Cha Mẹ Cần Làm Gì Khi Con Trẻ Có Dấu Hiệu Bị Trầm Cảm?
Khi biết tin con bị trầm cảm, ắt hẳn các bậc cha mẹ đều không biết nên làm gì. Những thông tin hữu ích trong bài viết sẽ giúp gia đình có hướng xử lý đúng đắn ngay khi nhận thấy con trẻ có biểu hiện bất thường.
Cha mẹ nên làm gì khi con bị trầm cảm?
Trầm cảm là một dạng rối loạn cảm xúc thường gặp với tỷ lệ dân số mắc bệnh là 5%. Bệnh lý này gặp chủ yếu ở người trưởng thành, đặc biệt là ở giai đoạn mang thai và sau khi sinh. Tuy nhiên hiện nay, không ít trẻ nhỏ có biểu hiện trầm cảm từ rất sớm (thường là giai đoạn dậy thì).
Trầm cảm là trạng thái cảm xúc giảm thấp dai dẳng khiến cho trẻ luôn u sầu, buồn bã, bi quan, tuyệt vọng và giảm hứng thú với mọi thứ xung quanh. Ban đầu, bệnh chỉ ảnh hưởng đến cảm xúc nhưng sau đó cả tư duy và hành vi cũng sẽ bị ức chế dẫn đến một loạt các triệu chứng nghiêm trọng như giảm khả năng tập trung, trả lời chậm chạp, giọng nói nhỏ, giam mình trong phòng và cô lập với mọi người.
Thông thường, các triệu chứng trầm cảm tiến triển rất chậm nhưng ở trẻ nhỏ, tâm lý nhạy cảm khiến các triệu chứng khởi phát nhanh hơn. Nếu tinh ý, bố mẹ sẽ nhận thấy những điểm bất thường ở con trẻ. Mặc dù tỷ lệ mắc bệnh tăng lên đáng kể nhưng những hiểu biết về trầm cảm vẫn chưa thực sự rộng rãi. Do đó, nhiều bậc cha mẹ không biết nên làm gì khi con có dấu hiệu trầm cảm.
Những thông tin sau sẽ giúp gia đình vững vàng hơn và biết cách xử lý khi con trẻ bị trầm cảm:
1. Nâng cao hiểu biết về bệnh trầm cảm
Hiểu biết về bệnh trầm cảm sẽ giúp bố mẹ biết cách xử lý trước những hành vi bất thường và có thái độ, cách ứng xử phù hợp hơn. Hiện nay, trên internet có khá nhiều thông tin về các vấn đề sức khỏe tâm thần thường gặp nên gia đình có thể tham khảo để hiểu về đặc điểm, cơ chế bệnh sinh, căn nguyên, tiến triển và cách phương pháp điều trị – chăm sóc.
Trầm cảm là một dạng rối loạn cảm xúc với đặc điểm là khí sắc giảm thấp kéo dài gây ra những ảnh hưởng sâu sắc đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Hiện nay, các chuyên gia vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây ra chứng bệnh này nhưng thấy rõ vai trò của gen di truyền và các sự kiện sang chấn.
Ở những người bị trầm cảm, các chuyên gia nhận thấy sự sụt giảm nồng độ serotonin ở khe synap. Serotonin là chất dẫn truyền thần kinh tạo ra cảm giác vui vẻ, hứng thú, hưng phấn, lạc quan, đồng thời chi phối cảm giác thèm ăn và sự sáng tạo, linh hoạt. Sụt giảm serotonin khiến cho người bệnh phải đối mặt với tình trạng khí sắc trầm buồn, chán nản, bi quan, giảm hứng thú,…
Mặc dù nguyên nhân chưa được biết rõ nhưng hiện nay các phương pháp điều trị phần nào kiểm soát được triệu chứng và tiến triển của bệnh. Nếu tích cực điều trị và được chăm sóc đúng cách, trẻ có thể phục hồi sức khỏe và ổn định cuộc sống.
Ngược lại, những trường hợp chủ quan có thể khiến bệnh tình nghiêm trọng dần theo thời gian và dẫn đến một loạt những biến chứng như trẻ giam mình trong phòng, mất khả năng học tập, không thể tự thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân,… và nghiêm trọng nhất là trẻ có thể nảy sinh ý nghĩ tự sát.
Khi hiểu được những ảnh hưởng sâu sắc của bệnh trầm cảm, gia đình sẽ ý thức phải cho trẻ đến gặp bác sĩ và chuyên gia tâm lý trong thời gian sớm nhất. Thăm khám sớm sẽ giúp giảm thiểu tối đa những ảnh hưởng của bệnh và mức độ đáp ứng với điều trị cũng sẽ tốt hơn.
2. Tạo mối quan hệ thân thiết và đáng tin cậy với con
Trong nhiều trường hợp, mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái là một trong những yếu tố khiến con có biểu hiện trầm cảm. Do đó, gia đình cần xây dựng mối quan hệ thân thiết và đáng tin cậy với con cái. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều trong việc điều trị và tạo động lực để con biết rằng luôn có gia đình ở bên cạnh.
Khoảng cách thế hệ khiến cho không ít bố mẹ gặp khó khăn trong việc kết bạn và thân thiết với con. Thay vì hỏi những câu cứng nhắc, bố mẹ nên hỏi con cảm thấy như thế nào và thể hiện sự quan tâm bằng cái ôm, nụ cười dịu dàng. Ban đầu, con có thể cảm thấy không dễ chịu nhưng dần dần, trẻ sẽ mở lòng với gia đình.
Khi trẻ đã thoải mái hơn, bố mẹ có thể hỏi han về chuyện trường lớp, bạn bè và những vấn đề khó khăn trẻ đang phải đối mặt. Có thể bắt đầu bằng việc kể những câu chuyện mà trước đây ở lứa tuổi của con bố mẹ cũng gặp phải. Trong cuộc trò chuyện, bố mẹ nên thể hiện sự nhẹ nhàng, thoải mái, tránh hỏi dồn dập khiến con cảm thấy khó chịu và mệt mỏi.
Ngoài ra, bố mẹ cũng cần thông báo với những thành viên khác về tình trạng sức khỏe của con để mọi người có cách hành xử phù hợp. Bởi trẻ bị trầm cảm rất nhạy cảm với những yếu tố tâm lý. Nếu những người xung quanh vô ý, trẻ có thể bị tổn thương và buồn bã sâu sắc hơn.
3. Khuyến khích, động viên trẻ thăm khám
Sau khi chia sẻ cùng con, bố mẹ nên khuyến khích con đến gặp bác sĩ tâm lý. Đề nghị này có thể khiến trẻ nhạy cảm và phản ứng quá khích. Bố mẹ nên trấn an tinh thần con bằng cách chia sẻ với con những vướng mắc, khó khăn về mặt tâm lý đã từng phải trải qua để trẻ hiểu rằng bất cứ ai cũng có những tổn thương tâm lý. Nếu không tìm kiếm sự giúp đỡ, tình trạng sẽ tệ hơn và người đau khổ nhất chính là bản thân.
Khi thăm khám, bố mẹ nên đặt lịch hẹn trước để tạo cho con tâm lý thoải mái nhất. Ngoài ra, gia đình nên đi cùng con và thường xuyên động viên để trẻ biết rằng luôn có bố mẹ ở bên cạnh dù cho có chuyện gì xảy ra.
4. Hỗ trợ con trẻ sử dụng thuốc
Sau khi thăm khám, bác sĩ sẽ tư vấn cho gia đình về bệnh tình của con và các phương pháp điều trị. Trong thời gian đầu, trẻ sẽ phải sử dụng thuốc để điều hòa các chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ, từ đó giảm những triệu chứng tâm thần và thể chất do trầm cảm gây ra.
Trẻ còn khá nhỏ nên chưa ý thức được vai trò của việc sử dụng thuốc hằng ngày. Do đó, cần hướng dẫn trẻ uống thuốc và kiểm tra thường xuyên để tránh tình trạng trẻ tự gây nôn. Các loại thuốc điều trị trầm cảm có thể gia tăng hành vi tự sát ở trẻ em và thanh thiếu niên trong thời gian đầu sử dụng. Chính vì vậy, gia đình cần theo sát trẻ để kịp thời có biện pháp xử lý.
Thuốc chống trầm cảm gây ra khá nhiều tác dụng phụ. Ngoài việc hướng dẫn trẻ sử dụng thuốc đủ liều, bố mẹ cần chú ý đến những biểu hiện của con để phát hiện sớm và thông báo với bác sĩ khi có tác dụng ngoại ý. Các triệu chứng trầm cảm có thể thuyên giảm nhanh sau vài tháng sử dụng. Tuy nhiên, trẻ cần phải duy trì dùng thuốc trong ít nhất 6 tháng để ngăn ngừa tái phát.
5. Tham gia trị liệu tâm lý cùng con
Bên cạnh liệu pháp hóa dược, trị liệu tâm lý cũng là phương pháp quan trọng trong điều trị bệnh trầm cảm. Phương pháp này tác động đến cảm xúc, tư duy và hành vi của trẻ với mục đích kiểm soát triệu chứng và xây dựng cho trẻ những phẩm chất tốt. Quá trình trị liệu sẽ kéo dài khoảng vài tháng hoặc lâu hơn tùy theo tình trạng sức khỏe của từng trẻ.
Trị liệu tâm lý được thực hiện theo nhiều hình thức khác nhau bao gồm trị liệu cá nhân, trị liệu nhóm và trị liệu gia đình. Đối với trẻ nhỏ, gia đình có vai trò rất quan trọng. Do đó, gia đình nên tham gia trị liệu cùng con để thấu hiểu tâm lý và có cách ứng xử phù hợp hơn.
Trong trường hợp gia đình không trọn vẹn, bố mẹ thường xuyên gây gổ và những tính cách không tốt, trị liệu tâm lý sẽ giúp điều chỉnh hành vi của tất cả thành viên trong gia đình. Ngoài ra, phương pháp này cũng mang lại hiệu quả đối với gia đình có tiền sử trầm cảm và mắc các rối loạn cảm xúc khác.
6. Tổ chức các hoạt động gia đình
Trẻ bị trầm cảm thường mất đi hứng thú với mọi thứ xung quanh và cảm thấy cuộc sống không còn vui vẻ hay thú vị. Vì vậy, bố mẹ nên tổ chức các hoạt động gia đình để gắn kết con với những thành viên khác. Các hoạt động này còn giúp trẻ trang bị thêm kỹ năng giao tiếp và tăng khả năng thích ứng.
Tùy theo độ tuổi, mẹ có thể tổ chức các trò chơi cho những thành viên trong gia đình để tạo niềm vui. Ban đầu trẻ có thể không thoải mái nhưng với sự khích lệ của mọi người, trẻ sẽ dần mở lòng và muốn tham gia cùng.
Khi con trẻ đã thoải mái hơn, gia đình nên tổ chức những buổi dã ngoại hoặc du lịch để con tìm niềm vui trong cuộc sống. Đồng thời khơi gợi cảm giác thích thú và phấn khởi sau những chuỗi ngày trẻ phải đối mặt với tâm trạng ủ rũ, buồn rầu.
7. Bày tỏ sự quan tâm và yêu thương mỗi ngày
Trong thời gian chống chọi với trầm cảm, trẻ rất cần sự quan tâm và chia sẻ từ những người thân trong gia đình. Ngoài bố mẹ, những người thân khác cũng nên bày tỏ sự thấu cảm và yêu thương để trẻ có động lực vượt qua bệnh tật. Đối với anh chị em ruột của trẻ, bố mẹ nên trò chuyện để các con hiểu rõ vấn đề và biết cách quan tâm hơn.
Tuy nhiên, gia đình không nên chăm nom một cách thái quá. Bởi trẻ bị trầm cảm luôn cho rằng bản thân vô dụng và kém cỏi. Nếu người thân lo lắng và chăm sóc quá mức, trẻ sẽ cho rằng mình chính là gánh nặng của gia đình. Điều này khiến trẻ nghĩ đến cái chết và thôi thúc các hành vi tự sát.
Tốt nhất những thành viên trong gia đình cần giữ được lạc quan và vui vẻ. Hỗ trợ trẻ trong quá trình điều trị và những công việc hằng ngày. Khi tình trạng đã ổn định, nên khuyến khích trẻ thực hiện một số công việc đơn giản và dành lời khen để con có động lực duy trì những hành vi tích cực.
8. Chú ý đến sức khỏe thể chất của con
Trầm cảm không chỉ ảnh hưởng đến cảm xúc mà còn gây ra những tác động nhất định đến sức khỏe thể chất. Nguyên nhân sâu xa là do sự sụt giảm của serotonin và rối loạn các chất dẫn truyền thần kinh khác. Trẻ bị trầm cảm thường có biểu hiện chán ăn hoặc ăn uống quá độ, mất ngủ, táo bón, rối loạn tiêu hóa,…
Nếu để kéo dài, trẻ có thể phải đối mặt với chứng suy nhược cơ thể, đau mỏi vai gáy, tăng đường huyết, chậm phát triển thể chất,… Vì vậy, gia đình cần quan tâm đến sức khỏe thể chất của con bên cạnh đời sống tinh thần. Thể trạng tốt giúp nâng đỡ tinh thần và hỗ trợ trẻ đáng kể trong việc phục hồi.
Trong thời gian bị trầm cảm, trẻ có thể bị chán ăn. Vì vậy, mẹ nên làm những món ăn mà con yêu thích và dễ tiêu hóa. Cần đảm bảo trẻ ăn đủ bữa và cung cấp thêm dinh dưỡng thông qua các bữa ăn phụ. Bên cạnh đó, nên khuyến khích trẻ tập thể thao, hỗ trợ bố mẹ làm việc nhà,…
Nếu trẻ gặp khó khăn trong việc học tập, gia đình có thể cho trẻ nghỉ một thời gian và hỏi ý kiến của trẻ trước khi cho trẻ đi học trở lại. Đối với những trường hợp trầm cảm nặng, trẻ sẽ gặp khó khăn khi học tập và đôi khi bị bạn bè cô lập do những biểu hiện bất thường. Vì vậy, có thể cho trẻ theo học các trung tâm giáo dục đặc biệt để thuận tiện cho việc điều trị và phục hồi chức năng tâm lý xã hội.
9. Hướng dẫn con những biện pháp giảm stress
Trẻ bị trầm cảm luôn cho rằng bản thân đã phạm phải lỗi lầm và là người kém cỏi, vô dụng. Những ý nghĩ này khiến trẻ thường xuyên bị căng thẳng, lo lắng, buồn bã và sợ hãi. Do đó, bố mẹ nên hướng dẫn con những biện pháp giảm stress để giải tỏa phần nào kiểm soát những cảm xúc tiêu cực.
Các biện pháp giảm stress đơn giản như vẽ tranh, chơi trò chơi, tập thể dục, nấu nướng,… rất thích hợp với trẻ nhỏ. Những hoạt động này không chỉ giúp thư giãn mà còn gắn kết trẻ với gia đình. Ngoài ra, mẹ cũng có thể cho trẻ sử dụng một số loại trà có tác dụng xoa dịu căng thẳng như trà nghệ, mật ong, trà hoa cúc,…
10. Khuyến khích con phát huy sở thích
Vì không tìm thấy hứng thú và mất đi sự quan tâm với mọi khía cạnh của cuộc sống nên người bị trầm cảm dễ buông xuôi, sống khép kín và nghĩ đến cái chết. Để giúp trẻ vực dậy tinh thần, gia đình nên khuyến khích phát huy sở thích và năng khiếu.
Khi theo đuổi đam mê, con sẽ tìm ra niềm vui và sự hứng thú trong cuộc sống. Ngoài ra, phát triển năng khiếu cũng giúp trẻ định hướng nghề nghiệp trong tương lai và gia tăng cơ hội khi tìm kiếm việc làm. Những sở thích bố mẹ nên khuyến khích trẻ phát huy bao gồm đọc sách, chơi nhạc, ca hát, nấu nướng, đan len, may vá, thêu thùa, học ngoại ngữ hoặc khám phá bất cứ điều gì mà con yêu thích.
Khuyến khích con phát triển năng khiếu và sở thích cũng thể hiện sự tôn trọng đối với trẻ. Nếu trước đây trẻ luôn bị kiểm soát và áp đặt, đây sẽ là cơ hội để bố mẹ “sửa sai”. Những thay đổi tích cực từ gia đình giúp ích rất nhiều trong quá trình điều trị trầm cảm cũng như phòng ngừa bệnh tái phát.
11. Tạo điều kiện cho trẻ kết bạn
Sau khi đã xây dựng sự gắn kết giữa trẻ và gia đình, bố mẹ nên tạo điều kiện cho con kết bạn. Có thể bắt đầu từ những người họ hàng ít gặp và bạn bè cùng lớp. Trẻ bị trầm cảm thường sẽ e ngại khi kết bạn và trò chuyện với những người không thân thiết. Do đó, bố mẹ có thể tổ chức tiệc và các trò chơi có tính chất giải trí, sau đó mời các bạn của trẻ đến.
Trẻ nhỏ sẽ rất nhanh bị cuốn hút bởi sự náo nhiệt và hòa nhập vào cuộc vui. Từ đó sẽ dễ dàng kết bạn mới và biết cách thích nghi, duy trì các mối quan hệ.
12. Chăm sóc sức khỏe cho chính mình
Khi con bị trầm cảm, bố mẹ sẽ phải đối mặt với hàng tá khó khăn và thử thách. Tâm lý nhạy cảm của con và áp lực từ định kiến, chỉ trích từ những người xung quanh đôi khi vắt kiệt hết sức lực của bố mẹ. Vì vậy ngoài việc chăm sóc con, bố mẹ cũng cần biết cách chăm sóc sức khỏe cho chính mình.
Thực tế, những cảm xúc và hành vi bất thường của con ảnh nhiều đến tâm lý của gia đình – đặc biệt là người mẹ. Rất nhiều người suy sụp tinh thần khi con cái bị trầm cảm. Nếu cần thiết, gia đình nên trị liệu tâm lý để nâng đỡ tinh thần và ổn định cảm xúc khi đón nhận tin con trẻ bị trầm cảm.
Hy vọng những thông tin hữu ích trên đã giúp cha mẹ biết nên làm gì khi con trẻ bị trầm cảm. Ban đầu, gia đình sẽ mất nhiều thời gian để quen với việc chăm sóc trẻ. Nếu cần sự hỗ trợ, đừng ngần ngại liên hệ với trung tâm y tế phường, xã để tìm kiếm sự giúp đỡ.
Tham khảo thêm:
- Rối Loạn Cảm Xúc Ở Trẻ Em: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu Và Điều Trị
- Trẻ nhút nhát thiếu tự tin: Nguyên nhân, dấu hiệu và khắc phục
- Dấu hiệu nhận biết rối loạn hành vi ở trẻ và cách khắc phục
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!