Hội chứng Stendhal là gì? Các dấu hiệu cần chú ý kiểm soát

Hội chứng Stendhal là một hội chứng khá kỳ lạ, xảy ra khi một người đứng trước cái đẹp và … bị sốc với các triệu chứng điển hình như run rẩy, chóng mặt, lú lẫn hay thậm chí là xuất hiện ảo giác. Mặc dù tỷ lệ mắc hội chứng này rất thấp, tỷ lệ phát hiện bệnh nhân không cao và cũng không gây ra quá nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh tuy nhiên không thể vì vậy mà chủ quan.

Hội chứng Stendhal là gì?

Khoa học phát triển đã giúp con người tìm ra được rất nhiều căn bệnh kỳ lạ và hội chứng Stendhal chính là một trong số đó. Thông thường chúng ta thường cảm thấy sốc, căng thẳng, hoang mang khi đứng trước các tình huống quá bất ngờ, đột ngột chưa thể lường trước được, chẳng hạn như bị người tin tưởng nhất phản bội. Thế nhưng ở chứng Stendhal, người đó lại có các phản ứng sốc vì.. cái đẹp.

Hội chứng Stendhal
Hội chứng Stendhal được mô tả là các phản ứng “sốc” trước cái đẹp hay chính là các tác phẩm nghệ thuật

Thực tế khi đứng trước cái đẹp, chúng ta có cảm giác choáng ngợp, bất ngờ là điều khá bình thường. Tuy nhiên ở hội chứng Stendhal, các phản ứng được thể hiện một cách mãnh liệt hơn, chẳng hạn tăng huyết áp, run rẩy, tim đập nhanh, toàn thân nóng bừng, đổ mồ hôi khắp người, mất bình tĩnh hay thậm chí là ngất xỉu hay có ảo giác. Đây đều là các triệu chứng bất thường.

Khoảng thời gian từ khi một người tiếp xúc với các tác phẩm nghệ thuật đến khi xuất hiện các phản ứng thường rất ngắn, bởi thế người ta mới thường dùng cụm từ “cú sốc nghệ thuật” thay cho những mô tả ban đầu là “sự bối rối nghệ thuật”. Rất ít người biết về hội chứng này hay hầu hết mọi người cũng khó tin rằng có một hội chứng như vậy.

Đối tượng của chứng Stendhal chính là những cái đẹp của những tác phẩm nghệ thuật, chính là những bức tranh, những tác phẩm điêu khắc hay âm nhạc chứ không phải là những cái đẹp của cảnh vật tự nhiên hay con người. Nơi thường diễn ra những phản ứng quá mức của hội chứng tâm lý này chính là những viện bảo tàng, những nơi trưng bày các tác phẩm nghệ thuật có thể thăm quan trực tiếp.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Nghe thì có vẻ kỳ lạ nhưng hội chứng Stendhal hoàn toàn là một vấn đề có thật, dù chỉ có một số lượng rất nhỏ người mắc phải và không phải lúc nào cũng có thể phát hiện nếu bản thân họ không tiếp xúc với các tác phẩm nghệ thuật gây choáng ngợp. Tất nhiên vẫn còn rất nhiều tranh cãi liên quan đến Stendhal, chẳng hạn nó có phải một vấn đề tâm lý hay là tình huống ngoại cảm.

Lịch sử của hội chứng Stendhal

Những phát hiện đầu tiên về hội chứng Stendhal được công bố bởi nhà văn có bút danh Stendhal ( Henri-Marie Beyle) người Pháp vào năm 1817. Trong một cuốn sách “Naples và Florence: Chuyến đi từ Milan đến Reggio”, ông đã mô tả những trạng thái cảm xúc bất thường, tới mức nghẹt thở và không thể tiếp tục được nữa khi ngắm nhìn các tác phẩm nghệ thuật. Do đó các nhà khoa học sau này lấy tên ông để đặt cho hội chứng này.

Hội chứng Stendhal
Thành phố Florence nước Ý là nơi ghi dấu các bệnh nhân đầu tiên

Cụ thể, trong chuyến đi thăm quan tại  Florence – nơi được mệnh danh là cái nôi của thành phố Phục Hưng với vô vàn các tác phẩm nghệ thuật vĩ đại, Stendhal đã xuất hiện rất nhiều triệu chứng bất thường về cả tâm lý và thể xác. Chẳng hạn như đổ mồ hôi lạnh, đánh trống ngực, chóng mặt, cảm giác như “cuộc sống cạn kiệt trong tôi, tôi sợ gục ngã” và buộc ông phải ngồi xuống nghỉ ngơi và rời nơi này ngay lập tức.

Mãi cho đến gần 1 thập kỷ sau, vào năm 1979, các triệu chứng này mới bắt đầu được chú ý hơn sau các nghiên cứu của được công bố bởi bác sĩ tâm thần người Ý Graziella Magherini về các trường hợp có biểu hiện tương tự trên chính những khách du lịch đến Florence. Nội dung này được đề cập trong cuốn sách mang tên “La sindrome di Stendhal”

Theo đó, kết quả khảo sát 106 khách du lịch đều có các biểu hiện của hội chứng Stendhal  khi đến với Florence, trong khi trước đó họ đến với  Rome hoặc Venice vẫn bình thường. Một điều thú vị thì hầu như tất cả đây đều là khách du lịch đến từ Bắc Âu và Bắc Mỹ, trong khi đó người Ý dường như miễn nhiễm với tình trạng này. Bởi thế hội chứng  này còn được gọi với tên khác là hội chứng Florence.

Tất nhiên hội chứng Stendhal vẫn là vấn đề gây ra rất nhiều tranh cãi. Mặc dù nó được công nhận bởi hầu hết các nhà tâm lý học, tuy nhiên xét về khía cạnh khoa học, nó lại chưa hoàn toàn được xác nhận. Dù vậy rõ ràng đây hoàn toàn là các triệu chứng, các bệnh nhân hoàn toàn có thực, thậm chí những người này còn phải nhập viện để điều trị nên không thể phủ nhận về tính xác thực của Stendhal.

Biểu hiện của hội chứng Stendhal

Các biểu hiện lâm sàng của hội chứng Stendhal có thể khác nhau về mức độ trên từng đối tượng, tùy mức độ tâm lý hay tính ấn tượng của tác phẩm. Có người chỉ cảm thấy run rẩy, choáng váng nhưng cũng có những người xuất hiện cả  những ảo giác nghiêm trọng đến mức ngất xỉu. Các triệu chứng này thường diễn ra một cách nhanh chóng, đột ngột và bản thân họ không tự điều chỉnh được.

Hội chứng Stendhal
Trạng thái choáng váng, run rẩy thậm chí có ảo giác khá đặc trưng với hội chứng Stendhal

Nhìn chung, trong các khảo sát nghiên  cứu của Graziella Magherini được thực hiện khi bà quan sát bệnh nhân tại Bệnh viện Santa María Nuova ở trung tâm Florence, đã mô tả các triệu chứng chung của bệnh nhân bao gồm

  • Lo âu, bồn chồn
  • Run rẩy, đứng không vững
  • Toát mồ hôi, đặc biệt ở tay chân không rõ nguyên do
  • Đánh trống ngực, tim đập nhanh liên hồi
  • Cảm thấy khó thở
  • Nhầm lẫn, mất phương hướng
  • Cảm giác bị bức hại, tội lỗi, tự hạ thấp lòng tự trọng hoặc cũng có thể trở nên hưng phấn đề cao bản thân quá mức
  • Cảm thấy cơ thể kiệt sức và không thể làm bất cứ điều gì khác
  • Khóc lóc, chán nản, tuyệt vọng, thống khổ
  • Muốn nhanh chóng rời khỏi nơi này
  • Rối loạn tri giác liên quan đến các khía cạnh âm thanh và màu sắc
  • Có ảo giác bất thường khiến họ kích động, mất kiểm soát, bất tỉnh
  • Một vài trường hợp có thể xuất hiện các dấu hiệu loạn thần nguy hiểm

Hầu hết các triệu chứng chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, chỉ trong vài giờ, tuy nhiên cũng có những trường hợp kéo dài đến vài tuần. Các nghiên cứu cũng cho thấy càng là người có cảm xúc không ổn định, tâm lý yếu thì mức độ trầm trọng của các triệu chứng càng được biểu hiện rõ hơn.

Nguyên nhân của hội chứng Stendhal

Thực tế các nguyên nhân dẫn đến các phản ứng bất thường trong hội chứng Stendhal vẫn là một trong những vấn đề gây ra rất nhiều tranh luận, mặc dù đã được đưa ra “mổ xẻ” rất nhiều. Thậm chí vẫn có ý kiến cho rằng trạng thái sốc này vẫn chỉ là một phản ứng thái quá do người đó tự tưởng tượng ra mà thôi chứ không hề có thật.

Nhà khoa học Graziella Magherini đã đưa ra lời giải thích cho rằng theo bản chất phân tâm học, hội chứng Stendhal được hình thành từ thực tế trước tác phẩm gốc. Có thể hiểu rằng, đây là một trạng thái hoang mang gây khó chịu cho người đó, xuất hiện bởi niềm vui sướng quá mức khi được chứng kiến một vẻ đẹp tuyệt vời được thực hiện bởi congener ( đồng loại – ở đây tức là con người).

Hội chứng Stendhal
Các nguyên nhân gây hội chứng Stendhal vẫn chỉ là những giả thuyết

Một giả thuyết khác cũng được đặt ra, trong đó chính nhận thức về cái đẹp của một người đã khiến các khoái cảm của họ được kích thích, phát sinh bởi các yếu tố cụ thể ( ở đây chính là cái đẹp trong các tác phẩm thẩm mỹ). Sự mất bù tâm thần xuất hiện bởi các kích thích của não bộ (ví dụ như tế bào thần kinh phản chiếu) và dần tạo thành các trạng thái cảm xúc quá mức do có liên quan đến các vùng như hạch hạnh nhân hay vỏ não quỹ đạo.

Thú vị hơn, niềm vui và sự kỳ vọng được cho là có liên quan trực tiếp đến các biểu hiện cảm xúc quá mức của hội chứng Stendhal. Điều này được lý giải là khi một người có kỳ vọng về các dự định sắp tới trong việc ngắm nhìn các tác phẩm nghệ thuật nhưng vẻ đẹp của nó vượt qua sự tưởng tượng ban đầu ( so với những gì họ nhìn thấy trên internet chẳng hạn) dẫn tới trạng thái mất kiểm soát.

Giả thuyết này cũng lý giải tại sao mà những người ở Ý lại hầu như không mắc hội chứng Stendhal. Bởi những người quanh khu vực này hầu như đã được chiêm ngưỡng cái đẹp, thậm chí lặp đi lặp lại nhiều lần dẫn tới chai mòn về cảm xúc, sự phấn khích của họ với các tác phẩm bên ngoài cũng không còn quá nhiều nên sẽ ít xúc động hơn.

Những tác phẩm nghệ thuật gây sốc với các bệnh nhân này cũng có thể tồn tại một ý nghĩa nào đó với người bệnh, khiến họ luôn khao khát được chiêm ngưỡng, ngắm nhìn. Bởi thế khi được đứng trước niềm khao khát mãnh liệt của mình ( hay thậm chí là một ám ảnh) thì đôi khi cũng xảy ra các phản ứng quá mức về mặt cảm xúc.

Các yếu tố cũng được tiến sĩ Magherini xác định các điều kiện tiên quyết để hội chứng Stendhal xuất hiện

  • sự chuyển giao tinh thần giữa các vật thể văn hóa bên ngoài vào không gian tinh thần bên trong các tác phẩm
  • “Gặp gỡ” trực tiếp lần đầu tiên với các đối tượng nghệ thuật;
  • Đã hình thành ý tưởng đi du lịch, đến những nơi như viện bảo tàng, nhà thờ, v.v. từ rất lâu
  • Sự gia tăng cảm xúc
  • Tính cá nhân cá nhân trong cuộc hành trình, có nghĩa là mục đích của họ có liên quan đến việc ngắm nhìn các tác phẩm là rất mãnh liệt

Mặt khác, cũng có thể xem xét các đối tượng có nguy cơ cao mắc hội chứng Stendhal bao gồm

  • Khách du lịch từ xa đến và nơi họ ở không có các không gian, hình ảnh, địa điểm chứa đựng tính chất nghệ thuật
  • Người không làm trong lĩnh vực nghệ thuật nhưng lại có sự am hiểu và đam mê về lĩnh vực này
  • Phụ nữ, đặc biệt là trong độ tuổi  25 đến 40  thường là đối tượng có tỷ lệ cao hơn cả
  • Người có trí tưởng tượng phong phú
  • Người có tâm lý đa sầu đa cảm, hay suy diễn, họ thậm chí có thể nhìn thấy bản thân trong các tác phẩm và chìm đắm trong đó

Một vài nghiên cứu so sánh về nhân khẩu học, trình độ văn hóa xã hội cũng được thực hiện nhằm xác định rõ ràng hơn các nguyên nhân gây hội chứng Stendhal. Trong đó người ra cũng phát hiện thấy tỷ lệ bệnh nhân thường có độ tuổi trung bình cao, năng lực học vấn thấp, đặc biệt có một số lượng lớn là sinh viên, người độc thân hay người đang có tính chất công việc không ổn định.

Hội chứng Stendhal có nguy hiểm không?

Thực tế thì tỷ lệ người mắc hội chứng Stendhal cực kỳ thấp lại hầu như chỉ xảy ra tại khu vực Florence của nước Ý. Một thống kê được thực hiện tại đây cho thấy tại  Bệnh viện Santa María Nuova ( nơi chủ yếu tiếp nhận các bệnh nhân Stendhal) hầu như chỉ điều trị cho khoảng 22 bệnh nhân mỗi năm. So với các rối loạn tâm lý, tâm thần khác đây là một con số cực kỳ nhỏ.

Hội chứng Stendhal
Hội chứng Stendhal được đánh giá không quá nguy hiểm

Mặt khác cũng cần hiểu rằng, hầu hết hội chứng Stendhal chỉ xuất hiện khi người đó tiếp xúc trực tiếp với các tác phẩm nghệ thuật có phần vĩ đại, không xuất hiện trong cuộc sống hằng ngày. Nghĩa là rõ ràng hoàn toàn có thể tìm cách tránh xa, ngăn chặn sự xuất hiện của các phản ứng bất thường này.

Nói chung xét theo nhiều khía cạnh, hội chứng Stendhal hoàn toàn không phải một vấn đề quá nguy hiểm và cũng không ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động trong đời sống, công việc, học tập hay cảm xúc của người bệnh nếu không tiếp xúc. Các tác phẩm nghệ thuật hoàn toàn không phải là đối tượng phải bắt gặp hằng ngày nên cũng không phải tìm cách tránh né.

Dù vậy cũng không thể chủ quan với hội chứng Stendhal. Nhiều người rơi vào trạng thái sốc đột ngột dẫn tới nguy cơ loạn thần, trầm cảm hay rất nhiều vấn đề tâm thần nguy hiểm khác. Tất nhiên tỷ lệ này là rất nhỏ nhưng nếu không tìm cách khắc phục kịp thời thì vẫn có thể dẫn tới nhiều hệ lụy khó lường.

Hướng khắc phục chứng Stendhal

Như đã nói, do tỷ lệ mắc hội chứng Stendhal thường rất thấp, các nghiên cứu vẫn chưa thể xác định hoàn toàn cơ chế gây ra các phản ứng quá mức đồng thời chỉ xảy ra ở một vài khu vực đặc trưng nên hiện nay vẫn chưa có bất cứ phương pháp điều trị đặc trị nào. Mặt khác thì do mỗi bệnh nhân có các triệu chứng khác nhau nên việc xây dựng kế hoạch điều trị còn phụ thuộc vào tình trạng từng người.

Hội chứng Stendhal
Gặp gỡ bác sĩ tâm thần hay nhà trị liệu chỉ được chỉ định trong một vài trường hợp

Chiến lược điều trị chung cho hội chứng này chính là tách bệnh nhân ra khỏi đối tượng gây sốc, hay chính là để họ không tiếp xúc với các tác phẩm nghệ thuật. Các phản ứng này hầu hết sẽ được xoa dịu sau một vài tiếng mà không cần dùng bất cứ loại thuốc hay phương pháp điều trị nào khác, bao gồm cả các liệu pháp tâm lý. Người bệnh có thể nhanh chóng phục hồi và sinh hoạt như bình thường.

Tuy nhiên như đã nói trong các trường hợp hội chứng Stendhal gây ra các phản ứng nghiêm trọng, người bệnh có thể phải bắt buộc nhập viện để điều trị. Một số nhóm thuốc an thần, xoa dịu cảm xúc có thể được chỉ định để người bệnh thoải mái hơn. Trị liệu tâm lý nhằm giúp bệnh nhân hiểu rõ các vấn đề của bản thân, tự điều chỉnh tâm lý, thư giãn cũng được đánh giá rất cần thiết.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu

Hội chứng Stendhal chưa được phân loại trong Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn tâm thần (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders) tuy nhiên nhìn chung các nhà tâm thần học đều có có sự công nhận về các phản ứng này. Dù vẫn còn nhiều tranh cãi liên quan nhưng nhìn chung đây không phải một vấn đề tâm lý, tâm thần quá nguy hiểm nên bạn cũng không cần quá lo lắng.

Có thể bạn quan tâm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *