Bị Bạn Bè Trêu Chọc Ảnh Hưởng Đến Tâm Lý Trẻ Thế Nào?

Bị bạn bè trêu chọc ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý của con trẻ. Ban đầu, trẻ sẽ trở nên rụt rè, nhút nhát, thu mình và có thể phát triển thành các vấn đề tâm lý nếu không được điều trị kịp thời.

Vì sao trẻ hay bị bạn bè trêu chọc?

Trong quãng đời học sinh, không ít lần trẻ bị bạn bè trêu chọc. Ban đầu, những hành vi trêu chọc chỉ là những câu nói bông đùa để tạo niềm vui. Tuy nhiên, trẻ cũng có thể phải đối mặt với những hành vi trêu chọc có tính chất nghiêm trọng. Ở lứa tuổi còn đi học, hầu hết trẻ đều chưa ý thức được sức nặng của lời nói và hành vi trêu chọc đối với tâm lý. Nhiều trẻ vô tư lấy khuyết điểm của người khác để bàn tán, chê cười.

Bị bạn bè trêu chọc khiến con trẻ bị ảnh hưởng sâu sắc về mặt tâm lý và tác động đáng kể đến quá trình học tập. Tuy nhiên, trẻ hầu như không được hướng dẫn các kỹ năng để đối phó và vượt qua tình huống này. Trẻ ở từng độ tuổi sẽ có cách bắt nạt, trêu chọc khác nhau nhưng nhìn chung, trẻ trêu chọc người khác chỉ vì thỏa mãn thú vui và khẳng định bản thân.

khi con bị bạn bè trêu chọc
Trẻ dễ bị bạn bè trêu chọc nếu sống trong gia đình không hạnh phúc, tác phong thiếu chỉn chu, luộm thuộm,…

Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị bạn bè trêu chọc, trong đó đặc điểm tính cách và nhiều thiếu sót trong việc học, kỹ năng sống chính là những nguyên nhân phổ biến nhất. Một số lý do khiến trẻ trở thành đối tượng bị trêu chọc:

  • Tính cách nhút nhát, tự ti, thụ động
  • Thường xuyên tè dầm, quần áo không ngay ngắn, vệ sinh cá nhân kém,…
  • Gia cảnh khó khăn
  • Gia đình không trọn vẹn (mất bố/ mẹ hoặc bố mẹ ly hôn)
  • Trẻ là dân tộc thiểu số với ngoại hình không ưa nhìn, giọng nói khó nghe cũng là đối tượng dễ bị bạn bè trêu chọc
  • Trẻ phát âm không chuẩn, giọng nói ngọng
  • Trẻ có ngoại hình gầy gò, ốm yếu hoặc mập mạp
  • Ngoại hình không ưa nhìn và có một số khiếm khuyết như các bệnh về da, tóc xoăn,…
  • Thành tích học tập kém, thường xuyên bị cô giáo phê bình và kiểm điểm trước lớp

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Có thể thấy, trẻ bị bắt nạt đa phần đều là những trẻ yếu thế về gia cảnh, ngoại hình và thành tích học tập. Trong khi đó, những trẻ chuyên trêu chọc và bắt nạt trẻ khác thường có gia đình giàu có, ngoại hình ưa nhìn. Ngoài ra, một số trẻ có thể trạng cao lớn và tính cách hung dữ cũng có xu hướng trêu chọc trẻ nhỏ con, yếu thế trong lớp.

Thực tế, có một số trẻ học rất giỏi và ngoan ngoãn nhưng vẫn bị trêu chọc. Trong trường hợp này, nguyên nhân có thể do tâm lý ganh ghét hoặc mâu thuẫn do trẻ không chấp nhận chỉ bài các bạn trong giờ kiểm tra. Ngoài ra, các học sinh có thành tích tốt thường được thầy cô giáo tin cậy và giao cho một số nhiệm vụ. Đây cũng là lý do trẻ trở thành đối tượng bị các học sinh quậy phá bắt nạt và trêu chọc.

Bị bạn bè trêu chọc ảnh hưởng như thế nào đến tâm lý trẻ?

Các hành vi, lời nói trêu chọc ở mức độ cho phép thường không ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của trẻ. Ngược lại, đây cũng là cách để các con trang bị kỹ năng xử lý tình huống và học cách kiểm soát cảm xúc. Tuy nhiên, nếu việc trêu chọc diễn ra thường xuyên, tâm lý của trẻ sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.

Trẻ khi bị bạn bè trêu chọc sẽ có nhiều xáo trộn về mặt tâm lý. Nếu gia đình không chú ý, trẻ sẽ phải đối mặt với tổn thương tâm lý nghiêm trọng. Để có biện pháp khắc phục phù hợp, bố mẹ cần hiểu rõ ảnh hưởng tâm lý của trẻ khi bị bạn bè chế nhạo, cười chê.

1. Trở nên nhút nhát, thụ động

Một số trẻ có tính cách nhút nhát và tự ti nên bị bạn bè trêu chọc. Tuy nhiên, cũng có một số trẻ hoạt bát, vui vẻ trở nên thụ động do thường xuyên bị bạn bè cười chê. Khi bạn bè nhắm vào những khuyết điểm của trẻ như khuôn mặt xấu xí, tóc xoăn, thân hình mập mạp, gầy ốm, da ngăm đen,… trẻ sẽ dần tự ti về bản thân và cho rằng mình thua kém so với mọi người.

Làm gì khi bị bạn bè trêu chọc
Bạn bè trêu chọc thường xuyên khiến con trở nên nhút nhát và thiếu tự tin vào bản thân

Nhiều trẻ thu mình và ít giao tiếp với bạn bè vì lo sợ những lời bản thân nói ra chính là điểm để người khác cười chê và trêu chọc. Lúc này, trẻ cũng sẽ ngại thể hiện mình và không dám nêu lên ý kiến. Thậm chí nhiều trẻ bị ám ảnh bởi thân hình, mái tóc, màu da và giọng nói của chính mình.

2. Sợ sệt không muốn đến trường

Khi đối mặt với hành vi trêu chọc từ bạn bè, trẻ luôn cảm thấy khó chịu, xấu hổ và sợ hãi. Vì vậy, trẻ có thể bày tỏ mong muốn không đến trường học. Tuy nhiên, gia đình thường nhầm lẫn biểu hiện này với tâm lý chán học, lười biếng. Nếu chú ý, bố mẹ sẽ nhận thấy trẻ bị tổn thương tâm lý do bạn bè trêu chọc thường trực nỗi sợ và lo lắng khi nói về trường lớp.

Ở tuổi ăn tuổi học, đáng ra trẻ phải có tính cách vui vẻ, lạc quan vì chưa phải lo lắng quá nhiều về cuộc sống. Thế nhưng, những trẻ bị bắt nạt và trêu chọc thường sợ sệt đến trường, trẻ gần như không có bất cứ niềm vui nào từ việc học và cũng không chia sẻ với gia đình những câu chuyện ở trường lớp.

3. Ảnh hưởng đến quá trình học tập

Tâm lý sợ sệt, lo lắng và xấu hổ khi bị bạn bè trêu chọc khiến trẻ không thoải mái và giảm sự tập trung khi học tập. Gia đình sẽ dễ dàng nhận thấy kết quả của trẻ giảm sút đáng kể mặc dù trẻ vẫn chăm chỉ và không có biểu hiện lười học. Bởi tâm lý không thoải mái sẽ khiến trẻ học trước quên sau và tiếp thu kém bài giảng của thầy cô.

4. Thiếu tự tin vào bản thân

Trẻ thường xuyên bị trêu chọc có xu hướng thiếu tự tin vào bản thân. Bởi những khuyết điểm như mập mạp, mũi tẹt, da ngăm, tóc xoăn, giọng nói ngọng,… chính là điểm mà các trẻ khắc nhắm đến nhằm cười chê và chọc quê trẻ.

Mặc dù các trẻ khác đôi khi không có ác ý nhưng lời nói, hành vi trêu chọc xảy ra thường xuyên sẽ khiến trẻ luôn mặc cảm về những khuyết điểm của bản thân mà quên mất rằng bản thân mình cũng có không ít thế mạnh.Thiếu tự tin vào bản thân khiến trẻ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống và rất khó để có thể thành công trong tương lai. Do đó, gia đình cần quan tâm đến tâm lý và hướng dẫn con một số kỹ năng cần thiết bên cạnh những kiến thức được dạy ở trường.

5. Tăng nguy cơ mắc các vấn đề tâm lý

Trong vài năm trở lại đây, tỷ lệ trẻ có các vấn đề tâm lý tăng lên đáng kể. Trong đó, phải kể đến những nguyên nhân phổ biến nhất là áp lực học tập, cha mẹ áp đặt, kiểm soát quá mức và bị bạn bè bắt nạt, trêu chọc. Thực tế, nhiều trẻ đã bày tỏ với gia đình việc bị bạn bè trêu chọc nhưng người lớn cho rằng trêu chọc là vấn đề trẻ con, không đáng bận tâm.

Không nhận được sự đồng cảm từ gia đình, trẻ sẽ dần thu mình và sống tách biệt. Trẻ sẽ tự chịu đựng những hành vi bắt nạt, trêu chọc và thậm chí là bạo lực từ bạn bè mà không hề nói với gia đình. Bởi trẻ cho rằng bố mẹ lại tiếp tục phản ứng như cũ và thứ duy nhất trẻ nhận lại được chính là sự thất vọng.

bị bạn bè trêu chọc
Tổn thương tâm lý khi bị bạn bè trêu chọc có thể phát triển thành các vấn đề tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu,…

Nếu gia đình không phát hiện sớm, tổn thương tâm lý khi bị bạn bè trêu chọc sẽ phát triển thành các vấn đề tâm lý như:

  • Trầm cảm ở học sinh
  • Rối loạn lo âu
  • Rối loạn sợ xã hội
  • Hội chứng Self-Harm
  • Rối loạn ăn uống (thường xảy ra với những trẻ bị bạn bè trêu chọc bởi thân hình mập mạp)
  • Hội chứng sợ xấu
  • Rối loạn hành vi
  • Gây ra sự méo mó trong quá trình hình thành nhân cách và nhiều khả năng trẻ sẽ bị rối loạn nhân cách

Nhiều trường hợp trẻ có hành vi đánh trả bạn bè hoặc thực hiện một số hành vi trả thù do sự tức giận tích tụ trong một thời gian dài. Trước sự việc, đa phần phụ huynh đều có phản ứng đầu tiên là trách móc và phê bình con. Rất ít người bình tĩnh và hỏi con nguyên nhân sâu xa. Cách cư xử và phương pháp giáo dục không phù hợp là nguyên nhân gián tiếp khiến trẻ bị tổn thương tâm lý nghiêm trọng.

Vượt qua tổn thương tâm lý khi bị bạn bè trêu chọc

Tổn thương tâm lý của trẻ khi bị bạn bè trêu chọc chính là rào cản khiến con khó khăn trong học tập, phát triển bản thân và đánh mất đi niềm vui trong cuộc sống. Trường hợp nghiêm trọng con có thể phải đối mặt với các vấn đề tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn ăn uống,… Sự hỗ trợ kịp thời của gia đình sẽ giúp con vượt qua tổn thương tâm lý và biết cách đối phó với hành vi trêu chọc từ bạn bè.

Khi phát hiện con bị bạn bè bắt nạt, bố mẹ có thể áp dụng một số phương pháp xử lý sau:

1. Trò chuyện cùng con và trao đổi với thầy cô

Đầu tiên, bố mẹ nên trò chuyện cùng con để hiểu rõ những hành vi trêu chọc mà con phải chịu đựng. Trong cuộc trò chuyện, bố mẹ cần giữ bình tĩnh và trấn an tinh thần trẻ. Tránh tình trạng thể hiện sự tức giận và trách móc vì sao con lại để bạn bè trêu học, tại sao không có hành động phản kháng hay chủ động thông báo với giáo viên.

Hơn ai hết, con trẻ là người tổn thương nhất khi bị bạn bè trêu chọc. Vì vậy, bố mẹ phải cư xử để trẻ thấy rằng, gia đình luôn là chỗ dựa vững chắc con có thể dựa vào khi gặp phải khó khăn trong cuộc sống. Cần tạo cho con sự tin tưởng để con có thể chia sẻ ngọn ngành sự việc.

bị bạn bè trêu chọc
Bố mẹ nên trao đổi với trẻ để nắm rõ sự việc trước khi thông báo với giáo viên chủ nhiệm

Sau khi lắng nghe sự việc từ con, bố mẹ nên trao đổi với thầy cô để tìm phương án xử lý. Nếu sự việc không quá nghiêm trọng, giáo viên chủ nhiệm sẽ có hình thức kỷ thuật trẻ có hành vi bắt nạt và trêu chọc. Trong trường hợp cần thiết, ban giám hiệu sẽ phải xử lý sự việc để tránh những ảnh hưởng lâu dài đối với học sinh.

Thông báo với giáo viên sẽ giúp sự việc được xử lý sớm, qua đó giúp trẻ nhanh chóng ổn định tinh thần và được học tập trong môi trường lành mạnh.

2. Cải thiện những điểm thường bị bạn bè trêu chọc

Trẻ nhỏ chưa ý thức được việc vệ sinh cá nhân và chỉn chu trong cách ăn mặc. Chính vì vậy, trẻ có thể bị những trẻ khác trêu ghẹo và chọc phá. Khác với người trưởng thành, trẻ nhỏ không biết cách ứng xử và tinh tế trong lời nói nên nếu không thay đổi, con vẫn sẽ tiếp tục bị bạn bè trêu chọc dù có thay đổi trường học.

Bố mẹ nên hướng dẫn con cách vệ sinh cá nhân để giữ cơ thể luôn thơm tho, sạch sẽ. Khuyến khích con mang theo một số vật dụng để sử dụng khi cần như khăn giấy, cồn rửa tay, nước súc miệng,… Ngoài ra, cần giáo dục trẻ ăn mặc chỉn chu và tươm tất khi đến trường. Đối với con gái, bố mẹ cũng cần hướng dẫn con chọn kiểu tóc phù hợp với lứa tuổi.

Bên cạnh đó, gia đình cần giúp con cải thiện một số vấn đề khác như nói ngọng, béo phì, thành tích học tập kém,… Thay đổi những điều này không chỉ giúp con vượt tổn thương tâm lý khi bị bạn bè trêu chọc mà còn giúp con khỏe mạnh và tự tin hơn. Khi có nhiều thế mạnh, con sẽ có lòng tin vào bản thân và biết rằng những hành vi trêu chọc của bạn bè hoàn toàn không phải lỗi của con.

3. Khẳng định bản thân thông qua thành tích học tập

Thành tích học tập tốt giúp con tự tin hơn trong cuộc sống, dễ dàng kết bạn và thoát khỏi hành vi trêu chọc của bạn bè. Với thành tích học tập xuất sắc, trẻ sẽ có nhiều bạn bè nên ít khi để tâm đến những lời nói và hành vi trêu chọc. Không ít trẻ suy sụp sau khi bị bạn bè trêu chọc và có tâm lý không muốn đến trường. Bố mẹ nên an ủi, động viên và khuyến khích để con biết rằng, hành vi sai phạm của người khác chưa bao giờ là lỗi của con.

Động viên con lấy sự việc vừa rồi làm động lực để học tập khẳng định bản thân thay vì sợ hãi, lo lắng. Bố mẹ nên trò chuyện nhẹ nhàng và cho trẻ thấy rằng gia đình sẽ luôn ở bên cạnh con dù có bất cứ chuyện gì xảy ra. Ban đầu trẻ rất khó để tìm thấy niềm vui trong học tập. Do đó, gia đình cần đồng hành cùng con, đồng thời chú ý đến thế mạnh và hạn chế của trẻ.

tổn thương tâm lý khi con bị bạn bè bắt nạt
Cần giúp trẻ cải thiện thành tích học tập để vượt qua tổn thương tâm lý do bị bạn bè bắt nạt

Năng lực của mỗi trẻ là khác nhau. Tuy nhiên với sự hỗ trợ của gia đình, thành tích học tập của trẻ chắc chắn sẽ được cải thiện ít nhiều. Kết quả học tập tốt giúp trẻ ý thức được rằng bản thân hoàn toàn có năng lực và có quyền được đối xử công bằng. Bên cạnh đó, nên khơi gợi tinh thần ham học để hướng con đến những phẩm chất tốt và giúp con tạo dựng tương lai xán lạn.

4. Hướng dẫn con cách xử lý khi bạn trêu chọc

Để tránh tình trạng lặp lại, bố mẹ nên hướng dẫn con cách xử lý khi bạn trêu chọc. Trước tiên, cần giúp trẻ học cách kiểm soát cảm xúc và giữ sự bình tĩnh. Khuyên trẻ nên trao đổi trực tiếp với kẻ bắt nạt và đề nghị đối phương dừng ngay hành vi trêu chọc. Nếu đối phương không thỏa hiệp, trẻ nên thông báo với giáo viên chủ nhiệm và gia đình.

Động viên trẻ nên chia sẻ những vấn đề khó khăn trong cuộc sống với bố mẹ và anh chị em. Gia đình cũng cần thay đổi cách giáo dục hà khắc và áp đặt quá mức khiến con cái e ngại, ít chia sẻ – nhất là trong giai đoạn tuổi dậy thì. Xử lý khi bị bạn bè trêu chọc là kỹ năng quan trọng đối với học sinh. Khi được trang bị đầy đủ kỹ năng, trẻ có thể chủ động phòng ngừa tình trạng này và giúp đỡ các học sinh khác vượt qua những hành vi trêu chọc tiêu cực.

5. Xem xét chuyển trường học

Nếu con trẻ bị tổn thương tâm lý sâu sắc, gia đình nên xem xét chuyển trường học. Không giống với người lớn, trẻ rất khó để có thể vượt qua nỗi ám ảnh và bình thường hóa cuộc sống sau khi trải qua sự kiện gây sang chấn. Do đó, nên cho con chuyển trường để có thể học tập trong môi trường lành mạnh.

Chuyển trường chỉ là giải pháp tạm thời để trẻ quên đi tổn thương khi bị trêu chọc và bắt nạt. Bố mẹ nên trang bị cho con những kỹ năng cần thiết để đối mặt, vượt qua với những tình huống không mong muốn. Có như vậy, tình trạng bắt nạt mới không tiếp tục tái diễn.

6. Trị liệu tâm lý – Chữa lành tổn thương tâm lý khi bạn bè trêu chọc

Trẻ nhỏ rất dễ bị tổn thương do chưa tâm lý nhạy cảm và chưa có đủ nhận thức để đánh giá khách quan sự việc. Nhiều trẻ bị bắt nạt cho rằng bản thân thua kém người khác về nhiều mặt và xấu xí nên xứng đáng bị đối xử như vậy. Tâm lý này khiến trẻ trở nên tự ti, nhút nhát, thu mình và có khả năng phát triển các vấn đề tâm lý.

Nếu cần thiết, gia đình nên cho trẻ trị liệu tâm lý. Phương pháp này giúp trẻ vượt qua tổn thương tâm lý, học cách kiểm soát cảm xúc và tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống. Bên cạnh đó, chuyên gia cũng sẽ giúp trẻ trang bị các kỹ năng cần thiết để chủ động hơn và biết cách xử lý những tình huống không mong muốn xảy ra trong cuộc sống.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu

Bị bạn bè trêu chọc ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của trẻ. Mức độ ảnh hưởng sẽ phụ thuộc vào tính chất của hành vi và thời gian trẻ phải đối mặt với việc bị trêu chọc. Bên cạnh những quan tâm đến sức khỏe và việc học của con, gia đình cũng cần đồng hành cùng trẻ vượt qua các vấn đề khó khăn trong cuộc sống.

Tham khảo thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *