Rối Loạn Tăng Động Giảm Chú Ý (ADHD) Là Gì? Điều Trị Thế Nào?

Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) là một dạng rối loạn phát triển thần kinh có xu hướng khởi phát sớm. ADHD đặc trưng bởi các triệu chứng thiếu chú ý, hiếu động quá mức và bốc đồng. Tình trạng này gây ra rất nhiều trở ngại và phiền toái cho cuộc sống của người bệnh.

rối loạn tăng động giảm chú ý
Rối loạn tăng động giảm chú ý là căn bệnh có xu hướng khởi phát sớm, gây ra nhiều cản trở cho cuộc sống

Rối loạn tăng động giảm chú ý là gì?

Rối loạn tăng động giảm chú ý có tên Tiếng Anh là Attention Deficit Hyperactivity Disorder (ADHD). Đây là một dạng rối loạn phát triển thần kinh đặc trưng bởi các tình trạng thiếu tập trung, hiếu động quá mức và bốc đồng.

Theo nghiên cứu, các chuyên gia cho biết, ADHD có xu hướng khởi phát sớm, thường gặp ở những trẻ từ 6 – 12 tuổi. Tuy nhiên, các triệu chứng đặc trưng cần phát triển ít nhất 6 tháng thì mới có thể xác nhận chẩn đoán.

Số liệu thống kê cho thấy, có khoảng 7.2% người dưới 18 tuổi bị ảnh hưởng bởi ADHD. Trong đó tỷ lệ mắc bệnh ở bé trai cao hơn khoảng 2 lần so với bé gái.

Cùng với sự xô bồ của cuộc sống hiện đại, tỷ lệ trẻ mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý đang không ngừng gia tăng. Nguyên nhân thường là do khoa học công nghệ phát triển quá mức, cha mẹ quá bận rộn nên không có nhiều thời gian chăm sóc và quan tâm con cái,…

ADHD gây ra rất nhiều cản trở trong cuộc sống. Nó có thể khiến trẻ bị giảm khả năng tư duy và có kết quả học tập kém. Ngoài ra, nhiều trẻ còn phải vật lộn với lòng tự trọng thấp. Còn ở người lớn ADHD cũng ảnh hưởng rất lớn tới công việc và các mối quan hệ xã hội.

Các triệu chứng rối loạn tăng động giảm chú ý có thể giảm bớt theo tuổi tác. Tuy nhiên một số người không bao giờ hết hẳn các triệu chứng ADHD của họ. Mặc dù không thể chữa khỏi ADHD nhưng vẫn sẽ có các giải pháp để kiểm soát triệu chứng và có được cuộc sống tốt hơn.

Nguyên nhân gây rối loạn tăng động giảm chú ý

Mặc dù đã trải qua nhiều nghiên cứu nhưng nguyên nhân chính xác của rối loạn tăng động giảm chú ý vẫn chưa được biết. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nghi ngờ rằng có một số yếu tố đóng vai trò quyết định vấn đề liệu ai đó có thể phát triển ADHD hay không?

Các yếu tố được đề cập có thể bao gồm:

1. Yếu tố di truyền

Thông qua kết quả của nhiều nghiên cứu, các chuyên gia cho biết ADHD là một chứng rối loạn có tính chất di truyền. Ước tính, tỷ lệ đóng góp của yếu tố di truyền vào ADHD là hơn 70%.

Mặc dù có liên kết di truyền mạnh mẽ nhưng sự kích hoạt ADHD là do sự kết hợp của các gen và các yếu tố môi trường. Đây chính là yếu tố quyết định liệu một đứa trẻ có phát triển chứng ADHD hay không. Một nghiên cứu cho thấy rằng, có 1/3 các ông bố bị ADHD sẽ có con phát triển ADHD.

nguyên nhân gây ra ADHD
Yếu tố di truyền đã được chứng minh là có liên quan đến sự kích hoạt rối loạn tăng động giảm chú ý

Một số gen đã được tìm thấy trong các gia đình có biểu hiện rối loạn tăng động giảm chú ý. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng cho biết, đó không phải là một gen cụ thể mà là sự tương tác của một số gen và môi trường làm kích hoạt triệu chứng ADHD.

2. Một số bệnh tật và chấn thương

Một số bệnh lý như viêm màng não hoặc viêm não có thể sẽ dẫn tới các vấn đề về học tập và sự chú ý ở trẻ em. Ngoài ra, một tỷ lệ nhỏ người bệnh sẽ biểu hiện các triệu chứng rối loạn tăng động giảm chú ý do tổn thương não. Có thể là chấn thương sọ não, chấn thương hay một trở ngại khác đối với sự phát triển bình thường của não bộ.

3. Yếu tố sinh hóa

Trong một số trường hợp, rối loạn tăng động giảm chú ý có thể liên quan tới các yếu tố sinh hóa. Chẳng hạn như rối loạn hệ thần kinh vận động – cảm giác, mất cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh bên trong não bộ, giảm hoạt động ở các vùng trước của não giữa, bất thường trong hệ thống noradrenergic và dopaminergic, giảm kích thích ở vùng thân não trên,…

4. Các vấn đề trong thai kỳ

Sức khỏe và thói quen của người mẹ trong thai kỳ cũng có thể đóng một vai trò đối với sự phát triển ADHD. Ví dụ dinh dưỡng kém và nhiễm trùng trong thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ bị ADHD.

Ngoài ra, cũng đã có bằng chứng cho thấy việc dùng các chất kích thích trong thai kỳ cũng làm tăng nguy cơ trẻ bị ADHD. Chẳng hạn như:

nguyên nhân gây rối loạn tăng động giảm chú ý
Mẹ bầu hút thuốc lá trong thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ phát triển ADHD ở trẻ
  • Hút thuốc: Một nghiên cứu năm 2018 cho thấy mối quan hệ đáng kể giữa việc hút thuốc khi mang thai với khả năng trẻ bị ADHD. Nguy cơ mắc rối loạn tăng động giảm chú ý sẽ cao hơn ở những trẻ có mẹ là người bị nghiện thuốc lá nặng.
  • Sử dụng rượu: Mẹ bầu uống rượu khi mang thai sẽ có nhiều khả năng sinh con bị ADHD. Việc sử dụng đồ uống chứa cồn hay thường xuyên dùng rượu với liều lượng vừa phải trong thai kỳ có liên quan đến tỷ lệ ADHD ở trẻ sau này gia tăng đáng kể.

5. Các yếu tố rủi ro

Ngoài các yếu tố trên thì nguy cơ mắc chứng ADHD cũng có thể tăng lên khi có một số yếu tố sau:

  • Thiếu sắt
  • Trẻ sinh ra nhẹ cân (khoảng dưới 1.5kg)
  • Tiền sử bị trầm cảm, rối loạn cảm xúc, rối loạn giấc ngủ và rối loạn lo âu
  • Tiền sử về rối loạn hành vi như chống đối, khả năng chịu đựng kém, hung hăng, giận dữ và hay thách thức
  • Xuất hiện các cơn ngưng thở khi ngủ
  • Trẻ có kỹ năng giao tiếp xã hội kém

Các triệu chứng rối loạn tăng động giảm chú ý

Các triệu chứng của rối loạn tăng động giảm chú ý có thể được phân loại thành 2 loại vấn đề về hành vi. Thứ nhất là không chú ý, thứ hai là tăng động và bốc đồng.

Hầu hết những người bị ADHD đều gặp phải các vấn đề thuộc cả hai loại này. Tuy nhiên điều này không phải lúc nào cũng đúng. Ví dụ một số người gặp vấn đề với sự kém tập trung nhưng lại không ảnh hưởng bởi chứng tăng động hay bốc đồng.

Ngoài ra, biểu hiện của ADHD có thể sẽ khác nhau ở trẻ em và người lớn. Cụ thể như sau:

1. Triệu chứng rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ em

Trên thực tế, các triệu chứng của ADHD ở trẻ em và thanh thiếu niên được xác định rất rõ ràng. Chúng thường dễ nhận thấy trước 6 tuổi. Các triệu chứng này có thể xảy ra trong nhiều tình huống, cả ở nhà và ở trường.

biểu hiện ADHD ở trẻ
ADHD khiến trẻ dễ bị phân tâm và không có được sự tập trung

– Biểu hiện chính của sự thiếu chú ý:

  • Dễ bị phân tâm và có khoảng thời gian chú ý ngắn
  • Phạm lỗi bất cẩn, ví dụ như khi giải bài tập ở trường
  • Xuất hiện tình trạng hay quên hoặc mất đồ
  • Không thể chú ý vào những công việc tẻ nhạt hay tốn thời gian
  • Dường như không thể nghe hoặc thực hiện các chỉ dẫn
  • Liên tục thay đổi hoạt động hoặc nhiệm vụ
  • Gặp khó khăn trong vấn đề tổ chức các nhiệm vụ

– Dấu hiệu chính của tăng động và bốc đồng là:

  • Liên tục bồn chồn
  • Không thể ngồi yên, nhất là trong môi trường yên tĩnh
  • Không thể tập trung vào các nhiệm vụ
  • Nói quá nhiều
  • Vận động thể chất quá mức
  • Hành động mà không suy nghĩ
  • Không thể chờ đợi đến lượt của mình
  • Làm gián đoạn cuộc nói chuyện
  • Ít hoặc thậm chí không có cảm giác nguy hiểm

– Các tình trạng khác đi kèm với ADHD ở trẻ em:

Mặc dù không phải lúc nào cũng vậy nhưng một số trẻ có thể gặp phải các dấu hiệu của các tình trạng khác cùng với ADHD. Chẳng hạn như:

  • Rối loạn lo âu: Khiến con bạn cảm thấy lo lắng và căng thẳng. Nó cũng có thể gây ra các triệu chứng thể chất như đổ mồ hôi, chóng mặt hay nhịp tim nhanh.
  • Rối loạn thách thức chống đối: Điều này thường được xác định bởi hành vi tiêu cực và gây rối. Nhất là đối với những người có thẩm quyền như cha mẹ hay giáo viên.
  • Khó ngủ: Trẻ có thể gặp phải tình trạng khó ngủ và ngủ không ngon giấc vào ban đêm.
  • Rối loạn phổ tự kỷ: Tình trạng này có thể gây ảnh hưởng rất lớn tới giao tiếp, tương tác xã hội, sở thích và hành vi.
  • Động kinh: Đây là một tình trạng có ảnh hưởng đến não. Động kinh thường gây ra các cơn co giật hoặc co giật lặp đi lặp lại.
  • Hội chứng Tourette: Một tình trạng của hệ thần kinh, đặc trưng bởi sự kết hợp của tiếng ồn và những chuyển động không chủ ý.

2. Triệu chứng rối loạn tăng động giảm chú ý ở người lớn

Ở người lớn, các triệu chứng rối loạn tăng động giảm chú ý thường khó xác định hơn. Điều này một phần là do còn thiếu nghiên cứu về ADHD ở người lớn.

Theo các chuyên gia, ADHD là một rối loạn phát triển, họ tin rằng nó không thể phát triển ở người lớn nếu không có sự xuất hiện lần đầu trong thời thơ ấu. Triệu chứng của ADHD thường kéo dài từ thời thơ âu đến tuổi thiếu niên và sau đó là tuổi trưởng thành.

Ở độ tuổi 25, ước tính có khoảng 15% người được chẩn đoán bị ADHD khi còn nhỏ vẫn có đầy đủ các triệu chứng. Trong đó 65% vẫn có các triệu chứng ảnh hưởng tới cuộc sống hằng ngày của họ.

biểu hiện rối loạn tăng động giảm chú ý ở người lớn
Người lớn bị ADHD có thể tỏ ra cáu kỉnh, nóng nảy và tức giận trong nhiều tình huống

Một số nghiên cứu cho thấy, cách thức mà sự thiếu chú ý, hiếu động hay bốc đồng ảnh hưởng tới người lớn có thể sẽ rất khác so với cách mà chúng ảnh hưởng đến trẻ em. Các triệu chứng ADHD ở người lớn cũng có xu hướng tinh vi hơn nhiều so với thời thơ ấu.

– Các triệu chứng có liên quan tới ADHD ở người lớn:

  • Bất cẩn và thiếu chú ý tới chi tiết
  • Liên tục bắt đầu các nhiệm vụ mới khi chưa hoàn thành nhiệm vụ cũ
  • Kỹ năng tổ chức kém
  • Không có khả năng tập trung hay ưu tiên
  • Liên tục làm thất lạc hoặc làm mất mọi thứ
  • Xuất hiện chứng hay quên
  • Bồn chồn và khó chịu
  • Khó giữ im lặng, hay nói năng lung tung
  • Thốt ra câu trả lời không đúng lúc và thường làm gián đoạn người khác
  • Thay đổi tâm trạng, nóng nảy và cáu kỉnh
  • Không có khả năng đối phó với căng thẳng
  • Cực kỳ thiếu kiên nhẫn
  • Luôn chấp nhận rủi ro trong các hoạt động
  • Ít hoặc không quan tâm đến an toàn của bản thân và người khác

– Các tình trạng liên quan:

ADHD ở người lớn có thể xảy ra cùng với một số tình trạng liên quan khác. Một trong những bệnh phổ biến nhất là trầm cảm. Ngoài ra còn có một số vấn đề như:

  • Rối loạn nhân cách: Tình trạng mà một cá nhân có sự khác biệt đáng kể so với người bình thường về cách mà họ nhận thức, suy nghĩ, cảm nhận hay liên hệ với những người khác.
  • Rối loạn lưỡng cực: Một tình trạng có ảnh hưởng đến tâm trạng của bạn. Có thể chuyển từ thái cực này sang thái cực khác. Thường là các cơn trầm cảm đan xen với cơn hưng cảm hoặc hưng cảm nhẹ.
  • Rối loạn ám ảnh cưỡng chế: Tình trạng này có thể gây ra những suy nghĩ ám ảnh và hành vi cưỡng chế.

Ảnh hưởng của chứng rối loạn tăng động giảm chú ý

Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) là chứng rối loạn phát triển thần kinh thường gặp ở trẻ em. ADHD ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng tiếp thu và học tập của trẻ. Hầu hết những trẻ mắc chứng bệnh này đều chậm phát triển nhận thức và có kết quả học tập kém hơn các bạn đồng trang lứa.

Bên cạnh đó, trẻ bị ADHD còn có tính cách hung hăng, bốc đồng nên rất khó kết bạn và thường không duy trì được mối quan hệ bạn bè thân thiết. Điều này rất dễ khiến trẻ bị cô lập. Hơn nữa tâm trạng của trẻ còn trở nên bất ổn và phức tạp.

Trường hợp không được quan tâm kịp thời và đúng cách thì một số trẻ bị ADHD có thể phát triển các rối loạn tâm lý khác. Chẳng hạn như trầm cảm, rối loạn cảm xúc, rối loạn lo âu,… Ngoài ra việc không tiến hành điều trị còn khiến ADHD tiếp tục phát triển trong giai đoạn trưởng thành.

Đối với những người trưởng thành, mặc dù biểu hiện của ADHD không rõ rệt nhưng vẫn gây ra nhiều ảnh hưởng. Người bệnh thường sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất việc làm do thiếu tập trung, thường xuyên sai sót và công việc chậm trễ.

Người lớn mắc chứng ADHD cũng sẽ tăng nguy cơ bị rối loạn lo âu hay trầm cảm. Nguyên nhân thường do phải đối mặt với áp lực tài chính, sự phê bình từ những người xung quanh hay khả năng cạnh tranh trong công việc thấp.

tác hại của ADHD
ADHD có thể làm tăng nguy cơ phát triển chứng rối loạn lo âu ở người lớn

Hơn nữa, người lớn bị ADHD còn dễ lạm dụng các chất kích thích và chất gây nghiện, tham gia đua xe trái phép. Thậm chí còn có các hành vi vi phạm pháp luật với mức độ từ nhẹ cho tới nghiêm trọng.

Chẩn đoán rối loạn tăng động giảm chú ý

Chứng rối loạn tăng động giảm chú ý thường có biểu hiện khác nhau ở mỗi người. Do đó, sẽ có rất nhiều tiêu chí giúp bác sĩ chẩn đoán. Điều quan trọng là người bệnh cần cởi mở và trung thực với bác sĩ. Chú ý thực hiện các bảng đánh giá một cách xác thực để giúp bác sĩ đưa ra kết luận chính xác nhất.

Để nhận được chẩn đoán ADHD, bạn hoặc con bạn cần đáp ứng các tiêu chuẩn DSM-5. Trong đó, phải có sự kết hợp của các triệu chứng đặc trưng của  ADHD. Cụ thể là giảm chú ý, hiếu động thái quá hoặc bốc đồng.

Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể xem xét các yếu tố sau:

  • Các triệu chứng phải có tác động tiêu cực đến cuộc sống. Nói chung những người thực sự mắc chứng ADHD phải gặp các vấn đề lớn trong một hay nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Chẳng hạn như sự nghiệp, tài chính hay trách nhiệm gia đình.
  • ADHD thường bắt đầu từ thời thơ ấu. Do đó bác sĩ sẽ xem xét các triệu chứng xuất hiện sớm như thế nào. Trường hợp là người lớn thì cần tìm hiểu xem các triệu chứng có xuất hiện ở thời thơ ấu hay không.
  • Các triệu chứng phải xảy ra ít nhất 6 tháng trước khi đưa ra chẩn đoán ADHD.
  • Các triệu chứng ADHD phải xuất hiện ở nhiều địa điểm khác nhau, chẳng hạn như ở nhà, trường học, nơi làm việc. Nếu các triệu chứng chỉ xuất hiện trong một môi trường thì không có khả năng chẩn đoán ADHD.

Những người mắc chứng ADHD có nhiều khả năng đi kèm với các rối loạn tâm thần khác. Điều này gây ra nhiều khó khăn và trở ngại cho việc chẩn đoán. Bác sĩ thường sẽ phải chẩn đoán phân biệt ADHD với rối loạn hành vi, trầm cảm, tự kỷ, rối loạn học tập,… trước khi đưa ra chẩn đoán cuối cùng.

Cách điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý

Hiện tại vẫn chưa có phương pháp nào có thể chữa trị triệt để chứng rối loạn tăng động giảm chú ý. Tuy nhiên, các triệu chứng ADHD có thể được kiểm soát và điều trị thành công.

Với sự điều trị thích hợp, người bệnh có thể mong đợi thấy sự cải thiện trong kết quả học tập ở trường hay trong công việc. Ngoài ra còn có thể nhận thấy các mối quan hệ, sự tự tin và lòng tự trọng cũng được cải thiện đáng kể.

Việc điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý thường liên quan đến thuốc theo toa. Tuy nhiên đây không phải là phương pháp điều trị duy nhất hiện có. Kết hợp trị liệu tâm lý và các biện pháp hỗ trợ tại nhà sẽ giúp mang đến hiệu quả khả quan hơn.

1. Tâm lý trị liệu

Trị liệu tâm lý kết hợp với dùng thuốc được xác định là phương pháp điều trị chính cho chứng ADHD. Trong đó, đối với trẻ em thì trị liệu tâm lý thường được ưu tiên do mang lại cải thiện tốt và ít tiềm ẩn rủi ro.

điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý
Trị liệu tâm lý có thể giúp cải thiện các triệu chứng rối loạn tăng động giảm chú ý

Người bệnh ADHD có thể được hưởng lợi từ một số liệu pháp tâm lý. Chẳng hạn như:

Trong các liệu pháp tâm lý điều trị ADHD thì liệu pháp nhận thức – hành vi là phương pháp chính. Phương pháp này giúp người bệnh thay đổi nhận thức và suy nghĩ sai lệch, hình thành các thói quen tốt và xây dựng các hoạt động phù hợp với tiêu chuẩn xã hội.

Ngoài ra, liệu pháp nhận thức – hành vi còn giúp người bệnh cải thiện khả năng kiểm soát sự tập trung. Đồng thời tránh gặp phải tình trạng sao nhãng với tiếng ồn và không gian xung quanh.

Một số người bị rối loạn tăng động giảm chú ý cũng có thể mắc các tình trạng khác kèm theo như rối loạn lo âu hoặc trầm cảm. Trong những trường hợp này, trị liệu tâm lý giúp ích cho cả ADHD và các vấn đề đang tồn tại.

2. Liệu pháp hóa dược

Thuốc có thể làm giảm các triệu chứng kém chú ý, tăng động và bốc đồng ở trẻ em và người lớn bị ADHD. Tuy nhiên, việc dùng thuốc có thể đi kèm với một số tác dụng phụ và rủi ro. Ngoài ra, dùng thuốc cũng không phải là lựa chọn điều trị duy nhất.

Thuốc không thể chữa khỏi hoàn toàn chứng rối loạn tăng động giảm chú ý. Các triệu chứng thường sẽ suy giảm khi đang dùng thuốc nhưng chúng có thể sẽ quay trở lại khi ngừng thuốc.

Một số loại thuốc có thể được bác sĩ kê toa trong điều trị ADHD bao gồm:

– Thuốc hướng thần:

Thuốc hướng thần là loại phổ biến nhất được kê cho chứng rối loạn tăng động giảm chú ý. Các loại được dùng rộng rãi bao gồm Ritalin, Adderall và Dexedrine.

Các loại thuốc này hoạt động bằng cách làm tăng mức dopamine trong não. Dopamine là một chất dẫn truyền thần kinh có liên quan tới động lực, niềm vui, sự chú ý và chuyển động. Đối với nhiều người bị ADHD thì thuốc hướng thần có thể giúp tăng cường sự tập trung và làm giảm các hành vi hiếu động, bốc đồng.

Tuy nhiên nhóm thuốc này có thể gây ra một số tác dụng phụ. Chẳng hạn như cảm thấy bồn chồn, ăn mất ngon, nhức đầu, khó ngủ, bụng khó chịu, nhịp tim nhanh, thay đổi tâm trạng,…

Thuốc hướng thần chống chỉ định với những người có vấn đề về tim mạch, huyết áp cao, cường giáp, bệnh tăng nhãn áp, mức độ lo lắng cao hay có tiền sử lạm dụng ma túy.

thuốc chữa ADHD
Một số loại thuốc có thể được bác sĩ kê toa để hỗ trợ điều trị ADHD

– Strattera:

Strattera còn được biết đến với tên gọi chung là atomoxetine. Đây là loại thuốc không hướng thần duy nhất được FDA chấp thuận sử dụng trong điều trị ADHD. Strattera có thể làm tăng mức độ norepinephrine trong não.

Strattera có tác dụng lâu dài hơn là các thuốc hướng thần. Tác dụng của Strattera có thể kéo dài hơn 24 giờ. Do đó nó trở thành lựa chọn tốt cho những người bệnh gặp khó khăn khi bắt đầu các nhiệm vụ vào buổi sáng.

Ngoài ra, Strattera còn có một số đặc tính chống trầm cảm. Nó cũng là lựa chọn hàng đầu cho những người mắc chứng trầm cảm hoặc lo âu đồng thời. Tuy nhiên với các triệu chứng tăng động thì Strattera lại không hiệu quả như thuốc hướng thần.

Strattera có thể gây ra các tác dụng phụ như nhức đầu, buồn ngủ, chóng mặt, đau bụng, buồn nôn hay tâm trạng lâng lâng. Bên cạnh đó, Strattera cũng có thể gây mất ngủ và ức chế cảm giác thèm ăn nhưng không phổ biến như là thuốc hướng thần.

–  Thuốc chống trầm cảm:

Đối với những người bị cả ADHD và trầm cảm thì một số loại thuốc trầm cảm nhắm mục tiêu tới nhiều chất dẫn truyền thần kinh trong não có thể được kê toa. Trong đó, Wellbutrin là được sử dụng rộng rãi nhất. Ngoài ra, sử dụng thuốc chống trầm cảm 3 vòng cũng là một lựa chọn khác.

– Thuốc cao huyết áp:

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê toa một số loại thuốc huyết áp để điều trị ADHD. Các tùy chọn bao gồm guanfacine (Tenex) và clonidine (Catapres). Các thuốc này có thể hiệu quả với chứng hiếu động thái quá, hung hăng và bốc đồng.

3. Kế hoạch hỗ trợ tại nhà

Bên cạnh việc điều trị y tế thì kế hoạch chăm sóc và hỗ trợ tại nhà cũng rất quan trọng với việc kiểm soát triệu chứng ADHD. Trường hợp, con bạn đang mắc chứng ADHD thì cha mẹ có một ảnh hưởng rất lớn đến quá trình điều trị của con.

Nhiều bằng chứng cho thấy, việc tập thể dục thường xuyên, ăn uống và sinh hoạt lành mạnh có thể giúp làm giảm triệu chứng ADHD. Điều này cho thấy rằng, việc chăm sóc tại nhà là một phần không thể thiếu của quá trình điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý.

Một số giải pháp hỗ trợ tại nhà rất hiệu quả bao gồm:

– Hoạt động thể chất:

Tập thể dục là một trong những cách đơn giản và hiệu quả nhất để làm giảm triệu chứng ADHD. Hoạt động thể chất ngay lập tức sẽ làm tăng mức độ serotonin, dopamine và norepinephrine của não. Tất cả các chất hóa học trong não này đều ảnh hưởng đến sự tập trung và chú ý.

kế hoạch điều trị ADHD
Hoạt động thể chất thường xuyên là giải pháp đơn giản mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh ADHD

Hơn nữa, tập thể dục còn không có tác dụng phụ, phù hợp với cả người lớn và trẻ em bị ADHD. Tuy nhiên, các hoạt động của người bệnh cần chú ý nhiều đến chuyển động của cơ thể. Chẳng hạn như khiêu vũ, võ thuật, trượt ván, thể dục dụng cụ hay các môn thể thao đồng đội.

– Tầm quan trọng của giấc ngủ:

Thường xuyên có giấc ngủ chất lượng sẽ giúp cải thiện đáng kể các triệu chứng rối loạn tăng động giảm chú ý. Tuy nhiên nhiều người bệnh ADHD lại gặp khó khăn khi ngủ vào ban đêm. Cơn khó ngủ có thể là do dùng thuốc hướng thần. Lúc này nên giảm liều hoặc ngừng hoàn toàn thuốc để giải quyết vấn đề.

Tuy nhiên, có một tỷ lệ lớn người bệnh không dùng thuốc hướng thần vẫn gặp khó khăn khi ngủ. Lúc này, nên thực hiện một số giải pháp để hỗ trợ giấc ngủ. Chẳng hạn như đặt giờ đi ngủ đều đặn, tắt tất cả thiết bị điện tử 1 giờ trước khi ngủ, áp dụng các giải pháp thư giãn,…

– Dinh dưỡng tốt:

Các nghiên cứu cho thấy rằng, việc ăn gì và ăn khi nào có thể tạo ra sự khác biệt đối với kiểm soát ADHD. Cần chú ý đến các vấn đề sau:

  • Lên lịch các bữa ăn chính hoặc các bữa ăn nhẹ cách nhau không quá 3 giờ
  • Cố gắng bổ sung 1 ít protein và carbohydrate phức hợp trong mỗi bữa ăn
  • Kiểm tra hàm lượng kẽm, sắt và magie được tiêu thụ
  • Bổ sung nhiều acid béo Omega-3 vào chế độ ăn uống

Rối loạn tăng động giảm chú ý gây ra rất nhiều phiền toái cho cuộc sống của người bệnh. Đặc biệt là ở đối tượng trẻ nhỏ, tình trạng này làm giảm đáng kể khả năng học tập cũng như phát triển tư duy và nhận thức. Do đó cần sớm phát hiện và có sự quan tâm, điều trị kịp thời.

Có thể bạn quan tâm:

5/5 - (2 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *