Rối loạn cư xử (CD) là gì? Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị

Rối loạn cư xử (CD) xuất hiện ở trẻ em hay thanh thiếu niên và khiến họ thường bị lầm tưởng là hư hỏng, quậy phá nên không nhận được cái nhìn thiện cảm từ những người xung quanh. Đây là một dạng rối loạn tâm thần có thể gây ra rất ảnh hưởng tiêu cực đến cảm xúc, hành vi, tư duy của trẻ, nếu không điều trị kịp thời thậm chí khiến con có thể rơi vào vòng lao lý của pháp luật.

Rối loạn cư xử (CD) là gì?

Rối loạn cư xử (Conduct Disorder – CD) là một thuật ngữ mô tả một dạng rối loạn tâm thần với đặc trưng là các nhóm hành vi mang tính chất khiêu chiến, không tuân thủ quy định, không ổn định về cảm xúc, độc ác hay xâm phạm đến quyền lợi của người khác .. CD chủ yếu xảy ra ở nhóm trẻ dưới 18 tuổi với tỷ lệ 6- 10% trên toàn thế giới.

Rối loạn cư xử
Rối loạn cư xử được đặc trưng bằng các hành vi mang tính chất gây hấn, bốc đồng, nói dối, phá hoại xuất hiện ở trẻ dưới 18 tuổi

Các biểu hiện của rối loạn cư xử thường đã khởi phát từ thời thơ ấu và nghiêm trọng hơn khi đến giai đoạn thanh thiếu niên. Tỷ lệ trẻ nam mắc rối loạn này cao hơn trẻ nữ nhiều lần.  Do tính chất hung hăng, quá khích, tấn công người khác, dễ xung đột nên hầu như những người xung quanh thường đánh giá đây là những đứa trẻ hư hỏng thay vì nhận định đó là vấn đề tâm lý.

Bản chất các hành vi sai trái, không phù hợp với đạo đức và tiêu chuẩn xã hội khiến trẻ gặp rất nhiều khó khăn trong việc thích ứng với môi trường hay hòa hợp với các mối quan hệ. Tình trạng này kéo dài và không có hướng kiểm soát sớm, trẻ còn có nguy cơ cao phải bỏ học, có các hành vi sai trái vi phạm pháp luật, tư duy lệch lạc và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, tương lai của con.

Trong Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn tâm thần DSM-5 xếp Conduct Disorder vào nhóm Disruptive, Impulse-Control, and Conduct Disorders (Rối loạn kiểm soát ham muốn, rối loạn cư xử, gây rối). Rối loạn cư xử cần được chẩn đoán tại các chuyên khoa tâm lý, tâm thần để có kết quả chính xác nhất, tránh nhầm lẫn với các rối loạn tâm thần khác có triệu chứng tương tự.

Rối loạn cư xử được phân loại thành 3 nhóm chính bao gồm

  • Rối loạn cư xử khu trú trong phạm vi gia đình (Conduct disorder confined to the family context), chẳng hạn trẻ luôn chống đối, cãi lại cha mẹ; bỏ nhà ra đi; trộm cắp đồ đạc trong nhà
  • Rối loạn cư xử kiểu không thích ứng xã hội (Unsocialised conduct disorder) với đặc trưng điển hình là ter hầu như không có bạn, bị cô lập, luôn thực hiện các hành vi trái nghịch với tiêu chuẩn xã hội, vi phạm pháp luật..
  • Rối loạn cư xử kiểu thích ứng xã hội (Socialised conduct disorder), ở dạng này trẻ có thể có bạn bè, có phạm tội nhưng đặc biệt lại không có các biểu hiện hung hăng hay chống đối, thích nghi được với văn hóa của bạn bè đồng trang lứa nên thường khó phát hiện hơn hai dạng trên

Biểu hiện của rối loạn cư xử

Theo các chuyên gia, rối loạn cư xử thường bộc lộ ở bé trai từ thời thơ ấu với các hành vi gây hấn, hung hăng quá mức và kéo dài đến cả thời điểm thiếu niên và trưởng thành. Trong khi đó ở bé gái hầu hết chỉ khi đến giai đoạn thành niên các biểu hiện mới bắt đầu xuất hiện. Các đặc trưng về hành vi, cảm xúc bất thường ở Conduct Disorder có thể nhìn nhận rất rõ ràng.

Rối loạn cư xử
Trẻ luôn có xu hướng gây hấn và thực hiện các hành vi bạo lực với những người xung quanh

Theo Tiêu chuẩn chẩn đoán ICD-10 cho nghiên cứu đã phân các biểu hiện của rối loạn cư xử theo 4 nhóm sau

1.Gây hấn với người hoặc động vật

  • Thường cố tình nói dối hay không thực hiện lời hứa nhằm mục đích vụ lợi cá nhân, chẳng hạn được chiếu cố, trốn tránh nhiệm vụ hoặc có được một món đồ nào đó
  • Thường xuyên gây hấn và đánh nhau, sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề ( không bao gồm việc đánh nhau với anh chị em trong nhà)
  • Có xu hướng giữ hoặc sử dụng các dụng cụ hay vũ khí nguy hiểm, gây nguy hiểm cho đối phương, chẳng hạn như đá, gậy gộc, các mảnh sắc của chai lọ, dao kéo hay thậm chí là súng đạn
  • Trẻ bị rối loạn hành  vi cũng có xu hướng xảy ra xung đột với cha mẹ, thường bỏ đi, không về nhà vào ban đêm mặc dù bị la rầy hay ngăn cấm (xảy ra trước 13 tuổi)
  • Các hành vi hung hăng với con người thường biểu hiện bằng cách đánh, đốt, bắt nhốt, hành hạ bằng các dụng cụ, đe dọa, các hành vi gây thương tích hay thậm chí là cưỡng ép tình dục dù mới chỉ ở độ tuổi vị thành niên
  • Thể hiện sự độc ác với động vật với các hành vi hành hạ, đá, bắt nhốt, đốt lông khiến chúng vô cùng đau đớn

2. Phá hoại tài sản

  • Trẻ bị rối loạn cư xử có thể phá hoại tài sản bằng cách vẽ bậy lên tường, đập phá đồ đạc mà không cần có nguyên nhân cụ thể
  • Cố ý phóng hỏa để làm tài sản bị hư hại một cách nghiêm trọng hơn

3. Lừa gạt trộm cắp 

  • Trộm cắp đồ vật có giá trị cả ở trong nhà và bên ngoài, chẳng hạn tại siêu thị, cửa hàng hay nhà riêng người khác
  • Nói dối, lừa gạt người khác hay sao chép giả mạo để trục lợi cũng là đặc trưng của rối loạn hành vi
  • Móc túi, tống tiền hay trấn lột

4. Vi phạm các quy định có mức độ nghiêm trọng 

  • Trẻ mắc rối loạn hành vi hầu như không thể thực hiện bất cứ các quy định nào, luật lệ nào một cách bình thường, thậm chí càng đưa ra luật lệ, trẻ càng làm trái ngược
  • Cúp học, trốn học thường xuyên dù đã bị cảnh cáo nhiều lần
  • Có xu hướng trốn nhà, bỏ ra ra đi ( không liên quan đến các yếu tố bạo hành về thể chất hay tinh thần trong gia đình)
  • Phạm tội công khai trước mặt nạn nhân, chẳng hạn bắt nạn, trấn lột hay tống tiền
  • Luôn cãi lại thầy cô và cha mẹ, có các hành vi thách thức chống đối, làm trái ngược mọi điều được yêu cầu
  • Vi phạm nhiều yếu tố trong quy định của pháp luật

Bên cạnh đó, rối loạn cư xử ở trẻ cũng được biểu hiện qua nhiều khía cạnh khác như

  • Không kiểm soát được cảm xúc, dễ cáu kỉnh, kích động và chống đối
  • Cảm xúc luôn bất ổn
  • Có xu hướng nghi ngờ cảnh giác với tất cả mọi người xung quanh
  • Kém thích ứng với các yếu tố gây căng thẳng bên ngoài
  • Lạnh lùng, lãnh đạm, thờ ơ, không có sự đồng cảm
  • Không dung nạp được sự ấm ức khó chịu, không trì hoãn được sự hài lòng nên càng tăng cường các hành vi mang tính chất hung hãn, khiêu khích
  • Không biết hối hận, không có cảm giác bản thân sai lầm
  • Không có suy nghĩ về việc kết nối các mối quan hệ lâu dài với một ai khác
  • Có xu hướng lạm dụng đồ uống có cồn, chất kích thích hay thuốc lá từ giai đoạn sớm

Theo các chuyên gia việc trẻ rối loạn có các hành vi bạo hành, tấn công hay đe dọa chính là nhằm mục đích gia tăng vật chất hay quyền lực của bản thân. Thậm chí việc hành hạ, nhìn người khác hay các loài động vật đau đớn có thể trở thành niềm vui thích của trẻ và càng kích thích con thực hiện các hành vi thiếu đạo đức này.

Các hành vi này hoàn toàn có thể kéo dài đến khi trưởng thành nếu không có hướng can thiệp khắc phục sớm. Thực tế ở những trẻ có hành vi này cũng thường bị coi là hư hỏng, bị la mắng, kỳ thị nhiều hơn là được coi là một bệnh nhân tâm lý cần được đưa đi điều trị. Một số lượng lớn trẻ có rối loạn cư xử kéo dài đến khi trưởng thành làm cản trở rất nhiều đến đời sống xã hội.

Rối loạn cư xử xuất hiện hiện do nguyên nhân nào?

Một vài nghiên cứu cho rằng, tất cả các trẻ đều có nguy cơ rối loạn cư xử, tuy nhiên tùy vào các yếu tố tác động xung quanh, đặc biệt là môi trường sống hay cách giáo dục của gia đình kích thích khiến hành vi của con thay đổi. Dù vậy vẫn chưa thể khẳng định chính xác các yếu tố trực tiếp gây ra rối loạn tâm thần này ở trẻ nhỏ.

Rối loạn cư xử
Một số bất thường ở não bộ được cho là có liên quan đến rối loạn cư xử

Một số yếu tố được cho là có liên quan đến nguyên nhân rối loạn cư xử bao gồm

  • Di truyền: Một nghiên cứu được thực hiện thông qua liên kết rộng khắp bộ gen (genome-wide linkage study) đã nhận thấy có bất thường tại những vùng NST chứa biến thể liên quan với vấn đề cư xử, tuy nhiên cũng chưa thể xác định hoàn toàn. Mặt khác một số nghiên cứu khác cũng được thự hiện và đưa ra kết luận, nếu cha mẹ mắc Conduct Disorder hay một số rối loạn tâm thần khác, chẳng hạn như rối loạn nhân cách thì tỷ lệ con mắc rối loạn cư xử cũng cao hơn rất nhiều.
  • Các chất dẫn truyền thần kinh: Sự mất cân bằng một số chất dẫn truyền thần kinh, chẳng hạn epinephrine, serotonin,  noradrenaline được cho là có liên quan đến các hành vi cư xử hung hăng, không đúng mực ở trẻ.
  • Vấn đề về não bộ: trẻ có chỉ số IQ thấp, chức năng điều hành tại thùy trán hoạt động kém hoặc một vài tổn thương tại não bộ, đặc biệt là các khu vực kiểm soát về cảm xúc và hành vi cũng có mối liên quan mật thiết đến Conduct Disorder.
  • Biến chứng chu sinh: các nghiên cứu và thống kê chỉ thấy một số biến chứng sau sinh, chẳng hạn mẹ không đủ thể chất, sinh non, sinh thiếu cân hoàn toàn có thể gây ảnh hưởng đến các yếu tố não bộ hay hành vi của trẻ. Bên cạnh đó nếu mẹ hút thuốc hay lạm dụng chất gây nghiện trong thời gian mang thai cũng làm tăng nguy cơ rối loạn cư xử của con
  • Yếu tố môi trường: trẻ sống trong môi trường nhiều bạo lực, tiêu cực; trẻ kết giao với bạn bè xấu; cha mẹ thường xuyên cãi nhau; bị lạm dụng về thể chất hay tinh thần; trẻ thường xuyên bị “đầu độc” bởi lối giáo dục sai lầm hay những thông tin không phù hợp với văn hóa, xã hội cũng là đối tượng bị rối loạn cư xử. Các thống kê trên thực tế cũng chỉ ra rằng, ở những gia đình thiếu vắng cha hoặc mẹ hoặc cả hai; cha mẹ quá bận rộn cũng làm trẻ sớm bộc lộ các hành vi hung hăng, bốc đồng, thiếu phù hợp hơn.
  • Yếu tố xã hội: gia đình có thu nhập thấp, thường xuyên giao du với bạn bè xấu, từng bị cô lập hay bắt nạt, xu hướng tính cách cũng có liên quan phần lớn đến quá trình hình thành tích cách, tâm lý, nhận thức hay hành vi của một đứa trẻ.
  • Các vấn đề tâm lý: rối loạn cư xử cũng có thể là hệ quả của các tổn thương tâm lý của trẻ nhưng không được phát hiện, dẫn tới những thiếu hụt, khiếm khuyết của trẻ về mặt cảm xúc hay khả năng thấu cảm, xử lý các tình huống trong đời sống

Bên cạnh các yếu tố trên, rối loạn hành vi còn có thể là một rối loạn tâm thần xuất hiện do các bệnh lý sau

Rối loạn cư xử (CD) có thể gây ra hậu quả gì?

Như đã nói, Rối loạn cư xử (CD) là một khía cạnh tâm lý, tâm thần cần được điều trị, tuy nhiên đa phần mọi người lại đánh giá đây là vấn đề về tính cách, đạo đức. Khi một đứa trẻ có các hành vi hung hãn, bốc đồng, luôn làm trái quy định thường sẽ bị mọi người xung quanh quở trách, la mắng, trừng phạt và điều này lại càng làm kích thích các hành vi đối kháng của con.

Rối loạn cư xử
Các hành vi không phù hợp với đạo đức và văn hóa xã hội khiến nhiều trẻ rơi vào vòng lao lý dù còn rất nhỏ tuổi

Thống kê cho thấy ở những trẻ bộc lộ sớm các hành vi rối loạn cư xử trước 8 tuổi và không được kiểm soát đúng cách thì có đến hơn 50% có các triệu chứng diễn tiến nghiêm trọng đến tuổi trưởng thành. Trong khi đó ở những trẻ bộc phát triệu chứng ở giai đoạn thành niên thì lại có đến hơn 85% trẻ giảm dần các hành vi sai lệch khi bước sai 20 tuổi.

Rối loạn cư xử không chỉ gây ra các ảnh hưởng tiêu cực cho trẻ mà con cho cả xã hội hay những người xung quanh. Chẳng hạn

  • Trẻ dễ bị cô lập, không thể hòa nhập với bạn bè, khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức, dễ bị ở lại lớp hay thậm chí là đuổi học vì thường xuyên cúp học, có hành vi không phù hợp với đạo đức  và văn hóa
  • Khó khăn trong việc duy trì và hòa hợp các mối quan hệ, đặc biệt là với gia đình nên dễ có cảm giác cô đơn
  • Cảm xúc bất ổn và không thể tự kiểm soát, không thể chia sẻ với ai làm gia tăng nguy cơ trầm cảm
  • Các hành vi hung hãn, tấn công hay kích động của trẻ làm gia tăng nguy cơ vi phạm pháp luật, rơi vào vòng lao lý. Nếu trẻ dưới 16 tuổi vi phạm pháp luật nghiêm trọng sẽ chỉ bị phạt cải tạo không giam giữ, vào trại giáo dưỡng còn với người trên 16 tuổi sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật như người trưởng thành
  • Rối loạn cư xử nếu kéo dài đến khi trưởng thành sẽ dễ dẫn tới  nguy cơ thất nghiệp, suy giảm chất lượng đời sống và càng gia tăng các hành vi phạm tội để phục vụ cho đời sống của họ

Mặt khác những người xung quanh, bao gồm cả cha mẹ, bạn bè hay bạn đời đều có thể trở thành nạn nhân cho các hành vi sai trái, lệch lạc của trẻ bị rối loạn cư xử. Chẳng hạn bạn học có thể bị tấn công, bắt nạt hay trấn lột trong khi người bạn đời có thể bị bạo hành cả về thể chất lẫn tinh thần mỗi ngày.

Một thống kê khác được thực hiện cũng cho thấy 75% tội phạm đều có các triệu chứng rối loạn cư xử ngay từ thời thơ ấu nhưng rất ít người được phát hiện và can thiệp. Mặt khác các cảm xúc rối loạn hay hành vi bất ổn của người bệnh cũng làm gia tăng nguy cơ họ có những hành vi tự sát và rất khó để kiểm soát.

Hướng điều trị rối loạn cư xử

Phụ huynh khi thấy con có những hành vi bốc đồng có nghi ngờ liên quan đến rối loạn cư xử cần đưa con đến bệnh viện có chuyên khoa về tâm lý, tâm thần hay các trung tâm tâm lý trị liệu để thăm khám. Bác sĩ và các chuyên gia sẽ trò chuyện, quan sát các biểu hiện hành vi, cảm xúc, cách ứng xử và thông qua các tiêu chuẩn ICD-10 hoặc DSM-5 để đưa ra kết luận.

Bên cạnh đó, trẻ cũng có thể cần phải một số xét nghiệm y tế khác nhằm phòng tránh nhầm lẫn với một số bệnh lý, rối loạn tâm lý khác có triệu chứng tương đồng. Conduct Disorder được xác định khi đã xuất hiện ít nhất 6 tháng và đạt ít nhất 3 trong số các tiêu chuẩn chẩn đoán. Gia đình cần phối hợp với bác sĩ và các chuyên gia trong suốt hành trình điều trị.

Tâm lý trị liệu

Mục tiêu của trị liệu tâm lý chính là điều chỉnh hành vi, nhận thức của trẻ theo hướng đúng đắn, phù hợp với đạo đức, văn hóa xã hội, tạo điều kiện để trẻ tham gia vào các hoạt động xã hội cần thiết khác. Bản thân trẻ cần làm người tự nhận thức được các hành vi của bản thân là đúng đắn hay sai lầm, từ đó tự kiểm soát hành vi, cảm xúc của bản thân theo hướng phù hợp.

Rối loạn cư xử
Trị liệu tâm lý có thể giúp trẻ điều chỉnh đáng kể hành vi, tư duy của bản thân theo hướng phù hợp hơn

Các hình thức Trị liệu đa hệ thống (Multisystemic Therapy) nhằm thúc đẩy các hành vi có trách nhiệm và giảm các hành vi mất kiểm soát đang được đánh giá có hiệu quả tốt cho trẻ bị rối loạn cư xử. Các liệu pháp này cũng chủ yếu tập trung giải quyết các vấn đề ở hiện tại để thay đổi tương lai, thay vì quá tập trung giải quyết hay loại bỏ vấn đề ở quá khứ.

Trị liệu tâm lý còn giúp ích cho trẻ trong quá trình hòa hợp các mối quan hệ, giảm thiểu xu hướng muốn chống đối, gia tăng sự thấu cảm trong cách ứng xử hằng ngày. Trẻ dần có thể kết bạn, đến trường, giao tiếp, vui chơi thoải mái hơn, nhờ đó đem đến nhiều chuyển biến tích cực rõ ràng.

Liệu pháp gia đình hay các liệu pháp trị liệu nhóm cũng có thể được xây dựng cho trẻ bị rối loạn cư xử tùy theo từng trường hợp. Các chuyên gia cũng hướng dẫn phụ huynh cách chăm sóc, hỗ trợ, kiểm soát các hành vi của trẻ, tránh tình trạng con bị kích động quá mức. Trẻ đáp ứng tốt với các liệu pháp trị liệu hoàn toàn có thể giải quyết được các hậu quả có liên quan đến rối loạn tâm thần này.

Các biện pháp hóa dược

Không có bất cứ loại thuốc nào được chấp thuận là thuốc đặc trị cho rối loạn cư xử, tuy nhiên tùy các triệu chứng, dạng rối loạn kèm theo, bác sĩ vẫn sẽ xem xét chỉ định một vài loại thuốc phù hợp. Phổ biến nhất là một số loại thuốc sau

  • Methylphenidate và Dexafetamine ( thuốc kích thích) nếu có kèm theo rối loạn cư xử
  • Buspirone, Clonidine (Thuốc cho tình trạng rối loạn điều hòa); Lithium, Carbamazepine ( thuốc điều chỉnh khí sắc)  nhằm giảm các hành vi hung hăng, gây hấn hay kích động quá mức
  • Các nhóm thuốc chống loạn thần, chẳng hạn risperidone cũng được chứng minh có thể giảm ngắn hạn các hành vi gây hấn
  • Thuốc chống trầm cảm nếu có rối loạn cư xử có liên quan đến các triệu chứng này, đồng thời xoa dịu cảm xúc, hạn chế các hành vi kích động hay tự sát
  • Một số nhóm thuốc bổ não, tăng cường hoạt động ổn định của hệ thần kinh cũng có thể được chỉ định cho trẻ Conduct Disorder

Tuy nhiên các nhóm thuốc này hầu như đều kèm theo những tác dụng phụ không mong muốn, đồng thời cũng có thể gây ra những ảnh hưởng không tốt cho não bộ nếu phải sử dụng trong thời gian dài. Bác sĩ cần xem xét sự tiến triển của trẻ trong từng giai đoạn để điều chỉnh lại liều lượng thuốc, hạn chế tối đa các phản ứng không mong muốn.

Các biện pháp hỗ trợ khác

Bác sĩ và các chuyên gia khuyến khích trẻ bị rối loạn cư xử nên tham gia giáo dục đặc biệt thay vì môi trường giáo dục truyền thống. Bởi nếu các thầy cô không biết cách tương tác, hỗ trợ hay việc bạn bè trêu chọc, cô lập sẽ làm nghiêm trọng hơn các phản ứng gây hấn, hăng hăng, đối kháng. Do đó cần tạo ra môi trường phù hợp để trẻ dần hòa nhập ít cho tới khi con đã kiểm soát được hành vi, cảm xúc của bản thân.

Rối loạn cư xử
Gia đình cần dành thời gian trò chuyện để điều chỉnh lại hành vi, cảm xúc và tư duy của trẻ đúng đắn hơn mỗi ngày

Giáo dục đặc biệt cung cấp các giải pháp vừa giúp trẻ học cách ứng xử phù hợp, thay đổi tư duy, sinh hoạt và học tập trong môi trường thoải mái nhất. Trẻ cũng có thể kết bạn, kiềm chế dần các hành vi hung hăng, nói dối, phá hủy đồ đạc của bản thân. Khi đã hoàn toàn điều chỉnh được các yếu tố này, trẻ có thể tham gia vào môi trường giáo dục truyền thống.

Bên cạnh đó, gia đình cần là người đồng hành bên trẻ trong suốt hành trình can thiệp và điều trị rối loạn cư xử. Một số lời khuyên hữu ích cho phụ huynh để có hỗ trợ trẻ tốt hơn bao gồm

  • Dành nhiều thời gian trò chuyện và chia sẻ với con mỗi ngày để hiểu rõ suy nghĩ, tư duy hay hành vi của con
  • Tuyệt đối không được la mắng hay có các hành vi trừng phạt bằng bạo lực vì có thể làm kích thích các phản ứng của rối loạn cư xử nghiêm trọng hơn
  • Xây dựng chế độ sinh hoạt lành mạnh, tích cực và cố gắng duy trì để trẻ thực hiện theo
  • Quan sát, phát hiện và điều chỉnh ngay những lời nói, suy nghĩ hay hành vi lệch lạc nếu có
  • Phát hiện các điểm mạnh cá nhân và kích thích trẻ phát huy các tiềm năng này. Hãy luôn cổ vũ, khuyến khích trẻ thực hiện các hành vi tích cực để dần loại bỏ các hành vi sai lầm
  • Thiền nguyện có thể giúp ích đáng kể trong việc giúp trẻ thoải mái, thả lỏng, tích cực, kiểm soát được cảm xúc và hành vi tốt hơn
  • Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động có ích và có giá trị, chẳng hạn như chơi thể thao, vẽ tranh hay chơi nhạc cụ. Các chuyên gia cho rằng các hoạt động này có thể giúp trẻ rối loạn cư xử có cảm nhận tốt về bản thân và gia tăng các hy vọng tích cực về tương lai
  • Tăng cường sự đồng cảm, thấu hiểu, cảm xúc cho trẻ bằng các hoạt động thiện nguyện, biết giúp đỡ người khác, từ đó dần xây dựng trái tim  biết yêu thương thay vì luôn hung hăng hay chống đối như trước

Mặt khác việc điều chỉnh môi trường nơi bé đang sinh sống cũng là điều rất cần thiết. Điều này có nghĩa là tuyệt đối không nên để các hành vi bạo lực, tiêu cực xuất hiện tác động đến suy nghĩ hay hành vi của con. Xây dựng môi trường sống văn minh, tích cực, lành mạnh, thoải mái, có giá trị sẽ rất cần thiết để loại bỏ hoàn toàn rối loạn cư xử.

Rối loạn cư xử có thể xuất hiện ở trẻ nếu con thường xuyên sống trong môi trường bạo lực, lối giáo dục ích kỷ, tiêu cực, thiếu văn minh. Gia đình cần luôn theo sát chặng đường phát triển của trẻ, không chỉ về mặt thể chất mà còn trên khía cạnh đạo đức, tinh thần để phòng tránh tối đa nguy cơ mắc dạng rối loạn tâm thần này.

Có thể bạn quan tâm:

5/5 - (2 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *