Hôn Nhân Không Hạnh Phúc Có Nên Sống Vì Con?
Hôn nhân không hạnh phúc có nên sống vì con là băn khoăn của nhiều cặp đôi. Trong mắt những bậc làm cha làm mẹ, hạnh phúc của con cái quan trọng hơn so với cảm xúc của bản thân. Thế nhưng liệu ràng buộc nhau vì con có phải là quyết định đúng đắn hay không?
Hôn nhân không hạnh phúc có nên sống vì con?
Bất cứ ai cũng đều mong muốn bản thân có được cuộc hôn nhân hạnh phú và viên mãn. Tuy nhiên, hôn nhân không phải lúc nào cũng êm đềm mà tồn tại nhiều vấn đề nan giải, xung đột và mâu thuẫn. Nếu không đủ thấu hiểu và yêu thương, cả hai có thể phải đi đến quyết định chấm dứt khi mâu thuẫn trở nên sâu sắc.
Những cặp đôi chưa có con cái sẽ dễ dàng ly hôn vì không có ràng buộc. Trong khi đó, các cặp vợ chồng đã có con chung sẽ không khỏi băn khoăn, đắn đo về việc nên tiếp tục hay chấm dứt hôn nhân.
Con cái là tài sản quý giá nhất đối với các bậc làm cha làm mẹ. Vì vậy, nhiều người chấp nhận níu kéo cuộc hôn nhân không hạnh phúc để con cái được sống trong một gia đình đầy đủ cả về vật chất và tinh thần. Bởi ly hôn đồng nghĩa với việc con cái chỉ có thể ở với một trong hai, đồng thời phải đối mặt với những điều tiếng và lời đồn thổi không hay.
Tuy nhiên, cố gắng duy trì một cuộc hôn nhân hạnh phúc chỉ mang lại cảm giác mệt mỏi, chán nản và ngột ngạt. Hơn nữa, ràng buộc nhau vì con cái có thể khiến cả hai mất đi cơ hội tìm thấy một nửa phù hợp. Do đó, không ít người băn khoăn Hôn nhân không hạnh phúc có nên sống vì con cái không?
Quyết định có nên duy trì hôn nhân vì con hay không tùy thuộc vào quan điểm của từng người. Cuộc sống của mỗi người mỗi khác nên không có câu trả lời chung cho tất cả. Lựa chọn nào cũng sẽ có những hạn chế và lợi ích riêng. Vì vậy, cả hai nên suy nghĩ thật kỹ để đưa ra quyết định đúng đắn, tránh nóng vội khiến con cái và chính bản thân bị tổn thương.
Do ảnh hưởng của tư tưởng và văn hóa nên trong mắt nhiều người, ly hôn là quyết định vô cùng nặng nề. Tuy nhiên, chấm dứt hôn nhân không phải lúc nào cũng là lựa chọn tồi tệ. Quan trọng nhất là cả hai ly hôn trong hòa bình, văn minh và luôn có trách nhiệm với con cái. Bằng chứng là tỷ lệ ly hôn ở Mỹ và các nước Châu Âu cao hơn rất nhiều so với nước ta. Dù vậy, những đứa trẻ này vẫn được nuôi dạy, giáo dục tốt.
Nếu đã không còn cách cứu vãn, ly hôn đôi khi là giải pháp tốt nhất. Có cuộc sống riêng không đồng nghĩa với việc con cái thiếu thốn tình yêu thương. Nhiều cặp vợ chồng sau ly hôn vẫn dành sự tôn trọng cho đối phương và nỗ lực nuôi dạy con cái. Ban đầu, con trẻ sẽ mất nhiều thời gian để chấp nhận nhưng sau đó, chúng sẽ học được cách trưởng thành và thấu hiểu quyết định của bố mẹ.
Tuy nhiên, nếu cảm thấy chưa sẵn sàng, các cặp đôi vẫn có lựa chọn ràng buộc nhau vì con cái. Vỏ bọc về gia đình hạnh phúc sẽ giúp con tránh được sự tổn thương tâm lý, không bị trêu chọc, tẩy chay và có thể phát triển mà không gặp phải bất cứ trở ngại nào.
Lựa chọn ly hôn hay sống tiếp vì con là quyết định của mỗi người. Trước khi đưa ra quyết định, cả hai cần suy nghĩ kỹ về lợi ích và mặt trái của từng lựa chọn. Để tránh phải hối hận, các cặp vợ chồng nên lắng nghe mong muốn của bản thân thay vì chịu ảnh hưởng quá nhiều từ lời khuyên của những người xung quanh.
Hệ lụy khi duy trì hôn nhân vì con cái
Phần lớn những người đã làm cha làm mẹ luôn nghĩ cho con cái. Họ lo sợ con phải chịu điều tiếng từ cuộc hôn nhân không hạnh phúc của bố mẹ, lo sợ con thiếu tình thương và có lỗ hổng về mặt tâm lý. Đây là lý do hàng đầu khiến nhiều cặp đôi cố gắng duy trì cuộc hôn nhân đã mục ruỗng.
Nếu lựa chọn ràng buộc nhau vì con, các cặp đôi phải hiểu rõ những hệ lụy từ quyết định này:
- Khi cố gắng chung sống chỉ vì con, cả hai sẽ không bao giờ cảm thấy hạnh phúc. Thay vào đó, thứ duy nhất mà hai người phải đối mặt là sự mệt mỏi, chán ghét và tù túng.
- Ràng buộc nhau vì con đôi khi không thực sự tốt cho con cái như nhiều người vẫn lầm tưởng. Con cái liệu có thực sự vui vẻ khi chứng kiến bố mẹ cãi nhau và mâu thuẫn thường xuyên.
- Trẻ có thể cảm nhận được sự giả tạo, căng thẳng trong không khí gia đình khi bố mẹ chỉ cố gắng sống với nhau vì con. Thậm chí, nhiều đứa trẻ cảm thấy bản thân là gánh nặng cho bố/ mẹ và là nguyên nhân khiến cả hai không thể tìm thấy hạnh phúc thực sự.
- Trẻ có thể hình thành những suy nghĩ lệch lạc về tình yêu và hôn nhân khi sống trong gia đình không hạnh phúc. Ràng buộc nhau vì con có thể khiến trẻ nghĩ rằng, hôn nhân chỉ là sự chịu đựng, nhún nhường từ một phía để gia đình được ấm êm. Một số trẻ khi lớn lên có thể bị ám ảnh về tình yêu và lo sợ bản thân sẽ phải chịu đựng giống như bố/ mẹ đã từng.
Vì những hệ lụy này, nhiều cặp đôi quyết định ly hôn khi không còn tình cảm. Họ sẽ chuẩn bị trước tâm lý để con cái có thể đón nhận một cách nhẹ nhàng nhất. Phản ứng bất ngờ, sốc và buồn bã là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, đây là một trong những khó khăn mà cả ba mẹ lẫn con cái sẽ phải đối mặt.
Khi ly hôn, cả hai phải để con cái thấy rằng, chấm dứt hôn nhân không phải là kết thúc mà là một khởi đầu mới. Dù không còn là vợ chồng, bố mẹ vẫn luôn tôn trọng nhau và có trách nhiệm với con cái. Nếu làm được như vậy, bố mẹ ly hôn sẽ là một bài học cực kỳ giá trị để con cái mạnh mẽ hơn và hiểu thấu ý nghĩa thực sự của hôn nhân.
Tìm hiểu thêm: Kỳ thị là gì? Nguyên nhân, biểu hiện và hậu quả
Khi nào nên ràng buộc nhau vì con cái?
Ràng buộc nhau vì con cái đi kèm với nhiều hệ lụy. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, ly hôn với người lớn là quyết định dễ dàng nhưng đôi khi để lại tổn thương quá lớn cho con trẻ. Nếu chỉ vì cảm xúc của bản thân mà đẩy con cái vào cảnh sống chia cách với bố hoặc mẹ thì quá ích kỷ và vô trách nhiệm.
Về bản chất, lựa chọn ly hôn hay tiếp tục sống vì nhau đều những mặt hạn chế nhất định. Do đó, quyết định cuối cùng sẽ phụ thuộc vào hai người. Dù vậy, các chuyên gia tâm lý khuyên rằng cả hai nên xem xét việc ly hôn và nên nỗ lực chung sống vì con cái trong những trường hợp sau đây:
- Muốn giành quyền nuôi con nhưng chưa ổn định tài chính
- Con cái đang trong giai đoạn nhạy cảm, nổi loạn hoặc đang chuẩn bị trải qua những kỳ thi quan trọng
- Khi đối phương nỗ lực cứu vãn cuộc hôn nhân và có những thay đổi tích cực
Gia đình tan vỡ ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến con cái. Nếu còn có cơ hội để hàn gắn, cả hai nên cố gắng thay đổi để con được sống trong gia đình hạnh phúc có đầy đủ bố và mẹ. Dù vậy, góc nhìn của mỗi người là mỗi khác nên việc lựa chọn như thế nào đều đáng được tôn trọng.
Lời khuyên cho các cặp đôi cố gắng chung sống vì con
Khi đã làm cha làm mẹ, con cái trở thành tài sản giá trị nhất. Không ít người từ bỏ hạnh phúc cá nhân để con được sống trong gia đình có đủ bố mẹ, được yêu thương và nuôi dưỡng một cách lành mạnh. Tuy nhiên như đã đề cập, ràng buộc nhau vì con cũng đi kèm với nhiều hệ lụy.
Các cặp đôi cố gắng sống vì con nên tham khảo những lời khuyên sau để giảm những hệ lụy có thể gặp phải:
- Khi quyết định sống với nhau vì con cái, hai người nên thống nhất không cãi vã trước mặt con trẻ. Nên chọn cách hóa giải mâu thuẫn bằng lời nói để không làm tổn thương trẻ.
- Hơn ai hết, bản thân cả hai sẽ là người mệt mỏi nhất nếu cố gắng sống vì con. Nếu có thể, hãy cố gắng thử thay đổi và dung hòa để tìm lại hạnh phúc. Bởi một tổ ấm thực sự sẽ ý nghĩa hơn rất nhiều so với một gia đình chỉ còn vỏ bọc bên ngoài.
- Nếu hôn nhân đã không thể cứu vãn, cả hai vẫn nên dành cho nhau sự quan tâm để con cái không cảm thấy đang là gánh nặng khiến bố mẹ không thể ly hôn. Cách xử sự khéo léo, tôn trọng sẽ khiến cả hai không quá mệt mỏi khi sống chung và cũng giúp con cái thoải mái hơn trong cuộc sống gia đình.
- Tìm kiếm sự giúp đỡ của chuyên gia để giảm mâu thuẫn và xung đột nếu cả hai không thể hóa giải.
Lựa chọn không ly hôn là để con cái được sống trong mái ấm thực sự. Do đó, cả hai nên hạ cái tôi của mình để tránh những cãi vã và mâu thuẫn trong cuộc sống. Như vậy, những nỗ lực của hai người mới thực sự có ý nghĩa. Tuy nhiên, các cặp vợ chồng cũng nên lựa chọn thời điểm thích hợp để giải thoát cho nhau. Bởi lẽ ràng buộc mình trong một cuộc hôn nhân giả dối đôi khi không phải là một lựa chọn đúng.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo bởi cuộc sống hôn nhân là muôn hình vạn trạng. Cả hai nên suy nghĩ thật kỹ để khi đưa ra lựa chọn không phải hối hận vì quyết định của mình. Nếu không thể quyết định ở lại hay rời đi, bạn có thể nhờ sự tư vấn của chuyên gia tâm lý.
Tham khảo thêm:
- 10 Dấu hiệu và Lý do khiến cuộc hôn nhân không hạnh phúc
- Khi nào nên ly hôn? 10 Dấu hiệu bạn nên chấm dứt hôn nhân
- 8 Nguyên do và cách loại bỏ căng thẳng trong hôn nhân
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!