Tư duy sai lệch: Tìm hiểu nguyên nhân, biểu hiện và giải pháp
Trong thực tế, chúng ta không thể tránh khỏi đôi lúc có những tư duy, suy nghĩ lệch lạc, không đúng thời điểm, tình huống. Nếu có thể kịp thời nhìn nhận và điều chỉnh thì những tư duy này sẽ không gây quá nhiều ảnh hưởng đến bạn. Ngược lại, nếu tư duy sai lệch không được loại bỏ tốt sẽ gây ra hàng loạt các vấn đề rắc rối trong cuộc sống, bản thân bạn khó đạt được thành công.
Tư duy sai lệch là gì?
Tư duy sai lệch được hiểu theo một cách đơn giản nhất đó chính là những lối suy nghĩ thiếu tính khác quan cả về tính chất, mức độ của tình huống, sự việc hoặc con người. Những lối tư duy lệch lạc này thường dễ xuất hiện ở một số người có lối sống thiên về mặt cảm tính hơn so với lý tính. Bên cạnh đó, nó cũng có khả năng xuất phát từ đặc điểm tính cách của mỗi người hoặc do sự ảnh hưởng từ một số vấn đề sức khỏe tâm thần nào đó, điển hình nhất là trầm cảm.
Chẳng hạn như khi đứng trước một tình huống bất lợi, khó khăn nào đó thì những người có tư duy sai lệch luôn cố gắng nhìn nhận sai về vấn đề, bản chất của sự vật nhằm mục đích tự trấn an và bảo vệ chính mình. Khi nhận thức đã dần trở nên móp méo và bị xuyên tạc nghiêm trọng thì các phản ứng cảm xúc cũng sẽ không còn ổn định. Theo đó, mọi cảm giác tồi tệ mà bạn có được chính là hệ quả đến từ lối tư duy tiêu cực, lệch lạc.
Trong thực tế, mỗi chúng ta đều có những tư duy, suy nghĩ khác nhau về một tình huống, con người. Chúng ta không thể bảo đảm rằng tư duy của bản thân là luôn luôn đúng trong tất cả mọi hoàn cảnh, đôi lúc bản thân cũng sẽ gặp phải những sai lầm, những lối tư duy sai lệch.
Nếu có thể nhận biết và nhanh chóng điều chỉnh suy nghĩ, cảm xúc của bản thân, bắt đầu nhìn nhận sự vật, hiện tượng theo chiều hướng tích cực và đúng đắn hơn thì bạn hoàn toàn có thể thay đổi tư duy sai lệch của mình. Tuy nhiên, ở một số người, do một vài lý do nào đó mà lối tư duy này cứ mãi tồn tại, kéo dài dai dẳng. Tình trạng này sẽ dễ làm ảnh hưởng và cản trở đối với cuộc sống, rạn nứt các mối quan hệ xã hội và thậm chí nó chính là một trở ngại to lớn đối với sự thành công của mỗi người.
Những loại tư duy sai lệch thường gặp và cách nhận biết
Tư duy sai lệch nếu không được điều chỉnh kịp thời sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống hàng ngày của bạn bởi nó sẽ chi phối đến hành vi và cảm xúc của con người. Nếu cứ mãi giữ lấy những lối tư duy không đúng đắn này sẽ khiến cho bạn hình thành nên những cảm xúc tồi tệ, không còn nhìn nhận cuộc sống theo chiều hướng tích cực, lạc quan. Hơn thế, khi những suy nghĩ lệch lạc cứ mãi xâm chiếm lấy bạn sẽ thôi thúc bạn thực hiện các hành vi không phù hợp, thậm chí gây hại cho bản thân, quấy rối những người xung quanh.
Theo như đánh giá của các chuyên gia tâm lý thì lối tư duy sai lệch luôn đi kèm với một vấn đề sức khỏe tâm thần nào đó, điển hình nhất là chứng rối loạn trầm cảm hoặc bất kỳ cảm xúc bị giày vò nào khác. Khi bạn rơi vào trạng thái chán nản, tiêu cực thì danh sách các kiểu tư duy sai lệch sau đây sẽ trở nên hữu ích bởi nó giúp bạn nhận biết được bản thân đang tự lừa gạt và đánh lừa chính mình ra sao.
1. Tư duy cá nhân hóa
Đối với những trường hợp tồn tại lối tư duy này thì họ luôn có xu hướng xem bản thân chính là nguyên nhân, nguồn gốc của hầu hết các tình huống, sự kiện đau khổ đang xảy ra. Tư duy cá nhân hóa khiến họ luôn cảm thấy có lỗi, bất an. Họ luôn có xu hướng muốn ép bản thân phải làm một việc gì đó để có thể tự chuộc lại những sai lầm cho dù đó không phải hoàn toàn là lỗi do họ.
Những người có lối tư duy này luôn muốn tìm cách lẩn trốn và hạn chế tối đa việc để lại những hậu quả đáng tiếc, sợ làm ảnh hưởng đến người khác. Chính vì điều đó mà họ luôn cảm thấy bản thân vô dụng, mang nhiều tội lỗi, không dám thử sức với bất kì điều gì và chính họ là người phải nhận lại rất nhiều thiệt thòi cho mình.
Cũng chính vì lối tư duy cá nhân hóa mà không ít người dần trở nên thu mình, các hoạt động của họ cũng sẽ bị hạn chế và kiềm hãm một cách quá mức. Họ tự tạo cho mình một rào chắn, không dám thể hiện những khả năng của bản thân và ngay cả chính họ cũng không đủ can đảm để thử sức với bất kì điều gì. Những người này luôn cảm thấy sợ sệt, lo lắng ngay cả khi chưa bắt đầu, họ luôn sợ bản thân không làm được, sợ bị người khác chê cười và làm ảnh hưởng đến tập thể.
2. Tư duy sàng lọc
Khả năng sàng lọc luôn cần thiết trong cuộc sống, bởi chúng ta cần phải biết chọn lọc thông tin, kiến thức để nâng cao kỹ năng của chính mình. Tuy nhiên, đối với những người có tư duy sàng lọc lại mang một ý nghĩa tiêu cực hơn. Họ luôn tập trung vào những điều tồi tệ, những mặt bi quan của vấn đề, sự việc, con người mà quên đi những điểm tốt, những điều tích cực xung quanh.
Không chỉ một mà hầu hết tất cả các sự việc, hiện tượng nào xảy ra xung quanh, họ cũng đều chỉ quan tâm và chú ý duy nhất đến những yếu tố tiêu cực, những điều gây cản trở dù không đáng kể. Thậm chí, có một số người còn tự tách những điều tiêu cực ra khỏi sự việc hiện tại và bắt đầu liên tưởng, phóng đại chúng lên một cách thái quá.
Theo tìm hiểu thì lối tư duy sàng lọc sẽ dễ xuất hiện ở những người thường xuyên phải đối mặt với những áp lực, căng thẳng hoặc đang mắc phải một chứng rối loạn tâm thần nào đó như rối loạn lo âu, trầm cảm. Tuy nhiên, lối tư duy này cần phải nhanh chóng được loại bỏ để tránh làm mọi việc trở nên nghiêm trọng và tồi tệ hơn.
3. Tư duy trắng đen
Trong thực tế, việc phân định rạch ròi mọi thứ cũng không hẳn là một tính xấu. Tuy nhiên, những người có lối tư duy trắng đen lại sử dụng tính rạch ròi một cách quá mức. Họ có xu hướng đánh giá, nhận xét hiện tượng, sự vật, con người một cách rõ ràng, cụ thể từng chi tiết và đối với họ chỉ có trắng và đen, tốt và xấu, yêu và ghét chứ không tồn tại bất kì một ranh giới nào ở giữa.
Ví dụ như, khi lần đầu gặp gỡ một người bạn mới, nếu họ có được một ấn tượng tốt với người đó thì họ sẽ nhanh chóng đánh giá đây là một tốt toàn diện. Tuy nhiên, nếu buổi gặp đầu tiên để lại cho họ ấn tượng không tốt thì họ sẽ cho rằng đây là người xấu về mọi mặt. Thông thường thì lối tư duy sai lệch này sẽ dễ gặp ở những người bị rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế hoặc rối loạn nhân cách ranh giới.
Đối với những người sở hữu lối tư duy trắng đen thì họ sẽ gặp phải nhiều trở ngại và phiền toái trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Họ có thể đánh mất những người bạn, người thân quan trọng do sự nghi ngờ, đánh giá sai lệch của mình. Hoặc họ cũng có khả năng trở thành nạn nhân của những vụ lừa gạt bởi đặt niềm tin sai chỗ.
4. Suy luận tùy tiện
Suy luận tùy tiện là một trong các lối tư duy sai lệch thường gặp ở rất nhiều người, đặc biệt là những trẻ vị thành niên hoặc người mới bước vào độ tuổi trưởng thành. Hiểu theo một cách đơn giản nhất thì những người có lối suy luận tùy tiện sẽ luôn vội vàng đưa ra những lời bình luận, nhận xét, kết luận về một sự vật, hiện tượng, con người mặc dù họ vẫn chưa hiểu được nó. Hoặc thậm chí còn có người dễ dàng nhận định về một điều gì đó chỉ vì một yếu tố nhỏ, hoàn toàn không có bằng chứng hay bất kì thông tin xác thực nào.
Lối tư duy này gây nên rất nhiều phiền phức đối với cuộc sống của con người. Nếu những lập luận, suy nghĩ, đánh giá không được kịp thời kiểm soát và điều chỉnh hợp lý sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng đối với học tập, công việc và các mối quan hệ xã hội xung quanh. Đặc biệt đối với trẻ nhỏ, khi hình thành lối suy nghĩ tùy tiện sẽ dễ có lối sống cẩu thả, vô phép tắc, thiếu tính trách nhiệm và làm ảnh hưởng đến cả quá trình trưởng thành.
5. Tư duy tập trung quá nhiều vào tiểu tiết
Đây là một dạng tư duy sai lệch dễ gặp ở nhiều người. Đôi khi chúng ta quá chú tâm vào những chi tiết nhỏ nhưng quên đi những yếu tố bao quát bên ngoài của sự vật, sự việc. Những người có tư duy tập trung quá nhiều vào tiểu tiết thường dễ quên lãng hoặc không bao giờ để tâm đến những điều to lớn dù nó rất quan trọng.
Với những người có lối tư duy này rất dễ nhìn nhận sai lầm về sự việc, con người. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đối với học tập, công việc, và cuộc sống, họ dễ đi sai hướng, chậm trễ trong mọi việc hoặc làm rạn nứt các mối quan hệ thân thiết. Ví dụ như khi họ vẫy tay chào một người bạn nhưng người đó không nhìn thấy và không đáp lại thì họ sẽ nghĩ rằng người bạn đó đang ghét bỏ mình, khi dễ mình.
6. Phóng đại hoặc thu nhỏ
Hay còn gọi là “thủ thuật ống nhòm” là một trong các lối tư duy có thể tạo nên nhiều cản trở đối với đời sống, làm suy giảm hiệu suất công việc của nhiều người. Những người có lối tư duy sai lệch này sẽ thường xuyên phóng đại (bi kịch hóa) tầm quan trọng của các sự vật, sự việc. Chẳng hạn như khi họ mắc phải một lỗi lầm nào đó, dù nó rất nhỏ nhưng họ luôn có xu hướng phóng đại và làm quá nó lên.
Hoặc cũng có trường hợp họ thu nhỏ mọi việc một cách không thỏa đáng. Chẳng hạn như họ có thể nhấn chìm tài năng của bản thân, thu bé ước mơ của những mình hoặc những khiếm khuyết, điểm chưa tốt của đối phương. Thông thường thì lối tư duy sai lệch này sẽ dễ hình thành ở những người bị rối loạn nhân cách ái kỷ hoặc những người có xu hướng mù quáng trong tình yêu.
7. Lập luận cảm tính
Hiểu theo một cách đơn giản nhất thì lập luận cảm tính chính là lối tư duy bị cảm tính chi phối nhiều hơn so với lý tính. Khi tồn tại lối tư duy sai lệch này thì nhiều người sẽ có xu hướng nhận xét, đánh giá và bình luận về mọi sự vật, hiện tượng xảy ra xung quanh theo cảm tính cá nhân. Nếu như tình huống mang tính chất tiêu cực thì họ sẽ cho rằng đây là điều xấu và ngược lại nếu nó mang tính chất tích cực đối với họ thì họ sẽ nhận định đây là điều tốt và cần phát huy.
8. Tự tham chiếu
Tự tham chiếu là lối tư duy thường xuất hiện ở những người có tính cách nhút nhát, thiếu tự tin. Bởi đây là tình trạng mà con người cho rằng những hành động, lời nói, cử chỉ, sai lầm của bản thân luôn được người khác dõi theo và chú ý. Không chỉ thế, họ còn cho rằng những câu nói, ánh mắt, cảm xúc của mọi người là đang mục đích nhắm vào mình.
Những người có lối tư duy tự tham chiếu luôn cảm thấy bất an và lo lắng về những điều mà bản thân và những người xung quanh đang thực hiện. Họ luôn y dè không dám làm bất kì điều gì vì sợ bị mọi người khiển trách, dòm ngó. Ví dụ như khi những người tự tham chiếu sẽ cảm thấy có rất nhiều ánh mắt nhìn vào mình khi họ đang đi trên đường, tuy nhiên trong thực tế không phải như vậy.
9. Đọc trước suy nghĩ
Có nghĩa là những người này sẽ không cần đối phương phải lên tiếng, trình bày nhưng họ vẫn có thể dự đoán được lý do, cảm giác mà người đó. Họ sẽ có khả năng “dự đoán” trước về những cảm nhận mà người khác dành cho họ. Tuy nhiên, những suy luận này không phải lúc nào cũng chính xác.
Cũng bởi những đối tượng này nghĩ rằng những gì người khác suy nghĩ và hành động cũng giống với những phản ứng và cảm nhận của chính họ. Do đó, họ sẽ không dành nhiều thời gian hoặc thậm chí là hoàn toàn không lắng nghe, quan sát cẩn thận để nhận ra sự khác biệt của đối phương.
Những người sở hữu lối tư duy sai lệch này thường có xu hướng đưa ra những kết luận chủ quan, thiếu tính xác thực. Họ hoàn toàn không kiểm tra thông tin, tài liệu, không nhìn nhận vào các chi tiết quan trọng để đánh giá rằng liệu những điều họ suy nghĩ có đúng với người khác không.
10. Quá quy tắc
Việc đặt ra những quy tắc, luật lệ cho riêng mình cũng là một thói quen tốt giúp bạn dễ dàng đạt được những ước mơ, nguyện vọng của bản thân hơn. Tuy nhiên, quá quy tắc lại là một vấn đề khác cần phải được kiểm soát tốt.
Những người sở hữu lối tư duy này tự đặt ra cho mình một loạt các điều khoản, quy định cứng nhắc cho chính bản thân và cả những người xung quanh. Nếu ai đó vô tình hoặc cố ý phá vỡ những gì họ đã đặt ra thì họ sẽ trở nên tức giận, kích động. Hoặc chính bản thân họ là người phạm phải nguyên tắc của mình thì họ sẽ có cảm giác đau khổ, giằng vặt, tự trách bản thân.
Nguyên nhân dẫn đến tư duy sai lệch
Ai trong chúng ta cũng ít nhiều có những tư duy sai lệch trong một vài tình huống nhất định. Vậy đâu là nguyên nhân khiến bạn hình thành nên những suy nghĩ, tư duy lệch lạc này?
- Trải nghiệm sống của mỗi người là yếu tố góp phần tác động đối với nhận thức, tư duy của họ về cuộc sống, sự việc.
- Trong tình huống đối diện với những khó khăn, những điều nguy hiểm có thể thúc đẩy và làm gia tăng nguy cơ xuất hiện các tư duy sai lệch ở nhiều người nhằm giúp họ cảm thấy được yên tâm hơn.
- Tư duy lệch lạc cũng có nhiều khả năng được hình thành do cách giáo dục, môi trường sinh hoạt hoặc do kiến thức, năng lực và tính cách của mỗi con người.
- Do yếu tố di truyền, cách thức hoạt động của bộ não.
- Sự ảnh hưởng từ các vấn đề sức khỏe tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn nhân cách,….
Dù tư duy sai lệch xuất phát từ bất kì nguyên nhân nào cũng cần phải điều chỉnh và khắc phục tốt để tránh gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với cuộc sống và các mối quan hệ xung quanh. Người thân bên cạnh cũng cần phải quan tâm, chú ý để kịp thời nhìn nhận được những sự bất thường trong suy nghĩ, tư duy của bạn bè, gia đình để giúp họ can thiệp đúng cách và kịp thời.
Làm sao để điều chỉnh tư duy sai lệch?
Trong thực tế, những tư duy sai lệch không hẳn mang tính xấu trong mọi tình huống nhưng về bản chất nó có thể gây ra nhiều cản trở và khó khăn trong cuộc sống của bạn. Đồng thời, những lối tư duy này càng được thể hiện mạnh mẽ khi bạn đối diện với những tình huống khó khăn, bất lợi. Nếu bạn không biết cách khắc phục và điều chỉnh phù hợp thì có nhiều khả năng gây ra những sai lầm đáng tiếc, làm cho sự việc càng trở nên tồi tệ hơn.
Cũng chính vì thế, ngay khi nhận thấy những sai lệch trong tư duy bạn cần nhanh chóng kiểm soát cảm xúc, nhận thức của bản thân bằng cách sau đây:
1. Đánh giá và xem xét lại bản thân
Như đã chia sẻ ở trên, nếu những tư duy sai lệch không được sớm loại bỏ thì sẽ làm ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống, nó chi phối cả cảm xúc và hành vi của con người. Chính vì thế, nếu những suy nghĩ tiêu cực cứ mãi xâm chiếm lấy bạn và bạn chưa biết làm cách nào để thoát ra khỏi nó thì hãy chọn cách ngừng suy nghĩ, hít thở thật sâu để lấy lại bình tĩnh và đánh giá lại bản thân.
Việc dừng lại tất cả mọi việc, ngay cả suy nghĩ và lập luận của bản thân sẽ giúp bạn dần trở lại trạng thái ổn định, hạn chế tối đa việc đưa ra những quyết định vội vã, không chính xác. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không đơn giản mà cần phải có thời gian và nhiều sự nỗ lực của bản thân.
Tất nhiên là chính bản thân những người có tư duy sai lệch sẽ không thể nào nhận biết được những suy nghĩ không phù hợp của mình và họ cũng khó chấp nhận để thay đổi chúng. Do đó, cách tốt nhất là bạn hãy tập thói quen ghi chép lại những suy nghĩ, đánh giá, cảm xúc của bản thân của mình.
Nhờ vào việc này bạn sẽ dễ dàng xem lại những cảm nghĩ của mình về một sự vật, hiện tượng hoặc một đối tượng này đó. Cũng chính nhờ thế mà bạn cũng sẽ dần nhận biết được những sai lầm của bản thân và sửa đổi chúng theo chiều hướng đúng đắn, tích cực hơn. Hãy tự đánh giá lại chính mình, xem xét những khiếm khuyết và những tư duy sai lệch của bản thân để có thể điều chỉnh chúng tốt hơn. Bạn nên hiểu rằng, chỉ có bản thân bạn mới thay đổi được suy nghĩ trong bạn.
2. Trị liệu tâm lý
Nếu bản thân không tự khắc phục và điều chỉnh tốt về những tư duy sai lệch của mình thì cách tốt nhất là bạn nên nhờ đến sự hỗ trợ và giúp đỡ từ chuyên gia tâm lý. Hơn thế, hầu hết các trường hợp bị sai lệch về tư duy đều có kèm theo một số triệu chứng của rối loạn tâm thần hoặc những sự bất ổn về thần kinh.
Chính vì thế, khi cần thiết bạn cần cân nhắc đến việc tìm gặp chuyên gia tâm lý, nhà trị liệu để được tham vấn, hỗ trợ cụ thể hơn. Các chuyên gia thì thăm khám và đánh giá cụ thể về tình trạng sức khỏe của bạn và có biện pháp can thiệp phù hợp đối với từng trường hợp khác nhau.
Với trị liệu tâm lý, chuyên gia sẽ cùng thân thủ trò chuyện và trao đổi trực tiếp về những vấn đề khó khăn mà họ đang gặp phải. Thông qua các buổi trị liệu, khách hàng sẽ dần hiểu hơn về những nhận định, suy nghĩ, cảm xúc sai lệch của bản thân và có hướng khắc phục, điều chỉnh phù hợp hơn.
Đồng thời, chuyên gia tâm lý cũng sẽ hướng dẫn cho thân chủ của mình những kỹ năng cần thiết như kiểm soát cảm xúc, suy nghĩ theo chiều hướng tích cực, đối diện với khó khăn, vượt qua thử thách trong cuộc sống. Chính nhờ đó mà bạn sẽ dễ dàng loại bỏ tốt các tư duy lệch lạc, tiêu cực và điều chỉnh cuộc sống theo đúng hướng, ngăn ngừa tình trạng tái phát.
Trên đây là những thông tin và một số loại tư duy sai lệch, tiêu cực thường gặp phải trong cuộc sống. Hy vọng bạn đọc sẽ có thêm những kiến thức bổ ích để có thể phòng tránh và khắc phục tốt những suy nghĩ, nhận định chưa đúng đắn của mình để có được một cuộc sống tốt đẹp.
Tham khảo thêm:
- Cảm xúc tiêu cực là gì? Nguyên nhân, cách nhận biết và vượt qua
- Hướng dẫn ngồi thiền giúp giảm căng thẳng stress hiệu quả
- 14 Tác hại của stress đối với sức khỏe bạn không nên xem thường
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!