Rối loạn chức năng kiểm soát cảm xúc gây ra nhiều hệ lụy xấu
Rối loạn chức năng kiểm soát cảm xúc khiến chúng ta dễ kích động, bốc đồng, có các hành vi thiếu phù hợp gây ảnh hưởng trực tiếp đến các mối quan hệ. Học cách kiểm soát cảm xúc trong cuộc sống hằng ngày là điều cần thiết để mỗi người trưởng thành hơn, tránh gây tổn thương cho những người xung quanh và chính bản thân mình trong lúc tinh thần bất ổn.
Rối loạn chức năng kiểm soát cảm xúc là gì ?
Vui, buồn, tức giận, bất ngờ, sợ hãi, giận dữ, đau khổ, mừng rỡ, hạnh phúc chính là những tự nhiên của con người được bộc phát trong từng hoàn cảnh khi chúng ta phải đối mặt. Cảm xúc giống như một nguồn dưỡng chất nuôi sống tâm hồn, để chứng minh rằng con người đang thực sự “sống” chứ không chỉ là đang ” tồn tại”. Bởi thế, vai trò của cảm xúc là cực kỳ quan trọng.
Cảm xúc thường đi đôi với hành vi, tùy theo từng tình huống và cách chúng ta kiểm soát. Chẳng hạn một người trong trạng thái hạnh phúc bất ngờ thường có xu hướng nhảy lên, reo hò, mặt mày hớn hở. Trong khi đó người trong trạng thái tức giận có xu hướng muốn đập phá thứ gì đó để giải tỏa hay người ở trong cảm xúc buồn bã thường dễ cáu giận hơn cả.
Rối loạn chức năng kiểm soát cảm xúc có thể hiểu là trạng thái mà chúng ta không thể kiểm soát được các hành vi, cách biểu hiện trạng thái một cách ổn định. Tất nhiên trong cuộc sống, có những cảm xúc vui, buồn, tức giận là điều khó tránh khỏi, nhưng không thể vì thế mà chúng ta được đập phá đồ đạc, được cáu gắt với người khác, điều này hoàn toàn là không phù hợp.
Người mắc chứng này hay có xu hướng dễ kích động, bốc đồng, làm trái quy định, có thể phát tiết cảm xúc của bản thân một các quá mức mà không hề quan tâm đến những người xung quanh. Một số triệu chứng điển hình của rối loạn chức năng kiểm soát cảm xúc như:
- Cảm xúc luôn được biểu hiện quá mức, dù là vui hay buồn và bộc lộ trong mọi địa điểm, tình huống.. Chẳng hạn một đứa trẻ đang đi học nhưng bị cô giáo khiển trách liền giận dỗi, vùng vằng muốn bỏ về; một đứa trẻ không được cha mẹ mua đồ chơi liền la hét, ăn vạ tại chỗ
- Thường hay có các hành vi hung hãn, bốc đồng, dễ kích thích nếu các vấn đề không như ý muốn
- Nóng nảy, dễ bị kích động, hay cáu gắt và hay bắt nạt những người xung quanh
- Trong trạng thái bốc đồng do rối loạn chức năng kiểm soát cảm xúc, rất khó để yêu cầu họ giữ bình tĩnh
- Cảm xúc thay đổi đột ngột, vui buồn thất thường không phù hợp với hoàn cảnh/ tình huống và không thể tự điều chỉnh
- Có xu hướng lạm dụng bia rượu, chất gây nghiện hay cả tình dục thiếu lành mạnh từ sớm
- Thường xuyên gây tổn thương cho người khác bằng những lời nói hay hành vi thiếu phù hợp của mình
- Một số triệu chứng về thể chất cũng có thể xuất hiện kèm theo như mất ngủ, đau đầu, khó tập trung, mệt mỏi hay một số rối loạn khác về thể chất
Rối loạn chức năng kiểm soát cảm xúc gây ra rất nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, các mối quan hệ cũng như quá trình tiếp thu và hình thành nhận thức của một người. Trẻ nhỏ nếu luôn có tinh thần tiêu cực, nóng nảy sẽ dễ làm xa cách các mối quan hệ, khó hoàn thiện về mặt nhân cách, cảm xúc dẫn tới nhiều hệ lụy khác nên tuyệt đối không được chủ quan.
Nguyên nhân rối loạn chức năng kiểm soát cảm xúc
Não bộ chính là cơ quan đảm nhiệm chức năng kiểm soát nên những vấn đề bất thường xảy ra tại đây chính là nguyên nhân gây ra các rối loạn. Trong đó thùy trán (frontal lobe) là khu vực não bộ đảm nhiệm chức năng kiểm soát về nhận thức, trí nhớ, ngôn ngữ, giải quyết vấn đề hay biểu thị cảm xúc. Tổn thương thùy trán có thể cho các chấn thương đột ngột vào đầu, đột quỵ hay một số bệnh tật.
Các tài liệu nghiên cứu khoa học đã chỉ ra hệ thống limbic chính cũng là là đơn vị quan trọng đảm nhiệm việc kiểm soát cảm xúc trong não bộ với các cơ quan gồm hạch hạnh nhân (nỗi sợ hãi, tức giận); hồi hải mã (cảm giác hạnh phúc); vùng dưới đồi (lòng tin, kích thích tình dục); thể chai (sự thúc đẩy và khả năng điều chỉnh tâm trạng).
Một nghiên cứu cũng đã được thực hiện cho thấy nguyên nhân chứng vô cảm (không có cảm xúc) chính là do tổn thương tại hạch hạnh nhân. Những tác động đột ngột vào đầu, thiếu oxy hay một số bệnh lý thần kinh khác cũng được cho là có liên quan tới những tổn thương não bộ dẫn tới rối loạn chức năng kiểm soát cảm xúc.
Nói chung, những vấn đề gây giảm/ mất khả năng tự kiểm soát hay điều chỉnh cảm xúc của bản thân đều liên quan đến các vấn đề tại não bộ. Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ này bao gồm
- Người bị các va đập đột ngột vào đầu, chẳng hạn té ngã, tai nạn giao thông hay bị đánh đập
- Người lạm dụng bia rượu, thuốc lá, chất gây nghiện trong thời gian dài
- Người lạm dụng một số loại thuốc điều trị bệnh trong thời gian dài, chẳng hạn như thuốc an thần, thuốc điều trị trầm cảm, hưng cảm
- Người sống trong căng thẳng, tiêu cực, bạo lực trong thời gian dài
- Một số bệnh lý thực thể liên quan như tiểu đường, u xơ não, đột quỵ, bệnh Parkinson, đa xơ cứng, hạ đường huyết
- Một số vấn đề tâm lý, tâm thần liên quan như trầm cảm, rối loạn căng thẳng sau sang chấn, rối loạn lưỡng cực, rối loạn nhân cách chống đối xã hội..
Bên cạnh đó cũng cần chú ý rằng, ở các nhóm trẻ tự kỷ, trẻ tăng động giảm chú ý cũng có kèm theo xu hướng rối loạn chức năng kiểm soát cảm xúc. Lúc này tình trạng này trở thành một triệu chứng trong các dạng rối loạn phát triển này và khó khăn trong việc can thiệp, điều trị hơn.
Rối loạn chức năng kiểm soát cảm xúc gây ra hậu quả như thế nào?
Việc điều chỉnh cảm xúc ổn định đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc sống hằng ngày, dù là người lớn hay trẻ em. Thực tế trẻ em thường dễ được bỏ qua cho các trạng thái kích động, bốc đồng thiếu phù hợp nhưng nếu không can thiệp sẽ chính là tiền đề làm hình thành các thói quen xấu khi trưởng thành.
Rối loạn chức năng kiểm soát cảm xúc có thể gây ra những hậu quả trực tiếp đến người bệnh và cả những người xung quanh. Bao gồm
- Xa rời các mối quan hệ: cảm xúc không kiểm soát khiến những người này dễ gây tổn thương cho những người xung quanh bằng lời nói lẫn hành vi thiếu phù hợp khiến họ dần xa rời các mối quan hệ, từ bạn bè, gia đình, đồng nghiệp..
- Tăng cảm giác cô độc: sự bất ổn về mặt cảm xúc là nguyên nhân khiến những người này dễ bị những người xung quanh cô lập, không muốn tiếp xúc. Mặt khác họ cũng không thể hòa hợp với môi trường xung quanh, đặc biệt khi đến những nơi đông người và xa lạ. Trạng thái cô đơn, thiếu vắng sự chia sẻ càng làm tăng mức độ tinh thần tiêu cực, dễ kích thích hơn.
- Suy giảm về thể chất: Rối loạn chức năng kiểm soát cảm xúc cũng làm tăng nguy cơ các chứng đau đầu, cao huyết áp, các bệnh lý về tim mạch hay hệ thống tiêu hóa
- Tăng nguy cơ các vấn đề tâm lý: không cảm xúc luôn ở mức đỉnh điểm, không thể duy trì sự bình ổn, lúc nào cũng rơi vào trạng thái căng thẳng, dễ kích động cũng khiến những người này tăng nguy cơ mắc trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn cảm xúc cùng hàng loạt vấn đề khác.
- Khó khăn trong cuộc sống: chẳng hạn một người bị rối loạn chức năng kiểm soát cảm xúc có thể đột ngột tức giận hay la mắng khách hàng trong quá trình tư vấn, tất nhiên điều này không phù hợp trong tất cả mọi công việc. Do đó những người bệnh trưởng thành thường gặp rất nhiều khó khăn để tìm kiếm một công việc phù hợp với tâm lý bất ổn của họ.
- Dễ có các hành vi sai lầm: khi không kiểm soát được cảm xúc, những người này cũng rất dễ có các hành vi kích thích, bốc đồng, không phù hợp với tình huống. Chẳng hạn khi đang tranh cãi với một ai đó, họ có thể đột ngột tấn công khiến người đó bị thương nghiêm trọng nên phải chịu trách nhiệm trực tiếp với pháp luật.
Nghiêm trọng hơn, một số bệnh nhân có thể xuất hiện các suy nghĩ như bản thân vô dụng, không còn đáng sống, cảm giác như có những âm thanh trong đầu.. Đây chính là dấu hiệu của các bệnh tâm thần nghiêm trọng cần được điều trị ngay lập tức.
Hướng điều trị rối loạn chức năng kiểm soát cảm xúc
Chẩn đoán rối loạn chức năng kiểm soát cảm xúc cần thực hiện nhiều xét nghiệm kiểm tra để tránh nguy cơ với một số bệnh lý có các triệu chứng tương tự. Thường bác sĩ sẽ tìm hiểu về tiền sử bệnh lý; các loại thuốc đã hoặc đang sử dụng đồng thời thực hiện các xét nghiệm não bộ như X quang, MRI để phát hiện các dấu hiệu bất thường nếu có.
Tùy nguyên nhân và tình trạng của từng người mà hướng điều trị rối loạn chức năng kiểm soát cảm xúc được điều trị theo hướng khác nhau. Thuốc, liệu pháp tâm lý và một chế độ sinh hoạt lành mạnh thường được khuyến khích kết hợp đồng thời để mang đến kết quả tốt nhất.
Trị liệu tâm lý
Thực chất nhiều người bị rối loạn chức năng kiểm soát cảm xúc chính bởi họ phải đối mặt với quá nhiều áp lực, căng thẳng, tiêu cực mỗi ngày, phải nhìn thấy những điều tồi tệ diễn ra trước mắt thường xuyên. Các hormone tiêu cực như Cortisol, Adrenaline, …tiết ra thường xuyên khiến hệ thống thần kinh giảm dần chức năng vốn có và dễ hành động bốc đồng hơn.
Mục tiêu của trị liệu tâm lý chính là giúp người bệnh học cách tự xoa dịu tâm trí, kiểm soát cảm xúc của bản thân, đồng thời giải quyết được nguyên nhân gốc rễ gây bệnh nên có liên quan đến các tác động từ ngoại cảnh đến tâm trí. Đây cũng là biện pháp chính được chỉ định cho hầu hết các tình trạng rối loạn chức năng kiểm soát cảm xúc.
Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) được chỉ định chủ yếu cho bệnh nhân nhằm điều chỉnh niềm tin, hành vi, nhận thức sai lệch theo hướng tích cực, phù hợp hơn; điều hòa cảm xúc đồng thời bổ sung các kỹ năng, chiến lược để đối mặt với các căng thẳng, vấn đề nan giải trong cuộc sống ở hiện tại và tương lai. Bản thân người bệnh cần hiểu rõ vấn đề của bản thân, tự có ý thức thay đổi chứ không thể phụ thuộc vào ai khác.
Các liệu pháp thư giãn cũng được hướng dẫn cho người bệnh để tinh thần luôn được thả lỏng, thoải mái, đặc biệt là tự kiểm soát cảm xúc hay hành vi trong trạng thái kích thích. Nhà trị liệu cũng có thể thiết kế các buổi trị liệu nhóm hay trị liệu gia đình để người bệnh có thể chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ của mình cũng như cải thiện các kỹ năng giao tiếp để hòa nhập lại với cuộc sống.
Người bị rối loạn chức năng kiểm soát cảm xúc nếu có những đáp ứng tốt với liệu pháp tâm lý thường có những thay đổi rất tích cực, trạng thái cáu giận giảm dần, các hành vi bốc đồng quá khích cũng hầu như không còn. Tinh thần vui vẻ, thoải mái cũng giúp người bệnh sẵn sàng hơn trong các hoạt động đời sống hằng ngày.
Điều trị bằng thuốc
Không có bất cứ loại thuốc nào đặc trị có thể thay đổi hay điều chỉnh cảm xúc của con người. Hầu hết bác sĩ có thể chỉ định một số nhóm thuốc như thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm, thuốc xoa dịu cảm xúc để giảm các hành vi bốc đồng hay kích thích quá mức, hỗ trợ ổn định cảm xúc và hành vi với các trường hợp nặng.
Ngoài ra nếu rối loạn chức năng kiểm soát cảm xúc có liên quan đến một số bệnh lý khác, chẳng hạn tiểu đường cũng cần điều trị nguyên nhân gốc rễ mới có thể điều trị bệnh hoàn toàn. Việc sử dụng thuốc cần có chỉ định từ bác sĩ chuyên môn và người bệnh cần đảm bảo thực hiện theo đúng đơn thuốc để hạn chế tối đa các phản ứng phụ không mong muốn có thể xảy ra.
Điều trị tại nhà
Cảm xúc và hành vi, tinh thần và thể chất đều có mối quan hệ mật thiết, tương tác qua lại lẫn nhau. Một lối sống lành mạnh hoàn toàn có thể giúp ích cho quá trình chăm sóc và phục hồi sức khỏe tinh thần, gia tăng các cảm xúc tích cực để thay thế dần sự tiêu cực và các phản ứng quá khích không phù hợp trước đó.
Một số hướng điều trị tại nhà được khuyến khích cho người rối loạn chức năng kiểm soát cảm xúc như
- Xây dựng lối sống khoa học, lành mạnh như ăn uống đủ chất, ngủ đủ giấc, vận động mỗi ngày
- Dành thời gian để bản thân nghỉ ngơi đầy đủ mỗi ngày, tránh xa sự tiêu cực
- Tập thể dục thể thao có thể giúp ích trong quá trình tăng cường thể chất và gia tăng các hormone tích cực cần thiết cho não bộ
- Thiền, yoga hoặc các liệu pháp hít thở sẽ giúp người bệnh học cách thư giãn, giữ bình tĩnh trước nhiều tình huống căng thẳng. Thực hành các liệu pháp này hằng ngày sẽ giúp nâng cao chất lượng giấc ngủ, điều hòa dần các hormone cần thiết trong hệ thần kinh trung ương nên rất được khuyến khích cho người bị rối loạn chức năng kiểm soát cảm xúc
- Khi đứng trước các tình huống gây kích động, hãy thử nhẩm đến đến 10 để xoa dịu cảm xúc, tránh các hành vi bốc đồng bộc phát đột ngột
- Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cần thiết hằng ngày, gia tăng các nhóm thực phẩm lành mạnh như rau xanh, cá béo, đạm thực vật, cá béo.. Hạn chế các món ăn quá nhiều đường, đồ ăn đóng hộp, nước ngọt, đồ ăn dầu mỡ chiên đi chiên lại nhiều lần
- Ghi chép nhật ký để hiểu rõ hơn về suy nghĩ và cảm xúc của bản thân, từ đó dần có hướng điều chỉnh thích hợp hơn
- Chia sẻ hay tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người thân cận đồng thời làm rõ những hiểu lầm, hàn gắn lại mối quan hệ do những khúc mắc xảy ra khi rối loạn chức năng kiểm soát cảm xúc
- Tuyệt đối không sử dụng đồ uống có cồn hay các chất gây nghiện khi tinh thần chưa hoàn toàn ổn định
Rối loạn chức năng kiểm soát cảm xúc nếu không sớm có hướng điều chỉnh thích hợp có thể gây ra rất nhiều ảnh hưởng xấu đến toàn bộ cuộc sống của người bệnh. Duy trì một chế độ sống khoa học, chăm sóc thể chất và tinh thần mỗi ngày, tự xoa dịu cảm xúc cho bản thân là điều mỗi người cần xây dựng càng sớm càng tốt để phòng tránh nguy cơ mắc các bệnh lý này.
Có thể bạn quan tâm:
- Rối loạn cư xử (CD) là gì? Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị
- Stress oxy hóa là gì? Phân tích sự nguy hại và cách phòng chống
- Hội chứng Stendhal là gì? Các dấu hiệu cần chú ý kiểm soát
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!