Tránh Nhầm Lẫn Giữa Rối Loạn Lo Âu Và Rối Loạn Thần Kinh Thực Vật
Rối loạn lo âu nếu không được điều trị đúng cách sẽ làm gia tăng nguy cơ chuyển biến thành rối loạn thần kinh thực vật với nhiều triệu chứng như hoảng sợ, khó thở, hồi hộp,…Tuy nhiên do có nhiều sự tương đồng về nguyên nhân, biểu hiện và cách chữa nên nhiều người thường có sự nhầm lẫn giữa hai căn bệnh này.
Rối loạn lo âu và rối loạn thần kinh thực vật có điểm gì giống nhau?
Theo nhận định từ các chuyên gia thì rối loạn lo âu và rối loạn thần kinh thực vật có nhiều điểm giống nhau về nguyên nhân, biểu hiện của bệnh. Trong một vài nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, khi trạng thái lo lắng, stress kéo dài liên tục và không được can thiệp kịp thời sẽ dễ dẫn đến việc khởi phát bệnh rối loạn thần kinh thực vật.
Cũng bởi hệ thần kinh thực vật sẽ được chia thành 2 phần, cụ thể là hệ thần kinh giao cảm và hệ thần kinh phó giao cảm. Đây được xem là hai nhánh chính của hệ thần kinh giúp cho con người có thể giải quyết căng thẳng hiệu quả.
Hệ thần kinh giao cảm nắm giữ chức năng cảnh báo và hỗ trợ chúng ta có thể giải quyết tốt các tình huống nguy hiểm. Trước các trạng thái cản trở, mang tính chất nguy hiểm thì cơ thể sẽ tự động kích hoạt hệ thần kinh giao cảm.
Khi chúng ta đối mặt với stress hoặc đứng trước các yếu tố, tình huống gây hoảng sợ thì cơ thể sẽ bắt đầu xuất hiện phản ứng nêu trên. Các chuyên gia cho biết rằng, đây là hệ quả của quá trình kích thích hoạt động của hệ thần kinh giao cảm làm gia tăng các áp lực lên huyết áp, máu. Từ đó nhịp tim tăng nhanh, lượng oxy trong máu cũng tăng, một số trường hợp xuất hiện các cơn co thắt mạch vành dẫn đến triệu chứng đánh trống ngực, tức ngực.
Được biết ở những người bệnh rối loạn lo âu thì các cơn lo lắng, bồn chồn sẽ thường xuyên xuất hiện và kéo dài liên tục tác động đến hệ thần kinh thực vật. Khi ấy hệ thần kinh này phải hoạt động không ngừng nghỉ, lâu dài dễ dẫn đến tình trạng rối loạn giao cảm và gây ra chứng rối loạn hệ thần kinh thực vật.
Cụ thể, về các điểm giống nhau của rối loạn lo âu và rối loạn hệ thần kinh thực vật được nêu như sau:
1. Về nguyên nhân
Hai chứng bệnh này đều có sự liên quan đến thần kinh tâm thần. Tuy là hai chứng bệnh khác nhau nhưng xét về nguyên nhân và nguồn gốc gây bệnh thì chúng đều có sự ảnh hưởng bởi yếu tố di truyền. Đặc biệt, rối loạn lo âu lại có thể là nguyên nhân là gia tăng nguy cơ mắc phải chứng rối loạn hệ thần kinh thực vật.
Ở một vài nghiên cứu chuyên khoa nhận thấy rằng, nếu một người sinh ra trong một gia đình có người thân như cha mẹ, ông bà, anh chị em ruột mắc phải một trong hai chứng bệnh này hoặc các bệnh tâm thần có liên quan thì khả năng mắc bệnh của họ sẽ cao hơn so với mức bình thường.
2. Về biểu hiện
Trên thực tế thì cả hai bệnh lý đều có các triệu chứng như:
- Rối loạn giấc ngủ, thường xuyên mất ngủ, ngủ không sâu giấc.
- Đau đầu, suy giảm trí nhớ, lú lẫn.
- Mất tập trung, giảm chú ý ở hầu hết các hoạt động, công việc hàng ngày.
- Luôn cảm thấy hồi hộp, lo lắng, bồn chồn, bất an, rối loạn nhịp tim.
3. Về cách điều trị
Một thông tin đáng mừng đó chính là cả hai chứng bệnh này đều có khả năng để chữa khỏi. Thông thường các bác sĩ, chuyên gia sẽ tiến hành thăm khám, đánh giá tình trạng bệnh và cân nhắc để lựa chọn các biện pháp điều trị phù hợp.
Đối với rối loạn lo âu và rối loạn thần kinh thực vật đều sẽ được ưu tiên cải thiện bằng liệu pháp tâm lý, sử dụng thuốc hoặc hướng dẫn người bệnh gia tăng sức khỏe thể chất tại nhà, hạn chế sử dụng các chất kích thích gây hại trong suốt quá trình điều trị bệnh. Và đặc biệt, để quá trình chữa bệnh đạt được nhiều thành công, giúp bệnh nhân mau chóng phục hồi tốt sức khỏe thì cần phải xác định được cụ thể nguyên nhân gây bệnh để đưa ra phác đồ điều trị tận gốc.
Dưới đây là một số biện pháp sẽ được cân nhắc áp dụng điều trị cho người bệnh rối loạn lo âu và rối loạn thần kinh thực vật như:
- Trị liệu tâm lý: Với phương pháp này người bệnh sẽ được gặp gỡ, trò chuyện trực tiếp với chuyên gia tâm lý để bày tỏ các vấn đề khó khăn đang gặp phải, chia sẻ về những suy nghĩ, cảm xúc, hành vi của bản thân. Các chuyên gia sẽ dần tháo gỡ và giải tỏa những khúc mắc trong lòng và giúp họ nhìn nhận lại vấn đề, biết cách cân bằng và điều chỉnh cảm xúc hiệu quả.
- Điều trị bằng thuốc: Đối với một số trường hợp người bệnh có biểu hiện nghiêm trọng, bệnh nhân xuất hiện các hành vi gây hại hoặc các triệu chứng bệnh làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống thì sẽ được kê đơn thuốc để kiểm soát tốt hơn. Việc dùng thuốc cần được hướng dẫn và theo dõi trực tiếp của bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
- Cải thiện sức khỏe thể chất: Song song với việc áp dụng các biện pháp nâng cao sức khỏe tinh thần thì người bệnh cũng cần phải chú ý nhiều đến sức khỏe thể chất của bản thân. Nhanh chóng thay đổi lối sống, ăn uống, nghỉ ngơi, tập luyện thể dục thể thao lành mạnh để đánh lùi các triệu chứng gây khó chịu mà rối loạn lo âu và rối loạn thần kinh thực vật gây ra.
Sự khác nhau giữa rối loạn lo âu và rối loạn thần kinh thực vật
Tuy rằng rối loạn lo âu và rối loạn thần kinh thực vật có những nét tương đồng nhưng đây thực chất là hai chứng bệnh rối loạn hoàn toàn khác nhau. Chúng cũng có những điểm riêng biệt về biểu hiện, nguyên nhân và cách chữa trị.
Việc nhầm lẫn giữa hai chứng bệnh này có thể khiến cho quá trình điều trị bệnh gặp phải nhiều khó khăn, thậm chí là khiến cho bệnh tình càng trở nên nghiêm trọng. Do đó, trước hết bạn cần phải biết cách phân biệt các đặc điểm của bệnh như sau:
1. Về nguyên nhân
1.1 Rối loạn lo âu
Tuy rằng, rối loạn lo âu có sự ảnh hưởng bởi các yếu tố di truyền, tuy nhiên chứng bệnh này sẽ có nguồn gốc cụ thể từ các lo lắng, căng thẳng, bất an kéo dài dai dẳng trong một khoảng thời gian. Với nhịp sống vội vã và hấp tấp của xã hội hiện đại ngày nay thì con người không thể tránh khỏi các áp lực, stress đến từ học tập, công việc, kinh tế, gia đình, các mối quan hệ xã hội. Có thể nói rối loạn lo âu có nguồn gốc xuất phát chủ yếu từ tâm lý hoặc có thể do các sang chấn, chấn động tâm lý gây nên.
1.2 Rối loạn thần kinh thực vật
Rối loạn hệ thần kinh thực vật là một chứng bệnh có ảnh hưởng đến hệ thần kinh, chủ yếu sẽ là hệ thần kinh giao cảm và hệ thần kinh phó giao cảm. Chức năng chính của hệ thần kinh này là giúp điều hành và chi phối những chức năng tự động bên trong cơ thể, ví dụ như thần kinh, hô hấp, tiết niệu, sinh dục, tiêu hóa,…
Không chỉ đơn thuần khởi phát bởi yếu tố di truyền mà chứng bệnh này có thể liên quan đến các vấn đề như:
- Do thường xuyên tiếp xúc với những hóa chất độc hại.
- Do sự tổn thương hoặc các bệnh tự miễn có liên quan đến dây thần kinh, các bộ phận có liên quan trên cơ thể.
- Sự ảnh hưởng của các bệnh lý làm thoái hóa hệ thần kinh.
- Các bệnh ung thư tác động đến hệ miễn dịch.
2. Về biểu hiện
2.1 Rối loạn lo âu
Bên cạnh các biểu hiện giống với rối loạn thần kinh thực vật thì người bệnh rối loạn lo âu cũng sẽ có các triệu chứng đặc trưng riêng biệt để nhận biết như:
- Thường xuyên cáu gắt, tâm lý bất ổn, dễ kích động, lo lắng thái quá về những việc xảy ra xung quanh, kể cả các tình huống hết sức bình thường.
- Không thể kiểm soát tốt cảm xúc, các cơn tức giận của bản thân.
- Liên tục xuất hiện các suy nghĩ tiêu cực, dù đó là các sự kiện đã hoặc sắp xảy ra.
- Có xu hướng tự trách bản thân, cho rằng mình là người có lỗi và tỏ thái độ bất an về cuộc sống, từ đó sinh ra tâm lý chán nản, bế tắc.
2.2 Rối loạn thần kinh thực vật
Một số triệu chứng điển hình của rối loạn hệ thần kinh thực vật như:
- Hệ tiêu hóa: Khó tiêu, tiêu chảy liên tục, ợ nóng, vị giác bị thay đổi, nhu cầu dạ dày và đường ruột gia tăng, rối loạn tiểu và đại tiện.
- Hệ thần kinh: Mất ngủ, đau đầu, run chân tay, buồn bực không rõ lý do.
- Hệ sinh dục: Chức năng tình dục bị suy giảm, ở nam giới sẽ bị bất lực, xuất tinh sớm, rối loạn cương dương, còn ở nữ giới có thể bị khô âm đạo, không đạt khoái cảm,…
- Hệ tim mạch: Rối loạn nhịp tim, tim đập nhanh liên hồi, đánh trống ngực, đau tức ở ngực, khó thở, huyết áp tụt giảm,…
- Hệ tiết niệu: Gặp phải các triệu chứng như bí tiểu, tiểu đêm, tiểu không tự chủ, đái dầm.
- Tuyến mồ hôi: Ra nhiều mồ hôi ở mặt, đầu, chân, tay, toàn cơ thể hay có thể gặp phải tình trạng giảm tiết mồ hôi khiến da bị khô.
- Hệ vận động: Buồn bực chân tay, đau nhức xương khớp, tê bì tay chân, run rẩy,…
Khác với rối loạn lo âu, các triệu chứng của rối loạn thần kinh thực vật không tập trung nhiều vào tâm lý mà sẽ thể hiện đa dạng ở hầu hết các cơ quan trong cơ thể.
3. Biện pháp điều trị
3.1 Rối loạn lo âu
Như đã chia sẻ ở trên, rối loạn lo âu thường sẽ được điều trị ưu tiên bằng biện pháp tâm lý trị liệu và đối với các trường hợp bệnh nặng sẽ cần bổ sung một số loại thuốc điều trị. Bên cạnh đó, các bác sĩ, chuyên gia luôn khuyến khích bệnh nhân tăng cường thói quen tập luyện thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe thể chất lẫn tinh thần cho người bệnh.
Cũng bởi bệnh lý này xuất phát chủ yếu từ tâm lý nên cần phải có biện pháp hỗ trợ để giải tỏa hết các áp lực, căng thẳng xoay quanh cuộc sống. Người bệnh cần phải điều chỉnh lại lối sống của mình, chủ động chia sẻ, trò chuyện với bạn bè, người thân về những nỗi lo lắng trong lòng để có thể cải thiện bệnh tình hiệu quả.
3.2 Rối loạn thần kinh thực vật
Không giống với rối loạn lo âu, khi điều trị chứng bệnh này thì các bác sĩ cũng có thể cân nhắc đến phương pháp phẫu thuật để cải thiện tình trạng sức khỏe cho bệnh nhân. Nếu bệnh nhân không thể đáp ứng tốt các biện pháp cải thiện thông thường thì sẽ được áp dụng cách này để cải thiện tốt các triệu chứng bệnh.
Ngoài ra, để cho kết quả điều trị bệnh đạt được thành công như mong đợi thì các bác sĩ, chuyên gia cũng khuyến khích người bệnh chú ý xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh. Tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu axit béo omega 3, omega 6, vitamin nhóm B, thực phẩm giàu canxi, magie có chứa nhiều trong trứng, sữa, thịt nạc, thịt gà,…
Như vậy có thể thấy rối loạn lo âu và rối loạn thần kinh thực vật có những điểm giống và khác nhau để bạn có thể nhận biết. Tốt nhất bạn nên tiến hành thăm khám và chẩn đoán tại các bệnh viện, cơ sở uy tín để biết được chính xác về tình trạng sức khỏe của mình, từ đó có cách điều trị phù hợp.
Tham khảo thêm:
- Cảm Giác Bồn Chồn, Lo Lắng, Khó Ngủ Là Dấu Hiệu Bệnh Gì?
- Rối Loạn Lo Âu Có Gây Biến Chứng Nguy Hiểm Không?
- Tác Dụng Phụ Khi Dùng Thuốc Điều Trị Rối Loạn Lo Âu Bạn Nên Cảnh Giác
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!