Trầm Cảm Sau Mùa Thi Cử: Thực Trạng Và Cách Phòng Ngừa

Trầm cảm sau mùa thi cử hiện đang là thực trạng đáng báo động. Trong nhiều trường hợp, một số bạn học sinh, sinh viên còn tìm đến hành vi tự sát. Do đó cần sớm phát hiện và có biện pháp khắc phục để tránh những hệ lụy nghiêm trọng.

trầm cảm sau mùa thi cử
Trầm cảm sau mùa thi cử đang diễn ra ngày càng phổ biến ở các bạn học sinh, sinh viên

Thực trạng trầm cảm sau mùa thi cử

Trầm cảm là một dạng rối loạn cảm xúc xảy ra phổ biến, đặc trưng bởi khí sắc trầm buồn, lo âu, tuyệt vọng, buồn bã và mất hứng thú với mọi thứ xung quanh. Căn bệnh tâm lý này ảnh hưởng đến khoảng 5% dân số trên toàn thế giới. Kể từ năm 2012 nó chính thức trở thành một vấn nạn cần được quan tâm trên toàn cầu.

Bệnh trầm cảm có thể ảnh hưởng đến mọi đối tượng. Trong đó, học sinh, sinh viên là những đối tượng dễ mắc chứng trầm cảm nhất. Đặc biệt là sau các kỳ thi quan trọng như thi vào cấp 3 hay thi đại học.

Trầm cảm sau mùa thi được ví như “sát thủ chốn học đường”. Tỷ lệ trầm cảm ở học sinh lớp 12 do căng thẳng và áp lực thi cử chiếm đến hơn 7%. Những năm gần đây, chứng trầm cảm ở học sinh, sinh viên sau mùa thi đang trở thành thực trạng đáng báo động.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Theo kết quả thống kê trường học giai đoạn 2011 – 2015 được Bộ Y tế và Bộ Giáo dục & Đào tạo công bố thì cứ 5 em học sinh sẽ có 1 em từng có ý định tự tử. Nguyên nhân thường bắt nguồn từ các bệnh tâm lý, tâm thần. Điển hình nhất vẫn là bệnh trầm cảm.

Các dấu hiệu nhận biết trầm cảm sau mùa thi

Trầm cảm sau mùa thi về cơ bản có các dấu hiệu giống với trầm cảm lâm sàng. Tuy nhiên thời điểm khởi phát cụ thể ở trường hợp này là sau khi học sinh, sinh viên trải qua các đợt thi cử áp lực.

Một số dấu hiệu giúp nhận biết trầm cảm sau mùa thi bao gồm:

  • Mệt mỏi, lo âu và buồn bã: Đây là dấu hiệu cho thấy tâm lý của học sinh bắt đầu gặp vấn đề. Những trạng thái cảm xúc này thường bắt nguồn từ các nỗi lo sợ về sai sót trong bài thi, sợ thi trượt, bị điểm kém.
  • Cảm thấy không có ai quan tâm đến mình: Những học sinh bị trầm cảm thường rất sợ cảm giác cô đơn. Do đó các em luôn muốn nhận được sự quan tâm từ người khác. Tuy nhiên bản thân lại sợ làm phiền tới mọi người xung quanh. Chính sự đối nghịch này khiến cho các em tự mặc định là không có ai quan tâm đến mình.
  • Thay đổi thói quen ăn uống: Tâm lý bất ổn có thể khiến cho thói quen ăn uống bị thay đổi. Phụ huynh có thể thấy rằng con mình đôi khi ăn rất ít, nhưng có lúc lại ăn rất nhiều để tìm cách xoa dịu cảm xúc.
  • Khó chịu về mọi chuyện xung quanh: Tâm trạng của những học sinh bị trầm cảm sau mùa thi thường rất dễ cáu gắt, nổi nóng và khó chịu về mọi thứ xung quanh. Thậm chí những thứ đó không ảnh hưởng đến mình nhưng bất cứ chuyện gì xảy ra cũng có thể trở thành “cái gai trong mắt”.
  • Giống như người mất trí: Có thể các em vẫn nhớ rõ bài thi của mình hay các kiến thức đã học nhưng những chuyện đơn giản khác trong cuộc sống lại dường như bị lãng quên.
  • Cảm thấy bản thân vô dụng: Nhiều bạn học sinh, sinh viên gặp phải cảm giác này khi bị trầm cảm. Các em luôn suy nghĩ như mình là một đứa ngu ngốc, vô dụng, thua kém bạn bè,…
  • Thay đổi thói quen đi ngủ: Đây cũng là một trong những dấu hiệu không nên bỏ qua. Thay đổi tâm lý có thể khiến cho thói quen đi ngủ bị thay đổi. Các em có thể ngủ rất sớm hay rất muộn, rất ít hoặc rất nhiều. Ngoài ra, nhiều em còn bị mất ngủ, khó ngủ, ngủ chập chờn và hay gặp ác mộng.
dấu hiệu trầm cảm sau kỳ thi
Trầm cảm sau kỳ thi khiến người bệnh rơi vào trạng thái mệt mỏi, buồn chán và thiếu năng lượng

Các em học sinh, sinh viên có thể vừa trải qua một kỳ thi rất căng thẳng và gặp phải các dấu hiệu nói trên. Lúc này phụ huynh cần quan tâm, trò chuyện và tìm cách giúp đỡ con mình.

Nguyên nhân gây trầm cảm sau mùa thi cử

Có rất nhiều nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ bị trầm cảm sau mùa thi cử ở học sinh, sinh viên. Trong đó các nguyên nhân thường thấy nhất bao gồm:

1. Điểm kém gây trầm cảm sau mùa thi

Sau khi trải qua mùa thi cử, điều mà các bạn học sinh, sinh viên quan tâm nhiều nhất là kết quả thi. Trường hợp làm bài tốt thì các em thường có tâm lý thoải mái. Tuy nhiên với những em làm bài kém thì sự lo lắng về điểm số sẽ càng nhân lên.

Căng thẳng kéo dài khiến cho suy nghĩ, cảm xúc bị chùng xuống. Đặc biệt, khi nhận kết quả điểm kém thì sự buồn bã, chán nản và tuyệt vọng sẽ luôn hiện hữu. Từ đó làm phát triển chứng trầm cảm. Nhất là với những em đặt ra mục tiêu cao nhưng kết quả nhận được lại quá thấp.

2. Kỳ vọng quá lớn từ gia đình và nhà trường

Nhiều học sinh bị điểm kém nhưng vẫn không quá căng thẳng. Trong khi đó không ít em lại rơi vào trạng thái lo lắng, buồn bã và chán nản. Nguyên nhân thường bắt nguồn từ việc gia đình và nhà trường đặt kỳ vọng quá cao so với sức học của các em học sinh, sinh viên.

Rất nhiều bậc phụ huynh không chỉ đặt kỳ vọng cao mà còn thường xuyên so sánh con mình với “con nhà người ta”. Một số giáo viên trên lớp cũng so sánh học sinh này với học sinh kia. Đây đều là những nguyên nhân góp phần làm tăng số lượng học sinh bị trầm cảm sau mùa thi cử.

nguyên nhân gây trầm cảm sau mùa thi
Áp lực từ gia đình khiến cho các em học sinh, sinh viên dễ phát triển trầm cảm sau mùa thi

3. Cha mẹ không quan tâm

Ở cuộc sống hiện đại, sự xô bồ của guồng quay kiếm tiền để lo toan quá nhiều công việc khiến cho các bậc cha mẹ không có nhiều thời gian cho con cái. Họ rất ít khi trò chuyện cùng con và quan tâm đến con một cách sâu sắc.

Trong khi đó, trẻ luôn cần nhận đầy đủ sự quan tâm của người thân để tránh những suy nghĩ tiêu cực. Đặc biệt là ở thời điểm sau mùa thi cử, trẻ làm bài không tốt hay bị điểm kém thì lời động viên từ cha mẹ sẽ khiến con giảm tải áp lực và buồn bã.

Cha mẹ không quan tâm khiến cho trẻ bị rơi vào trạng thái cô độc, cảm thấy bản thân chỉ có một mình. Từ đó làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh tâm lý, tâm thần. Thậm chí rất nhiều học sinh, sinh viên còn tìm đến hành vi tự tử.

4. Trầm cảm sau mùa thi do bị bạn bè chế giễu

Ở trường học luôn tồn tại sự đối nghịch giữa hai hoàn cảnh. Học sinh đạt điểm cao thì sẽ luôn được khen ngợi, tán dương và được nhiều bạn bè mến mộ. Trái lại những em bị điểm thấp sẽ luôn là tâm điểm của sự mỉa mai và chế giễu.

Chính sự chế giễu từ bạn bè khiến cho học sinh phải chịu một loại áp lực mang hình hài của nỗi sợ hãi. Nhiều em còn bị cô lập, không có bạn chơi cùng và lâu dần rơi vào trạng thái trầm cảm.

Cách khắc phục chứng trầm cảm sau mùa thi cử

Tình trạng căng thẳng quá mức sau mùa thi cử là điều thường thấy và không gây quá nhiều ảnh hưởng. Thậm chí một số trường hợp còn tự thuyên giảm mà không cần can thiệp điều trị.

Tuy nhiên với những học sinh, sinh viên đã phát triển chứng trầm cảm thì sẽ gặp phải rất nhiều phiền toái. Ngoài ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống cũng như quá trình học tập thì còn làm gia tăng nguy cơ tự sát. Do đó cần được quan tâm điều trị càng sớm càng tốt.

Dưới đây là một số biện pháp giúp khắc phục chứng trầm cảm sau mùa thi hiệu quả:

1. Chủ động chia sẻ với người thân, bạn bè

Lo lắng và căng thẳng sau mùa thi có thể khiến cho các bạn học sinh, sinh viên rơi vào trạng thái buồn bã, chán nản và mệt mỏi. Lúc này không nên một mình chống lại với các cảm xúc tiêu cực. Tốt nhất nên chủ động chia sẻ với người thân và bạn bè.

Hãy chọn một người mà bạn tin tưởng, có thể là cha mẹ hay bạn bè để trải lòng, bày tỏ những áp lực và suy nghĩ của mình sau kỳ thi. Những người thân yêu nhất định sẽ lắng nghe bạn và cho bạn những lời khuyên hữu ích để cải thiện tâm trạng.

cách khắc phục trầm cảm sau kỳ thi
Nên chủ động chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ với cha mẹ để nhận được lời khuyên và sự giúp đỡ

2. Hoạt động thể chất

Hoạt động thể chất mang lại vô vàn lợi ích cho cả sức khỏe thể chất và tinh thần. Đặc biệt, với các bạn học sinh sinh viên đang bị trầm cảm sau mùa thi cử thì thường xuyên tập thể dục còn là liều thuốc tự nhiên giúp xoa dịu cảm xúc tiêu cực một cách nhanh chóng.

Khi hoạt động thể chất, cơ thể sẽ sản sinh nhiều hormone dopamine hơn. Từ đó giúp mang lại cảm giác thích thú, hưng phấn và hạnh phúc. Ngoài ra mức độ tập trung và khả năng điều chỉnh các chuyển động của cơ thể cũng trở nên tốt hơn.

Tốt nhất nên dành khoảng 30 – 45 phút mỗi ngày cho hoạt động thể chất với các bài tập thể dục phù hợp thể trạng. Không nên tập luyện quá gắng sức hay quá khắt khe với bản thân khi tập thể dục.

Hãy chọn cho mình một không gian thoáng mát, ánh sáng dịu nhẹ để tinh thần được thoải mái hơn. Nên tập thể dục vào buổi sáng để mang đến nguồn năng lượng dồi dào cho suốt cả ngày.

3. Thực hiện các biện pháp thư giãn

Tâm trạng bị giảm sút, cảm xúc tiêu cực luôn hiện hữu khiến cho bạn không muốn làm bất cứ một việc gì. Ngoài ra, khả năng tập trung và tiếp thu bài ở trường cũng bị giảm đi rất nhiều. Lúc này có thể thực hiện các biện pháp thư giãn để giúp cân bằng cảm xúc và cải thiện tâm trạng.

– Ngồi thiền:

Đây là phương pháp dưỡng tâm, an thần rất hiệu nghiệm. Các bạn học sinh, sinh viên bị trầm cảm nên dành ra 10 phút ngồi thiền mỗi ngày để cải thiện tâm trạng. Hoặc cũng có thể thực hiện ngồi thiền vào thời điểm trước khi bắt đầu việc học.

– Xem phim, nghe nhạc:

Nghe một bài nhạc hay xem một bộ phim có ý nghĩ tích cực cũng là giải pháp hiệu quả giúp làm giảm căng thẳng. Âm nhạc có thể mang đến những cảm xúc vui vẻ giúp xua tan âu lo và buồn phiền.

Các em học sinh không nên nghe các bài nhạc hay xem các bộ phim bi thảm, buồn bã. Tốt nhất nên chọn nhạc vui tươi để nghe sau khi học xong. Còn trong lúc học tập có thể nghe nhạc không lời nhẹ nhàng.

cách giải tỏa cảm xúc tiêu cực sau mùa thi
Nghe các bài nhạc tươi vui, nhẹ nhàng có thể giúp giải tỏa cảm xúc tiêu cực

– Liệu pháp mùi hương:

Tiếp xúc với những mùi hương yêu thích có thể giúp xoa dịu thần kinh và mang đến cảm giác thư giãn. Liệu pháp mùi hương đã được nhiều nghiên cứu chứng minh là mang lại hiệu quả tốt với những học sinh, sinh viên bị trầm cảm sau mùa thi. Bạn có thể ngửi tinh dầu, pha tinh dầu vào nước tắm hoặc dùng máy khuếch tán.

4. Ngủ đủ giấc giúp giảm trầm cảm sau mùa thi

Như đã đề cập, trầm cảm sau mùa thi có thể khiến cho nhiều học sinh, sinh viên bị rối loạn giấc ngủ. Mất ngủ, khó ngủ hay ngủ chập chờn ảnh hưởng rất nhiều đến cả sức khỏe thể chất và tinh thần. Thậm chí khiến cho cơ thể mệt mỏi kéo dài, suy nhược và thiếu năng lượng trầm trọng.

Ngủ đủ giấc có ý nghĩa rất lớn đối với những bạn bị trầm cảm sau khi thi cử. Để có một giấc ngủ chất lượng, bạn nên thực hiện một số biện pháp sau:

  • Đi ngủ sớm (trước 23 giờ) và đảm bảo rằng giấc ngủ vào ban đêm kéo dài 6 – 8 tiếng. Nếu ngủ trưa thì chỉ nên chợp mắt khoảng 30 phút.
  • Sắp xếp phòng ngủ gọn gàng, thông thoáng, bày trí không gian dễ chịu, tĩnh lặng và ít ánh sáng.
  • Có thể tạo mùi hương dễ chịu cho không gian ngủ bằng cách sử dụng máy khuếch tán tinh dầu.
  • Dùng trà thảo mộc, ngâm chân nước ấm hay uống sữa nóng trước khi ngủ cũng có thể giúp ngủ ngon hơn.
  • Trường hợp bị mất ngủ kéo dài thì nên chủ động tìm gặp bác sĩ để được hỗ trợ kịp thời.

5. Ăn uống đủ chất

Những học sinh bị trầm cảm sau mùa thi cử cần điều chỉnh chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh. Đây chính là yếu tố quan trọng hỗ trợ đắc lực cho việc điều chỉnh cảm xúc, làm giảm mệt mỏi và suy nhược.

cách khắc phục chứng trầm cảm sau mùa thi
Học sinh, sinh viên nên ăn uống lành mạnh để cải thiện tâm trạng và đảm bảo sức khỏe thể chất

Các vấn đề cần chú ý bao gồm:

  • Bổ sung thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như bông cải xanh, dưa vàng, trái cây họ cam quýt, dâu tây, cà chua,…
  • Sử dụng carbohydrate đúng cách, nên ưu tiên các nguồn carbohydrate có lợi thay cho các nguồn carbohydrate không tốt. Tốt nhất nên ăn ngũ cốc nguyên hạt, rau xanh, trái cây và các loại đậu.
  • Các thực phẩm giàu tryptophan như cá ngừ, thịt gà tây,… cũng rất hữu ích với những học sinh bị trầm cảm sau mùa thi.
  • Nên tăng cường các loại vitamin nhóm B thông qua thức ăn. Vitamin nhóm B có nhiều trong các loại đậu, hạt, rau có màu xanh đậm,…
  • Cung cấp đầy đủ vitamin D cho cơ thể từ các thực phẩm lành mạnh như lòng đỏ trứng, nấm, hàu, tôm, cá béo,…
  • Lựa chọn các thức ăn giàu selenium như thịt nạc, sữa ít béo, hải sản, các loại đậu,…
  • Ưu tiên thực phẩm giàu acid béo Omega-3 như quả bơ, óc chó, hạnh nhân,…
  • Tuyệt đối không uống rượu bia, hút thuốc lá hay sử dụng các chất kích thích.

Các bậc phụ huynh cần có trách nhiệm điều chỉnh chế độ ăn uống của con. Đồng thời dặn dò con ăn uống đủ chất, tuyệt đối không được bỏ bữa. Nên khuyên các bạn học sinh, sinh viên không ăn các loại thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn.

6. Tham vấn tâm lý

Trong nhiều trường hợp, chứng trầm cảm sau mùa thi cử có thể biểu hiện phức tạp. Hơn nữa, các triệu chứng còn ngày một tệ đi theo thời gian. Lúc này, các bậc phụ huynh cần chủ động trao đổi và đưa con đi gặp chuyên gia tư vấn tâm lý.

Các chuyên gia sẽ trò chuyện cùng trẻ để giúp trẻ hiểu ra vấn đề mình đang gặp phải. Đồng thời trang bị các kiến thức và kỹ năng quản lý căng thẳng cũng như điều chỉnh suy nghĩ, cảm xúc. Từ đó sớm kiểm soát được bệnh trầm cảm sau các kỳ thi.

điều trị trầm cảm sau mùa thi
Các bậc phụ huynh nên chủ động đưa con đi gặp chuyên gia tâm lý khi thấy triệu chứng trầm cảm tồi tệ hơn

7. Sử dụng thuốc khi cần thiết

Trầm cảm sau mùa thi cử có thể tiến triển nghiêm trọng khiến trẻ có suy nghĩ và hành vi tự sát. Đi kèm với đó còn là các dấu hiệu ảo giác, hoang tưởng. Lúc này cần đưa trẻ đi khám bác sĩ tâm thần để được can thiệp điều trị y tế kịp thời.

Bác sĩ có thể kê toa cho trẻ sử dụng các loại thuốc để cải thiện triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng. Trong đó, thuốc chống trầm cảm là được dùng phổ biến nhất. Tuy nhiên, phụ huynh cần giám sát và nhắc nhở trẻ dùng thuốc đúng cách. Tuyệt đối không được ngưng thuốc đột ngột.

Trên thực tế, thuốc chống trầm cảm có thể làm tăng nguy cơ tự tử ở đối tượng thanh thiếu niên, nhất là trong thời gian đầu sử dụng. Do đó, cha mẹ cần quan tâm đến con nhiều hơn trong suốt quá trình điều trị bệnh trầm cảm.

Phòng ngừa trầm cảm sau mùa thi cử

Tình trạng trầm cảm sau mùa thi cử đang diễn ra phổ biến. Tốt nhất các bạn học sinh, sinh viên nên trang bị cho mình kiến thức để ngăn ngừa. Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa hiệu quả:

  • Đừng cố biến mình trở thành một cỗ máy nhồi nhét kiến thức. Nên lựa chọn phương pháp học tập khoa học, có thể khái quát kiến thức trọng tâm và viết sơ đồ tư duy.
  • Đối với các bạn học sinh chuẩn bị thi đại học hay thi vào các trường cấp 3 có thể áp dụng phương pháp tăng lựa chọn giảm áp lực. Nên tìm hiểu về ngành mình yêu thích nằm trong các trường nào để mở rộng sự lựa chọn.
  • Không nên khóa mình hay xây dựng mối quan hệ quá trung thành với sách vở. Tốt nhất nên bày tỏ suy nghĩ của bản thân với người thân và bạn bè để giải tỏa căng thẳng trong quá trình học tập.
  • Bất cứ khi nào đạt được mục tiêu hay hoàn thành tốt một điều gì đó, hãy tự thưởng cho mình. Đây chính là cách giúp tâm trạng tốt lên và tạo động lực cho quá trình học tập lâu dài.
  • Tránh căng thẳng quá mức, hãy nghĩ rằng trước mắt chỉ là một kỳ thi và bạn có rất nhiều kỳ thi trong suốt cuộc đời.
  • Dành thời gian cho hoạt động thể chất mỗi ngày, chú ý ngủ đúng giờ, đủ giấc. Đồng thời ăn uống lành mạnh, bổ sung đầy đủ dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể từ các thực phẩm tươi sống.

Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng cần chú ý quan tâm đến con cái nhiều hơn. Thay vì đặt quá nhiều kỳ vọng cho con thì hãy dành thời gian lắng nghe, động viên và khích lệ con kịp thời.

Bên cạnh đó, cần đặt mình vào vị trí của con để hiểu rõ những lo lắng trong mùa thi nhằm chia sẻ cùng con tốt hơn. Nếu con có kết quả thấp trong kỳ thi thì cũng không nên trách móc hay so sánh con với các bạn đồng trang lứa.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu

Trầm cảm sau mùa thi cử thật sự là một vấn đề đáng quan ngại. Cha mẹ cần quan tâm và sát cánh để giúp con vượt qua những cảm xúc tiêu cực. Trường hợp nhận thấy cần thiết hãy chủ động đưa con đi gặp chuyên gia tư vấn tâm lý hoặc thăm khám bác sĩ tâm thần.

Tham khảo thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *