Phương pháp châm cứu điều trị trầm cảm có hiệu quả không?
Điều trị trầm cảm bằng châm cứu là phương pháp khá được ưa chuộng trong thời gian gần đây. Các nghiên cứu được thực hiện cho thấy, châm cứu góp phần cải thiện triệu chứng và tác động tích cực đến quá trình tiến triển của bệnh.
Tìm hiểu phương pháp châm cứu điều trị trầm cảm
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 350 triệu người trên thế giới đang phải đối mặt với chứng trầm cảm. Trầm cảm là một dạng rối loạn cảm xúc thường gặp, đặc trưng của bệnh là khí sắc giảm thấp quá mức và kéo dài trong ít nhất 6 tháng. Người mắc chứng bệnh này thường trực sự buồn bã, đau khổ, chán nản, bi quan và mất đi sự quan tâm, hứng thú với mọi thứ xung quanh.
Các triệu chứng của trầm cảm thường khởi phát từ từ sau khi trải qua các sang chấn tâm lý như sảy thai, vỡ nợ, ly hôn, thất bại trong công việc, xung đột sâu sắc với gia đình, bị tai nạn nghiêm trọng và bệnh tật. Ban đầu, các triệu chứng khá mờ nhạt nhưng sẽ nghiêm trọng dần theo thời gian.
Cho đến nay, nguyên nhân chính xác gây bệnh trầm cảm vẫn chưa được biết rõ. Cũng vì vậy mà quá trình điều trị còn nhiều khó khăn và hạn chế. Trên thực tế, một số bệnh nhân tích cực điều trị nhưng bệnh chỉ thuyên giảm và dễ tái phát khi có yếu tố kích thích. Ngoài các phương pháp chính, một số bệnh nhân cũng áp dụng thêm liệu pháp hỗ trợ với mong muốn kiểm soát bệnh hiệu quả hơn.
Điều trị trầm cảm bằng châm cứu là phương pháp hỗ trợ được áp dụng khá phổ biến trong thời gian gần đây. Châm cứu là kỹ thuật phòng và chữa bệnh có nguồn gốc từ Đông Y. Kỹ thuật này sử dụng kim châm vào những huyệt vị có liên quan đến cơ quan bị tổn thương nhằm kích thích hoạt động của tế bào thần kinh và thúc đẩy tuần hoàn máu.
Châm cứu có hiệu quả với nhiều bệnh lý khác nhau, bao gồm cả trầm cảm. Mặc dù là kỹ thuật có nguồn gốc từ y học cổ truyền nhưng phương pháp này đã được nghiên cứu trên cơ sở khoa học. Tác dụng điều trị trầm cảm của châm cứu bắt nguồn từ những cơ chế sau:
- Phản ứng tiết đoạn: Châm cứu tác động vào huyệt vị tương ứng với cơ quan bị tổn thương. Tác động từ kim châm có tác dụng điều chỉnh lại cơ quan này và giúp giảm nhẹ các triệu chứng gặp phải.
- Phản ứng tại chỗ: Phản ứng tại chỗ thường thấy ở những trường hợp mắc các bệnh cơ xương khớp. Tuy nhiên, bệnh nhân trầm cảm có các cơn đau mãn tính không rõ nguyên nhân cũng có thể châm cứu để cải thiện. Châm cứu tạo ra phản ứng tại chỗ, qua đó kích thích xung động thần kinh và làm giảm mức độ cơn đau.
- Phản ứng toàn thân: Ngoài các huyệt vị có mối liên hệ với cơ quan bị tổn thương, thầy thuốc còn tiến hành châm ở những vị trí khác để tạo ra phản ứng toàn thân. Châm cứu tạo ra những biến đổi về nội tiết, dịch thể, các chất dẫn truyền thần kinh và tăng opiate có tác dụng giảm đau, thư giãn. Do đó, phương pháp này được ứng dụng để điều trị trầm cảm và một số vấn đề tâm lý thường gặp khác.
Ngày nay, châm cứu đã được phát triển với nhiều hình thức khác nhau như thủy châm, điện châm và nhu châm (cấy chỉ). Những cải tiến trong hình thức châm cứu giúp tăng hiệu quả và tạo ra kích thích sâu hơn so với kỹ thuật châm truyền thống.
Châm cứu trị trầm cảm có hiệu quả không?
Mặc dù châm cứu đã được khoa học công nhận về hiệu quả nhưng phương pháp này chỉ mới được dùng để điều trị trầm cảm trong những năm gần đây. Do đó, không ít bệnh nhân còn băn khoăn về hiệu quả thực sự của phương pháp. Hiện nay, đã có nhiều nghiên cứu về hiệu quả của châm cứu trong điều trị bệnh trầm cảm. Các nghiên cứu này đều cho thấy hiệu quả rõ rệt của châm cứu trong cải thiện triệu chứng và tiến triển của bệnh.
Nghiên cứu được Đại học York – Anh thực hiện vào năm 2013 cho thấy, bệnh nhân trầm cảm kết hợp châm cứu với liệu pháp hóa dược có cải thiện sớm hơn 3 tháng so với những người chỉ sử dụng thuốc. Từ nghiên cứu này có thể khẳng định, châm cứu là phương pháp hỗ trợ “đắc lực” trong điều trị trầm cảm và giảm thiểu nguy cơ phụ thuộc thuốc.
Tiến sĩ Hugh MacPherson (Đại học York) – Giáo sư nghiên cứu đầu tiên của Vương Quốc Anh cho biết, châm cứu sẽ kích thích cơ thể sản sinh hormone endorphin giúp cân bằng cảm xúc, thư giãn và giảm các cơn đau. Kết quả từ nghiên cứu trên đã mở ra cơ hội mới cho bệnh nhân trầm cảm và có triển vọng sẽ rút ngắn được thời gian sử dụng thuốc.
Với khoảng 350 triệu người mắc chứng trầm cảm, việc nghiên cứu và tìm ra giải pháp an toàn là vấn đề được nhiều chuyên gia quan tâm. Bởi ngày càng có nhiều trường hợp trầm cảm kháng trị. Từ kết quả nghiên cứu của Đại học York, các phương pháp hỗ trợ như châm cứu, ngồi thiền,… đang dần trở nên phổ biến bên cạnh tâm lý trị liệu và liệu pháp hóa dược.
Một số lưu ý khi điều trị trầm cảm bằng châm cứu
Phương pháp châm cứu điều trị trầm cảm đã được công nhận về hiệu quả hỗ trợ cải thiện triệu chứng và tác động tích cực đến tiến triển của bệnh. Tuy nhiên, bệnh nhân có ý định áp dụng phương pháp này nên lưu ý một số vấn đề sau:
1. Châm cứu ở các cơ sở uy tín
Châm cứu là kỹ thuật có nguồn gốc từ Đông y nên được lưu truyền khá rộng rãi. Cũng vì vậy mà có khá nhiều phòng khám thực hiện châm cứu nhưng không có đủ năng lực, kiến thức và chưa được đào tạo về kỹ năng xử lý sự cố khi châm. Do đó, vấn đề quan trọng nhất là phải lựa chọn cơ sở uy tín nếu có ý định châm cứu.
Hiện nay, các bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I và bệnh viện tỉnh đều đã thực hiện châm cứu điều trị trầm cảm. Nếu có nhu cầu, bệnh nhân nên lựa chọn cơ sở uy tín để đảm bảo hiệu quả. Rất nhiều trường hợp đã gặp phải tình trạng nhiễm trùng và tổn thương dây thần kinh do châm cứu ở những phòng khám kém chất lượng.
2. Phải kết hợp với thuốc và tâm lý trị liệu
Châm cứu đã được chứng minh có hiệu quả cải thiện trầm cảm thông qua cơ chế kích thích sản sinh endorphin và điều hòa lại nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh. Tuy nhiên, châm cứu chỉ là phương pháp hỗ trợ nên không thể thay thế cho liệu pháp hóa dược và tâm lý trị liệu.
Hiện nay, sử dụng thuốc vẫn là lựa chọn ưu tiên khi điều trị trầm cảm. Bên cạnh đó, bệnh nhân nên trị liệu tâm lý để ổn định cảm xúc lâu dài và biết cách chế ngự cảm xúc của bản thân. Các phương pháp như châm cứu, ngồi thiền, tập yoga, âm nhạc trị liệu,… chỉ là liệu pháp hỗ trợ để tối ưu hiệu quả và rút ngắn thời gian dùng thuốc.
Căn nguyên của trầm cảm rất phức tạp và hiện tại các bác sĩ chưa thể tìm ra nguyên nhân chính xác. Vì vậy, quá trình điều trị còn nhiều hạn chế và khó khăn. Để có thể quản lý bệnh thành công, nên kết hợp các phương pháp chính và một số liệu pháp hỗ trợ theo hướng dẫn của bác sĩ.
3. Các lưu ý khác
Ngoài những lưu ý trên, bệnh nhân có ý định châm cứu điều trị trầm cảm cũng cần chú ý những thông tin quan trọng sau:
- Châm cứu điều trị trầm cảm có thể cải thiện cả các triệu chứng thể chất như đau đầu, mất ngủ,… Nếu gặp phải các triệu chứng này, bệnh nhân nên xem xét châm cứu để cải thiện bệnh thay vì lạm dụng thuốc.
- Trước khi châm cứu, nên trao đổi với bác sĩ/ thầy thuốc tình trạng sức khỏe của bản thân để được đánh giá nguy cơ trước khi thực hiện.
- Chỉ nên châm cứu khi trạng thái tinh thần ổn định, đồng thời cần đảm bảo không uống rượu bia, hút thuốc lá và không để bụng quá đói hoặc quá no.
- Phụ nữ mang thai và đang hành kinh nên tránh châm cứu nếu không thực sự cần thiết.
- Bệnh nhân trầm cảm bị thiếu máu và suy kiệt không nên châm cứu vì nguy cơ bị choáng do hạ huyết áp. Trong trường hợp này, nên cải thiện sức khỏe trước khi châm cứu để đảm bảo an toàn.
Phương pháp châm cứu điều trị trầm cảm hứa hẹn sẽ mang đến triển vọng trong việc kiểm soát và quản lý bệnh. Tuy nhiên, những nghiên cứu về hiệu quả của phương pháp này chỉ mới được thực hiện ở quy mô nhỏ. Vì vậy, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp phù hợp nhất với tình trạng sức khỏe của bản thân.
Có thể bạn quan tâm:
- Dùng tâm lý trị liệu chữa trầm cảm: Phương pháp an toàn tối ưu
- Ngồi thiền giúp chữa trầm cảm và nhiều bệnh tâm lý khác
- Bệnh Trầm Cảm Có Chữa Được Không? Cách Nào Hiệu Quả?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!