Rối Loạn Cảm Xúc: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu Và Điều Trị
Rối loạn cảm xúc là tình trạng cảm xúc dao động lên, xuống bất thường và vượt quá giới hạn về thời gian lẫn mức độ. Hiện tại, căn nguyên của bệnh chưa được làm rõ và quá trình điều trị, phòng ngừa tái phát còn tồn đọng nhiều khó khăn.
Rối loạn cảm xúc là gì?
Cảm xúc là phản ứng của con người trước những yếu tố bên ngoài và bên trong cơ thể. Khi tiếp nhận những tác động này, não bộ sẽ sản sinh chất dẫn truyền thần kinh tương ứng để tạo ra cảm xúc phù hợp với nhận thức, hành vi. Thực tế, cảm xúc – suy nghĩ (nhận thức) – hành vi là 3 yếu tố có mối liên hệ chặt chẽ và tác động qua lại.
Cảm xúc (khí sắc) của mỗi người phụ thuộc nhiều vào hoàn cảnh, đời sống tinh thần, chất lượng cuộc sống, đặc điểm tính cách, tình trạng sức khỏe thể chất,… Khi đối mặt với những sự kiện khác nhau, cảm xúc cũng sẽ dao động lên – xuống tạo ra tâm trạng tiêu cực và tích cực.
Sự dao động này thường nằm trong một giới hạn nhất định về mức độ lẫn thời gian. Trường hợp cảm xúc bị rối loạn, giảm thấp hoặc tăng lên quá mức trong một thời gian dài được gọi là rối loạn cảm xúc.
Nói một cách đơn giản, rối loạn cảm xúc hay rối loạn khí sắc là tình trạng khí sắc tăng lên hoặc giảm thấp bất thường trong một thời gian nhất định. Trường hợp cảm xúc giảm thấp được gọi là trầm cảm và cảm xúc tăng cao được gọi là hưng cảm. Tuy nhiên, hưng cảm hiếm khi khởi phát đơn độc mà thường xuất hiện trong rối loạn lưỡng cực.
Hiện tại, rối loạn cảm xúc được chia thành 2 dạng lâm sàng:
- Trầm cảm (rối loạn trầm cảm)
- Rối loạn lưỡng cực (bao gồm các giai đoạn trầm cảm và hưng cảm xen kẽ)
Ngoài ra, các chuyên gia cũng đặt tên rối loạn cảm xúc tùy vào đặc điểm và thời điểm khởi phát, chẳng hạn như rối loạn cảm xúc theo mùa, rối loạn cảm xúc khi mang thai, sau khi sinh, rối loạn cảm xúc tuổi dậy thì,… Mặc dù có tên gọi khác nhau nhưng nhìn chung, đặc điểm và hướng điều trị đều tương tự nhau.
Thống kê cho thấy, khoảng 5% dân số thế giới đang đối mặt với chứng rối loạn cảm xúc và nguy cơ mắc bệnh ở nữ giới cao gấp 2 lần so với nam giới. Mặc dù tỷ lệ người mắc bệnh là khá cao nhưng những hiểu biết của cộng đồng về bệnh lý này và các vấn đề tâm lý còn hạn chế. Do đó, không ít bệnh nhân bị bình phẩm, chỉ trích và không có cơ hội được chăm sóc y tế kịp thời.
Các triệu chứng của rối loạn cảm xúc
Rối loạn cảm xúc có biểu hiện khá đa dạng, được chia thành 2 nhóm chính là trầm cảm và hưng cảm. Dạng rối loạn cảm xúc lưỡng cực bao gồm cả hai nhóm triệu chứng này xuất hiện xen kẽ nhau. Mức độ triệu chứng có sự khác biệt tùy theo giai đoạn tiến triển và các yếu tố như đặc điểm tính cách, tâm lý – xã hội,…
1. Cảm xúc ức chế (trầm cảm)
Trầm cảm là một dạng rối loạn cảm xúc đặc trưng bởi khí sắc giảm thấp và bị ức chế. Hiện tại, trầm cảm là bệnh tâm lý phổ biến nhất và đã được WHO xếp thứ 2 chỉ sau các bệnh tim mạch về mức độ ảnh hưởng đối với sức khỏe, cuộc sống. Bệnh lý này đặc trưng bởi khí sắc giảm thấp, buồn bã, bi quan và tuyệt vọng sâu sắc, không lý do.
Trầm cảm (cảm xúc ức chế) đặc trưng bởi các triệu chứng như sau:
- Khí sắc buồn rầu, u uất thể hiện rất rõ thông qua biểu cảm khuôn mặt và dáng điệu trong cách đi lại, hành xử.
- Giảm hoặc mất hứng thú với hầu hết tất cả mọi thứ, bao gồm cả những sở thích trước đây.
- Giảm cân không chủ đích hoặc tăng cân. Nhiều bệnh nhân có xu hướng ăn uống vô tội vạ và rất nhanh chóng bị béo phì.
- Phần lớn bệnh nhân trầm cảm đều sẽ gặp phải tình trạng mất ngủ. Tuy nhiên, cũng có những người ngủ rất nhiều (hơn 12 tiếng mỗi ngày).
- Luôn có cảm giác bồn chồn, lo lắng, đứng ngồi không yên và thường vận động liên tục để giảm cảm giác này.
- Một số bệnh nhân trở nên chậm chạp (nói nhỏ, nói chậm, câu nói đơn điệu, tối nghĩa) và thường nằm, ngồi im lìm trong nhiều giờ liền.
- Có thể mệt mỏi và mất năng lượng, thậm chí không có động lực để làm bất cứ việc gì bao gồm cả vệ sinh cá nhân.
- Có cảm giác bản thân vô dụng và tội lỗi do đã phạm phải tội lỗi nghiêm trọng.
- Khó duy trì sự tập trung, giảm trí nhớ, tư duy chậm chạp và khó đưa ra các quyết định dù chỉ là những quyết định đơn giản.
- Trầm cảm tiến triển một thời gian dài sẽ khiến bệnh nhân hình thành ý nghĩ và hành vi tự sát hoặc tự hại.
Trầm cảm đặc trưng bởi sự giảm thấp của cảm xúc. Tuy nhiên, ngoài các triệu chứng về cảm xúc, bệnh nhân cũng sẽ phải đối mặt với các bất thường về tư duy (nhận thức) và hành vi. Những bất thường này dẫn đến một loạt các vấn đề thể chất như rối loạn tiểu tiện, đau đầu, mất ngủ, giảm ham muốn tình dục, rối loạn kinh nguyệt, đau vai gáy,…
2. Cảm xúc tăng cao (hưng cảm)
Hưng cảm đặc trưng bởi sự tăng cao của cảm xúc, ngược lại so với trầm cảm. Cảm xúc dao động từ kích thích đến hứng khởi và chuyển sang trạng thái phấn kích cao động. Khi đến trạng thái này, cảm xúc lập tức bị ức chế và chuyển sang trầm cảm. Đây là lý do hưng cảm chỉ xuất hiện trong hội chứng rối loạn lưỡng cực và hoàn toàn không khởi phát đơn độc như trầm cảm.
Các triệu chứng khi cảm xúc tăng cao (hưng cảm):
- Nói nhiều, nói nhanh hơn bình thường nhưng nội dung không rõ nghĩa và lộn xộn.
- Thường ảo tưởng về năng lực của bản thân chẳng hạn như tự tin thái quá, cho rằng bản thân tài giỏi và nổi bật hơn người khác.
- Tinh thần vui vẻ, lạc quan một cách bất thường và không thể kiểm soát cảm xúc của bản thân.
- Đôi khi nảy sinh các ý nghĩ và hành vi không nghĩ đến hậu quả như đua xe, sử dụng tiền bạc một cách phung phí, đầu tư mạo hiểm,…
- Giảm nhu cầu ngủ, thường chỉ ngủ 2 – 4 giờ mỗi ngày nhưng cơ thể luôn tràn trề sức sống và không hề mệt mỏi.
- Suy nghĩ nhanh và có nhiều ý tưởng trong đầu. Trong cơn hưng cảm, người bệnh thường xây dựng cho bản thân nhiều mục tiêu và dự định trong cuộc sống. Tuy nhiên, đa phần các mục tiêu đều thiếu tính thực tế và hão huyền.
- Tăng các hoạt động bản năng như ăn uống xuề xòa, nói năng và hành động thiếu suy nghĩ. Một số người tăng ham muốn tình dục và có thể mạo hiểm thực hiện hành vi tình dục không an toàn.
- Biểu cảm khuôn mặt đa dạng, thậm chí hơi kịch tính và thái quá. Ăn uống ít, ngủ ít nhưng không mệt mỏi, thậm chí tăng các hoạt động thể chất. Trong cơn hưng cảm, bệnh nhân thường đi đứng như diễu binh hoặc tạo dáng đi quyến rũ, khiêu khích ham muốn tình dục ở người khác.
- Cảm xúc tăng đến mức cao nhất sẽ gây ra tâm trạng cáu kỉnh, hung dữ, gây hấn, đập phá và có các hành vi châm chọc với mục đích tạo xung đột.
Hưng cảm hầu như không dẫn đến tự sát. Ảnh hưởng duy nhất của dạng rối loạn cảm xúc này là các vấn đề sức khỏe thể chất và tài chính do những hành vi bản năng bộc phát như đua xe, quan hệ tình dục thiếu an toàn, đầu tư rủi ro,…
3. Rối loạn cảm xúc lưỡng cực
Rối loạn cảm xúc lưỡng cực là dạng rối loạn khí sắc phổ biến sau trầm cảm. Dạng rối loạn khí sắc này đặc trưng bởi sự xuất hiện của các giai đoạn trầm cảm và hưng cảm xen kẽ nhau. Rối loạn lưỡng cực thường có liên quan đến yếu tố di truyền và các yếu tố nội sinh. Do đó, phần lớn bệnh đều tiến triển mãn tính và buộc người bệnh phải sống chung trong suốt cả cuộc đời.
Rối loạn cảm xúc lưỡng cực được chia thành 3 dạng:
- Rối loạn lưỡng cực I
- Rối loạn lưỡng cực II
- Rối loạn lưỡng cực không biệt định
Nguyên nhân gây rối loạn cảm xúc
Hiện tại, tỷ lệ dân số mắc chứng bệnh này đã lên đến 5% và dự đoán sẽ gia tăng dưới áp lực của cuộc sống. Mặc dù vậy cho đến nay, nguyên nhân chính xác gây ra rối loạn cảm xúc vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên, các chuyên gia đã xác định được một số yếu tố tham gia vào cơ chế bệnh sinh và gia tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:
1. Yếu tố di truyền
Di truyền được xác định là yếu tố gia tăng nguy cơ rối loạn cảm xúc, trong đó tỷ lệ di truyền của trầm cảm là 10 – 15% và hưng cảm là 15 – 20% nếu bố mẹ có tiền sử mắc bệnh.
Gen di truyền là yếu tố quy định cấu tạo và cách thức hoạt động của não bộ. Các chuyên gia cho rằng, sự bất thường trong gen MAOA và gen vận chuyển serotonin là nguyên nhân dẫn đến sự di truyền của rối loạn cảm xúc.
2. Mất cân bằng chất dẫn truyền thần kinh
Như đã đề cập, cảm xúc được quy định bởi các chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ. Chính vì vậy, các chuyên gia đặt giả thuyết rằng rối loạn cảm xúc xảy ra do sự mất điều hòa về dẫn truyền thần kinh hệ cholinergic, serotonergic, catecholaminergic (dopaminergic/ noradrenergic),…
Tình trạng này dẫn đến việc tăng hoặc giảm bất thường các yếu tố nội sinh như serotonin, norepinephrine, dopamine,… Kết quả là khiến cảm xúc bị giảm thấp hoặc tăng cao vượt quá giới hạn cho phép. Giả thuyết này được củng cố vì trên thực tế, rối loạn cảm xúc chủ yếu xảy ra ở những giai đoạn cơ thể có sự thay đổi về nội tiết như dậy thì, mang thai, sau sinh và tiền mãn kinh.
Trong một số giai đoạn đặc biệt, hệ nội tiết như trục dưới đồi – tuyến yên – tuyến thượng thận, hormon tăng trưởng hoặc hệ trục dưới đồi – tuyến yên – tuyến giáp,… sẽ có sự thay đổi đột ngột. Những thay đổi này ảnh hưởng đến sự điều hòa, kết quả là gây mất cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh. Đây là cơ chế dẫn đến hiện tượng cảm xúc giảm thấp hoặc tăng cao quá mức.
3. Yếu tố tâm lý – xã hội
Các yếu tố tâm lý – xã hội được nhiều chuyên gia xác định là yếu tố quan trọng không kém trong cơ chế bệnh sinh của rối loạn cảm xúc. Nếu không có những yếu tố này, các yếu tố sẵn có (gen di truyền) hiếm khi gây ra rối loạn cảm xúc.
Thông thường, rối loạn cảm xúc khởi phát sau khi trải qua những sự kiện gây sang chấn như mất người thân, gia đình vỡ nợ, bố mẹ ly dị, tai nạn bất ngờ, hỏa hoạn,… Khi đối diện với những sự kiện này, cảm xúc có thể bị ức chế hoặc tăng cao một cách bất thường dẫn đến rối loạn cảm xúc.
4. Tổn thương thực thể ở não bộ
Rối loạn cảm xúc nói chung và trầm cảm nói riêng thường xuất hiện sau tổn thương não nghiêm trọng như viêm não, u não, chấn thương sợ não,… Tổn thương thực thể ở não bộ khiến cho các chất dẫn truyền thần kinh bị rối loạn và hậu quả làm mất cân bằng các yếu tố nội sinh.
5. Các yếu tố khác
Ngoài những nguyên nhân trên, rối loạn cảm xúc cũng có thể có liên quan đến một số yếu tố khác như:
- Là nữ giới: Nữ giới thường có khả năng bị rối loạn cảm xúc cao hơn do đáp ứng mạnh và phơi nhiễm nhiều hơn với stress. Trong khi đó, nam giới ít bị stress hơn do tinh thần vững và tính cách ít bận tâm, lo lắng. Không chỉ rối loạn cảm xúc, nữ giới cũng có nguy cơ cao bị rối loạn lo âu, rối loạn phân ly,… do tâm lý nhạy cảm.
- Các bệnh lý về tuyến giáp: Hormone tuyến giáp chi phối hoạt động của các cơ quan trong cơ thể và ảnh hưởng nhiều đến các tuyến nội tiết khác. Từ đó gián tiếp tác động đến các chất dẫn truyền thần kinh và làm thay đổi cảm xúc một cách bất thường. Nhiều nghiên cứu được thực hiện đều cho thấy, người mắc các bệnh lý về tuyến giáp có khả năng bị rối loạn cảm xúc cao hơn bình thường.
- Thay đổi nội tiết tố: Thay đổi nội tiết tố trong quá trình mang thai, sinh nở, kinh nguyệt và mãn kinh có mối liên hệ mật thiết với rối loạn cảm xúc. Nội tiết thay đổi sẽ dẫn đến một loạt các phản ứng trong cơ thể và hậu quả có thể là mất cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh.
- Một số yếu tố khác: Nguy cơ bị rối loạn cảm xúc có thể tăng lên đáng kể khi có những yếu tố khác như có các vấn đề sức khỏe thể chất nghiêm trọng (tiểu đường, ung thư, lupus ban đỏ,…), stress, ít vận động, từng bị trầm cảm, nghiện rượu bia, sử dụng chất kích thích và lạm dụng các loại thuốc tác động đến hệ thần kinh trung ương.
Có thể thấy, rối loạn cảm xúc liên quan đến nhiều yếu tố khác nhau. Trong đó, yếu tố sinh học và tâm lý – xã hội được cho là có vai trò chính.
Rối loạn cảm xúc và những ảnh hưởng nặng nề
Rối loạn cảm xúc là một dạng rối loạn tâm thần ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Trong đó, trầm cảm có ảnh hưởng nặng hơn hưng cảm. Trong các cơn hưng cảm, vấn đề bệnh nhân phải đối mặt là nguy cơ mắc phải các bệnh thể chất, chấn thương do những hành vi liều lĩnh,… Ngoài ra, bệnh nhân còn gặp phải các vấn đề tài chính do mua sắm không suy nghĩ và đầu tư rủi ro.
Trong khi đó, trầm cảm gây ra sự buồn bã sâu sắc, dai dẳng, làm giảm hứng thú và mất năng lượng. Nếu không được điều trị sớm, bệnh nhân có thể hình thành ý nghĩ tự sát và tự hại. Tỷ lệ tự sát ở người bị trầm cảm dao động từ 2 – 15% tùy vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Ngoài ra những trường hợp sử dụng rượu bia, chất gây nghiện sẽ có nguy cơ tự sát cao hơn.
Cảm xúc chi phối đến nhận thức và hành vi của mỗi người. Chính vì vậy, bệnh lý này còn gây ra nhiều biến chứng khác như nghiện rượu, nghiện chất kích thích, không thể thực hiện các hoạt động thường ngày, khó khăn khi học tập, làm việc và không duy trì tương tác xã hội.
Người bị rối loạn cảm xúc thường lựa chọn sống tách biệt, cô lập với mọi người và phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình. Rối loạn cảm xúc không được điều trị cũng gia tăng nguy cơ mắc các chứng bệnh khác như rối loạn lo âu, rối loạn dạng cơ thể,… Về lâu dài, người bệnh sẽ nảy sinh ý nghĩ tự sát để giải thoát bản thân khỏi nỗi buồn sâu sắc và mặc cảm tội lỗi.
Chẩn đoán bệnh rối loạn cảm xúc
Rối loạn cảm xúc thường được chẩn đoán thông qua triệu chứng lâm sàng. Hiện tại, các bác sĩ sử dụng tiêu chuẩn chẩn đoán DSM – 5 hoặc ICD – 10 để chẩn đoán các rối loạn tâm thần, bao gồm cả rối loạn cảm xúc. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng và đánh giá mức độ đáp ứng với thuốc để loại trừ các bệnh lý thể chất.
Các kỹ thuật chẩn đoán được thực hiện:
- Khai thác triệu chứng, tiền sử cá nhân, gia đình và sàng lọc các yếu tố gây bệnh.
- Xét nghiệm cận lâm sàng để loại trừ các khả năng khác có thể xảy ra.
- Thực hiện một số bài đánh giá sức khỏe tâm thần.
Các phương pháp điều trị rối loạn cảm xúc
Đến nay, cơ chế bệnh sinh và căn nguyên của rối loạn cảm xúc vẫn chưa được xác định rõ. Do đó, quá trình điều trị và phòng ngừa tái phát còn tồn đọng nhiều khó khăn. Ở thời điểm hiện tại, các phương pháp điều trị phần nào có thể kiểm soát triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Các phương pháp điều trị bệnh rối loạn cảm xúc:
1. Liệu pháp hóa dược
Liệu pháp hóa dược được áp dụng trong các đợt trầm cảm và hưng cảm. Đối với bệnh nhân bị rối loạn trầm cảm, thuốc thường được dùng dài hạn để ngăn ngừa tái phát. Mức độ đáp ứng với thuốc có sự khác biệt ở từng bệnh nhân. Do đó, người bệnh có thể phải sử dụng nhiều loại thuốc cho đến khi tìm được loại thuốc phù hợp.
Các loại thuốc được dùng trong điều trị trầm cảm:
- Các loại thuốc chống trầm cảm bao gồm chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs), chất ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRIs), thuốc chống trầm cảm 3 vòng, thuốc ức chế monoamine oxidase (MAOIs),…
- Các loại thuốc an thần kinh như Olanzapine, Risperidone, Quetiapine,…
- Thuốc điều chỉnh khí sắc như Lithium, Carbamazepine, Divalproate,…
- Một số loại thuốc, viên uống giúp tái tạo tế bào thần kinh, bổ não,…
Các loại thuốc điều trị trầm cảm có tác dụng tăng nồng độ chất dẫn truyền trong não bộ, từ đó giúp nâng cao cảm xúc. Ngoài những loại thuốc trên, bệnh nhân có thể được chỉ định dùng một số loại thuốc để làm giảm các triệu chứng thể chất. Đối với bệnh nhân rối loạn lưỡng cực, gia đình cần được trang bị kiến thức để kịp thời nhận biết và ngưng thuốc điều trị trầm cảm khi bệnh nhân chuyển sang cơn hưng cảm.
Các loại thuốc điều trị được dùng trong giai đoạn hưng cảm:
- Thuốc an thần kinh có tác dụng chống loạn thần yên dịu như Tercian, Thioridazine, Levomepromazin,…
- Thuốc điều chỉnh khí sắc bao gồm Valproate, Lithium, Carbamazepine,…
- Thuốc chống loạn thần mạnh như Haloperidol
2. Tâm lý trị liệu
Tâm lý trị liệu là phương pháp có hiệu quả trong điều trị rối loạn cảm xúc, đặc biệt là bệnh trầm cảm. Nhiều thử nghiệm đối chứng cho thấy, các phương pháp trị liệu tâm lý mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc cải thiện triệu chứng và giảm khả năng tái phát bệnh. Ngoài ra, bệnh nhân cũng sẽ được củng cố niềm tin, nâng cao lòng tự trọng và được trang bị các kỹ năng mềm cần thiết cho cuộc sống.
Các phương pháp tâm lý trị liệu được áp dụng cho bệnh nhân rối loạn cảm xúc bao gồm:
- Liệu pháp nhận thức hành vi
- Liệu pháp phân tâm học
- Liệu pháp hệ thống
- Liệu pháp thôi miên
Mục tiêu của trị liệu tâm lý là giúp bệnh nhân giải tỏa cảm xúc dồn nén và điều chỉnh những quan niệm, nhận thức sai lệch. Tùy vào tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân, chuyên gia sẽ tìm cách can thiệp phù hợp. Mặc dù quá trình trị liệu có thể khác nhau nhưng nhìn chung phương pháp này đều hướng đến mục tiêu giúp người bệnh có sức khỏe tâm thần tốt, lành mạnh.
Bên cạnh đó, bệnh nhân bị rối loạn cảm xúc do phơi nhiễm với stress sẽ được trang bị thêm các kỹ năng kiểm soát căng thẳng. Ngoài hình thức trị liệu tâm lý thông qua lời nói, chuyên gia sẽ hướng dẫn bệnh nhân thực hiện thêm một số liệu pháp hỗ trợ như thở dưỡng sinh, âm nhạc trị liệu, liệu pháp thư giãn luyện tập,…
Hiện nay, trị liệu tâm lý là phương pháp được ưu tiên trong quá trình điều trị nhiều rối loạn tâm thần bao gồm cả rối loạn cảm xúc. Phương pháp này hoàn toàn không dùng thuốc và không xâm lấn, can thiệp vào cơ thể. Tuy nhiên để đạt hiệu quả cao, bệnh nhân thường được chỉ định kết hợp giữa liệu pháp hóa dược và trị liệu tâm lý.
3. Liệu pháp sốc điện (ECT)
Liệu pháp sốc điện (ECT) thường được áp dụng cho bệnh nhân trầm cảm nặng – nhất là khi bệnh nhân không đáp ứng với thuốc và đã hình thành ý nghĩ, hành vi tự sát. Liệu pháp này sử dụng dòng điện có kiểm soát nhằm tạo ra các cơn rung giật nhỏ bên trong não bộ. Mục đích của ECT là cải thiện sự điều hòa và cân bằng nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh.
Thông thường, sau 6 – 10 lần thực hiện, các triệu chứng trầm cảm đều có cải thiện rõ rệt. Sau đó, bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng thuốc để ngăn ngừa tái phát. Liệu pháp sốc điện mang lại hiệu quả cao nhưng tiềm ẩn không ít rủi ro. Chính vì vậy, ECT chủ yếu được áp dụng trong trường hợp trầm cảm nặng và đã kháng trị với thuốc.
4. Các phương pháp điều trị khác
Ngoài 3 phương pháp trên, bệnh nhân rối loạn cảm xúc cũng sẽ được điều trị bằng một số phương pháp khác như:
- Liệu pháp ánh sáng: Đối với những trường hợp rối loạn cảm xúc theo mùa, liệu pháp ánh sáng được xem là phương pháp chính bên cạnh sử dụng thuốc. Phương pháp này cho bệnh nhân tiếp xúc với ánh nắng nhân tạo nhằm điều hòa lại đồng hồ sinh học và cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh. Liệu pháp ánh sáng giúp giảm đáng kể triệu chứng của rối loạn cảm xúc xảy ra vào mùa thu đông khi cường độ và thời gian chiếu sáng của mặt trời giảm.
- Liệu pháp kích thích dây thần kinh phế vị: Liệu pháp này cũng được xem xét cho bệnh nhân trầm cảm kháng trị. Liệu pháp kích thích dây thần kinh phế vị được thực hiện bằng cách phẫu thuật cấy ghép thiết bị vào bên trái ngực. Thiết bị này sẽ tạo ra các xung điện gửi đến não bộ với mục đích điều hòa chất dẫn truyền thần kinh và giảm các triệu chứng rối loạn cảm xúc.
- Kích thích từ xuyên sọ lặp lại (rTMS): Kích thích từ xuyên sọ lặp lại là phương pháp kích thích sọ không xâm lấn tương tự như liệu pháp sốc điện. Phương pháp này sử dụng từ trường để kích thích một vùng của não bộ bằng cách lặp đi lặp lại các xung từ nhằm cân bằng các chất sinh hóa não. rTMS có hiệu quả trong việc cải thiện các triệu chứng trầm cảm và giảm chứng đau mãn tính liên quan đến rối loạn cảm xúc.
Song song với điều trị rối loạn cảm xúc, bệnh nhân sẽ được điều trị các rối loạn về thể chất như xơ cứng rải rác, bệnh Parkinson, u não lành tính/ ác tính, rối loạn tuyến giáp,… (nếu có).
Chế độ chăm sóc cho bệnh nhân rối loạn cảm xúc
Rối loạn cảm xúc ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe. Hiện tại, can thiệp điều trị có thể quản lý bệnh và giúp bệnh nhân bình thường hóa cuộc sống. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, bệnh sẽ tái phát trở lại khi có điều kiện thuận lợi. Để củng cố sức khỏe và giảm khả năng tái phát, bệnh nhân nên có chế độ chăm sóc hợp lý.
Chế độ chăm sóc dành cho bệnh nhân rối loạn cảm xúc:
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học và hợp lý để duy trì sức khỏe. Có thể cải thiện phần nào các triệu chứng bằng cách bổ sung nhiều rau xanh, chất xơ, ngũ cốc nguyên hạt, các loại cá béo, đậu và hạt. Vitamin và khoáng chất trong các loại thực phẩm lành mạnh góp phần ổn định nồng độ chất sinh hóa não, qua đó giúp cải thiện tâm trạng và chất lượng giấc ngủ.
- Nên tập thể dục mỗi ngày, đặc biệt là ngồi thiền và các bài tập yoga. Tập thể dục vừa giúp bệnh nhân kiểm soát các triệu chứng thể chất do rối loạn cảm xúc gây ra vừa nâng đỡ tinh thần và giải tỏa căng thẳng thần kinh.
- Thông báo với người nhà, bạn bè và đồng nghiệp về tình trạng sức khỏe của bản thân để được hỗ trợ. Khi thấu hiểu tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, những người xung quanh sẽ có thái độ và cách cư xử phù hợp. Như vậy, bệnh nhân có thể an tâm hơn khi điều trị và tránh được tình trạng bị cô lập, tách biệt.
- Ngủ đủ giấc là liều thuốc tự nhiên giúp nâng cao sức khỏe và giải tỏa tâm trạng. Nếu gặp vấn đề về giấc ngủ, bệnh nhân có thể sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc áp dụng một số biện pháp tự nhiên như tắm nước ấm, dùng trà thảo mộc, massage, ngồi thiền và liệu pháp mùi hương.
- Stress có thể khiến cho rối loạn cảm xúc trở nên nghiêm trọng hơn. Khi điều trị, bệnh nhân nên cách ly bản thân khỏi những yếu tố gây stress. Nếu có thể, nên trao đổi trực tiếp với cấp trên để được giảm khối lượng làm việc trong thời gian điều trị.
- Tránh xa những nguồn thông tin tiêu cực bởi điều này ảnh hưởng đáng kể đến tâm trạng. Thay vào đó, nên tập trung vào những điều tích cực trong cuộc sống để có động lực vượt qua bệnh tật.
Tỷ lệ người bị rối loạn cảm xúc đang tăng cao trong những năm gần đây. Chính vì vậy, chủ động trang bị cho bản thân những kiến thức hữu ích là vô cùng cần thiết. Nếu nghi ngờ bản thân hoặc những người xung quanh mắc phải chứng bệnh này, nên có biện pháp can thiệp kịp thời để tránh những hậu quả đáng tiếc.
Có thể bạn quan tâm:
- Rối loạn cảm xúc có chữa được không? Có tự khỏi không?
- Rối Loạn Cảm Xúc Theo Mùa: Nguyên Nhân Và Cách Chữa Trị
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!