Dấu hiệu rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ và cách can thiệp

Bốc đồng, hiếu động, nghịch phá quá mức, giảm sự tập trung, không chú ý vào hầu hết mọi hoạt động chính là các dấu hiệu nhận biết của chứng rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ em. Chứng bệnh này hiện đang phát triển phổ biến và chính là nguyên nhân khiến cho nhiều bậc phụ huynh phải lo lắng, bất an về các ảnh hưởng to lớn của nó. 

Rối Loạn Tăng Động Giảm Chú Ý Ở Trẻ
Trẻ bị ADHD sẽ hiếu động, bốc đồng, tăng động quá mức ở mọi thời điểm

Tổng quan về rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ

Rối loạn tăng động giảm chú ý còn được sử dụng với tên tiếng Anh là Attention Deficit – Hyperactivity Disorder (viết tắt ADHD). Đây là một dạng rối loạn phát triển thần kinh mãn tính có sự ảnh hưởng rộng lớn đến hàng triệu trẻ em trên thế giới. Các triệu chứng của bệnh sẽ tiếp diễn và kéo dài dai dẳng cho đến khi trẻ trưởng thành.

ADHD sẽ bao gồm các vấn đề mang tính chất bền vững, ví dụ như hiếu động quá mức, không thể duy trì tốt sự tập trung, xuất hiện các hành vi bốc đồng, chống đối, quậy phá,…Trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý sẽ phải liên tục đối diện với vô vàng các rắc rối, cản trở trong việc duy trì các mối quan hệ xã hội, lòng tự trọng thấp, thành tích học tập không được đảm bảo.

Theo chia sẻ của các chuyên gia thì tỉ lệ trẻ em bị mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý sẽ tùy vào từng quốc gia khác nhau. Một tổng hợp từ 102 các nghiên cứu chuyên khoa tại các vùng riêng biệt trên thế giới cho biết có khoảng 6,5% trẻ em và gần 2,7% thanh thiếu niên mắc phải chứng rối loạn này.

Các triệu chứng của bệnh nếu không được kiểm soát kịp thời sẽ gây nên rất nhiều các ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, đời sống và làm giảm chất lượng học tập của trẻ nhỏ. Một điều đáng tiếc đó chính là hiện nay chỉ có khoảng 3/10 trẻ được chẩn đoán bệnh ở độ tuổi từ 2 đến 5 tuổi, số còn lại phải sống cùng với chứng rối loạn này cho đến khi trưởng thành mà không được can thiệp bởi bất kì biện pháp nào.

Trong thực tế, rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ hiện vẫn không có biện pháp điều trị hoàn toàn nhưng nó vẫn có thể kiểm soát và làm giảm nhẹ các triệu chứng bệnh. Điều trị ADHD thường sẽ kết hợp nhiều phương pháp, phổ biến nhất là sử dụng thuốc và can thiệp hành vi của người bệnh. Việc có thể sớm phát hiện và điều trị bệnh có thể tạo nên sự khác biệt lớn trong việc cải thiện và nâng cao sức khỏe của bệnh nhân.

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý

Các triệu chứng của rối loạn tăng động giảm chú ý thường sẽ khởi phát sớm trước khi trẻ 12 tuổi hoặc có những tình trạng trẻ xuất hiện ngay từ khi còn nhỏ (dưới 3 tuổi). Mức độ biểu hiện của từng bé sẽ khác nhau, có thể nhẹ, trung bình hoặc nặng và kéo dài cho đến khi trưởng thành.

Theo khảo sát thì tỉ lệ mắc bệnh ADHD sẽ phổ biến nhiều hơn ở các bé nam. Tùy vào giới tính của mỗi bé mà các triệu chứng bất thường về hành vi cũng sẽ có biểu hiện khác nhau, bé nam thường sẽ hiếu động hơn, còn bé gái thường sẽ vô tâm, lặng lẽ.

Rối Loạn Tăng Động Giảm Chú Ý Ở Trẻ
Biểu hiện của trẻ bị ADHD rất đa dạng, tùy thuộc vào tính cách, môi trường, giới tính của trẻ

Trẻ bị ADHD có thể chỉ có biểu hiện của rối loạn tăng động hoặc rối loạn giảm chú ý hoặc kết hợp cả hai trạng thái này. Nếu nghi ngờ con đang mắc phải chứng bệnh nguy hiểm này thì cha mẹ cũng nên xem xét và tìm hiểu về các dấu hiệu nhận biết dưới đây:

1. Dấu hiệu tăng động

Trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý sẽ có tối thiểu 6 triệu chứng tăng động sau đây và chúng sẽ kéo dài ít nhất trong vòng 6 tháng.

  • Thường đứng dậy, di chuyển khỏi chỗ ngồi mặc dù đã được yêu cầu ngồi yên tại chỗ.
  • Luôn cảm thấy bồn chồn, lo lắng, bất an, chân tay vặn vẹo không thể ngồi yên.
  • Gặp nhiều khó khăn trong quá trình chơi hoặc tham gia vào các hoạt động tĩnh.
  • Thường nghịch phá, chạy giỡn, leo trèo, nô đùa quá mức tại các địa điểm hoặc thời điểm không phù hợp.
  • Thường nói nhanh, nói nhiều, nói to quá mức.
  • Con luôn hành động giống như một thiết bị động cơ nào đó đang hoạt động với công suất tối đa.
  • Thường ngắt lời người khác hoặc trả lời trước khi câu hỏi kết thúc.
  • Không đủ kiên nhẫn, cảm thấy nôn nóng và luôn gặp nhiều khó khăn khi phải chờ đợi.
  • Có xu hướng xâm phạm hoặc làm gián đoạn người khác, chẳng hạn như chen ngang vào câu chuyện, chuyển sang các cuộc hội thoại khác một cách bất ngờ,…

2. Dấu hiệu giảm chú ý

Trẻ sẽ có ít nhất 6 triệu chứng giảm chú ý dưới đây và kéo dài hơn 6 tháng, các biểu hiện sẽ không phù hợp với mức độ phát triển tự nhiên của trẻ.

  • Không nghe đối phương nói dù đang trong cuộc hội thoại trực tiếp với người đó.
  • Gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động, sự kiện.
  • Không chú ý nhiều đến các chi tiết, mắc phải nhiều lỗi trong quá trình học tập, làm việc và các hoạt động sinh hoạt hàng ngày.
  • Có xu hướng không thực hiện theo đúng những gì đã được hướng dẫn và không thể hoàn thành tốt các công việc, nhiệm vụ được giao.
  • Cảm thấy khó khăn và không thể giữ được sự tập trung, chú ý vào bất kì điều gì đó.
  • Rất dễ bị xao nhãng, phân tâm.
  • Không có quá nhiều hứng thú, không muốn làm hoặc thậm chí là luôn tìm cách né tránh các công việc phải tốn quá nhiều công sức và thời gian, chẳng hạn như làm bài tập về nhà.
  • Thường xuyên làm mất các đồ dùng cá nhân, các vật dụng cần thực để phục vụ cho học tập, sinh hoạt hàng ngày, ví dụ như bút, thước kẻ, tập sách, đồ chơi,….
  • Rất hay quên thực hiện các công việc, nhiệm vụ, hoạt động hàng ngày.

Hầu hết trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý đều sẽ có các biểu hiện của tăng động hoặc giảm chú ý ở một thời điểm nào đó. Ngay cả khi trẻ trưởng thành, chúng cũng sẽ dành sự chú ý, quan tâm vào những điều mà chúng thực sự yêu thích. Tuy nhiên, các triệu chứng của bệnh cũng có thể dễ nhầm lẫn với các biểu hiện nổi loạn, quậy phá hàng ngày của trẻ nhỏ. Do đó, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đến gặp trực tiếp chuyên gia để được thăm khám và chẩn đoán cẩn thận hơn.

Rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ – Nguyên nhân do đâu?

Cho đến hiện nay, nguyên nhân gây ra chứng rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ vẫn chưa được xác định cụ thể, các nhà khoa học vẫn đang trong quá trình nổ lực nghiên cứu và tìm hiểu. Tuy nhiên, một số tài liệu chuyên khoa nhận thấy rằng căn bệnh này có sự liên quan đến các yếu tố di truyền, bị ảnh hưởng nhiều bởi môi trường và các vấn đề từ hệ thống thần kinh trung ương diễn ra trong quá trình phát triển của mỗi trẻ nhỏ.

Rối Loạn Tăng Động Giảm Chú Ý Ở Trẻ
Di truyền là yếu tố thường được nhắc đến đối với những trẻ bị ADHD

Một số yếu tố nguy cơ có thể làm gia tăng khả năng mắc bệnh ADHD ở trẻ như:

  • Di truyền: Cũng giống như các chứng rối loạn tâm thần khác, ADHD cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi yếu tố di truyền. Nếu trong gia đình có người thân như cha mẹ, ông bà, anh chị em ruột từng mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý hoặc các rối loạn sức khỏe tâm thần có liên quan thì khả năng mắc bệnh của bạn sẽ cao hơn so với bình thường.
  • Thường xuyên tiếp xúc với các môi trường độc hại như đường ống trong các tòa nhà cũ, sơn tường, chì cũng sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc chứng ADHD ở trẻ.
  • Trong thời gian mang thai mẹ có tiền sử sử dụng các chất kích thích, chất gây nghiện như ma túy, thuốc lá, rượu bia,…
  • Sinh non.

Biến chứng nguy hiểm khi trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý

Như đã chia sẻ ở trên, ADHD là một dạng bệnh mãn tính, các triệu chứng của bệnh sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người bệnh, khiến cho trẻ nhỏ gặp nhiều khó khăn trong quá trình sinh hoạt, kết nối xã hội. Những trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý thường sẽ:

  • Có lòng tự trọng thấp
  • Có khả năng gặp phải nhiều thương tích, tai nạn hơn so với các đứa trẻ bình thường khác.
  • Thường phải đấu tranh, vật lộn với quá trình học tập. Tình trạng này làm cho kết quả học tập không đạt được như mong muốn, trẻ phải liên tục đối diện với các phán xét, những lời trách móc, chê cười của bạn bè cùng trang lứa hoặc thầy cô, cha mẹ.
  • Gặp nhiều khó khăn, cản trở trong quá trình giao tiếp, xây dựng các mối quan hệ lâu dài với bạn bè.
  • Có nhiều khả năng lạm dụng các chất kích thích, chất gây nghiện độc hại hoặc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Các chuyên gia cho biết, rối loạn tăng động giảm chú ý không gây ra các vấn đề tâm lý khác. Tuy nhiên, khi trẻ mắc phải chứng bệnh này sẽ có nhiều khả năng hơn các trẻ có sức khỏe bình thường. Cụ thể như:

  • Hành vi gây rối: Trẻ có thể thực hiện các hành vi chống đối, gây rối xã hội như đánh nhau, trộm cắp, phá hoại tài sản, làm tổn thương, đe dọa giết hại động vật hoặc những người xung quanh.
  • Rối loạn thách thức chống đối (ODD): Căn bệnh này thường được đánh giá là một mô hình với các hành vi thách thức, thù địch, tiêu cực với những nhân vật có chức vụ, thẩm quyền.
  • Rối loạn lo âu: Có thể làm cho trẻ cảm thấy hồi hộp, lo lắng, bất an quá mức hoặc có khả năng bao gồm của chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế.
  • Khả năng học tập suy giảm: Không có đầy đủ các khả năng đọc, viết, hiểu và giao tiếp tốt đúng với lứa tuổi.
  • Rối loạn phổ tự kỷ: Đây là chứng rối loạn có sự liên quan đến quá trình phát triển và hình thành não bộ, làm ảnh hưởng đến nhận thức và khả năng giao tiếp của trẻ.
  • Rối loạn sử dụng chất gây nghiện: Gồm các chất kích thích, gây nghiện như thuốc lá, rượu bia, ma túy,…
  • Rối loạn tâm trạng: Sẽ gồm có rối loạn lưỡng cực và trầm cảm.
  • Rối loạn Tic hoặc hội chứng Tourette: Những rối loạn có liên quan đến các hành vi, chuyển động liên tục lặp đi lặp lại hoặc các âm thanh không thể kiểm soát.

Chẩn đoán rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ

Trẻ sẽ không được chẩn đoán mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý nếu các biểu hiện của bệnh không khởi phát trước 12 tuổi và làm ảnh hưởng đến các hoạt động, sinh hoạt hàng ngày ở nhà và trường học. Hiện nay vẫn chưa có bất kì xét nghiệm nào có thể chẩn đoán chính xác về tình trạng bệnh này.

Thông thường trẻ sẽ được xác định mắc bệnh thông qua việc thăm khám và kiểm tra sức khỏe như sau:

  • Kiểm tra sức khỏe tổng quát: Bước này sẽ giúp bác sĩ loại trừ tốt các nguyên nhân khác có thể làm xuất hiện những triệu chứng của bệnh.
  • Thăm hỏi bệnh: Chuyên gia sẽ đặt ra các câu hỏi bất kì để tìm hiểu về tình trạng sức khỏe hiện tại của trẻ nhỏ, cũng như khai thác về tiền sử bệnh của trẻ, người thân trong gia đình, xem xét học bạ của trẻ.
  • Hỏi trực tiếp hoặc cho trẻ thực hiện bài test trắc nghiệm để có được cái nhìn bao quát hơn. Đồng thời những người thân trong gia đình, bạn bè, giáo viên, người chăm sóc trực tiếp, các đối tượng biết rõ về trẻ cũng sẽ được khuyến khích thực hiện các mẫu câu hỏi cần thiết.
  • Việc chẩn đoán rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ sẽ dựa vào Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần DSM-5 do Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ xuất bản.
  • Đồng thời, thang đánh giá ADHD sẽ giúp thu thập và đánh giá tốt về các thông tin của trẻ.

Trong thực tế, các triệu chứng và biểu hiện bất thường của bệnh có thể khởi phát từ rất sớm, ngay từ khi trẻ bước vào độ tuổi mẫu giáo. Tuy nhiên, quá trình chẩn đoán bệnh gặp phải rất nhiều khó khăn bởi các triệu chứng có thể dễ bị nhầm lẫn với tình trạng chậm nói của trẻ.

Rối Loạn Tăng Động Giảm Chú Ý Ở Trẻ
Việc chẩn đoán ADHD ở trẻ cần được tiến hành bởi các bác sĩ, chuyên gia giàu kinh nghiệm

Vì thế, việc chẩn đoán rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ cần phải được thực hiện bởi các chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm thần học, bác sĩ khoa như hoặc các nhà nghiên cứu bệnh học có nhiều kinh nghiệm. Nếu có thể chẩn đoán bệnh sớm thì quá trình điều trị và cải thiện bệnh sẽ đạt được nhiều kết quả khác biệt.

Một vài vấn đề sức khỏe khác có thể làm xuất hiện các triệu chứng tương tự và dễ nhầm lẫn với ADHD như:

  • Rối loạn co giật
  • Rối loạn trầm cảm
  • Rối loạn lo âu
  • Rối loạn giấc ngủ
  • Hội chứng tự kỷ
  • Chấn thương sọ não
  • Các vấn đề liên quan đến thính giác, thị lực
  • Vấn đề về ngôn ngữ, học tập
  • Những vấn đề sức khỏe hoặc việc sử dụng thuốc làm ảnh hưởng đến hành vi, nhận thức.

Hướng điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ

Sau khi nhận biết và chẩn đoán cụ thể về tình trạng rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ thì gia đình và nhà trường cần phải phối hợp chặt chẽ với nhau để hỗ trợ tốt cho quá trình điều trị bệnh của trẻ nhỏ. Thông thường, để cải thiện sức khỏe cho trẻ bị ADHD thì cần phải kết hợp nhiều phương pháp điều trị với nhau mới có thể giúp trẻ mau phục hồi và hòa nhập tốt với cuộc sống hiện tại.

Cụ thể một số hình thức thường được áp dụng để điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ như sau:

1. Liệu pháp hành vi và nhận thức

Đây được xem là liệu pháp tâm lý được ưu tiên áp dụng đầu tiên đối với các trường hợp trẻ bị ADHD. Các chuyên gia sẽ giải thích và phân tích cụ thể để trẻ hiểu được những điều mà bản thân cần phải làm. Đồng thời giúp trẻ nhận thức tốt về các hành vi, nhận thức sai lệch của mình để dần điều chỉnh chúng theo chiều hướng tích cực.

Rối Loạn Tăng Động Giảm Chú Ý Ở Trẻ
Liệu pháp nhận thức hành vi sẽ giúp trẻ điều chỉnh tốt hành động, suy nghĩ của mình

Thông qua liệu pháp này, trẻ cũng hiểu được những hành vi tốt mà cha mẹ, thầy cô mong đợi ở trẻ. Ngoài ra, trẻ còn được giao phó các nhiệm vụ nhỏ, theo từng cấp độ để dần thay đổi thói quen, hành vi của bản thân. Sau khi hoàn thành tốt một việc gì đó trẻ cũng sẽ được khen thưởng để có thêm nhiều động lực và cố gắng tiến bộ hơn nữa.

2. Huấn luyện nếp sống và những kỹ năng xã hội cần thiết

Song song với việc điều chỉnh tốt hành vi, suy nghĩ của trẻ theo chiều hướng đúng đắn và tích cực thì các chuyên gia cũng sẽ huấn luyện và chỉ dạy cho trẻ về các kỹ năng xã hội, xây dựng nếp sống phù hợp. Điều này sẽ giúp trẻ nhỏ dễ dàng hòa nhập hơn vào cuộc sống và môi trường học tập.

Một số kỹ năng cần thiết cần phải rèn luyện cho trẻ ADHD như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng đọc, viết, kỹ năng kiểm soát cảm xúc,….Khi có thể trang bị đầy đủ kiến thức và phát triển tốt các kỹ năng xã hội sẽ giúp cho trẻ hạn chế được nguy cơ tái phát hoặc làm cho tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng.

3. Hỗ trợ và tư vấn gia đình về cách chăm sóc trẻ

Gia đình cũng là một trong các yếu tố quan trọng góp phần tạo nên sự thành công cho quá trình điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ nhỏ. Cha mẹ cần dành nhiều thời gian để quan tâm, chăm sóc và nhắc nhở trẻ trong các hoạt động, sinh hoạt hàng ngày.

Để việc chăm sóc và hỗ trợ trẻ được diễn ra tốt hơn, trước tiên cha mẹ cũng cần gặp gỡ và trao đổi với chuyên gia để có được những lời khuyên hữu ích và phù hợp với tình trạng bệnh hiện tại của trẻ nhỏ. Đồng thời, những người chăm sóc cần phải thống nhất với nhau về cách nuôi dạy trẻ để tránh gây ra sự bất đồng, khiến cho tình trạng rối loạn của trẻ càng trở nên tồi tệ.

4. Áp dụng các bài tập tăng cường vận động hợp lý

Trong rất nhiều các nghiên cứu khoa học nhận thấy rằng, vận động thường xuyên không chỉ giúp nâng cao sức đề kháng, tăng cường hệ miễn dịch để tốt cho sức khỏe thể chất mà còn có tác dụng ổn định trạng thái tâm lý, hỗ trợ cải thiện sức khỏe tinh thần.

Việc áp dụng các bài tập thể thao, tăng cường vận động sẽ giúp trẻ biết cách lập kế hoạch phù hợp. Đồng thời trẻ cũng làm chủ được bản thân, một số bài tập còn giúp gia tăng sự tập trung, chú ý ở trẻ nhỏ. Các chuyên gia sẽ xem xét tình trạng sức khỏe, độ tuổi, tính cách của trẻ để đề xuất các bài tập vận động phù hợp nhất.

5. Trò chơi trị liệu phù hợp

Một số trò chơi trị liệu có thể giúp trẻ giải tỏa căng thẳng, học cách tổ chức, xây dựng nếp sống, rèn luyện tính kiên trì, nhẫn nại hoặc các cách ứng xử với bạn bè, thầy cô, người lớn tuổi,…Bên cạnh đó, không nên cho trẻ tham gia các hoạt động hoặc trò chơi kích thích nằm ngoài tầm kiểm soát của trẻ nhỏ.

Rối Loạn Tăng Động Giảm Chú Ý Ở Trẻ
Các trò chơi trị liệu có thể giúp trẻ gia tăng sự chú ý, giảm bớt sự tăng động

Theo nhận định của các chuyên gia thì việc đi bộ, tập thư giãn sẽ giúp ích rất nhiều cho quá trình điều trị bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ nhỏ. Trẻ sẽ biết cách điều chỉnh tốt hành vi, kiểm soát hiệu quả mức độ tăng động của trẻ nhỏ, đồng thời hạn chế các thời gian hoạt động, các hành động quá khích.

6. Điều trị bằng thuốc

Đối với một số trường hợp đặc biệt, các triệu chứng của bệnh biểu hiện ở mức độ nghiêm trọng, trẻ thực hiện các hành vi quá khích làm tổn thương bản thân hoặc những người xung quanh thì sẽ được cân nhắc sử dụng thêm một số loại thuốc hỗ trợ. Việc dùng thuốc cần phải được kết hợp cùng với liệu pháp tâm lý để đảm bảo hiệu quả của quá trình điều trị.

Tuy rằng hiện nay vẫn chưa có bất kì loại thuốc nào được công nhận về khả năng điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ nhưng việc dùng thuốc sẽ giúp khống chế và kiểm soát tốt các triệu chứng nguy hiểm. Quá trình dùng thuốc của trẻ cần phải được chỉ định và theo dõi bởi các chuyên gia, bác sĩ để đảm bảo sự an toàn.

Trong quá trình sử dụng nếu trẻ có xuất hiện các triệu chứng bất thường thì cần thông báo ngay với bác sĩ để được thăm khám và hướng dẫn xử lý kịp thời. Nếu trẻ có thể được phát hiện và điều trị sớm thì tiên lượng sẽ tốt hơn, trẻ có nhiều cơ hội để phục hồi và hòa nhập tốt với cộng đồng.

Phòng ngừa rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ

Rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ có thể gây ra rất nhiều những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và đời sống của trẻ nhỏ. Các triệu chứng của bệnh có thể kéo dài cho đến khi trưởng thành làm cản trở quá trình phát triển và ảnh hưởng nhiều đến sự nghiệp, tương lai của bệnh nhân.

Đặc biệt hiện nay các phương pháp điều trị bệnh vẫn không thể cải thiện tốt hoàn toàn tình trạng bệnh lý. Đa phần nếu được can thiệp sớm thì người bệnh sẽ được kiểm soát và làm thuyên giảm các triệu chứng nguy hiểm.

Vì thế, cha mẹ cần phải có kiến thức và biết cách phòng ngừa để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh ở trẻ nhỏ. Một số điều cần lưu ý như sau:

  • Phụ nữ mang thai nên cẩn trọng tránh tất cả các yếu tố, thói quen có thể gây tác hại xấu đến sự phát triển và hình thành thai nhi. Chẳng hạn như sử dụng rượu bia, dùng chất kích thích, hút thuốc, uống thuốc không kê đơn,…
  • Tạo dựng môi trường sống thật lành mạnh cho trẻ nhỏ, bảo vệ con tránh khỏi các tác hại nguy hiểm từ bên ngoài. Không cho con tiếp xúc với các độc tố, các chất ô nhiễm như sơn chì, khói thuốc lá,….
  • Mặc dù vẫn chưa được xác nhận và chứng minh cụ thể nhưng cha mẹ vẫn nên thận trọng và kiểm soát thời gian trẻ tiếp xúc với các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại, ipad,….
  • Rèn luyện và giúp trẻ duy trì thói quen sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi thật khoa học và lành mạnh.

Rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ cần được quan tâm và tiến hành can thiệp sớm để giảm thiểu các ảnh hưởng tiêu cực đối với cuộc sống của trẻ nhỏ. Hi vọng qua thông tin của bài viết này các bậc phụ huynh sẽ có thêm nhiều kiến thức hữu ích để giúp con cải thiện tốt tình trạng bệnh lý của mình.

Tham khảo thêm:

Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *