Căng thẳng trong hôn nhân: 8 Nguyên do và cách loại bỏ
Bên cạnh những giây phút ngọt ngào, các cặp đôi cũng phải đối mặt với căng thẳng trong hôn nhân. Căng thẳng bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng nếu có đủ yêu thương và thấu hiểu, những vấn đề này sẽ không bao giờ là trở ngại trong mối quan hệ vợ chồng.
Nguyên nhân gây ra căng thẳng trong hôn nhân
Phải có lý do người ta mới ví “hôn nhân là nấm mồ của tình yêu”. Khác với những mơ mộng khi chưa kết hôn, cuộc sống hôn nhân đầy rẫy những vấn đề nan giải mà nếu chỉ có tình yêu sẽ không đủ để dung hòa và hóa giải mọi thứ.
Trong vòng 2 thập kỷ qua, tỷ lệ ly hôn, ly thân tăng gấp 6 lần và nguyên nhân đôi khi bắt nguồn từ những căng thẳng vụn vặt. Người ta cho rằng, hôn nhân chỉ thực sự đổ vỡ khi có biến cố lớn nhưng hề không biết, sự rạn nứt bắt đầu từ những điều nhỏ bé. Vết nứt sẽ lớn dần theo thời gian khiến cả hai không thể cứu vãn và cuối cùng phải đi đến quyết định ly hôn.
Căng thẳng là điều khó tránh khỏi trong cuộc sống hôn nhân. Tuy nhiên, nếu biết cách loại bỏ căng thẳng, cả hai sẽ càng thêm thấu hiểu và cùng nhau xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm êm. Để tìm ra giải pháp thích hợp, cả hai cần xác định nguồn gốc gây ra sự căng thẳng trong mối quan hệ vợ chồng:
1. Áp lực tài chính
Có thể nói, các vấn đề tài chính là nguyên nhân lớn nhất gây ra căng thẳng trong hôn nhân ở nhiều cặp vợ chồng. Trong bối cảnh hiện tại, tài chính là yếu tố quan trọng để xây dựng một gia đình hạnh phúc và đủ đầy. Một cuộc hôn nhân không thể hạnh phúc nếu cả hai luôn phải trăn trở về cơm áo gạo tiền và những món nợ đang chờ đến kỳ phải thanh toán.
Khi còn yêu nhau, cả hai có thể vẽ ra cuộc sống tương lai màu hồng nhưng sau khi kết hôn, các vấn đề tài chính sẽ khiến các cặp vợ chồng phải đối mặt với thực tế. Dù không phải là người đặt nặng tài chính và vật chất, kinh tế không ổn định ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến tình cảm của cả hai.
Nếu thu nhập chỉ được tạo ra từ vợ hoặc chồng, căng thẳng trong hôn nhân là điều khó tránh khỏi. Đây cũng là lý do phụ nữ hiện đại luôn muốn duy trì công việc sau khi kết hôn và sinh con. Có thế mạnh về tài chính chưa đủ để xây dựng một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Tuy nhiên nếu thiếu đi điều này, cả hai sẽ khó lòng có thể tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn và dễ xảy ra mâu thuẫn, xung đột vì những điều vụn vặt.
Áp lực tài chính sau khi kết hôn là rất lớn – nhất là khi cuộc sống có quá nhiều thứ phải chi tiêu như hiện nay. Ngoài thu nhập thấp và không ổn định, khác biệt về cách quản lý chi tiêu cũng là nguyên nhân gây ra căng thẳng trong hôn nhân.
2. Vợ/ chồng quá thờ ơ, vô tâm
Căng thẳng trong hôn nhân cũng có thể bắt nguồn từ vợ/ chồng sống vô tâm và thiếu trách nhiệm. Khi kết hôn, cả hai người phải có trách nhiệm xây dựng và vun vén gia đình. Tuy nhiên, rất nhiều người không ý thức được điều này. Họ vẫn dành thời gian cho các cuộc vui, đàn đúm với bạn bè và không có trách nhiệm với bạn đời của mình.
Kết hôn với một người vô tâm thực sự là một nỗi ám ảnh. Họ tỏ ra thờ ơ, không quan tâm khi gia đình có vấn đề và không bao giờ lắng nghe hay tiếp thu những góp ý từ bạn đời. Khi sống với một người vô tâm, bản thân bạn sẽ phải xử lý mọi việc một mình và luôn cảm thấy đơn độc trong chính ngôi nhà của mình.
Sự vô tâm trong hôn nhân gây ra không khí căng thẳng và mệt mỏi. Tuy nhiên, mâu thuẫn có thể không thể hiện rõ ràng qua các cuộc cãi vã hay xung đột. Khi sống với người vợ/ chồng vô tâm, người còn lại thường chọn cách im lặng, không thiết tha phàn nàn hay góp ý bất cứ điều gì vì họ biết rằng, lời nói của bản thân thực sự không có bất cứ ảnh hưởng nào đến đối phương.
Cuộc sống hôn nhân căng thẳng cứ như vậy kéo dài từ ngày này sang ngày khác cho đến một ngày cả hai quá mệt mỏi và bức bối. Những cuộc hôn nhân này sớm muộn sẽ đi vào ngõ cụt và ly hôn đôi khi là giải pháp tốt nhất để cả hai tìm kiếm cơ hội mới. Tuy nhiên, những người vô tâm và thờ ơ sẽ khó có thể có được mối quan hệ lâu dài. Bởi hôn nhân luôn đòi hỏi sự ràng buộc và trách nhiệm.
3. Cả hai thiếu sự chia sẻ và thấu hiểu
Cả hai có thể đến với nhau vì ngoại hình, tình yêu và tài chính nhưng thứ có thể xây dựng hôn nhân lâu dài là sự thấu hiểu và chia sẻ. Hôn nhân không được tạo nên từ những thứ quá to lớn mà chính từ những điều vụn vặt trong cuộc sống thường ngày.
Chia sẻ với nhau về ti tỉ thứ trong cuộc sống giúp gắn kết hai vợ chồng, nuôi dưỡng sự thấu hiểu và đồng cảm. Một cuộc hôn nhân đúng nghĩa là khi cả hai nghĩ đến nhau đầu tiên khi có được niềm vui, thành công hay khi đối mặt với thất bại và tuyệt vọng.
Những cặp vợ chồng không có thói quen chia sẻ, thậm chí không muốn nói chuyện với nhau luôn tồn tại khoảng cách. Giao tiếp là phương thức để biểu đạt suy nghĩ và bày tỏ cảm xúc. Thiếu giao tiếp là dấu hiệu cho thấy một cuộc hôn nhân đang chết dần chết mòn.
Nhiều cặp vợ chồng quá khác biệt về quan điểm và suy nghĩ chọn cách ít chia sẻ để tránh cãi vã. Tuy nhiên, điều này là cấm kỵ trong quan hệ vợ chồng. Bởi khi cả hai đã không còn nhu cầu chia sẻ, sớm muộn sẽ đến một lúc vợ chồng không biết nói gì với nhau.
Họ sống chung vì trên danh nghĩa vẫn là vợ chồng nhưng đã không còn bất cứ điểm chung nào. Duy trì giao tiếp cũng là cách để nuôi dưỡng tình yêu. Nếu cả hai chỉ giao tiếp khi cần thiết, tình cảm sẽ phai nhạt và úa tàn theo thời gian.
Việc hòa hợp hoàn toàn trong hôn nhân là điều rất khó có thể thực hiện. Tuy nhiên, cả hai có thể cùng nhau hóa giải những mâu thuẫn và khúc mắc trong cuộc sống nếu có đủ yêu thương và thấu hiểu. Nếu thiếu đi những điều này, căng thẳng trong hôn nhân là không thể tránh khỏi.
4. Xử sự vụng về, thiếu thấu đáo
Cách xử sự vụng về, thiếu thấu đáo cũng có thể là nguyên nhân gây ra căng thẳng trong cuộc sống hôn nhân. Nhiều người không tránh khỏi sự mệt mỏi, chán nản do vợ/ chồng quá vô tư và vụng về.
Sau khi kết hôn, mọi vấn đề không chỉ là của riêng hai người mà còn liên quan đến người thân và những mối quan hệ xung quanh. Do đó, đòi hỏi cả hai phải có sự cẩn trọng, tinh tế trong lời ăn tiếng nói. Cách xử sự vụng về sẽ khiến hai vợ chồng khó tránh khỏi căng thẳng và mâu thuẫn.
5. Mâu thuẫn với gia đình nội/ ngoại
Đôi khi căng thẳng trong cuộc sống hôn nhân không bắt nguồn từ hai vợ chồng mà từ gia đình nội/ ngoại. Trong đó, mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu là vấn đề phổ biến nhất. Khi xảy ra mâu thuẫn với gia đình nội/ ngoại, cả hai vợ chồng phải khéo léo để tìm cách hóa giải. Có như vậy, cuộc sống gia đình mới có thể ấm êm và hạnh phúc.
Trên thực tế, việc hóa giải mâu thuẫn với gia đình nội/ ngoại thực sự không đơn giản. Bởi bố mẹ là những người ở thế kỷ trước, bị ảnh hưởng bởi quan niệm và tư tưởng cũ nên tính cách có phần cứng nhắc. Lúc này, người ở giữa phải biết cách dung hòa để cải thiện mối quan hệ giữa vợ/ chồng và gia đình.
Tuy nhiên, rất nhiều người không biết cách dung hòa, quá nghe lời gia đình và phản ứng gay gắt với bạn đời. Điều này vô tình khiến cho mối quan hệ của cả hai đi vào ngõ cụt. Nếu không tìm cách hóa giải, không khí gia đình sẽ trở nên căng thẳng và bức bối. Nhiều người bộc bạch rằng bản thân phải đi đến quyết định ly hôn do chồng quá nhu nhược/ vợ thiếu sự thấu hiểu dẫn đến mâu thuẫn với gia đình trở nên sâu sắc không thể hóa giải.
6. Tình cảm phai nhạt
Tranh cãi, mâu thuẫn là điều không thể tránh khỏi trong cuộc sống hôn nhân. Tuy nhiên, những giây phút “cơm không lành, canh không ngọt” sẽ nhanh chóng được hóa giải nếu cả hai có đủ yêu thương. Tình yêu không phải là yếu tố duy nhất để xây dựng hôn nhân nhưng đây là nền tảng của một cuộc hôn nhân hạnh phúc.
Khi có tình yêu, cả hai sẽ học được cách thấu hiểu, chia sẻ, biết đồng cảm và vị tha. Tình yêu cũng gắn kết hai người trong một mối quan hệ và xây dựng mong muốn được chung sống lâu dài. Khi tình cảm phai nhạt, những vấn đề vụn vặt cũng trở nên to lớn, gây ra sự căng thẳng và ngột ngạt trong cuộc sống. Tình cảm phai nhạt có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng kết quả thì chỉ có một – đó là hôn nhân tan vỡ.
7. Vợ/ chồng không chung thủy
Cuộc sống hôn nhân căng thẳng có thể bắt nguồn từ việc vợ/ chồng không chung thủy. Sự phản bội được xem là ‘”bản án tử” cho hôn nhân. Bởi người ta có thể chấp nhận mọi tính xấu của nhau nhưng đòi hỏi sự chung thủy từ bạn đời.
Khi một trong hai người bước chân vào mối quan hệ vụng trộm, không khí gia đình sẽ khó có thể duy trì như trước dù cố gắng che đậy bằng vỏ bọc hoàn hảo. Thực tế, nhiều người chấp nhận việc chồng có nhân tình vì không thể thay đổi thói trăng hoa và lăng nhăng. Họ chấp nhận sống vì con và nhẫn nhịn để con cái có đủ ba lẫn mẹ.
Tuy nhiên, hôn nhân thiếu đi sự chung thủy chưa bao giờ là cuộc hôn nhân đúng nghĩa. Vì vậy, cả hai sẽ khó có thể vui vẻ như trước, thay vào đó là không khí gia đình nặng nề và ngột ngạt.
8. Bạo lực gia đình
Bạo lực gia đình có thể là nguyên do gây ra sự căng thẳng trong hôn nhân. Ở nước ta, bạo hành gia đình đang trở thành vấn nạn và mối lo của toàn xã hội. Ngày nay, với những hiểu biết sâu sắc hơn, kẻ bạo hành không chỉ dùng bạo lực mà còn sử dụng lời nói và sự im lặng để tra tấn tinh thần đối phương.
Bạo lực gia đình gây ra sự ngột ngạt, căng thẳng và bức bối. Trong một mối quan hệ, bạo lực là thứ giết chết tình cảm của cả hai một cách nhanh nhất. Ngoài ra, một người có ý nghĩ và hành vi bạo hành người khác chắc chắn không phải là người bạn đời lý tưởng. Vì vậy khi bị bạo hành, nhiều người không đau khổ vì nỗi đau thể xác mà hụt hẫng và dằn vặt vì đã chọn sai người.
7 Cách loại bỏ căng thẳng trong hôn nhân
Cuộc sống hôn nhân sẽ có những lúc vui vẻ, hạnh phúc nhưng cũng không thể tránh khỏi những thời điểm stress và mệt mỏi. Tuy nhiên, cả hai nên tìm cách loại bỏ căng thẳng sớm nhất để hôn nhân vẫn giữ nguyên được ý nghĩa vốn có. Căng thẳng kéo dài đi kèm với mầm mống tan vỡ và sự rạn nứt sẽ bỗng chốc lớn dần nếu không được ngăn chặn kịp thời.
Nếu đang phải đối mặt với cuộc sống hôn nhân căng thẳng, bạn có thể thử một số giải pháp sau:
1. Tôn trọng bạn đời
Yếu tố đầu tiên giúp cả hai loại bỏ căng thẳng trong hôn nhân là tôn trọng lẫn nhau. Trong bất cứ mối quan hệ nào, tôn trọng cũng là yếu tố nền tảng. Thực tế, nhiều người sau khi kết hôn tỏ ra không tôn trọng bạn đời, cho rằng bạn đời thiếu hấp dẫn và không có khả năng tạo ra thu nhập. Tuy nhiên, vốn dĩ họ chấp nhận hy sinh là vì tình yêu và muốn toàn tâm toàn ý chăm sóc gia đình.
Cả hai phải học cách tôn trọng nhau để những cuộc trò chuyện không chỉ là lời lẽ trách móc hay đay nghiến. Khi có sự tôn trọng với đối phương, cả hai sẽ biết cách dung hòa và tìm ra giải pháp cho những mâu thuẫn trong cuộc sống.
Tôn trọng nhau cũng giúp cho hai vợ chồng đối xử văn minh khi không còn tình cảm. Hôn nhân không phải là đích đến mà chỉ là hành trình để tìm kiếm hạnh phúc và một nửa thực sự. Thay vì dằn vặt và trách móc nhau, nhiều cặp đôi đón nhận thực tế một cách nhẹ nhàng và chọn ly hôn trong hòa bình. Dù không thể đi cùng nhau lâu dài nhưng nếu cả hai luôn dành cho nhau sự tôn trọng thì cuộc hôn nhân này đã thực sự trọn vẹn.
2. Góp ý để cùng nhau thay đổi
Căng thẳng trong hôn nhân sẽ không thể nào loại bỏ nếu hai vợ chồng không muốn nói chuyện với nhau. Chiến tranh lạnh không phải là giải pháp tốt cho mối quan hệ vợ chồng. Sự im lặng sẽ khiến cả hai xa cách và tình cảm nhạt phai dần theo thời gian.
Khi xuất hiện vấn đề trong hôn nhân, điều cả hai nên làm là trò chuyện và góp ý để cùng nhau thay đổi. Tuy nhiên, nên giữ thái độ mềm mỏng khi trò chuyện để tránh mâu thuẫn và cãi vã. Ngoài ra, cả hai đều phải thể hiện thiện chí muốn cùng nhau thay đổi để hòa hợp hơn và xây dựng tổ ấm đúng nghĩa.
Rất khó để có thể hòa hợp tuyệt đối với một người có cá tính khác biệt với bản thân. Dù vậy, hôn nhân không phải là tìm kiếm một người hòa hợp hoàn toàn mà cùng nhau thay đổi để phù hợp với nhau hơn. Hành trình này sẽ mất nhiều thời gian nhưng sẽ giúp hai vợ chồng càng thêm yêu thương và thấu hiểu.
3. Lên kế hoạch giải quyết vấn đề tài chính
Các vấn đề tài chính vẫn luôn là trở ngại trong cuộc sống hôn nhân. Nếu căng thẳng bắt nguồn từ kinh tế, cả hai nên lên kế hoạch giải quyết từng bước một. Trong trường hợp thu nhập thấp và không ổn định, cả hai nên cùng nhau cố gắng để tạo ra thu nhập cao hơn. Ngoài ra, nên xem xét lại chi tiêu, chỉ nên chi tiêu theo đúng khả năng và tránh những khoản chi không cần thiết.
Hai vợ chồng cũng nên bàn bạc với nhau về việc quản lý tiền bạc và những dự định trong tương lai. Trao đổi rõ ràng sẽ giúp cả hai tìm được giải pháp chung, đồng thời hạn chế được những mâu thuẫn và khúc mắc không đáng có.
Tài chính là vấn đề nhạy cảm nên khi trao đổi, cả hai nên chú ý ngôn từ để tránh làm tổn thương đối phương. Ngoài ra, cả hai nên rạch ròi thu nhập nếu không có cùng quan điểm. Dù vậy, hai vợ chồng cần đóng góp để giải quyết những vấn đề chung như con cái, gia đình nội ngoại, tiền điện nước,…
4. Dành nhiều thời gian cho nhau
Khi cuộc sống hôn nhân căng thẳng, người ta thường có xu hướng ra ngoài nhiều hơn và ít dành thời gian ở bên cạnh nhau. Tuy nhiên, đây là sai lầm của nhiều cặp đôi khiến cho mối quan hệ trở nên xấu dần đi. Sự xa cách giữa hai người sẽ trở nên sâu sắc theo thời gian, cả hai không còn có nhu cầu chia sẻ, trò chuyện và không muốn dành cho nhau những hành động quan tâm hay lời nói có cánh.
Nếu hôn nhân xuất hiện căng thẳng, vợ chồng nên dành nhiều thời gian cho gia đình. Ban đầu, cả hai sẽ khó có thể trò chuyện trở lại nhưng điều này cho thấy thiện chí trong việc cải thiện mối quan hệ. Khi gần gũi, tình yêu sẽ dẫn dắt giúp hai người xích lại gần nhau và học cách tha thứ, thay đổi để tốt hơn mỗi ngày.
5. Cải thiện mối quan hệ với nhà chồng/ vợ
Đôi khi căng thẳng không bắt nguồn từ hai người mà do mâu thuẫn với gia đình vợ hoặc chồng, đặc biệt là mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu. Để loại bỏ căng thẳng, cả hai phải tìm cách hóa giải mâu thuẫn. Bởi việc lờ đi chỉ là giải pháp tạm thời, mâu thuẫn sẽ tiếp diễn cho đến khi bùng nổ.
Cải thiện mối quan hệ với gia đình chồng/ vợ sẽ cần sự khéo léo của cả hai. Người ở giữa phải là người tinh tế để tìm cách dung hòa giữa bạn đời và gia đình. Ngoài ra, người còn lại cũng phải hoàn thiện bản thân và tỏ thiện chí trong việc cải thiện mối quan hệ.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho gia đình vợ/ chồng không thích bạn. Tuy nhiên, giải pháp duy nhất là tình cảm chân thành và cách xử sự khéo léo, tinh tế. Người lớn thường cứng nhắc trong quan điểm sống, suy nghĩ và cách nhìn nhận. Vì vậy, việc hóa giải mâu thuẫn sẽ mất khá nhiều thời gian. Nếu cả hai cùng đồng hành và cố gắng, những khó khăn này chắc chắn sẽ không trở thành vật cản trong đời sống hôn nhân.
6. Tạo bất ngờ cho đối phương
Cuộc sống hôn nhân thường thiếu đi sự mới mẻ khi cả hai đã quá thấu hiểu và quen thuộc với tính cách của nhau. Để tránh nhàm chán, các cặp vợ chồng nên có những hành động hâm nóng lại tình cảm.
Thỉnh thoảng, cả hai có thể tạo bất ngờ cho nhau bằng những hành động âu yếm hay lời nói có cánh. Những bữa tiệc lãng mạn, món quà bất ngờ,… cũng là gợi ý hay giúp làm mới mối quan hệ và nuôi dưỡng tình cảm lâu dài.
Khi căng thẳng xảy ra, hai người không nên cố chấp xác định ai đúng ai sai. Thay vào đó, nên tạo cho đối phương sự bất ngờ bằng những hành động lãng mạn để xoa dịu tình hình. Khi cả hai đã bình tĩnh, có thể trò chuyện một cách góp ý và thiện chí để tìm ra giải pháp. Những hành động lãng mạn cũng sẽ giúp giữ lửa hôn nhân và “trói chặt” bạn đời mà không cần phải kiểm soát quá mức.
7. Nhờ sự giúp đỡ của chuyên gia
Khi bước vào cuộc sống hôn nhân, không ít người “vỡ mộng” khi phát hiện tính xấu của bạn đời và trăn trở với hàng tá vấn đề phải giải quyết. Thực tế, không phải lúc nào cả hai cũng có thể lắng nghe và tìm ra giải pháp chung.
Trong trường hợp không thể loại bỏ căng thẳng, hai vợ chồng nên nhờ sự giúp đỡ chuyên gia. Không nên im lặng để căng thẳng kéo dài vì mầm mống của sự rạn nứt có thể lớn dần lên cho đến khi cả hai cố gắng cũng không thể cứu vãn.
Chuyên gia tâm lý sẽ giúp cả hai tìm ra nguyên nhân dẫn đến căng thẳng, học cách thấu hiểu và chia sẻ suy nghĩ chân thật. Với góc nhìn khách quan, chuyên gia sẽ giúp các cặp đôi hóa giải mâu thuẫn và biết cách xây dựng tổ ấm hạnh phúc. Ngoài ra, lời khuyên hữu ích của chuyên gia cũng sẽ giúp hai vợ chồng gạt bỏ cái tôi, học cách dung hòa và nhường nhịn trong cuộc sống hôn nhân.
Cuộc sống hôn nhân không tránh khỏi những lúc căng thẳng và bức bối. Tuy nhiên, điều này sẽ không ảnh hưởng đến mối quan hệ nếu cả hai biết cách dung hòa. Khi những nỗ lực cứu vãn bất thành, các cặp đôi nên tìm sự giúp đỡ của chuyên gia để tránh phải đưa ra những quyết định đáng tiếc.
Có thể bạn quan tâm:
- Lý do hôn nhân không hạnh phúc
- 9 Dấu hiệu tình cảm vợ chồng phai nhạt và hết yêu nhau
- [Bỏ túi] 10 cách làm chồng yêu vợ nhiều hơn chị em nên nằm lòng
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!