khứ chưa được công nhận là bệnh tâm thần chính thức mà chỉ được xếp vào nhóm tổn thương tâm lý do sang chấn.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, ám ảnh sợ quá khứ là một dạng của rối loạn ám ảnh sợ hãi (các ám ảnh sợ chuyên biệt). Thông thường, người mắc chứng bệnh này sẽ có nỗi sợ phi lý về những đối tượng không nguy hiểm như máu, côn trùng, độ cao, các hiện tượng thiên nhiên,… thì với chứng ám ảnh sợ quá khứ, đối tượng gây ra nỗi sợ thái quá chính là quá khứ hay cụ thể hơn là những trải nghiệm tiêu cực đã xảy ra trước đây.

ads chuyên gia tâm lý bùi thị hải yến tư vấn ngay

Khi trải qua những sự kiện đau buồn, chúng ta khó tránh khỏi nỗi ám ảnh. Tuy nhiên, tình trạng này thường chỉ xảy ra trong một thời gian nhất định và sẽ thuyên giảm hoàn toàn sau khi bản thân lấy lại sự cân bằng. Ngược lại, những người bị ám ảnh sợ quá khứ sẽ có nỗi sợ dai dẳng, thái quá về những sự việc đã xảy ra (từ vài năm đến vài chục năm). Tương tự như các rối loạn tâm lý, tâm thần khác, chứng ám ảnh sợ quá khứ gây ra nhiều phiền toái đối với cuộc sống và ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe.

Các dấu hiệu nhận biết người bị ám ảnh sợ quá khứ

Nỗi ám ảnh sợ quá khứ được thể hiện rõ rệt qua cảm xúc, suy nghĩ và hành vi. Tuy nhiên, một số người có thể che giấu nỗi sợ và cố gắng vui vẻ để những người xung quanh không nhận thấy bản thân đang có vấn đề bất thường. Chính vì vậy, biểu hiện của nỗi ám ảnh sợ quá khứ sẽ có sự khác biệt ở từng trường hợp.

Hội chứng ám ảnh quá khứ
Hội chứng ám ảnh quá khứ đặc trưng bởi sự sợ hãi, hoảng loạn khi nhớ lại những sự kiện đã từng xảy ra

Nhìn chung, những người bị ám ảnh sợ quá khứ sẽ có những biểu hiện như sau:

  • Tâm trạng thường buồn rầu, bi quan và chán nản. Một số người có thể vui vẻ, lạc quan nhưng khi ở một mình, họ sẽ rơi vào trầm mặc và nghĩ nhiều về những sự kiện đã xảy ra trong quá khứ. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp né tránh suy nghĩ về những sự kiện này vì sợ hãi quá mức.
  • Khi có ai đó nhắc lại sự việc đã xảy ra hoặc nhớ lại sự việc do một số tình huống gợi nhắc, người bị ám ảnh sợ quá khứ sẽ trở nên bất an, lo lắng, bồn chồn, thể hiện rõ sự sợ hãi qua nét mặt và hành vi. Thậm chí một số người trở nên hoảng loạn và không thể kiểm soát chính mình.
  • Cảm nhận rõ nỗi đau, sự mất mát và những cảm xúc chân thật như khi chứng kiến sự việc trong quá khứ.
  • Nhiều người có xu hướng né tránh những đối tượng và tình huống có thể gợi nhắc đến những sự kiện đã xảy ra. Tình trạng này dẫn đến khá nhiều phiền toái trong cuộc sống, đặc biệt là việc học, nghề nghiệp và các mối quan hệ.

Người bị ám ảnh sợ quá khứ luôn chìm đắm trong những suy nghĩ về các sự kiện đã xảy ra. Họ không thực sự thoải mái với cuộc sống hiện tại và luôn có “tảng đá” mang tên quá khứ đè nặng lên tinh thần, cảm xúc.

Nguyên nhân gây ra nỗi ám ảnh sợ quá khứ

Cho đến nay, các chuyên gia vẫn chưa thể xác định được nguyên nhân chính xác gây ra nỗi ám ảnh sợ quá khứ. Bởi có rất nhiều người cùng trải qua một sự kiện có tính chất khủng khiếp nhưng chỉ có một số trường hợp phát triển nỗi ám ảnh sợ quá khứ. Số còn lại có thể gặp phải các rối loạn liên quan đến stress hoặc chỉ bị tổn thương tâm lý nhẹ có thể tự hồi phục sau một thời gian ngắn.

Dù vậy, các chuyên gia đã xác định được một số yếu tố có liên quan đến nỗi ám ảnh sợ quá khứ:

1. Trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ

Trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến nỗi ám ảnh về quá khứ. Những người trải qua tuổi thơ êm đềm và cuộc sống không có biến cố hầu như không có khả năng phát triển chứng bệnh này. Trong khi đó, người phải đối mặt với các sự kiện có tính chất sang chấn sẽ có nguy cơ cao mắc phải các vấn đề tâm lý.

Các trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ như gia đình tan vỡ, bố mẹ ly hôn, ly thân, bị lạm dụng thể chất, tình cảm, từng bị bắt cóc, cưỡng hiếp, chứng kiến tai nạn khủng khiếp và những hành vi man rợ sẽ để lại tổn thương tâm lý sâu sắc. Trong đó, sẽ có một số trường hợp phát triển chứng ám ảnh sợ quá khứ.

2. Gen di truyền

Hầu hết các vấn đề tâm lý đều có khả năng di truyền và nỗi sợ ám ảnh quá khứ cũng vậy. Các chuyên gia nhận thấy, người mắc các chứng ám ảnh và sợ hãi thường có hạch hạnh nhân hoạt động quá mức. Bên cạnh đó, những cơ quan bên trong não bộ cũng có một số điểm bất thường. Điều này có thể khẳng định vai trò của gen di truyền đối với nỗi ám ảnh sợ quá khứ.

Hội chứng ám ảnh quá khứ
Gen di truyền là một trong những yếu tố gây ra sự ám ảnh quá mức, dai dẳng về quá khứ

3. Đặc điểm tính cách

Tính cách là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến ngưỡng chịu đựng stress của não bộ. Những người có tính cách mạnh mẽ, quyết đoán và bản lĩnh có thể đối mặt, vượt qua stress một cách dễ dàng. Trong khi đó, người có tính cách yếu đuối, nhút nhát và tự ti thường sẽ bị tổn thương sâu sắc hơn.

Bên cạnh đó, những người thiếu kinh nghiệm sống sẽ rất chật vật trong việc vượt qua những biến cố xảy ra trong cuộc sống. Đây cũng là lý do ngoài việc nâng cao kiến thức, gia đình cần phải bồi dưỡng nhân cách và hướng con cái để những phẩm chất tốt đẹp. Có như vậy, trẻ lớn lên mới có đủ bản lĩnh để đương đầu với khó khăn và thử thách.

4. Một số yếu tố khác

Ngoài những yếu tố trên, bị ám ảnh sợ quá khứ còn có thể xảy ra do một số yếu tố sau:

  • Liên tục phải đối mặt với các biến cố trong cuộc sống
  • Là nữ giới (nam giới thường có tính cách mạnh mẽ hơn nên ngưỡng chịu đựng stress sẽ tốt hơn phái nữ)
  • Người có sẵn các vấn đề tâm lý, tâm thần
  • Người sống cô độc, không có gia đình và bạn bè xung quanh sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề tâm lý vì không nhận được sự động viên, quan tâm khi cần thiết.

Ảnh hưởng của nỗi ám ảnh sợ quá khứ đối với cuộc sống

Khi trải qua quá khứ đen tối, tất cả chúng ta đều có sự ám ảnh nhất định. Tuy nhiên, những người mắc chứng ám ảnh sợ quá khứ sẽ trở nên hoảng loạn, sợ hãi và khó kiểm soát bản thân khi nhớ lại sự kiện hoặc có ai đó đề cập đến. Nỗi sợ quá mức về những sự kiện trong quá khứ khiến cuộc sống hiện tại bị xáo trộn, quá trình học tập và công việc gặp nhiều phiền toái.

Để tránh cảm giác sợ hãi, họ thường có xu hướng né tránh những đối tượng và tình huống gây ra nỗi sợ. Ngoài ra, nỗi sợ về quá khứ cũng khiến cho họ trở nên tự ti, buồn bã, bi quan, tiêu cực và không có niềm tin vào cuộc sống. Những người bị ám ảnh quá khứ thường có tính cách hướng nội, sống khép kín và tách biệt với mọi người.

Hội chứng ám ảnh quá khứ
Hội chứng ám ảnh quá khứ có thể phát triển thành trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn hoang tưởng,… nếu không có biện pháp can thiệp

Họ không biết cách giải tỏa cảm xúc và cũng rất hiếm khi bày tỏ cảm xúc thật với những người xung quanh. Họ kìm nén sự sợ hãi, lo lắng, bất an và tất cả các cảm xúc tiêu cực. Về lâu dài, những cảm xúc dồn nén khiến tâm lý trở nên bất ổn và gia tăng nguy cơ phát triển các rối loạn tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn hoang tưởng,…

Mức độ ảnh hưởng của chứng ám ảnh sợ quá khứ sẽ phụ thuộc vào nỗi sợ của từng người. Những trường hợp nặng có thể sống tách biệt hoàn toàn với cộng đồng, chìm đắm trong bia rượu, thuốc lá và chất kích thích. Nếu không nhận được sự quan tâm và hỗ trợ kịp thời, nhiều khả năng họ sẽ nghĩ đến cái chết để giải thoát bản thân khỏi đau khổ và phiền muộn.

Cách giúp bạn vượt qua nỗi ám ảnh sợ quá khứ

Ám ảnh sợ quá khứ không đơn thuần là cảm giác buồn bã và bất an khi nhắc lại những sự kiện sang chấn đã xảy ra. Tình trạng này khiến cho bản thân trở nên hoảng loạn, lo lắng, sợ hãi và không thể kiểm soát cảm xúc của chính mình. Hơn ai hết, những người bị ám ảnh sợ quá khứ sẽ phải đối mặt với một loạt những ảnh hưởng nặng nề về sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Để tránh ảnh hưởng lâu dài, bạn cần trực tiếp đối mặt với nỗi sợ và nỗ lực vượt qua:

1. Biết rằng mọi chuyện đã qua đi

Những trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ để lại cho bạn không ít tổn thương và gây ra sự đau khổ, bất an, lo lắng mỗi khi nhớ về. Tuy nhiên, bạn nên biết rằng những sự kiện này đã xảy ra và tất cả đã trở thành quá khứ. Bạn không thể thay đổi những sự việc này mà cách duy nhất có thể làm là chấp nhận và quên đi những điều khiến bản thân đau khổ.

Chấp nhận quá khứ sẽ giúp bạn trân trọng cuộc sống hiện tại và tập trung cho tương lai của bản thân. Ban đầu, bạn sẽ khó quên đi những sự kiện này. Tuy nhiên, thay vì dằn vặt bản thân và nghĩ quá nhiều về những việc đã xảy ra trong quá khứ, bạn nên thay đổi suy nghĩ theo chiều hướng tích cực.

Thái độ lạc quan sẽ giúp bạn có những cảm xúc tích cực và phần nào quên đi sự đau khổ, sợ hãi, bất an, lo lắng từ những trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ. Đây là bước đầu để bạn có thể đối mặt và vượt qua nỗi ám ảnh của chính mình.

2. Chia sẻ nỗi ám ảnh với những người xung quanh

Những người bị ám ảnh sợ quá khứ rất hiếm khi chia sẻ cảm xúc thật của bản thân cho những người xung quanh. Tâm lý chung là che giấu nỗi sợ và cố gắng tỏ ra vui vẻ, lạc quan trước mọi người. Tuy nhiên, ẩn sâu bên trong là sự sợ hãi, trống rỗng, bất an và bi quan. Nếu tình trạng này kéo dài, bạn sẽ phải đối mặt với một loạt các vấn đề tâm lý và sẽ càng chìm sâu trong những cảm xúc tiêu cực.

Hội chứng ám ảnh quá khứ
Nên chia sẻ cảm xúc của bản thân với bạn bè để nhận được sự quan tâm, đồng cảm

Để có thể vượt qua nỗi ám ảnh, bạn cần chia sẻ với những người xung quanh cảm giác và suy nghĩ của bản thân. Bất cứ ai cũng phải trải qua những sự việc không mong muốn trong cuộc sống. Vì vậy, bạn nên thoải mái chia sẻ những điều này với người thân và bạn bè để giải tỏa cảm xúc và nhanh chóng tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống.

Nếu cảm thấy không sẵn sàng chia sẻ với những người xung quanh, bạn có thể viết nhật ký để giải tỏa cảm xúc và suy nghĩ kìm nén. Thói quen này sẽ giúp bạn vơi đi những cảm xúc tiêu cực, học cách chế ngự nỗi sợ và biết kiểm soát cảm xúc tốt hơn. Ngoài ra, thông qua thói quen viết nhật ký, bạn cũng sẽ có cơ hội nhìn nhận lại bản thân và tự ý thức về những hạn chế – ưu điểm của chính mình.

3. Tha thứ cho bản thân và người khác

Đôi khi những sự kiện trong quá khứ xảy ra do lỗi lầm của chính bạn hoặc những người xung quanh. Trong trường hợp này, nỗi ám ảnh sẽ trở nên dai dẳng hơn so với những sự việc xảy ra ngoài ý muốn (tai nạn, thiên tai). Khi trải qua những sự việc này, bạn thường giữ sự thù hận với những người khiến bản thân đau khổ hoặc có thể tự dằn vặt, trách móc bản thân.

Tuy nhiên, việc tự trách mình và trách người sẽ khiến cho sự ám ảnh trở nên dai dẳng và những ký ức đau buồn sẽ bám lấy bạn trong một thời gian dài. Để buông bỏ sự ám ảnh và sợ hãi về những sự kiện đã xảy ra trong quá khứ, bạn nên tha thứ cho bản thân và những người xung quanh. Tha thứ không có nghĩa là bạn phải duy trì mối quan hệ với họ. Tha thứ chỉ là cách để bạn quên đi sự kiện đau buồn và gạt bỏ những người không xứng đáng ra khỏi cuộc sống của bản thân.

Nếu lỗi lầm là do chính bạn gây ra, hãy giữ cho mình suy nghĩ tích cực và nỗ lực để bù đắp những sai lầm trong quá khứ. Trong cuộc sống, không ai là không phạm sai lầm và bất cứ lỗi lầm nào cũng phải trả giá.

Những đau khổ, dằn vặt và phiền muộn bạn đã phải đối mặt chính là cái giá cho những sai lầm đã gây ra. Tuy nhiên, cuộc sống luôn có cơ hội thứ 2 cho những người biết nhìn nhận lỗi lầm. Vì vậy, hãy dừng việc trách móc bản thân để hướng đến tương lai và đón nhận cuộc sống một cách trọn vẹn nhất.

4. Trân trọng hiện tại

Những người bị ám ảnh sợ quá khứ thường chỉ chú tâm đến nỗi sợ của bản thân và những trải nghiệm tiêu cực mà quên mất những giá trị đang sở hữu. Hơn bất cứ điều gì, hiện tại là điều đáng giá nhất. Trân trọng hiện tại là điều bạn nên làm thay vì dằn vặt hay ám ảnh về những sự kiện đã xảy ra trong quá khứ.

Không ít người cho rằng, bản thân hoàn toàn không có bất cứ giá trị gì trong cuộc sống mà quên mất giá trị không phải là quyền lực, tiền bạc mà chính là bản thân mình và những người xung quanh. Thay vì chìm đắm trong đau khổ, bạn nên nỗ lực để cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn và “cất đi” những trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ.

5. Tham gia vào các hoạt động có ý nghĩa

Để vượt qua nỗi ám ảnh sợ quá khứ, bạn có thể tham gia vào các hoạt động có ý nghĩa như các chương trình thiện nguyện giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ các cụ già neo đơn, bảo vệ môi trường, trồng cây xanh,… Những hoạt động này có ý nghĩa to lớn đối với xã hội và giúp bản thân mỗi người tìm thấy niềm vui trong cuộc sống. Những hoạt động có ý nghĩa sẽ khơi gợi những cảm xúc tích cực, từ đó giúp bạn quên đi sự ám ảnh về quá khứ và hướng đến cuộc sống tốt đẹp, lành mạnh hơn.

cách vượt qua ám ảnh quá khứ
Tham gia vào các hoạt động có ý nghĩa là một trong những cách vượt qua ám ảnh quá khứ hiệu quả

Ngoài ra, đây cũng là cách để cải thiện khả năng giao tiếp, tăng khả năng thích nghi và hòa nhập với những người xung quanh. Nếu có khả năng, bạn có thể xây dựng các gói từ thiện để hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn trong xã hội.

6. Cải thiện bản thân từ những sai lầm

Nếu những sự kiện trong quá khứ là do sai lầm của bản thân, bạn nên nhìn nhận lại và nỗ lực cải thiện mình. Bất cứ ai cũng đều có những sai lầm trong cuộc sống. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là chúng ta cần học cách vượt qua, cải thiện bản thân từ những sai lầm và trở thành phiên bản tốt nhất.

Hãy bắt đầu bằng việc suy nghĩ tích cực, rèn những phẩm chất tốt, chăm chỉ học tập và cầu tiến trong công việc. Ngoài ra, bạn cũng cần xây dựng lối sống khoa học để giữ cho bản thân tinh thần lạc quan và vui vẻ. Có như vậy, bạn mới có thể vượt qua những ám ảnh về quá khứ, tập trung cho hiện tại và tương lai.

7. Tìm kiếm sự giúp đỡ của các chuyên gia

Trên thực tế, không ít người ý thức được phải vượt qua nỗi ám ảnh nhưng không thể quên đi quá khứ và gặp khó khăn trong việc chế ngự cảm xúc. Trong trường hợp này, bạn nên tìm kiếm sự giúp đỡ của các chuyên gia. Bởi nếu để lâu dài, bạn có thể giải tỏa cảm xúc theo những hình thức tiêu cực nhất như nghiện game online, sử dụng chất kích thích, rượu bia,…

cách vượt qua ám ảnh quá khứ
Nếu không thể tự mình vượt qua ám ảnh quá khứ, bạn nên tìm kiếm sự giúp đỡ của các chuyên gia tâm lý

Liệu pháp tâm lý hướng đến việc chữa lành tổn thương do những trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ gây ra. Chuyên gia sẽ giúp bạn giải tỏa cảm xúc, học cách yêu thương bản thân và trân trọng những giá trị mình đang có. Đồng thời giúp bản thân mỗi người nhận thức đúng đắn sự việc để tránh những suy nghĩ tiêu cực và bi quan. Liệu pháp tâm lý cũng hướng mọi người đến lối sống lành mạnh, trau dồi thêm kỹ năng mềm để có thể giải quyết xung đột và giúp các mối quan hệ trở nên hòa hợp hơn.

Song song với việc giải thoát bản thân khỏi nỗi ám ảnh về quá khứ, liệu pháp tâm lý cũng giúp bạn học cách ứng phó với căng thẳng và những tình huống không mong muốn xảy ra trong cuộc sống. Từ đó chủ động hơn trong việc cân bằng cảm xúc, biết cách giữ cho bản thân sức khỏe thể chất và tinh thần tốt nhất.

ads chuyên gia tâm lý cao kim thắm

Bị ám ảnh sợ quá khứ là vấn đề tâm lý thường gặp sau khi trải qua những sự kiện sang chấn trong quá khứ. Hy vọng qua những chia sẻ trong bài viết, bạn có thể vượt qua nỗi ám ảnh và đón nhận cuộc sống một cách trọn vẹn hơn. Nếu không thể tự mình đối mặt và vượt qua, bạn nên nhờ sự hỗ trợ của bạn bè, gia đình và chuyên gia tâm lý.

Tham khảo thêm:

Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *