Hiệu ứng Dunning-Kruger: Sự ảo tưởng về năng lực bản thân

Tự tin là một đức tính tốt, nhưng tự cao thì không. Nhiều người có lòng tự tôn cao, và luôn ảo tưởng về trình độ của bản thân đến mức nghĩ rằng mình giỏi hơn tất cả mọi người. Đánh giá sai lệch khả năng của bản thân có thể khiến bạn đưa ra quyết định sai lầm, hoặc bị những người xung quanh cô lập. Hiện tượng tự cao và ảo tưởng về năng lực của bản thân này gọi là hiệu ứng Dunning-Kruger.

Hiệu ứng Dunning-Kruger là gì?

Trong tâm lý học, hiệu ứng Dunning-Kruger là một dạng thiên kiến nhận thức điển hình. Hiệu ứng tâm lý này khiến những người có kiến thức và năng lực hạn chế không nhìn ra năng lực thật sự của bản thân. Thiên kiến này khiến họ luôn cho rằng mình hiểu biết sâu rộng về một vấn đề cụ thể, trong khi sự thật thì ngược lại.

hiệu ứng Dunning-Kruger
Hiệu ứng Dunning-Kruger khiến con người trở nên tự mãn, tạo ra ảo giác về sự hiểu biết sâu rộng của bản thân dù trên thực tế, chúng ta không giỏi như tưởng tượng.

Hiệu ứng này được đặt tên theo hai nhà tâm lý học là David Dunning và Justin Kruger. Cả hai đã thực hiện một cuộc thí nghiệm nhằm kiểm tra xem, con người có thể đánh giá đúng năng lực của bản thân hay không. Một số đối tượng ngẫu nhiên được yêu cầu làm một bài kiểm tra, sau đó tự đánh giá về mình qua các tiêu chí: khả năng logic, khả năng ngôn ngữ và khiếu hài hước.

Kết quả cho thấy, những người có năng lực kém hơn (thể hiện qua bài kiểm tra) đánh giá bản thân cao hơn so với mức trung bình, và con số chêch lệch giữa hai mức là khá lớn. Trong khi đó, những người có năng lực tốt hơn lại đánh giá bản thân kém hơn, nhưng đa phần không chêch lệch nhiều so với kết quả cuối cùng.

Chúng ta có thể nhận ra, những người không nổi trội không chỉ có thành tích kém, mà còn không đánh giá chính xác chất lượng công việc của họ. Đây cũng là lý do những học sinh bị điểm kém, hay những nhân viên bị phê bình trong công việc cảm thấy đáng lẽ họ phải nhận được kết quả tốt hơn so với khả năng và công sức bỏ ra.

Trên thực tế, chúng ta cần tích lũy một lượng kiến thức nhất định về lĩnh vực mà mình theo đuổi, để có cái nhìn chính xác về khả năng của một người. Hiệu ứng Dunning-Kruger cho thấy một sự thật rằng, những người kém hiểu biết không có đủ khả năng phân tích và nhìn nhận vấn đề. Vì thế họ cho rằng những suy nghĩ và quyết định của bản thân là đúng đắn.

Nói một cách dễ hiểu, kẻ ngốc không bao giờ nhận mình ngốc, vì họ không thấy được sự ngu ngốc của bản thân. Charles Darwin cũng đã thể hiện ý tưởng này thông qua câu nói “Sự thiếu hiểu biết thường sinh ra sự tự tin hơn là kiến ​​thức.” Thiếu hiểu biết khiến ta nhìn nhận sự việc một cách thiển cận, ảo tưởng về năng lực, nhưng lại cảm thấy tự hào về điều đó.

Những ai chịu ảnh hưởng của hiệu ứng Dunning-Kruger?

Hiệu ứng Dunning-Kruger có thể ảnh hưởng tới tất cả chúng ta, chỉ khác nhau là ít hay nhiều. Mỗi người trong chúng ta đều có những sở trường và sở đoản riêng. Bạn có thể rất giỏi ở lĩnh vực này, nhưng lại không biết gì ở lĩnh vực khác. Tuy nhiên, chúng ta có thể lầm tưởng rằng kiến thức mình có sẽ áp dụng được trong nhiều trường hợp, hoặc lĩnh vực ít quen thuộc hơn.

ảnh hương của hiệu ứng Dunning-Kruger
Hiệu ứng tâm lý này khiến bạn trở thành kẻ đáng ghét, kẻ đáng bị xa lánh trong mắt những người xung quanh vì sự tự mãn của mình.

Chúng ta có thể thấy, hiệu ứng tâm lý này xuất hiện ở cả những người kém cỏi và những người có năng lực thật sự. Khi đã có một lượng kiến thức nhất định về một lĩnh vực, chúng ta vẫn có thể trở nên tự mãn, xem bản thân là một “chuyên gia” ảo. Nhưng khi càng tiếp xúc nhiều, cảm giác này sẽ dần nhạt đi, vì ta nhận ra bản thân vẫn chưa hiểu hết mọi thứ như mình nghĩ.

Ảnh hưởng của hiệu ứng Dunning-Kruger có thể thay đổi niềm tin, quyết định và hành động của chúng ta. Ví dụ, nếu bạn đánh giá năng lực bản thân quá cao, bạn sẽ có xu hướng đưa ra những ý kiến táo bạo và liều lĩnh. Còn nếu đánh giá bản thân quá thấp, bạn có thể bỏ lỡ những cơ hội vừa sức, hoặc có tính thử thách để chọn những việc nhẹ nhàng hơn.

Dunning và Ehrlinger đã phát hiện ra rằng, trong trường hợp phụ nữ và đàn ông có năng lực ngang nhau, phụ nữ thường đánh giá thấp bản thân hơn so với thực tế. Có lẽ một suy nghĩ cổ hủ rằng, khả năng tư duy logic của phụ nữ không bằng đàn ông đã ảnh hưởng đến đánh giá của họ. Điều này khiến những người tài giỏi bỏ qua nhiều cơ hội để chứng tỏ bản thân.

Sự đánh giá thấp bản thân không chỉ thường thấy ở phụ nữ, mà còn có thể gặp ở những người tài giỏi, có năng lực. Có một mặt trái trong tâm lý là những người tài giỏi thường xem nhẹ khả năng của bản thân so với thực tế. Suy nghĩ này có thể khiến họ mất đi sự tự tin, bỏ lỡ nhiều cơ hội, và không đạt được thành công như mong đợi.

Những người bị ảnh hưởng nặng nề bởi hiệu ứng Dunning-Kruger thường không được lòng những người xung quanh. Sự tự mãn, hoặc tư ti về khả năng của bản thân đều có thể khiến người khác cám thấy khó chịu, mệt mỏi và tự động cô lập bạn. Điều này rất tồi tệ trong môi trường học tập hay làm việc, những môi trường cần hoạt động nhóm thường xuyên.

Tìm hiểu về 5 giai đoạn của hiệu ứng

Hiệu ứng Dunning-Kruger bao gồm 5 giai đoạn, thể hiện sự tương quan giữa mức độ tự tin của một người về năng lực của bản thân, với sự hiểu biết của họ trong một lĩnh vực nào đó. Chúng ta hoàn toàn có thể tự nhận thức, rèn luyện và phát triển dựa trên nhưng giai đoạn của hiệu hứng Dunning-Kruger. Những giai đoạn này được biểu thị bằng một biểu đồ chi tiết như hình:

biễu đồ hiệu ứng Dunning-Kruger
Những giai đoạn nhận thức trong hiệu ứng Dunning-Kruger bao gồm: Không biết gì – Ngu ngốc – Thất vọng – Được khai sáng – Phát triển bền vững.
  • Giai đoạn 1: Giai đoạn đầu tiên là “Know-nothing”, tức là bạn không hề có chút kiến thức gì về lĩnh vực đang theo đuổi. Bạn nhận thức được sự yếu kém của mình, và cố gắng hết sức để học tập và tiếp thu kiến thức. Đây là giai đoạn chúng ta có rất nhiều mục tiêu và dự định, đầu tư rất lớn cho việc học. Mức độ tự tin về khả năng ở giai đoạn này là một con số 0 tròn trĩnh. Sự tự tin sẽ tăng dần trong quá trình học tập, cho đến khi đạt đến giai đoạn 2.
  • Giai đoạn 2: Giai đoạn này được gọi là “Peak of Mount Stupid” hay “Đỉnh cao thiếu hiểu biết”. Đúng như tên gọi, đây chính là lúc sự tự tin, tự mãn, và “ngu ngốc” của bạn đạt đến đỉnh điểm. Việc có được những kiến thức nhất định về một lĩnh vực khiến bạn ảo tưởng mình là chuyên gia, mình biết nhiều hơn những người khác. Lúc này, bạn bắt đầu phán xét những người xung quanh, và cho rằng bản thân có thể làm tốt hơn họ.
  • Giai đoạn 3: Khi đã bị thực tế đả kích trầm trọng, gặp nhiều thất bại, xấu hổ vì sự thiếu hiểu biết của mình, bạn sẽ rơi vào giai đoạn “Thung lũng thất vọng” (Valley of Despairs). Đây là giai đoạn cực kỳ quan trọng, quyết định xem bạn có thể tiến xa hơn nữa được không. Nhiều người khi đạt đến giai đoạn này bị ám ảnh và thất vọng đến mức bỏ cuộc, buông xuôi và tự nhủ rằng bản thân thật kém cỏi.
  • Giai đoạn 4: Nếu có thể vượt qua được giai đoạn 3, chúng ta sẽ nhận thức được vấn đề của bản thân, từ đó thay đổi suy nghĩ và hành động. Đây chính là giai đoạn “Dốc nghiêng khai sáng” (Slope of Enlightenment), giia đoạn mà ta từ bỏ sự tự mãn ban đầu, trở nên nghiêm túc và chuyên nghiệp hơn trong học tập và công việc. Đây cũng là giai đoạn phù hợp cho việc nghiên cứu sâu hơn, thu thập những kiến thức cao cấp hơn về lĩnh vực mà mình theo đuổi.
  • Giai đoạn 5: Giai đoạn “Cao nguyên bền vững” (Plateau of sustainability) là giai đoạn cuối cùng mà chúng ta cần đạt đến. Khi này, bạn đã trở thành một chuyên gia thật sự, và có kiến thức vững chắc để áp dụng vào công việc hay cuộc sống. Khi đạt đến mức độ này, bạn đã có đủ nhận thức để đánh giá chính xác hơn trình độ của bản thân. Điều bạn cần làm là không ngừng học hỏi, trau dồi, và phát triển bản thân một cách bền vững theo thời gian để tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm.

Làm thế nào để hạn chế hiệu ứng Dunning-Kruger?

Hiệu ứng Dunning-Kruger khiến tầm nhìn của chúng ta trở nên hạn hẹp, biến thành một kẻ tự mãn bị những người xung quanh xa lánh, hoặc một người tự ti đến mức mất đi cơ hội phát triển và thăng tiến. Tất cả những điều này đều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt, công việc và cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

ngăn chặn hiệu ứng Dunning-Kruger
Đừng để bản thân trờ thành nạn nhân của hiệu ứng Dunning-Kruger, hãy khiêm tốn và biết cách nhìn nhận thực lực của mình một cách đúng đắn.

Vậy, phải làm sao để thoát khỏi ảnh hưởng của hiệu ứng tâm lý này? Nếu bạn lo lắng bản thân sẽ trở nên thiển cận, tự mãn, và gặp nhiều rắc rối vì hiệu ứng Dunning-Kruger thì hãy thử một số cách dưới đây. Những cách này có thể giúp bạn thay đổi cách nhìn nhận và tư duy:

  • Học hỏi không ngừng, lắng nghe nhiều hơn: Tình trạng thiếu kiến thức, thiếu hiểu biết, hay thất bại là điều bình thường trong quá trình phát triển bản thân, cải thiện tư duy và năng lực. Vì thế, quan trọng là chúng ta không ngừng học hỏi để bổ sung kiến thức. Bạn nên học hỏi từ tất cả mọi người, học hỏi từ những lời khen, và cả những lời góp ý chân thành. Càng có nhiều kiến thức, chúng ta càng nhận ra sự học hỏi là vô cùng vô tận, mà bản thân luôn phải cố gắng nhiều hơn.
  • Biết bản thân đang ở đâu: Việc tự nhận thức không hề dễ dàng, nhưng lại rất cần thiết cho mỗi cá nhân. Khi mới tiếp xúc với một lĩnh vực nào đó, hoăc có thời gian nghiên cứu không dài, chúng ta vẫn ở giai đoạn thiếu hiểu biết. Do đó việc thể hiện bản lĩnh và tầm hiểu biết là điều hết sức ngu ngốc. Chúng ta cần nhận thức được điều này, và tiếp tục dồn tâm trí vào việc tiếp thu kiến thức, học hỏi từ mọi người.
  • Nhận thức “sự ngu ngốc” của người khác: Chắc chắn trong cuộc sống, công việc hay học tập, bạn sẽ gặp những người ăn to nói lớn, thể hiện bản thân rất thông minh và tài giỏi, thích đánh giá thấp người khác, nhưng thực tế không biết gì cả. Những người này đang tự mãn đến mức không nhận ra sự ngu ngốc của bản thân. Khi nhận thấy điều này, bạn nên lấy đó làm kinh nghiệm để không rơi vào trường hợp tương tự.
  • Rèn luyện tư duy phản biện: Việc chấp nhận một cách máy móc những kiến thức được học sẽ giết chết sự sáng tạo, cũng như khả năng tự nhận thức của chúng ta. Việc rèn luyện tư duy phản biện bằng cách phản bác thông tin, tìm cách chứng minh lập luận của bản thân sẽ mở ra nhiều hướng đi và tri thức mới. Tư duy phản biện là thứ giúp chúng ta không bị lạc lối trong quá trình học tập và trau dồi kiến thức.

Tự tin vào bản thân luôn là một điều tốt, vì tính cách này giúp ta dũng cảm hơn, nỗ lực hơn để chinh phục khó khăn. Nhưng đồng thời, tự tin quá mức sẽ biến thành tự mãn, thiếu kiến thức, giống như con ếch ngồi trong đáy giếng, không biết rằng bầu trời bên ngoài rộng lớn hơn so với suy nghĩ của nó.

Hãy luôn ghi nhớ rằng con đường học tập là vô tận, và chúng ta luôn phải duy trì thái độ cầu tiến, cố gắng cải thiện năng lực của bản thân hàng ngày. Đừng để hiệu ứng Dunning-Kruger biến bạn thành con người thiển cận, thiếu kiến thức và tự mãn. Không một ai thích và có thể làm việc với một người như vậy.

Có lẽ bạn quan tâm:

Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *