Cách phòng tránh bạo lực học đường cho trẻ ngay từ nhỏ

Làm cách nào để phòng tránh bạo lực học đường cho trẻ ngay từ nhỏ không chỉ là câu hỏi đặt ra cho phụ huynh mà còn là trách nhiệm của nhà trường, các đơn vị liên quan và toàn xã hội hiện nay. Nâng cao kỹ năng tự bảo vệ bản thân, kỹ năng ứng phó linh hoạt, kỹ năng kiểm soát cảm xúc ngay từ sớm là những hành động cần thiết để ngăn chặn các hệ lụy từ vấn nạn này.

phòng tránh bạo lực học đường
Để phòng tránh bạo lực học đường cần có sự chung tay của rất nhiều đơn vị, đặc biệt là nhà trường và gia đình

Cách phòng tránh bạo lực học đường cho trẻ ngay từ nhỏ

Một thống kê từ 2019 cho thấy, chỉ trong 1 năm học mà có đến hơn 1900 vụ đánh nhau trên toàn quốc với nhiều mức độ và hình thức khác nhau. Đặc biệt hiện nay với sự phát triển của mạng xã hội, nạn bắt nạt học đường không chỉ được thực hiện thông qua hình thức đánh nhau mà còn thông qua việc bạo lực mạng, dùng ngôn từ hay các hình ảnh cắt ghép xấu xí để hạ nhục danh dự người khác.

Rất nhiều nạn nhân của bạo lực học đường chỉ được phát hiện thông qua những clip, hình ảnh bị bắt nạt bị lan truyền trên mạng xã hội, được học sinh truyền tay nhau và đùa cợt. Hình những hình ảnh học sinh phải quỳ rạp dưới đất, quần áo bị xé, người đầy thương tích, luôn miệng van xin nhưng kẻ bắt nạt vẫn không hề ngừng tay khiến không ai không đau lòng.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Vậy làm cách nào để có thể nâng cao tinh thần phòng tránh bạo lực học đường cho trẻ ngay từ sớm?

Rèn luyện kỹ năng tự bảo vệ bản thân

Những kẻ bắt nạt thường “chọn mục tiêu” là những đứa trẻ trông “có vẻ dễ bắt nạt”, yếu đuối, nhỏ nhắn hay nhút nhát. Hầu hết nạn nhân của bạo lực học đường cũng thường là những đứa trẻ có sức lực yếu, không có khả năng chống lại khi bị bắt nạt, đồng thời cũng vì nhút nhát nên các con cũng không dám lên tiếng, không dám báo cho gia đình hay thầy cô giáo.

Rèn luyện các kỹ năng tự vệ, kỹ năng tự bảo vệ bản thân chính là một trong những cách hiệu quả nhất để phòng tránh bạo lực học đường cho mỗi đứa trẻ. Các kỹ năng này có thể là la hét để gây chú ý cho những người xung quanh khi cảm thấy nguy hiểm, kỹ năng chạy trốn hay phản kháng lại khi bị bắt nạt ngay từ đầu.

Nếu gia đình có điều kiện rất nên cho con đi học võ, kể cả với các bé gái. Võ thuật không chỉ giúp con có khả năng tự bảo vệ bản thân trước các tình trạng khẩn cấp mà còn nâng cao sức khỏe, sự dẻo dai, linh hoạt và khả năng hòa nhập cho trẻ. Hiện nay một số trường cũng bắt đầu đưa võ thuật vào giảng dạy song song với thể dục, ngoài ra cũng có rất nhiều các lớp võ được thành lập, kể cả tại các trường nông thôn.

Tuy nhiên không nhất thiết phải là học võ mới có thể phòng tránh bạo lực học đường. Phụ huynh chỉ cần giúp con rèn luyện một thể lực tốt, một cơ thể khỏe khoắn, năng động. Khi có sức khỏe tốt, con thường ít trở thành mục tiêu bị bắt nạt hoặc ít nhất, có thể chống lại, phản kháng lại ngay khi bị bắt nạt chứ không chịu đựng để bạn bè trêu chọc, dọa đánh.

Nâng cao khả năng ứng biến linh hoạt trong mọi tình huống

Hầu hết trẻ em đều chưa quá linh hoạt trong việc xử lý các tình huống bất ngờ do con chưa tiếp xúc quá nhiều với môi trường bên ngoài. Khi bị bạn bè trêu chọc bắt nạt con thường sợ hãi, khóc lóc, chạy trốn đôi khi là phản kháng ngược lại nhưng theo hướng tiêu cực hơn. Vì vậy việc tạo cho con khả năng ứng biến linh hoạt, nhìn nhận tình hình để bảo vệ bản thân là rất cần thiết.

phòng tránh bạo lực học đường
Cần hướng dẫn cho trẻ cách xử lý tình huống linh hoạt để bảo vệ bản thân mình

Chẳng hạn nếu con chỉ bị bạn bè trêu chọc bắt nạt bằng lời nói bình thường hãy phản ứng ngay rằng “tớ không thích bị nói như thế”; ” lời bạn nói là sai sự thật” để phòng tránh, ngăn chặn bạo lực học đường tiếp tục diễn ra. Nói với giọng nghiêm túc, rõ ràng, rành mạch và nhìn thẳng vào mắt đối phương sẽ khiến những kẻ bắt nạt cảm thấy e dè ngay lập tức vì chúng nhận ra rằng con không phải kẻ yếu đuối như chúng vẫn tưởng.

Trong khi đó nếu bị những kẻ bắt nạt đi theo nhóm để tìm kiếm con thì hãy lựa chọn chạy trốn hay cầu cứu một người nào đó vì đôi khi việc phản kháng cũng không có tác dụng. Đôi khi chấp nhận lùi một bước, nhẫn nhịn để tránh các xung đột xảy ra cũng là điều cần thiết để tránh khỏi bạo lực, tuy nhiên điều này không có nghĩa là lúc nào cũng phải cam chịu nhún nhường để bị bắt nạt.

Hòa nhập, kết giao để phòng tránh bạo lực học đường

Nhóm đối tượng cũng rất dễ trở thành đối tượng cho những kẻ bắt nạt học đường  thực hiện các hành vi của mình chính là những đứa trẻ có xu hướng tách biệt, cô lập bản thân, không kết giao. Trẻ thường ngồi một mình, đi một mình, không có ai bảo vệ nên khi xảy ra các hành vi bắt nạt hay bạo lực cũng ít người lên tiếng giúp đỡ nên chúng càng dễ dàng sai bảo, bắt nạt hơn.

Mỗi người có một tính cách riêng, những đứa trẻ vốn có xu hướng sống nội tâm, ít nói, nhút nhát thường khó kết bạn hơn bình thường. Gia đình nên cố gắng khuyến khích trẻ nên kết giao với bạn bè, tham gia vào các hội nhóm của lớp, của trường phù hợp với tính cách của con. Chẳng hạn nếu trẻ thích học có thể tham gia vào các nhóm học tập sẽ dễ tìm được những người bạn tâm giao.

Để phòng tránh bạo lực học đường, việc kết giao bạn bè thực sự là điều rất cần thiết. Chẳng hạn nếu thấy con bị bắt nạt, bị đe dọa bạn bè cũng chính là những người báo cáo cho thầy cô giáo hoặc tìm cách giúp đỡ con thoát khỏi tình trạng này. Một mình con thường không đủ sức chống chọi và cũng không thể sáng suốt để tìm ra các phương án giải quyết phù hợp nên sự có mặt của bạn bè là rất cần thiết.

Kỹ năng tránh xa bạo lực học đường

Phòng tránh bạo lực học đường không chỉ bao gồm việc tránh trở thành nạn nhân mà còn để ngăn chặn nguy cơ con chính là kẻ bắt nạt. Trẻ nhỏ thường có xu hướng dễ hùa theo bạn bè, hoặc do vô tình, chính bản thân trẻ cũng trở thành người đã gây nên những tổn thương bằng lời nói hay hành động lên bạn bè. Do đó cần rèn luyện kỹ năng để tránh xa bạo lực cho mỗi đứa trẻ.

phòng tránh bạo lực học đường
Cần tránh xa bạo lực xảy ra cho bản thân và cả các hành vi gây tổn hại cho người khác

Gia đình cần khuyến khích trẻ không nên chơi với những người bạn xấu, những người thường đi bắt nạt người khác. Nếu thấy có các hành vi thiếu phù hợp trong môi trường trong và ngoài lớp học cũng không nên hùa theo. Chẳng hạn khi thấy cả lớp cùng trêu chọc bạn A béo, xấu xí, giật tóc hay giấu đồ của bạn thì con tuyệt đối không nên tham gia mà ngược lại, có thể đứng dậy bảo vệ hoặc giúp bạn tìm đồ đạc đã mất.

Bảo vệ bản thân tránh xa bạo lực học đường, cũng cần chú ý đến các biện pháp phòng tránh con biến thành nạn nhân vì dám đứng lên bảo vệ bạn bè. Chẳng hạn khi thấy bạn A bị bắt nạt, vì bảo vệ bạn mà con vô tình trở thành “mục tiêu mới”, trong thực tế tình huống này không hề hiếm, đó cũng là lý do dù nhìn thấy bạo lực học đường trước mắt nhưng không phải học sinh nào cũng dám lên tiếng.

Để giải quyết trình trạng này, khi nhìn thấy bạo lực, con có thể tìm các biện pháp khéo léo, chia sẻ với thầy cô hay gia đình một cách bí mật, riêng tư hơn để bảo vệ chính mình. Nhà trường cũng cần có các biện pháp bảo vệ nạn nhân, giữ kín danh tính người báo cáo để bảo vệ các em, tránh khiến học sinh bị bạn bè cô lập, tẩy chay khi đứng lên vì chính nghĩa.

Phòng tránh bạo lực học đường thông qua học cách kiểm soát cảm xúc

Khi bị bạn bè trêu chọc, nhiều đứa trẻ thường ngay lập tức phản ứng lại bằng cách cáu gắt, la hét, kích động, với những kẻ bắt nạt những cảm xúc này có thể kích thích chúng càng muốn dạy cho trẻ “một bài học hơn”. Mặt khác nếu trẻ trở nên e dè, nhút nhát, biểu lộ sự sợ hãi, khóc lóc thì chúng cũng càng thích thú và hào hứng hơn. Sau đó tất nhiên các hành động này vẫn tiếp tục diễn ra.

Thực tế việc hạn chế biểu cảm, bày tỏ cảm xúc với những kẻ bắt nạt có thể khiến chúng mất cảm xúc với việc bắt nạt. Bởi những kẻ này thường “sống” bằng cảm xúc của người khác, khi trẻ càng tỏ ra sợ hãi hay càng phản ứng lại càng giống như kích thích thích chúng muốn làm tiếp. Chẳng hạn khi bị trêu chọc là “béo như heo”, nếu con cười và cũng giả bộ đồng tình, sau đó lảng sang việc khác thì hoàn toàn có thể tránh khỏi việc tiếp tục là đối tượng bị chọc ghẹo.

Tuy nhiên chiến thuật phòng tránh bạo lực học đường này cũng là một “con dao hai lưỡi”, bởi nếu không khéo, kẻ bắt nạt càng muốn tấn công nhiều hơn cho tới khi trẻ thể hiện sự sợ hãi. Do đó khi cần thiết, trẻ vẫn cần dùng sự nghiêm túc, lời nói đanh thép rõ ràng, cứng rắn để kết thúc tình trạng này.

Tâm lý của những đứa trẻ khi bị bạn bè bắt nạt, sử dụng bạo lực chính là sợ hãi, xấu hổ, ngày càng thiếu tự tin, luôn sống trong ám ảnh, lo lắng. Do đó ở một số trẻ, khi không còn làm chủ được cảm xúc của bản thân có thể có các hành vi bốc đồng, sử dụng bạo lực hay vũ khí để tấn công ngược lại kẻ bắt nạt, nếu để xảy ra trường hợp này sẽ để lại rất nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Gia đình có thể hướng dẫn con cách kiểm soát cảm xúc để phòng tránh bạo lực học đường chẳng hạn như hít thở sâu, nhẩm đến từ 1 đến 10 để điều chỉnh sự nóng giận về con số 0. Khi tinh thần bình tĩnh, được thả lỏng thì việc tìm cách giải quyết với những kẻ bắt nạt cũng dễ dàng hơn rất nhiều.

Vai trò của gia đình và nhà trường trong phòng tránh bạo lực học đường

Thực tế để rèn luyện các kỹ năng hay thực hiện các biện pháp như trên rất cần đến sự giúp đỡ của gia đình và nhà trường, bản thân mỗi đứa trẻ không thể tự thực hiện nếu ngay từ đầu không có sự hướng dẫn. Vai trò của nhà trường và gia đình rất quan trọng trong quá trình phòng tránh bạo lực học đường, đồng thời cần đến sự hỗ trợ của các đơn vị liên quan như các tổ chức bảo vệ quyền lợi trẻ em.

Vai trò của gia đình

Mỗi gia đình cần dành nhiều thời gian trò chuyện, chia sẻ với con, chỉ cho con các dấu hiệu của bạo lực học đường ngay từ thời điểm con bắt đầu đi học. Tính cách của con bị ảnh hưởng rất nhiều từ gia đình, vì thế ngay trong cách sinh hoạt, trò chuyện, giáo dục hằng ngày phụ huynh cần tạo cho con sự quyết đoán, dũng cảm, tự lập và dám lên tiếng nếu có bất bình.

phòng tránh bạo lực học đường
Gia đình cần khuyến khích con tham gia các hoạt động nâng cao kỹ năng mềm, khả năng thích ứng và sự linh hoạt

Cụ thể, một số biện pháp cần được phụ huynh chú ý để phòng tránh bạo lực học đường từ sớm cho con như

  • Không nên quá bao bọc con sẽ khiến con luôn bị phụ thuộc vào người khác, trở nên nhút nhát, khó khăn trong việc kết bạn khi bước vào môi trường học đường
  • Rèn luyện đầy đủ về thể lực, khuyến khích con tập thể dục thể thao hằng ngày kết hợp với chế độ dinh dưỡng khoa học đầy đủ để con luôn khỏe mạnh nhất
  • Cho con tham gia các lớp học kỹ năng mềm, lớp học võ hay sinh hoạt nhà văn hóa để tăng khả năng dạn dĩ, khả năng kết  bạn hay xử lý tình huống linh hoạt hơn
  • Đặt ra các giả thuyết để xem xét các xử lý tình huống của con, từ đó hướng dẫn con có biện pháp giải quyết phù hợp. Chẳng hạn có thể hỏi con nếu con đang ăn và bạn đến giật đồ ăn thì con làm thế nào?Thông qua cách trả lời để điều chỉnh các hành vi của con phù hợp hơn, nâng cao kỹ năng giải quyết vấn đề ngay từ giai đoạn sớm, phòng tránh bạo lực học đường hiệu quả.
  • Nâng cao tinh thần tương thân tương ái, dám đứng lên để bảo vệ cái đúng, hướng đến cái thiện trong cuộc sống, yêu thương bạn bè xung quanh
  • Duy trì việc chia sẻ, tâm sự với con hằng ngày để hiểu rõ hơn về con, đồng thời tạo cho con thói quen chia sẻ ngay cho phụ huynh khi có các vấn đề bất thường ở trường lớp sau này
  • Hướng dẫn con cách kiểm soát cảm xúc, chăm sóc tinh thần, luôn hướng đến những suy nghĩ lạc quan tích cực trong mọi tình huống
  • Khuyến khích con tuân thủ nội quy của trường lớp hay ở bất cứ nơi đâu mà con tới
  • Tuyệt đối không nên cổ súy các hành vi bạo lực hay những lời nói kém văn minh lịch sự để tránh biến con trở thành kẻ bắt nạt
  • Hướng dẫn con đọc, xem hay tiếp nhận các thông tin, hình ảnh đúng với lứa tuổi, tránh cho con tiếp xúc quá nhiều với những hình ảnh mang tính chất cổ súy, đề cao bạo lực

Vai trò của nhà trường

Nhà trường cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc phòng tránh bạo lực học đường. Xây dựng môi trường học tập công bằng, văn minh, loại bỏ bạo lực bằng hành động hay lời nói là điều mà tất cả những người đang làm trong ngành giáo dục đều cần chung tay thực hiện.

phòng tránh bạo lực học đường
Tổ chức các chương trình rèn luyện kỹ năng mềm hay nâng cao khả năng tránh xa bạo lực học đường là điều nhà trường cần sớm thực hiện

Một số vấn đề nhà trường cần thực hiện để sớm phòng tránh bạo lực học đường, bảo vệ cho học sinh tốt nhất như

  • Thường xuyên chương trình tuyên truyền về những hệ lụy của bạo lực, đồng thời chung tay phòng chống nạn bạo lực học đường cho toàn thể học sinh
  • Tổ chức các chương trình rèn luyện kỹ năng mềm, nâng cao khả năng phản ứng hay đối phó với bạo lực học đường
  • Mời các chuyên gia để trò chuyện và hướng dẫn học sinh các kỹ năng phòng tránh bạo lực học đường thông qua phương pháp đặc biệt CLPS (Calm (bình tĩnh) – Listening (lắng nghe) – Praise (khen) – Smile (cười)
  • Dành thời gian quan sát, tìm hiểu về đời sống của học sinh, phát hiện sớm những xung đột, mâu thuẫn tiềm ẩn, tìm hiểu lý do để xử lý phù hợp
  • Tinh tế trong việc giải quyết mâu thuẫn của học sinh. Chẳng hạn nhà trường nên tạo các cuộc gặp riêng tư, xử lý có tình có lý, tránh trường hợp vội vàng công khai phê bình học sinh trước toàn trường sẽ làm hạ thấp lòng tự trọng khiến những đứa trẻ này dễ kích động và có các hành vi bốc đồng hơn
  • Tổ chức các chương trình thiện nguyện hay chương trình tương thân tương ái, nâng cao tình thần đoàn kết dân tộc và sự hướng thiện cho học sinh
  • Xem xét tổ chức các lớp học võ hay các chương trình võ thuật vào các chương trình giáo dục để hướng dẫn học sinh cách tự bảo vệ bản thân
  • Thành lập hội thư thoại, đường dây nóng hay các phòng ban để học sinh có thể báo cáo nếu là nạn nhân hay phát hiện bạo lực học đường. Đồng thời nhà trường cũng cần cam kết giữ gìn danh tính cho học sinh nếu là người báo cáo về các trường hợp bắt nạt tại trường hợp

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu

Dù đã được tuyên truyền và cảnh báo rất nhiều nhưng thực tế việc phòng tránh bạo lực học đường vẫn còn đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong thời đại mà trẻ được tiếp xúc với internet từ rất sớm như hiện nay. Cả gia đình và nhà trường đều cần chung tay xây dựng một môi trường học tập văn minh, tích cực, đẩy lùi bạo lực để mỗi đứa trẻ đều được phát triển tốt nhất về mọi mặt.

Có thể bạn quan tâm:

Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *