Cách nói chuyện với người trầm cảm: 12 điều khắc cốt ghi tâm
Bệnh nhân trầm cảm có tâm lý bất ổn nên dễ bị tổn thương trước lời nói tưởng chừng như bình thường. Để có thể sẻ chia và an ủi cùng người bệnh, bạn đọc cần nắm rõ cách nói chuyện với người trầm cảm với 12 điều cần đặc biệt lưu tâm được đề cập trong bài viết dưới đây.
Cách nói chuyện với người trầm cảm với 12 điều cần ghi nhớ
Căn bệnh trầm cảm đang dần trở thành nỗi ám ảnh. Chứng bệnh này khiến người bệnh rơi vào trạng thái đau khổ sâu sắc, tuyệt vọng, bi quan, buồn bã và mất đi sự hứng thú. Về lâu dài, bệnh nhân sẽ giảm lòng tự trọng và cho rằng bản thân vô dụng, kém cỏi. Những trường hợp nặng có thể xuất hiện hoang tưởng, ảo thanh với nội dung là những lời bình phẩm và trách móc.
Những người chung sống với bệnh nhân trầm cảm sẽ đối mặt với không ít phiền toái. Tuy nhiên hơn ai hết, bệnh nhân chính là người đau khổ nhất vì bất lực trong việc chế ngự tâm trạng và không cảm nhận được bất cứ cảm xúc tích cực nào. Vì đánh mất ý nghĩa của cuộc sống nên người bệnh thường có ý nghĩ tự sát để giải thoát bản thân.
Trong khoảng 1 thập kỷ trở lại đây, tỷ lệ trầm cảm tăng lên đáng kể đến mức báo động. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp trầm cảm vào vị trí thứ II chỉ sau các vấn đề về tim mạch về mức độ ảnh hưởng đối với sức khỏe và cuộc sống của con người. Điều này cho thấy những ảnh hưởng nghiêm trọng mà bản thân người bệnh phải đối mặt.
Hiện nay, điều trị trầm cảm còn tồn đọng không ít khó khăn và thách thức. Bên cạnh việc tích cực điều trị, gia đình và những người xung quanh cần hỗ trợ để người bệnh có động lực vượt qua bệnh tật. Ngoài việc thể hiện sự quan tâm bằng hành động, nói chuyện an ủi với người trầm cảm cũng là cách giúp bệnh nhân vực dậy tinh thần.
Nếu đang băn khoăn về “Cách nói chuyện với người trầm cảm?”, bạn đọc cần ghi nhớ 12 điều sau đây:
1. Thể hiện sự lắng nghe và đồng cảm
Điều quan trọng nhất khi nói chuyện, an ủi người trầm cảm là phải thể hiện sự lắng nghe và đồng cảm. Trong cuộc nói chuyện, bạn không nhất thiết phải nói quá nhiều. Thế nhưng cần tỏ ra thiện chí và chú tâm lắng nghe những chia sẻ từ người bệnh.
Người bị trầm cảm rất nhạy cảm về cách ứng xử và ánh mắt của những người xung quanh. Thông qua ánh mắt, họ có thể hiểu được bạn có đang thực sự chú tâm hay không. Vì vậy, cần đảm bảo trong khoảng thời gian trò chuyện bạn tập trung lắng nghe và không bị xao nhãng. Tốt nhất, bạn nên tắt điện thoại và tìm kiếm không gian riêng tư để bệnh nhân có thể thoải mái bộc bạch.
Sự chăm chú của bạn sẽ tạo ra không khí thoải mái cho buổi trò chuyện. Như vậy, người bệnh sẽ có cơ hội bộc lộ suy nghĩ và cảm xúc của bản thân. Bạn có thể bày tỏ sự đồng cảm thông qua ánh mắt hoặc cái chạm tay. Những hành động tinh tế này sẽ giúp bệnh nhân ổn định tinh thần và mở lòng với bạn.
Không chỉ riêng với bệnh nhân trầm cảm, sự lắng nghe và đồng cảm là điều quan trọng nhất trong tất cả các cuộc trò chuyện – đặc biệt là với những người có các vấn đề về tâm lý, tâm thần.
2. Tránh nhắc đến bệnh tình
Điều thứ hai bạn cần ghi nhớ là tránh nhắc đến bệnh tình của họ. Người bị trầm cảm có lòng tự trọng thấp, luôn coi thường bản thân và cho rằng bản thân yếu kém, vô dụng. Vì vậy, việc đề cập đến bệnh tình sẽ khiến cho họ hình thành suy nghĩ bản thân là gánh nặng của gia đình.
Hơn nữa, đề cập về bệnh tình sẽ khơi gợi nỗi đau của người bệnh. Nhiều người không chấp nhận bản thân mắc các bệnh tâm thần và cố trốn tránh. Việc những người xung quanh nhắc đến tình trạng bệnh lý thường xuyên có thể khiến bệnh nhân buồn bã và đau khổ quá mức.
Một số trường hợp người bệnh còn có thể kích động và có những hành vi gây hấn. Vì những lý do này, cần tránh nhắc đến bệnh tình với người bệnh. Thay vào đó, nên tập trung lắng nghe những gì bệnh nhân chia sẻ và bộc bạch.
3. Đừng phủ nhận và xem nhẹ cảm xúc của họ
Đặc điểm thường thấy ở người bị trầm cảm là buồn bã quá mức, đau khổ, bi quan và đôi khi có cảm giác dằn vặt, tội lỗi. Người bệnh hoàn toàn không thể chế ngự những cảm xúc tiêu cực trên và không cảm nhận được niềm vui, sự lạc quan.
Sự vô lý, bất thường trong cảm xúc ở bệnh nhân trầm cảm đôi khi gây ra sự khó chịu và phiền toái cho những người xung quanh. Tuy nhiên, người bệnh hoàn toàn không cố ý để bản thân rơi vào trạng thái tồi tệ. Vì vậy, khi trò chuyện, bạn nên thể hiện sự đồng tình thay vì phủ nhận và xem nhẹ cảm xúc của họ.
Trên thực tế, không ít người xem nhẹ những thứ mà bệnh nhân trầm cảm đang phải đối mặt như sự buồn bã, bi quan, mất hứng thú và chán nản. Những câu nói phủ nhận sẽ khiến cho bệnh nhân bị tổn thương và cho rằng bản thân là gánh nặng của mọi người. Điều này sẽ khiến cho tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn và đôi khi thôi thúc hành vi tự sát.
4. Thể hiện sự quan tâm qua lời nói và hành động
Khi nói chuyện an ủi với người bị trầm cảm, bạn nên thể hiện sự quan tâm bằng những câu nói như “Tôi có thể giúp gì cho bạn không?” thay vì hỏi “Bạn có sao không?” hay “Bạn có đang gặp vấn đề gì không?”. Những câu hỏi này sẽ khiến cho tâm lý bệnh nhân trở nên nhạy cảm thay vì trực tiếp thể hiện sự quan tâm bằng lời đề nghị giúp đỡ.
Nếu sống chung với người trầm cảm, bạn cũng có thể bày tỏ sự quan tâm bằng những hành động nhỏ như hỗ trợ họ thực hiện các công việc hằng ngày và chế biến các món ăn mà họ yêu thích. Trong cuộc trò chuyện, bạn nên trao cho họ những cái ôm hay cái nắm tay ấm áp để người bệnh cảm nhận được tình cảm chân thành từ bạn.
Bệnh nhân trầm cảm có xu hướng sống tách biệt với mọi người. Vì vậy, những người xung quanh cần bày tỏ sự quan tâm và tình cảm để tăng sự kết nối. Khi nhận được sự yêu thương của mọi người, bệnh nhân sẽ cảm nhận được ý nghĩa của cuộc sống và có động lực hơn trong quá trình điều trị.
5. An ủi người bị trầm cảm bằng năng lượng tích cực của bản thân
Người mắc bệnh trầm cảm mất đi hoàn toàn hứng thú và sự quan tâm với mọi thứ. Vì thế khi trò chuyện cùng họ, bạn nên lan tỏa năng lượng tích cực của bản thân. Hãy kể cho họ nghe những điều tích cực trong cuộc sống để họ thấy được rằng, niềm vui, sự lạc quan và vui vẻ luôn tồn tại. Nếu nỗ lực vượt qua trầm cảm, họ cũng sẽ cảm nhận được những điều tương tự.
Khi nói chuyện với người trầm cảm, bạn nên tránh kể lể hay khoe khoang về thành tích của bản thân. Thay vào đó, nên lựa chọn những câu chuyện nhỏ nhưng ý nghĩa để truyền tải năng lượng tích cực. Đặc biệt, nên chia sẻ với họ niềm vui khi tham gia các công tác xã hội và giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Điều này sẽ thôi thúc họ thực hiện những hành động ý nghĩa trong cuộc sống và biết được rằng có những hoàn cảnh khó khăn, đáng thương hơn cả chính bản thân mình.
Khác với người khỏe mạnh, người bị trầm cảm khó hình thành sự hứng thú và quan tâm. Vì vậy, bạn nên kiên trì khi trò chuyện và lặp đi lặp lại điều này thường xuyên. Ngoài việc kể lại bằng lời nói, bạn có thể cho họ xem ảnh, video để người bệnh cảm nhận được niềm vui và ý nghĩa trong cuộc sống.
6. Khuyến khích họ tìm gặp chuyên gia, bác sĩ
Rất nhiều bệnh nhân trầm cảm từ chối điều trị hoặc bỏ dở điều trị. Khi đã xây dựng được mối quan hệ tin cậy với người bệnh, bạn nên khuyến khích họ tìm gặp chuyên gia và bác sĩ. Tuy nhiên, tránh đề cập trực tiếp vì điều này có thể gây ra sự khó chịu và nhạy cảm.
Bạn nên đưa ra những lời khuyên khéo léo chẳng hạn như “Tôi nghĩ sự trợ giúp của chuyên gia/ bác sĩ sẽ giúp bạn vượt qua những khó khăn hiện tại” hoặc “Tôi từng phải trải qua những điều tương tự nhưng mọi thứ tốt hơn khi được chuyên gia/ bác sĩ hỗ trợ.”. Những câu nói này vừa khích lệ người bệnh chủ động gặp chuyên gia/ bác sĩ vừa cho họ thấy việc này là hoàn toàn bình thường.
Thay vì dùng những từ ngữ như “khám, điều trị”, bạn nên dùng những từ ngữ nhẹ nhàng hơn để họ không có cảm giác rằng bản thân đang mắc bệnh mà chỉ đang có các vướng mắc về tâm lý. Ngoài ra, nên thể hiện cho bệnh nhân biết rằng, bản thân bạn cũng từng phải đối mặt với khó khăn về tâm lý. Điều này sẽ giúp họ giảm sự nhạy cảm khi đề cập đến trầm cảm và thoải mái hơn trong quá trình điều trị.
7. Đừng đưa ra lời khuyên – Điều tối kỵ khi nói chuyện với người bị trầm cảm
Không chỉ riêng bệnh nhân trầm cảm mà hầu hết những người bị rối loạn tâm thần đều nhạy cảm với lời khuyên. Bạn không nên đưa ra lời khuyên thẳng thừng như “Tôi nghĩ bạn nên đến bệnh viện để khám và điều trị sớm.”, “Tôi thấy bạn nên cố gắng hơn để vượt qua bệnh tật”,… Những lời khuyên như trên hoàn toàn không có tác dụng, ngược lại còn khiến người bệnh trở nên nhạy cảm và đánh giá thấp bản thân.
Thay vì đưa ra lời khuyên thì cách nói chuyện với người trầm cảm tốt nhất là hãy nói những lời động viên và khuyến khích. Tuy nhiên, bạn cũng nên xem xét tâm trạng của bệnh nhân để đưa ra lời khuyên phù hợp. Trong trường hợp bệnh nhân đang không ổn định, tốt nhất nên ngồi bên cạnh lắng nghe và đồng cảm.
8. Tuyệt đối không so sánh họ với bất cứ ai
Người bị trầm cảm sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống và phải có sự hỗ trợ từ những người xung quanh. Vì vậy, đôi khi người thân có những câu nói so sánh họ với người khác. Những câu nói này vô tình khiến người bệnh bị tổn thương và mất đi hoàn toàn động lực trong quá trình điều trị.
Khi nói chuyện an ủi với người trầm cảm, bạn cũng nên ngừng so sánh họ với những bệnh nhân khác. Việc so sánh dù ở trong hoàn cảnh nào cũng đều khập khiễng vì không ai cảm nhận rõ nỗi đau hơn chính người bệnh. Do đó, ngoài việc chia sẻ và quan tâm, gia đình cần tránh tuyệt đối tình trạng so sánh người bệnh với người khác.
9. Có những câu nói động viên để tạo động lực
Trong cuộc trò chuyện với người trầm cảm, bạn nên có những câu nói động việc để họ vực dậy tinh thần và động lực vượt qua bệnh tật. Những câu nói này có thể không mang lại hiệu quả ngay từ lần đầu nhưng dần dần họ sẽ thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn.
Những câu nói tạo động lực cho người bị trầm cảm:
- “Bạn đã làm rất tốt rồi!”
- “Bạn nên biết luôn có tôi và những thân yêu ở bên cạnh”
- “Bạn là một trong những người đặc biệt nhất mà tôi từng gặp”
- “Bạn đã rất cố gắng mà!”
Khi động viên người bị trầm cảm, bạn không nên nói quá nhiều mà chỉ nên nói 1 – 2 câu ngắn gọn. Ngoài cảm xúc bị ức chế, bệnh nhân trầm cảm còn bị ức chế về tư duy nên suy nghĩ chậm chạp và khó đưa ra quyết định. Vì vậy, nên lựa chọn các câu nói ngắn gọn và dễ hiểu để người bệnh hiểu hết ý nghĩa trong câu nói.
10. Cho họ thấy sự quan trọng của bản thân qua lời nói
Người bị trầm cảm luôn xem nhẹ bản thân và cho rằng mình là kẻ vô dụng, kém cỏi và là gánh nặng của gia đình. Vì vậy trong những cuộc nói chuyện, bạn nên thể hiện cho người bệnh sự quan trọng của họ trong lời nói.
Hãy cho họ biết rằng, họ chính là một phần quan trọng của gia đình và tất cả mọi người đều cảm thấy hạnh phúc khi có họ ở bên cạnh. Ngoài ra, nên nhấn mạnh mỗi người có một cá tính riêng và việc họ không lạc quan, vui vẻ không có nghĩa là vô dụng, khác thường.
11. Không cố tranh luận với người bị trầm cảm
Người bị trầm cảm đôi khi có những suy nghĩ sai lệch và cho rằng bản thân đã phạm phải tội lỗi tày đình – nhất là khi trầm cảm sau khi trải qua sự kiện sang chấn như sảy thai, ly hôn, tai nạn,… Họ thường nghĩ về những sự kiện đã qua và có xu hướng suy nghĩ sai lệch về nguyên nhân, hậu quả. Đa phần đều cho rằng, bản thân là người đã gây ra mọi chuyện và tự dằn vặt, trách móc.
Khi họ bày tỏ những suy nghĩ sai lệch, không nên cố tranh cãi để chứng minh rằng họ đã sai. Thay vào đó, nên trấn an tinh thần và khích lệ người bệnh tìm kiếm sự giúp đỡ của bác sĩ. Khi được dùng thuốc, những suy nghĩ sai lệch ở bệnh nhân trầm cảm sẽ được cải thiện đáng kể.
Ngoài ra, một số bệnh nhân đôi khi sẽ có hoang tưởng với nội dung hoang đường và sai sự thật. Tình trạng này xảy ra do có triệu chứng loạn thần đi kèm. Việc giải thích và tranh luận trong trường hợp này hoàn toàn không mang lại kết quả tốt. Ngược lại sẽ kích thích phản ứng quá khích, tức giận và cáu kỉnh. Cách xử lý tốt nhất là lắng nghe bệnh nhân và khích lệ họ đến gặp chuyên gia.
12. Không nói rằng họ đang quá tiêu cực
Những hiểu biết của cộng đồng về bệnh trầm cảm vẫn còn khá hạn chế. Nhiều người không thực sự hiểu vì sao bệnh nhân luôn có những cảm xúc tiêu cực. Chính điều này đã khiến bệnh nhân phải đối mặt với những câu nói gây tổn thương, đặc biệt là lời nói cho rằng họ đang quá tiêu cực và bi quan.
Bản thân người bị trầm cảm không thể kiểm soát và điều chỉnh cảm xúc. Do đó, họ sẽ đắm chìm trong sự đau khổ, tuyệt vọng, bi quan và chán nản. Hơn bất cứ ai, họ hoàn toàn không mong muốn điều này xảy ra với bản thân. Vì vậy, những câu nói cho rằng họ đang quá tiêu cực là điều tối kỵ khi an ủi người trầm cảm.
An ủi, nói chuyện với người trầm cảm rất cần sự tinh tế và linh hoạt. Ngoài 12 điều cần ghi nhớ trên, bạn đọc nên tìm hiểu về trầm cảm để hiểu hơn về bệnh lý này và những gì bệnh nhân phải đối mặt. Có như vậy, bạn mới có thể thấu hiểu sâu sắc tâm lý và biết cách an ủi bệnh nhân khéo léo hơn.
Có thể bạn quan tâm:
- Phương pháp châm cứu điều trị trầm cảm có hiệu quả không?
- 7 Bài tập yoga chữa trầm cảm đơn giản dễ thực hiện
- Trầm cảm có tái phát không? Nguyên nhân và cách phòng ngừa
Xin cảm ơn những điều tư vấn rất hữu ích!