Có nên sống thử trước hôn nhân hay không? Góc nhìn thực tế

Ở nước ta, sống thử vẫn chưa được chấp nhận hoàn toàn. Định kiến từ xã hội khiến nhiều cặp đôi băn khoăn có nên sống thử trước hôn nhân hay không. Để tránh đưa ra quyết định sai lầm, cả hai nên tìm hiểu mặt trái cũng như lợi ích mà sống thử mang lại.

có nên sống thử trước hôn nhân không
Định kiến về sống thử khiến nhiều cặp đôi băn khoăn có nên chung sống trước hôn nhân hay không

Sống thử là gì?

Sống thử là cụm từ đề cập đến tình trạng một cặp nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng nhưng chưa đăng ký kết hôn và tổ chức hôn lễ. Trong tư tưởng của người Việt, sống thử thường không được ủng hộ vì lối sống này được cho là làm mất đi phẩm hạnh của người phụ nữ và mai một những giá trị truyền thống.

Cách đây hơn một thập kỷ, sống thử trở thành vấn đề được bàn tán và xuất hiện thường xuyên trên báo đài, ti vi. Những thông tin này vô tình tạo nên suy nghĩ tiêu cực cho nhiều người về vấn đề sống thử. Tuy nhiên, sự cởi mở và phóng khoáng từ cuộc sống hiện đại đã phần nào có thể xóa bỏ những định kiến về việc sống thử trước hôn nhân.

Tỷ lệ sống thử tăng lên đáng kể trong những năm gần đây. Theo nghiên cứu của Trung tâm xác suất Sức khỏe Quốc gia Mỹ được thực hiện vào năm 2015 cho thấy, gần 70% các cặp vợ chồng đều sống thử trước hôn nhân. Ở Việt Nam chưa có con số chính thức nhưng theo dự đoán, tỷ lệ sẽ không quá cao do truyền thống đề cao phẩm hạnh và sự trong trắng của người phụ nữ.

Sống thử có những lợi ích và hạn chế nhất định. Các cặp đôi đang có ý định chung sống trước hôn nhân nên tìm hiểu kỹ để tránh những ảnh hưởng nặng nề. Bởi những hậu quả mà hai bạn phải đối mặt đôi khi nghiêm trọng hơn rất nhiều so với những gì có thể hình dung.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Lợi ích của việc sống thử trước hôn nhân

Sống thử sẽ giúp cả hai hiểu hơn về cuộc sống hôn nhân và những thứ cần phải trang bị trước khi kết hôn. Dưới đây là một số lợi ích của việc sống thử trước khi cưới:

1. Giúp cả hai thấu hiểu nhau hơn

Khi yêu nhau, cả hai chỉ có thể gặp gỡ nhau vài lần/ tuần. Thời gian gặp gỡ ngắn khiến cả hai luôn cảm thấy nhớ nhung và muốn gần gũi với đối phương. Trong quãng thời gian hẹn hò, các cặp đôi thường chăm chút ngoại hình để luôn đẹp trong mắt người yêu. Vì vậy, sẽ rất khó có thể hiểu hơn về tính cách, quan điểm và lối sống của nhau.

sống thử trước khi kết hôn
Sống thử giúp cả hai hiểu hơn về đối phương từ sở thích cho đến tính cách và quan điểm sống

Sống thử mang đến cho cả hai nhiều thời gian ở bên cạnh nhau. Thời gian dài đủ để cả hai hiểu hơn về thói quen sinh hoạt, cách ăn uống và đặc biệt là tính cách. Thực tế, quen một người 5 hay 10 năm không thể giúp bạn thấu hiểu họ bằng việc cùng chung sống trong vài tháng.

2. Đánh giá sự hòa hợp trước khi kết hôn

Hòa hợp trong hôn nhân cần rất nhiều yếu tố. Trước tiên, cả hai phải có đủ tình yêu để hình thành mong muốn gắn kết với đối phương và cùng nhau xây dựng gia đình hạnh phúc.

Tình yêu chỉ đủ cho một mối quan hệ yêu đương nhưng chưa bao giờ đủ để đi đến một cuộc hôn nhân. Hôn nhân cần tình yêu, trách nhiệm, sự thấu hiểu, vị tha và nhường nhịn. Nếu chung sống trước hôn nhân, cả hai có thể đánh giá mức độ hòa hợp trước khi đưa ra quyết định chính thức.

Về cơ bản, hôn nhân đòi hỏi sự hòa hợp về tính cách và quan điểm sống. Rất khó để hai cá thể trái ngược hoàn toàn chung sống hạnh phúc trong một thời gian dài. Hôn nhân không đơn thuần là câu chuyện của hai người mà liên quan đến con cái, gia đình và nhiều mối quan hệ khác. Nếu quan điểm sống quá khác biệt, cả hai nên xem xét về quyết định kết hôn.

Dù vậy, vẫn có những cặp đôi nỗ lực thay đổi để hòa hợp với nhau hơn. Sự thay đổi phải xuất phát từ cả hai người thì hôn nhân mới thực sự bền vững và “kiên cố”. Nếu sự cố gắng chỉ xuất phát từ một phía, một trong hai người sẽ rất mệt mỏi. Mầm mống tan vỡ sẽ dần xuất hiện trong mối quan hệ vợ chồng và lớn dần dẫn đến hôn nhân đổ vỡ.

Sống thử mang đến cơ hội để cả hai đánh giá sự hòa hợp và thiện chí của đối phương trong việc nỗ lực dung hòa. Khi cả hai có nhiều điểm chung và chấp nhận thay đổi sự khác biệt để hòa hợp hơn thì chính là thời điểm sẵn sàng để bước vào hôn nhân. Theo chia sẻ của nhiều người, sống thử trước hôn nhân cũng giúp họ có thể tìm được nửa kia hòa hợp về mọi mặt, bao gồm cả tình dục.

3. Thống nhất trước về cách quản lý tài chính

Theo khảo sát của các chuyên gia, tài chính là vấn đề hàng đầu gây ra căng thẳng trong hôn nhân. Cuộc sống hiện đại có rất nhiều khoản chi nên cả hai cần thống nhất về cách quản lý tài chính. Nếu chưa có thu nhập ổn định, cả hai nên tập trung phát triển sự nghiệp trước khi đi đến hôn nhân.

Khi có tài chính, các cặp đôi mới có thể xây dựng một tổ ấm đúng nghĩa. Sống thử là cơ hội để cả hai xem xét về thói quen chi tiêu và định hướng đầu tư của đối phương. Vật chất không phải là yếu tố tiên quyết cho một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Thế nhưng nếu liên tục xảy ra mâu thuẫn về tiền bạc, cả hai khó lòng duy trì được hôn nhân lâu dài.

có nên sống thử trước khi kết hôn không
Sống thử tạo cơ hội để các cặp đôi thống nhất cách quản lý chi tiêu trước khi về chung một nhà

Khi sống thử, cả hai sẽ phải chi trả những khoản chung như nhà cửa, điện nước, thực phẩm,… Ngoài ra, cả hai sẽ phải minh bạch tài chính, đồng thời phải có sự đóng góp để có thể tổ chức đám cưới và ổn định cuộc sống sau này.

Nếu một trong hai người lựa chọn làm nội trợ, cần đảm bảo người còn lại tạo ra thu nhập ổn định và phải thống nhất trước về cách chi tiêu. Bởi khi bước vào hôn nhân, rất có thể người không tạo ra thu nhập sẽ phải hứng chịu sự thiếu tôn trọng và lời nói nặng nề từ đối phương.

Tài chính ổn định và cách quản lý chi tiêu thống nhất sẽ giúp cả hai tránh được những mâu thuẫn sau này. Khi sống thử, cả hai đề cập thẳng thắn đến vấn đề tiền bạc. Bởi rất nhiều cặp đôi đã từng đổ vỡ do thói quen chi tiêu khác biệt, đối phương quá tiết kiệm hoặc phung phí.

4. Học cách hóa giải mâu thuẫn

Bí quyết để giữ gìn hôn nhân là biết cách hóa giải mâu thuẫn và xung đột. Khi chung sống cùng nhau, những điều vụn vặt tưởng chừng rất nhỏ cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến cãi vã. Nếu không học được cách hóa giải, hôn nhân khó lòng hạnh phúc và duy trì bền lâu.

có nên sống thử trước khi kết hôn không
Mâu thuẫn trong thời gian sống thử giúp cả hai học được cách hóa giải, nhường nhịn thay vì cố chấp với cái tôi quá lớn

Lợi ích khi sống thử là sẽ giúp cả hai học cách hóa giải hiểu lầm, mâu thuẫn để tránh lời qua tiếng lại. Khách quan mà nói, khó có cặp vợ chồng nào không có những lúc “cơm không lành, canh không ngọt”. Tuy nhiên, những cặp đôi khéo léo trong cách xử sự luôn giữ được cuộc sống ấm êm, hạnh phúc. Trong khi đó, nếu ai cũng vì cái tôi của mình, sẽ chẳng ai lắng nghe nhau và sự đổ vỡ là điều tất yếu.

Nhiều người cho rằng, sống thử là nguyên nhân khiến các cặp đôi tan vỡ mà không hề biết sự đổ vỡ này là tất yếu. Nếu bước vào hôn nhân mà chưa tìm hiểu kỹ, ly hôn là điều sớm muộn sẽ xảy ra. Sống thử không phải là lý do dẫn đến chia tay mà là cơ hội để cả hai kết thúc kịp thời trước khi đưa ra quyết định sai lầm.

5. Giúp cả hai đưa ra quyết định đúng đắn

Thời gian chung sống sẽ giúp hai người hiểu nhau hơn và đánh giá được mức độ hòa hợp. Sau khi sống thử, quyết định dừng lại hay đi tiếp đều là đúng đắn. Bởi nếu quá khác biệt, cố chấp bước vào hôn nhân chỉ ràng buộc cả hai trong một mối quan hệ nặng nề, mệt mỏi. Ngược lại, hai bạn sẽ càng thêm chắc chắn với quyết định của mình nếu cảm thấy hòa hợp về mọi mặt và có đủ thấu hiểu, yêu thương.

Mặt trái của sống thử trước hôn nhân

Sống thử trong quan niệm của những quốc gia Châu Á như Việt Nam vẫn chưa thực sự được chấp nhận. Những cặp đôi sống chung trước khi kết hôn, sẽ phải đối mặt với điều tiếng (đặc biệt là nữ giới). Những lời đồn thổi sẽ chấm dứt sau khi cả hai kết hôn và chính thức trở thành vợ chồng. Tuy nhiên, nếu mối quan hệ tan vỡ, những lời nói không hay sẽ luôn được nhắc đến đằng sau tên của hai người.

Định kiến xã hội là thứ vô hình nhưng những ảnh hưởng mà các cặp đôi phải đối mặt là “hữu hình”. Nhiều người vì áp lực quá lớn mà không dám mở lòng với bất cứ ai. Đây cũng là lý do các cặp đôi luôn trăn trở có nên sống thử hay không.

Bên cạnh những lợi ích kể trên, sống thử cũng đi kèm với những mặt trái sau:

1. Không còn cảm giác mới mẻ khi bước vào hôn nhân

Những cặp đôi không sống thử sẽ bước vào hôn nhân với tâm trạng hào hứng, mới mẻ và có đôi chút lo lắng. Sau khi kết hôn, cả hai sẽ thoải mái trao cho nhau những lời nói, hành động ngọt ngào mà không gặp bất cứ rào cản nào.

Thời gian đầu mới bước vào hôn nhân thực sự là giây phút đáng nhớ và mặn nồng nhất. Nếu lựa chọn sống thử, sự mới mẻ này sẽ mất đi. Nhiều người cho rằng, sống thử trước hôn nhân sẽ khiến hai người mất hứng thú khi về một nhà. Vợ chồng dễ chán nhau và sẽ tìm kiếm mối quan hệ ngoài luồng sau một thời gian ngắn.

có nên sống thử trước hôn nhân không
Vì đã chung sống như vợ chồng nên các cặp đôi sống thử sẽ không còn cảm giác mới mẻ khi kết hôn

Nếu nhìn nhận khách quan, sống thử chỉ làm mất đi cảm giác mới mẻ khi bước vào hôn nhân. Sống thử không phải là nguyên nhân khiến cả hai chán ghét nhau. Nếu thực sự có đủ yêu thương, hai bạn sẽ luôn muốn được gắn kết với đối phương và có ý thức gìn giữ cuộc hôn nhân này.

Những người có tính trăng hoa, yêu thích sự mới mẻ sẽ luôn tìm kiếm cái mới. Vì vậy, sống thử chỉ giúp bạn nhận ra bản chất của bạn đời sớm hơn mà thôi.

2. Định kiến từ gia đình và xã hội

Sự phát triển của xã hội giúp xóa bỏ những quan niệm cổ hủ và định kiến gay gắt trong mối quan hệ nam nữ. Dù vậy, sống thử trong mắt nhiều người vẫn là việc khó chấp nhận.

Khi cả hai quyết định sống thử, việc đối mặt với sự phản đối của gia đình, bạn bè là điều không tránh khỏi. Nhìn chung, văn hóa và tôn giáo cũng hiếm khi chấp thuận việc chung sống như vợ chồng trước khi kết hôn. Vì vậy, cả hai sẽ khó nhận được sự đồng thuận từ những người xung quanh.

Nhiều phụ nữ vì đã từng sống thử mà phải chịu sự đay nghiến và chì chiết từ chồng. Phụ nữ Việt phải gồng gánh trên vai những chuẩn mực về phẩm hạnh và đạo đức. Tư tưởng cổ hủ, cứng nhắc khiến nhiều nam giới không chấp nhận việc vợ đã từng sống thử với người khác.

Thậm chí, không ít người tỏ ra coi thường vợ vì cô ấy chấp nhận sống thử với mình trước khi kết hôn. Phụ nữ phải chịu những lời nói khó nghe và nặng nề chỉ vì muốn tìm hiểu kỹ về đối phương. Đây là một trong những lý do nhiều nữ giới từ chối sống thử mặc dù biết điều này không hề sai trái.

3. Có thể bị tổn thương tâm lý

Nhiều người cho rằng bản thân đủ mạnh mẽ để vượt qua định kiến từ xã hội. Tuy nhiên, những lời đồn thổi ngày qua ngày sẽ gây ra áp lực và tổn thương tâm lý. Nếu đối phương là người vô tâm, cả hai sẽ khó có thể đi xa hơn trong tương lai.

Tổn thương tâm lý do sống thử đôi khi không đến từ xã hội mà bắt nguồn từ nửa kia. Nhiều người sau khi sống thử mới vỡ lẽ đối phương có đầy rẫy tính xấu, thậm chí một số người còn bị lạm dụng và bạo hành. Sau khi kết thúc mối quan hệ, vết thương lòng sẽ khiến bạn khó có thể mở lòng với một ai khác.

có nên sống thử không
Không ít người bị tổn thương tâm lý khi phát hiện đối phương khác hoàn toàn so với tưởng tượng

Nhiều người cảm thấy mệt nhoài vì liên tục “vỡ mộng” khi sống thử, họ mất niềm tin vào tình yêu và không còn tha thiết kết hôn. Điều này khiến cho sống thử bị “mang tiếng xấu” là làm chai sạn cảm xúc. Tuy nhiên người ta quên mất rằng, nếu không sống thử, có lẽ họ đã phải viết đơn ly hôn nhiều lần thay vì chỉ chấm dứt bằng một lời nói chia tay.

4. Mang thai ngoài ý muốn

Khi sống thử, cả hai sẽ có cơ hội gần gũi trước khi kết hôn. Chuyện giường chiếu hòa hợp sẽ giúp cả hai khắng khít và chắn chắn hơn trước quyết định tiến xa. Bởi có không ít tổ ấm bị người thứ ba “chen chân” chỉ vì hai người không đồng điệu về chuyện ấy.

Xét về mặt tích cực, sống thử giúp cả hai tránh được những vấn đề liên quan đến tình dục. Tuy nhiên, rất nhiều cặp đôi không trang bị đủ kiến thức dẫn đến mang thai ngoài ý muốn và mắc phải các bệnh lây qua đường tình dục.

Những vấn đề phát sinh này chỉ được giải quyết ổn thỏa nếu cả hai có tài chính và mong muốn trở thành vợ chồng chính thức. Ngược lại, cả hai sẽ phải đối mặt với những hậu quả nặng nề. Thậm chí có những hậu quả không thể khắc phục như vô sinh – hiếm muộn, nhiễm HIV,…

5. Mất thiện cảm trong mắt gia đình của đối phương

Nội dung tiêu cực từ các bài báo vô tình tạo ra “tiếng xấu” cho việc sống thử. Sống thử trước hôn nhân bị thổi phồng quá mức về những mặt trái, trong khi những mặt tích cực ít khi được đề cập.

Thông thường, các cặp đôi sẽ tự quyết định việc sống thử vì khó có thể nhận được sự đồng ý từ gia đình. Thế nhưng nếu mọi chuyện vỡ lỡ, cả hai sẽ mất đi thiện cảm từ gia đình đối phương – đặc biệt là nữ giới. Người lớn bị ảnh hưởng nhiều bởi tư tưởng cổ hủ nên gần như không thể đồng cảm và thấu hiểu cho lối sống của người trẻ. Nhiều người thậm chí bị mẹ chồng gay gắt ra mặt sau khi mọi việc bị phát hiện.

Có nên sống thử trước hôn nhân hay không?

Nếu cả hai có ý định sống thử trước hôn nhân, nên tìm hiểu kỹ về lợi ích và mặt trái của việc sống thử. Sống thử là quyết định hoàn toàn bình thường trong một mối quan hệ nghiêm túc. Vì vậy, sẽ không có gì là sai trái nếu cả hai cùng có mong muốn được chung sống như vợ chồng trước khi đưa ra quyết định.

Có nên sống thử trước hôn nhân hay không là quyết định của mỗi người. Nếu quyết định sống thử, hai bạn phải hình dung những vấn đề sẽ phải đối mặt. Khi cảm thấy đủ khả năng để vượt qua, có thể sống thử để hiểu hơn về đối phương. Sống cùng nhau là dấu mốc cho thấy cả hai đã có sự chuẩn bị cho hôn nhân. Khoảng thời gian này sẽ là bước đệm để cả hai thêm chắc chắn hơn về quyết định của mình.

Tuy nhiên, bạn cũng nên cảnh giác bởi đối phương có thể chỉ muốn sống thử vì tình dục, giảm chi phí và có người chăm sóc, hầu hạ. Khi yêu, đôi khi chúng ta mất đi lý trí và tin tưởng quá mức vào người yêu. Để tránh những quyết định sai lầm, bạn phải suy xét kỹ lưỡng trước khi sống thử. Nếu chung sống với nhau, hãy rạch ròi vấn đề tài chính và yêu cầu trách nhiệm từ đối phương thay vì cố gắng nhẫn nhịn để tránh cãi vã.

Như đã đề cập, quyết định sống thử hay không là lựa chọn của mỗi người. Dù vậy, bạn chỉ nên sống thử khi:

  • Cả hai đã có công việc và thu nhập ổn định
  • Cảm thấy sẵn sàng để chung sống cùng nhau và có ý định kết hôn với đối phương
  • Có đủ kiến thức để tránh mang thai ngoài ý muốn và mắc phải các bệnh lây qua đường tình dục
  • Tâm lý vững vàng để có thể đón nhận những lời đồi thổi và điều tiếng từ xã hội

Ngược lại, không nên sống thử nếu:

  • Một hoặc cả hai người đang là sinh viên, chưa có công việc và thu nhập ổn định
  • Chưa cảm thấy sẵn sàng để gắn kết lâu dài với đối phương
  • Lo sợ về định kiến xã hội
  • Gia đình phản đối gay gắt việc sống thử

Sống thử không thực sự xấu như trong suy nghĩ của nhiều người. Dù vậy, cả hai vẫn cần suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định. Bởi những rắc rối có thể xảy ra đôi khi lớn hơn những gì hai bạn có thể hình dung.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu

Hy vọng qua bài viết, bạn đọc có thể tự trả lời cho câu hỏi có nên sống thử trước hôn nhân hay không. Quyết định sống thử là lựa chọn của mỗi người. Dù vậy, bạn cần phải chắc chắn và có đủ khả năng chịu trách nhiệm trước quyết định của mình.

Tham khảo thêm:

5/5 - (2 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *