Stress oxy hóa là gì? Phân tích sự nguy hại và cách phòng chống

Stress oxy hóa gây ra một chuỗi phản ứng bất lợi trong cơ thể, góp phần gia tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như tim mạch, tiểu đường, sa sút trí tuệ, thậm chí là ung thư. Hiểu rõ tác hại của quá trình này sẽ giúp bạn đọc chủ động phòng chống để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Stress oxy hóa (Oxidative Stress) là gì?

Oxy hóa là hiện tượng quen thuộc xảy ra hàng ngày, hàng giờ ở bên trong cơ thể và mọi thứ xung quanh. Mặc dù được nhắc đến rất nhiều nhưng không phải ai cũng hiểu rõ oxy hóa là gì. Hiện tượng này được hiểu là một tế bào bị biến đổi, rối loạn do một phân tử khác lấy đi electron. Phân tử này thường là chất oxy hóa.

Bên trong cơ thể thường sẽ có chất chống oxy hóa và chất oxy hóa để cân bằng. Chất chống oxy hóa sẽ cung cấp thêm electron cho phân tử để phân tử đó được trung hòa. Vì vậy, việc duy trì mức cân bằng giữa chất chống oxy hóa và chất oxy hóa là vô cùng cần thiết.

stress oxy hóa
Duy trì sự cân bằng giữa gốc tự do và chất chống oxy hóa là “chìa khóa” giúp cơ thể khỏe mạnh

Stress oxy hóa hay căng thẳng oxy hóa đề cập đến hiện tượng mất cân bằng chất oxy hóa (gốc tự do) và chất chống oxy hóa. Gốc tự do là chất có đặc tính oxy hóa mạnh, vì bản thân chúng là những phân tử có số electron là số lẻ nên không ổn định, có xu hướng “cướp” electron của những phân tử khác.

Thông thường, chất chống oxy hóa sẽ cung cấp electron giúp những phân tử này trung hòa và cân bằng. Tuy nhiên, trường hợp gốc tự do nhiều hơn chất chống oxy hóa sẽ gây ra hiện tượng stress oxy hóa.

Cung cấp chất chống oxy hóa cho cơ thể là cách để ổn định, trung hòa gốc tự do. Qua đó hạn chế các phản ứng có hại bên trong. Chất chống oxy hóa có thể được bổ sung bằng nhiều cách khác nhau, trong đó phổ biến nhất là thông qua các loại thực phẩm.

Stress oxy hóa và những tác dụng tiêu cực đối với sức khỏe

Hầu hết mọi người đều đã nghe đến tác hại của stress oxy hóa và hiện tượng oxy hóa ít nhất một lần. Tuy nhiên, những ảnh hưởng của hiện tượng này không thực sự rõ rệt nên đa phần đều có tâm lý chủ quan.

Thông tin sau sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về tác hại của stress oxy hóa để có thể chủ động bảo vệ sức khỏe:

1. Đẩy nhanh tốc độ lão hóa

Lão hóa là quá trình tất yếu mà bất cứ ai cũng phải đối mặt. Tuy nhiên, tốc độ lão hóa có sự khác biệt ở từng người. Điều này phụ thuộc vào thể trạng, cơ địa, lối sống và môi trường. Trong đó, stress oxy hóa đã được xác định là yếu tố góp phần đẩy nhanh tốc độ lão hóa.

stress oxy hóa là gì
Tác hại đầu tiên của stress oxy hóa là thúc đẩy quá trình lão hóa thông qua cơ chế gây rối loạn, tổn thương tế bào

Khi xảy ra hiện tượng stress oxy hóa, số lượng gốc tự do gia tăng khiến cho các tế bào bị rối loạn và mất cân bằng. Quá trình này ảnh hưởng đến toàn bộ tế bào bên trong cơ thể, tuy nhiên cơ quan xuất hiện dấu hiệu đầu tiên thường là làn da và mái tóc. Lão hóa được thể hiện qua những dấu hiệu như da nhăn nheo, chùng nhão, đốm nâu, thiếu săn chắc, tóc bạc, gãy rụng, khô xơ.

Hiện tuộng lão hóa sẽ kéo theo rất nhiều vấn đề về sức khỏe. Tốc độ lão hóa càng nhanh thì sức khỏe và sắc đẹp càng bị ảnh hưởng. Ngăn chặn, kiểm soát stress oxy hóa được xem là biện pháp hiệu quả giúp làm chậm quá trình lão hóa.

2. Tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường

Các bệnh mãn tính thường xuất hiện ở người trung niên và cao tuổi thay vì người trẻ. Bởi đa phần cơ chế bệnh sinh đều có liên quan đến hiện tượng stress oxy hóa. Đã có nhiều nghiên cứu được thực hiện cho thấy, quá trình này thực sự góp phần gia tăng nguy cơ mắc tiểu đường type 2.

stress oxy hóa là gì
Gia tăng gốc tự do đã được xác định có liên quan đến bệnh tiểu đường type 2

Stress oxy hóa gây rối loạn, tổn thương các tế bào của tuyến tụy làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất insulin. Ngoài ra, quá trình này cũng gây ra tình trạng giảm nhạy cảm của tế bào với hormone insulin dẫn đến tình trạng tăng nồng độ đường trong máu.

Tiểu đường là một trong những bệnh mãn tính phổ biến bên cạnh các vấn đề tim mạch. Người mắc chứng bệnh này phải chung sống với bệnh suốt đời và buộc phải thực hiện chế độ ăn, sinh hoạt kiêng khem nghiêm ngặt để phòng tránh biến chứng. Đây cũng là lý do stress oxy hóa nên được quan tâm và phòng chống từ sớm để ngăn chặn kịp thời những tác hại đối với cơ thể.

3. Gia tăng các vấn đề tim mạch

Tương tự như tiểu đường, các vấn đề tim mạch cũng có liên quan đến stress oxy hóa. Số lượng gốc tự do gia tăng trong một thời gian dài sẽ khiến cho tế bào bị hư tổn, rối loạn dẫn đến việc không thể hoạt động tốt. Stress oxy hóa sẽ tác động đến mạch máu và tạo điều kiện hình thành các xơ vữa ở động mạch.

stress oxy hóa là gì
Stress oxy hóa kéo dài sẽ làm gia tăng tỷ lệ mắc các vấn đề tim mạch như cao huyết áp, suy tim, xơ vữa động mạch,…

Nếu căng thẳng oxy hóa không được kiểm soát, quá trình này sẽ gia tăng nguy cơ mắc các vấn đề tim mạch như huyết áp cao, xơ vữa động mạch,… Các bệnh lý này có mối liên hệ mật thiết với tiểu đường type 2. Vì vậy trong thực tế, đa phần người bệnh bị huyết áp cao đều bị tiểu đường và ngược lại.

4. Bệnh thoái hóa thần kinh

Thoái hóa thần kinh là một trong những nhóm bệnh vô cùng nghiêm trọng, xảy ra chủ yếu ở người trung niên và cao tuổi. Hiện nay, khoa học vẫn chưa xác định chính xác nguyên nhân nhưng đã tìm thấy vai trò rõ rệt của di truyền và stress oxy hóa.

Giống như các tế bào khác trong cơ thể, tế bào thần kinh cũng có thể bị tổn thương do tác động của gốc tự do. Quá trình này kéo dài sẽ khiến hệ thống thần kinh bị thoái hóa dẫn đến các bệnh lý như Parkinson, Alzheimer, sa sút trí tuệ,…

5. Ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần

Căng thẳng, lo âu, muộn phiền… làm gia tăng gốc tự do trong cơ thể dẫn đến stress oxy hóa. Tuy hiên, hiện tượng này lại tác động ngược đến sức khỏe tinh thần khiến cho tâm trạng trở nên căng thẳng, uể oải, mệt mỏi kéo dài.

Oxidative stress là gì
Oxidative stress ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe tinh thần, góp phần gia tăng căng thẳng và lo âu

Gốc tự do tác động lên tế bào thần kinh làm ảnh hưởng đến quá trình điều hòa tâm trạng. Do đó nếu tình trạng này kéo dài, tinh thần có thể rơi vào trạng thái căng thẳng, lo âu dai dẳng. Khó điều chỉnh và kiểm soát những cảm xúc tiêu cực như buồn phiền, đau khổ.

Stress oxy hóa thường gặp ở những người có lối sống không lành mạnh. Trong khi đó, những người có chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học ít gặp phải tình trạng này. Cả sức khỏe thể chất và tinh thần đều ổn định, có thể dễ dàng vượt qua các trạng thái cảm xúc tiêu cực.

6. Ung thư

Gốc tự do phản ứng với tất cả các tế bào bên trong cơ thể, bao gồm cả ADN và những thành phần quan trọng như lipid, protein. Nếu không kịp thời trung hòa, gốc tự do sẽ tạo ra chuỗi phản ứng bất lợi làm biến đổi các tế bào.

Nguyên nhân gây ung thư vô cùng đa dạng và stress oxy hóa được xem là yếu tố gia tăng nguy cơ mắc bệnh. Ngày nay, nhiều nghiên cứu đã được thực hiện cho thấy vai trò rõ rệt của gốc tự do trong cơ chế bệnh sinh của các dạng ung thư.

Hiện tại, các chuyên gia đã tìm ra tiến trình gây ung thư của gốc tự do. Đầu tiên, gốc tự do sẽ làm oxy hóa màng tế bào dẫn đến trở ngại, rối loạn trong việc tiếp nhận dưỡng khí, dưỡng chất và thải chất bã. Sau đó, gốc tự do tiếp tục tấn công vào các ty thể, làm gián đoạn việc sản sinh năng lượng.

Oxidative stress là gì
Stress oxy hóa có vai trò quan trọng trong tiến trình hình thành ung thư

Khi tế bào không còn năng lượng, gốc tự do tấn công nhân tế bào làm thay đổi ADN dẫn đến tình trạng đột biến. Đây được xem là bước đầu trong tiến trình hình thành ung thư. Điều này có nghĩa là số lượng gốc tự do càng nhiều thì nguy cơ mắc ung thư càng cao. Ngoài những tác hại kể trên, stress oxy hóa đã được xác định có liên quan đến hơn 60 bệnh lý khác nhau. Trong đó phải kể đến xơ gan, đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng,…

Mặc dù y học đã phát triển nhưng ung thư và các bệnh mãn tính như tiểu đường, cao huyết áp,… vẫn đang là những thách thức lớn. Do đó, chủ động bảo vệ sức khỏe bằng cách ngăn chặn stress oxy hóa là việc làm vô cùng cần thiết.

Theo thời gian, số lượng gốc tự do trong cơ thể được tích lũy ngày càng nhiều. Vì thế, các phản ứng có hại bên trong cũng trở nên phức tạp và nghiêm trọng hơn. Tuổi tác càng cao thì số lượng gốc tự do sản sinh càng nhiều, thúc đẩy nhanh quá trình lão hóa và gia tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe mãn tính.

Stress oxy hóa có liên quan đến tuổi tác nên đa phần những ảnh hưởng của quá trình này đều chỉ trở nên rõ rệt khi bước vào tuổi trung niên. Tuy nhiên, nên ngăn chặn quá trình này từ sớm để giảm thiểu tối đa số lượng gốc tự do bên trong cơ thể.

Các yếu tố gây ra stress oxy hóa

Trong cơ thể chứa chất chống oxy hóa tự nhiên là glutathione và có thể bổ sung thêm một số chất chống oxy hóa khác như vitamin C, E, A, flavonoid,… trong các loại thực phẩm. Song song đó, cần hạn chế các yếu tố có thể gia tăng gốc tự do để bảo vệ sức khỏe.

Gốc tự do được sản sinh mỗi ngày như một phần tất yếu. Các phân tử này thường sẽ được trung hòa bằng các chất chống oxy hóa tự nhiên và chất chống oxy hóa được bổ sung. Vì vậy, stress oxy hóa sẽ xảy ra khi có những yếu tố sau đây:

1. Tiếp xúc với độc tố, bức xạ

Môi trường sống ô nhiễm khiến cho chất lượng không khí suy giảm. Tần suất tiếp xúc với tia tử ngoại, bức xạ, hóa chất,… cũng vì thế không ngừng gia tăng. Hiện tượng thủng tầng ozon khiến cho lượng bức xạ tăng lên. Bức xạ tác động tiêu cực đến sức khỏe và góp phần gia tăng số lượng gốc tự do bên trong cơ thể.

Oxidative stress là gì
Bức xạ mặt trời, phóng xạ, hóa chất độc hại,… là những yếu tố gia tăng tích lũy gốc tự do trong cơ thể

Ngoài ra, thường xuyên tiếp xúc với hóa chất từ các sản phẩm tẩy rửa, vệ sinh, hóa chất trong mỹ phẩm, sản phẩm sơn móng, thuốc nhuộm tóc… cũng là yếu tố gây ra tình trạng stress oxy hóa.

2. Thói quen hút thuốc lá

Hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân làm gia tăng số lượng gốc tự do. Thuốc lá chứa rất nhiều hóa chất độc hại góp phần gia tăng nồng độ các sản phẩm oxy hóa. Ngoài ra, hóa chất bên trong khói thuốc còn tác động xấu đến mạch máu và tế bào bên trong cơ thể.

Người hút thuốc lá lâu năm sẽ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề sức khỏe như các vấn đề hô hấp, tim mạch, tiểu đường type 2, suy giảm hệ miễn dịch, lão hóa nhanh,… Tỷ lệ mắc bệnh ung thư ở người có thói quen hút thuốc lá cũng cao hơn so với bình thường.

Thuốc lá tác động đến toàn bộ các tế bào bên trong cơ thể theo nhiều cách khác nhau. Trong đó, gia tăng gốc tự do là cơ chế đã được chứng minh. Số lượng gốc tự do tăng lên gây hiện tượng stress oxy hóa và gia tăng các vấn đề sức khỏe kể trên.

3. Sử dụng rượu bia

Lạm dụng rượu bia có liên quan đến các vấn đề sức khỏe như xơ gan, tiểu đường, gout, các vấn đề tim mạch, rối loạn tâm thần,… Nguyên nhân trực tiếp đó là rượu bia làm gia tăng gốc tự do, từ đó gây rối loạn và biến đổi cấu trúc tế bào. Khi tế bào không thể trao đổi chất và sản sinh năng lượng, chức năng của cơ quan sẽ bị suy giảm dần dẫn đến một loạt các vấn đề sức khỏe.

Oxidative stress là gì
Số lượng gốc tự do tích lũy trong cơ thể tăng lên đáng kể khi thường xuyên sử dụng rượu bia

Thực tế, có hai nhân tố cốt lõi gây bệnh có liên quan đến rượu bia là acetaldehyde và gốc tự do. Các chuyên gia nhận thấy, thường xuyên dung nạp cồn sẽ làm tăng giải phóng các chất oxy hóa.

Cụ thể khi uống rượu bia, Cytochrome P450 2E1, Xanthine Oxidase và Aldehyde Oxidase sẽ tăng lên. Cytochrome P450 2E1 chuyển hóa cồn thành Acetaldehyde làm giải phóng các gốc tự do, sau đó tiếp tục được Xanthine Oxidase và Aldehyde Oxidase chuyển thành Acetate. Sau quá trình này, số lượng gốc tự do lại được giải phóng nhiều hơn.

Ngoài độc tố acetaldehyde có trong rượu bia, gốc tự do từ quá trình chuyển hóa cồn sẽ gây tổn thương các tế bào bên trong cơ thể. Do đó, thường xuyên sử dụng bia rượu đã được xác định có liên quan đến quá trình stress oxy hóa.

4. Chế độ ăn không hợp lý

Gốc tự do cũng có thể sản sinh sau khi dung nạp các loại thực phẩm không lành mạnh. Chế độ ăn nhiều đường, chất béo đã được xác định có liên quan đến hiện tượng stress oxy hóa. Ngoài ra, ăn uống không lành mạnh cũng góp phần gia tăng các vấn đề sức khỏe mãn tính như tim mạch, tiểu đường, gout, các rối loạn chuyển hóa khác,…

Thường xuyên dùng thức ăn đóng hộp, chế biến sẵn, thực phẩm không đảm bảo cũng là nguyên nhân gia tăng gốc tự do. Đây cũng là lý do các loại thực phẩm này không được khuyến khích bổ sung thường xuyên.

Nếu có chế độ ăn cân bằng, vitamin, khoáng chất, axit amin thiết yếu trong rau củ, trái cây sẽ giúp trung hòa gốc tự do từ các loại thực phẩm trên. Ngày nay, việc xây dựng chế độ ăn lành mạnh là không đơn giản. Vì đa phần mọi người đều ưa chuộng sự tiện lợi, hơn nữa hương vị của thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn cũng vô cùng hấp dẫn, khó cưỡng.

5. Stress, chấn thương tâm lý

Tinh thần căng thẳng, đau khổ, sợ hãi, buồn bã,… quá mức cũng là yếu tố thúc đẩy quá trình stress oxy hóa. Ngoài ra, lao động nặng nhọc, quá sức cũng gia tăng số lượng gốc tự do tích lũy bên trong cơ thể.

Đa phần những người có tinh thần lạc quan, vui vẻ thường có sức khỏe tốt, ít cảm thấy mệt mỏi, luôn hứng khởi và giàu năng lượng. Ngược lại, người bị stress trường diễn sẽ phải đối mặt với tình trạng uể oải, cơ thể thiếu sức sống, tốc độ lão hóa nhanh… Điều này phần nào cho thấy, tinh thần căng thẳng thực sự là yếu tố gây ra quá trình stress oxy hóa.

Cách phòng chống quá trình stress oxy hóa

Stress oxy hóa là hiện tượng mất cân bằng chất chống oxy hóa và gốc tự do. Để phòng chống quá trình này, cần phải giảm thiểu gốc tự do và gia tăng các chất chống oxy hóa trong cơ thể. Thực hiện sớm các biện pháp phòng chống sẽ giúp vô hiệu hóa gốc tự do, tái tạo, phục hồi lại những tế bào tổn thương. Qua đó trung hòa hiện tượng oxy hóa, cải thiện hệ miễn dịch và chức năng của các cơ quan.

Thực tế, cơ thể sẽ tự sản sinh glutathione để chống lại gốc tự do. Tuy nhiên, số lượng và chất lượng glutathione có xu hướng suy giảm theo tuổi tác. Vậy nên cần thực hiện những biện pháp để gia tăng chất chống oxy hóa (antioxidant) và hạn chế tích lũy gốc tự do trong cơ thể.

Dưới đây là một số cách giúp phòng chống, hạn chế stress oxy hóa vô cùng hữu hiệu:

1. Bổ sung thực phẩm, TPCN chứa chất chống oxy hóa

Bên cạnh chất chống oxy hóa tự nhiên trong cơ thể, bạn nên bổ sung thêm antioxidant qua thực phẩm và TPCN. Các chất chống oxy hóa quen thuộc trong thực phẩm bao gồm vitamin E, vitamin C, A, selen, mangan, beta-carotene, flavonoid, catechin, phytoestrogen, polyphenol,…

căng thẳng oxy hóa
Bổ sung chất chống oxy hóa thông qua thực phẩm có thể phòng chống, hạn chế hiện tượng căng thẳng oxy hóa

Có thể bổ sung chất chống oxy hóa thông qua các nhóm thực phẩm như rau củ, trái cây, ngô, đậu, các loại ngũ cốc, sữa, thịt, socola,… Nếu cần thiết, bạn cũng có thể dùng TPCN chứa chất chống oxy hóa. Tuy nhiên trước khi dùng nên trao đổi với dược sĩ/ bác sĩ để được tư vấn về liều lượng, cách sử dụng phù hợp.

2. Tập thể dục thường xuyên

Tập thể dục đều đặn là biện pháp đơn giản giúp nâng cao sức khỏe và phòng chống stress oxy hóa. Khi vận động, tốc độ bơm máu, lượng sử dụng oxy trong cơ thể tăng cao, góp phần kích thích sự tăng trưởng của ty thể và tốc độ tái tạo của tế bào. Thói quen vận động sẽ giúp sửa chữa, phục hồi những tổn thương ở tế bào do gốc tự do gây ra.

căng thẳng oxy hóa
Tập thể dục thường xuyên giúp nâng cao sức khỏe và loại bỏ phần nào gốc tự do bên trong cơ thể

Ngoài ra, tập thể dục còn gia tăng hormone endorphin có tác dụng giãn mạch, điều hòa huyết áp, thư giãn và giảm căng thẳng. Đây đều là những yếu tố góp phần gia tăng gốc tự do và gây ra quá trình stress oxy hóa. Vậy nên, tập thể dục không chỉ chống oxy hóa trực tiếp mà còn loại trừ các yếu tố làm tích lũy gốc tự do trong cơ thể.

Tất cả các hình thức vận động đều tốt cho cơ thể. Bạn nên lựa chọn bộ môn có cường độ phù hợp với thể trạng và sở thích. Chẳng hạn như bơi lội, đạp xe, đánh cầu lông, đi bộ, yoga,… Chỉ với 30 phút mỗi ngày, bạn có thể đẩy lùi stress oxy hóa và nâng cao thể trạng một cách toàn diện.

3. Tránh thuốc lá, rượu bia

Thuốc lá, rượu bia chứa nhiều chất có hại, góp phần gia tăng sản phẩm chất oxy hóa. Vì vậy, nên cai thuốc lá và hạn chế dung nạp đồ uống chứa cồn. Trong số các đồ uống cồn, rượu vang được khuyến khích sử dụng với liều lượng phù hợp.

Dù là thức uống lên men nhưng trong rượu vang chứa rất nhiều vitamin và chất chống oxy hóa. Nếu sử dụng với liều lượng hợp lý sẽ mang đến nhiều lợi ích đối với sức khỏe như cải thiện tim mạch, kích thích tiêu hóa, giảm căng thẳng, loại trừ gốc tự do,…

4. Hạn chế tiếp xúc với hóa chất độc hại

Các chất độc hại có trong hóa chất tẩy rửa, thuốc nhuộm tóc, sơn móng tay,… đều góp phần gia tăng nguy cơ stress oxy hóa. Vì vậy, nên hạn chế tiếp xúc với các hóa chất độc hại để bảo vệ sức khỏe.

Hiện nay, có khá nhiều sản phẩm hữu cơ không chứa thành phần hóa học tổng hợp, an toàn và lành tính với sức khỏe. Ưu tiên sử dụng các sản phẩm này sẽ giúp hạn chế tối đa stress oxy hóa, qua đó hỗ trợ làm chậm quá trình lão hóa và giảm thiểu ảnh hưởng của gốc tự do đối với các cơ quan bên trong cơ thể.

5. Dùng kem chống nắng

Do tầng ozon suy giảm nên cường độ bức xạ mặt trời ngày một gia tăng. Tiếp xúc với bức xạ thường xuyên sẽ làm gia tăng gốc tự do và đẩy nhanh quá trình lão hóa, đặc biệt là làn da.

căng thẳng oxy hóa
Dùng kem chống nắng mỗi ngày giúp hạn chế stress oxy hóa và làm chậm quá trình lão hóa hiệu quả

Thường xuyên tiếp xúc với tia UV cường độ cao đã được xác định là tăng nguy cơ ung thư. Do đó, bạn có thể bảo vệ sức khỏe nói chung và hạn chế stress oxy hóa nói riêng bằng cách sử dụng kem chống nắng mỗi ngày.

Kem chống nắng giúp hạn chế tác hại của các tia UV đối với sức khỏe và làn da. Duy trì thói quen này lâu dài sẽ hạn chế được những tác hại của hiện tượng oxy hóa. Đồng thời giúp cho làn da được căng bóng, mịn màng, hạn chế xuất hiện những dấu hiệu lão hóa như da nhăn nheo, chảy xệ, đồi mồi,…

6. Đảm bảo chất lượng giấc ngủ

Ngủ đúng giờ, đủ giấc (ít nhất 6 – 7 tiếng/ ngày) góp phần giảm thiểu gốc tự do tích lũy và hạn chế stress oxy hóa hiệu quả. Giấc ngủ là thời gian cơ thể được nghỉ ngơi, phục hồi năng lượng sau thời gian làm việc căng thẳng. Đảm bảo chất lượng giấc ngủ sẽ giúp các tế bào có thời gian phục hồi, tái tạo và tự sửa chữa những tổn thương do gốc tự do gây ra.

Hạn chế tình trạng thức khuya, thiếu ngủ. Thói quen này không chỉ kích hoạt gốc tự do gây ra một chuỗi phản ứng bất lợi trong cơ thể mà còn gia tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe như cao huyết áp, sa sút trí tuệ, rối loạn lo âu, căng thẳng thần kinh, suy nhược cơ thể,…

7. Hạn chế đường, chất béo và tránh ăn quá nhiều

Ngoài việc bổ sung thực phẩm giàu các chất antioxidant, bạn cũng cần hạn chế chất béo, đường, muối trong chế độ ăn. Thói quen ăn quá nhiều, quá no cũng góp phần gia tăng số lượng gốc tự do bên trong cơ thể.

Để hạn chế quá trình stress oxy hóa, bạn chỉ nên ăn vừa đủ no. Trường hợp lao động với cường độ cao, có thể chia nhỏ bữa ăn. Bổ sung thêm sữa, các loại hạt, bánh,… vào bữa xế để cung cấp năng lượng.

8. Giữ tinh thần lạc quan

Các cảm xúc tiêu cực như đau khổ, lo lắng, áp lực, căng thẳng,… là chất xúc tác làm gia tăng gốc tự do và thúc đẩy một loạt chuỗi phản ứng bất lợi bên trong. Giữ tinh thần lạc quan được xem “chìa khóa” để duy trì sự tươi trẻ, khỏe mạnh.

căng thẳng oxy hóa
Giữ tinh thần lạc quan sẽ giúp trung hòa gốc tự do và hạn chế tác hại của căng thẳng oxy hóa

Tinh thần tốt giúp loại trừ gốc tự do, gia tăng các chất chống oxy hóa để bảo vệ cơ thể nói chung và tế bào nói riêng. Để giữ tinh thần lạc quan, trước tiên cần phải thay đổi suy nghĩ. Học cách yêu thương bản thân, đón nhận niềm vui từ những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống.

Có thể trang bị một số biện pháp thư giãn, giải tỏa căng thẳng như ngồi thiền, đọc sách, tập thể dục, liệu pháp mùi hương, chơi với thú cưng, chăm sóc cây cối, dành thời gian cho các sở thích cá nhân,… Những biện pháp này giúp giải tỏa đáng kể cảm xúc tiêu cực và điều hòa tâm trạng hữu hiệu.

9. Chung tay bảo vệ môi trường

Môi trường ô nhiễm, thủng tầng ozon, chất lượng không khí giảm,… là những yếu tố làm gia tăng gốc tự do. Ngoài những biện pháp trên, tất cả mọi người đều cần chung tay bảo vệ môi trường để giảm thiểu các yếu tố gây ra stress oxy hóa.

Bảo vệ môi trường sống nên bắt đầu từ những hành động nhỏ như hạn chế sử dụng đồ nhựa, các vật dụng sử dụng một lần, trồng nhiều cây xanh, tái chế đồ dùng cũ, tiết kiệm điện, nước, giấy, ưu tiên dùng các sản phẩm thân thiện,… Sử dụng phương tiện công cộng để giảm thiểu lượng khí thải cũng là biện pháp hữu ích giúp nâng cao môi trường sống.

Môi trường sống trong lành, lý tưởng sẽ giúp hạn chế stress oxy hóa và tác động tích cực đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Qua đó góp phần giảm thiểu bệnh tật và gia tăng tuổi thọ.

Stress oxy hóa là gốc rễ của nhiều vấn đề sức khỏe và thúc đẩy tốc độ lão hóa. Mặc dù không thể loại bỏ gốc tự do hoàn toàn nhưng một lối sống khoa học, tinh thần lạc quan sẽ giúp hạn chế tối đa những tác hại của hiện tượng oxy hóa. Các biện pháp nên được thực hiện đều đặn và duy trì suốt đời để mang lại lợi ích tốt nhất cho sức khỏe.

Tham khảo thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *