Những lưu ý khi chăm sóc trẻ tăng động giảm chú ý

Chăm sóc trẻ tăng động giảm chú ý luôn là vấn đề khó khăn và được nhiều bậc phụ huynh quan tâm. Cũng bởi không có bất kì một nguyên tắc cụ thể nào về cách chăm sóc bởi mỗi trẻ sẽ có các triệu chứng và mức độ biểu hiện khác nhau.

chăm sóc trẻ tăng động giảm chú ý
Chăm sóc trẻ tăng động giảm chú ý luôn là vấn đề khiến nhiều bậc phụ huynh đau đầu

Nhận biết trẻ bị tăng động giảm chú ý

Rối loạn tăng động giảm chú ý được viết tắt là ADHD, đây là một chứng rối loạn phát triển khá phổ biến ở trẻ em. Căn bệnh này được đặc trưng bởi các hành vi hiếu động quá mức cùng với sự suy giảm nghiêm trọng về khả năng chú ý. Những trẻ mắc phải chứng bệnh này thường dễ mất tập trung, rất dễ bị tác động và phân tâm với những yếu tố ảnh hưởng từ bên ngoài.

Hầu hết các bậc phụ huynh đều mong muốn con trẻ được thông minh, hiếu động và nhạy bén với mọi thứ xung quanh. Tuy nhiên, hiếu động và tăng động giảm chú ý lại có những biểu hiện khác tương đồng khiến cho nhiều bậc làm cha mẹ dễ bị nhầm lẫn. Thông thường, các triệu chứng, biểu hiện tăng động giảm chú ý ở trẻ em đều khá giống nhau dù trẻ ở bất kì lứa tuổi nào.

Do đó, trước khi tìm hiểu về việc chăm sóc trẻ tăng động giảm chú ý thì các bậc phụ huynh cũng cần nắm được các dấu hiệu đặc trưng của bệnh để có thể chủ động hơn trong việc đưa trẻ đến thăm khám và chẩn đoán kịp thời tại các cơ sở chuyên khoa. Việc có thể xác định bệnh ngay từ giai đoạn sớm sẽ góp phần giúp cho quá trình điều trị được thuận lợi, gia tăng hiệu quả của các phương pháp.

Nếu trẻ có xuất hiện các dấu hiệu sau đây thì có nhiều khả năng trẻ đang bị rối loạn tăng động giảm chú ý:

Các triệu chứng về giảm chú ý

  • Trẻ thường không để tâm nhiều đến các chi tiết nhỏ. Điều này khiến cho trẻ dễ gặp phải nhiều sai lầm, đặc biệt là trong quá trình học tập cùng nhiều hoạt động sinh hoạt đời sống.
  • Trẻ dễ mất tập trung, phân tâm khi đang ngồi học hoặc chơi đùa.
  • Hay quên, trí nhớ suy giảm, thường hay làm mất dụng cụ học tập.
  • Khả năng lắng nghe kém, thường hay lơ đễnh khi nói chuyện với những người xung quanh, đồng thời không biết cách lắng nghe và thực hiện theo những gì thầy cô, cha mẹ hướng dẫn, dễ dẫn đến việc học tập yếu kém.
  • Không có tính tổ chức trong cuộc sống, học tập.
  • Không thể duy trì sự chú ý lâu khi tham gia bất kì hoạt động, trò chơi nào vì thế trẻ sẽ cảm thấy không hứng thú đối với những việc đòi hỏi cao về sự tập trung.

Các triệu chứng về tăng động

  • Giảm nhu cầu ngủ, hoạt động liên tục không ngừng nghỉ.
  • Tay chân luôn cử động, ngó ngoáy, không thể ngồi yên một chỗ quá lâu.
  • Nói nhanh, nói nhiều, phá phách, gây rối và có xu hướng phá đám trong các cuộc trò chuyện, các trò chơi.
  • Thường hay trả lời hoặc chen ngang vào câu nói của người khác.
  • Khó kiểm soát cảm xúc của bản thân.
  • Bốc đồng trong hành động, thường hay la hét, nắm tóc, bạo lực, tức giận, kích động vô cớ.

Theo chia sẻ từ các chuyên gia thì hầu hết những trẻ bị tăng động giảm chú ý đều có xuất hiện các triệu chứng nêu trên. Do đó, cha mẹ cần chú ý quan sát và để tâm đến các biểu hiện bất thường trong hành vi, lời nói, suy nghĩ của trẻ nhỏ để kịp thời tiến hành thăm khám, chẩn đoán bệnh và điều trị nhanh chóng.

Chăm sóc trẻ tăng động giảm chú ý – Cha mẹ cần làm gì?

Thông thường, rối loạn tăng động giảm chú ý thường xuất hiện sớm ở những trẻ từ 3 đến 11 tuổi và những năm gần đây đang có dấu hiệu gia tăng đáng kể. Tình trạng này nếu không sớm phát hiện và có biện pháp can thiệp phù hợp sẽ gây nên nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe, đời sống sinh hoạt hàng ngày của trẻ nhỏ. Hơn thế, các triệu chứng ADHD kéo dài còn cản trở nên học tập, sinh hoạt và khả năng xây dựng các mối quan hệ của người bệnh.

Những trẻ mắc bệnh tăng động giảm chú ý thường sẽ gặp khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc, hành vi của bản thân, đồng thời trẻ cũng sẽ bị suy giảm khả năng tập trung. Chính vì thế khi đã xác định được tình trạng của trẻ nhỏ, bên cạnh việc áp dụng đúng theo các phương pháp điều trị của chuyên gia thì cha mẹ cũng cần lưu ý về những biện pháp chăm sóc trẻ tăng động giảm chú ý.

Sự hỗ trợ của người thân, gia đình luôn là yếu tố cần thiết và quan trọng đối với trẻ nhỏ. Vì thế, nếu con được chẩn đoán mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý thì bạn và gia đình cần chú ý một số biện pháp chăm sóc sau đây:

1. Lập ra các nguyên tắc cụ thể

Nếu muốn chăm sóc và nuôi dạy trẻ tăng động giảm chú ý hiệu quả thì việc đầu tiên bạn cần làm đó chính là đưa ra cho trẻ những nguyên tắc, quy định rõ ràng và cụ thể. Khi muốn nhắc nhở hoặc đặt ra cho trẻ bất kì mục tiêu nào thì cha mẹ cần phải phân tích, hướng dẫn một cách chi tiết và cụ thể để trẻ nắm được vấn đề.

Ví dụ như hãy đưa ra những con số cụ thể cho các việc mà trẻ cần làm, hãy nói với trẻ rằng trẻ cần ngủ trước 10 giờ, cần hoàn thành 2 bài toán trong hôm nay. Để cải thiện tốt sự chú ý ở trẻ, bạn cũng có thể ghi lại những yêu cầu cần phải thực hiện lên các tờ giấy note nhiều màu sắc hoặc sử dụng các hình ảnh gợi nhớ và đính vào những vị trí mà trẻ thường xuyên tiếp xúc như bàn học, tủ lạnh,…để trẻ dễ nhìn thấy.

2. Thiết lập thời gian biểu phù hợp

Tờ tạp chí Tâm lý học gia đình đã từng đăng tải một nghiên cứu khoa học nói về việc trẻ sơ sinh và trẻ mẫu giáo nếu được xây dựng một thời gian biểu phù hợp và khoa học sẽ ít đối mặt với các vấn đề về hành vi. Các chuyên gia chia sẻ rằng, các giáo dục này cũng mang lại hiệu quả tuyệt vời đối với những trẻ mắc bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý.

chăm sóc trẻ tăng động giảm chú ý
Cha mẹ cần đặt ra các nguyên tắc cụ thể để trẻ biết rõ mục tiêu của bản thân

Nếu trẻ nhỏ được học cách xây dựng một kế hoạch học tập, sinh hoạt rõ ràng và phù hợp sẽ giúp trẻ biết rõ được mục tiêu của bản thân, biết rằng hôm nay trẻ cần phải làm những việc gì. Đồng thời, khi có được một lịch trình cụ thể trẻ sẽ cảm thấy an toàn hơn trong các hành động của bản thân, nhờ đó mà tình trạng thiếu tổ chức, hỗn loạn của trẻ ADHD sẽ được kiểm soát tốt.

Đối với các trẻ nhỏ, cha mẹ cần phải chú ý sắp xếp các nhiệm vụ trong ngày thật phù hợp, đồng thời cần nêu ra mốc thời gian và các việc làm cần thực hiện một cách cụ thể. Ví dụ như 6g30 sáng thức dậy và vệ sinh cá nhân, 6g50 bắt đầu ăn sáng, 7g15 đi học,…..Còn đối với những trẻ lớn hơn thì bạn có thể gợi ý và cùng ra lập ra kế hoạch hàng ngày, đều này sẽ giúp trẻ có trách nhiệm hơn đối với các việc mà bản thân cần làm.

3. Thường xuyên khen ngợi, khuyến khích trẻ

Do đặc trưng bởi sự mất tập trung và suy giảm khả năng chú ý nên hầu hết các trẻ tăng động giảm chú ý khi thực hiện một công việc nào đó cần phải mất khá nhiều thời gian để hoàn thành. Do đó, khi trẻ làm tốt một hành vi hoặc một công việc nào đó thì bạn nên dành cho trẻ những lời động viên, khen ngợi để trẻ có thêm nhiều động lực để làm thêm các công việc khác.

Chẳng hạn như khi trẻ đạt được điểm tốt hoặc đơn giản là trẻ vâng lời, biết cách sắp xếp đồ đạc, quần áo thì cha mẹ cũng nên dành cho trẻ những lời khen ngợi như “Con đã làm rất tốt”, ” Cha mẹ tự hào về con”. Bên cạnh đó, nếu trẻ hoàn thành liên tiếp các việc được giao thì cha mẹ cũng có thể dành cho con những phần quà nho nhỏ hoặc thưởng cho con một chuyến du lịch, những loại đồ chơi mà trẻ yêu thích.

4. Đặt ra các hình thức kỷ luật

Để hạn chế các hành vi tiêu cực của trẻ nhỏ, cha mẹ nên đặt ra một số hình thức kỷ luật cụ thể cho trẻ. Điều này là vô cùng cần thiết và nên được cha mẹ áp dụng công bằng cho tất cả các đứa trẻ trong gia đình, đồng thời giúp trẻ tăng động giảm chú ý kiểm soát tốt các hành vi của bản thân.

chăm sóc trẻ tăng động giảm chú ý
Cần đặt ra các hình thức kỷ luật cụ thể để con hiểu rõ những hành vi sai trái của mình

Tuy nhiên, bạn tuyệt đối không được sử dụng đòn roi, bạo lực với trẻ nhỏ, không sử dụng những lời nói xúc phạm, la mắng trẻ quá mức. Thay vào đó các bậc phụ huynh nên đưa ra các hình phạt nhẹ nhàng nhưng đủ khả năng để răng đe trẻ. Chẳng hạn như khi trẻ chơi đồ chơi nhưng không dọn dẹp ngăn nắp thì hãy phạt trẻ không được chơi vào ngày hôm sau.

Hình phạt cần đặt ra một cách rõ ràng, cụ thể và chi tiết. Đồng thời khi trẻ mắc phải sai lầm thì cha mẹ nên áp dụng hình phạt ngay lập tức chứ không cần đợi chờ đến cuối ngày. Việc này giúp trẻ kịp thời nhận thức được hành vi của bản thân là sai và nhanh chóng khắc phục tốt nó.

5. Chia nhỏ các công việc hàng ngày

Một khó khăn mà bất kì bậc phụ huynh nào cũng gặp phải khi chăm sóc trẻ bị tăng động giảm chú ý đó chính là việc trẻ không thể tập trung quá lâu vào hầu hết các công việc hàng ngày, kể cả việc vui chơi. Trẻ rất dễ bỏ cuộc giữa chừng hoặc xao nhãng các việc cần phải làm. Vì thế, trẻ cũng rất khó hoàn thành tốt các nhiệm vụ được cha mẹ giao phó.

Để khắc phục tốt tình trạng này, cha mẹ nên chia nhỏ các nhiệm vụ ra thành từng bước cụ thể để trẻ dễ dàng thực hiện hơn. Chẳng hạn như khi trẻ cần giải một bài toán khó thì cha mẹ nên phân chia và gợi ý cho trẻ làm thành từng phép toán nhỏ khác nhau để trẻ có thể hoàn thành tốt hơn.

6. Giúp trẻ quản lý thời gian, loại bỏ phiền nhiễu

Như đã chia trẻ ở trên, những đứa trẻ bị tăng động giảm chú ý thường rất khó giữ được sự tập trung cao, trẻ dễ bị quấy nhiễu bởi các yếu tố từ bên ngoài, thậm chí là một tiếng động nhỏ, tiếng bước chân hoặc ai đó lướt qua cũng đủ khiến trẻ bị phân tâm. Chính vì thế, cha mẹ nên biết cách quản lý và lựa chọn không gian học tập phù hợp với trẻ nhỏ.

chăm sóc trẻ tăng động giảm chú ý
Tạo môi trường, không gian học tập yên tĩnh, tránh tiếng ồn để trẻ tập trung hơn

Đối với những trẻ tăng động giảm chú ý nên ưu tiên học tập tại những căn phòng yên tĩnh, tránh bố trí quá nhiều đồ vật, hạn chế tiếng ồn để giúp trẻ dễ dàng tập trung hơn. Bên cạnh đó, trong hầu hết các công việc mà trẻ cần phải thực hiện, cha mẹ cần có quy định cụ thể về thời gian để trẻ hoàn thành thật nhanh chóng. Chẳng hạn như trẻ sẽ phải ăn trưa trong vòng 30 phút, nghỉ ngơi 10 đến 15 phút sau khi học xong một môn học nào đó.

7. Giúp trẻ hiểu và biết cách yêu bản thân mình

Theo chia sẻ của các chuyên gia tâm lý thì tình trạng rối loạn tăng động giảm chú ý có thể khiến trẻ cảm thấy thất vọng và chán nản về bản thân. Để giúp trẻ vượt qua cảm giác tiêu cực này, cha mẹ hãy giải thích và phân tích cho con hiểu rằng, cuộc sống có rất nhiều người mắc phải chứng bệnh giống con và hãy đưa ra một số dẫn chứng về những người đã từng công, nổi tiếng mặc dù họ bị ADHD.

Cha mẹ cần nỗ lực hết mình để giúp cho trẻ hiểu và chấp nhận được bản thân mình. Đồng thời dạy con cách yêu thương bản thân mình nhiều hơn, hiểu rõ về các ưu và khuyết điểm của bản thân để có cách phát huy tốt các tiềm lực và hạn chế các điểm tiêu cực. Đặc biệt, hãy nói và luôn thể hiện cho trẻ hiểu rằng, cha mẹ luôn dành nhiều tình yêu thương cho trẻ và trẻ chính là niềm tự hào đối với cha mẹ.

8. Trò chuyện và chơi cùng trẻ

Trẻ nhỏ, nhất là những trẻ bị tăng động giảm chú ý thường sẽ tiếp thu nhanh hơn quá các hình ảnh, câu chuyện, trò chơi. Vì thế, thay vì dạy con bằng các kiến thức khô cứng thì cha mẹ nên thường xuyên trò chuyện, truyền đạt các kiến thức qua những câu chuyện, những cuộc chia sẻ, tâm sự với nhau.

chăm sóc trẻ tăng động giảm chú ý
Để chăm sóc tốt cho trẻ ADHD, cha mẹ cần thường xuyên trò chuyện, chia sẻ với trẻ

Đồng thời, đây cũng là một trong các cách để giúp trẻ nhỏ rèn luyện về sự kiên nhẫn, xử lý tình huống và nâng cao khả năng tư duy, tạo thêm nhiều cơ hội để gia tăng gắn kết tình cảm giữa các thành viên trong gia đình. Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể dành nhiều thời gian để đọc sách, kể chuyện cho con nghe, cùng con chơi những trò chơi lành mạnh và kích thích trí não như chơi cờ vua, lego, đá bóng,….

9. Giải quyết từng vấn đề

Khi chăm sóc trẻ bị tăng động giảm chú ý, cha mẹ nên lưu ý rằng chỉ nên giải quyết một vấn đề vào một thời điểm. Tức là khi bạn muốn nhắc nhở con về một điều gì đó thì chỉ nên nhắc duy nhất một vấn đề chứ không nên nói lan man, gộp nhiều việc lại cùng lúc khiến trẻ không thể ghi nhớ được.

Ngoài ra, khi nói về một điều gì đó, cha mẹ cần đưa ra những mục tiêu ngắn hạn và dài hạn để trẻ hiểu rõ vấn đề. Ví dụ như bạn muốn nhắc nhở con về việc con thường xuyên nghịch ngợm, phá phách khi ăn uống thì bạn chỉ nên nói duy nhất vấn đề này và đi thẳng vào việc mà bạn muốn trẻ thay đổi.

Với trường hợp này, bạn có thể đặt ra mục tiêu ngắn hạn cho trẻ rằng trẻ phải ngồi ngay ngắn, ăn uống nghiêm túc trong bữa ăn hoặc có thể đặt ra mục tiêu, yêu cầu dài hạn đó chính là từ bây giờ trở đi con phải thật ngoan và ăn uống tập trung. Nếu trẻ có thể hoàn thành tốt những gì cha mẹ yêu cầu thì cha mẹ cần dành cho con những lời khen ngợi, động viên hoặc khen thưởng để con có thêm nhiều động lực tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ tiếp theo.

10. Phối hợp với nhà trường

Trong quá trình chăm sóc trẻ tăng động giảm chú ý, cha mẹ cần phải phối hợp chặt chẽ với nhà trường để đề ra cách giáo dục và quan tâm trẻ phù hợp. Các bậc phụ huynh nên cùng thầy cô, nhà trường trao đổi về tình trạng sức khỏe của trẻ nhỏ. Nhờ đó mà thầy cô cũng sẽ biết cách quan tâm, chia sẻ, chăm sóc và để ý nhiều hơn đến quá trình sinh hoạt và học tập của trẻ tại trường. Nếu có thể, bạn cũng nên nhờ thầy cô sắp xếp cho trẻ một vị trí học tập yên tĩnh, tránh xa cửa số và các yếu tố làm phân tâm để trẻ tập trung nhiều hơn.

Những lưu ý cần nhớ khi chăm sóc trẻ tăng động giảm chú ý

Trẻ bị tăng động giảm chú ý cần phải được can thiệp sớm và có biện pháp quan tâm phù hợp. Trong kết quả của nhiều cuộc nghiên cứu nhận thấy rằng, nếu các triệu chứng ADHD không được khắc phục kịp thời sẽ gây nên nhiều cản trở đối với sức khỏe và đời sống hàng ngày của trẻ nhỏ.

Theo khảo sát và thống kê cho biết có đến hơn 30% các trường hợp trẻ em bị tăng động giảm chú ý khi trưởng thành gặp nhiều khó khăn về nghề nghiệp, hiệu quả lao động không được đảm bảo và dễ bị kích thích, gây xung đột với những người xung quanh. Do đó, để hạn chế các hệ lụy nguy hiểm, khi chăm sóc trẻ bị tăng động giảm chú ý, các bậc phụ huynh nên chú ý một số điều sau đây:

  • Nếu nghi ngờ trẻ có những hành vi của tăng động giảm chú ý thì cha mẹ cần phải chủ động hơn trong việc đưa trẻ đến thăm khám, chẩn đoán cụ thể tại các cơ sở chuyên khoa.
  • Phụ huynh cũng có thể cho trẻ thực hiện một số bài test trắc nghiệm để xác định cụ thể về tình trạng của trẻ nhỏ.
  • Phối hợp tốt với các chuyên gia tâm lý, những người có trình độ chuyên môn trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt để có thể đưa ra các biện pháp trị liệu phù hợp.
  • Gia đình đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với việc chăm sóc và giáo dục trẻ bị tăng động giảm chú ý.

Như vậy, tình trạng tăng động giảm chú ý ở trẻ em cần phải được phát hiện sớm và có biện pháp can thiệp phù hợp. Hy vọng qua thông tin của bài viết này, bạn đọc sẽ biết được cách chăm sóc trẻ phù hợp để giúp trẻ mau chóng phục hồi được tình trạng sức khỏe và đáp ứng tốt với cuộc sống hiện tại.

Tham khảo thêm:

Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *