10 Dấu hiệu nhận biết trẻ bị tự kỷ và hướng chữa trị
Trong những năm trở lại đây, số lượng trẻ bị tự kỷ đang ngày càng tăng cao và nó trở thành một nỗi lo lắng, trăn trở của rất nhiều bậc phụ huynh. Tuy rằng căn bệnh này có thể khắc phục và điều trị tốt nhưng nếu không kịp thời phát hiện để can thiệp thì khả năng phục hồi cũng sẽ rất thấp. Vậy các dấu hiệu nào giúp nhận biết trẻ bị tự kỷ? Những ai là nguy cơ mắc bệnh cao?
Sơ lược về bệnh tự kỷ ở trẻ
Tự kỷ được xem là một hội chứng bao gồm rất nhiều các rối loạn phát triển lan tỏa biểu hiện ở các mức độ khác nhau, từ nhẹ đến nặng. Tuy rằng đây không phải là một căn bệnh mới của Thế giới nhưng tại nước ta, bệnh lý này mới thực sự được quan tâm và chú ý đến trong thời gian gần đây bởi tỉ lệ gia tăng của nó khá cao. Theo khảo sát thì cứ trong 100 bé sẽ có 1 bé mắc phải chứng tự kỷ và khả năng mắc bệnh của bé trai sẽ cao gấp 4 đến 6 lần so với bé gái.
Các triệu chứng của bệnh tự kỷ rất đa dạng và thường xuất hiện từ rất sớm. Tuổi khởi phát phổ biến nhất ở trẻ là 3 tuổi và các triệu chứng bệnh sẽ kéo dài liên tục theo thời gian nếu không được phát hiện và có biện pháp khắc phục tốt. Đặc biệt, do có quá nhiều sự kết hợp của những bệnh lý khác nhau nên việc điều trị cho trẻ tự kỷ cũng gặp không ít các khó khăn, thời gian phục hồi sức khỏe cũng kéo dài.
Xét về khía cạnh phát triển chung thì hầu hết những trẻ bị tự kỷ đều có những khiếm khuyết về một số lĩnh vực nào đó, phổ biến nhất là hành vi, giao tiếp, khả năng tương tác xã hội. Bên cạnh đó, những trẻ bị tự kỷ còn có thể kèm theo một số rối loạn liên quan đến cảm xúc, giảm sự chú ý, tăng động quá mức,…
Theo nhận định của các bác sĩ chuyên khoa thì tự kỷ là một bệnh lý có sự liên quan đến các rối loạn phát triển thần kinh, điển hình như sự thay đổi của cấu trúc thùy thái dương, thùy trán hoặc tiểu não. Đồng thời, nếu có sự bất thường diễn ra ở sinh hóa thần kinh hoặc cấu tạo lưới thì cũng có nhiều khả năng làm khởi phát chứng tự kỷ. Tuy nhiên, các cơ sở này vẫn chứa được chứng minh cụ thể.
Cho đến hiện nay vẫn chưa có bất kì kết luận cụ thể nào nói về nguyên nhân gây ra bệnh tự kỷ. Tuy nhiên, trong một vài nghiên cứu cũng đã tìm thấy một số yếu tố liên quan như di truyền, sự bất ổn trong giai đoạn mang thai, sự ảnh hưởng từ môi trường sống của trẻ nhỏ.
10 Dấu hiệu giúp bạn nhận biết trẻ đang bị tự kỷ
Việc có thể sớm phát hiện các dấu hiệu của trẻ tự kỷ là điều vô cùng quan trọng, nó góp phần lớn cho sự thành công của quá trình điều trị bệnh. Cũng bởi khi nhận biết rõ về các dấu hiệu của trẻ bị tự kỷ sẽ giúp bạn kịp thời can thiệp và đưa ra các biện pháp khắc phục phù hợp, nhờ đó giúp trẻ phòng tránh được các hậu quả nghiêm trọng mà bệnh có thể gây ra. Đồng thời, khi điều trị bệnh ở giai đoạn sớm sẽ giúp trẻ phục hồi tốt hơn, dễ dàng hòa nhập với cộng đồng và sinh hoạt như những đứa trẻ bình thường khác.
Ngay từ khi trẻ còn nhỏ, các bậc phụ huynh cũng có thể thấy được những sự khác biệt về khả năng phát triển, nhất là kỹ năng ngôn ngữ và xã hội. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp, trẻ nhỏ đã có tính cách bẩm sinh là ít nói, ít vận động hơn so với những bạn cùng trang lứa. Chính vì thế, cần phải phân biệt cụ thể giữa các dấu hiệu nhận biết của trẻ bị tự kỷ và các tính cách bẩm sinh.
Dưới đây là 10 dấu hiệu giúp các bậc phụ huynh có thể dễ dàng hơn trong việc nhận biết trẻ có bị tự kỷ hay không:
1. Trẻ ít tiếp xúc với xã hội
Đây được xem là một trong các dấu hiệu đặc trưng và dễ nhận biết nhất ở trẻ bị tự kỷ. Hầu hết những đứa trẻ mắc bệnh tự kỷ đều rất ít tiếp xúc với xã hội và những người xung quanh. Trẻ sẽ ít thể hiện các điệu bộ, cử chỉ và giao tiếp ánh mắt với người đối diện. Trẻ thường có những biểu hiện cô lập, né tránh những tình huống giao tiếp xã hội.
Ngoài ra, trẻ bị tự kỷ còn thể hiện một số mốc phát triển kém hơn so với bình thường, chẳng hạn như ở 3 tháng tuổi nhưng trẻ không cười, không có phản ứng sợ hãi khi gặp người lạ hoặc bước sang một môi trường mới khi bước vào 8 tháng tuổi. Khi nói chuyện hoặc giao tiếp với người khác, thậm chí là cha mẹ, trẻ cũng sẽ thường xuyên né tránh, không nhìn thẳng vào người đối diện.
Bên cạnh đó, những trẻ bị tự kỷ còn không thể nhận biết hoặc khó có thể phân biệt được những người nào là người thân thiết và quan trọng đối với cuộc sống của mình. Hiểu theo một cách đơn giản thì chúng xem cha mẹ, ông bà, anh chị em, những người xa lạ giống như nhau, như người dưng.
2. Rối loạn ngôn ngữ
Các bậc phụ huynh có thể dễ dàng nhận biết được dấu hiệu rối loạn ngôn ngữ ở những trẻ bị tự kỷ. Cũng bởi đa phần những trẻ mắc phải chứng bệnh này đều có khiếm khuyết về mặt ngôn ngữ, khả năng giao tiếp kém. Trẻ có thể chỉ biết tạo ra những tiếng động đơn giản, những âm thanh không có nghĩa hoặc thường xuyên lập lại các tiếng kêu, thậm chí có nhiều trường hợp trẻ nhỏ bị mất hoàn toàn ngôn ngữ (bị câm).
Một số trường hợp khác trẻ sẽ bị chậm về mặt phát triển ngôn ngữ, chậm nói hơn so với những trẻ cùng trang lứa. Trẻ bị tự kỷ có thể thường nói định hình, sử dụng sai văn phạm hoặc ngữ nghĩa của câu nói. Trẻ thường sẽ nói một cách đơn điệu, thiếu diễn cảm, thiếu ngữ điệu, nhịp điệu,…
3. Vận động chậm chạp
Thêm một dấu hiệu nhận biết điển hình của những trẻ bị tự kỷ mà cha mẹ cần lưu ý đó chính là sự di chuyển, vận động chậm chạp ở trẻ. Khi mắc bệnh trẻ sẽ bị rối loạn trương lực cơ hoặc giảm trương lực cơ toàn thân khiến cho việc vận động bị hạn chế. Cũng chính vì thế mà các bậc phụ huynh thường thấy trẻ gặp nhiều khó khăn trong việc bắt chước vận động, trẻ thường xuyên từ chối các sự tập luyện trực tiếp.
Ngoài ra, đôi lúc trẻ nhỏ cũng có thể xuất hiện các hành động bất thường. Chẳng hạn như thường xuyên xoay đầu, nhăn nhó mắt, đập đầu, xoắn vặn bàn tay,…Tuy nhiên, các hành động này đều diễn ra một cách chậm chạp, khó khăn.
4. Trẻ có những hành vi chống đối
Các hành vi chống đối ở trẻ nhỏ được đánh giá là một trong các dấu hiệu quan trọng giúp nhận biết trẻ có đang bị tự kỷ hay không. Những trẻ mắc phải chứng bệnh này thường có xu hướng chống đối, phản kháng lại những sự biến đổi của môi trường bên ngoài.
Trẻ có thể trở nên cáu gắt, nóng giận, bực tức hoặc thậm chí là hoảng sợ, lo lắng nếu các đồ dùng trong phòng của trẻ bị thay đổi vị trí. Hoặc nếu cha mẹ thay đổi quần áo, kiểu tóc, các thói quen sinh hoạt hàng ngày như đi tắm, ăn uống của trẻ cũng sẽ khiến trẻ cảm thấy giận dữ, kích động.
5. Trẻ thích chơi một mình
Thông thường trẻ em rất thích vui đùa, thích đến những nơi có nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, những chốn đông người. Tuy nhiên, đối với những trẻ bị tự kỷ thì lại có xu hướng muốn ở một mình, tự cô lập bản thân với xã hội xung quanh, trẻ thích ở trong phòng, không gian riêng tư và chơi những đồ vật gắn bó với trẻ.
Do đó, bạn sẽ thường thấy những đứa trẻ mắc bệnh tự kỷ thường sẽ có xu hướng luôn mang theo những đồ vật bên mình, chẳng hạn như gấu bông, búp bê, xe ô tô,….Nếu ai đó lấy đi những “người bạn” của trẻ và thay thế chúng bằng các đồ vật khác thì trẻ có xu hướng trở nên kích động, phản ứng dữ dội. Trẻ có thể la hét, khóc lóc, tự làm tổn thương bản thân hoặc có hành vi đả kích người khác, sau đó sẽ trở nên lầm lì, im lặng.
6. Rối loạn ăn uống
Rối loạn ăn uống là dấu hiệu nhận biết của nhiều bệnh lý, trong đó có tự kỷ. Các triệu chứng chán ăn, ăn không ngon miệng, rối loạn động tác mút, ói mửa, buồn nôn là các triệu chứng khởi phát sớm ở người bệnh tự kỷ.
Ở những đứa trẻ có độ tuổi lớn hơn, trẻ có khả năng duy trì một thói quan ăn uống thoái triển. Chẳng hạn như trẻ chỉ ăn những thức ăn đã băm hoặc xoay nhuyễn, những loại thức ăn được chế biến từ sữa,….
7. Gắn bó lạ thường
Những đứa trẻ tự kỷ thường có xu hướng gắn bó một cách bất thường với một số đồ vật cụ thể. Khi mắc bệnh, trẻ thường có cảm giác gần gũi, gắn bó với những đồ vật vô tri vô giác thay vì là con người hay các động vật khác.
Trẻ sẽ dễ dàng dành sự quan tâm đến các chi tiết, những hình thức đặc biệt của đồ vật xung quanh và thường không để tâm quá nhiều đến công dụng thực sự của nó. Ngoài ra, đôi khi trẻ cũng có xuất hiện các hành động như ngửi, liếm vào các đồ vật đó.
8. Các hành vi thường xuyên lặp đi lặp lại
Những trẻ bị tự kỷ thường định hình vận động, chẳng hạn như trẻ sẽ thường xuyên lặp đi lặp lại các hành vi quen thuộc. Trẻ có thể ngồi chơi với bàn tay của chính mình trong khoảng 6 tháng đầu đời, thường ngồi lắc lư thân mình, lắc đầu,…Ngoài ra, một số trẻ còn có các hành bị như ngửi đồ vật, hít hơi, liếm thức ăn,…
Ngoài ra, khi trẻ bị tự kỷ có khuynh hướng định hình, trẻ sẽ không có chức năng, không có ý nghĩa khám phá xã hội, thế giới. Kiểu chơi của những đứa trẻ này sẽ bị hạn chế, khá cứng nhắc, không mang tính phong phú, nghèo nàn về mặt ý tưởng, sáng tạo, và ít các khả năng tưởng tượng, biểu tượng.
9. Có những hành vi kỳ lạ
Thêm một dấu hiệu giúp các bậc phụ huynh có thể dễ dàng nhận biết nguy cơ bị tự kỷ ở trẻ đó chính là trẻ thường thực hiện các hành vi khác lạ. Chẳng hạn như trẻ thường chạy vòng tròn, đu đưa thân người, đi bằng các ngón chân, đi từng bước chậm rãi, lắc lư,….
Những hành vi này thường là tự chủ, nó có thể xảy ra liên tiếp hoặc gián đoạn. Thường sẽ gián đoạn bằng các tư thế kỳ lạ hoặc một số giai đoạn bất động. Đôi lúc trẻ sẽ có những hành vi tự làm tổn thương, gây thương tích cho chính mình, ví dụ như tự cắn, tự cào cấu, tự đập đầu, nhổ tóc,….
10. Khiếm khuyết về trí tuệ
Phần đông những trẻ bị tự kỷ đều có sự thiếu sót, khiếm khuyết về mặt trí tuệ. Theo số liệu thống kê nhận thấy có đến hơn 40% các trẻ em mắc bệnh tự kỷ sở hữu IQ thấp hơn 55 điểm và có khoảng 30% các trẻ bị tự kỷ được chẩn đoán là chậm phát triển trí tuệ ở mức độ nhẹ.
Những sự thiếu sót thường có phần khác nhau ở mỗi đứa trẻ, mỗi trường hợp bệnh sẽ có thương số thông minh thao tác và ngôn ngữ riêng biệt. Trong đó chỉ có khoảng 30% những trẻ em bị tự kỷ có sự phát triển bình thường về trí tuệ.
Có thể bạn quan tâm: Nên khám tự kỷ cho trẻ ở đâu tại TPHCM?
Cách chữa và chăm sóc trẻ bị tự kỷ cha mẹ nên quan tâm
Tự kỷ nếu có thể được nhận biết và can thiệp sớm sẽ giúp sẽ dễ dàng hơn trong việc phục hồi sức khỏe và ngăn chặn các hệ lụy nguy hiểm có thể xảy ra. Trẻ vẫn có thể phát triển và hòa nhập tốt với môi trường, cộng động xung quanh. Trong các trường hợp nhẹ, trẻ em có thể hoàn toàn phục hồi và phát triển một cách bình thường như bao đứa trẻ khác.
Tuy nhiên, khi bệnh chuyển biến nặng và được phát hiện trễ thì việc can thiệp và chăm sóc lúc này chỉ mang tính chất hỗ trợ, phần nào giúp trẻ có thể cải thiện được các kỹ năng cần thiết, đặc biệt là giao tiếp. Một số lưu ý cần nhớ khi điều trị và chăm sóc trẻ tự kỷ mà cha mẹ cần phải ghi nhớ như:
- Những đứa trẻ bị tự kỷ luôn cần sự yêu thương và quan tâm, tâm chăm sóc của người thân, cha mẹ. Chính vì thế hãy dành nhiều thời gian hơn cho trẻ, tuyệt đối không được chủ quan, không bỏ rơi trẻ và luôn đứng ra bảo vệ, không cho bất kì ai xem thường hay kỳ thị trẻ. Cha mẹ nên sắp xếp thời gian ở bên con nhiều hơn, cố gắng thể hiện tình cảm và sự quan tâm cho con. Đồng thời có thể kêu gọi những sự giúp đỡ từ người thân bên cạnh để trẻ hiểu được xung quanh vẫn luôn có rất nhiều người yêu thương mình.
- Tự kỷ dù ở mức độ nhẹ hay nặng thì nó cũng bao gồm nhiều hội chứng, những sự suy giảm về cảm nhận, chức năng, sự tương tác xã hội, ngôn ngữ. Chính vì thế quá trình điều trị cần rất nhiều thời gian, sự kiên trì. Cha mẹ và những người xung quanh nên đồng hành để có thể động viên và hỗ trợ trẻ trong suốt quá trình điều trị.
- Gia đình đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với việc phục hồi sức khỏe cho trẻ bị tự kỷ. Do đó, cha mẹ cần phải thường xuyên theo dõi, trao đổi với bác sĩ, chuyên gia tâm lý, những người trực tiếp tiếp xúc với trẻ để có thể hỗ trợ và tạo môi trường an toàn phù hợp cho trẻ.
Trên đây là 10 dấu hiệu giúp các bậc phụ huynh có thể dễ dàng nhận biết trẻ đang bị tự kỷ. Việc có thể phát hiện sớm các triệu chứng của bệnh sẽ góp phần quan trọng trong quá trình lựa chọn biện pháp điều trị và giúp cho sức khỏe của trẻ được phục hồi một cách toàn diện nhất.
Tham khảo thêm:
- Liệu trẻ sơ sinh có bị trầm cảm? Làm sao nhận biết?
- Nhận Biết Và Phòng Ngừa Khủng Hoảng Tâm Lý Khi Mang Thai
- Cha Mẹ Nên Làm Gì Khi Con Bước Vào Giai Đoạn Tuổi Nổi Loạn?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!