Hiệu ứng hào quang là gì? Ảnh hưởng và cách cải thiện

Hiệu ứng hào quang xuất hiện trong rất nhiều khía cạnh đời sống hằng ngày, tác động trực tiếp đến hành vi, suy nghĩ, cảm xúc của chúng ta mà không hề hay biết. Bản thân mỗi người có thể vận dụng các tính chất của hiệu ứng này để giúp ích cho chính bản thân mình, đồng thời cũng cần học cách cần bằng tâm trí, chắt lọc nội dung để tránh bị ảnh hưởng tiêu cực từ xu hướng tâm lý này.

Hiệu ứng hào quang là gì?

“Hiệu ứng” có thể hiểu là sự ảnh hưởng của một cá nhân, sự kiện, tình huống, đồ vật dẫn tới một sự thay đổi nào đó ( có thể là tiêu cực hoặc tích cực). “Hào quang” được dịch nghĩa là một luồng ánh sáng bao quanh một vật thể, vô cùng rực rỡ, chói lóa khiến bất cứ ai cũng bị thu hút. Đây đều là các thuật ngữ được sử dụng vô cùng phổ biến trong đời sống hằng ngày.

Hiệu ứng hào quang
Hiệu ứng hào quang gây ảnh hưởng đến cách chúng ta đánh giá về một người ( hay sự vật, tính chất) thông qua cái nhìn bên ngoài

Hiệu ứng hào quang (Halo effect ) là xu hướng thiên kiến trong nhận thức, theo đó sự ảnh hưởng từ một sự kiện,  nhân vật nổi bật nào đó dẫn đến sự thay đổi về mặt nhận định, đánh giá , thực hiện theo các hành vi, xu hướng do “hào quang” lan tỏa ra. Điều quan trọng là người hay sự vật gây ra hiệu ứng này thường có sự nổi bật về ngoại hình đủ để tạo ra sức ảnh hưởng.

Thuật ngữ “hào quang” được cho là có khái niệm tương đồng với biểu tượng hào quang trong tôn giáo. Nếu quan sát các bức tranh về Thiên chúa giáo, bạn sẽ thấy các vòng tròn phát sáng, giống như một vương miện trên đầu của thánh nhân. Trên thực tế, trong thời Trung cổ và Phục Hưng, vị trí của các vị thánh thường được đặt dưới ánh sáng của thiên đường và cô tình, người quan sát lại nhìn nhận rằng đây giống như một vương miện, một vầng hào quang rực rỡ tỏa ra từ các vị thánh. Dần dần người ta tự mặc định điều này và tất cả các tác phẩm sau đó, các vị thánh đều được phác họa thêm quầng sáng trên đầu.

Hiệu ứng hào quang được đưa ra bàn luận lần đầu tiêu bởi nhà tâm lý học Edward Thorndike người Mỹ trong một bài nghiên cứu của ông năm 1920 với tên “The Constant Error in Psychological Ratings” (tạm dịch: Những lỗi nghiêm trọng về mặt tâm lý khi đánh giá). Trong đó, ông đánh giá sự hào quang giống như sự thiên vị trong cách chúng ta hành xử với một ai đó và vô tình nó trở thành “sai lầm”.

Cụ thể hơn, Edward Thorndike đã thực hiện các khảo sát với những cán bộ chỉ huy trong một quân đội, trong đó ông yêu cầu họ đánh giá về tính cách, đạo đức của những cấp dưới của họ về các khía cạnh như ngoại hình, tư duy thông minh, khả năng lãnh đạo, lòng trung thành và mức độ tin cậy. Kết quả cho thấy nếu 1 binh sĩ bị đánh giá thấp thì trong một khía cạnh nào đó thì các phẩm chất còn lại cũng bị kéo xuống.

Nhà tâm lý học Edward Thorndike sau đó đã đưa ra kết luận rằng, việc các binh sĩ bị đánh giá thấp/ cao chưa chắc hoàn toàn là phẩm chất thực sự của họ mà còn phụ thuộc vào cách cán bộ cảm nhận về họ như thế nào. Nếu người chỉ huy có hảo cảm với một binh sĩ thì cách đánh giá về anh ta cũng cao hơn và ngược lại. Thuật ngữ Hiệu ứng hào quang (Halo effect ) được ra đời từ chính đây.

Lấy ví dụ đơn giản hơn từ chính bản thân chúng ta bị ảnh hưởng bởi xu hướng đánh giá này . Chẳng hạn khi lần đầu tiên gặp một người có ngoại hình tốt, gọn gàng, thơm tho, nói chuyện nhẹ nhàng, chúng ta dễ có tâm lý đánh giá đây là một người tốt và có mong muốn kết bạn. Mặt khác nếu một người có vẻ ngoài luộm thuộm, nhếch nhác, nói năng không rõ ràng thường dễ bị đánh giá là người xấu, mặc dù chúng ta chưa hề tiếp xúc với họ.

Trước đây Edward Thorndike chỉ nhận định các khía cạnh của hiệu ứng hào quang trên khía cạnh nhìn nhận và đánh giá về con người, tuy nhiên hiện nay nó dần được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực, đặc biệt là marketing. Hầu như chúng ta đều vô thức bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng này, và nếu không sớm ý thức và điều chỉnh lại, đôi khi nó có thể gây ra những hệ quả không mấy tích cực.

Những tác động của hiệu ứng hào quang đến tâm lý con người

Hiệu ứng hào quang có thể gây ra cả những tác động tiêu cực hay tích cực, tùy theo cách mà chúng ta đón nhận và ứng dụng. Tuy nhiên không dễ gì để chúng ta nhận ra rằng, bản thân đang bị “thao túng tâm lý” bởi những hiệu ứng vô hình này, dần dần khiến chúng ta trở nên thiếu đi sự công bằng, công tâm khi đánh giá tất cả mọi vấn đề xung quanh.

Tác động tích cực

Khi vận dụng được những tính chất từ hiệu ứng hào quang, bạn có thể mang lại rất nhiều những giá trị tích cực cho bản thân. Chẳng hạn chỉ cần bạn thay đổi cách ăn mặc trở nên gọn gàng, sáng sủa hơn; thay đổi về kiểu tóc phù hợp với khuôn mặt; xịt một chút nước hoa mỗi khi ra ngoài thì những đánh giá về bạn từ những người xung quanh sẽ khác.

Hiệu ứng hào quang
Người có ngoại hình sáng dễ nhận được nhiều cơ hội, dễ dàng lấy được thiện cảm từ người đối diện

Một hiện thực là trong thời đại hiện nay, người ta cũng rất coi trọng về tri thức mà còn quan tâm về ngoại hình. Không thể phủ nhận một người có ngoại hình sáng thường có rất nhiều cơ hội đến với họ. Có thể họ không giỏi về tri thức nhưng vẫn có thể làm các công việc cần ngoại hình như làm mẫu ảnh, lễ tân… Khi bạn xinh đẹp hơn, quả thật nhiều cơ hội tuyệt vời sẽ đến với bạn.

Hay trong các chiến lược kinh doanh hiện nay hầu hết đều có xu hướng “lợi dụng” hiệu ứng hào quang, đặc biệt trong các chiến dịch quảng bá sản phẩm mới. Chẳng hạn những hãng mỹ phẩm thường gửi sản phẩm đến những người nổi tiếng, KOL có ngoại tốt, phù hợp với tiêu chí sản phẩm để thu hút người mua. Khi một người đẹp quảng bá một sản phẩm làm đẹp thì sẽ đánh vào tâm lý khách hàng là sản phẩm đó phải tốt, phải chất lượng thì người nổi tiếng đó mới dùng và cho kết quả đẹp đến như thế.

Mặt khác, với tâm lý luôn đề cao cái đẹp của hầu hết người dùng, việc thiết kế bao bì đẹp, cách đóng gói bắt mắt chính là điểm cộng lớn để sản phẩm được đánh giá cao hơn. Bởi thế, hầu hết các sản phẩm hiện nay từ bánh kẹo, quần áo, mỹ phẩm, đồ chơi.. đều được nhà sản xuất thương hiệu cực kỳ chú trọng đến Packaging ( đóng gói bao bì).

Tất cả những điều này có thể giúp bạn rút ra một kết luận rằng ngoại hình hay cái nhìn đầu tiên thực sự quan trọng với cách mà một người đánh giá, nhìn nhận xuyên suốt một vấn đề. Tức là chúng ta cũng nên chú ý đến việc chăm chút ngoại hình hơn để nâng cao giá trị chính mình. Tự tạo hiệu ứng hào quang cho chính bản thân đúng cách sẽ đem đến cho bạn rất nhiều lợi ích.

Những tác động tiêu cực

Không thể phủ nhận rằng, hiệu ứng hào quang khiến chúng ta hình thành những đánh giá, nhận định, hành xử rất thiên vị. Nhiều cá nhân hay tổ chức cũng lạm dụng tính chất của hiệu ứng này để lừa đảo người dùng, khách hàng hoặc đôi khi chính họ cũng tự tạo ra những “cái bẫy” cho chính mình.

Hiệu ứng hào quang
Hiệu ứng hào quang khiến chúng ta dễ bị đánh lừa bởi “hình ảnh minh họa” và “thực tế”

Với chính bản thân, chúng ta dễ có thể trở nên “lóa mắt” và bị đánh lừa bởi hiệu ứng hào quang. Chẳng hạn khi lần đầu gặp một người có ngoại hình dễ nhìn, hòa đồng chúng ta dễ dàng đánh giá họ là người tốt; trong khi với một người có vẻ ngoài xuề xòa, đôi khi hơi cục cằn, chúng ta lại cho rằng đó là người xấu. Thực tế thì, vẻ ngoài vốn chẳng thể khẳng định được ai xấu, ai tốt và để đánh giá được nhân cách của ai đó thực sự là một quá trình dài nhìn nhận về cách hành xử của họ với con người hay các sự vật xung quanh.

Hay chính bản thân chúng ta đôi khi cũng “chịu thiệt” bởi những tác động tâm lý từ hiệu ứng hào quang. Chẳng hạn khi 2 thực tập sinh cùng vào một công ty trong cùng thời điểm, có năng lực tương tự nhưng những người có bề ngoài xinh xắn, nổi bật hơn dường như luôn được “săn đón”, hỗ trợ, được nhiều ưu tiên hơn. Đây là một thực tế không thể phủ nhận.

Vô hình chung, Halo effect khiến cuộc sống có phần trở nên thiếu công bằng hơn với những người ít chăm chút về ngoại hình, đặc biệt với những người khiếm khuyết về một bộ phận nào đó trên cơ thể. Nhiều người có tài năng nhưng lại không được trọng dụng bằng người có ngoại hình dẫn đến sự phẫn nộ, ấm ức, bức bối

Trong thời điểm sự phát triển của thời đại internet ngày càng mạnh mẽ, những tác động tâm lý từ hiệu ứng hào quang càng dễ dàng lan tỏa hơn. Đúng như câu nói “đẹp cũng là một dạng tài năng”, những người có ngoại hình sáng hiện nay có thể dễ dàng tìm được công việc thích hợp, thậm chí là dễ dàng có “fan” hâm mộ, cho dù vốn dĩ họ không có tài năng quá nổi bật.

Không ít người chỉ mải mê chạy theo việc thay đổi, nâng cao ngoại hình mà quên mất rằng, giá trị tri thức hay nhân cách cũng chẳng kém phần quan trọng. Có vẻ ngoài, họ trở nên kiêu ngạo hơn, ảo tưởng cho rằng mình thực sự có “hào quang” và ngày càng “biến chất”, nhất là khi đang ở thời điểm đỉnh cao, được nhiều người quan tâm và chú ý.

Chính chúng ta cũng dễ dàng bị đánh lừa bởi các doanh nghiệp nếu giữ mãi tâm lý “cái này đẹp chắc là tốt”. Nhiều sản phẩm có bao bì cực kỳ đẹp, sang trọng nhưng chất lượng bên trong chỉ xứng đáng được 3 điểm. Hay khi nhìn thấy cô ca sĩ A xài son loại B đẹp, nhưng khi mua về lại không thể nào tạo ra hiệu ứng môi như thế, chưa kể đến việc son quá bột, nhanh làm khô môi.

Một bài học rõ ràng nhất chính là việc mua các sản phẩm quà biếu vào dịp tết. Rất nhiều người chỉ chăm chăm chọn các set quà có bề ngoài nhìn đẹp, sang, “hoành tráng” mà không hề chú ý đến thương hiệu hay chất liệu thực tế từng sản phẩm. Đến khi khui ra mới biết, bao bì một đằng nhưng chất lượng bên trong lại một nẻo, và đây lại còn là những món quà biếu khiến ai cũng thấy “xấu hổ”.

Làm thế nào để hạn chế các tác động của hiệu ứng hào quang?

Bất cứ vấn đề nào cũng có cả mặt tiêu cực và tích cực, tất nhiên hiệu ứng hào quang cũng không hề ngoại lệ. Chúng ta có thể tận dụng nâng cao giá trị cho chính mình từ Halo effect, đồng thời cũng phải chấp nhận sự thiên vị từ chính nó. Tuy nhiên việc thay đổi cách suy nghĩ, đón nhận tính chất của hiệu ứng này sẽ giúp bạn phát triển và hoàn thiện bản thân tốt hơn.

Hiệu ứng hào quang
Tập trung nâng cao giá trị ngoại hình nhưng cũng không quên tập trung phát triển về tri thức và đạo đức

Vậy chúng ta nên tiếp thu và ứng dụng hiệu ứng hào quang như thế nào?

  • Suy nghĩ chậm hơn, nhìn nhận các vấn đề theo nhiều chiều hướng. Chẳng hạn thay vì vội vàng đánh giá một sản phẩm có bao bì đẹp và cho ngay vào giỏ hàng, bạn có thể xem thêm thông tin về thương hiệu, nguyên liệu rồi mới quyết định có nên mua hay không. Tương tự, chúng ta cũng cần học cách không phát xét một ai khác, đặc biệt nếu như chưa từng tiếp xúc với họ bao giờ. “Một nửa sự thật không phải sự thật” nên thứ chính chúng ta nhìn thấy ( nhưng chưa trải nghiệm, chưa đi sâu vào tìm hiểu) thì chưa chắc là đúng.
  • Chăm sóc ngoại hình bởi rõ ràng, điều này luôn đem đến rất nhiều lợi ích cho chính chúng ta. Chỉ cần thay đổi cách ăn mặc, kiểu tóc hoặc ít nhất là gọn gàng hơn, sạch sẽ hơn, thơm tho cũng sẽ dễ dàng lấy được thiện cảm từ người đối diện. Đặc biệt nếu bạn đang chuẩn bị cho các sự kiện như hẹn hò, phỏng vấn thì càng cần chú trọng yếu tố này để tạo ra hiệu ứng hào quang với người đối diện. Trên thực tế, việc chúng ta xinh đẹp và yêu thương bản thân hơn cũng tạo ra các hormone tích cực cần thiết cho đời sống tinh thần.
  • Đừng quá lạm dụng hiệu ứng hào quang mà còn cần chú ý đến các khía cạnh khác. Bao bì bên ngoài là thứ khiến người ta chú ý, ấn tượng nhưng để tồn tại lâu dài thì lại cần đến chất lượng bên trong. Một món ăn có bao bì dễ thương, thu hút nhưng hương vị dở tệ thì chẳng ai quay lại lần 2. Một người có bề ngoài xinh xắn nhưng lại rỗng tuếch, tính cách khó chịu, kiêu ngạo, làm việc không có kết quả thì cũng chẳng thể được sếp trọng dụng.
  • Không ngừng hoàn thiện về mặt tri thức và đạo đức mỗi ngày. Chúng ta có quyền thất vọng vì mình không được tôn trọng, không được đánh giá đúng thực lực vì có ngoại hình kém nhưng cũng không được phép từ bỏ sự cố gắng. Con người có một hành trình dài phát triển và hoàn thiện bản thân, khi chúng ta không ngừng cố gắng thì “trái ngọt” chắc chắn sẽ xuất hiện.
  • Ngay cả khi bản thân đang được chiếu sáng bởi hiệu ứng hào quang cũng không nên tự mãn, kiêu ngạo, coi thường người khác. Sự tự mãn khiến vầng hào quang của chúng ta dần giảm cường độ, thậm chí là vụt tắt. Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta cũng không được quên mất việc học tập và trau dồi bản thân mỗi ngày.
  • Ngưng đánh giá vấn đề một cách phiến diện, nhất là về nhân cách con người thông qua ngoại hình hay cái nhìn đầu tiên. Chúng ta muốn được đối xử công bằng thì trước tiên cũng cần phải học cách cư xử văn minh với người khác.
  • Đọc sách nhiều hơn, nâng cao giá trị tri thức, tâm hồn cũng là cách giúp tâm trí dễ dàng đánh giá được các khía cạnh đúng/ sai một cách công bằng; ít bị ảnh hưởng bởi Halo effect hay các sự kiện xã hội, con người hay các yếu tố tiêu cực khác.
  • Chăm sóc sức khỏe tinh thần thông qua một lối sống lành mạnh, tích cực, vận động, nghỉ ngơi cũng đem đến rất nhiều giá trị trong việc giúp chúng ta bình tĩnh và nhìn nhận các vấn đề rõ ràng hơn

Tất nhiên, chúng ta rất khó để tránh khỏi việc bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng hào quang – Halo effect. Tuy nhiên việc thay đổi cách nhìn nhận và tiếp thu các vấn đề trong đời sống sẽ giúp chúng ta hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực từ hiệu ứng này.Đừng quên rằng giá trị về tri thức, nhân cách mới là thứ đem đến cho bạn những giá trị bền vững nhất nên không được ngừng học hỏi và hoàn thiện bản thân mỗi ngày.

Có thể bạn quan tâm:

5/5 - (2 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *