Chuyên gia tâm lý trị liệu Phan Thị Quỳnh Oanh: Hiểu mình để bình an
Dưới góc nhìn của một người làm trong ngành tâm lý trị liệu, chuyên gia tâm lý trị liệu Phan Thị Quỳnh Oanh đã chia sẻ về việc thấu hiểu bản thân mình để tìm thấy sự bình an trong cuộc sống.
Giữa thế giới rộng lớn này, có thể tìm thấy được sự bình an thực sự là một điều quý giá. Bằng một nội tâm bình yên, chúng ta có thể vững vàng đối mặt với những vòng xoáy trong cuộc sống. Khi đã hiểu chính bản thân mình, chúng ta có thể nhìn rõ hướng đi của cuộc đời.
Quá khứ tổn thương và những câu hỏi bỏ ngỏ
Một trong số những nguyên nhân khiến cho con người dần cảm thấy lạc lõng, mất kết nối với hạnh phúc thực tại là do ta đã có những mong muốn nhưng không được đáp ứng hoặc được đáp ứng quá mức trong tuổi thơ. Điều này dẫn đến những dấu ấn tạo nên sự mất cân bằng trong tâm lý, hành vi, suy nghĩ cũng như cảm xúc.
Không giống những bạn trẻ khác, tuổi thơ của chuyên gia tâm lý trị liệu Phan Thị Quỳnh Oanh là những tổn thương và sự cô đơn. Chị chia sẻ:
Không giống với bạn bè đồng trang lứa, tuổi thơ của tôi không có gia đình hạnh phúc, thay vào đó là sự bất hòa giữa cha mẹ, đi học không thể nào kết nối với mọi người, bị cô lập, bị coi thường. Điều này khiến bản thân tôi bị mất kết nối với gia đình và mọi người xung quanh, có cái nhìn tiêu cực về con người và xã hội.
Tất cả mọi đứa trẻ được sinh ra trên thế giới này đều mong muốn mình được lớn lên trong một gia đình tràn đầy tình yêu thương, nhận được những sự chăm sóc, quan tâm của mọi người để không cảm thấy cô đơn và buồn tủi.
Cũng theo chia sẻ của chị:
Vì không biết nên trò chuyện với ai nên tôi đã tự độc thoại, tự đặt câu hỏi cho chính mình. Gia đình có nhiều biến cố và khủng hoảng, một đứa trẻ nhưng phải gồng gánh nhiều trách nhiệm không phù hợp với lứa tuổi nên cảm xúc trong tôi lúc đó chỉ toàn tiêu cực, uất ức, tuyệt vọng, cố gắng tự giải thoát bản thân nhiều lần vì không nhận được sự thấu cảm của những người xung quanh. Từ đó, tôi lại càng cảm thấy hoang mang, thu mình lại.
Chuyên gia Quỳnh Oanh thấu hiểu rằng bản thân đã tổn thương từ bối cảnh sống, sự thiếu hiểu biết của cha mẹ và gia đình của mình. Khi có hiểu biết và được chữa lành, chị cũng nhận ra rằng, những cách hành xử của cha mẹ đến từ những tổn thương mà cha mẹ đã trải qua trong quá khứ. Và chính cha mẹ cũng là người cần được cảm thông và chia sẻ.
Chị luôn tự đặt câu hỏi:
- Làm thế nào để con người có tình yêu thương nhau và sống nhân văn hơn?
- Mục đích sống, mục đích tồn tại của mình là gì?
- Thế nào là bình an và cách để có được bình an trong cuộc sống đầy xô bồ này?
Và hành trình của chuyên gia Phan Thị Quỳnh Oanh bắt đầu từ sự tuyệt vọng, không còn lối thoát, tựa như vực thẳm và không biết phải làm gì. Nhờ khao khát muốn hiểu chính mình, cũng như thử thách, chông gai và tổn thương, chị đã tìm ra được con đường đi đến sự bình an của chính mình.
Hành trình đi tìm sự bình an trong tâm hồn
Vị hoàng đế La Mã cổ đại Marcus Aurelius đã từng nói “Người hòa hợp với chính mình là người hòa hợp với thế giới”. Điều đó hàm ý rằng, sự bình yên hay bất ổn không đến từ bên ngoài, mà từ sâu trong tâm hồn của mỗi con người.
Vậy làm thế nào để tôi có thể tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn? Chuyên gia tâm lý trị liệu Phan Thị Quỳnh Oanh sẽ chia sẻ đến các bạn hành trình của bản thân mình.
1. Chấp nhận bản thân
Hướng đến chân – thiện – mỹ là mục tiêu sống của con người. Do đó, hầu hết mỗi chúng ta đều không tự hài lòng với chính mình. Ví dụ, bạn luôn cầu toàn, mong muốn bản thân xuất sắc ở mọi phương diện. Đôi khi, áp lực này cũng đến từ cha mẹ, gia đình khi ai cũng mong muốn con mình giỏi giang, thành đạt như người này, người kia.
Chính những kỳ vọng này đã tạo nên lớp vỏ bọc bên ngoài, khiến chúng ta luôn sống để làm hài lòng người khác, đánh mất chính bản thân mình, không hiểu mình muốn gì và cần gì, không hiểu thế nào là hạnh phúc. Thực tế, khi bạn chấp nhận chính mình chính là chấm dứt chuyện chiến đấu với bản thân, để có thể cảm thấy lòng nhẹ nhõm hơn.
Theo chuyên gia tâm lý trị liệu Phan Thị Quỳnh Oanh:
Mỗi người sinh ra trên cuộc đời đều là một bản thể đặc biệt, không ai giống ai. Hãy học cách chấp nhận và yêu thương những điều chưa hoàn hảo, tôi chấp nhận những tài năng và những nhược điểm trong tôi. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là tôi bất lực, bằng sự nỗ lực học tập và rèn luyện, tôi có thể phát triển những tài năng và chuyển hoá nhược điểm để trở thành phiên bản tốt hơn của bản thân.
Hiểu đơn giản, việc chấp nhận và cố gắng thay đổi luôn đi đôi với nhau, một bên là chấp nhận bản thân và một bên là có ước mơ làm cho hay hơn, chấp nhận và ước mơ đi đôi với nhau. Chính điều này sẽ khiến bạn bình an trong tâm hồn!
2. Ngọn lửa của sự khát khao
Khi đường đời trập trùng bao nỗi chông gai, quá khứ đầy tổn thương và sẽ có lúc con người ngủ quên trong mệt mỏi. Khi cuộc sống có quá nhiều thử thách nghiệt ngã, sẽ đôi lúc khiến con người muốn buông xuôi, từ bỏ.
Trong những giây phút đó, đã bao giờ bạn thử một lần cố gắng, vượt lên hoàn cảnh và chiến thắng chính mình? Cho phép mình có một tia hy vọng, niềm tin vào tương lai tươi sáng, cho phép mình nghĩ đến một tương lai tốt đẹp, từ đó cho phép mình thoát ra khỏi hoàn cảnh đó, mở lòng đón nhận sự trợ giúp của những người xung quanh?
Bởi như nhà văn Hugh Prather đã từng nói: “Khi học được cách sinh tồn mãnh liệt, cách sống đầy khao khát, cuộc đời bạn sẽ thay đổi”. Trong cuộc sống, chúng ta thường mong muốn có được sự hạnh phúc và bình an. Thế nhưng, không phải lúc nào con đường đến đích cũng dễ dàng, bằng phẳng bởi hành trình luôn đầy những thử thách và trở ngại. Sẽ có những lúc con người trở nên mềm yếu và thất bại trước hoàn cảnh, sẽ có lúc những chiếc gai nhọn của cuộc đời khiến bàn chân ta chảy máu. Khi đó, hơn bất cứ điều gì, con người cần học cách khơi dậy ngọn lửa của sự khát khao.
Khát khao có nghĩa là con người không chỉ dừng lại ở việc học cách tồn tại, thích nghi với hoàn cảnh một cách đơn thuần mà hơn thế, cần phải học cách chiến thắng hoàn cảnh. Tuy nhiên, chừng đó thôi chưa đủ mà con người cần phải học cách sống đầy đam mê, khát vọng, sống có ý chí để đạt được mục tiêu mà mình đề ra, đích đến mà mình hướng tới.
Chuyên gia tâm lý trị liệu Phan Thị Quỳnh Oanh cũng chia sẻ thêm:
Khi có khát khao mãnh liệt, mọi khó khăn, thử thách sẽ tựa như những hạt cát nhỏ bé. Hãy thắp lên ngọn lửa của sự khát khao, bạn sẽ biết cách nhìn nhận mình và nhìn nhận cuộc sống.
3. Niềm tin và sự đồng hành
Tại sao người này có thể đạt được rất nhiều thành công vượt bậc trong cuộc sống? Tại sao người kia có thể đạt được những thành quả phi thường… vượt xa những gì được mong đợi? Có phải đó là vì họ tài năng, nhạy bén và có năng lực hơn người? Có phải họ có nhiều điều kiện tốt hơn so với những người khác?
Câu trả lời không phải vậy. Điểm khác biệt của những người đạt được mục tiêu và đích đến là do họ đã được gỡ bỏ những giới hạn sự nhận thức về bản thân, có niềm tin mãnh liệt vào chính mình và sự đồng hành của gia đình. Niềm tin vào bản thân là thứ mang đến cho chúng ta nội lực mạnh mẽ để “chiến đấu” kiên cường, và cuối cùng “chiến thắng” bất cứ gian lao trắc trở nào.
Mỗi người cần phải có niềm tin trong cuộc sống để vượt qua những khó khăn và thử thách. Niềm tin thực sự cũng sẽ đưa con người từ vực thẳm tối tăm tiến lên phía trước. Đồng thời nó cũng có thể cứu họ từ gục ngã mà vươn lên trong những khó khăn. Helen Keller – Diễn giả nổi tiếng người Mỹ cũng có nói: “Lạc quan là niềm tin dẫn tới thành tựu. Bạn chẳng thể làm được điều gì mà thiếu đi hy vọng và sự tự tin”.
Cũng theo chuyên gia tâm lý trị liệu Phan Thị Quỳnh Oanh:
Niềm tin được sống hạnh phúc và bình an, niềm tin được gặp những người thầy của cuộc đời là điều mà tôi hướng tới. Chính vì có niềm tin này mà tôi đã đạt được sự bình an trong tâm hồn.
Thật vậy, khi tin điều gì thì điều đó sẽ đến. Niềm tin là nguồn năng lượng mạnh mẽ nhất trong việc tạo ra những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Niềm tin giúp chúng ta khơi nguồn những năng lực phong phú nhất ẩn sâu trong con người, thực hiện những mục tiêu mong muốn.
Bên cạnh đó, sự đồng hành của gia đình cũng vô cùng quan trọng. Theo chuyên gia Phan Thị Quỳnh Oanh: “Khi có sự đồng hành của gia đình, chúng ta sẽ có sức mạnh phi thường, tựa như chú nai có thêm đôi cánh vậy.” Gia đình là nguồn động lực lớn lao, giúp chúng ta vững bước trên hành trình của mình, là chỗ dựa vững chắc giúp ta thêm sức mạnh vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống, chắp cho ta đôi cánh vươn đến những ước mơ, khát vọng lớn lao.
4. Đi tìm giá trị của chính bản thân mình
Có bao giờ bạn tự đặt câu hỏi cho mình: Sống thì phải sống như thế nào cho xứng đáng? Vai trò và ý nghĩa của cuộc đời mình là gì? Đây là lúc bạn nhận ra rằng, ai sinh ra trên cuộc đời này cũng có giá trị riêng của chính bản thân mình. Và cuộc sống là hành trình để đi tìm giá trị này.
Như cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng nói: “Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng, để thấy tuyệt vọng đẹp như một bông hoa.” Sẽ có những giây phút bạn cảm thấy tuyệt vọng, đau đớn, không biết cuộc đời mình có ý nghĩa gì, không rõ liệu mình nên làm gì hay muốn gì trong tương lai. Hãy cứ tận hưởng nó bởi đây là những câu hỏi giúp bạn mở ra cánh cửa trên hành trình đi tìm giá trị bản thân.
Trong hoàn cảnh khó khăn cũng sẽ dạy ta những bài học đáng quý. Nhưng thay vì sốt sắng với chuyện đó, hãy tập trung vào những khía cạnh khiến bạn thực sự thấy được giá trị của mình trong cuộc đời.
Niềm tin là tài sản quý nhất của đời người, có niềm tin là làm được tất cả, khi bạn có niềm tin và biết nỗ lực phấn đấu với niềm tin đó, chính bạn đã tự tạo cho mình một gia tài. Điều bạn đã làm được cho bản thân mình và cho người khác chính là giá trị bạn để lại trên cuộc đời này.
5. Hiểu mình để bình an hơn
Bình an hiểu đơn giản là không gặp những biến cố trở ngại cho đời sống, không bệnh tật, không tai nạn. Đôi khi không có chuyện gì xảy đến với chúng ta nhưng chúng ta lại không bình an. Bởi chúng ta còn quá nhiều tham muốn chưa đạt được. Chúng ta không hài lòng, thỏa mãn với những gì đang có; hoặc bởi vì chúng ta còn giận người này, ghét người nọ, nuối tiếc những chuyện xảy ra trong quá khứ, buồn bã vì những kỷ niệm đẹp đã qua đi. Chúng ta băn khoăn, lo lắng, sợ hãi những điều chưa xảy đến.
Bình an là nền tảng cơ bản của hạnh phúc, không bình an thì không có hạnh phúc. Nhiều khi hoàn cảnh an mà tâm chẳng an, hoàn cảnh vui mà tâm chẳng vui, do đó không có hạnh phúc.
Và theo chuyên gia tâm lý trị liệu Phan Thị Quỳnh Oanh:
Bình an là trạng thái bên trong, cũng có thể nói là một cảm giác, cảm nhận mà mình biết mình đang ở đâu, mình cần gì, muốn gì, ưu/nhược điểm của bản thân. Ngoài ra, khi mình gặp bất kỳ vấn đề gì phát sinh trong cuộc sống, mình có đủ bản lĩnh để đối diện, biết cách để vượt qua nó thay vì hoảng loạn và trốn tránh.
Vậy thì làm sao để có được sự bình an? Tự mình tìm hay ai mang đến? Chỉ cần bạn đủ hiểu bản thân mình, mình đã có được bình an. Vậy thế nào là thấu hiểu bản thân? Theo chuyên gia Phan Thị Quỳnh Oanh: “Hiểu bản thân là khả năng nghĩ về bản thân – điểm mạnh và điểm yếu – và các mối quan hệ xung quanh bạn.”
Việc hiểu rõ bản thân sẽ giúp bạn có một cuộc sống hạnh phúc hơn. Bạn biết mình thích làm gì, ghét cái gì. Mọi hành động của bạn trước khi làm đều có mục đích rõ ràng. Bạn sẽ không còn phải rơi vào tình trạng không biết làm gì với cuộc đời mình.
Việc thấu hiểu bản thân cũng sẽ giúp bạn kiểm soát chính mình tốt hơn. Bạn biết cách tạo động lực cho bản thân để hướng tới những điều tốt đẹp, tránh xa những điều không tốt. Những thói quen tốt của bạn cũng được hình thành, theo thời gian bạn càng trở nên hoàn thiện hơn.
Thales, nhà triết học vĩ đại của Hy Lạp cổ từng được đặt câu hỏi: “Khó khăn là gì – Là tự thấu hiểu bản thân mình!”. Điều này rất chính xác, để hiểu được mình, bạn sẽ cần thời gian, hiểu được tính cách của mình, biết được giá trị của mình, biết ước mơ của mình là gì và lắng nghe cơ thể cũng như tâm trí.
Chuyên gia Phan Thị Quỳnh Oanh cũng chia sẻ:
Chỉ khi mình cho phép mình chấp nhận những khuyết điểm và ghi nhận những ưu điểm của bản thân, trân trọng những gì mình đang có, biết ơn những gì mình được đón nhận thì khi đó sự chuyển hoá bắt đầu.
6. Ý nghĩa của cuộc sống
Thực tế, mỗi người đều sẽ có cách nhìn nhận về ý nghĩa cuộc sống khác nhau. Bởi mỗi con người đều là mỗi cá thể khác nhau, có ước mơ, có khát vọng và có ý nghĩa cuộc đời riêng theo cách nhìn nhận riêng.
Ý nghĩa cuộc sống của mỗi con người về vật chất là tiền tài, danh vọng, chức tước, địa vị hay bằng cấp. Cũng có người cho rằng ý nghĩa cuộc sống của họ là sự vui vẻ, đơn giản, bình yên, không màng danh lợi. Nhưng cuối cùng, điều chúng ta hướng đến chính là sự bình an trong tâm hồn.
Ý nghĩa cuộc sống của mỗi người về tinh thần cũng có sự khác nhau. Có người mong cầu về một cuộc sống với lý tưởng sự nghiệp cao cả, được nhiều người kính nể. Cũng có người không màng đến những điều đó, họ mong muốn về một cuộc sống bình yên bên gia đình, hôn nhân hạnh phúc, công việc giản đơn.
Nhìn chung, có thể thấy ý nghĩa cuộc sống của mỗi người sẽ không ai giống ai. Mỗi người có thể tự suy nghĩ, xem xét, chọn lọc xem ý nghĩa của cuộc đời mình nằm ở đâu và như vậy bạn mới có thể sống theo nó và sống với chính nó một cách trọn vẹn nhất có thể.
Theo chuyên gia tâm lý trị liệu Phan Thị Quỳnh Oanh:
Mình sẽ tìm được ý nghĩa cuộc đời khi mình có khao khát lớn, mình tìm thấy sự bình an và sẵn sàng trao đi giá trị dù là nhỏ nhất.
Bởi khi hiểu bản thân, bạn sẽ tự tin, đủ đầy từ bên trong, bạn có thể sống vui vẻ trong từng khoảnh khắc, hạnh phúc với những điều mình làm. Đó chính là lúc bạn sẽ cảm thấy dù cuộc đời này có quá nhiều khó khăn, thử thách đi chăng nữa thì cuộc sống của bạn vẫn còn có ý nghĩa là niềm vui, là anh yên, là sự bình thản trong tâm hồn.
Tuy nhiên, không phải cứ ngồi yên mà sự bình an sẽ đến mà mình cần phải hành động. Cuộc sống là một hành trình, mình cần trải nghiệm nhiều hơn để tìm ra ý nghĩa của nó, tìm ra giá trị của chính bản thân mình.
Với chuyên gia tâm lý trị liệu Phan Thị Quỳnh Oanh:
Không chờ đủ mới cho đi mà hãy cho đi những gì mình đang có. Hãy cứ chăm chỉ gieo hạt đi rồi cây sẽ lớn, hoa sẽ nở. Việc mình được cho đi cũng là hạnh phúc. Kiên nhẫn với bản thân và kiên trì với hành trình của chính mình. Hãy trân quý và biết ơn những người mình đã – đang – sẽ gặp vì họ là những người thầy dạy cho mình một bài học nào đó.
Chuyên gia Phan Thị Quỳnh Oanh đang hỗ trợ nhiều người gặp vấn đề tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu,… tìm lại những phút giây bình an, hạnh phúc trong cuộc sống. Hiện tại, chị đang công tác tại Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam (Hà Nội). Nếu bạn cần chuyên gia tâm lý trị liệu Phan Thị Quỳnh Oanh hỗ trợ thêm, bạn có thể liên hệ Hotline: 096 589 8008 hoặc để lại tin nhắn tại đây.
“Yêu thương và thấu hiểu là phương thuốc để chữa lành mọi nỗi đau.” Hy vọng qua những chia sẻ của chuyên gia tâm lý trị liệu Phan Thị Quỳnh Oanh, chúng ta sẽ thêm yêu chính bản thân mình và tìm ra con đường đi đến sự thấu hiểu và bình an!
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!