Trẻ bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế nên làm gì để cải thiện?

Trẻ bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế thường lặp đi lặp các hành vi mang tính cưỡng chế, thường xuyên cảm thấy lo âu, bồn chồn, một số khác rất khó khăn trong việc học tập thường ngày. Tìm hiểu rõ về bệnh, kiểm soát việc dùng thuốc, giúp con thư giãn tinh thần và chia sẻ với con nhiều hơn chính là những điều phụ huynh cần làm từ ngay bây giờ.

Tìm hiểu về rối loạn ám ảnh cưỡng chế ở trẻ nhỏ

Trẻ nhỏ cũng là đối tượng có nguy cơ bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế (Obsessive Compulsive Disorder/ OCD) rất cao, do liên quan đến các tiền sử di truyền từ gia đình, trẻ từng mắc các bệnh lý nguy hiểm liên quan đến nhiễm trùng nhiễm khuẩn hay liên quan đến những ám ảnh từ quá khứ. Sự mất cân bằng cấu trúc trong não bộ hoặc rối loạn các chất dẫn truyền thần kinh cũng được cho là có liên quan trực tiếp đến bệnh.

vệ sinh tay chân nhiều quá mức
Hội chứng OCD thường gặp ở những trẻ trên 15 tuổi với các triệu chứng điển hình như rửa tay nhiều quá mức

OCD là một dạng rối loạn lo âu nên trẻ cũng thường sống trong trạng thái lo âu quá mức, tâm trạng căng thẳng, bồn chồn, kích động nếu những ám ảnh nghi thức của con không được thực hiện. Con có xu hướng đề cao sự hoàn hảo, lặp đi lặp lại một hành động đến hàng chục lần nhưng vẫn không thể an tâm được. Chẳng hạn

  • Rửa tay hàng chục lần, hàng trăm lần nếu vô tình chạm vào tay nắm cửa; nếu tay chưa rửa mà chạm vào mặt thì cần phải rửa mặt ngay; nếu có ai chạm vào tóc thì phải gội đầu ngay
  • Luôn kiểm tra đi kiểm tra lại các vấn đề như đã mang đủ sách vở để đi học hay chưa, có quên bút không, có khóa cửa phòng chưa. Con cứ đi ra đi vào để kiểm tra điều này đến trễ giờ học mà không thể kiểm soát được
  • Cảm thấy cực kỳ căng thẳng và khó chịu nếu thấy các đồ vật sắp xếp lộn xộn, không có quy luật, không cân bằng. Nếu không nhanh chóng được sắp xếp lại con sẽ cảm thấy cực kỳ khó chịu, khó thở, kích động
  • Có xu hướng đề cao sự hoàn hảo và dễ nghi ngờ hơn bình thường
  • Trẻ bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế thường yêu thích các trò chơi, bộ môn mang tính trí tuệ hơn là những thứ về thể chất. Một số trẻ có thể từ chối việc học thể dục ở trường học
  • Không chỉ nghi ngờ bản thân, con còn nghi ngờ về cả các hành động của cha mẹ. Chẳng hạn khi đi ra ngoài cùng nhau nhưng con không biết bố mẹ đã khóa cửa, tắt gas chưa và yêu cầu bố mẹ quay lại kiểm tra. Tình trạng này cứ lặp đi lặp lại hàng chục lần mà con vẫn không thể yên tâm
  • Có xu hướng tách biệt bản thân, khó gần, khó kết bạn do con khác biệt với mọi người. Chẳng hạn như việc con không muốn bắt tay, không muốn bạn chạm vào mình vì sợ lây nhiễm bệnh
  • Các cảm xúc cưỡng chế xuất hiện thường trực khi con gặp các tình huống gây khó chịu hoặc kéo dài ít nhất 1 tiếng/ 1 lần trong vòng 6 tháng liên tiếp
  • Ở những trẻ đang có độ tuổi vị thành niên nên có thể xuất hiện các ám ảnh cưỡng chế liên quan đến tình dục, đặc biệt ở trẻ nam nhưng chỉ ở mặt suy nghĩ, không bị thôi thúc thực hiện. Tuy nhiên con phải cố gắng kiểm soát các suy nghĩ này nên cực kỳ căng thẳng và lo lắng.

Bệnh thường có xu hướng xuất hiện ở những nhóm trẻ trên 15 tuổi còn nếu ở dưới độ tuổi này thường có các biểu hiện khá phức tạp và dễ tiến triển xấu hơn. Phát hiện và điều trị sớm đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống cho trẻ nhỏ.

Trẻ bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế thường trở nên cô đơn bởi con gặp khó khăn trong việc kết bạn hoặc cũng không thể kết nối được với chính cha mẹ. Một số trẻ có thể bị bạn bè cô lập, bắt nạt khi đi học khiến cho các cảm xúc lo âu, bồn chồn và căng thẳng của con ngày càng nghiêm trọng hơn. Trẻ mắc chứng bệnh này đa số đều là những người có xu hướng cầu toàn và thông minh nhưng vì mất quá nhiều thời gian trong các hành vi cưỡng chế và căng thẳng nên cũng ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng học tập.

Ngoài ra, rối loạn cảm ảnh cưỡng chế ở trẻ nhỏ còn ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách ở trẻ nhỏ. Con có xu hướng trở thành một người hay cáu gắt, khó bộc lộ cảm xúc, tâm lý bất ổn, ích kỷ, thường chỉ nghĩ cho nhu cầu cá nhân thay vì nghĩ cho những người xung quanh.

Bên cạnh đó các nghiên cứu còn chỉ ra trẻ bị OCD thường có xu hướng mắc đồng thời với các bệnh lý khác như rối loạn TIC và rối loạn tăng động giảm chú ý hay trầm cảm nếu không được hỗ trợ đúng cách. Do đó gia đình cần nhanh chóng phát hiện và đưa con đi thăm khám kịp thời để phòng tránh các hệ lụy xấu khác xuất hiện làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của con.

Cha mẹ nên làm gì để giúp trẻ bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế

Bên cạnh hai phương pháp điều trị chính hiện nay là dùng thuốc hỗ trợ và trị liệu tâm lý thì sự hỗ trợ của cha mẹ là cực kỳ quan trọng để có thể sớm kiểm soát bệnh cho con. Do con chưa thực sự hiểu về tình trạng của bản thân đồng thời các nhận thức chưa hoàn chỉnh nên sự trợ giúp của cha mẹ ở giai đoạn này sẽ kiểm soát được tối đa các hệ lụy xấu của bệnh, đồng thời hỗ trợ phát triển toàn diện về cả nhân cách và trí tuệ.

Cha mẹ nên tham gia các buổi trị liệu tâm lý cùng con

Trị liệu tâm lý là phương pháp đang áp dụng cho rất nhiều trẻ bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế cùng con vì có thể đem đến nhiều kết quả cải thiện tốt, không có tác dụng phụ như khi dùng các loại thuốc Tây. Chuyên gia tâm lý sẽ giải thích cho con hiểu về vấn đề của mình, tìm kiếm nguồn gốc của nỗi ám ảnh, qua đó tìm cách giúp con thoát khỏi giới hạn kìm kẹp bản thân.

đưa trẻ đi thăm khám và điều trị
Phụ huynh nên tham gia các buổi thăm khám và trị liệu tâm lý cùng con

Phụ huynh nên tham gia các buổi trị liệu tâm lý cùng con không chỉ để giúp con không quá sợ hãi mà còn để hiểu chính xác hơn về con, về tình trạng của con cũng như tìm ra cách hỗ trợ con phù hợp. Thực tế không phải phụ huynh nào cũng hiểu chính xác về OCD, quá trình chăm sóc con nếu không đúng cách có thể gây ra căng thẳng cho cả cha mẹ và con cái.

Phụ huynh nên dành thời gian tìm hiểu kỹ hơn về căn bệnh này thông qua việc trò chuyện và tham gia các buổi tư vấn tâm lý với con. Một số buổi tư vấn nhà trị liệu có thể yêu cầu trị liệu cá nhân 1- 1 với con thì phụ huynh có thể không được tham gia, còn nếu chuyên gia cho phép thì phụ huynh nên luôn đồng hành bên con.

Thực tế khi chăm sóc con cái mắc các vấn đề tâm lý như trầm cảm, lo âu rất nhiều phụ huynh bị mắc bệnh theo bởi không biết phải làm thế nào, tự trách chính mình vì đã khiến con như vậy và cảm thấy bất lực, vô dụng. Vì vậy việc trò chuyện với chuyên gia tâm lý không chỉ giúp phụ huynh biết cách hỗ trợ con mà còn để khai mở đầu óc, hướng đến sự lạc quan và phòng tránh nguy cơ mắc các vấn đề này.

Theo dõi và nhắc nhở khi trẻ bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế

Trẻ bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế cần phải sử dụng một số loại thuốc để kiểm soát các trạng thái lo âu, bồn chồn quá mức của bản thân, thường là Clomipramine, Fluvoxamine, Fluoxetine, Paroxetine, Sertraline,… Phụ huynh cần theo dõi, nhắc nhở để đảm bảo con uống thuốc hằng ngày, đúng liều lượng thì mới có thể giảm được tần suất các triệu chứng xuất hiện.

Việc dùng các loại thuốc này thường kèm theo khá nhiều tác dụng phụ không tốt nhưng nếu không dùng thuốc thì cũng khó để kiểm soát các cảm xúc không mong muốn cho con. Tuy nhiên trẻ nhỏ lại rất thường ghét uống thuốc, sợ uống thuốc vì vậy phụ huynh cần cố gắng luôn nhắc nhở con phải uống thuốc.

Hãy thử ghi giấy note để dán trên bàn ăn, tủ lạnh để con dễ nhìn thấy. Mẹ cũng có thể chuẩn bị các hộp thuốc dễ thương để đặt thuốc vào và để vào cặp con khi con đi học.

Học cách sống chung cùng rối loạn ám ảnh cưỡng chế cùng trẻ

Thực tế thì những ám ảnh cưỡng chế của trẻ không chỉ ảnh hưởng lên con mà còn tác động đến cả những người xung quanh. Chẳng hạn nếu con vô tình thấy nhà bếp của mẹ đang bừa bộn sẽ cực kỳ khó chịu, kích động và muốn mẹ làm sạch nhanh chóng hay việc con không muốn cha mẹ bế mình, chạm tay vào mình vì bị chứng ám ảnh sạch sẽ. Vì vậy phụ huynh cũng cần học cách chung sống hòa bình với ám ảnh cưỡng chế.

Nếu trẻ bị ám ảnh sạch sẽ hãy cố gắng giữ gìn nhà cửa sạch sẽ nhất mức có thể, đặc biệt ở trong khu vực phòng ngủ của con. Hoặc nếu con bị ám ảnh về các con số hãy cất tất cả những thứ hay hạn chế các câu chuyện, hành động khiến con nghĩ về những con số. Hoặc ở những trẻ thường xuyên bị ám ảnh bởi việc kiểm tra thì phụ huynh hãy luôn để con nhìn thấy các hành động khóa cửa rồi để con viết ra giấy nhớ hoặc thậm chí là quay phim lại. Để khi bản thân con muốn quay trở lại kiểm tra thì phụ huynh có thể đưa ra bằng chứng rằng tất cả mọi việc đã an toàn.

Cứng rắn hơn với trẻ bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế

Phụ huynh không phải lúc nào cũng nên đồng tình hay khuyến khích các hành động cưỡng chế của con. Chẳng hạn như lúc nào trẻ cũng đòi quay về kiểm tra đã khóa cửa chưa, kể cả khi đã có các bằng chứng xác thực là phụ huynh cũng quay về, điều này có thể làm chính cha mẹ mệt mỏi. Đôi khi điều này không giúp con cải thiện bệnh mà chỉ khiến tình trạng thêm tồi tệ.

Trẻ bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế
Cứng rắn đúng lúc, giúp con giữ bình tĩnh thay vì la mắng con là những điều mà phụ huynh nên làm

Cứng rắn với con cũng là điều cần thiết, hãy để con tiếp xúc với nỗi ám ảnh, điều này có thể giảm dần cảm giác hoảng loạn khi nghĩ về nó. Chẳng hạn khi con luôn lo lắng và nhất định đòi quay về nhà, nếu không sẽ gào thét, hoảng loạn thì phụ huynh hãy yêu cầu con bình tĩnh, ngồi xuống và hít thở sâu. Sau đó yêu cầu con xem lại các bằng chứng mà chính con đã thực hiện, giải thích cho con rằng cửa nhà đã an toàn, gas đã tắt nên con có thể hoàn toàn yên tâm tiếp tục đi chơi.

Tuy nhiên cần lưu ý rằng phụ huynh không nên quát mắng hay chỉ trích các hành vi kích động của trẻ bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Các cảm xúc này xuất hiện là do con bị bệnh, không phải tính cách thực của con, nếu con bị phụ huynh la rầy sẽ càng trở nên buồn tủi hơn.

Hãy chia sẻ và trò chuyện cùng con hằng ngày

Trẻ bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế thường có xu hướng đọc sách, nghiên cứu hơn là vui đùa cùng cha mẹ hay trò chuyện cùng bạn bè. Tuy nhiên thực tế thì nhu cầu muốn được nói chuyện hay chia sẻ là điều mà ai cũng có, đặc biệt với những người có những nỗi ám ảnh như con. Do trẻ gặp khá nhiều khó khăn trong việc kết bạn nên phụ huynh cũng cần làm bạn bè với con để giải tỏa tâm lý cho con tốt hơn.

Phụ huynh hãy giải thích cho con rằng OCD là gì, vì sao con lại bị như thế. Cha mẹ cũng có đặt cho căn bệnh này những biệt danh thú vị để con không nghĩ rằng mình đang mắc các bệnh nghiêm trọng, bệnh hiểm nghèo khi suốt ngày phải gặp gỡ bác sĩ.

Bên cạnh đó phụ huynh cũng cần khuyến khích con kể về các trải nghiệm cá nhân hằng ngày của bản thân để đưa đến cho con những lời khuyên hữu ích. Khuyến khích con nghiên cứu và học tập nhiều hơn, chú tâm vào các hoạt động mới cũng là cách để giảm các triệu chứng cưỡng chế xuất hiện hằng ngày. Trò chuyện cùng con hằng ngày còn chính là biện pháp để ngăn ngừa nguy cơ con mắc trầm cảm.

Thực hiện các biện pháp thư giãn tinh thần và kiểm soát cảm xúc

Như đã nói, OCD khiến người bệnh trở nên quá khích hoặc thậm chí là ngất xỉu nếu không ám ảnh nghi thức của họ không được thực hiện. Chẳng hạn một đứa trẻ bị ám ảnh sạch sẽ có thể ngất xỉu nếu con phải chạm tay vào bồn cầu. Hoặc một đứa quan trọng quá mức về sự cân bằng có thể trở nên kích động nếu nhìn thấy những cuốn sách trong hiệu sách không được sắp xếp theo đúng quy luật.

Trẻ bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế
Yoga và thiền có thể giúp con kiểm soát được các cảm xúc kích động của bản thân

Trẻ nhỏ khác người lớn ở chỗ con chưa có nhiều trải nghiệm, chưa có đầy đủ nhận thức rõ ràng nên chưa thể kiểm soát những cảm xúc của bản thân. Những cảm xúc kích động của con nếu không được kiểm soát có thể gây ảnh hưởng rất nhiều cho bản thân con và những người xung quanh. Chẳng hạn con có thể bắt mọi người phải sắp xếp những cuốn sách theo trật tự mà con đề ra, điều này là không thể.

Không phải lúc nào cũng có cha mẹ ở bên để kiểm soát các cảm xúc của con nên việc hướng dẫn con các biện pháp để lấy lại sự bình tĩnh, thư giãn tinh thần là rất cần thiết. Cụ thể như

  • Liệu pháp hít thở giúp con duy trì sự bình tĩnh khi đối diện với các tình huống gây căng thẳng
  • Cùng con thực hành thiền hằng ngày để cân bằng tâm trí, loại bỏ những cảm xúc tiêu cực vào mỗi cuối ngày
  • Rủ con cùng luyện tập thể dục thể thao hằng ngày để nâng cao sức khỏe và tâm trí
  • Trà thảo dược và các liệu pháp mùi hương cũng giúp ích rất nhiều trong việc giúp con thư giãn và kiểm soát cảm xúc
  • Đảm bảo con có thể ngủ đủ giấc hằng ngày

Chăm sóc sức khỏe cho trẻ bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế

Phụ huynh cũng cần chú ý hơn về chế độ chăm sóc và nâng cao sức khỏe hằng ngày cho trẻ nhỏ. Một chế độ dinh dưỡng khoa học, lành mạnh có thể giúp ích rất nhiều cho những đứa trẻ bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế trong việc đẩy lùi dần các triệu chứng bệnh. Cụ thể

  • Bổ sung nhóm các thực phẩm giàu Protein lành mạnh trong trứng, đậu và thịt nạc
  • Các nhóm cá béo như cá hồi, cá cá trích hay cá thu được đánh giá cực kỳ tốt cho những người bị OCD
  • Thực phẩm chứa carbs phức có trong nhóm các thực phẩm như rau xanh, các loại trái cây, các loại ngũ cốc
  • Nhóm các loại hạt như hạt đậu nành, hạt hạnh nhân hay óc chó
  • Sử dụng đủ 2 – 2,5 lít nước mỗi ngày, tùy theo trong lượng cơ thể, nên bổ sung thêm các loại nước ép trái cây thay vì các loại nước có chất tạo ngọt
  • Các thực phẩm có khả năng chống viêm, các thảo dược hỗ trợ thư giãn tinh thần hay tốt cho giấc ngủ, chẳng hạn như hoa cúc, bạc hà..
  • Tránh xa đồ ăn chiên xào nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhanh, đồ ăn công nghiệp
  • Phụ huynh nên ưu tiên việc nấu đồ ăn cho con tại nhà để đảm bảo dưỡng chất, độ sạch sẽ và phù hợp với mong muốn của con

Thực tế việc sống chung và hỗ trợ điều trị cho trẻ bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế chưa bao giờ là một điều dễ dàng nên phụ huynh cần tìm kiếm sự giúp đỡ thông qua chuyên gia tâm lý, bác sĩ, các cuốn sách hay hội nhóm có cùng chủ đề này. Ngoài ra nếu trong gia đình có thành viên khác thì phụ huynh cũng nên giải thích cho con hiểu và có thể giúp đỡ anh/ chị/ em thay vì ghen tị khi bố mẹ dành quá nhiều thời gian cho người đó. Hy vọng những chia sẻ trên đây đã mang đến cho bạn nhiều thông tin hữu ích.

Có thể bạn quan tâm

Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *