Các lỗi tư duy thường gặp ở trẻ và 5 cách hỗ trợ con hiệu quả
Các lỗi tư duy thường gặp ở trẻ không chỉ ảnh hưởng đến hiệu suất học tập mà còn có thể gây ra những hậu quả tiêu cực trong cuộc sống hàng ngày. Để giúp trẻ vượt qua những tư tưởng sai lệch đó ba mẹ cần có biện pháp giáo dục phù hợp giúp con phát triển, tiến tới tương lai tươi sáng hơn.
Các lỗi tư duy thường gặp ở trẻ ba mẹ cần biết
Ngay từ khi sinh ra trẻ nhỏ đã là một tờ giấy trắng tinh khiết, ngây thơ hồn nhiên, tò mò mọi thứ xung quanh bản thân. Theo thời gian tác động từ môi trường xã hội, gia đình, bạn bè có thể làm thay đổi tư duy, suy nghĩ, nhận thức của trẻ về vạn vật xung quanh.
Hiện nay, sự phát triển của internet và mạng xã hội đã khiến cho trẻ tiếp xúc với các nội dung không lành mạnh từ rất sớm. Bé rất dễ bị cuốn vào những nội dung “độc hại” tác động tiêu cực đến tư tưởng, tư duy, định hướng phát triển nếu không có sự giáo dục và kiểm soát từ gia đình hay người chăm sóc.
Không nhận lỗi, trốn tránh trách nhiệm
Trẻ em thường mang trong mình sự năng động, thích khám phá mọi thứ xung quanh, tìm tòi những điều mới lạ trong cuộc sống. Chính vì vậy, không ít lần bị ba mẹ trách phạt vì những lỗi lầm bản thân gây ra. Một số trẻ có thể cảm thấy sợ hãi và áp lực khi bị phụ huynh trách mắng từ đó hình thành thói quen lẩn tránh, giấu giếm hoặc nói dối để trốn tránh trách nhiệm.
Nếu hành vi này không được điều chỉnh từ khi còn nhỏ sẽ hình thành tật nói dối và có thể trở thành một thói quen xấu trong cuộc sống hằng ngày, khiến trẻ trở nên không đáng tin cậy trong mắt ba mẹ, những người xung quanh. Chẳng hạn, khi làm vỡ một vật dụng nào đó, trẻ có thể đổ lỗi cho người khác thay vì chịu trách nhiệm và bé có thể tiếp tục lặp hành vi này trong các tình huống khác.
Lỗi tư duy thường gặp ở trẻ nhỏ này sẽ hình thành dựa trên cách phụ huynh giáo dục, nuôi dạy con. Nhiều bậc ba mẹ nghĩ rằng đây là hành vi thường gặp ở trẻ nhỏ, con có thể tự sửa trong quá trình trưởng thành. Lâu dần thói quen này sẽ ăn sâu vào trong tiềm thức của trẻ khiến bé có xu hướng trốn tránh, đùn đẩy trách nhiệm và tự cho mình là người ngoài cuộc.
Có phần thưởng mới làm việc
Đây là lỗi tư duy thường hay gặp ở trẻ xuất phát từ việc ba mẹ giáo dục, dạy dỗ sai cách khiến con hình thành suy nghĩ chỉ làm khi có một vật gì đó để trao đổi.
Một số phụ huynh thường sử dụng phần thưởng như một biện pháp để yêu cầu con làm một công việc nào đó, kể cả những nhiệm vụ nhỏ nhặt. Hành vi này vô tình khiến trẻ hình thành suy nghĩ chỉ khi nào được trả công mới làm hoặc làm qua loa cho xong việc khi không có phần thưởng đi kèm.
Trên thực tế, việc thưởng cho con khi đạt được một thành tựu nào đó là không sai nhưng nếu việc này diễn ra quá thường xuyên sẽ khiến trẻ hình thành lối sống ích kỷ, chỉ nghĩ cho bản thân mặc kệ mọi người xung quanh. Lỗi tư duy thường gặp này cũng là nguyên nhân khiến con hình thành thói quen nói dối, đùn đẩy trách nhiệm để đảm bảo lợi ích của chính mình.
Tư duy, suy nghĩ phiến diện
Trẻ em không thể đưa ra phán đoán, nhân thức cũng như đánh giá những việc xảy ra xung quanh bản thân bởi vì hầu hết trong giai đoạn này bé chưa đủ nhận thức, hiểu biết hay suy nghĩ sâu xa về vấn đề như người lớn. Thường thì các em sẽ có xu hướng đưa ra kết luận vội vàng dựa trên cái nhìn ban đầu về một tình huống nào đó trong cuộc sống.
Lỗi tư duy này thường xuất hiện trong các tình huống đơn giản như ba mẹ thường la mắng khi con phạm phải sai lầm khiến trẻ có suy nghĩ bố mẹ không còn thương mình hoặc khi ba mẹ sinh em bé trẻ thường nghĩ rằng mình sẽ bị bỏ rơi và em trai/gái chính là nguyên nhân gây nên điều đó.
Nếu ba mẹ không có biện pháp can thiệp kịp thời lỗi tư duy này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống, hiệu suất học tập, khả năng tư duy, sáng tạo, học hỏi của trẻ. Ngoài ra, tư duy, suy nghĩ phiến diện cũng góp phần hình thành nên tính cách nóng nảy, bộp chộp khiến trẻ khó đạt được thành công trong công việc, cuộc sống sau này.
Phóng đại mọi thứ
Trẻ em mang trong mình sự hồn nhiên, tô tư chính vì vậy các em rất thích khoe khoang, thể hiện bản thân để nhận lại lời khen ngợi từ những người xung quanh và đây là tâm lý hoàn toàn bình thường của trẻ nhỏ. Những lời khen ngợi khiến bé hãnh diện, hạnh phúc và đôi khi trẻ có thể xuất hiện sự sung sướng khi nhận được phần thưởng nào đó từ ba mẹ, người thân.
Tuy nhiên, chính tâm lý muốn nhận được sự ngưỡng mộ, lời khen, quan tâm, chăm sóc từ người khác đã khiến trẻ có xu hướng phóng đại mọi thứ đặc biệt là những ưu điểm và cố gắng che lấp các khuyết điểm của bản thân.
Lỗi tư duy thường gặp ở trẻ này có thể xuất hiện trong một số tình huống như khi trẻ bị té mặc dù bản thân không bị thương gì nhiều nhưng con khóc rất to với mong muốn nhận được sự dỗ dành từ cha mẹ, những người xung quanh.
Học không đi đôi với hành
Trong xã hội hiện nay, lối tư duy học không đi đôi với hành có thể bắt gặp ở cả người lớn không riêng trẻ nhỏ. Mọi người bỏ qua việc áp dụng kiến thức vào đời sống chỉ chú trọng vào học thuộc lý thuyết.
Một số em nhỏ có điểm số học tập rất cao nhưng lại thiếu kỹ năng giao tiếp, ứng phó với các tình huống trong cuộc sống hằng ngày. Nguyên nhân gây nên lỗi tư duy thường gặp ở trẻ này bắt nguồn từ việc “học vẹt” hoặc do phương pháp giáo dục chỉ chú trọng vào điểm số của một số bậc phụ huynh.
5 phương pháp khắc phục các lỗi tư duy thường gặp ở trẻ
Các lỗi tư duy thường gặp ở trẻ bắt nguồn từ việc gia đình dạy dỗ sai cách hoặc ba mẹ chưa thực sự quan tâm, chăm sóc con. Do đó, ngay khi thấy những sai lệch về hành vi, tư duy của trẻ gia đình cần điều chỉnh và can thiệp càng sớm càng tốt để tránh những tác động ảnh hưởng đến tương lai.
1.Quan tâm, chăm sóc trẻ nhiều hơn
Ba mẹ nên dành nhiều thời gian để quan tâm, chăm sóc, tâm sự với con đặc biệt là trẻ trong giai đoạn nổi loạn tuổi dậy thì. Hãy chú ý đến hành vi, suy nghĩ của con để biết được những vấn đề bé đang gặp phải.
Trong quá trình tâm sự ba mẹ nên lựa chọn những địa điểm đem lại sự thoải mái cho con như phòng ngủ riêng, khu vui chơi hoặc những nơi mà trẻ thích đến. Phụ huynh cần có thái độ nhẹ nhàng, kiên nhẫn để tránh việc tạo áp lực lên tâm lý trẻ khiến cho mọi việc ngày càng tồi tệ hơn.
Việc quan tâm, chăm sóc không chỉ giúp ba mẹ gần gũi con hơn mà còn hỗ trợ việc phát hiện cũng như phòng tránh những suy nghĩ, tư duy lệch lạc ảnh hưởng đến tính cách, tương lai của trẻ.
2.Ba mẹ cần học cách kiểm soát cảm xúc, hành vi
Điều quan trọng nhất trong việc khắc phục các lỗi tư duy thường gặp ở trẻ đó là ba mẹ cần phải biết cách kiểm soát cảm xúc, hành vi, cảm xúc và lời nói của bản thân khi ở cạnh con. Trong giai đoạn phát triển tư duy, suy nghĩ trẻ thường dễ tò mò và học theo những hành vi, lời nói của những người xung quanh.
Chẳng hạn như nếu trẻ thường xuyên nhìn thấy một người có tính cách giận dữ, hay la hét bé có thể học được phản ứng tương tự khi cảm thấy căng thẳng, áp lực. Chính vì vậy, việc cha mẹ kiểm soát, điều chỉnh được cảm xúc, hành vi không chỉ giúp trẻ học được cách quản lý cảm xúc của mình mà còn tạo ra môi trường học tập lành mạnh cho sự phát triển của con cái.
3.Lắng nghe tôn trọng ý kiến của trẻ
Việc ba mẹ cần lắng nghe, tôn trọng ý kiến của con là điều rất quan trọng trong việc khắc phục các lỗi tư duy thường gặp ở trẻ.
Thông thường, trẻ em thường khao khát được người lớn công nhận, tôn trọng khả năng của bản thân, tự do thể hiện quan điểm và ý kiến riêng của mình. Khi cha mẹ lắng nghe và tôn trọng ý kiến của trẻ góp phần xây dựng một môi trường học tập tích cực cho con.
Việc lắng nghe không chỉ giúp trẻ cảm thấy được quan tâm, chăm sóc mà còn giúp trẻ phát triển kỹ năng giao tiếp, sự tự tin. Ngay cả khi ý kiến của trẻ không chính xác, cha mẹ cần lắng nghe, hướng dẫn để trẻ hiểu rõ vấn đề hơn thay vì nói ra lời chỉ trích, chê bai. Điều này tạo cơ hội giúp con phát triển khả năng tư duy, suy nghĩ về vấn đề nào đó trong quá trình học tập.
4.Dạy con đối mặt với lỗi lầm
Ba mẹ hãy dạy trẻ cách để đối mặt với lỗi lầm mình gây ra bằng cách không nên la mắng quá mức mà hãy áp dụng các hình phạt phù hợp giúp con nhận ra bản thân đã phạm phải điều gì. Điều này không chỉ hỗ trợ việc gắn kết mối quan hệ gia đình mà còn giúp trẻ giảm căng thẳng, áp lực khi đối mặt với lỗi sai.
Đồng thời, cha mẹ cũng nên tránh sử dụng các phương pháp trừng phạt vũ lực khi con mắc phải lỗi lầm. Những biện pháp này không chỉ gây tổn thương về thể chất mà còn tác động tiêu cực đến tinh thần trẻ.
Các hình phạt có thể được áp dụng theo từng cấp độ, từ những lời nhắc nhở nhẹ nhàng đến việc áp dụng các biện pháp giáo dục tương ứng với hành vi sai trái của trẻ. Quan trọng hơn, cha mẹ không nên che giấu lỗi lầm của con bằng cách đổ lỗi cho người khác. Việc này không chỉ không giải quyết vấn đề mà còn hình thành thói vô trách nhiệm ảnh hưởng tiêu cực đến tích cách của trẻ.
Ba mẹ cũng nên tránh sử dụng các phương pháp đánh “trả thù” những đồ vật xung quanh khi con va phải nó. Những biện pháp này khiến trẻ hình thành tư duy sai lệch, thói quen đổ thừa từ đó ảnh hưởng tâm lý của trẻ.
5.Cho con tham gia các hoạt động ngoại khoá
Hãy tạo điều kiện cho con tham gia vào các hoạt động tập thể như các hoạt động như thể thao, câu lạc bộ văn hóa, âm nhạc, nghệ thuật có thể giúp trẻ phát triển kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, sự tự tin.
Ngoài ra, việc tham gia vào các hoạt động ngoại khoá cũng giúp trẻ học được cách quản lý thời gian, giải quyết xung đột và kỹ năng tự chăm sóc bản thân khi rời xa gia đình. Điều này không chỉ giúp trẻ mở rộng mối quan hệ xã hội mà còn giúp trẻ phát triển các kỹ năng mềm để đối phó với những vấn đề trong cuộc sống hằng ngày.
Các lỗi tư duy thường gặp ở trẻ xuất phát từ việc gia đình giáo dục con cái sai cách cũng như sự tập nhiễm xã hội. Ba mẹ cần đưa ra biện pháp khắc phục ngay khi phát hiện trẻ có những điều bất thường trong hành vi, lời nói để tránh những ảnh hưởng tiêu cực đến tính cách, thể chất, suy nghĩ của con.
Bạn có thể quan tâm:
- Hội chứng sợ nước (Aquaphobia): Ảnh hưởng và 2 cách vượt qua
- Thao túng tâm lý nơi công sở: Cần sớm nhận ra để ứng phó
- Hội chứng sợ qua đường (Agyrophobia) gây ra rất nhiều cản trở
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!