10 Kỹ năng giao tiếp với người không cùng quan điểm
Khi giao tiếp với người không cùng quan điểm, cả hai dễ phát sinh mâu thuẫn và tranh luận gay gắt. Vì vậy, hãy trang bị cho bản thân những kỹ năng cần thiết để cuộc tranh luận đạt được kết quả tốt và không xảy ra những tình huống phát sinh.
10 Kỹ năng giao tiếp với người không có cùng quan điểm
Tranh luận là điều không thể tránh khỏi khi giao tiếp. Theo suy nghĩ của nhiều người, tranh luận là không tốt. Tuy nhiên trên thực tế, bằng cách trò chuyện có thiện chí, mọi người sẽ có cái nhìn đa chiều hơn về sự việc/ đối tượng và cũng có thể đánh giá lại quan điểm của bản thân.
Quan điểm sống được hình thành từ tính cách, giáo dục và những trải nghiệm trong cuộc sống. Do đó, mỗi người sẽ có những suy nghĩ, nhận thức riêng và điều này là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, sự khác biệt trong quan điểm có thể dẫn đến bất đồng, xung đột khi giao tiếp. Nghiêm trọng hơn, cả hai có thể gây hấn chỉ vì thiếu các kỹ năng khi tranh luận với nhau.
Giao tiếp là kỹ năng rất cần thiết trong cuộc sống. Thông qua việc giao tiếp khéo léo, bạn có thể giải quyết vấn đề một cách ổn thỏa, tạo được thiện cảm với đối phương, có cơ hội thăng tiến và giảm thiểu tối đa những mâu thuẫn không đáng có.
Trong cuộc sống cũng như công việc, bạn sẽ không tránh khỏi những cuộc tranh luận. Vì vậy, hãy chủ động trang bị cho mình những kỹ năng giao tiếp với người không cùng quan điểm để cuộc trò chuyện diễn ra theo chiều hướng tích cực nhất:
1. Hiểu rằng khác biệt về quan điểm không có nghĩa là xấu
Rất nhiều người suy nghĩ rằng những người không cùng quan điểm với mình đều có ác ý. Tuy nhiên, quan điểm không phải là một “bài toán” nên không thể cho kết quả đúng hay sai mà chỉ đơn giản là sự khác biệt. Mỗi người sẽ có tính cách và môi trường sống khác nhau nên không thể hòa hợp hoàn toàn về lý tưởng, quan điểm.
Nếu suy xét trong phạm vi cuộc sống cá nhân, quan điểm của bạn là phù hợp và đúng đắn. Nhưng điều này không có nghĩa quan điểm của người khác là sai và họ phải thay đổi. Bản chất của vấn đề chỉ là sự khác biệt, không thể phân định rạch ròi như trắng – đen hay sai – đúng.
Khi hiểu rằng khác biệt về quan điểm không có nghĩa là xấu, bạn sẽ gạt bỏ được định kiến dành cho đối phương. Chỉ khi bắt đầu cuộc trò chuyện với góc nhìn trung lập, bạn mới có thể tiếp thu những điều tích cực và nhìn nhận lại những hạn chế của bản thân.
Trong khi đó, nếu giữ suy nghĩ đối phương có ác ý, cuộc tranh luận thực sự là một “cuộc chiến”. Cả hai sẽ liên tục bảo vệ quan điểm cá nhân mà không lắng nghe đối phương. Khi thiếu đi sự thấu hiểu, cuộc tranh luận có thể dẫn đến mâu thuẫn đỉnh điểm và làm rạn nứt mối quan hệ. Vì vậy, bí quyết đầu tiên bạn cần nắm rõ là đừng cho rằng đối phương ác ý và đang chống đối bản thân.
2. Tôn trọng đối phương
Trong bất cứ cuộc trò chuyện nào, bạn cũng cần dành sự tôn trọng cho đối phương (ngay cả khi đó là những người có cấp bậc thấp hơn). Tôn trọng là nguyên tắc cơ bản để duy trì cuộc giao tiếp cũng như là mối quan hệ. Nếu cả hai không tôn trọng nhau, cuộc tranh luận sẽ không mang lại kết quả như mong muốn.
Trên thực tế, một số người hình thành quan điểm lệch lạc và không phù hợp với xã hội. Tuy nhiên, bạn không nên sử dụng những từ ngữ nặng nề để phê bình và chỉ trích đối phương. Bởi bạn không thể biết rằng nguồn gốc của những suy nghĩ lệch lạc này đôi khi bắt nguồn từ sang chấn tâm lý và những trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ.
Tôn trọng đối phương sẽ giúp cuộc trò chuyện diễn ra có kiểm soát, tránh dẫn đến xung đột và mâu thuẫn. Bên cạnh đó, tôn trọng người khác cũng giúp bạn khẳng định bản thân là người văn minh và khéo léo. Đối phương có thể quá khích trong hành vi và lời nói nhưng đây không phải là lý do chính đáng để bạn đáp trả bằng những lời nói nặng nề.
3. Lắng nghe và đặt câu hỏi
Khi giao tiếp với người không cùng quan điểm, một số người có thói quen cắt ngang lời nói của người khác. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến cho đối phương cảm thấy khó chịu và hiếm khi chịu lắng nghe suy nghĩ, quan điểm của bạn. Vì vậy, hãy học cách lắng nghe cho dù đó là quan điểm trái ngược với bạn.
Lắng nghe là cách để bạn bày tỏ thiện chí cũng như sự tôn trọng dành cho người khác. Khi được lắng nghe, họ cũng sẽ lắng nghe quan điểm của bạn với thái độ bình tĩnh và cởi mở. Trong cuộc tranh luận, bạn có thể đặt ra câu hỏi để hiểu hơn về quan điểm, suy nghĩ của đối phương. Bên cạnh đó, việc đặt câu hỏi cho thấy bạn thật sự quan tâm và đang lắng nghe những gì họ chia sẻ.
4. Bày tỏ quan điểm với thái độ phù hợp
Sau khi lắng nghe quan điểm của đối phương, bạn có thể bày tỏ suy nghĩ cá nhân. Tuy nhiên, không nên bộc lộ suy nghĩ một cách nóng vội và thiếu kiểm soát. Thực tế, khi nhận thấy sự vô lý trong quan điểm của đối phương, nhiều người trở nên mất bình tĩnh và có xu hướng bài xích cực đoan.
Thái độ khi bày tỏ quan điểm là rất quan trọng và điều này ảnh hưởng đến phản ứng của đối phương khi lắng nghe suy nghĩ từ bạn. Khi chia sẻ quan điểm, hãy điều chỉnh giọng nói với âm lượng vừa phải và lựa chọn từ ngữ thích hợp. Bạn nên điềm tĩnh khi chia sẻ với mọi người quan điểm của mình và đưa ra những lý lẽ để tăng tính thuyết phục.
Thái độ hòa nhã, cởi mở sẽ giúp mọi người có thiện cảm với bạn và lắng nghe trọn vẹn những chia sẻ về suy nghĩ, quan điểm sống. Trong khi đó, nếu mất bình tĩnh, tính thuyết phục trong lời nói sẽ giảm đi đáng kể và mọi người cũng sẽ khó có thể tin tưởng bạn. Chính vì vậy, một trong những kỹ năng quan trọng khi giao tiếp với người không cùng quan điểm là bày tỏ suy nghĩ với thái độ hòa nhã, điềm đạm.
5. Tăng tính thuyết phục bằng các dẫn chứng
Nếu tranh luận để tìm ra giải pháp tốt nhất, bạn nên thiết lập các dẫn cứ với dẫn chứng cụ thể. Bạn có thể thêm các sự kiện, con số và chia sẻ các câu chuyện có thật để tăng tính thuyết phục. Bày tỏ quan điểm cùng với dẫn chứng cụ thể sẽ giúp bạn chiếm được lòng tin của mọi người mà không cần phải hạ thấp quan điểm của đối phương.
Trong công việc, kỹ năng giao tiếp là vô cùng quan trọng. Nếu nắm rõ bí quyết này, bạn sẽ chiếm được cảm tình, sự tin tưởng của mọi người. Đồng thời cũng có thể mở rộng các mối quan hệ và giảm thiểu tối đa những mâu thuẫn, xung đột không đáng có.
6. Cởi mở với những lời góp ý
Quan điểm của mỗi người đều mang tính cá nhân nên không phải lúc nào cũng hoàn thiện tuyệt đối. Do đó, khi bày tỏ suy nghĩ, bạn cũng nên cởi mở lắng nghe những lời góp ý. Với những góp ý có thiện chí, nên tiếp nhận để có thể điều chỉnh quan điểm của bản thân theo chiều hướng tích cực hơn.
Cởi mở với những lời góp ý không có nghĩa là bạn phải thực hiện theo. Lắng nghe là cách để bạn tôn trọng mọi người và cũng có thêm góc nhìn đa dạng hơn trong cuộc sống. Tuy nhiên, bạn chỉ nên chọn lọc những lời khuyên phù hợp và bỏ ngoài tai những lời nói ác ý, chỉ trích nặng nề.
Khi giao tiếp với người không cùng quan điểm, bạn cũng có thể góp ý nếu nhận thấy suy nghĩ của đối phương có những điểm chưa phù hợp. Tuy nhiên, nên giữ thái độ điềm tĩnh và nhã nhặn trong cách xử sự để cuộc trò chuyện mang đến kết quả tốt đẹp nhất.
Nếu bạn xử sự đúng mực, dù đối phương không có thiện chí, họ cũng sẽ phải lắng nghe thay vì đả kích và chỉ trích bạn với những lời nói nặng nề. Trang bị cho bản thân kỹ năng này sẽ giúp bạn tạo được ấn tượng tốt và có thêm nhiều cơ hội trong cuộc sống.
7. Luôn giữ bình tĩnh
Cuộc tranh luận có thể diễn ra theo chiều hướng tiêu cực mà bạn khó có thể hình dung. Dù có xảy ra chuyện gì, bạn cần nhớ rõ nên giữ bình tĩnh trong mọi tình huống. Khi nóng giận, bạn sẽ khó có thể kiểm soát lời nói và hành vi của mình, từ đó dẫn đến xung đột, mâu thuẫn và những hậu quả đáng tiếc.
Trên thực tế, không phải ai cũng biết cách tôn trọng và lắng nghe người khác. Vì vậy, đối phương có thể liên tục hạ thấp bạn bằng những lời nói nặng nề. Tuy nhiên, mất bình tĩnh trong thời điểm này chỉ càng làm cho mọi việc trở nên tồi tệ hơn. Giữ bình tĩnh sẽ giúp bạn có cách đối phó phù hợp với tình huống phát sinh. Hơn nữa, khi giữ được sự điềm tĩnh, bạn cũng có thể kiểm soát tốt lời nói và cảm xúc của chính mình.
8. Thừa nhận sai lầm khi cần thiết
Trong một cuộc tranh luận, bạn cũng cần biết nhận lỗi nếu cần thiết. Khi đối phương đưa ra những lý lẽ thuyết phục, bạn nên thừa nhận suy nghĩ của bản thân là không phù hợp thay vì cố chấp và cứng nhắc. Quan điểm của mỗi người thường sẽ mang tính cá nhân nên không tránh khỏi những điểm sai sót, hạn chế.
Tuy nhiên, nếu biết cách nhìn nhận, bạn vẫn sẽ để lại ấn tượng tốt trong mắt mọi người. Đồng thời cũng cho bản thân cơ hội để thay đổi và điều chỉnh suy nghĩ theo chiều hướng tích cực. Thừa nhận sai lầm không đồng nghĩa với việc bạn là người thua cuộc mà chỉ đơn giản là bạn đang thay đổi và tiếp nhận những quan điểm phù hợp hơn. Thái độ sống tích cực, cởi mở sẽ mang đến cho bạn nhiều mối quan hệ, cơ hội thăng tiến và những bài học quý giá.
9. Đừng tiếc lời khen
Nhiều người cho rằng, khen ngợi đối phương đồng nghĩa với việc bản thân là kẻ thất bại trong cuộc tranh luận. Tuy nhiên trên thực tế, dành lời khen cho đối phương khi họ có những lập luận sắc bén, thuyết phục cho thấy bạn là người khéo léo và hòa nhã.
Khen ngợi đúng lúc sẽ giúp bạn tạo được ấn tượng tốt với mọi người, đồng thời cũng là cách bày tỏ sự đồng tình với suy nghĩ của đối phương. Một cuộc tranh luận sẽ trở nên căng thẳng nên ai cũng khăng khăng giữ ý kiến riêng. Thay vào đó, hãy tôn trọng của ý kiến của đối phương và dành lời khen cho họ sẽ giúp bầu không khí được xoa dịu. Cả hai cùng giữ được bình tĩnh và thiện chí khi trao đổi.
10. Dừng cuộc trò chuyện khi cần thiết
Một kỹ năng quan trọng khi giao tiếp với người không cùng quan điểm là phải biết dừng đúng lúc. Quan điểm quá trái ngược đôi khi khiến cả hai tranh cãi gay gắt và không kiểm soát được hành vi, cảm xúc của mình. Nếu nhận thấy đối phương mất bình tĩnh, bạn nên dừng cuộc trò chuyện để tránh những tình huống đáng tiếc. Nên đề nghị đối phương tiếp tục cuộc tranh luận khi đã bình tĩnh trở lại và suy nghĩ thấu đáo hơn.
Trên đây là 9 kỹ năng giao tiếp với người không cùng quan điểm bạn nên nắm rõ. Thông qua các cuộc tranh luận, bạn có thể đa dạng góc nhìn về cuộc sống và có thêm những bài học quý giá. Nhìn nhận theo chiều hướng tích cực, tranh luận không hẳn là xấu. Vì vậy, hãy trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết để dễ dàng xử lý những tình huống phát sinh trong cuộc sống.
Tham khảo thêm:
- Tìm hiểu tâm lý đám đông trên mạng xã hội: Tích cực và tiêu cực
- Sợ Giao Tiếp Xã Hội: Nguyên Nhân Và Cách Khắc Phục
- 10 Cách kiểm soát, loại bỏ suy nghĩ tiêu cực ra khỏi đầu nhanh
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!