Cha Mẹ nên làm gì khi Con bước vào giai đoạn tuổi nổi loạn?
Sự thay đổi về tâm sinh lý ở giai đoạn dậy thì khiến trẻ có những hành vi thiếu suy nghĩ, phá phách và chống đối. Vì vậy, bố mẹ cần trang bị kiến thức để có thể giáo dục con đúng cách. Bài viết sẽ giúp cha mẹ biết nên làm gì khi con bước vào tuổi ẩm ương, nổi loạn.
Cha mẹ cần làm gì khi con đến tuổi nổi loạn?
Tuổi nổi loạn hay còn được gọi là tuổi dậy thì – đây là giai đoạn con trẻ có sự phát triển rõ rệt về thể chất và tâm lý. Giai đoạn này chính là thời kỳ chuyển giao giữa trẻ em và người lớn.
Ở tuổi nổi loạn, trẻ không còn ngoan ngoãn nghe theo lời bố mẹ mà đã bắt đầu hình thành sở thích và quan điểm riêng. Sự thay đổi đột ngột của hormone khiến tâm lý của trẻ trở nên bất ổn và khó đoán. Nhiều trẻ trước đây rất nhút nhát, hiền lành nhưng khi bước vào giai đoạn dậy thì thì trở nên ương ngạnh, phá phách và chống đối.
Nuôi dạy con cái là một quá trình dài với rất nhiều khó khăn và thử thách. Trong đó, giai đoạn “nổi loạn” được xem là thời điểm khó khăn nhất. Bởi lúc này còn không còn ngoan ngoãn nghe theo sự sắp xếp của gia đình, nhưng cũng chưa có đủ sâu sắc để hiểu biết hết về cuộc sống.
Đây cũng là giai đoạn dễ phát sinh mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái. Nếu không khéo léo trong cách cư xử, con cái có thể hình thành tâm lý thù ghét chính gia đình của mình, chểnh mảng việc học, thiếu động lực trong cuộc sống và phát triển các dạng nhân cách méo mó.
Trong những năm gần đây xảy ra rất nhiều trường hợp đáng tiếc do bố mẹ không biết cách giáo dục con ở tuổi dậy thì. Kết quả là con trẻ trở nên hư hỏng và thù hằn gia đình. Vì vậy, cần làm gì khi con bước vào tuổi nổi loạn là vấn đề được nhiều bậc phụ huynh quan tâm.
Dưới đây là 10 việc bố mẹ cần thực hiện để có thể giáo dục và đồng hành cùng con bước qua giai đoạn dậy thì:
1. Trang bị kiến thức về độ tuổi dậy thì
Tuổi dậy thì là giai đoạn cơ thể bắt đầu có những thay đổi rõ rệt về chiều cao, cân nặng, vóc dáng, kích thước vòng 1, vòng 3 và cơ quan sinh dục. Bên cạnh đó, trẻ cũng có những thay đổi về mặt tâm lý, cảm xúc. Đôi khi những thay đổi này khiến con cảm thấy khó chịu và bứt rứt vì không biết cách thích ứng.
Việc đầu tiên bố mẹ cần làm khi con đến tuổi nổi loạn là trang bị kiến thức cần thiết. Thực tế, ở thế hệ trước, bố mẹ không được giáo dục kỹ càng nên thiếu hiểu biết về những thay đổi tâm sinh lý trong giai đoạn dậy thì. Điều này khiến các bậc phụ huynh gặp lúng túng trong việc giáo dục và chăm sóc con trẻ.
Hiện nay, có khá nhiều chương trình và tài liệu bổ ích để bố mẹ tham khảo. Trang bị những kiến thức cần thiết sẽ giúp phụ huynh hiểu hơn về tâm sinh lý của con, từ đó có cách ứng xử và giáo dục phù hợp. Hiểu tâm lý trẻ cũng sẽ giúp bố mẹ tìm ra nguyên nhân sâu xa từ những hành vi chống đối, phá phách.
2. Học cách làm bạn với con cái
Các bậc cha mẹ Việt thường thể hiện uy quyền khi dạy dỗ và giáo dục con. Trước uy quyền của người lớn, trẻ thường ngoan ngoãn vâng lời. Tuy nhiên khi bước vào tuổi nổi loạn, con trẻ sẽ không cảm thấy thoải mái trước những yêu cầu của bố mẹ. Trong giai đoạn này, con bắt đầu hình thành cái tôi, muốn khẳng định bản thân đã trưởng thành và muốn tự đưa ra quyết định.
Theo các chuyên gia tâm lý, lựa chọn làm bạn với con ở tuổi nổi loạn sẽ thích hợp hơn cách giáo dục dựa trên uy quyền và áp đặt. Thực tế, cha mẹ Việt thiếu kỹ năng làm bạn với con cái dẫn đến tình trạng trẻ ít chia sẻ, sống thu mình và xa cách với gia đình.
Để hòa hợp và gần gũi với con, bố mẹ cần nắm bắt những thay đổi trong cuộc sống hiện đại và cập nhật nhanh chóng những vấn đề mà con trẻ đang quan tâm. Bố mẹ cũng cần hạn chế tình trạng so sánh giữa thế hệ trước và sau bởi điều này có thể khiến trẻ khó chịu.
Những thay đổi đột ngột về mặt tâm sinh lý sẽ khiến trẻ gặp phải nhiều vấn đề trong cuộc sống. Học cách làm bạn sẽ giúp con cái thoải mái chia sẻ với gia đình và nương tựa vào bố mẹ khi đối mặt với khó khăn.
Trong khi đó, cha mẹ giáo dục con quá hà khắc sẽ khiến con ít chia sẻ, chọn cách im lặng và tự đối mặt. Vì chưa có kinh nghiệm sống nên đôi khi trẻ đưa ra những quyết định sai lầm và phải đối mặt biến cố lớn từ khi còn rất trẻ. Do đó, gia đình nên lựa chọn cách làm bạn cùng con và hướng đến phương pháp giáo dục mềm mỏng, linh hoạt trong giai đoạn này.
3. Dạy trẻ cách bảo vệ, chăm sóc bản thân
Một vấn đề mà rất nhiều cha mẹ Việt bỏ qua khi con đến tuổi dậy thì là không dạy con cách chăm sóc và bảo vệ bản thân. Ở giai đoạn này, cơ quan sinh dục đã phát triển nên con sẽ gặp phải các vấn đề như cương dương ngoài ý muốn, mộng tinh (bé trai), có kinh nguyệt, đau bụng kinh, khó chịu ở vòng 1,… (bé gái).
Trước khi con bước vào độ tuổi dậy thì, bố mẹ nên giáo dục để con biết trước những thay đổi này nhằm phòng tránh tâm lý khó chịu và sợ hãi. Ngoài ra, nên dạy trẻ cách vệ sinh cá nhân, làm sạch vùng kín, cách ăn mặc và tạo kiểu tóc phù hợp. Tác phong gọn gàng sẽ giúp trẻ tự tin hơn khi đến trường, đồng thời dễ dàng kết bạn và tránh bị tẩy chay, trêu chọc.
Bên cạnh đó, bố mẹ cũng cần chú ý những biểu hiện bất thường để kịp thời cho trẻ thăm khám và điều trị. Mặc dù đã được giáo dục nhưng trẻ cũng không tránh khỏi sự lúng túng trong vấn đề tác phong và vệ sinh cá nhân. Do đó, bố mẹ nên chuẩn bị chu đáo cho con những vật dụng cần thiết như băng vệ sinh, khăn giấy, nước rửa tay,… để con mang theo sử dụng khi cần thiết.
Ngoài ra, bố mẹ cũng cần dạy trẻ cách bảo vệ bản thân. Cả bé trai và bé gái đều có thể trở thành nạn nhân những đối tượng xấu. Vì vậy, nên giáo dục con cách bảo vệ thân thể và không nghe theo lời dụ dỗ của bất cứ ai. Trẻ cũng có thể bị quấy rầy tình dục và bắt nạt qua mạng nên bố mẹ cũng nên chú ý đến việc sử dụng điện thoại, máy tính của con cái.
4. Lắng nghe và thấu hiểu – Điều cha mẹ nên làm khi con vào tuổi nổi loạn
Trẻ ở tuổi nổi loạn có tâm lý rất nhạy cảm và “khó chiều”. Vì vậy, điều bố mẹ cần làm là lắng nghe và thấu hiểu. Thực tế, đây chính là nguyên tắc quan trọng nhất để bố mẹ có thể đồng hành cùng con trong giai đoạn này. Bởi điều trẻ cần chính là được lắng nghe mong muốn, tâm tư tình cảm, chia sẻ những vướng mắc và khó khăn gặp phải trong cuộc sống.
Khi con cái chia sẻ, bố mẹ cần thể hiện thái độ lắng nghe để trẻ cảm thấy được an ủi. Ở giai đoạn này, đôi khi trẻ sẽ có những suy nghĩ và hành vi lệch chuẩn. Tuy nhiên, gia đình nên hiểu rằng đây là phản ứng hoàn toàn bình thường do trẻ đang trong quá trình phát triển.
Vai trò của cha mẹ chính là trò chuyện nhẹ nhàng để giúp trẻ hiểu rõ những vấn đề cần phải thay đổi và hình thành suy nghĩ, quan điểm sống phù hợp. Để trẻ tiếp thu, bố mẹ cần chừng mực trong lời nói và lựa chọn ngôn từ phù hợp. Thái độ gay gắt và phản ứng la mắng vô cớ từ bố mẹ có thể khiến con thất vọng, buồn bã và hình thành tâm lý chống đối.
Sự lắng nghe và thấu hiểu của bố mẹ chính là điều giúp con cảm thấy thoải mái, an tâm. Vì vậy, con sẽ luôn chia sẻ với bố mẹ những vấn đề đang phải đối mặt thay vì giấu kín và tự giải quyết. Hơn nữa, lắng nghe chính là động thái thừa nhận con đã trưởng thành và có tiếng nói riêng. Điều này sẽ giúp con ý thức hơn về lời nói, hành vi và trách nhiệm của bản thân.
5. Học cách giữ bình tĩnh và chừng mực trong lời nói
Trong giai đoạn nổi loạn, con sẽ có những hành vi phá phách và chống đối. Trước hành động thiếu suy nghĩ của con, bố mẹ khó có thể giữ được sự bình tĩnh. Tuy nhiên, phản ứng tức giận, quát tháo và đánh mắng trẻ không phải là giải pháp cho trường hợp này.
Phản ứng gay gắt của bố mẹ sẽ khiến cho con bị tổn thương, từ đó tạo vỏ bọc và sống khép kín. Một số trẻ hình thành tâm lý chống đối “ngấm ngầm” và âm thầm thực hiện các hành vi sai trái sau lưng bố mẹ.
Trong giai đoạn này, con chưa phát triển hoàn chỉnh về mặt nhận thức nên đôi khi không suy nghĩ sâu xa và thấu đáo. Khi phạm lỗi, con có thể không hiểu rõ lý do mình bị la mắng và trách phạt. Chính vì vậy, việc bố mẹ cần làm là phải giữ bình tĩnh và chỉ trò chuyện với con khi đã qua cơn giận.
Bố mẹ có thể trách mắng con vì đã phạm lỗi nhưng cần chừng mực trong lời nói. Bên cạnh đó, nên giải thích để con hiểu con sai ở đâu và cách để sửa sai. Ngoài ra, cần giáo dục con cách ứng xử phù hợp để tránh lặp lại những sự việc tương tự.
Trong cách cư xử hàng ngày, bố mẹ cũng cần chú ý đến lời nói với con trẻ. Trẻ ở độ tuổi nổi loạn thường rất nhạy cảm. Vì thế, những lời nói tưởng chừng như bình thường có thể khiến con bị tổn thương và suy nghĩ nhiều. Do đó, bố mẹ cần chừng mực trong lời nói và cách ứng xử để tránh những tình huống không đáng có.
6. Đặt ra các quy định dành riêng cho trẻ
Khi bước giai đoạn nổi loạn, con sẽ muốn làm mọi thứ theo sở thích và mong muốn của bản thân. Đây hoàn toàn là tâm lý bình thường và phù hợp với lứa tuổi. Bố mẹ không nên cho rằng sự thay đổi này là do con hư hỏng và nhiễm thói xấu từ bạn bè. Tuy nhiên, cần đặt ra các giới hạn để con cái có sự chừng mực trong lời nói và hành vi.
Bố mẹ nên đặt ra các quy tắc về thời gian học tập, sử dụng máy tính, tivi, các công việc nhà trẻ phải thực hiện và yêu cầu trẻ phải thống nhất cách sinh hoạt với gia đình. Đặt ra quy tắc sẽ giúp trẻ học cách quản lý thời gian và chủ động sắp xếp các công việc trong ngày. Đây cũng là cách để bố mẹ rèn cho con sự tự lập, chủ động thay vì phải nhắc nhở thường xuyên như khi còn nhỏ.
Để đảm bảo trẻ tuân thủ quy định đặt ra, bố mẹ nên cùng con thảo luận trước khi áp dụng. Gia đình cũng nên nhấn mạnh để con biết rằng, người lớn phải có trách nhiệm với lời nói và hành vi của mình. Nếu trẻ không thực hiện, bố mẹ sẽ áp dụng các hình phạt tương ứng.
Khi đặt ra các quy tắc, bố mẹ nên tránh tình trạng áp đặt và kiểm soát con cái quá mức. Hãy để trẻ thoải mái góp ý và xây dựng bảng quy tắc cho phù hợp. Với những đề nghị không hợp lý, bố mẹ nên giải thích để con hiểu rõ thay vì thị uy bằng quyền lực. Trong giai đoạn này, tâm lý chung của trẻ là muốn khẳng định cái tôi và chứng tỏ bản thân là người trưởng thành. Vì vậy, nên khuyến khích trẻ chủ động hoàn thành nhiệm vụ và tuân thủ quy tắc thay vì đợi bố mẹ nhắc nhở.
7. Thưởng – phạt đúng cách
Thưởng – phạt đúng cách là điều bố mẹ cần chú ý khi con bước vào độ tuổi dậy thì. Khi còn nhỏ, bố mẹ thường trách phạt con bằng đòn roi, yêu cầu con quỳ gối hoặc úp mặt vào tường. Tuy nhiên, hình thức thưởng – phạt cần được thay đổi để phù hợp hơn với tâm lý của trẻ.
Giai đoạn nổi loạn khiến trẻ trở nên nhạy cảm hơn, dễ hình thành tâm lý chống đối và phá phách. Trừng phạt bằng đòn roi không phải là giải pháp phù hợp ở giai đoạn này. Xử phạt bằng cách đánh mắng có thể khiến con bị tổn thương, tự ái, giảm lòng tự trọng và có xu hướng bạo lực.
Theo các chuyên gia, bố mẹ cần có hình thức xử phạt nghiêm khắc nhưng vẫn thể hiện sự tôn trọng với con cái. Trước khi phạt con, nên cho trẻ cơ hội sửa sai và yêu cầu con chấp nhận hình phạt nếu còn tái phạm.
Với trẻ trong độ tuổi dậy thì, các hình phạt phù hợp bố mẹ có thể áp dụng bao gồm cắt giảm chi tiêu, không được sử dụng máy tính, tivi, giảm thời gian vui chơi, phải làm thêm việc nhà, chăm sóc em,… Nếu không chấp nhận hình phạt, bố mẹ cần nhấn mạnh việc con đã đồng ý và chọn hình phạt con không thể từ chối như cắt giảm chi tiêu, cấm sử dụng điện thoại, máy tính,…
Ngoài ra, bố mẹ cũng cần có món quà khích lệ khi con ngoan ngoãn. Gia đình không nên đặt ra mục tiêu để con nỗ lực học tập hay cố gắng ngoan ngoãn. Thay vào đó, nên chú ý biểu hiện của con và tặng cho con những món quà khi nhận thấy con có cải thiện. Món quà không nên có giá trị quá lớn, ưu tiên lựa chọn những vật dụng cần thiết cho việc học và các món đồ mà con yêu thích như bút vẽ, truyện tranh,…
Phạt – thưởng đúng cách sẽ giúp con hình thành tính trách nhiệm, ý thức hơn về hành vi và lời nói của mình. Ngoài ra, những món quà của bố mẹ cũng khích lệ con duy trì những hành vi đúng đắn và nỗ lực hoàn thiện bản thân.
8. Dạy trẻ kỹ năng sống
Ngoài những kiến thức trong nhà trường, trẻ ở độ tuổi dậy thì nên được trang bị thêm kỹ năng sống cần thiết. Ở giai đoạn này, môi trường sống của trẻ được mở rộng, con có nhiều bạn bè hơn và sẽ gặp phải không ít vấn đề. Trang bị kỹ năng sống sẽ giúp trẻ biết cách giải quyết mâu thuẫn và giảm thiểu những phiền toái trong cuộc sống.
Bố mẹ không nhất thiết phải giáo dục một cách cứng nhắc mà có thể hướng dẫn con kỹ năng sống thông qua quá trình sinh hoạt và những sự việc xảy ra bất ngờ trong cuộc sống. Ngoài ra, có thể cho trẻ cùng gia đình cắm trại, du lịch khám phá, leo núi,… để tăng trải nghiệm và tích lũy thêm kỹ năng sống.
Nếu cần thiết, bố mẹ có thể cho trẻ tham gia các lớp kỹ năng mềm. Thực tế, kỹ năng sống cần thiết không thua kém kiến thức được dạy ở trường. Trẻ có đầy đủ kỹ năng sẽ biết cách làm chủ cuộc sống và xử lý tốt những tình huống ngoài ý muốn. Nhiều nghiên cứu cho thấy, những người có kỹ năng và kinh nghiệm sống dày dạn dễ thành công hơn so với người chỉ trau dồi chuyên môn.
9. Phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong việc giáo dục trẻ
Khi bước vào giai đoạn tuổi nổi loạn, trẻ sẽ có những hành vi thiếu suy nghĩ và lệch chuẩn. Nhiều trẻ tỏ ra ngoan ngoãn trước mặt bố mẹ nhưng lại có những hành vi phá phách và chống đối ở trường. Chính vì vậy, gia đình cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường để đồng hành và theo sát con trong giai đoạn nhạy cảm này.
Khi đối mặt với những lỗi lầm của con trẻ, bố mẹ khoan hãy trách mắng và đánh con. Tốt nhất, nên trò chuyện để hiểu rõ nguyên nhân sâu xa. Bởi thầy cô và bố mẹ có thể không nắm rõ hoàn toàn những vấn đề trẻ đang phải đối mặt. Trò chuyện và cho con cơ hội giải thích sẽ giúp gia đình có cái nhìn khách quan, tổng quát hơn.
Cách ứng xử này cũng giúp con nhìn nhận lại sai lầm của bản thân thay vì phản ứng chống đối và thù hằn. Nếu con phạm lỗi, bố mẹ và nhà trường nên có hình phạt phù hợp. Bên cạnh đó, nên hướng dẫn con thay đổi để tránh tình trạng lặp lại.
10. Cho trẻ khám sức khỏe định kỳ
Cha mẹ Việt ít khi cho con trẻ khám sức khỏe định kỳ mà chỉ đến bệnh viện khi có triệu chứng bất thường. Ở giai đoạn dậy thì, con sẽ những thay đổi về tâm sinh lý. Chính vì vậy, bố mẹ nên cho con khám định kỳ 1 – 2 lần/ năm để đánh giá sức khỏe và khả năng phát triển.
Trong tuổi nổi loạn, con cũng có thể bị xâm hại hoặc có hoạt động tình dục sớm. Thói quen khám định kỳ sẽ giúp bố mẹ phát hiện kịp thời những vấn đề bất thường, từ đó có hướng xử lý và giải quyết đúng đắn. Ngoài ra, bố mẹ cũng cần trang bị kinh nghiệm để đảm bảo trẻ có chế độ ăn uống và sinh hoạt phù hợp.
Hy vọng qua những chia sẻ trên, cha mẹ đã biết nên làm gì khi con bước vào tuổi nổi loạn. Những kinh nghiệm này sẽ giúp trẻ hòa hợp với gia đình và có cơ hội phát triển một cách lành mạnh. Nếu không tìm được cách giáo dục phù hợp, các bậc phụ huynh có thể tìm gặp chuyên gia tâm lý.
Tham khảo thêm:
- Làm Gì Khi Bị Stress Vì Bố Mẹ Hay La Mắng?
- Cha mẹ kỳ vọng quá nhiều sẽ tạo áp lực lên con cái
- Bí quyết để xóa bỏ khoảng cách giữa cha mẹ và con cái
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!