Tác Dụng Của Âm Nhạc Giúp Chữa Trầm Cảm, Lo Âu Hiệu Quả
Sử dụng âm nhạc để chữa bệnh hiện nay không còn là một điều quá xa lạ và mới mẻ đối với nhiều người. Trên thực tế âm nhạc được xem là một “liều thuốc” hữu hiệu đối với sức khỏe tinh thần của mọi người. Việc dùng âm nhạc để chữa trầm cảm cũng đã được chứng minh cụ thể về hiệu quả và được áp dụng rộng rãi.
Sơ lược về trị liệu âm nhạc
Trị liệu âm nhạc chính là một trong các biện pháp trị liệu dùng những đặc tính cải thiện tâm trạng của âm nhạc. Mục đích chính của phương pháp này đó chính là cải thiện nâng cao sức khỏe tâm thần nói riêng và sức khỏe tổng thể nói chung. Đây được xem là một liệu pháp can thiệp với mục đích cụ thể, rõ ràng và mang lại hiệu quả rất tốt đối với các trường hợp bệnh rối loạn tâm thần, đặc biệt là trầm cảm.
Thông thường, liệu pháp này sẽ bao gồm các hoạt động như ca hát, tạo ra các giai điệu, âm thanh, nghe nhạc, nhảy múa, viết lời bài hát, thảo luận về các chủ đề có liên quan đến âm nhạc. Nhờ vào những hoạt động bổ ích này mà người bệnh tâm thần có thể cải thiện tốt các triệu chứng tiêu cực, giảm bớt căng thẳng, lo âu.
Đồng thời nó còn góp phần quan trọng đối với việc cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống của những ai đang gặp phải các vấn đề sức khỏe liên quan đến thể chất. Các chuyên gia cho biết rằng, bất cứ ai cũng có thể tham gia vào quá trình trị liệu tâm lý bằng âm nhạc, không phân biệt độ tuổi, giới tính, tầng lớp xã hội.
Bạn hoàn toàn có thể nhận được rất nhiều lợi ích từ liệu pháp trị liệu này mà không cần phải có quá nhiều kiến thức hoặc khả năng âm nhạc trước đó. Sự tương tác hài hòa của các giai điệu và nhịp điều sẽ giúp giác quan bạn được kích thích, từ đó tạo cảm giác thư thái, thoải mái và êm dịu.
Lịch sử hình thành phương pháp trị liệu âm nhạc
Trong thực tế, âm nhạc đã được sử dụng để chữa lành các tổn thương tâm hồn và cơ thể từ những ngày đầu tiên của nền văn minh. Lúc ấy, âm nhạc cũng được xem là công cụ hữu hiệu giúp nhiều người thể hiện những gì mà họ đang suy nghĩ, cảm nhận nhưng không thể nói rõ bằng lời.
Nhờ vào việc phát hiện ra các công dụng tuyệt vời của âm nhạc mà các nhà triết học Hy Lạp cổ đại đã sử dụng âm nhạc nhằm mục đích trị liệu, cải thiện sức khỏe tinh thần. Những người mắc chứng hưng cảm sẽ được hướng dẫn và luyện tập để có thể lắng nghe các giai điệu êm dịu của những tiếng sáo du dương. Còn những người trầm cảm sẽ được cho nghe các bài thánh ca thứ hai.
Người bệnh sẽ được tập hợp vào một ngôi đền, tại đây sẽ có rất nhiều các nhạc sĩ cùng các bác sĩ sức khỏe tâm thần. Các chuyên gia cho rằng, âm nhạc của Thales có khả năng chữa lành tâm bệnh cho những người đã từng chịu sự ảnh hưởng to lớn của bệnh hạch tại Sparta ở những năm 600 TCN.
Sau đó, liệu pháp âm nhạc được phát triển và duy trì cho đến hiện nay. Đối với âm nhạc hiện đại đã có nguồn gốc bắt đầu từ năm 1940 sau CTTG thứ II. Lúc này có hàng ngàn các binh sĩ mắc phải chứng rối loạn stress sau sang chấn (còn có tên tiếng Anh là post-traumatic stress disorder – PTSD) không thể hoạt động bình thường trong xã hội.
Sau đó, các nhạc sĩ cộng đồng cũng lần lượt đến thăm các bệnh viện cựu chiến binh để có thể phục vụ âm nhạc cho những ai đang bị chấn thương về tinh thần lẫn thể xác. Các y bác sĩ ở đây cũng đã ghi nhận được những phản ứng vô cùng tích cực của người bệnh. Khi các giai điệu, các bài thánh ca được vang lên giúp cho bệnh nhân cảm thấy thoải mái và nhẹ nhàng hơn. Từng nhịp điệu du dương chạm đến từng trái tim của người bệnh theo cách mà các liệu pháp truyền thống không thể nào có được.
Từ đó, hầu hết các bệnh viện bắt đầu thuê nhạc sĩ đến để trình diễn mỗi tuần. Kết quả nhận thấy các bệnh nhân ở đây đều có xu hướng phục hồi sức khỏe rất tốt, sức khỏe tinh thần và thể chất đều được cải thiện một cách rõ rệt hơn, người bệnh đáp ứng tốt với các liệu pháp điều trị chuyên khoa khác.
Cho đến khoảng năm 1950, Hiệp hội Trị liệu Âm nhạc Quốc gia (NAMT – National Association for Music Therapy) bắt đầu được thành lập và đặt ra các tiêu chuẩn cho những yêu cầu về đào tạo giáo dục, lâm sàng cấp đại học cho những nhà trị liệu âm nhạc. Đồng thời, mở ra các cuộc nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực này nhằm mang đến một liệu pháp trị liệu hiệu quả và an toàn cho những người mắc bệnh tâm thần.
Sau đó, vào năm 1998 Hiệp hội Liệu pháp âm nhạc Mỹ (AMTA – American Association for Music Therapy) tiếp tục được thành lập. Đây được xem là sự kết hợp hài hòa giữa Hiệp hội Mỹ cho Trị liệu âm nhạc (AAMT) cùng với Hiệp hội Trị liệu Âm nhạc Quốc gia (NAMT).
Cho đến hiện nay thì AMTA được xem là hiệp hội trị liệu âm nhạc có tầm cỡ lớn nhất trên toàn thế giới. Nơi đây phục vụ hơn 5000 nhà trị liệu âm nhạc đến từ hơn 30 quốc gia. Nó giúp thúc đẩy sự phát triển của liệu pháp âm nhạc nhờ vào hàng loạt các ấn phẩm, bao gồm cả hai tạp chí nghiên cứu chuyên sâu.
Một số loại hình trị liệu bằng âm nhạc
Quá trình trị liệu bằng âm nhạc có thể mang tính bị động, chẳng hạn như thân chủ sẽ được cho nghe nhạc, đưa ra các phản hồi về âm nhạc. Hoặc một số trường hợp khác mang tính chủ động, ví dụ như thân chủ sẽ tự sáng tác lời, giai điệu của bài hát. Thông thường, các nhà trị liệu sẽ kết hợp cả hai phương pháp bị động và chủ động trong quá trình cải thiện sức khỏe cho các bệnh nhân trầm cảm hoặc mắc phải chứng rối loạn khác.
Một vài phương pháp trị liệu âm nhạc có thể được áp dụng trong quá trình chữa bệnh trầm cảm như:
1. Liệu pháp âm nhạc nhận thức và hành vi (CBMT)
Đây chính là sự kết hợp giữa hai liệu pháp âm nhạc và liệu pháp nhận thức – hành vi. Âm nhạc trong CBMT được sử dụng nhằm mục đích điều chỉnh hoặc củng cố các hành vi, nhận thức của người bệnh. Liệu pháp này được thực hiện với cấu trúc rõ ràng, rành mạch, không bị biến tấu. Thông thường nó sẽ được ứng dụng thông qua các hoạt động như nghe nhạc, hát, nhảy múa, chơi nhạc cụ.
2. Liệu pháp âm nhạc phân tích
Với liệu pháp này, người bệnh sẽ được khuyến khích ứng tấu với một cuộc “trò chuyện” bằng âm nhạc, cụ thể là hát hoặc sử dụng một loại nhạc cụ nào đó. Mục đích chính của việc này đó chính là giúp cho bệnh nhân có thể thoải mái bộc lộ được các suy nghĩ, cảm xúc vô thức bên trong. Sau đó họ cũng sẽ có thời gian suy ngẫm về những điều đó để có thể thảo luận và chia sẻ với nhà trị liệu.
3. Liệu pháp âm nhạc cộng đồng
Liệu pháp âm nhạc cộng đồng sẽ tập trung để tạo ra các sự thay đổi ở mức độ cộng đồng. Thông thường liệu pháp này sẽ được thực hiện theo nhóm và những thành viên đều sẽ được yêu cầu phải nhiệt tình tham gia và đóng góp.
4. Liệu pháp âm nhạc Benenzon
Đây là sự kết hợp giữa một số khái niệm của trường phái phân tâm học và việc làm nhạc. Khi áp dụng liệu pháp Benenzon để chữa trầm cảm thì bạn sẽ phải đi tìm bản sắc âm nhạc riêng của bản thân mình. Quá trình này sẽ gồm cả việc mô tả các âm thanh bên ngoài sao cho phù hợp nhất với tâm lý, trạng thái bên trong của chính bạn.
5. Liệu pháp âm nhạc Nordoff-Robins
Hay còn gọi là liệu pháp âm nhạc sáng tạo. Những người tham gia liệu pháp âm nhạc này sẽ được sử dụng một loại nhạc cụ, thường sẽ là chũm chọe hoặc trống cùng lúc khi nhà trị liệu sử dụng một loại nhạc cụ khác. Trong trường hợp này, âm nhạc là sự biểu hiện của bản thân người bệnh khi họ ứng tấu với các giai điệu, âm thanh.
6. Trị liệu tâm lý bằng thanh nhạc
Người bệnh nếu được áp dụng liệu pháp tâm lý này sẽ được hướng dẫn thực hiện các bài tập thanh nhạc, các loại âm nhạc tự nhiên cùng những kĩ thuật thở để tạo nên sự kết nối hài hòa giữa cảm xúc và các thôi thúc bên trong tâm trí. Mục đích hướng tới của liệu pháp tâm lý bằng thanh nhạc đó chính là các sự kết nối sâu sắc với chính bản thân.
7. Phương pháp Bonny – nghe nhạc và tưởng tượng có hướng dẫn
Các nhà trị liệu sẽ sử dụng một số nhạc cụ cổ điển nhằm kích thích trí tưởng tượng của người bệnh. Khi áp dụng liệu pháp này, người bệnh sẽ phải đưa ra các lời giải thích, trình bày về những cảm giác, cảm xúc, hình ảnh và kí ức mà bản thân có được trong lúc nghe nhạc.
Tìm hiểu thêm: Cách xoa bóp bấm huyệt chữa trầm cảm, cải thiện mỗi ngày
Sử dụng âm nhạc chữa trầm cảm có thực sự hiệu quả?
Trong các cuộc nghiên cứu chuyên khoa nhận thấy rằng, dùng âm nhạc để chữa trầm cảm có thể mang lại hiệu quả rất tốt cho quá trình phục hồi bệnh, đây được xem là một phần hữu hiệu giúp cho bệnh nhân cải thiện tốt các cảm xúc tiêu cực của bệnh. Theo các nhà khoa học cho biết rằng, khi đang điều trị chứng rối loạn trầm cảm thì liệu pháp âm nhạc sẽ có hiệu quả cao nhất nếu được kết hợp với các biện pháp điều trị thông thường, điển hình là trị liệu tâm lý hoặc sử dụng thuốc chống trầm cảm.
Trên trang tạp chí Music and Mental Health của AMTA, họ đã liệt kê ra hàng loạt các nghiên cứu ủng hộ và công nhận về lợi ích của liệu pháp âm nhạc đối với quá trình chữa bệnh trầm cảm, lo âu. Một số tác dụng hiệu quả mà âm nhạc có thể mang đến như giúp gia tăng lòng tự trọng, giảm căng cơ, giảm bớt lo lắng, bất an, tạo thêm nhiều động lực, tăng cường khả năng kết nối và cải thiện các mối quan hệ xã hội, cân bằng cảm xúc và bộc lộ thành công các suy nghĩ, cảm nhận của bản thân.
Vào nghiên cứu được thực hiện vào năm 2011 đã được Tạp chí Bác sĩ tâm thần Anh (British Journal of Psychiatrist) công bố. Các nhà nghiên cứu tại Phần Lan đã tiến hành đánh giá cho 79 người bệnh trầm cảm ở độ tuổi từ 18 đến 50. Trong đó, 46 người được tham gia chăm sóc theo tiêu chuẩn ở Khu Chăm sóc Sức khỏe Phần Lan. Quá trình chăm sóc sẽ bao gồm tổng cộng 5 đến 6 buổi trị liệu tâm lý, sử dụng thuốc chống trầm cảm và được tư vấn tâm thần đình kì.
Còn 33 người còn lại cũng sẽ được tiến hành điều trị dựa theo tiêu chuẩn. Tuy nhiên họ sẽ được tiếp nhận thêm 20 buổi trị liệu bằng âm nhạc kéo dài trong suốt 14 ngày, mỗi buổi sẽ mất khoảng 60 phút. Người bệnh sẽ được lựa chọn các nhạc cụ như một nhạc cụ gõ hoặc trống Djembe. Người bệnh và nhà trị liệu sẽ có thiết bị giống nhau, các phản ứng trong quá trình trị liệu sẽ được ghi chép lại để các nhà khoa học xử lý và nghiên cứu thêm.
Các chuyên gia sẽ ghi lại điểm số trầm cảm của tất cả các bệnh nhận ở từng thời điểm, ngay khi bắt đầu, sau 3 tháng, sau 6 tháng. Kết quả nhận thấy sau 3 tháng trị liệu thì những người được tiếp xúc với âm nhạc có sự cải thiện đáng kể hơn, sự thích ứng với các sinh hoạt đời sống cũng có phần tiến bộ tốt hơn.
Như vậy có thể thấy được rằng, liệu pháp âm nhạc góp phần lớn trong việc giúp cho người bệnh trầm cảm gia tăng sự tự tin, kiểm soát tốt các triệu chứng bệnh. Đối với những đứa trẻ trên 13 tuổi nếu được thường xuyên tiếp xúc với âm nhạc và chăm sóc phù hợp sẽ cải thiện rất tốt về kỹ năng giao tiếp, nâng cao khả năng tương tác xã hội.
Michael Crawford – một bác sĩ tâm thần nổi tiếng cũng từng xuất bản một bài xã luận hấp dẫn trên tờ Tạp chí Bác sĩ Tâm thần Anh. Ông viết lại cùng một vấn đề tương tự như nghiên cứu ở Phần Lan. Tại đây ông đã đưa ra 3 lý do chính đáng và nổi bật nhất để nói về lý do vì sao liệu pháp âm nhạc chữa trầm cảm lại mang đến sự hiệu quả vượt trội. Cụ thể như sau:
- Thứ 1: Âm nhạc mang đến những niềm vui và ý nghĩ. Có thể nói âm nhạc chính là một trong các trải nghiệm thẩm mỹ có khả năng dẫn dụ thụ động theo một cách riêng biệt đối với từng người bệnh.
- Thứ 2: Liệu pháp âm nhạc có thể thu hút cơ thể, nó khiến cho mọi người phải lắc lư, di chuyển theo nhịp điệu. Đây được xem là sự tác động vật lý có tác dụng ngăn chặn tốt căn bệnh trầm cảm.
- Thứ 3: Âm nhạc là công cụ giúp chúng ta kết nối tốt với mọi thứ xung quanh, nó giúp người bệnh gia tăng khả năng giao tiếp, tương tác với cá nhân. Ai trong chúng ta đều có mong muốn kết nối và trở thành một phần của xã hội và thật may mắn, âm nhạc có thể giúp ta làm được điều đó.
Ciara Reilly – Giám đốc Điều hành Quỹ Âm nhạc Trị liệu cũng từng chia sẻ: “Âm nhạc trị liệu thường được ứng dụng với trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên có những điều kiện đặc biệt về sức khỏe tinh thần, nhưng đây là lần đầu tiên hiệu quả của phương pháp này được chứng minh bằng thực nghiệm kiểm soát ngẫu nhiên trong một môi trường lâm sàng. Kết quả thu được rất ấn tượng và giúp nhấn mạnh nhu cầu phổ biến âm nhạc trị liệu như một lựa chọn điều trị chính thống. Suốt một thời gian dài, chúng ta phải dựa trên các bằng chứng võ đoán cùng những kết quả từ các nghiên cứu nhỏ lẻ về hiệu quả của âm nhạc trị liệu. Nay, chúng ta đã có bằng chứng lâm sàng vững chắc minh chứng cho hiệu quả tác động của nó”.
Âm nhạc tác động đến người bệnh trầm cảm ra sao?
Như đã chia sẻ ở trên, trị liệu âm nhạc có tác dụng hiệu quả đối với việc chữa bệnh trầm cảm và các chứng rối loạn tâm thần có liên quan. Nó giúp người bệnh giải quyết tốt các nhu cầu về mặt tình cảm, thể chất và xã hội của cá nhân.
Việc lắng nghe và thỏa sức sáng tạo ra âm nhạc của riêng mình trong bối cảnh trị liệu sẽ cho phép người bệnh thoải mái thể hiện bản thân theo những cách phi ngôn ngữ. Sự tương tác hài hòa của từng nhịp điệu, giai điệu khác nhau sẽ giúp kích thích đến giác quan của con người, từ đó giúp họ giữ được sự bình tĩnh, ổn định hơi thở, nhịp tim và hỗ trợ tốt cho các chức năng khác bên trong cơ thể.
Khi có âm nhạc tham gia vào quá trình chữa bệnh trầm cảm, nhất là lúc kết hợp với các liệu pháp trò chuyện sẽ làm gia tăng mức độ hormone Dopamine bên trong cơ thể. Đây là một loại hormone có vai trò quan trọng đối với việc tạo ra động lực, năng lượng tích cực cho mỗi người.
Thông thường, bệnh nhân sẽ được lựa chọn loại nhạc cụ phù hợp với sở thích và nhu cầu của bản thân. Có hai kiểu trị liệu trầm cảm thông dụng như sau:
- Trị liệu thụ động: Người bệnh sẽ được nghe nhạc khi ở trạng thái thiền hoặc đang vẽ tranh, làm một số hoạt động phản chiếu nào đó. Sau đó bệnh nhân và các chuyên gia tâm lý sẽ cùng nhau thảo luận và nói về những cảm xúc, suy nghĩ và những kỉ niệm gợi lên thông qua thời gian nghe nhạc.
- Liệu pháp chủ động: Bệnh nhân và chuyên gia trị liệu sẽ cùng soạn nhạc bằng giọng nói hoặc các nhạc cụ. Người bệnh sẽ được khuyến khích chia sẻ nhiều về các cảm xúc, suy nghĩ qua các sáng tác bên ngoài.
Như vậy, việc sử dụng âm nhạc để chữa trầm cảm có thể mang lại hiệu quả rất tốt đối với quá trình cải thiện bệnh. Tuy rằng âm nhạc không thể chữa khỏi hoàn toàn cho người bệnh trầm cảm nhưng khi được kết hợp tốt với các biện pháp điều trị khác sẽ giúp cho bệnh nhân mau chóng phục hồi được sức khỏe, tái hòa nhập tốt với cuộc sống.
Tham khảo thêm:
- Phương Pháp Châm Cứu Điều Trị Trầm Cảm Có Hiệu Quả Không?
- 12 Loại Thực Phẩm Tốt Cho Chứng Bệnh Trầm Cảm Bạn Nên Biết
- Trầm Cảm Nơi Công Sở: Thực Trạng Đáng Báo Động Và Phòng Tránh
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!