Rối loạn nhân cách hoang tưởng: Biểu hiện và hướng chữa trị

Rối loạn nhân cách hoang tưởng còn được gọi là nhân cách Paranoid. Dạng nhân cách này đặc trưng bởi sự nghi ngờ vô căn cứ về lòng trung thành của tất cả mọi người. Bệnh nhân tin rằng những người xung quanh luôn ác ý với bản thân, cố ý hạ thấp danh dự và lừa dối mình.

rối loạn nhân cách hoang tưởng là gì
Rối loạn nhân cách hoang tưởng (nhân cách Paranoid) là một trong những dạng rối loạn nhân cách thường gặp

Rối loạn nhân cách hoang tưởng là gì?

Rối loạn nhân cách hoang tưởng (Paranoid Personality Disorder – PPD) được xếp vào nhóm nhân cách lập dị, kỳ quái (còn được gọi là rối loạn nhân cách nhóm A). Thuật ngữ này đề cập đến dạng nhân cách bất thường đặc trưng bởi sự hồ nghi vô căn cứ về tất cả mọi người. Người bị rối loạn nhân cách tin rằng những người xung quanh luôn có ác ý với bản thân và ẩn ý đe dọa trong lời nói/ hành động mặc dù thực tế không phải như vậy.

Tương tự như các rối loạn nhân cách khác, người mắc chứng rối loạn nhân cách hoang tưởng không ý thức được sự bất thường trong hành vi và suy nghĩ (nhận thức) của bản thân. Theo thống kê, có khoảng 2.3 – 4.4% dân số Hoa Kỳ mắc phải chứng bệnh này và tỷ lệ cao hơn ở nam giới.

Nguy cơ bị rối loạn nhân cách hoang tưởng tăng lên đáng kể ở những người bị lạm dụng tình cảm, thể chất và bạo hành ở thời kỳ thơ ấu. Người mắc chứng bệnh này vẫn có thể duy trì chức năng nghề nghiệp, học tập. Tuy nhiên, ý nghĩ về việc mọi người luôn có ác ý và muốn hãm hại bản thân khiến cảm xúc, hành vi của người bệnh bị chi phối mạnh mẽ.

Rối loạn nhân cách hoang tưởng dễ bị nhầm lẫn với bệnh hoang tưởng. Tuy nhiên, người mắc chứng bệnh này không gặp phải các hoang tưởng như hoang tưởng ghen tuông, hoang tưởng tự cao, hoang tưởng liên hệ,… mà chỉ đơn thuần sự hồ nghi vô căn cứ, dai dẳng về việc những người xung quanh có ý đồ xấu, muốn lừa dối hoặc hãm hại bản thân.

Biểu hiện của rối loạn nhân cách hoang tưởng

Rối loạn nhân cách hoang tưởng thường xuất hiện ở cuối giai đoạn thanh thiếu niên hoặc đầu độ tuổi trưởng thành. Bản thân người bệnh không nhận thấy sự bất thường trong suy nghĩ và hành vi của mình. Do đó, phát hiện bệnh phụ thuộc vào sự chú ý và hiểu biết của những người xung quanh.

Đặc điểm của dạng nhân cách hoang tưởng là không có lòng tin với tất cả mọi người, tin rằng những người xung quanh có ý đồ xấu, muốn đe dọa, hạ thấp và làm hại bản thân. Những ý nghĩ này được hình thành vô căn cứ mà không có bất cứ lý do chính đáng nào.

rối loạn nhân cách hoang tưởng là gì
Người bị rối loạn nhân cách hoang tưởng luôn nghi ngờ sự chung thủy và trung thành của tất cả mọi người

Các dấu hiệu nhận biết rối loạn nhân cách hoang tưởng:

  • Luôn có niềm tin về việc bản thân đang bị những người xung quanh lợi dụng, lừa dối, đe dọa hoặc hạ thấp
  • Nghi ngờ về lòng trung thành và gần như không tin tưởng tất cả mọi người (bao gồm cả bạn đời và những người bạn thân thiết)
  • Tin rằng bản thân sẽ bị tấn công vào bất cứ thời điểm nào dù không có lý do chính đáng để hình thành suy nghĩ này
  • Dè dặt trong việc tiết lộ thông tin và bộc lộ suy nghĩ, cảm xúc của bản thân vì lo sợ người khác sẽ sử dụng thông tin này để chống lại mình
  • Tính cách thù hằn, để bụng và không có sự vị tha, khoan nhượng
  • Luôn nhìn thấy ẩn ý sâu xa trong lời nói của người khác nhưng trên thực tế, những lời nói này hoàn toàn không có ý nghĩ đe dọa hay ác ý
  • Nhạy cảm với những lời chỉ trích, phê bình. Bệnh nhân thường thù hằn những người chỉ trích bản thân và đôi khi gây hấn, bạo lực vì cho rằng họ đang cố hạ thấp danh dự của mình
  • Nghi ngờ dai dẳng về việc bạn đời không chung thủy. Sự nghi ngờ này khiến bệnh nhân trở nên ghen tuông và kiểm soát bạn đời quá mức
  • Cảnh giác với tất cả mọi người và luôn quan sát những người xung quanh bằng ánh nhìn dò xét
  • Luôn có suy nghĩ tiêu cực về người khác
  • Tâm lý căng thẳng, dễ cáu kỉnh và nổi nóng vì hồ nghi mọi thứ
  • Tính cách ngoan cố, thích tranh luận, cứng nhắc và luôn cho mình là đúng
  • Vì lo sợ mọi người hiểu thấu con người mình nên đa số người có nhân cách hoang tưởng biểu lộ cảm xúc rất hạn chế. Người bệnh hiếm khi tỏ ra vui vẻ hay đau khổ mà cảm xúc thường thấy là sự lạnh lùng, xa cách, thiếu đồng cảm và vô tâm
  • Không có óc khôi hài và hầu như không có phản ứng vui vẻ trước những lời bông đùa của người khác
  • Mất khả năng tự phê phán bản thân nên luôn cho bản thân là đúng
  • Bệnh nhân có thể kiện tụng thường xuyên vì cho rằng bản thân bị hạ thấp, sỉ nhục hoặc bị hãm hại

Các triệu chứng của rối loạn nhân cách hoang tưởng khá giống với bệnh hoang tưởng, loạn thần và tâm thần phân liệt. Tuy nhiên, người có nhân cách hoang tưởng chỉ có sự hồ nghi vô căn cứ về mọi người. Bệnh nhân hoàn toàn không gặp phải hoang tưởng tự cao, hoang tưởng liên hệ, hoang tưởng được yêu, hoang tưởng phát minh,…

Nguyên nhân gây rối loạn nhân cách hoang tưởng

Giống như các nhân cách bất thường khác, nguyên nhân gây rối loạn nhân cách hoang tưởng vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, các giả thuyết được đặt ra đều ủng hộ chứng bệnh này là kết quả của sự kết hợp giữa di truyền và yếu tố môi trường.

Các yếu tố có liên quan đến cơ chế bệnh sinh của rối loạn nhân cách hoang tưởng:

  • Sang chấn tâm lý trong quá khứ: Đa số những người có dạng nhân cách hoang tưởng đều thiếu tình cảm gia đình từ khi còn nhỏ, bị lạm dụng và bạo hành. Vì không được nuôi dưỡng trong môi trường lành mạnh nên những đứa trẻ này khi lớn lên sẽ hình thành sự nghi ngờ vô căn cứ về mọi thứ.
  • Di truyền: Các chuyên gia nhận thấy, nhân cách hoang tưởng thường phát triển ở những người có tiền sử gia đình bị rối loạn nhân cách hoang tưởng, tâm thần phân liệt và một số rối loạn tâm thần khác.
  • Các yếu tố khác: Ngoài di truyền và trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ, nguy cơ mắc rối loạn nhân cách hoang tưởng tăng lên đáng kể khi có những yếu tố như là từng ly hôn, ly thân, hóa bụa, lớn lên trong hoàn cảnh nghèo khó. Ngoài ra, các chuyên gia tâm thần cũng nhận thấy, người Mỹ bản địa và người da đen có nguy cơ phát triển dạng nhân cách này cao hơn các chủng tộc khác.

Rối loạn nhân cách hoang tưởng nguy hiểm không?

Rối loạn nhân cách hoang tưởng không làm suy giảm các chức năng tâm lý – xã hội như các rối loạn tâm thần khác. Tuy nhiên, sự nghi ngờ vô căn cứ về lòng trung thành của tất cả mọi người khiến bệnh nhân gặp phải nhiều vấn đề trong các mối quan hệ. Ngoài ra, nhạy cảm quá mức với những lời chỉ trích cũng khiến người bệnh liên tục phải đối mặt với các cuộc gây gổ và đôi khi dính líu đến luật pháp.

Người phát triển dạng nhân cách Paranoid khó có thể duy trì các mối quan hệ lâu dài do sự nghi ngờ vô lý của bản thân. Những người có dạng tính cách này thường sẽ ly hôn sau một thời gian chung sống và hiếm khi có bạn bè thân thiết.

nhân cách hoang tưởng là gì
Người có nhân cách hoang tưởng dễ phát triển chứng trầm cảm, loạn thần và rối loạn hoang tưởng nếu không được điều trị kịp thời

Ngoài ra, tính cách nghi kỵ và nhạy cảm cũng khiến bệnh nhân khó phát triển sự nghiệp. Bởi đa số công việc đều đòi hỏi phải làm việc nhóm và duy trì mối quan hệ thân thiết với mọi người.

Bản thân người bị rối loạn nhân cách hoang tưởng luôn hồ nghi mọi thứ nên gần như không có khả năng thư giãn, luôn căng thẳng và cảnh giác. Điều này ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe tinh thần và có thể gia tăng các vấn đề như trầm cảm, rối loạn lo âu,… Trong trường hợp nặng, nhân cách hoang tưởng có thể phát triển thành bệnh loạn thần và rối loạn hoang tưởng.

Nếu không được điều trị, bản thân người bị rối loạn nhân cách hoang tưởng sẽ khó có thể duy trì chất lượng cuộc sống. Ngược lại, thăm khám và điều trị kịp thời giúp giảm bớt sự hồ nghi với mọi người, loại bỏ tính cách thù hằn, học cách vị tha và khoan nhượng. Theo đánh giá của các chuyên gia, rối loạn nhân cách hoang tưởng có tiên lượng đa dạng nhưng phần lớn đều có tiên lượng thuận lợi hơn so với 2 loại nhân cách khác của nhóm A là rối loạn nhân cách phân liệt và rối loạn nhân cách dạng phân liệt.

Chẩn đoán rối loạn nhân cách hoang tưởng

Rối loạn nhân cách hoang tưởng được công nhận là rối loạn tâm thần chính thức trong Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần (DSM-5). Do đó, bác sĩ sẽ dựa vào tiêu chuẩn DSM-5 để đưa ra chẩn đoán. Vì triệu chứng của nhân cách hoang tưởng khá giống với các rối loạn tâm thần khác nên quá trình chẩn đoán có thể mất nhiều thời gian.

Chẩn đoán nhân cách hoang tưởng chủ yếu dựa vào biểu hiện lâm sàng. Tuy nhiên, vì bệnh nhân không nhận thấy sự bất thường của bản thân nên cần có sự hỗ trợ của những người xung quanh. Sự đóng góp của mọi người sẽ giúp bác sĩ nhìn nhận khách quan sự hồ nghi dai dẳng, vô lý của người bệnh.

Để loại trừ một số khả năng có thể xảy ra, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng như xét nghiệm máu, CT, MRI sọ não,… Trắc nghiệm tâm lý cũng được thực hiện để đánh giá khách quan sức khỏe tâm thần của bệnh nhân.

Thực tế, khoảng 75% người bị rối loạn nhân cách hoang tưởng có một dạng rối loạn nhân cách khác như rối loạn nhân cách chống đối xã hội, rối loạn nhân cách ranh giới hoặc rối loạn nhân cách né tránh. Vì vậy, chẩn đoán sẽ được thực hiện đồng thời để phát hiện các nhân cách bất thường mà người bệnh mắc phải.

Các phương pháp điều trị rối loạn nhân cách hoang tưởng

Rối loạn nhân cách hoang tưởng gây cản trở sâu sắc trong các mối quan hệ – nghề nghiệp. Vì vậy, sau một thời gian khởi phát, những người xung quanh dễ dàng nhận ra sự bất thường của người bệnh. Sau khi chẩn đoán, bác sĩ sẽ xem xét các phương pháp điều trị thích hợp.

Các phương pháp điều trị được cân nhắc cho bệnh nhân rối loạn nhân cách hoang tưởng:

1. Trị liệu tâm lý

Trị liệu tâm lý là phương pháp chính trong điều trị rối loạn nhân cách hoang tưởng. Tuy nhiên, trị liệu cho người mắc chứng bệnh này sẽ khó khăn hơn so với các rối loạn nhân cách khác. Lý do là vì bệnh nhân luôn nghi ngờ mọi người, cho rằng họ có ý đồ xấu hoặc cố ý hạ thấp bản thân. Do đó, chuyên gia phải mất nhiều thời gian để xây dựng sự tin tưởng với người bệnh. Có như vậy, bệnh nhân mới chấp nhận trị liệu và kiên trì trong quá trình điều trị.

Liệu pháp tâm lý tập trung vào việc xây dựng sự tin tưởng với mọi người, học cách đồng cảm, chia sẻ và yêu thương. Bên cạnh đó, liệu pháp này còn giúp bệnh nhân nâng cao lòng tự trọng và cải thiện giao tiếp, tương tác xã hội.

Quá trình trị liệu tâm lý cho bệnh nhân rối loạn nhân cách hoang tưởng thường mất nhiều thời gian do bệnh nhân tỏ ra nghi ngờ và thậm chí đặt câu hỏi về động cơ của nhà trị liệu. Do đó, gia đình cần hỗ trợ để quá trình trị liệu diễn ra thuận lợi và mang lại kết quả tốt nhất.

Rối loạn nhân cách hoang tưởng là gì
Trị liệu cho bệnh nhân rối loạn nhân cách hoang tưởng sẽ mất thời gian hơn so với các rối loạn nhân cách khác

Các liệu pháp tâm lý được sử dụng trong quá trình trị liệu rối loạn nhân cách hoang tưởng:

2. Sử dụng thuốc

Liệu pháp hóa dược không phải là phương pháp chính trong điều trị rối loạn nhân cách hoang tưởng. Tuy nhiên, thuốc có thể được sử dụng để giảm sự căng thẳng, lo âu và trầm cảm ở một số bệnh nhân. Ngoài ra, dùng thuốc cũng giúp nâng đỡ tinh thần trong quá trình trị liệu và tránh được tình trạng bệnh nhân kích động, gây hấn.

Rối loạn nhân cách hoang tưởng là gì
Một số bệnh nhân sẽ phải sử dụng thuốc để cải thiện tâm trạng lo âu, căng thẳng và trầm cảm

Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị rối loạn nhân cách hoang tưởng:

  • Thuốc chống loạn thần
  • Thuốc chống trầm cảm
  • Thuốc an thần, giải lo âu

Sử dụng thuốc giúp cải thiện một số triệu chứng của rối loạn nhân cách hoang tưởng. Tuy nhiên, thuốc chỉ được xem là liệu pháp hỗ trợ. Vì vậy, người bệnh vẫn phải trị liệu tâm lý để xóa bỏ sự nghi ngờ vô căn cứ, hình thành lòng tin và sự đồng cảm với những người xung quanh.

3. Các biện pháp hỗ trợ

Rối loạn nhân cách là bệnh tâm thần mãn tính và kéo dài suốt đời. Do đó, bệnh nhân rối loạn nhân cách hoang tưởng cần phải có biện pháp hỗ trợ để quản lý và kiểm soát bệnh thành công. Các biện pháp này giúp ích rất nhiều trong việc giảm căng thẳng, xây dựng lòng tin và khơi gợi tình yêu thương, vị tha.

Các biện pháp hỗ trợ dành cho bệnh nhân rối loạn nhân cách hoang tưởng:

  • Trang bị các kỹ thuật thư giãn để giải tỏa căng thẳng, lo lắng do tính cách đa nghi. Các biện pháp này còn giúp bệnh nhân ngủ ngon giấc, giảm căng cơ, đau đầu,…
  • Gia đình cần tạo môi trường sống lành mạnh, không xung đột, nghi kỵ và nên bày tỏ tình yêu thương, đồng cảm để bệnh nhân thuận tiện điều trị. Môi trường sống thuận lợi giúp bệnh nhân giảm bớt sự nghi ngờ và xây dựng lòng tin với những người xung quanh.
  • Khuyến khích người bệnh tham gia các hoạt động có ý nghĩa như thiện nguyện, bảo vệ môi trường, các dự án phi lợi nhuận,… để khơi gợi lòng trắc ẩn và vị tha.
  • Giúp bệnh nhân tránh xa những thói quen xấu như hút thuốc lá, sử dụng bia rượu và chất gây nghiện. Các thói quen thiếu lành mạnh này có thể khiến mức độ căng thẳng và nghi ngờ trở nên nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, lạm dụng rượu bia và chất gây nghiện còn là điều kiện để phát triển các rối loạn tâm thần khác.

Rối loạn nhân cách hoang tưởng là một dạng rối loạn tâm thần chứ không đơn thuần là đặc điểm tính cách như nhiều người vẫn lầm tưởng. Vì người bệnh không nhận ra sự bất thường của bản thân nên việc phát hiện bệnh phụ thuộc vào gia đình, bạn bè và đồng nghiệp. Nếu được chăm sóc sức khỏe kịp thời, bệnh nhân có thể cải thiện cuộc sống và tháo gỡ những khó khăn trong các mối quan hệ – nghề nghiệp.

Tham khảo thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *