Chuyên gia tâm lý trị liệu Lương Bách Kim chia sẻ về bạo lực lạnh
Thuật ngữ “bạo lực lạnh” đang được nhắc đến khá nhiều trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về khái niệm, dấu hiệu nhận biết cũng như cách giải quyết vấn đề này. Tất cả sẽ được chuyên gia tâm lý trị liệu Lương Bách Kim chia sẻ, cùng tìm hiểu ngay sau đây nhé!
1. Bạo lực lạnh là gì?
Theo chuyên gia tâm lý trị liệu Lương Bách Kim:
Bạo lực lạnh là một trạng thái bạo lực tinh thần, nó liên quan đến tổn thương cảm xúc. Bạo lực lạnh nghĩa là đối phương đối xử một cách thờ ơ, từ chối, im lặng với đối tác của mình. Họ có thể đối diện với sự thờ ơ đó đến nỗi dâng trào cảm giác tổn thương, dần trở thành người rút lui ở trong mối quan hệ. Dù là hình thức bạo lực về tinh thần hay thể chất thì những tổn thương đó gây ra rất nhiều hệ luỵ cho đối tượng bị bạo lực. Thậm chí những người thực hiện hình thức bạo lực này cũng là người bị tổn thương rất nhiều.
Như vậy có thể thấy rằng, bạo lực lạnh (Cold Violence) là một dạng bạo lực tinh thần đặc trưng bởi việc giảm hoặc ngừng mọi giao tiếp bằng ngôn ngữ và phi ngôn ngữ. So với bạo hành thể chất, bạo lực tinh thần nói chung và bạo lực lạnh nói riêng khó nhận biết hơn.
Hiểu đơn giản, bạo lực lạnh khá giống với “chiến tranh lạnh” với mục đích gây sức ép và áp lực lên tinh thần của đối phương. Thế nhưng, khi “chiến tranh lạnh”, cả hai phía có thể cùng im lặng. Trong khi đó, bạo lực lạnh chỉ mang tính chất một chiều và nạn nhân là người luôn cố gắng giao tiếp nhưng không nhận được bất cứ tín hiệu phản hồi nào.
Thông tin cho bạn nào chưa biết, bạo lực lạnh được nhắc đến lần đầu tiên trong một nghiên cứu về bạo lực gia đình vào năm 2016 của tác giả Lỗ Đản Ma. Nghiên cứu này cho thấy, đàn ông tại Trung Quốc thường sử dụng bạo lực lạnh để trừng phạt bạn đời. Ngoài ra, tình trạng này cũng được các bậc phụ huynh sử dụng để giáo dục con cái.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, bạo lực lạnh ngày càng được sử dụng nhiều hơn bởi những người đàn ông Trung Quốc đối với vợ của họ. Đây thường là những nam giới sống ở thành thị, có học thức và giàu có. Thực trạng này được cho là hệ quả của chế độ phụ hệ truyền thống và những chính sách hỗ trợ bình đẳng giới.
Hiểu đơn giản nhờ vào chế tài dành cho bạo lực thể chất, nam giới không thể tùy tiện đánh đập phụ nữ nữa. Tuy nhiên, tư tưởng gia trưởng vốn đã tồn tại rất lâu thì không thể mất đi chỉ trong một thời gian ngắn. Vì thế, bạo lực trực tiếp trên thể chất dần chuyển hóa thành bạo lực lạnh như một hình thức khác để thủ phạm thể hiện quyền lực với nạn nhân mà vẫn tránh được hậu quả.
2. Dấu hiệu nhận biết bạo lực lạnh
Như vậy có thể thấy rằng, bạo lực lạnh khó nhận biết hơn các dạng bạo hành tinh thần khác. Một số người còn nhầm lẫn người sử dụng bạo lực lạnh chỉ đơn thuần là người ít nói và không muốn đôi co khi xảy ra mâu thuẫn.
Tuy nhiên trên thực tế, người thực hiện hành vi bạo lực lạnh muốn sử dụng sự im lặng để trừng phạt và gây sức ép lên tâm lý của đối phương. Thậm chí, một số người còn tận dụng bạo hành lạnh để thao túng tâm lý và lạm dụng nạn nhân. Vậy nên việc nhận biết bạo lực lạnh là vô cùng cần thiết.
Chuyên gia tâm lý trị liệu Lương Bách Kim cho biết:
Dấu hiệu để nhận biết bạn đang bị bạo lực lạnh đó là đối phương sẽ hoàn toàn im lặng, thờ ơ với sự có mặt của bạn để thể hiện quyền lực, để thể hiện sự kiểm soát để đòi hỏi một mong muốn nào đó mà đối tác của mình phải đáp ứng. Bạo lực lạnh cũng làm cho đối phương không nhận biết được mình nên phải làm gì? Bản thân mình cũng đang cố gắng nhưng luôn luôn không được đáp lại, vậy nên họ chọn cách rút lui. Sự tổn thương về mặt tinh thần này kéo dài rất lâu.
Bạo lực lạnh có thể xuất hiện ở bất cứ mối quan hệ nào, trong đó thường gặp nhất là mối quan hệ tình cảm và gia đình. Một số dấu hiệu cụ thể dễ quan sát nhất có thể kể đến như:
Biểu hiện trong gia đình:
- Cha mẹ giữ sự im lặng, không trả lời bất cứ câu hỏi nào từ con cái để trừng phạt khi con phạm lỗi.
- Tỏ ra thờ ơ, lạnh nhạt, không quan tâm và không phản ứng với bất cứ lời nói nào của con.
- Thay vì trách móc hoặc quát mắng, cha mẹ thường giữ khoảng cách vô hình với con, không có hành động quan tâm hay yêu thương, chăm sóc.
- Một số trường hợp các bậc phụ huynh còn nhốt trong phòng tắm hoặc phòng kín sau khi con phạm lỗi để trừng phạt.
Biểu hiện trong tình yêu:
- Chọn cách im lặng khi xảy ra mâu thuẫn và xung đột. Nhưng thời gian mà họ im lặng không phải để lấy lại bình tĩnh và tìm giải pháp cho vấn đề.
- Sử dụng thời gian im lặng, xa cách để áp bức tinh thần của đối phương khiến người còn lại luôn ở trong trạng thái buồn bã, nặng nề và đau khổ.
- Lạnh nhạt, tỏ ra thờ ơ với bạn đời/người yêu.
- Cố gắng né tránh mọi sự quan tâm, ngỏ lời của đối phương.
- Thể hiện rõ sự chán ghét, thờ ơ trên khuôn mặt, khiến đối phương nghĩ họ là người có lỗi và phải tìm cách xử lý.
- Không có bất cứ phản ứng nào khi đối phương chủ động trò chuyện và quan tâm.
3. Ảnh hưởng của bạo lực lạnh
Bạo lực lạnh gây ra những ảnh hưởng đáng kể về mặt tinh thần. Sự tàn khốc của dạng bạo hành này là rất khó nhận biết nhưng nó kéo dài đủ để khiến người chịu bạo lực cảm thấy bị tổn thương sâu sắc.
Những đứa trẻ bị giáo dục bằng hình thức bạo lực lạnh trong gia đình thường có lỗ hổng tâm lý. Trẻ luôn trong trạng thái lo sợ bị cha mẹ ghét bỏ, không được yêu thương. Ngoài ra, sự thờ ơ và im lặng của các bậc phụ huynh cũng vô tình tạo ra khoảng cách lớn với con. Những đứa trẻ này khi lớn lên sẽ lặp lại cách giáo dục của cha mẹ đối với con cái và sử dụng hình thức bạo lực lạnh trong các mối quan hệ khác.
Thực tế, trẻ nhỏ đã từng chịu bạo lực lạnh trong gia đình sẽ ít bộc lộ cảm xúc thật, sống hời hợt, vô tâm và thiếu trách nhiệm. Mặc dù sử dụng phương pháp giáo dục cực đoan này giúp trẻ ngoan ngoãn và dừng các hành vi phá phách nhưng đi kèm theo đó là sự oán hận, tuyệt vọng và đau khổ về mặt tinh thần.
Trong tình yêu cũng vậy, bạo lực lạnh sẽ phá huỷ một mối quan hệ. Thay vì thẳng thắn trò chuyện, tâm sự và tìm giải pháp, sức ép từ sự im lặng khiến đối phương bị tổn thương tinh thần. Họ sẽ tự dằn vặt bản thân, không biết mình đã làm gì sai, đau khổ và thậm chí là tuyệt vọng, từ đó dẫn đến các vấn đề về tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu, stress, căng thẳng,…
Điểm chung của những nạn nhân bị bạo lực lạnh là không biết bản thân sai ở đâu và liệu bản thân có gây ra lỗi lầm gì hay không? Trong khi đó, người sử dụng phương pháp bạo lực này đang lạm dụng tâm lý của họ để gây ra sức ép và đạt được mục đích của bản thân.
Một số ảnh hưởng dễ nhận thấy nhất của những nạn nhân bị bạo lực lạnh:
- Bực bội, khó chịu, tức giận nhưng vì đối phương luôn làm lơ mình, trốn tránh nên không có cách nào để giải quyết vấn đề.
- Sống trong sự lo lắng, sợ hãi, không an tâm, tự dằn vặt bản thân, luôn tự trách mình dù bản thân họ không biết mình đã làm gì sai.
- Stress, tăng huyết áp, mất ngủ, tinh thần suy nhược, bất an nếu bị bạo lực lạnh trong thời gian dài.
- Ám ảnh, sợ hãi, dần thu mình, tự hạ thấp giá trị của bản thân trong các mối quan hệ sau đó.
- Đánh mất lòng tự trọng, suy giảm sự tự tin vốn có trước đó.
- Tinh thần tiêu cực, tăng nguy cơ mắc các vấn đề tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu, stress,…
Như vậy có thể thấy rằng, bạo lực lạnh được coi là một hành vi độc hại trong mối quan hệ, bởi nó gây tổn hại sâu sắc đến lòng tự trọng của người còn lại. Thủ phạm sử dụng “chiêu bài” này để thể hiện quyền lực và lạm dụng tâm lý của nạn nhân.
Vì con người là một cá thể tồn tại trong xã hội trung, bộ não đã lập trình cho chúng ta nỗi đau bị từ chối như một cách để sinh tồn. Im lặng, phớt lờ, coi thường cảm xúc đều là biểu hiện của sự từ chối, điều này phần nào lý giải vì sao hành vi này lại khiến nạn nhân khổ sở, đau đớn và tổn thương đến vậy.
Tìm hiểu thêm: Im lặng độc hại (Silent Treatment) là gì? Làm sao để đối phó?
4. Giải pháp xử lý khi đối diện với bạo lực lạnh
Vết thương trên da thịt mà mắt thường có thể nhìn thấy sẽ dễ dàng được chữa lành vì chúng được phát hiện và điều trị sớm. Trong khi đó, tổn thương tinh thần được che đậy một cách kín đáo. Thậm chí, nhiều nạn nhân của bạo lực lạnh phải đối mặt với vết thương vô hình suốt cả cuộc đời.
Vậy khi bạn đang đối diện với bạo lực lạnh thì cần phải làm gì?
4.1. Thẳng thắn đối diện với vấn đề
Theo chuyên gia tâm lý trị liệu Lương Bách Kim:
Bạn cần phải hiểu rằng, người bạo lực lạnh với mình cũng đang chịu tổn thương sâu sắc. Có thể đã xuất hiện một mâu thuẫn nào đó trong mối quan hệ này. Việc bạn cần làm là hãy tự đặt câu hỏi: Làm sao chúng ta có thể đối diện và giải quyết vấn đề này thay vì cứ tiếp tục chịu đựng và trốn tránh?
Chúng ta cần phải gặp gỡ và đưa ra phản hồi của mình với người đó. Ví dụ, nếu bạn trai đang có hành vi bạo lực lạnh trong một khoảng thời gian, mình có thể nói: “Em biết là anh đang phải đối mặt với khó khăn hoặc khúc mắc mà anh chưa giải quyết được với em. Và em thấy sự im lặng của anh đang làm tổn thương em.”
Cũng theo chuyên gia Lương Bách Kim:
Đây là cách đưa ra phản hồi thẳng thắn và hiệu quả nhất, lưu ý không nên nói những từ ngữ than phiền hoặc chỉ trích khiến đối phương bị tổn thương. Hãy nói để họ nhận ra rằng, đây là thời điểm tuyệt vời để giải quyết vấn đề còn tồn tại. Chính lúc đó, cầu nối để cả hai cùng chia sẻ sẽ được mở ra và giao tiếp trở lại.
4.2. Chấm dứt mối quan hệ
Thông thường, những người sử dụng bạo lực lạnh thường không thỏa hiệp với yêu cầu của bạn. Nếu không thể cứu vãn, bạn nên chấm dứt mối quan hệ. Một mối quan hệ lành mạnh sẽ không xuất hiện những hành vi độc hại, ảnh hưởng đến chất lượng mối quan hệ cũng như sức khỏe tinh thần. Vì vậy, nên dứt khoát kết thúc mối quan hệ với những người sử dụng bạo lực lạnh (khi đã cố gắng cải thiện mà vẫn không có kết quả) vì bản thân không đáng bị bạo hành và tổn thương.
Nếu đang trong mối quan hệ tình cảm, bạn sẽ dễ dàng chấm dứt với người sử dụng bạo lực lạnh. Tuy nhiên, trong trường hợp gia đình, việc này gần như là không thể. Nếu đã trưởng thành và có đủ khả năng tự lập, bạn nên ở riêng để tránh phải chịu hành vi bạo lực lạnh từ cha mẹ, như vậy sẽ giảm bớt sự đau khổ và ngột ngạt cho chính bạn.
4.3. Chăm sóc phục hồi tâm lý
Nhiều người sau khi bị bạo lực lạnh đã tổn thương tâm lý, luôn mang trong mình nỗi ám ảnh về những gì đã xảy ra trước đó. Thậm chí, họ còn đánh mất lòng tự trọng của chính bản thân mình và không dám bắt đầu một mối quan hệ mới. Nỗi ám ảnh có thể theo họ vào trong từng giấc ngủ khiến họ sa sút tinh thần nghiêm trọng, từ đó gây ra tình trạng rối loạn lo âu, căng thẳng, stress hay trầm cảm,… Do đó với các đối tượng này, chăm sóc phục hồi tâm lý cũng là việc rất cần thiết.
Những chuyên gia tâm lý trị liệu có kiến thức, kinh nghiệm sẽ thông qua việc trò chuyện trực tiếp để giải quyết những tổn thương trong quá khứ, giúp khách hàng hiểu rõ đó không phải là lỗi của bản thân họ. Những suy nghĩ tiêu cực sẽ được thay thế bằng những nhận thức đúng đắn, lạc quan, gia tăng sức mạnh nội tại và lấy lại sự tự tin cá nhân cho từng người. Theo thời gian, họ sẽ dần chấp nhận mở lòng, chia sẻ vấn đề và bắt đầu những mối qua hệ mới.
Những ám ảnh tổn thương từ quá khứ, những tổn thương bị giấu kín nếu không được loại bỏ mà cứ mãi giữ trong lòng sẽ làm bào mòn dần niềm vui sống của mỗi người nên cần phải giải quyết nhanh chóng. Bạn không cần bất cứ “liều thuốc” nào cho tâm hồn mà điều bạn cần làm là tự giải phóng cho sự tiêu cực của bản thân, chỉ có như thế bạn mới thực sự hạnh phúc.
Bạo lực lạnh không phải một vấn đề hiếm gặp bởi nó hầu như luôn xuất hiện đâu đó quanh chúng ta mỗi ngày. Mỗi người có một cách giải quyết vấn đề riêng, tuy nhiên điều bạn cần làm là hãy luôn trực tiếp dám đối mặt, dù nó khó khăn đến thế nào. Hy vọng những chia sẻ của chuyên gia tâm lý trị liệu Lương Bách Kim đã giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này!
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!