Hội Chứng Sợ Đám Đông Là Gì? Làm Sao Khắc Phục?

Hội chứng sợ đám đông là một dạng rối loạn lo âu ám ảnh sợ đặc hiệu tương đối phổ biến. Hội chứng này đề cập đến tình trạng hoảng loạn và sợ hãi quá mức trước các tình huống xã hội có sự xuất hiện của nhiều người. Nó ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tâm lý, làm hạn chế cơ hội trong công việc, học tập và các mối quan hệ xã hội.

Hội chứng sợ đám đông
Hội chứng sợ đám đông đề cập đến nỗi sợ hãi quá mức trước các sự kiện đông người

Hội chứng sợ đám đông là gì?

Hội chứng sợ đám đông (Enochlophobia) còn được gọi với nhiều tên khác như hội chứng sợ khoảng trống hoặc hội chứng sợ nơi công cộng. Đây thực chất là một dạng của rối loạn lo âu ám ảnh sợ đặc hiệu.

Không phải những người cảm thấy không thoải mái trong một đám đông đều mắc chứng Enochlophobia. Thay vào đó, nỗi sợ hãi này có liên quan đến những suy nghĩ và hành vi phi lý trí quá mức có thể dẫn đến một mối nguy hại thực tế trong một tình huống.

Hội chứng sợ đám đông đề cập đến sự sợ hãi quá mức thường trực khi phải đối diện với các tình huống có sự xuất hiện của nhiều người. Bản thân người bệnh có thể vẫn nhận thức được sự sợ hãi là phi lý và không cần thiết. Tuy nhiên họ lại cảm thấy rất bất lực trong việc kiểm soát nó.

Nhiều người có thể gặp phải nỗi sợ hãi trước đám đông hằng ngày ở các địa điểm như:

  • Trên xe buýt, tàu điện ngầm hay các phương tiện giao thông công cộng khác
  • Tại rạp chiếu phim
  • Tại các trung tâm mua sắm hoặc cửa hàng tạp hóa
  • Ở công viên ngoài trời
  • Ở bể bơi công cộng hay bãi biển

Không chỉ tiếp xúc trực tiếp với đám đông mới gây ra chứng sợ Enochlophobia. Trong một số trường hợp, chỉ cần nghĩ đến việc phải ở trong một đám đông cũng có thể dẫn tới căng thẳng và lo lắng.

Hội chứng sợ đám đông ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của một người. Họ có thể né tránh hoàn toàn đám đông hoặc những nơi mà họ lo sợ sẽ có đông người. Enochlophobia có thể ảnh hưởng đến cơ hội việc làm, học tập và các mối quan hệ xã hội.

Đặc biệt, trong thời đại bùng nổ dân số như hiện nay thì đám đông chính là một phần tất yếu của cuộc sống. Do đó, Enochlophobia càng gây ra nhiều ảnh hưởng hơn các ám ảnh sợ đặc hiệu khác. Người bệnh sẽ rất dễ rơi vào trạng thái lo âu lan tỏa, trầm cảm do những phiền toái mà hội chứng này gây ra.

Nguyên nhân gây ra hội chứng sợ đám đông

Cho đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây ra hội chứng sợ đám đông. Nhìn chung, hội chứng này được cho là xuất phát từ sự kết hợp của nhiều yếu tố khác nhau. Trong đó, khuynh hướng di truyền, yếu tố sinh học kết hợp với chấn thương cụ thể sẽ đóng vai trò chủ đạo.

Một số nguyên nhân có liên quan tới hội chứng sợ đám đông bao gồm:

1. Sang chấn tâm lý liên quan tới đám đông

Hội chứng sợ đám đông có thể được kích hoạt khi một người từng gặp các sang chấn tâm lý có liên quan tới đám đông. Chẳng hạn như bị mắc kẹt trong không gian đông người, chấn thương trong các vụ ẩu đả,…

Ngoài ra, Enochlophobia còn có thể phát triển khi chính bản thân người bệnh nhìn thấy những người khác bị chấn thương hay mắc kẹt trong đám đông mà không thể nào thoát ra bên ngoài.

Những sự kiện này sẽ tạo ra nỗi sợ về những tình huống có sự xuất hiện của nhiều người. Bởi người bệnh thường sẽ cho rằng những điều tương tự có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Để bảo vệ cho sự an toàn của bản thân thì người bệnh có xu hướng tránh né một số tình huống hay sự kiện trong cuộc sống.

nguyên nhân gây ra hội chứng sợ đám đông
Từng bị mắc kẹt nhiều lần trong thang máy có thể dẫn tới hội chứng sợ đám đông

2. Yếu tố di truyền

Thông qua nhiều nghiên cứu, các chuyên gia cho biết, di truyền cũng có thể là yếu tố quan trọng góp mặt vào cơ chế bệnh sinh của hội chứng sợ đám đông.

Trong đó, tình trạng này thường có liên quan đến gen quy định cấu trúc và chức năng của não bộ, bao gồm cả vùng vùng hải mã. Bởi đây là cơ quan chịu trách nhiệm kiểm soát trạng thái hoảng loạn và nỗi sợ hãi.

Ở những người mắc chứng Enochlophobia nói riêng và các ám ảnh sợ khác nói chung thì vùng hồi hải mã có thể xuất hiện một số bất thường. Từ đó gây ra tình trạng sợ hãi quá mức trước những tình huống không tiềm ẩn bất kỳ mối đe dọa nào.

3. Môi trường và cách giáo dục của gia đình

Môi trường sống và cách giáo dục của gia đình có thể liên quan đến sự phát triển hội chứng sợ đám đông. Trẻ được bao bọc quá mức và ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài thường có kinh nghiệm sống ít ỏi, thiếu hiểu biết và sợ đám đông.

Ngoài ra, Enochlophobia cũng có thể bắt nguồn từ việc bị cô lập, tẩy chay khi còn nhỏ hay bị tách rời ra khỏi gia đình từ quá sớm. Đây đều là những sự kiện có thể góp phần hình thành nhân cách của trẻ cùng những rối loạn tâm lý khi trưởng thành.

4. Biến chứng của rối loạn hoảng sợ

Trong hầu hết các trường hợp, Enochlophobia là một biến chứng của rối loạn hoảng sợ. Rối loạn hoảng sợ là một dạng rối loạn lo âu xảy ra khi gặp các cuộc tấn công của cơn hoảng loạn không có các lý do rõ ràng kích hoạt triệu chứng căng thẳng thể chất.

Cơn hoảng loạn có thể sẽ rất đáng sợ. Khi nó xảy ra thì người bệnh có thể nghĩ rằng mình đang bị mất kiểm soát, có một cơn đau tim hay thậm chí là tử vong. Có thể phát triển Enochlophobia khi bắt đầu tạo kết nối giữa các cơn hoảng loạn với một hay nhiều tình huống mà trong đó có các cuộc tấn công xảy ra.

5. Các yếu tố nguy cơ

Ngoài các nguyên nhân kể trên thì một số yếu tố khác cũng có thể khiến nguy cơ mắc hội chứng sợ đám đông tăng lên. Chẳng hạn như:

nguyên nhân của hội chứng sợ đám đông
Tính cách nhút nhát thời thơ bé có thể làm tăng nguy cơ phát triển hội chứng sợ đám đông khi trưởng thành
  • Có sẵn các chứng ám ảnh sợ như sợ độ cao, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn lo âu xã hội,…
  • Là phụ nữ (nữ giới thường nhạy cảm hơn với sự sợ hãi, hơn nữa họ còn dễ bị tổn thương sau các sang chấn tâm lý)
  • Lạm dụng thuốc lá, bia rượu, chất gây nghiện và chất kích thích
  • Tính cách tự ti, nhút nhát, rụt rè, hay căng thẳng, lo âu và thiếu kỹ năng giao tiếp xã hội

Biểu hiện của hội chứng sợ đám đông

Hội chứng sợ đám đông thường có biểu hiện giống với các rối loạn lo âu ám ảnh sợ đặc hiệu khác. Triệu chứng sẽ thuộc ba loại chính là phản ứng cơ thể (thể chất), suy nghĩ (nhận thức) và sự né tránh hoặc trốn tránh (hành vi).

Các biểu hiện thường gặp ở người mắc hội chứng sợ đám đông bao gồm:

  • Sợ hãi và ám ảnh khi đến những nơi đông người. Họ có xu hướng né tránh các tính huống có sự tụ tập của nhiều người. Chẳng hạn như trung tâm mua sắm, siêu thị, nhà thờ, sử dụng các phương tiện công cộng,…
  • Luôn lo sợ bị mắc kẹt ở những không gian công cộng. Ví dụ như ở xe lửa, thang máy, tàu điện ngầm, trên máy bay,…
  • Khi phải đối mặt với các tình huống có nhiều người, bệnh nhân sẽ xuất hiện sự sợ hãi quá mức. Họ thường bị mất kiểm soát và có xu hướng bám chặt vào ai đó. Đồng thời cố gắng thoát khỏi tình huống có đám đông càng sớm càng tốt.
  • Do nỗi sợ lấn át nên họ thường tỏ ra bất lực và luôn phụ thuộc vào người khác.
  • Một số người còn tỏ ra sợ hãi quá mức và gần như không thể ra khỏi nhà. Ở những trường hợp này, người bệnh hoàn toàn không thể học tập và làm việc một cách bình thường. Họ thường chọn cách học vào ban đêm hoặc làm các công việc ca đêm để né tránh các tình huống đông người.
  • Do không thể kiểm sát được sự sợ hãi nên người bệnh luôn có cảm giác lo lắng, muộn phiền, tuyệt vọng và tức giận. Lâu dần sẽ hình thành những suy nghĩ bi quan và tiêu cực.
  • Khi phải đối diện với những tình huống gây sợ hãi, người bệnh còn xuất hiện các triệu chứng thể chất. Chẳng hạn như tăng nhịp tim, giãn đồng tử, đau đầu, chóng mặt, khó thở, căng cơ, buồn nôn, đau bụng, tay chân run rẩy,…

Một số người mắc hội chứng sợ đám đông còn đi kèm với chứng rối loạn hoảng sợ. Đây là một dạng rối loạn lo âu xảy ra nếu bạn từng phải trải nghiệm các cuộc tấn công bất ngờ.

Nỗi sợ hãi ở người bị rối loạn hoảng sợ thường lên đến đỉnh điểm trong vài phút và kích thích một số biểu hiện thể chất rõ rệt. Bạn có thể cảm thấy như bản thân mất hết sự kiểm soát, bị đột quỵ hoặc thậm chí là chết ngất đi.

dấu hiệu hội chứng sợ đám đông
Hội chứng sợ đám đông có thể khiến một người toát mồ hôi tại các tình huống đông người

Dấu hiệu của cơn hoảng loạn có thể bao gồm các triệu chứng thể chất như:

  • Sợ chết
  • Đổ quá nhiều mồ hôi
  • Nhịp tim tăng nhanh
  • Ớn lạnh
  • Chóng mặt hoặc choáng váng
  • Đau bụng, tiêu chảy
  • Đau hoặc tức ngực
  • Cảm thấy run rẩy, tê hoặc ngứa ran
  • Khó thở, có cảm giác nghẹt thở

Hội chứng sợ đám đông có thể sẽ khiến cho cuộc sống của bạn bị ảnh hưởng rất nhiều. Cụ thể là nó sẽ hạn chế khả năng giao tiếp, học tập, làm việc và tham gia các sự kiện quan trọng có sự góp mặt của nhiều người. Do đó cần sớm có biện pháp khắc phục khi phát hiện ra các biểu hiện của hội chứng này.

Những ảnh hưởng từ hội chứng sợ đám đông

Như đã phân tích, trong cuộc sống hiện nay, dân số đang ngày càng gia tăng không ngừng. Cũng vì thế mà đám đông trở thành một phần tất yếu của cuộc sống. Do đó, hội chứng sợ đám đông sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực hơn các chứng sợ hãi khác.

Enochlophobia rất có thể sẽ khiến người bệnh bị hạn chế các hoạt động của cuộc sống. Trong những trường hợp nghiêm trọng, người bệnh thậm chí không thể rời khỏi nhà để đi ra ngoài.

Nếu không được điều trị, một số người có thể rơi vào tình trạng không ra khỏi nhà trong nhiều năm. Họ có thể không tới thăm gia đình, bạn bè, đi học hay đi làm. Thậm chí họ còn không thể làm các việc lặt vặt hay tham gia các hoạt động bình thường hằng ngày khác. Đôi khi họ trở nên phụ thuộc hoàn toàn vào sự giúp đỡ từ người khác.

Hội chứng sợ đám đông còn làm tăng nguy cơ dẫn đến trầm cảm và lo âu. Những người mắc chứng Enochlophobia có thể chuyển sang uống rượu hay lạm dụng các chất kích thích. Họ xem đây là giải pháp để đối phó với sợ hãi, tuyệt vọng, cảm giác tội lỗi, cô lập và cô đơn.

Chẩn đoán hội chứng sợ đám đông

Hội chứng sợ đám đông sẽ được chẩn đoán dựa theo dấu hiệu và triệu chứng. Người bệnh cần trải qua một cuộc trao đổi và thăm khám chuyên sâu với bác sĩ. Trong đó, khám lâm sàng là quan trọng bởi một số dấu hiệu của cuộc tấn công hoảng loạn có thể tương tự như các điều kiện khác.

Enochlophobia không phải là một dạng rối loạn được công nhận trong Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê về Rối loạn Tâm thần (DSM-5). Tuy nhiên nó có thể được coi là một loại ám ảnh cụ thể. Đồng thời có thể liên quan tới các chẩn đoán khác như rối loạn lo âu xã hội hay chứng sợ mất trí nhớ.

chẩn đoán hội chứng sợ đám đông
Bác sĩ sẽ khai thác triệu chứng mà người bệnh gặp phải để chẩn đoán hội chứng sợ đám đông

Bác sĩ có thể chẩn đoán hội chứng sợ đám đông khi đáp ứng các tiêu chuẩn:

  • Lo lắng về việc làm sao để ra khỏi những nơi hoặc tình huống có thể gây khó khăn hay bối rối.
  • Lo lắng về việc không được trợ giúp nếu phát triển các triệu chứng tương tự như hoảng loạn.
  • Né tránh những nơi hoặc tình huống mà lo sợ có thể sẽ có một cuộc tấn công hoảng loạn. Hay có thể gây đau khổ và lo lắng.

Để được chẩn đoán là một chứng ám ảnh sợ hãi cụ thể thì hội chứng sợ đám đông cần phải tồn tại ít nhất 6 tháng. Đồng thời nó không phải do một chẩn đoán khác gây ra. Chẳng hạn như chứng sợ hãi, rối loạn căng thẳng sau chấn thương hay rối loạn lo âu xã hội.

Cách khắc phục hội chứng sợ đám đông

Trên thực tế, hội chứng sợ đám đông có thể tồn tại và kéo dài trong suốt cuộc đời. Tuy nhiên, can thiệp điều trị sớm và đúng cách sẽ giúp bệnh nhân chế ngự được cảm giác sợ hãi và hoảng loạn. Đồng thời kiểm soát được lời nói và hành vi trong các tình huống thường ngày.

Mục tiêu của điều trị hội chứng sợ đám đông là giới hạn sự sợ hãi, hoảng loạn và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Enochlophobia có thể được điều trị bằng trị liệu tâm lý kết hợp với dùng thuốc và các biện pháp tự chăm sóc tại nhà.

Các phương pháp điều trị cho hội chứng sợ đám đông cụ thể như sau:

1. Tâm lý trị liệu

Khi mắc hội chứng sợ đám đông, bạn nên sớm tìm gặp chuyên gia tâm lý để tìm kiếm sự giúp đỡ. Rất khó để bạn nhanh chóng vượt qua nỗi sợ hãi của mình nhưng sự giúp đỡ từ chuyên gia trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng có thể giúp bạn học cách thay đổi suy nghĩ hiện tại của mình.

Trị liệu tâm lý được xác định là hình thức điều trị chính đối với hội chứng sợ đám đông. Nó có thể bao gồm sự kết hợp của liệu pháp trò chuyện và các kỹ thuật giải mẫn cảm khác. Chẳng hạn như:

  • Liệu pháp nhận thức hành vi: Đây là một liệu pháp trò chuyện kết nối người bệnh với chuyên gia tâm lý. Nó sẽ giúp bạn vượt qua nỗi sợ hãi, đồng thời học cách thay thế thói quen suy nghĩ phi lý bằng thói quen suy nghĩ tích cực và lý trí.
  • Liệu pháp tiếp xúc: Trong hình thức giải mẫn cảm này, bạn sẽ dần dần được tiếp xúc với đám đông. Nhiều trường hợp, chuyên gia tâm lý có thể đi cùng bạn đến những sự kiện hay tình huống có sự xuất hiện của nhiều người.
  • Liệu pháp thị giác: Ở liệu pháp này, bạn sẽ được xem các bức ảnh về đám đông để giúp định hình lại suy nghĩ trước khi tiếp xúc với cuộc sống thực.
  • Trị liệu nhóm: Liệu pháp nhóm sẽ giúp kết nối bạn với những người khác cũng đang phải đối phó với hội chứng sợ đám đông.
  • Công nghệ thực tế ảo: Hình thức trị liệu tiếp xúc mới này có thể giúp bạn giải mẫn cảm với đám đông mà không cần đến họ.
điều trị hội chứng sợ đám đông
Tâm lý trị liệu là giải pháp điều trị chính đối với hội chứng sợ đám đông

Ngoài ra, chuyên gia tâm lý cũng có thể trang bị thêm những kỹ năng cần thiết để giúp người bệnh giải tỏa căng thẳng và lo âu. Một số người bệnh tự nhốt mình trong nhà lâu ngày thường được dạy kỹ năng giao tiếp để có thể dễ dàng thích nghi với môi trường mới.

Thực tế ghi nhận, trị liệu tâm lý mang lại kết quả khả quan trong điều trị hội chứng sợ đám đông. Tuy nhiên, kết quả này có thể đến muộn hơn kỳ vọng nên đòi hỏi người bệnh cần có sự nỗ lực và kiên trì.

2. Điều trị bằng thuốc

Trong một số trường hợp, người mắc hội chứng sợ đám đông có thể phải dùng đến thuốc để giảm bớt các triệu chứng lo lắng. Cần nhớ rằng, toa thuốc phải được kê bởi bác sĩ tâm thần chứ không phải chuyên gia tư vấn tâm lý.

Các thuốc được sử dụng có thể bao gồm:

– Thuốc chống trầm cảm:

Chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs) là nhóm thuốc chống trầm cảm được dùng phổ biến nhất trong điều trị Enochlophobia. Trong đó Fluoxetin và Paroxetin là 2 loại thường được bác sĩ kê toa.

Ngoài SSRIs, bác sĩ cũng có thể kê toa các thuốc chống trầm cảm khác, chẳng hạn như thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRIs), thuốc chống trầm cảm 3 vòng (TCA) hay thuốc ức chế monoamine oxidase.

– Thuốc an thần:

Các thuốc an thần có thể được bác sĩ kê toa nhằm làm giảm tình trạng sợ hãi quá mức và hoảng loạn khi người bệnh phải đối mặt với các tình uống gây ám ảnh. Tuy nhiên, các thuốc an thần có thể gây nghiện nên chỉ được sử dụng liều thấp trong thời gian ngắn. Clonazepam và Alprazolam là các thuốc được chấp thuận dùng để điều trị Enochlophobia.

Tất cả các thuốc dùng điều trị hội chứng sợ đám đông cần phải nghiêm ngặt tuân thủ chỉ định từ bác sĩ. Người bệnh tuyệt đối không được tăng/ giảm liều hay tự ý dừng thuốc đột ngột khi bác sĩ chưa cho phép.

Toa thuốc điều trị Enochlophobia có thể được dùng dài hạn để mang đến hiệu quả đầy đủ. Ngoài ra, một số thuốc cũng cần phải được tiếp tục sử dụng duy trì sau khi triệu chứng thuyên giảm nhằm ngăn ngừa tình trạng tái phát.

3. Các biện pháp tự hỗ trợ

Hội chứng sợ đám đông có thể dẫn tới nỗi sợ hãi dữ dội. Do đó, nó có thể là một thách thức lớn khi bạn phải sống chung. Đặc biệt, bạn sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn nếu thường xuyên tiếp xúc với đám đông.

Lảng tránh có thể sẽ hữu ích tạm thời nhưng lạm dụng điều này sẽ khiến cho chứng Enochlophobia của bạn trở nên tồi tệ hơn. Thay vào đó, bạn cần chuyển sang phương pháp khác để giúp bản thân sống tốt hơn. Hay thậm chí là giảm bớt nỗi sợ hãi trước đám đông.

Chánh niệm là một cách bạn có thể thử để làm giảm hội chứng sợ đám đông. Hãy tập trung vào hiện tại, để tâm trí của bạn không đi lang thang với các tình huống giả định. Thực hành điều này sẽ giúp bạn giữ vững lập trường. Đồng thời ngăn chặn nỗi sợ hãi phi lý hình thành.

cải thiện chứng sợ đám đông
Ngồi thiền có thể giúp làm giảm căng thẳng, điều chỉnh tâm trạng và ngăn chặn các suy nghĩ phi lý

Trường hợp bạn gặp phải một đám đông lớn hoặc dự định hòa mình vào một đám đông thì hãy cố gắng hình dung bản thân an toàn và tự tin trong môi trường xung quanh. Khi có thể, bạn hãy nhờ người thân hoặc bạn bè đi cùng đến một sự kiện đông người.

Giảm lo lắng và căng thẳng cũng có thể giúp bạn kiểm soát tốt hơn các triệu chứng của Enochlophobia. Các chiến lược hằng ngày bao gồm:

  • Chú ý chăm sóc giấc ngủ tốt hơn. Hãy cố gắng đi ngủ trước 23 giờ và đảm bảo giấc ngủ ban đêm kéo dài ít nhất 6 tiếng đồng hồ.
  • Thực hành một số kỹ thuật thư giãn để quản lý căng thẳng. Chẳng hạn như bài tập thở, ngồi thiền, massage, tắm nước ấm, tập yoga,…
  • Dành ít nhất 30 phút mỗi ngày cho các hoạt động thể chất nhẹ nhàng và phù hợp. Tập thể dục thường xuyên sẽ giúp giải tỏa căng thẳng, thư giãn tâm trí và hỗ trợ sức khỏe tổng thể.
  • Dành thời gian cho các hoạt động mà bạn yêu thích để cảm thấy vui vẻ, thoải mái và tự tin hơn.
  • Nên tham gia các hoạt động xã hội với sự xuất hiện của các nhóm nhỏ. Điều này sẽ giúp bạn làm quen dần và tự tin hơn khi có mặt ở các sự kiện với sự tham gia của nhiều người.
  • Tránh tiêu thụ rượu bia, hút thuốc lá hay dùng chất kích thích. Đây đều là những tác nhân gây hại cho cả sức khỏe thể chất, cảm xúc và tâm trạng.

Hội chứng sợ đám đông là tình trạng đang ngày càng trở nên phổ biến, gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đến cuộc sống. Hơn nữa nếu không được điều trị và chăm sóc kịp thời thì người bệnh còn trở thành gánh nặng cho gia đình. Do đó khi phát hiện các triệu chứng nghi ngờ cần chủ động thăm khám để nhận được sự hỗ trợ từ bác sĩ.

Có thể bạn quan tâm:

5/5 - (2 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *