Sống Chung Với Người Bị Rối Loạn Lưỡng Cực Bạn Nên Chuẩn Bị Gì?

Sống chung với người bị rối loạn lưỡng cực gây ra không ít phiền toái và mệt mỏi cả về thể chất lẫn tinh thần. Vì vậy, nên trang bị những kiến thức cần thiết để chăm sóc tốt cho chính bản thân và người bệnh.

sống chung với người bị rối loạn lưỡng cực
Cần trang bị những kiến thức cần thiết trước khi sống chung với người bị rối loạn lưỡng cực

Cần chuẩn bị gì khi sống chung với người bị rối loạn lưỡng cực?

Rối loạn lưỡng cực là một dạng rối loạn cảm xúc mãn tính có liên quan đến yếu tố di truyền và mất cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh. Người mắc chứng bệnh này sẽ có cảm xúc lên xuống với biên độ quá cao (hưng cảm) hoặc quá thấp (trầm cảm).

Trong trạng thái hưng cảm, bệnh nhân luôn cảm thấy vui vẻ, lạc quan, phấn chấn, khó kiểm soát lời nói và hành vi. Trong khi ở trạng thái trầm cảm, người bệnh thường buồn rầu, u uất, chán nản và mất hứng thú. Khác với trầm cảm đơn thuần, rối loạn lưỡng cực có tiến triển mãn tính và bệnh nhân bắt buộc phải điều trị suốt đời.

Khi người thân được chẩn đoán bị rối loạn lưỡng cực, điều này đồng nghĩa với việc họ sẽ phải đối mặt với căn bệnh này lâu dài. Tuy nhiên, nếu tích cực điều trị và có sự hỗ trợ của những người xung quanh, bệnh nhân vẫn có thể quản lý bệnh và duy trì chất lượng cuộc sống.

ads chuyên gia tâm lý bùi thị hải yến tư vấn ngay

Sống chung với người bị rối loạn lưỡng cực thực sự không dễ dàng bởi người bệnh luôn có những cảm xúc bất thường và khó kiểm soát được hành vi, tư duy. Vì vậy, để có thể sống chung với người mắc chứng bệnh này, bạn nên trang bị những thông tin cần thiết sau:

1. Trang bị kiến thức về bệnh

Việc đầu tiên bạn cần làm khi sống chung với người bị rối loạn lưỡng cực là trang bị kiến thức về bệnh. Trước hết phải hiểu rằng đây là một dạng rối loạn tâm thần mãn tính và hiện tại vẫn chưa có phương pháp điều trị. Bên cạnh đó, nên tìm hiểu thêm về nguyên nhân, triệu chứng và các phương pháp điều trị bệnh rối loạn lưỡng cực. Những kiến thức về bệnh sẽ giúp bạn dễ dàng hiểu được tâm lý, hành vi của người bệnh. Qua đó học cách đồng cảm, thấu hiểu thay vì cảm thấy khó chịu.

Hiện nay, có khá nhiều nguồn cung cấp các thông tin về bệnh rối loạn lưỡng cực. Nếu gặp khó khăn trong việc tự trang bị, bạn nên trao đổi với bác sĩ chuyên khoa Tâm thần để được cung cấp những kiến thức hữu ích. Ngoài ra, để việc chăm sóc bệnh nhân diễn ra dễ dàng hơn, bác sĩ cũng sẽ hướng dẫn người nhà những thông tin cần thiết khác.

2. Hỗ trợ bệnh nhân trong quá trình điều trị

Như đã đề cập, rối loạn lưỡng cực là một dạng rối loạn tâm thần mãn tính nên việc điều trị phải diễn ra trong suốt cả cuộc đời. Điều này có thể gây ra sự mệt mỏi cả về thể chất và tinh thần cho người bệnh. Chính vì vậy, người nhà cần hỗ trợ bệnh nhân để quá trình điều trị mang lại kết quả khả quan nhất.

Hiện nay, hai phương pháp chính được thực hiện cho bệnh nhân rối loạn lưỡng cực là sử dụng thuốc và trị liệu tâm lý. Khi sống chung với người bệnh, bạn cần dặn dò bệnh nhân dùng thuốc đều đặn và đúng liều lượng. Nên đảm bảo người bệnh đã uống thuốc bởi một số bệnh nhân có thể giả vờ để đánh lừa người nhà.

sống chung với người bị rối loạn lưỡng cực
Cần hỗ trợ bệnh nhân trong việc sử dụng thuốc và trị liệu tâm lý

Ngoài điều trị bằng thuốc, bệnh nhân cũng sẽ phải can thiệp liệu pháp tâm lý. Liệu pháp này giúp ích rất nhiều trong việc cải thiện các triệu chứng của rối loạn lưỡng cực, đồng thời giúp bệnh nhân hướng đến lối sống tích cực và tìm thấy niềm vui, ý nghĩa của cuộc sống. Bệnh nhân sẽ được trang bị kỹ năng cần thiết để có thể xử lý những tình huống căng thẳng và học cách cân bằng cảm xúc.

Trị liệu tâm lý thường sẽ được thực hiện tại phòng khám. Chính vì vậy, bạn nên đưa bệnh nhân đến trị liệu thường xuyên để đạt kết quả tốt nhất. Nếu cần thiết, có thể trị liệu cặp đôi hoặc thực hiện liệu pháp gia đình để giúp bệnh nhân hòa nhập và dễ dàng thích ứng hơn.

3. Phát hiện sớm những hành vi nguy cơ

Một trong những vấn đề quan trọng bạn cần phải chú ý khi sống chung với người bị rối loạn lưỡng cực là phải phát hiện sớm những hành vi nguy cơ. Ở trạng thái hưng cảm và trầm cảm, bệnh nhân đều có thể phát sinh những hành vi rủi ro gây hại cho chính bản thân và những người xung quanh. Nhiệm vụ của người thân là phải phát hiện sớm những hành vi này và kịp thời ngăn chặn để phòng ngừa hậu quả.

Trong trạng thái hưng cảm, khí sắc tăng cao khiến người bệnh nói năng liên tục, cảm xúc vui vẻ, phấn chấn, khó kiểm soát hành vi và thường có những hành động lỗ mãng, suồng sã. Bên cạnh đó, trạng thái hưng cảm cũng sẽ khiến người bệnh nảy sinh những hành vi tiềm ẩn nhiều rủi ro như quan hệ tình dục không an toàn, đánh bài, mua sắm quá độ, đầu tư rủi ro, đua xe,…

Trong khi đó, ở trạng thái trầm cảm, bệnh nhân rơi vào trạng thái u uất, chán chường, mất hứng thú và bi quan về mọi thứ. Người nhà cần lưu ý những hành vi bất thường như nhốt mình trong phòng, nhịn ăn, sử dụng chất kích thích và có các dấu hiệu tự sát (chuẩn bị thuốc ngủ và các vật dụng có thể gây tổn thương như dao, kéo,…).

Ngay khi nhận thấy những hành vi bất thường, người nhà cần ở bên cạnh để chắc chắn bệnh nhân không thực hiện hành vi gây hại nào cho chính bản thân và những người xung quanh. Bên cạnh đó, nên thông báo ngay với bác sĩ để được tư vấn cách xử trí. Nếu cần thiết, gia đình có thể cưỡng chế bệnh nhân đến bệnh viện để được điều trị kịp thời.

4. Nâng cao nhận thức của người bệnh về các hành vi rủi ro

Người bị rối loạn lưỡng cực không thể kiểm soát hành vi hay cảm xúc của bản thân. Tuy nhiên, việc giúp người bệnh nhận thức hậu quả từ những hành vi rủi ro phần nào có thể giảm thiểu mức độ nghiêm trọng của những hành vi này.

Trước tiên, cần nhấn mạnh để người bệnh biết đây đều là những hành vi không lành mạnh. Tiếp đến cho bệnh nhân thấy những hậu quả nghiêm trọng không thể khắc phục do các hành vi rủi ro trong giai đoạn hưng cảm. Cuối cùng là hướng bệnh nhân đến những thói quen và hành vi lành mạnh.

Chẳng hạn bệnh nhân yêu thích việc mua sắm quá mức, hãy cho người bệnh thấy hành vi này gây hao tốn tài chính và mua sắm quá nhu cầu sẽ vô tình tạo gánh nặng cho môi trường. Ngoài ra, nên hướng người bệnh đến những giải pháp lành mạnh như thanh lý bớt những đồ dùng không cần thiết, sử dụng lại quần áo và các vật dụng còn mới, quyên góp và hỗ trợ đồ dùng cho những hoàn cảnh khó khăn. Những hành động ý nghĩa cũng sẽ giúp bệnh nhân xây dựng những phẩm chất tốt đẹp và nhận ra những giá trị bản thân đang sở hữu.

5. Giúp bệnh nhân tránh xa stress

Stress là một trong những tác nhân khiến cho bệnh rối loạn lưỡng cực và các dạng rối loạn tâm thần trở nên trầm trọng hơn. Chính vì vậy, bạn nên giúp người bệnh tránh xa và giảm tối đa các yếu tố gây stress trong cuộc sống.

Đầu tiên, cần đảm bảo môi trường sống lành mạnh, hạn chế tối đa mâu thuẫn và xung đột. Trong trường hợp môi trường xung quanh thường xuyên có bạo lực và những điều tiêu cực, nên xem xét chuyển nơi sinh sống để bệnh nhân có cơ hội được sống trong môi trường lành mạnh nhất.

sống chung với người bị rối loạn lưỡng cực
Hướng dẫn người bệnh cách giải tỏa stress lành mạnh sẽ giúp cải thiện và kiểm soát bệnh tái phát hiệu quả

Ngoài ra, cần trang bị cho người bệnh những kỹ năng giải tỏa stress để chủ động kiểm soát các yếu tố căng thẳng trong cuộc sống. Bên cạnh sự hỗ trợ của gia đình, chuyên gia tâm lý cũng sẽ giúp bệnh nhân trang bị những kỹ năng cần thiết như kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống, quản lý thời gian, kỹ năng phản biện,…

Tác nhân gây stress đôi khi không chỉ bắt nguồn từ công việc, cuộc sống mà còn xảy ra do mâu thuẫn trong các mối quan hệ. Vì vậy, những người thân trong gia đình cần phải có cách ứng xử và thái độ phù hợp để tránh gây tổn thương người bệnh. Bên cạnh đó, nên chia sẻ tình trạng sức khỏe của bệnh nhân với hàng xóm, bạn bè và những người thân khác để mọi người chừng mực hơn trong lời nói, hành động.

6. Hướng người bệnh đến lối sống lành mạnh

Bệnh nhân rối loạn lưỡng cực có nguy cơ lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá và dùng chất gây nghiện. Những thói quen tiêu cực này sẽ làm nghiêm trọng tình trạng sức khỏe tâm thần. Chính vì vậy, khi sống chung với người bị rối loạn lưỡng cực, bạn nên hướng bệnh nhân đến lối sống lành mạnh.

Lối sống lành mạnh giúp nâng đỡ thể chất và cải thiện sức khỏe tinh thần. Nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng, lối sống khoa học giúp ích rất nhiều trong việc cải thiện triệu chứng và giảm tần suất bệnh tái phát.

Ban đầu, bệnh nhân có thể không chấp thuận yêu cầu của những người xung quanh trong việc điều chỉnh lối sống. Do đó, nên kiên trì và nhẹ nhàng để người bệnh hướng đến lối sống lành mạnh. Nên bắt đầu bằng việc thay đổi chế độ dinh dưỡng, ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi hợp lý và tập thể dục thường xuyên. Ngoài ra, cả gia đình nên tổ chức các buổi đi chơi hoặc nấu nướng tại nhà vào những ngày cuối tuần để mỗi thành viên có thể giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi và nạp lại năng lượng tích cực.

7. Luôn thể hiện sự quan tâm và yêu thương

Sự quan tâm và tình yêu thương của những người xung quanh chính liều thuốc giúp bệnh nhân nỗ lực vượt qua bệnh tật. Tuy nhiên, gia đình nên thể hiện sự quan tâm một cách chừng mực bởi quan tâm thái quá có thể khiến bệnh nhân cho rằng bản thân vô dụng, yếu kém.

Ở giai đoạn trầm cảm, người bệnh thường tự đánh giá thấp bản thân và cho rằng bản thân vô dụng, trở thành gánh nặng của gia đình. Do đó, người nhà nên thể hiện sự quan tâm vừa đủ và luôn có những lời nói khích lệ, tạo động lực để bệnh nhân nâng cao lòng tự trọng. Thay vì chăm sóc người bệnh thái quá, hãy nhờ người bệnh làm một số công việc đơn giản. Khi người bệnh hoàn thành tốt, hãy cho họ thấy sự giúp đỡ của họ thực sự có ý nghĩa.

sống chung với người bị rối loạn lưỡng cực
Thể hiện sự quan tâm và yêu thương sẽ giúp bệnh nhân có động lực hơn trong quá trình điều trị

Bệnh nhân rối loạn lưỡng cực đôi khi có suy nghĩ bi quan, tiêu cực và cho rằng bản thân không xứng đáng để được người khác yêu thương. Những suy nghĩ này gây ra sự đau khổ nhất định và đôi khi thôi thúc hành vi tự sát, tự hại. Vì vậy, tất cả thành viên cần cho bệnh nhân thấy họ được yêu thương và có vị trí quan trọng như thế nào đối với mọi người.

Sự yêu thương của người thân chính là động lực để bệnh nhân vượt qua những rào cản về tâm lý và tích cực hơn trong quá trình điều trị. Ngoài ra, sự cảm thông từ những người xung quanh cũng sẽ giúp họ có thêm động lực để chiến đấu với bệnh tật và xây dựng cuộc sống lành mạnh, tốt đẹp hơn.

8. Quan tâm đến sức khỏe thể chất, tinh thần của bản thân

Sống chung với người bị rối loạn lưỡng cực thực sự không dễ dàng – nhất là trong giai đoạn đầu. Khác với trầm cảm hay các rối loạn tâm thần khác, người mắc chứng bệnh này có cảm xúc thay đổi thất thường và rất khó kiểm soát hành vi, suy nghĩ. Các triệu chứng do rối loạn lưỡng cực gây ra ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của bệnh nhân và cũng gây ra không ít phiền toái cho những người xung quanh.

Vì bệnh nhân có thể thực hiện những hành vi đe dọa đến sức khỏe nên người nhà phải liên tục giám sát để đảm bảo an toàn. Tình trạng này kéo dài cũng ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe. Thực tế, không ít người bị căng thẳng thần kinh và trầm cảm do sống chung với người bị rối loạn lưỡng cực trong một thời gian dài.

Để chăm sóc tốt cho người bệnh, trước tiên bạn cần chăm sóc tốt cho bản thân bằng lối sống lành mạnh. Bên cạnh đó, nên trang bị cho mình những giải pháp giảm stress hữu hiệu như đọc sách, nghe nhạc, ngồi thiền, xoa bóp, viết nhật ký, vẽ tranh,… Khi có sức khỏe tốt và tinh thần ổn định, bạn mới có thể chăm sóc cho bệnh nhân rối loạn lưỡng cực.

9. Xem xét trị liệu tâm lý nếu tinh thần bất ổn

Không ít người phải đối mặt với stress nặng, trầm cảm và rối loạn lo âu do phải sống chung với người bị rối loạn lưỡng cực. Nếu cảm thấy sức khỏe tinh thần không ổn, bạn nên xem xét trị liệu tâm lý để được nâng đỡ về mặt cảm xúc, học cách cân bằng và giải tỏa stress.

10. Tìm kiếm sự hỗ trợ của những người thân khác

Rối loạn lưỡng cực là bệnh có tiên lượng đa dạng. Một số bệnh nhân có đáp ứng tốt với điều trị, bệnh ít tái phát và mức độ không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp bệnh tiến triển nặng và tái phát nhiều lần trong năm. Nếu cần thiết, bạn nên tìm kiếm sự hỗ trợ của những người thân khác để bệnh nhân được chăm sóc tốt hơn và đảm bảo sức khỏe của bản thân.

ads chuyên gia tâm lý cao kim thắm

Trên đây là những điều bạn cần biết khi sống chung với người bị rối loạn lưỡng cực. Vì là bệnh mãn tính và chưa thể điều trị dứt điểm nên rất cần vai trò của người thân. Nếu có băn khoăn trong việc chăm sóc bệnh nhân, nên chủ động liên hệ với bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và giải đáp.

Tham khảo thêm:

Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *