Mạng xã hội và những ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý người dùng

Bên cạnh những lợi ích mang lại, mạng xã hội gây ra không ít ảnh hưởng đến tâm lý của con người. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sử dụng mạng xã hội làm tăng cảm xúc tiêu cực và các vấn đề tâm lý, tâm thần.

mạng xã hội ảnh hưởng đến tâm lý
Mạng xã hội gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm lý của người dùng

Mạng xã hội ảnh hưởng đến tâm lý như thế nào?

Trong 20 năm trở lại đây, internet đã thực sự bùng nổ và có những bước phát triển vượt bậc. Sự ra đời của internet chính là nền tảng để phát triển các mạng xã hội như facebook, instagram, zalo, youtube,… Những nền tảng này cho phép con người giải trí, học tập, làm việc và kết nối với những người xung quanh mà không bị giới hạn bởi vị trí địa lý.

Theo thống kế vào năm 2017, Việt Nam đang đứng thứ 22 về số lượng người sử dụng mạng xã hội (ước tính khoảng 46 triệu người). Không thể phủ nhận mạng xã hội giúp ích rất nhiều trong đời sống và thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Tuy nhiên, sự phát triển quá mạnh mẽ của các nền tảng này cũng đi kèm với nhiều rủi ro và hệ lụy.

Ngoài việc hao tốn quá nhiều thời gian cho những thú vui vô bổ và các thông tin tiêu cực, mạng xã hội còn ảnh hưởng đến tâm lý của con người. Rất nhiều nghiên cứu được thực hiện đều cho thấy, mạng xã hội thực sự gây ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần. Mức độ ảnh hưởng thường tỷ lệ thuận với thời gian sử dụng các nền tảng này.

Các nền tảng mạng xã hội được phát triển và cải tiến liên tục nhằm mục đích kích thích người dùng sử dụng với thời gian nhiều hơn. Vì vậy, ảnh hưởng của mạng xã hội đối với tâm lý con người sẽ trở nên sâu sắc hơn trong theo thời gian.

Điều này đặt ra thách thức đối với xã hội và cá nhân mỗi người. Nếu không trang bị những hiểu biết cần thiết, một ngày nào đó chính bản thân bạn sẽ phải đối mặt với các vấn đề tâm lý có liên quan đến việc sử dụng mạng xã hội.

Dưới đây là một số ảnh hưởng của mạng xã hội đối với tâm lý con người:

1. Tăng các cảm xúc tiêu cực

Ảnh hưởng đầu tiên của mạng xã hội chính là tăng các cảm xúc tiêu cực. Trên các nền tảng mạng xã hội như instagram, facebook,… mọi người đều có xu hướng đăng tải những hình ảnh đẹp đẽ với mục đích phơi bày cuộc sống đầy đủ và hạnh phúc. Trước sự hào nhoáng của bức ảnh này, không ít người trở nên tự ti, đố kỵ, cảm thấy bản thân thua kém và vô dụng hơn so với những người khác.

mạng xã hội ảnh hưởng đến tâm lý
Sử dụng mạng xã hội làm các cảm xúc tiêu cực như đố kỵ, ghen ghét, căng thẳng, lo âu, bất an và bi quan

Không khó để nhận thấy trên mạng xã hội thường xuyên có những bài báo nói về thành công của những người trẻ. Điều này cũng vô tình tạo ra áp lực và tăng các cảm xúc tiêu cực cho người dùng.

Những người yêu thích cảm giác được khen ngợi trên mạng xã hội có thể trở nên đố kỵ, bứt rứt khi người khác được yêu thích hơn bản thân. Ngoài ra, họ thường có xu hướng chìm đắm trong mạng xã hội “ảo” mà quên mất cuộc sống hiện thực.

2. Bắt nạt trực tuyến (Cyberbullying)

Bắt nạt trực tuyến (Cyberbullying) là một dạng bắt nạt được thực hiện thông qua các thiết bị điện tử như laptop, máy tính, điện thoại,…

Nạn nhân của bắt nạt trực tiếp có thể nhận được những comment (bình luận) hoặc tin nhắn đe dọa, chỉ trích, phê bình. Vì không phải đối mặt trực tiếp nên nhiều người có những câu nói bông đùa có tính chất xúc phạm và gây tổn thương sâu sắc người khác về mặt tinh thần.

Bắt nạt trực tuyến trở nên phổ biến hơn với sự phát triển của mạng xã hội. Nạn nhân của tình trạng này thường là học sinh và sinh viên. Nếu không có các biện pháp xử lý kịp thời, những thông tin sai lệch có thể bị lan truyền rộng rãi trên các nền tảng xã hội khiến cho nạn nhân bị tổn thương tinh thần sâu sắc.

3. Tăng nguy cơ mắc hội chứng FOMO

Hội chứng FOMO (hội chứng sợ bị bỏ lỡ) là vấn đề tâm lý chỉ mới xuất hiện trong vài năm trở lại đây. Hội chứng này chủ yếu gặp ở người trẻ với đặc điểm là luôn lo sợ bản thân đánh mất cơ hội đầu tư, trải nghiệm và chinh phục những điều thú vị.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hội chứng FOMO, trong đó việc sử dụng mạng xã hội thường xuyên là nguyên nhân phổ biến nhất.

mạng xã hội ảnh hưởng đến tâm lý
Hội chứng FOMO (hội chứng sợ bị bỏ lỡ) là hậu quả do thói quen sử dụng mạng xã hội quá mức

Người mắc hội chứng này luôn lo lắng bản thân bị tụt hậu và thua kém với những người khác. Ngày này, xu hướng của giới trẻ thay đổi liên tục và bản thân mỗi người phải dành nhiều thời gian theo dõi mới có thể cập nhật nhanh chóng. Ngoài ra, hội chứng FOMO cũng khiến cho bản thân mỗi người mất đi chính kiến và mọi quyết định đều phụ thuộc vào xu hướng số đông.

4. Hội chứng lo sợ khi không có điện thoại

Hội chứng lo sợ khi không có điện thoại (Nomophobia) là một trong những vấn đề tâm lý mới xuất hiện trong thời gian gần đây. Thuật ngữ này được đề cập vào năm 2010 sau cuộc khảo sát của Bưu điện Anh.

Người mắc hội chứng Nomophobia luôn mang theo điện thoại bên mình và kiểm tra tin nhắn, thông báo thường xuyên. Nếu không có điện thoại ở bên cạnh hoặc điện thoại tắt nguồn, không có wifi, họ sẽ rơi vào trạng thái căng thẳng, bồn chồn và lo lắng quá mức.

Thông thường, những người đang làm những công việc phải sử dụng điện thoại thường xuyên sẽ cảm thấy bất an khi điện thoại hết pin. Tuy nhiên, hội chứng này gây ra sự lo lắng thái quá ngay cả khi bắt buộc phải tắt điện thoại vì những lý do chính đáng (đi máy bay, cuộc họp quan trọng,…). Một số người có thể bị lo lắng quá mức dẫn đến choáng váng, khó thở, mệt mỏi, đỏ bừng mặt, loạn nhịp và ngất xỉu.

mạng xã hội ảnh hưởng đến tâm lý
Các nền tảng mạng xã hội là nguyên nhân gây ra hội chứng lo sợ khi không có điện thoại (Nomophobia)

Nomophobia trở nên phổ biến hơn do sự ra đời của smartphone và mạng xã hội. Chính tâm lý sợ bị bỏ lỡ những điều quan trọng đã khiến một số người trở nên căng thẳng và bất an khi không có điện thoại ở bên cạnh. Thực tế, rất nhiều người trẻ không thể rời mắt khỏi điện thoại mặc dù thực tế trên mạng xã hội không có thông tin hữu ích hay những sự kiện quan trọng nào.

5. Gia tăng stress (căng thẳng)

Có thể thấy, mạng xã hội không chỉ là nơi kết nối mọi người mà còn cung cấp nhanh chóng các thông tin về kinh tế, môi trường, đời sống xã hội,… Tuy nhiên, các thông tin trên mạng xã hội thường không được kiểm chứng. Vì vậy, trên các nền tảng này tràn lan những thông tin tiêu cực.

Việc tiếp xúc với các thông tin này có thể gia tăng nguy cơ gây stress (căng thẳng). Ngoài ra, trước cuộc sống hào nhoáng mà mọi người chia sẻ lên mạng xã hội, không ít người hình thành cảm giác đố kỵ, ghen ghét và cho rằng bản thân thua kém người khác.

Những yếu tố này cũng góp phần gây căng thẳng thần kinh – đặc biệt là ở những người gặp nhiều khó khăn trong công việc và cuộc sống.

6. Tăng nguy cơ mắc các bệnh tâm lý, tâm thần khác

Ngoài những ảnh hưởng trên, mạng xã hội cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tâm lý, tâm thần khác như:

mạng xã hội ảnh hưởng đến tâm lý
Sử dụng mạng xã hội không lành mạnh gây ra các vấn đề tâm lý như chứng ngược đãi bản thân, trầm cảm, rối loạn lo âu
  • Rối loạn lo âu: Rối loạn lo âu có thể phát triển do thói quen sử dụng mạng xã hội quá nhiều. Việc tiếp cận với các thông tin tiêu cực khiến cho một số người trở nên lo lắng về những vấn đề trong cuộc sống và tương lai. Bên cạnh đó, chứng kiến những người trẻ thành công cũng tạo ra áp lực khiến nhiều người tự tin, cảm thấy bản thân yếu kém và trở nên lo lắng thái quá về công việc, học tập,…
  • Trầm cảm: Sử dụng mạng xã hội được xem là yếu tố gây ra chứng trầm cảm. Không ít người rơi vào trầm cảm do bị vu khống, hạ nhục và lăng mạ bằng những tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội. Thậm chí, nhiều người còn tung hình ảnh, clip riêng tư và thêu dệt những câu chuyện không có thực với mục đích thóa mạ danh dự của người khác. Với sức mạnh của mạng xã hội, nạn nhân sẽ bị suy sụp tinh thần trước những lời nói cay nghiệt và rủa xả từ cộng đồng mạng. Trong những năm gần đây, không khó để nhận thấy những trường hợp tự tử có liên quan đến mạng xã hội.
  • Các bệnh lý khác: Ngoài trầm cảm và rối loạn lo âu, sử dụng mạng xã hội không lành mạnh còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tâm lý, tâm thần như hội chứng mặc cảm ngoại hình, hội chứng tự ngược đãi bản thân, hội chứng sợ xã hội,…

7. Ảnh hưởng đến đặc điểm tính cách

Về lâu dài, mạng xã hội có thể ảnh hưởng đến tính cách của mỗi người. Những người liên tục có cảm giác ganh ghét, đố kỵ với cuộc sống hào nhoáng của người khác có xu hướng thiếu tự tin trong cuộc sống, không tin tưởng vào bản thân và luôn sợ thất bại.

Trong khi đó, những người được tung hô và dành nhiều lời khen trên mạng xã hội quên mất con người thực tại, chìm đắm trong thế giới và sống không có mục tiêu hoặc đặt ra những mục tiêu xa vời, không thể thực hiện.

Có thể nhận thấy, không ít thanh thiếu niên và người trẻ tuổi chạy theo những thứ phù phiếm để có những hình ảnh lung linh trên mạng xã hội. Họ quên đi giá trị bền vững trong cuộc sống và sống thiếu thực tế, không dự trù cho tương lai.

Hướng dẫn sử dụng mạng xã hội một cách an toàn

Không thể phủ nhận mạng xã hội đóng góp đáng kể cho đời sống của con người. Tuy nhiên, việc phụ thuộc vào mạng xã hội sẽ đi kèm với nhiều rủi ro và hệ lụy lâu dài. Để phòng tránh những ảnh hưởng tâm lý của mạng xã hội, bạn đọc có thể thực hiện các biện pháp sau:

1. Chỉ sử dụng khi cần thiết

Nhiều người có thói quen dùng mạng xã hội khi rảnh rỗi. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến bạn bị phụ thuộc vào các nền tảng mạng xã hội và có xu hướng sử dụng ngày càng nhiều. Vì vậy, chỉ nên dùng mạng xã hội khi có tin nhắn, thông báo hoặc khi cần kiểm tra một số thông tin quan trọng.

mạng xã hội ảnh hưởng đến tâm lý
Để giảm thiểu ảnh hưởng của mạng xã hội đối với sức khỏe tâm lý, chỉ nên sử dụng khi cần thiết

Tốt nhất, bạn nên giới hạn thời gian sử dụng mạng xã hội trong ngày. Ban đầu, việc này sẽ tương đối khó khăn nhưng về lâu dài, bạn sẽ dần quen với việc chỉ dùng mạng xã hội và điện thoại khi cần thiết. Không chỉ tốt cho sức khỏe tinh thần, giảm thời gian sử dụng mạng xã hội còn giúp bảo vệ mắt, cải thiện giấc ngủ và phòng ngừa các vấn đề về sức khỏe thể chất.

2. Hiểu rõ mạng xã hội khác với đời thực

Nhiều người trở nên đố kỵ và cảm thấy bản thân thua kém người khác khi nhìn vào những bức ảnh lung linh, hào nhoáng. Tuy nhiên, mạng xã hội không phải đời thực và những hình ảnh trên mạng cũng không phản ánh đúng 100% cuộc sống thật của mỗi người.

Hiểu rõ điều này sẽ giúp bạn nhận ra những giá trị bản thân đang sở hữu và giảm thiểu các cảm xúc tiêu cực như căng thẳng, đố kỵ, ganh ghét, thiếu tự tin, bi quan,…

3. Tăng các hoạt động lành mạnh ngoài đời thực

Khi có thời gian rảnh rỗi, mọi người thường có xu hướng giải trí bằng cách dùng mạng xã hội. Tuy nhiên, các nền tảng này không thực sự mang đến cho bạn cảm giác thư thái và thoải mái. Ngược lại, việc tiếp cận với những thông tin tiêu cực còn khiến bạn trở nên mệt mỏi và bi quan với mọi thứ.

Để giảm những ảnh hưởng của mạng xã hội đối với tâm lý, bạn nên tăng các hoạt động lành mạnh ngoài đời thực. Thay vì dành thời gian sử dụng mạng xã hội, nên đọc sách, nghe nhạc, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc cây cối, nấu nướng và chơi với thú cưng.

Nếu chung sống với người thân và bạn bè, nên dành thời gian để trò chuyện, vui chơi với mọi người thay vì sử dụng điện thoại liên tục.

4. Tìm kiếm chuyên gia tâm lý

Rất nhiều người gặp khó khăn trong việc giảm thời gian sử dụng mạng xã hội và bị ám ảnh quá mức bởi cuộc sống hào nhoáng của người khác. Nếu cần thiết, bạn nên tìm kiếm sự giúp đỡ của các chuyên gia tâm lý. Chuyên gia sẽ hỗ trợ bạn giảm sự phụ thuộc vào mạng xã hội, tập trung phát triển bản thân và hướng đến những cách thư giãn, giải tỏa stress lành mạnh.

mạng xã hội ảnh hưởng đến tâm lý
Khi có các vấn đề tâm lý do mạng xã hội, bạn nên tìm kiếm sự giúp đỡ của các chuyên gia/ bác sĩ

Những người bị ảnh hưởng quá nhiều bởi mạng xã hội thường thiếu chính kiến, không kiên định và quyết đoán. Vì vậy, chuyên gia cũng sẽ giúp mỗi người phát triển những phẩm chất tốt đẹp để có thể chủ động trong cuộc sống và giữ cho bản thân không bị ảnh hưởng bởi tác động tiêu cực từ môi trường, xã hội.

Mạng xã hội gây ra nhiều ảnh hưởng đối với tâm lý của người dùng. Tuy nhiên, nếu biết sử dụng lành mạnh và đúng cách, bạn có thể phòng ngừa những ảnh hưởng tiêu cực từ các nền tảng này. Trong trường hợp cần thiết, nên tìm kiếm sự giúp đỡ của chuyên gia tâm lý nếu nhận thấy bản thân bị phụ thuộc quá mức vào điện thoại và mạng xã hội.

Tham khảo thêm:

3/5 - (2 bình chọn)

Bình luận

  1. Hoàng Long says: Trả lời

    Rất đúng cám ơn tác giả

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *