Dấu Hiệu Nhận Biết Rối Loạn Hành Vi Ở Trẻ Và Cách Khắc Phục

Rối loạn hành vi ở trẻ là một dạng rối loạn tâm thần nghiêm trọng đang ngày càng xảy ra phổ biến. Các bậc phụ huynh cần chú ý theo dõi biểu hiện của con trẻ để có sự quan tâm kịp thời. Việc thăm khám và điều trị muộn tiềm ẩn rất nhiều hệ lụy cho bản thân trẻ và những người xung quanh.

rối loạn hành vi ở trẻ em
Rối loạn hành vi ở trẻ em là một dạng rối loạn tâm thần nghiêm trọng cần sớm phát hiện và điều trị

Rối loạn hành vi ở trẻ em là gì?

Rối loạn hành vi (Conduct Disorder – CD) là dạng rối loạn tâm thần thường gặp ở những người dưới 18 tuổi. Riêng những trường hợp phát triển sau tuổi 18 sẽ được chẩn đoán là rối loạn nhân cách chống đối xã hội.

Rối loạn hành vi ở trẻ em đặc trưng bởi các biểu hiện cảm xúc và hành vi bất thường, không phù hợp với tiêu chuẩn của xã hội. Cụ thể là hành vi hung hăng, tàn bạo, đe dọa tới tài sản hay quyền lợi của người khác. Các hành vi này có xu hướng lặp đi lặp lại thường xuyên trong ít nhất 6 tháng.

Nghiên cứu chỉ ra rằng, hầu hết các trường hợp rối loạn hành vi ở trẻ đều khởi phát triệu chứng trước 10 tuổi. Triệu chứng của bệnh có xu hướng tiến triển trong một thời gian dài.

Bệnh khởi phát càng sớm thì tiên lượng sẽ càng xấu so với những trường hợp bệnh khởi phát trong độ tuổi thanh thiếu niên. Theo số liệu ước tính, có khoảng 50% trẻ em bị rối loạn hành vi sẽ tiếp tục có những biểu hiện bất thường khi bước vào tuổi trưởng thành.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Trên thực tế, các bé trai thường có nguy cơ mắc bệnh rối loạn hành vi cao hơn. Đồng thời các triệu chứng của bệnh cũng sẽ trầm trọng hơn rất nhiều so với các bé gái.

Chứng rối loạn hành vi không được quan tâm kịp thời có thể cản trở sự phát triển bình thường của con bạn. Thậm chí là khiến trẻ gặp phải nhiều mối nguy hại đối với sức khỏe và cuộc sống.

Dấu hiệu nhận biết rối loạn hành vi ở trẻ

Trẻ em mắc chứng rối loạn hành vi thường bị đánh giá là “trẻ hư” do không chấp nhận các quy tắc của người lớn, có thái độ hung hăng và hành vi côn đồ. Tình trạng này gây ra những ảnh hưởng đáng kể tới việc học và chức năng xã hội của trẻ.

Rối loạn hành vi ở trẻ em đặc trưng bởi sự lặp đi lặp lại và kéo dài dai dẳng của các hành vi bất thường, không phù hợp với tiêu chuẩn xã hội. Hơn nữa còn xâm phạm đến thể chất và quyền lợi của người khác. Triệu chứng của bệnh có thể xảy ra liên tục trong ít nhất 6 tháng.

dấu hiệu nhận biết trẻ bị rối loạn hành vi
Trẻ bị rối loạn hành vi luôn giữ sự thù hằn, cáu giận và phẫn uất

Dưới đây là một số dấu hiệu thường gặp ở những trẻ mắc chứng rối loạn hành vi:

  • Thường xuyên chống đối và cãi lời người lớn. Nhiều trẻ còn có xu hướng la hét dữ dội.
  • Nổi giận một cách vô cớ và không có sự tương xứng với mức độ tình huống.
  • Không tuân thủ các luật lệ trong gia đình và nhà trường. Trẻ luôn từ chối thực hiện theo các yêu cầu của người lớn.
  • Không nhận lỗi, tìm cách đổ lỗi cho người khác về những sai lầm mà bản thân gây ra.
  • Hay gây hấn, bắt nạt hoặc đánh bạn học.
  • Luôn giữ sự thù hằn, cáu giận và phẫn uất.
  • Cố tình thực hiện những hành vi khiến cho người xung quanh khó chịu.
  • Dễ tự ái và tỏ thái độ khó chịu trước lời nói, hành vi của người khác ngay cả khi các lời nói và hành vi này không có tính chất xúc phạm hay châm chọc trẻ.
  • Thường xuyên thực hiện các hành vi mang tính chất ác ý, trả thù
  • Sử dụng vũ khí để tấn công người khác. Vũ khí có thể là đá nhọn, đầu bút nhọn, dao, kéo,…
  • Hay bỏ nhà đi chơi, thậm chí còn đi qua đêm mặc dù gia đình ra sức cấm cản.
  • Thường xuyên trốn học, nhất là ở những trẻ dưới 13 tuổi.
  • Thực hiện nhiều cách khác nhau để phá hủy tài sản của người khác, thường thấy nhất là cố ý phóng hỏa.
  • Bỏ nhà đi trong thời gian ngắn ít nhất 2 lần hoặc nhiều trẻ cũng có thể bỏ nhà đi trong thời gian dài.
  • Trẻ ở tuổi vị thành niên có thể cưỡng ép người khác thực hiện các hành vi tình dục.
  • Đột nhập trái phép vào nhà hay xe hơi của người khác.
  • Không đối mặt với người bị hại khi ăn trộm các đồ vật có giá trị. Còn với những món đồ giá trị thấp, trẻ có thể cố tình giành giật hay uy hiếp trực tiếp.

Các bậc phụ huynh cần biết rằng, rối loạn hành vi ở trẻ em đặc trưng bởi thái độ thù hằn dai dẳng và hành vi hung hăng, thiếu lương tâm. Điều này hoàn toàn khác với các hành vi rối loạn ở những trẻ trong độ tuổi dậy thì.

Nguyên nhân gây rối loạn hành vi ở trẻ

Cho đến nay, nguyên nhân chính gây ra chứng rối loạn hành vi ở trẻ vẫn chưa được xác định cụ thể. Tuy nhiên nó được cho là hệ quả của các yếu tố nội sinh kết hợp với các tác động của môi trường.

Theo nghiên cứu, các chuyên gia cho biết, trẻ sống trong gia đình nghèo khó, thường xuyên có bạo lực hay có bố mẹ nghiện rượu, mắc chứng rối loạn nhân cách xã hội,… sẽ có nguy cơ bị rối loạn hành vi cao hơn.

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn hành vi ở trẻ bao gồm:

1. Yếu tố nội sinh

Nhiều bằng chứng cho thấy, các yếu tố sinh học thần kinh có liên quan chặt chẽ với cơ chế phát sinh bệnh rối loạn hành vi. Cụ thể như sự khác biệt về giải phẫu não, tổn thương thần kinh, tổn thương thùy trán của não,…

Ngoài ra, những trẻ bị khuyết tật trí tuệ hay gặp vấn đề về ngôn ngữ cũng có nguy cơ bị rối loạn hành vi cao hơn. Bởi những bất thường này khiến trẻ thiếu đi sự đồng cảm, khó khăn trong việc tranh luận, không có cảm giác sợ hãi,… Từ đó sẽ nảy sinh hành vi gây hấn, hung hăng và tàn bạo.

Có nhiều yếu tố dẫn đến những bất thường về sinh học thần kinh ở trẻ em. Chẳng hạn như biến chứng chu sinh, biến chứng thai kỳ hay gen di truyền. Bên cạnh đó, việc mắc các bệnh lý nhiễm trùng ở những năm đầu đời cũng có thể khiến hệ thần kinh trung ương bị tổn thương.

2. Tác động từ môi trường

Bên cạnh yếu tố nội sinh thì những tác động từ môi trường cũng có thể tham gia vào cơ chế bệnh sinh. Nghiên cứu chỉ ra rằng, trẻ mắc chứng rối loạn hành vi thường gặp phải một số vấn đề dưới đây:

nguyên nhân gây rối loạn hành vi ở trẻ
Những trẻ được nuôi dạy bởi cha mẹ nghiện rượu có nguy cơ cao bị rối loạn hành vi
  • Từng bị lạm dụng trong quá khứ
  • Sống trong gia đình túng thiếu, nghèo khổ
  • Được nuôi dạy bởi cha mẹ bị nghiện rượu, ma túy, mắc chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội,…
  • Thường xuyên chứng kiến các mâu thuẫn, xung đột trong gia đình hay ở trường học
  • Trẻ có tính cách ngang bướng, nghịch ngộ, cứng nhắc,…
  • Kết bạn với những đứa trẻ phá phách hay mắc chứng rối loạn hành vi

Ngoài ra, việc gặp phải một số rối loạn tâm thần khác cũng làm tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn hành vi ở trẻ. Chẳng hạn như:

  • Rối loạn thách thức chống đối
  • Rối loạn tăng động giảm chú ý
  • Rối loạn lo âu
  • Rối loạn stress sau sang chấn
  • Rối loạn học tập

Rối loạn hành vi ở trẻ có nguy hiểm không?

Rối loạn hành vi ở trẻ em là dạng rối loạn tâm thần nghiêm trọng, tuyệt đối không thể xem thường. Nếu không được quan tâm sớm thì mức độ và tần suất của các triệu chứng sẽ ngày càng tồi tệ hơn.

Vốn dĩ, chứng rối loạn hành vi đã đe dọa trực tiếp đến sức khỏe cũng như cuộc sống của trẻ và những người xung quanh. Trường hợp không sớm phát hiện và điều trị thì bệnh có thể gây ra những hệ quả khôn lường, không thể khắc phục.

Các nghiên cứu còn chỉ ra, bệnh rối loạn hành vi của trẻ không được thăm khám và điều trị sẽ tiếp tục gây ra các hành vi bất thường trong tuổi trưởng thành. Hệ quả là sau 18 tuổi có thể phát triển chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội.

Chứng rối loạn hành vi ở trẻ em thường gây ra một số ảnh hưởng sau:

  • Kết quả học tập kém, minh chứng rõ ràng nhất là thường xuyên bị điểm kém
  • Suy giảm sức đề kháng do thường xuyên sa đà vào thuốc lá, rượu bia, chất gây nghiện,…
  • Trẻ dễ mắc phải bệnh lây qua đường tình dục do có xu hướng quan hệ trước tuổi và không có kiến thức để bảo vệ bản thân
  • Phạm các tội danh như dùng chất cấm, trộm cắp, lừa đảo, ngược đãi động vật,…
  • Gây tổn hại nghiêm trọng tới thể chất và tài sản của người khác. Nhiều trường hợp còn gây thương tích cho người khác.
  • Nếu không được bố mẹ quan tâm sớm, trẻ có thể trở thành những thành phần bất hảo trong xã hội.
mức độ nguy hiểm của rối loạn hành vi
Trẻ bị rối loạn hành vi có thể gây tổn hại nghiêm trọng hoặc gây thương tích cho người khác

Chẩn đoán bệnh rối loạn hành vi ở trẻ em

Rối loạn hành vi ở trẻ em là chứng bệnh có dấu hiệu rõ ràng và rất dễ nhận biết. Do đó, khi phát hiện con trẻ có những triệu chứng bất thường, các bậc phụ huynh cần sớm đưa trẻ đi thăm khám bác sĩ.

Tình trạng rối loạn hành vi ở trẻ em thường được chẩn đoán dựa vào biểu hiện triệu chứng cũng như mức độ ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của trẻ. Để chẩn đoán, bác sĩ thường cần đến một số đánh giá bao gồm:

  • Kết quả của bài kiểm tra y tế
  • Tiến trình phát triển của trẻ
  • Tiền sử chấn thương cả về cảm xúc và thể chất
  • Tiền sử sức khỏe của gia đình (nhất là bố mẹ)
  • Quá trình học tập
  • Khai thác thông tin từ phụ huynh
  • Trò chuyện, quan sát các hành vi của trẻ

Cũng giống như các chứng rối loạn tâm thần khác, rối loạn hành vi ở trẻ em thường được chẩn đoán thông qua tiêu chuẩn DSM-5 hoặc ICD-10. Trong đó, ở trường hợp này, tiêu chuẩn ICD-10 sẽ được áp dụng phổ biến hơn.

Trong một số trường hợp, rối loạn hành vi có thể xảy ra đồng thời hoặc là hệ quả của một số tình trạng sức khỏe tâm thần khác. Chẳng hạn như rối loạn học tập, rối loạn cảm xúc, rối loạn loạn thần hay rối loạn thách thức.

Ngoài ra, bác sĩ còn có thể chẩn đoán phân biệt rối loạn hành vi ở trẻ với một số rối loạn có triệu chứng tương tự. Chẳng hạn như rối loạn lưỡng cực, rối loạn trầm cảm điển hình,…

Các cách điều trị rối loạn hành vi ở trẻ

Như đã đề cập, chứng rối loạn hành vi ở trẻ có thể gây ra nhiều hệ lụy nặng nề nên tuyệt đối không được chủ quan. Việc điều trị diễn ra càng kịp thời thì tiên lượng sẽ càng tốt. Ngoài giúp làm giảm triệu chứng thì còn hỗ trợ nâng cao chất lượng cuộc sống cho trẻ.

Để nhận được kết quả điều trị tốt nhất bác sĩ thường chỉ định kế hoạch với nhiều phương thức kết hợp. Ngoài sự trợ hỗ trợ từ chuyên gia/ bác sĩ, trẻ luôn cần có sự giúp đỡ từ phía gia đình và nhà trường.

1. Tâm lý trị liệu

Tâm lý trị liệu là phương pháp được ưu tiên hàng đầu đối với chứng rối loạn hành vi ở trẻ em. Đối với trường hợp này, có thể áp dụng 3 nhóm trị liệu tâm lý chính bao gồm:

điều trị rối loạn hành vi ở trẻ em
Tâm lý trị liệu là lựa chọn ưu tiên trong điều trị rối loạn hành vi ở trẻ em

Mục tiêu của trị liệu tâm lý là trang bị cho trẻ những kỹ năng cần thiết và thay đổi các nhận thức méo mó. Đồng thời giúp gia đình có được cách giáo dục trẻ đúng đắn. Từ đó nhằm làm giảm thiểu những hành vi hung hăng và ảnh hưởng tới quyền lợi của người khác.

Trước hết, các chuyên gia tâm lý sẽ hỗ trợ gia đình cách giáo dục trẻ. Từ đó tạo ra phản ứng phù hợp với các hành vi chống đối của trẻ. Điều này sẽ giúp trẻ giảm phản ứng cãi lại hay chống đối với quy tắc của người lớn. Đồng thời giảm dần thái độ thù hằn với những người xung quanh.

Các bậc phụ huynh có thể khuyến khích con trẻ thực hiện hành vi tốt bằng cách cho phần thưởng mà trẻ yêu thích hay đơn giản là đưa ra lời khen. Nếu như trẻ có hành vi chống đối, phụ huynh nên khuyên nhủ nhẹ nhàng hoặc lờ đi. Tuyệt đối không kích thích phản ứng tức giận ở trẻ.

Trong một số trường hợp, chuyên gia có thể khuyên gia đình đưa trẻ tới các trung tâm giáo dục đặc biệt. Bởi việc học tập ở môi trường bình thường có thể khiến trẻ hung năng, thường xuyên gây hấn và bắt nạt bạn bè.

2. Sử dụng thuốc

Một số trường hợp, rối loạn hành vi có thể khiến trẻ có hành vi xung đột và gây hấn với tính chất nghiêm trọng. Hơn nữa còn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe và quyền lợi của người khác. Lúc này bác sĩ có thể cân nhắc cho trẻ sử dụng thuốc.

Tuy nhiên, việc dùng thuốc có thể khiến trẻ gặp phải nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng. Do đó bác sĩ cần phải xem xét và cân nhắc kỹ lưỡng để lựa chọn loại thuốc phù hợp nhất với trẻ.

Thông thường, với chứng rối loạn hành vi, các thuốc an thần có thể được kê toa. Các loại được dùng phổ biến là Risperidone, Clozapine và Haloperidol.

Phụ huynh cần theo dõi sát sao quá trình dùng thuốc của trẻ. Tuyệt đối không để trẻ uống thuốc quá liều. Đồng thời nếu nhận thấy trẻ xuất hiện các triệu chứng bất thường cần báo ngay cho bác sĩ được biết.

3. Sự chăm sóc của phụ huynh

Như đã đề cập, quá trình điều trị chứng rối loạn hành vi ở trẻ cần có sự phối hợp giữa chuyên gia/ bác sĩ, gia đình và nhà trường. Trong đó, phụ huynh có vai trò đặc biệt quan trọng với việc hỗ trợ trẻ cả về thể chất và tinh thần.

cách chữa rối loạn hành vi ở trẻ em
Ăn uống lành mạnh có thể giúp trẻ điều chỉnh cảm xúc, phát triển thể chất và trí não toàn diện hơn

Dưới đây là một số cách chăm sóc trẻ bị rối loạn hành vi, cha mẹ cần lưu tâm:

  • Điều chỉnh và duy trì cho trẻ chế độ ăn uống lành mạnh. Tốt nhất nên bổ sung nhiều rau củ quả tươi, thực phẩm giàu acid béo và đạm lành mạnh, vitamin, khoáng chất. Ăn uống lành mạnh sẽ hỗ trợ trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn trí não.
  • Các bậc phụ huynh cần quan tâm nhiều hơn đến cảm xúc của trẻ. Hãy thường xuyên hỏi han để trẻ chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ chân thật.
  • Khi trẻ bộc lộ cảm xúc, gia đình cần biết lắng nghe và đưa ra lời khuyên nhẹ nhàng. Tuyệt đối tránh tình trạng chỉ trách hay phê bình trẻ.
  • Cha mẹ cần tạo dựng mối quan hệ thân thiết với trẻ. Điều này sẽ giúp trẻ hình thành tính trách nhiệm và biết yêu thương mọi người. Từ đó giảm thái độ thù hằn và dần có được sự đồng cảm trước nỗi đau của người khác.
  • Khuyến khích trẻ hoạt động thể chất mỗi ngày. Ngoài ra có thể gợi ý cho trẻ tham gia các bộ môn lành mạnh như học đàn, ca hát, vẽ tranh hay học các kỹ năng sống.
  • Tuyệt đối tránh cho trẻ chơi các trò chơi bạo lực hay vùi đầu vào trò chơi điện tử. Bởi các loại trò chơi này có thể sẽ làm gia tăng hơn nữa các hành vi hung hăng của trẻ.
  • Cha mẹ nên dành thời gian cho trẻ nhiều hơn. Có thể tham gia cùng trẻ trong một số hoạt động thường ngày như dọn dẹp và trang trí nhà cửa, đọc sách, xem phim,… Đây đều là những hoạt động lành mạnh giúp trẻ điều chỉnh cảm xúc. Hơn nữa còn tạo mối liên kết chặt chẽ giữa trẻ với phụ huynh.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu

Các bậc phụ huynh cần đặc biệt cảnh giác với chứng rối loạn hành vi ở trẻ em. Bởi nếu không sớm phát hiện và điều trị thì đây chính là tiền đề của chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội khi trẻ bước vào tuổi trưởng thành. Khi phát hiện con trẻ có những triệu chứng nghi ngờ, cần chủ động đưa trẻ đến gặp bác sĩ để can thiệp kịp thời.

Có thể bạn quan tâm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *