Tìm hiểu tâm lý đám đông trên mạng xã hội: Tích cực và tiêu cực

Tâm lý đám đông trên mạng xã hội hay hiệu ứng đám đông có thể mang đến cả mặt tích cực lẫn tiêu cực, tùy theo cách mà chúng ta hiểu và ứng dụng. Không ít người đã lợi dụng điều này nhằm điều hướng dư luận, thực hiện các hành vi sai trái nhưng đôi khi cũng có thể dùng để đòi lại công bằng. Hiểu và sử dụng mạng đúng cách sẽ đem đến cho bạn những cảm xúc tích cực và những thông tin hữu ích hơn.

Tâm lý đám đông trên mạng xã hội là gì?

Mạng xã hội thực sự là một phát triển vượt bậc của con người, mang đến vô vàn các tiện ích bất ngờ cho người sử dụng. Giờ đây chỉ với một chiếc điện thoại thông minh có kết nối với internet bạn hoàn toàn có thể kết nối với cả thế giới thông qua các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter… Việc giao dịch làm ăn, kết bạn hay thậm chí là học tập cũng hoàn toàn có thể thực hiện thông qua các kênh này.

tâm lý đám đông trên mạng xã hội
Tâm lý đám đông trên mạng xã hội thường điều hướng dư luận mạnh mẽ, mang đến cả những giá trị tích cực và tiêu cực

Tâm lý đám đông trên mạng xã hội hiểu đơn nhất chính là những suy nghĩ, cảm xúc của một người bị tác động rất lớn bởi một nhóm người trên mạng và cùng nhau thể hiện điều đó.  Tâm lý này có thể là đồng cảm, đồng thuận hoặc ngược lại, phản bác. Cả hai bên sẽ chia sẻ với nhau và có thể xuất hiện những xung đột do các quan điểm trái ngược. Và tất cả đều được thể hiện thông qua các trang mạng xã hội.

Chẳng hạn khi có một vấn đề xuất hiện trên Facebook, chẳng hạn như một cặp ngôi sao mới chia tay sẽ có hàng ngàn lượt bình luận, hàng trăm lượt share. Khi một người bình luận về sự đồng cảm với cuộc tình này sẽ có những người khác cũng tương tác vì cảm thấy như vậy, nhưng cũng có những nhóm người khác cảm thấy việc chia tay là rất bình thường, thậm chí là hả hê. Những cuộc tranh luận giữa 2 nhóm người này xảy ra khiến bài viết đó thậm chí có thể lên tới hàng trăm, hàng chục ngàn bình luận.

Thực tế thuật ngữ tâm lý đám đông trên mạng xã hội có thể hiểu chính là hiệu ứng đám đông, được bắt nguồn từ chính sự tò mò, hiếu kỳ của mỗi chúng ta. Chẳng hạn khi bắt gặp ngoài đường có tai nạn, tranh cãi chúng ta cũng thường có xu hướng túm tụm, dừng lại xem và bàn tán. Thói quen này ngày càng được phát triển trên mạng xã hội, khi mà chỉ với 1 tài khoản ảo, không đúng tên thật, người ta có thể thoải mái phát ngôn, đưa ra ý kiến mà không cần sợ mọi người xung quanh biết mình là ai.

Cùng xem xét bản thân xem có phải là một người mang tâm lý đám đông trên mạng xã hội không qua việc trả lời câu hỏi sau đây

  • Bạn có thường xuyên theo sử dụng mạng xã hội và để lại bình luận ở những page công cộng?
  • Bạn có đưa ra một ý kiến khác biệt hoàn toàn các bình luận trước đó?
  • Khi thấy mọi người giới thiệu sản phẩm nào, ăn món nào, đi quán nào nhiều bạn cũng hăng hái, hào hứng muốn trải nghiệm
  • Bạn có sẵn sàng tranh luận với một người lạ mặt nào đó nếu họ có ý kiến, bình luận trái chiều với mình
  • Bạn có cảm thấy sợ hãi, lo lắng khi đưa ra một ý kiến trái ngược và bị người khác công kích
  • Bạn có cảm thấy hả hê, hài lòng, vui sướng khi ý kiến của mình đưa ra được nhiều người đồng thuận, tán thành
  • Bạn dễ thay đổi suy nghĩ khi thấy đại số đông có ý kiến khác. Chẳng hạn như khi một người đưa hai bông hoa xanh và đỏ lên mạng và hỏi ý kiến mọi người rằng bông hoa nào đẹp hơn, bạn cảm nhận bông hoa xanh đẹp hơn nhưng mọi người ai cũng nói rằng hoa đỏ, bạn trở nên mất bình tĩnh, không dám đưa ra ý kiến của mình và bỗng nhiên cũng cảm thấy rằng bông hoa đỏ đẹp hơn.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Nếu với tất cả các câu hỏi trên bạn đều có câu trả lời là có thì rất có thể bản thân bạn là một người dễ bị tác động bởi tâm lý đám đông trên mạng xã hội điển hình. Bạn cảm thấy hứng thú với các vấn đề được bàn luận trên mạng xã hội, dành nhiều thời gian để quan tâm nó, thậm chí mất ăn mất ngủ với các cuộc tranh luận trên mạng xã hội. Tất nhiên tùy theo cách sử dụng và tranh luận mà hiệu ứng này có thể mang lại cho bản thân bạn những điều tích cực/ tiêu cực khác nhau.

Nguyên nhân hình thành tâm lý đám đông trên mạng xã hội

Thử nhìn nhận một chút thì tâm lý đám đông hầu như là điều có thể dễ nhận thấy trong cuộc sống hằng ngày, không chỉ trên thế giới ảo. Mạng xã hội là nơi để chúng ta chia sẻ, là nơi để kết nối hoặc ẩn mình, tuy nhiên cảm giác sợ hãi, lo lắng mỗi khi bị ai đó tiêu cực, khi đi ngược chiều vẫn còn tồn tại. Để giải quyết những lo lắng này, việc đi theo xu thế đám đông luôn là sự lựa chọn hàng đầu.

tâm lý đám đông trên mạng xã hội
Không phải ai cũng đủ dũng cảm để đi ngược lại với số đông, dù là trên thế giới ảo

Những nguyên nhân khiến chúng ta thường dễ đi theo hiệu ứng tâm lý đám đông trên mạng xã hội như sau

  • Nhu cầu hòa nhập cộng đồng: Một trong những yếu tố dễ hình thành tâm lý đám đông trên mạng xã hội chính là do chúng ta thường không muốn trở nên khác biệt trong mắt mọi người, dù là ngoài đời hay thế giới ảo. Nhu cầu hòa nhập cộng đồng khiến chúng ta chấp nhận bỏ qua ý kiến của mình để đi theo số đông và chúng ta thường cảm thấy an toàn khi được “hòa lẫn” với mọi người.
  • Thiếu chính kiến, ích kỷ: Những người thiếu quyết đoán, không có lập trường cũng thường có xu hướng a dua, hùa theo ý kiến đám đông, thậm chí là lật như “lật bánh tráng”. Cứ thấy bên nào đông người hơn, có lợi hơn là họ sẽ thay đổi ý kiến của mình, không cần phân biệt đó là đúng hay sai.
  • Mạng xã hội là “ảo”: Tâm lý già theo đám đông thường được nhìn nhận rõ nét trên mạng xã hội nhiều hơn bởi mạng xã hội là ảo. Bản thân những người này thường có tính cách nhút nhát, rụt rè, ngại đông người, không dám thể hiện ý kiến của bản thân trong đời sống. Dù ở trên Facebook, Instagram chưa chắc họ đã đưa ra những ý kiến trái chiều nhưng chí ít họ dám đưa ra bình luận với các ý kiến mà mình đồng tình nhưng chẳng hề sợ ai biết.
  • Sức mạnh đám đông: thực đúng là như vậy. Một người đưa ra ý kiến thì chưa chắc được quan tâm, được chấp nhận, được chú ý tới nhưng khi có nhiều người đồng lòng cùng lúc thì chắc chắn được chú ý rất nhiều. Sức mạnh to lớn từ đám đông đã được rất người “lợi dụng” cho các chiến dịch kinh doanh, quảng bá và luôn thành công trong việc gây chú ý với những người khác.

Tâm lý đám đông trên mạng xã hội – những mặt tích cực và tiêu cực

Chính nhờ đánh vào tâm lý đám đông nên rất nhiều người đã thành công trong việc tạo các chiến dịch PR, marketing để phục vụ cho các mục đích riêng của mình. Có mục đích tốt, có mục đích xấu, càng gây tranh cãi nhiều thì tỷ lệ thành công và thu hút người tìm hiểu về các chiến dịch này càng nhiều. Nói chung, tâm lý đám đông trên mạng xã hội là một con dao hai lưỡi mang đến cả những mặt xấu và mặt tốt.

Những ảnh hưởng tích cực

Thực sự hiệu ứng tâm lý đám đông trên mạng xã hội nếu ứng dụng đúng cách có thể đem đến vô vàn những điều tích cực cho những người làm các công việc kinh doanh, những người muốn trở thành KOL ( người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội). Chính nhờ hiệu ứng chú ý này mà không ít người đã một phút thành ngôi sao chỉ nhờ một bức ảnh thần thái, một khoảnh khắc thú vị.

tâm lý đám đông trên mạng xã hội
Nhờ hiệu ứng đám đông trên mạng xã hội, không ít người đã trở nên nổi tiếng và thành công chỉ sau một đêm

Chẳng hạn, một quán ăn mới mở, muốn thu hút sự chú ý có thể chọn các tạo ra các kịch bản giật gân, gây sự chú ý hoặc thuê các KOL reviews món ăn và đăng lên các nền tảng xã hội như Facebook, TikTok.. Chỉ cần lên xu hướng thì chắc chắn sẽ nhận được vô vàn sự quan tâm từ mọi người, nếu các món ăn của quán ổn thì việc có lượng khách ổn định, tạo doanh thu lớn là điều không hề khó.

Hay rất nhiều người đã trở nên “một bước thành sao” chỉ nhờ một khoảnh khắc ấn tượng lọt vào “mắt xanh” cư dân mạng. Một người chia sẻ truyền tay nhau, tiếp tục nhiều người khác thực hiện theo, nhanh chóng tất cả mọi bài báo cũng hướng về người đó. Chỉ trong một thời gian ngắn, trang cá nhân của những người này ngập tràn những bình luận, những lượt theo dõi, truyền thông cũng chú ý đến và biến họ trở thành người nổi tiếng chỉ sau 1 đêm.

Chẳng hạn như hiện tượng mạng như Lệ Rơi, Lộc FuHo chính là những “sản phẩm” của truyền thông nhờ hiệu ứng tâm lý đám đông trên mạng xã hội. Cuộc sống của những người này đã thay đổi hoàn toàn sau khi được cư dân mạng chú ý đến, thậm chí từ một anh nông dân, từ một người làm công nghèo, không có tài năng hay ngoại hình nổi trội nhưng lại được mời đóng phim, ra MV ca nhạc, tậu nhà lớn, xe sang.

Hay trong thời điểm năm 2021 khi đại dịch covid 19 tung hoành, các chiến dịch cộng đồng để nâng cao tinh thần tương thân tương ái, vì mọi người, đánh trúng vào tâm lý đám đông trên mạng xã hội. Đây thực sự là một chiến dịch thành công, thu hút được đông đảo sự chú ý từ khắp mọi người dân, lan tỏa tinh thần dân tộc lá lành đùm lá rách. Nhà nhà cùng bình luận, nhà nhà cùng chia sẻ, người có điều kiện san sẻ bớt cho người khó khăn hơn. Nhờ thế mà đại dịch covid ở nước ta đã trôi qua một cách nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với các nước khác trên thế giới.

Thực sự mạng xã hội phát triển đã đem đến vô vàn lợi ích cho người sử dụng. Rất nhiều việc làm ý nghĩa mang giá trị nhân văn cao đều được thành công chính nhờ hiệu ứng tâm lý đám đông trên mạng xã hội. Chẳng hạn như khi một bệnh nhân cấp cứu cần máu gấp, chỉ cần một người đăng bài trên các trang mạng xã hội như Facebook sẽ được nhận được hàng trăm, hàng ngàn lượt share, nhờ đó những người có nhóm máu phù hợp, ở gần địa chỉ đó có thể dễ dàng đến và hiến máu cho người cần.

Tâm lý đám đông trên mạng xã hội nếu biết dùng đúng cách, ứng dụng vào các việc làm nhân văn, các chiến dịch quảng cáo văn minh thực sự có thể mang đến rất nhiều giá trị tích cực. Rất nhiều người cứu một mạng sống, rất nhiều công ty thoát khỏi tình trạng phá sản, rất nhiều người thay đổi cuộc sống hoàn toàn chính nhờ làn sóng tích cực từ mạng xã hội.

Những ảnh hưởng tiêu cực

Như đã nói, sức ảnh hưởng từ tâm lý đám đông trên mạng xã hội là một con dao hai lưỡi, có tích cực và cũng có tiêu cực. Rất nhiều người đã lợi dụng sức ảnh hưởng từ mạng xã hội để điều hướng dư luận nhằm thực hiện các hành vi xấu xa của mình. Không ít người vì những áp lực từ mạng xã hội này mà trở nên suy sụp, khốn đốn chỉ vì dư luận hiểu sai hướng, đẩy họ vào đường cùng.

tâm lý đám đông trên mạng xã hội
Sự điều hướng dư luận trên mạng xã hội đã đẩy không ít người rơi vào bế tắc

Chẳng hạn một số người để nổi tiếng thường chọn các truyền thông “bẩn”. Thay vì nổi lên bằng thực lực họ lại tạo ra cách kịch bản giật gân để càng gây chú ý nhiều càng tốt, dù là tiêu cực hay tích cực. Chẳng hạn bóc phốt người yêu ngoại tình dù sự thật không phải như vậy hay live stream để chửi người này, người kia, đặt điều nói xấu bằng những lời lẽ thiếu văn minh để hạ bệ người khác. Hiệu ứng tâm lý đám đông trên mạng xã hội lúc này bỗng trở thành bạo lực mạng.

Hay với những người đột ngột nổi tiếng, có những người ủng hộ nhưng cũng có những người ghen ghét và tìm cách đào sâu những quá khứ không mấy hoàn hảo của họ lên. Từ một người đưa ra sẽ có thêm nhiều người theo dõi và đột ngột quay lưng, “ném đá” người đó.  Áp lực về sự nổi tiếng bất ngờ khiến nhiều người chưa có sự chuẩn bị về tinh thần, cuộc sống đảo lộn hoàn toàn.

Hay với những doanh nghiệp, nhà hàng, không ít người đã bị đối thủ “chơi xấu”, hạ bệ bằng cách tung tin đồn rằng sản phẩm của họ kém chất lượng. Chỉ với một bài phốt vô căn cứ, chưa được xác minh được đăng vào một group nào đó đã nhanh chóng có hàng ngàn lượt chia sẻ, những từ ngữ thiếu văn minh chê bai. Kể cả khi họ đã đưa ra được bằng chứng chứng minh thông tin đó là sai lệch vẫn có rất nhiều người nghi ngờ, cho rằng họ đã mua chuộc dư luận.

Thực tế có không ít người đột ngột bị “tấn công” trên mạng xã hội với những câu chuyện không đúng sự thật. Chúng ta thường chỉ nhìn được một mặt của vấn đề nhưng lại dễ dàng đánh giá sự việc theo điều hướng tâm lý đám đông trên mạng xã hội của dư luận, theo xu hướng của mọi người. Bởi thế không ít người đã rơi vào rối loạn lo âu, mắc hội chứng sợ đám đông hay thậm chí là tự tử chỉ vì áp lực tiêu cực từ mạng xã hội.

Một điều đáng buồn là hiện nay văn hóa sử dụng mạng xã hội hiện nay vẫn chưa được đề cao, nhất là khi người dùng đều là những người trẻ, chưa có đủ nhận thức. Mặt khác việc mạng xã hội vẫn cho phép dùng các thông tin ảo cũng đã góp phần cho các thành phần thiếu văn minh điều hướng dư luận, cổ súy cái xấu lan tỏa, kích động người xem thực hiện các hành vi thiếu văn minh thực hiện vì không sợ những người khác biết mình là ai.

Việc người dùng Facebook thường xuyên xem, thậm chí là tôn sùng những người như Khá Bảnh, Huấn Hoa Hồng có thể là hệ lụy rõ ràng nhất về việc bị ảnh hưởng bởi dư luận. Không ít những người trẻ sau khi xem các hiện tượng mạng này đã có những lệch lạc về nhận thức, cho rằng phải dùng bạo lực trong cuộc sống, dùng những từ ngữ thô tục, thiếu văn hóa để giống “idol”, cho rằng như vậy mới là sống thật.

Sự a dua, hùa theo tập thể, bắt nạt trên mạng xã hội cũng làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của một người nhưng là theo hướng tiêu cực. Nạn nhân của bạo lực mạng dần mất tự tin vào chính mình, cướp đi ước mơ thậm chí là mạng sống của những người này. Dù vậy cũng có không ít người vẫn lựa chọn việc nổi tiếng từ scandal.

Hạn chế những hệ lụy từ tâm lý đám đông trên mạng xã hội

Chắc hẳn rằng ngay cả những người phát hành cũng không thể lường đến hết những hệ lụy từ tâm lý đám đông trên mạng xã hội gây ra. Đặc biệt trong thời đại internet phát triển như hiện nay, ai ai cũng có cho mình một tài khoản mạng xã hội riêng, từ người trẻ đến người già. Độ tuổi cho phép sử dụng mạng xã hội hiện tại cũng chưa hoàn toàn có thể kiểm soát được.

tâm lý đám đông trên mạng xã hội
Học cách chắt lọc thông tin, sử dụng mạng xã hội một cách thông minh hơn là điều cả xã hội đều cần chung tay thực hiện

Tuy nhiên hiện nay Facebook và nhà nước đã có một số chính sách ban hành về kiểm soát ngôn từ, hành vi trên mạng xã hội để hạn chế tối đa các tác động tiêu cực không mong muốn. Chẳng hạn không được dùng các từ ngữ hay hình ảnh mang tính bạo lực, chết chóc, có thể gây ám ảnh tâm lý. Với những người có hành vi chia sẻ, đưa lên các thông tin sai lệch trên mạng xã hội nếu bị phát hiện cũng sẽ bị phạt hành chính để răn đe, nếu tái diễn sẽ có các biện pháp mạnh hơn.

Bản thân mỗi chúng ta đều dễ bị ảnh hưởng bởi đám đông, tuy nhiên mỗi người cần phải học cách sử dụng mạng xã hội một cách văn minh hơn, chắt lọc các thông tin hữu ích, mang giá trị nhân văn để tiếp thu hay chia sẻ. Với các thông tin chưa được kiểm chứng mang tính chất cá nhân, hạ bệ người khác tuyệt đối không nên tham gia bình luận, chia sẻ hay đồng tình, đưa là lời lẽ bịa đặt để tránh các hệ lụy sau này.

Ngoài ra, gia đình và nhà trường cũng cần tham gia vào việc quán triệt trẻ nhỏ sử dụng mạng xã hội một cách văn minh, tiếp thu các thông tin đúng với độ tuổi. Rất khó để cấm trẻ không được tiếp xúc với internet bởi càng cấm, trẻ càng tò mò. Thay vào đó hãy dạy con cách sử dụng, tiếp thu một cách văn minh hơn, không bị ảnh hưởng bởi những ngôn từ, thông tin sai lệch, thiếu đạo đức.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu

Nói chung việc có bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông trên mạng xã hội hay không phụ thuộc bởi chính bản chất mỗi chúng ta. Nếu chúng ta có tâm lý tốt, một tâm hồn hướng thiện thì những tác động từ đám đông dù tiêu cực cũng không thể ảnh hưởng hay làm mất đi chính kiến của bạn. Dù vậy mỗi người cũng cần học cách chắt lọc những thông tin tích cực, ý nghĩa nhân văn thay vì quá tò mò, tham gia vào vào các câu chuyện mang tính chất soi mói hay công kích đời tư của người khác ngay cả khi đó là thông tin đã được kiểm chứng.

Có thể bạn quan tâm:

4.7/5 - (4 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *