Dấu hiệu nhận biết con bị bắt nạt ở trường: Cha mẹ nên biết

Dấu hiệu con bị bắt nạt ở trường là những điều mỗi phụ huynh đều cần cực kỳ lưu tâm tìm hiểu bởi phần lớn nạn nhân của bạo lực học đường thường rất ít thông báo cho gia đình ngay từ giai đoạn đầu. Phát hiện và có hướng can thiệp xử lý ngay từ giai đoạn sớm sẽ phòng tránh được rất nhiều hệ lụy xấu đến thể chất và tinh thần cho trẻ từ nạn bạo lực học đường.

Dấu hiệu nhận biết con bị bắt nạt ở trường cha mẹ cần quan tâm

Phần lớn những học sinh bị bắt nạt ở trường thường rất ít khi thông báo cho gia đình vì rất nhiều lý do. Có thể là do cha mẹ chúng quá bận rộn, mối quan hệ với các thành viên không quá tốt, bị đe dọa không được nói hoặc cũng có thể do con xấu hổ. Mặt khác có một số trẻ khi nói với cha mẹ rằng mình đang bị bạn bè bắt nạt nhưng không nhận được sự động viên, ngược lại phụ huynh thậm chí còn cho rằng đó không phải là việc quan trọng hoặc do con “làm gì đó” nên các bạn đó mới hùa vào bắt nạt.

Dấu hiệu con bị bắt nạt ở trường
Dấu hiệu con bị bắt nạt ở trường không hề là điều dễ nhận diện bởi con thường có xu hướng dấu diếm, không dám nói thật với cha mẹ

Khi đến trường con phải sống trong trạng thái lo âu, sợ hãi nhưng về nhà tâm trí con cũng không yên. Một số trẻ sau khi bị bắt nạt có xu hướng trở nên nổi loạn khi về nhà, dễ kích động, sợ sệt, mối quan hệ với cha mẹ cũng ngày càng xa cách, thường chỉ muốn ở trong nhà. Phụ huynh lại cho rằng con đang ở độ tuổi “ẩm ương”, thay đổi tính cách nên cũng chủ quan không quan tâm.

Chính vì gia đình không can thiệp kịp thời nên rất nhiều đứa trẻ bị bắt nạt đã phải rơi vào trạng thái sang chấn tâm lý, luôn sống trong lo âu, tăng nguy cơ mắc các vấn đề như trầm cảm hay rối loạn lo âu. Một số khác xuất hiện các hành vi bốc đồng như tấn công những người đã bắt nạt trẻ hoặc nghiêm trọng hơn là có các hành vi hủy hoại bản thân vì không chịu được áp lực lớn.

Vậy đâu là dấu hiệu nhận biết con bị bắt nạt ở trường mà cha mẹ có thể nhận ra?

Con luôn nói không muốn đến trường

Đối với những đứa trẻ bị bạn bè bắt nạt tại trường lớp, “đi học” là một hoạt động thực sự đáng sợ nên con sẽ thường xuyên nói rằng “hôm nay con không đi học được không”, “nếu con nghỉ học thì sao”? Hoặc trẻ thường than ốm, than mệt và tìm rất nhiều lý do để được nghỉ học. Khi đến trường con cũng muốn đến rất muộn hoặc rất sớm và muốn được cha mẹ đưa đi đón về.

Ám ảnh, sợ hãi vì việc bị bắt nạt trêu chọc quá mức chính là một trong những dấu hiệu nhận biết con bị bắt nạt ở trường. Tuy nhiên phụ huynh thường chỉ cho rằng việc con không muốn đi học chỉ đơn giản là do con lười biếng và không những không cho con nghỉ mà lại càng la mắng con nhiều hơn, ép con phải đi học.

Thực tế ở những đứa trẻ nếu lười không muốn đi học chỉ con sẽ có trạng thái uể oải, đến giờ đi học nhưng vẫn nằm ườn trên giường rất dễ nhận thấy. Còn với trẻ không muốn đi học vì sợ, vì bị bắt nạt khi nói rằng mình không muốn đi học thường có biểu cảm cực kỳ rụt rè, nói không quyết đoán, nói lí nhí. Con đã lặp lại vấn đề này nhiều lần nhưng cha mẹ không chấp nhận nên càng những lần sau con càng thiếu tự tin và căng thẳng hơn.

Các chuyên gia về bắt nạt học đường ở Texas, Mỹ cũng cho biết dấu hiệu nhận biết con bị bắt nạt ở trường chính là con thường cảm thấy vui vẻ, an toàn hơn vào những ngày gần cuối tuần trong khi vào đầu tuần thì cực kỳ sợ hãi do phải gặp lại những kẻ bắt nạt. Một số trẻ thậm chí còn bất khóc khi nghe ai đó nhắc đến chuyện đi học.

Con thường xuyên mất đồ hoặc xin tiền

Bạo lực học đường thường được biểu hiện trên nhiều khía cạnh, trong đó việc con thường xuyên than mất đồ, xin tiền mua nhiều thứ, xin thêm tiền ăn vặt cũng chính là dấu hiệu nhận biết con bị bắt nạt ở trường. Phụ huynh thường chỉ đơn giản cho rằng con hậu đậu, con ham đi ăn vặt với bạn bè chứ ít ai nghĩ rằng đồ đạc của con đang được những người khác “sử dụng”.

Dấu hiệu con bị bắt nạt ở trường
Con có xu hướng xin tiền cha mẹ bất thường với rất nhiều lý do để đưa tiền cho những kẻ bắt nạt

Chẳng hạn những kẻ xấu thường có xu hướng lấy đồ, phá hủy hoặc giấu giếm đồ đạc của con, từ sách vở, giày dép đế cả đồng phục hay các loại đồ cá nhân của con. Một số nhóm khác có xu hướng trấn lột tiền hoặc sai con đi mua đồ ăn, thức uống và nhiều thứ khác. Nếu con không có tiền sẽ đánh, lấy đi các đồ vật quan trọng bắt con phải chuộc., hoặc thậm chí bắt con ăn trộm để cung phụng cho chúng.

Khi bố mẹ không thể thể cho trẻ thêm tiền, thậm chí còn la mắng hay trách cứ khiến trẻ không thể đáp ứng được yêu cầu từ kẻ bắt nạt. Do đó nhiều nạn nhân của bạo lực học đường đã chọn các ăn trộm, bán đồ đạc để “cống nạp” nhằm mong muốn có một cuộc sống bình yên. Tuy nhiên chỉ cần con đáp ứng được yêu cầu của những tên này 1 lần thì chúng sẽ càng quá quắt hơn, được nước lấn tới bắt nạt trẻ nhiều hơn.

Dấu hiệu nhận biết con bị bắt nạt ở trường – thay đổi cảm xúc với cha mẹ

Một trong những dấu hiệu con bị bắt nạt ở trường là phụ huynh cũng có thể nhìn nhận thấy rõ ràng chính là con có xu hướng xa cách với cha mẹ hơn, chẳng hạn ít nói chuyện tương tác, đi học về chỉ chui vào phòng hay cũng không kể chuyện ở trường lớp như trước. Nếu cha mẹ hỏi điều gì liên quan đến việc đi học như “con đi học có vui không”. “trong lớp chơi thân với ai” con thường cũng cố gắng lảng tránh, chỉ trả lời qua loa và kết thúc câu chuyện càng sớm càng tốt.

Việc con hạn chế trò chuyện với cha mẹ thường có nhiều lý do, chẳng hạn như con sợ vô tình sẽ làm lộ ra chuyện mình đang bị bắt nạt hay bạo hành. Mặt khác khi bị bạn bè coi thường ở trường lớp khiến con cảm thấy lòng tự trọng bị giảm, trở nên bức bối, tinh thần khó kiểm soát. Thường nếu con nói chuyện nhiều với cha mẹ sẽ rất dễ xảy ra xung đột, đặc biệt là khi nhắc về các vấn đề trường lớp.

Những ấm ức, khó chịu trong lòng khiến con thường trốn ở trong phòng nhiều hơn là ra ngoài nói chuyện với cha mẹ như trước đó. Thậm chí một số đứa trẻ có thể gây hấn với cha mẹ hay các thành viên trong gia đình để giải tỏa các cảm xúc đè nén trong lòng, khi mà con bị bạn bè bắt nạt tại trường. Do đó nếu thấy con dần thay đổi về cảm xúc, ngày càng lầm lì ít nói hơn, dễ kích động hơn thì hoàn toàn có thể là dấu hiệu con bị bắt nạt ở trường.

Suy giảm chất lượng giấc ngủ

Do ám ảnh bởi các hành vi bắt nạt, coi thường tại trường nên trẻ cũng thường gặp ác mộng khi về nhà. Con thường gặp ác mộng nên thường tỉnh giấc giữa đêm, thậm chí là la hét do mơ thấy hình ảnh những kẻ bắt nạt, nhìn thấy mình bị đánh… Do đó nếu thấy con thường la hét về đêm trong cảm xúc sợ hãi, người run rẩy thì đây có thể là dấu hiệu con bị bắt nạt ở trường nên phụ huynh cần chú ý.

Dấu hiệu con bị bắt nạt ở trường
Ngay cả giấc ngủ của con cũng không được trọn vẹn do thường thấy ác mộng

Chính vì về đêm con không ngủ đủ, ngủ chưa đủ giấc nên buổi sáng tinh thần lại càng thêm uể oải và căng thẳng. Bên cạnh đó, một số vấn đề kèm theo chính là con dễ cáu kỉnh hơn, dễ xảy ra xung đột với phụ huynh vào buổi sáng và kết quả học tập cũng suy giảm theo càng khiến mối quan hệ với cha mẹ có nhiều mâu thuẫn.

Dấu hiệu con bị bắt nạt ở trường – có những dấu vết bất thường trên cơ thể

Trường hợp này không phải lúc nào cũng xảy ra bởi với một số nạn bắt nạt trên mạng xã hội, bắt nạt bằng ngôn từ xảy ra trong khuôn khổ trường học thì không phải lúc nào cũng có các dấu vết trên cơ thể, có những vết bầm tím như nạn bạo hành về thể chất. Tuy nhiên phần lớn trẻ khi bị bắt nạt học đường đều có những va chạm nhất định khiến quần áo con lúc nào cũng lấm lem, trên người có nhiều vết bầm tím.

Cũng bởi có những vết bầm tím, vết xước trên người mà những nạn nhân bị bạo lực học đường khi về nhà cũng có xu hướng mặc quần áo dài tay, áo khoác để che dấu những dấu vết này. Quần áo cũng thường về nhà trong tình trạng xộc xệch, bẩn, có thể bị rách hay thậm chí là bị vẽ mực hay vấy bẩn lên đến nỗi không thể làm sạch. Tình trạng này có thể xảy ra rất nhiều lần, thậm chí là hằng ngày.

Để che dấu những dấu vết trên cơ thể nên nhiều trẻ thường chọn cách mặc quần áo dài, mặc áo khoác để che dấu dù trời rất nóng. Đây dấu hiệu con bị bắt nạt ở trường cực kỳ rõ ràng và cũng cực kỳ nguy hiểm bởi con đang bị tổn thương về thể chất, thậm chí con còn đang bị “đánh hội đồng” rất nghiêm trọng nên cần có biện pháp sớm để ngăn chặn.

Lảng tránh dần các mối quan hệ

Trẻ thường có xu hướng ở nhà cuối tuần nhiều dù trước đó con rất hay đi chơi, trở nên giật mình hoảng hốt mỗi khi có điện thoại tới tìm, thậm chí bằng mọi cách phải xin cha mẹ ra ngoài cũng có thể là dấu hiệu cho thấy con có thể đang bị bắt nạt ở trường. Các cuộc điện thoại tìm đến đều là từ những kẻ bắt nạt muốn yêu cầu sai khiến con làm điều gì đó, kể cả khi đó là vào cuối tuần.

Dấu hiệu con bị bắt nạt ở trường
Ngay cả cuối tuần con cũng chỉ ở trong nhà, không dám gặp bạn bè như trước

Một thực tế đáng buồn ở nạn bạo lực học đường chính là dù có rất nhiều người nhìn thấy nhưng lại không lên tiếng giúp đỡ. Những kẻ bắt nạt thường hoạt động theo các hội nhóm, “bè phái”, thậm chí quen cả dân anh chị bên ngoài, vì vậy dù muốn nhưng những học sinh xung quanh rất sợ mình sẽ là nạn nhân thay thế nên thường chọn cách im lặng, thậm chí là hùa theo bắt nạt.

Những nạn nhân của bạo lực học đường thường lo lắng, xấu hổ với bạn bè vì bản thân thường bị những kẻ bắt nạt bêu xấu, hạ nhục trên lớp học nên nếu thường không đi học trẻ sẽ chọn cách trốn trong nhà thay vì ra ngoài đi chơi như trước. Bà Donna Clark-Love chuyên gia về bắt nạt học đường ở Texas, Mỹ, cũng cho biết một trong những dấu hiệu con bị bắt nạt ở trường chính là nghỉ chơi với nhóm bạn nào đó, đặc biệt ở nhóm trẻ vị thành niên.

Trở nên tự ti trước mọi vấn đề

Việc bị bạn bè coi thường, hạ nhục khiến trẻ thường cảm thấy lòng tự trọng bị suy giảm, đánh mất sự tự tin nên ngày càng trở nên nhút nhát, mặc cảm, tự ti trong mọi vấn đề. Chẳng hạn ở trong lớp con không còn dám xung phong giơ tay trả lời vì sợ sai, sợ bị chú ý. Ở nhà con cũng rất ít khi chủ động, lúc nào cũng chỉ trả lời các câu hỏi của cha mẹ một cách đại khái cho qua.

Một số dấu hiệu  về sự tự ti nếu con bị bắt nạt ở trường như luôn nói chuyện lí nhí, nói rất nhỏ, thường cúi gằm mặt xuống nếu đưa ra ý kiến, đồng thời cũng không phản bác lại nếu thấy sai. Lòng tự tin bị giảm đồng thời bị sai khiến cũng làm nạn nhân của bạo lực học đường dễ dàng chấp thuận làm theo người khác, kể cả khi biết đó là các hành vi không đúng mực nhưng vẫn làm.

Dấu hiệu con bị bắt nạt ở trường – Trở nên dễ giật mình và kích động

Việc gặp gỡ những người lạ hay khi thấy ai có các hành động bất ngờ, chẳng chưa đưa đầu gối lên, đưa tay lên cũng khiến những nạn nhân của bạo lực học đường đưa tay lên đầu, xuống bụng đỡ vì tưởng rằng mình bị đánh. Các phản ứng chân thật này chính là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy có thể con bị bắt nạt ở trường, đang phải chịu bạo hành về cả thể chất lẫn tinh thần mỗi ngày.

Ngoài ra ở những trường hợp bị bạo hành nhiều, đôi khi phụ huynh chỉ vô tình chạm vào tay, chân con cũng làm con giật mình vì đau đớn. Nếu con có các hành vi phản kháng một cách tự nhiên trước các hành vi này có thể cho thấy tình huống này diễn ra rất thường xuyên, đã lặp đi lặp lại nhiều lần. Phụ huynh nếu kiểm tra cơ thể con lúc này thậm chí có thể phát hiện nhiều vết bầm, sưng đau khắp người do kẻ bắt nạt gây ra.

Có thể xuất hiện các hành vi tự hủy hoại bản thân

Như đã nói, khả năng chịu đựng áp lực của học sinh còn rất thấp. Việc hằng ngày bị bạn bè coi thường, bắt nạt, dùng những lời nói kém văn minh chỉ trích sẽ khiến tinh thần con bị trì trệ nghiêm trọng. Những cảm xúc tiêu cực cứ được tích tụ lớn dần. Trẻ không chỉ phải sống trong lo lắng căng thẳng khi đến trường mà ngay cả khi đang ở nhà cũng cảm thấy cực kỳ mệt mỏi do cha mẹ không hiểu vấn đề mà con đang gặp phải, thường xuyên chỉ trích, la mắng, cho rằng con thay đổi tính nết, hư hỏng hơn.

Dấu hiệu con bị bắt nạt ở trường
Trẻ bị bắt nạt và bạo hành cả về tâm lý lẫn thể chất trong thời gian dài thường có xu hướng tách biệt với tất cả, tự làm đau chính mình để giải tỏa cảm xúc

Khi con không biết làm như thế nào để giải tỏa xúc, lúc nào cũng thấy bức bối, ấm ức, mệt mỏi sẽ rất dễ dẫn đến các hành vi tiêu cực, tự hủy hoại bản thân, chẳng hạn như bứt tóc, đập đầu vào tường hay rạch tay. Đây có thể là dấu hiệu con bị bắt nạt ở trường trong thời gian dài, có nghi vấn liên quan đến các vấn đề tâm lý khác như rối loạn lo âu hay trầm cảm.

Bản thân con cũng có xu hướng ngày càng nổi loạn, bốc đồng, đặc biệt khi ở nhà khiến mối quan hệ với cha mẹ ngày càng có nhiều vấn đề phát sinh. Thậm chí có những đứa trẻ bị bắt nạt nhưng không được ai bênh vực, bảo vệ, những cảm xúc thù hằn tích tụ khiến con chọn cách tấn công, trả thù những kẻ đã bắt nạt mình. Rất nhiều trường hợp từ nạn nhân của bạo lực học đường lại trở thành hung thủ mắc tội ngộ sát vì các hành vi bốc đồng của mình trong lúc nóng giận.

Thực tế để nhận biết các dấu hiệu con bị bắt nạt ở trường chưa bao giờ là điều dễ dàng với các vị phụ huynh. Không phải là do cha mẹ không quan tâm đến con mà chính họ cũng có những nỗi lo về cơm, áo, gạo, tiền, bận rộn để lo cho cuộc sống của con. Chính vì muốn con được thoải mái, tự do phát triển, muốn con có một cuộc sống tốt nhất nên mới chưa dành đủ thời gian quan tâm, chia sẻ với con mỗi ngày.

Ngay khi phát hiện các dấu hiệu con bị bắt nạt ở trường phụ huynh cần nói chuyện thẳng thắn với con, đến gặp mặt trực tiếp nhà trường và kẻ bắt nạt, giải quyết các vấn đề trước khi quá muộn. Dành thời gian quan tâm, đưa con đi chăm sóc tâm lý hay tạo ra một môi trường sống lành mạnh để giúp con sớm phục hồi về cả thể chất và tinh thần chính là những điều phụ huynh cần thực hiện càng sớm càng tốt.

Có thể bạn quan tâm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *