Hiệu ứng Barnum (Forer): Lý giải niềm tin thái quá trong tâm lý
Chắc hẳn không ít lần bạn cảm thấy ngạc nhiên khi thầy bói, hoặc những bài viết về chiêm tinh trên mạng mô tả hoàn toàn chính xác tình trạng hiện tại của bạn. Những đánh giá chung chung như bạn đang cảm thấy mệt mỏi trong công việc, hoặc bạn muốn được mọi người công nhận chuẩn xác đến mức bạn tin rằng, họ thật sự nhìn thấu được con người bạn. Trong trường hợp này, bạn đang rơi vào bẫy của hiệu ứng Barnum.
Hiệu ứng Barnum (Forer) là gì?
Độ chính xác của những bài viết về chiêm tinh trong việc mô tả suy nghĩ và cuộc sống luôn khiến chúng ta không khỏi ngạc nhiên. Kết quả là chúng ta tin tưởng vô điều kiện vào những lời phán vu vơ trên mạng, và lèo lái cuộc sống theo phương hướng tử vi đã vạch ra. Cảm giác tin tưởng đầy mù quáng này được gọi là hiệu ứng Barnum. Hiệu ứng Barnum, hiệu ứng Forer, hay hiệu ứng Barnum-Forer đều là từ dùng để gọi hiệu ứng tâm lý thú vị này.
Hiệu ứng Barnum hình thành do xu hướng nhận thức tự nhiên của con người. Chúng ta thường gắn bản thân mình với những nhận định chung chung, sau đó cố gắng tìm kiếm các sự kiện trong cuộc sống nhằm chứng minh nhận định đó là đúng. Ví dụ, nếu tử vi nói bạn đang có vấn đề trong mối quan hệ gia đình, bạn sẽ nhớ ngay đến việc vừa cãi nhau với mẹ. Nhưng trên thực tế, việc mẹ con bất đồng ý kiến thường xuyên xảy ra, chứ không phải bị ảnh hưởng bởi chiêm tinh hay tử vi.
Cách mô tả nhận định càng chung chung và mơ hồ thì niềm tin chúng mang đến càng lớn, vì bạn có nhiều không gian để liên tưởng đến tính cách của bản thân và những sự kiện đã xảy ra. Ngoài ra, nếu thông tin ban đầu được cung cấp mang yếu tố “cá nhân”, “dành riêng cho bạn”, “dựa trên những câu trả lời bạn đưa ra” thì mức độ tin tưởng còn được gia tăng gấp nhiều hơn. Đây chính là cách nhà tâm lý học Forer đã thí nghiệm trên những sinh viên của mình vào năm 1948.
Ông cho 39 sinh viên làm một bài kiểm tra tâm lý, và hứa sẽ trả kết quả đánh giá dựa trên câu trả lời của từng người. Đúng một tuần sau, Forer đưa lại kết quả và yêu cầu mọi người đánh giá những nhận định mà ông đưa ra có chính xác hay không, có đúng với hành vi, tính cách và tình trạng hiện tại của họ hay không. Hầu hết sinh viên đều cho rằng kết quả của bài kiểm tra rất chính xác, và hài lòng với nhận định của Forer.
Tuy nhiên, sự thật là ông không hề quan tâm đến câu trả lời của sinh viên. Tất cả những bài đánh giá đều giống hệt nhau, và được tổng hợp từ một bài viết về chiêm tinh trên báo. Đây là những đánh giá mang tính tích cực, khá chung chung và nói về những vấn đề rất thường gặp trong đời sống và tâm lý con người. Do đó chúng trở nên “chính xác” với tình trạng của từng người. Thêm vào đó, câu nói “dựa trên câu trả lời của từng người” lại càng khiến mọi người tin tưởng hơn.
Vì sao chúng ta chịu ảnh hưởng của hiệu ứng Barnum?
Hiệu ứng Barnum có thể ảnh hưởng đến ta dựa trên hai yếu tố. Một là đánh giá đưa ra là những câu nói vu vơ, chung chung, mơ hồ, có thể đúng trong nhiều trường hợp, được gán cái mác “thuộc về cá nhân”, và đặc biệt là những đánh giá này thường mang tính tích cực. Hai là sự tin tưởng của người nghe với người nói. Người nghe càng tin tưởng người nói thì họ càng dễ bị hiệu ứng tâm lý này thao túng.
Những dự đoán mơ hồ và mang tính tích cực luôn khiến người khác tin tưởng , vì chúng ta có thói quen tìm cách chứng minh nhận định thông qua những sự kiện đã xảy ra. Thông tin càng không rõ ràng thì phạm vi liên tưởng càng lớn, và xác suất có một sự kiện trùng khớp với phán đoán càng cao. Vì thế, chính chúng ta biến những dự đoán đó thành hiện thực, chứ không phải bản thân dự đoán là chính xác.
Nói rõ hơn là với cùng một nhận chung chung, mỗi người chúng ta đều sẽ nhìn thấy một góc của chính mình trong nhận định đó, và tin rằng đó là “tiên đoán” dành riêng cho bản thân. Ngoài ra, một thủ thuật thường được sử dụng trong tiên đoán nữa là cụm từ “đôi khi”, “thỉnh thoảng”, “vài ngày/tuần/tháng gần đây”, những cụm từ mang tính chất mơ hồ này càng khiến chúng ta tin tưởng hơn khi liên hệ đến những sự kiện trước đây.
Những tiên đoán đưa ra có thể bao gồm cả những nhận định tích cực và tiêu cực, nhưng càng nhiều sự tích cực thì niềm tin chúng mang đến sẽ càng lớn. Con người thích những lời khen, những nhận xét tích cực về bản thân dù chúng rất mơ hồ. Ngoài ra, chúng ta cũng tin tưởng rằng bên cạnh những điều tích cực vẫn tồn tại sự tiêu cực, thế nên đưa vào một vài nhận định tiêu cực vừa phải cũng có tác dụng củng cố lòng tin.
Muốn tăng khả năng thuyết phục hơn thì những nhận định tiêu cực có thể được giải quyết bằng những nhận định tích cực. Nhờ đó người nghe sẽ dễ chấp nhận, và làm theo lời khuyên của người bói toán hay tử vi. Nếu người đưa ra những nhận xét tiêu cực là người nổi tiếng, có địa vị cao, có được lòng tin và sự kính trọng của người nghe, chúng ta sẽ có khả năng chấp nhận những đánh giá không tốt. Do đó xây dựng niềm tin với người nghe là điều cần thiết để hiệu ứng Barnum thành công.
Tính hai mặt của hiệu ứng trong cuộc sống
Hiệu ứng Barnum xây dựng cho người nghe một niềm tin ảo dựa trên những nhận định “dành riêng” cho họ. Xét về mặt tích cực, niềm tin này có thể cổ vũ tinh thần chúng ta khi gặp thất bại hay bất lợi, khiến ta có hy vọng và tin tưởng vào một tương lai tốt đẹp hơn. Nếu được sử dụng đúng lúc vào đúng nơi, hiệu ứng Barnum có thể tăng lòng tự tin, khuyến khích con người không ngừng cố gắng để hoàn thành mục đích.
Ngoài ra, hiệu ứng này cũng có lợi cho ngành tiếp thị và quảng cáo, khi họ đánh mạnh vào “trải nghiệm riêng” và “chọn lựa dựa trên sở thích và hành vi của khách hàng”. Những sản phẩm hay dịch vụ đưa ra dù mang tính ngẫu nhiên nhưng lại mang danh “only for you” (dành riêng cho bạn). Điều này khiến khách hàng cảm thấy thích thú, tin tưởng và cho rằng bản thân được nhãn hàng quan tâm và chú trọng. Chiêu trò kinh doanh này luôn thu lại hiệu quả tuyệt vời nếu biết cách tận dụng.
Bên cạnh mặt tích cực, hiệu ứng Barnum cũng tồn tại một số vấn đề tiêu cực. Đó là khiến ta bị lạc trong niềm tin mù quáng mà bỏ qua sự thật. Lòng tin của bạn có thể bị lợi dụng cho những mục đích xấu, khiến bạn tự ti, mặc cảm, lo sợ, và chấp nhận thay đổi theo cách mà người đưa ra nhận định muốn. Điều này rất phổ biến trong việc coi bói, chiêm tinh, hay khi nhãn hàng muốn “thao túng tâm lý” khách hàng.
Không ít người đã phải nếm quả đắng như tiền mất tật mang, tán gia bại sản, hoặc gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống chỉ vì quá tin tưởng những lời chiêm tinh, bói toán, hay những chiêu trò tiếp thị của các nhãn hàng chuyên đánh vào lòng tin của người tiêu dùng. Chính vì thế, chúng ta cần hết sức thận trọng, tỉnh táo, và suy nghĩ cận thận trước khi tin vào một nhận định nào đó để tránh gây hại cho bản thân.
Những ứng dụng phổ biến của hiệu ứng
Như đã nói ở trên, hiệu ứng Barnum vô cùng phổ biến trong cuộc sống hàng ngày, đặc biệt là trong chiêm tinh, bói toán và tiếp thị. Mục đích là để lèo lái tư duy và hành động của khách hàng theo cách họ muốn. Nếu không tỉnh táo bạn rất dễ trở thành đối tượng bị lợi dụng, và chịu nhiều thiệt hại không đáng. Dưới đây là những ứng dụng của hiệu ứng tâm ý này mà bạn cần chú ý trong cuộc sống hàng ngày:
- Nội dung cá nhân hóa: Ngày nay các nhà cung cấp dịch vụ rất quan tâm đến trải nghiệm của khách hàng, và một trong những điều khách hàng thích nhất là những dịch vụ “dành riêng” cho bản thân. Đó thường là những list nhạc, danh sách phim hay, những dịch vụ đáp ứng nhu cầu cuộc sống, hay những gợi ý dành riêng cho bạn dựa trên thói quen và sở thích giải trí. Chỉ cần được gắn nhãn “dành riêng cho bạn” là nhãn hàng đã có thể dụ người dùng móc hầu bao, dù những gợi ý và danh sách đưa ra thường dựa vào thuật toán ngẫu nhiên là chủ yếu, chứ không phải được cung cấp một cách đặc biệt.
- Tử vi và bói toán: Tử vi và bói toán dường như đã trở thành một ám ảnh khó bỏ của nhiều người. Chúng ta tin tưởng vào lời thầy bói, hoặc những mẫu chiêm tinh trên mạng một cách vô thức, mà không quan tâm chúng có đúng đắn hay không. Những người xem bói chuyên nghiệp có thể “moi” rất nhiều thông tin cần thiết qua lời nói, thái độ hay cử chỉ của bạn, từ đó làm tăng độ tin tưởng cho lời phán. Ngoài ra, căn bản bạn đã dành sự tin tưởng nhấ định cho họ, vì thế bất cứ nhận định nào cũng khiến bạn cảm thấy đúng đắn và hợp lý.
- Tiếp thị và quảng cáo: Tiếp thị và quảng cáo thường đánh vào những khó khăn thường gặp, và những tình huống quen thuộc trong cuộc sống để tạo sự đồng cảm và tin tưởng cho khách hàng. Họ cũng thường mời những người nổi tiếng, những người có tầm ảnh hưởng trong tệp khách hàng đang nhắm tới để quảng cáo sản phẩm. Người tiêu dùng tin vào quảng cáo, tin vào thần tượng và sẵn sàng bỏ tiền sử dụng sản phẩm với suy nghĩ, người nổi tiếng sử dụng thì đó là hàng tốt và đáng mua.
Làm sao hạn chế ảnh hưởng của hiệu ứng Barnum?
Có thể thấy hiệu ứng Barnum ảnh hưởng đến chúng ta theo cả những cách tiêu cực và tích cực. Vì thế ta có thể tận dụng những ảnh hưởng tốt, và hạn chế những ảnh hưởng xấu đến bản thân một cách phù hợp. Nếu muốn tránh ảnh hưởng của hiệu ứng tâm lý này, chúng ta cần chú ý đến một số yếu tố dưới đây:
- Kiểm tra tính chính xác: Khi nhận được bất cứ lời tiên đoán hay nhận đình nào đó, hãy cẩn thận kiểm tra xem chúng ta có đúng hay không. Thí nghiệm của Forer sẽ thất bại nếu những học sinh trao đổi kết quả và nhận ra rằng đáp án của họ hoàn toàn giống nhau. Chính vì thế, chúng ta cần đưa ra nghi ngờ về tính xác thực và kiểm tra lại với những người xung quanh, để xem mọi người có bị lừa với cùng một cách thức hay không. Mù quáng tin tưởng vào lời phán có thể khiến bạn nhận lại quả đắng.
- Cân nhắc khi đưa ra quyết định: Đừng để những lời vu vơ làm ảnh hưởng đến quyết định cuối cùng. Chiêm tinh và bói toán nói cho cùng cũng chỉ mang tính tham khảo, chứ không thể điều khiển suy nghĩ và cuộc sống của bạn. Đưa ra quyết định vội vàng, bất chấp thực tế và những điều kiện hiện tại có thể khiến bạn hối hận về sau. Những việc bạn làm bây giờ sẽ ảnh hưởng đến những điều bạn nhận được trong tương lai. Tất cả là tùy vào thái độ và hành động của bạn, chứ không phải tử vi hay bói toán.
- Tránh bị thao túng bởi tiếp thị: Người làm tiếp thị rất biết cách đánh vào nhu cầu của bạn khi giới thiệu những dịch vụ tốt, giúp giải quyết những vấn đề trong cuộc sống hàng ngày. Họ cũng rất quan tâm đến trải nghiệm và nhu cầu của đa số khách hàng khi sữ dụng dịch vụ, và dùng chúng để níu chân khách hàng. Sẽ có lúc bạn bị dụ dỗ mua những món đồ không cần thiết, hoặc không thể sử dụng được chỉ vì tin vào những lời quảng cáo. Do đó đừng để tiếp thị thao túng, mà hãy trở thành một người tiêu dùng thông minh, chỉ mua khi thật sự cần thiết và phù hợp.
Bạn hoàn toàn có thể hạn chế những ảnh hưởng của hiệu ứng Barnum đến suy nghĩ và hành động của bản thân, cũng như lợi dụng chúng cho mục đích tốt. Hy vọng thông qua bài viết, các bạn đã có cái nhìn rõ ràng hơn về hiệu ứng tâm lý này, cũng như biết cách tận dụng trong cuộc sống.
Có lẽ bạn quan tâm:
- Hiệu ứng Pratfall: Sự không hoàn hảo cũng có lúc được đón nhận
- Trauma dumping là gì? Khi việc chia sẻ cảm xúc trở nên độc hại
- Hiệu ứng ánh đèn sân khấu là gì? Cách thoát khỏi sự tự ti
- Hiệu ứng Pygmalion là gì? Phân tích ứng dụng trong cuộc sống
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!