Trầm Cảm Ẩn Là Gì? Nguyên Nhân, Chẩn Đoán Và Điều Trị
Người mắc chứng trầm cảm ẩn luôn cố gắng che dấu cảm xúc, nỗi buồn của mình với những người xung quanh thông qua những nụ cười bởi họ không thể thừa nhận của bản thân cũng như không muốn trở thành gánh nặng cho người khác. Do đó trầm cảm ẩn thường được phát hiện khá muộn và dễ dẫn đến những hậu quả nặng nề chính là người bệnh tự hiện việc tự tử để giải thoát cho chính mình.
Trầm cảm ẩn là gì?
Trầm cảm ẩn hay còn được gọi là trầm cảm che dấu thuộc nhóm trầm cảm không điển hình bởi các triệu chứng của bệnh không toàn toàn trùng khớp với các triệu chứng trầm cảm thông thường được liệt kê trong các cẩm nang bệnh học như DSM – 5 hay ICD – 10. Chính do đó mà chứng trầm cảm này thường rất khó phát hiện hoặc chỉ khi bệnh đã diễn biến trầm trọng hơn, người bệnh có các hành vi tiêu cực và được những người xung quanh phát hiện đưa đi khám thì mới có thể chẩn đoán.
Thông thường các triệu chứng trầm cảm mà mọi người đều biết chính là khí sắc u buồn, không muốn giao tiếp trò chuyện với ai, lúc nào cũng cảm thấy buồn bã, tính cách tiêu cực dễ bị kích động và các triệu chứng này thường được bộc lộ rõ trước mặt người khác. Tuy nhiên ở bệnh nhân trầm cảm che dấu, những cảm xúc tiêu cực bi quan sẽ chỉ xuất hiện khi họ ở một mình còn trước mặt người khác họ lại luôn cố gắng tỏ ra hạnh phúc với những nụ cười thường trực trên môi.
Sự vui vẻ ở người trầm cảm chính là tấm mặt nạ tốt nhất để tạo cảm giác cho họ cảm giác an toàn cuối cùng còn sót lại nhằm tránh sự đánh giá dò xét của những người xung quanh. Ban ngày khi làm việc họ có thể làm một người sôi nổi, vui vẻ nhưng đêm về lại cảm thấy cạn kiệt năng lượng, có thể khóc lóc cả đêm và không mong muốn đến ngày mai. Bởi thế những người xung quanh rất khó phát hiện sự bất thường ở người bệnh.
Người bệnh luôn muốn che dấu những cảm xúc của bản thân, dần dần không còn là chính mình, trở nên giả tạo với cảm xúc của bản thân. Khi những điều tiêu cực đau khổ bị dồn nén quá mức, đến một giai đoạn nào đó sẽ trở nên bùng nổ và gây ra những phản ứng mà không ai có thể tưởng tượng nổi.
Những áp lực trong cuộc sống, kỳ vọng quá lớn nhưng thất bại hay việc luôn lo lắng về cái nhìn xung quanh của mọi người về bản thân là một trong những nguyên nhân khiến người bệnh cố gắng che dấu tình trạng của mình. Cụ thể những yếu tố chính khiến người trầm cảm thường che dấu bệnh bao gồm:
- Không muốn trở thành gánh nặng của người khác: bản thân họ có thể hiểu rằng khi mình bị bệnh có thể làm cho cha mẹ, người thân và những người xung quanh lo lắng, sẽ chăm sóc họ nhiều hơn, điều này khiến họ cảm thấy không thoải mái nên sẽ cố gắng che dấu nó.
- Sợ cái nhìn của mọi người xung quanh: họ lo lắng rằng khi biết mình bị bệnh mọi người xung quanh dò xét, bàn tán về mình, cho rằng họ yếu đuối, vô dụng nên không muốn bộc lộ ra ngoài
- Không chấp nhận bản thân bị bệnh: Mặc dù đã được báo chí và truyền thông cảnh báo rất nhiều nhưng rất nhiều người cho rằng các triệu chứng trầm cảm chỉ là trạng thái buồn thông thường và sẽ tự khỏi, vì thế họ sẽ che dấu vì sợ những người xung quanh biết sẽ bắt họ đi điều trị
- Cảm giác mặc cảm: một số người có thể nhìn nhận trầm cảm như một khiếm khuyết của bản thân, và tất nhiên không ai muốn thể hiện yếu điểm của bản thân để cho mọi người nhìn thấy. Một số khác luôn cho rằng chỉ có bản thân mình là khổ sở, họ sẽ cảm thấy bản thân mình sẽ bị cô lập nên không muốn thể hiện điều này.
- Người cầu toàn: một số người người luôn muốn bản thân và cuộc sống phải thật tốt đẹp trong mắt những người xung quanh, nếu bị trầm cảm chẳng khác nào đang vạch trần cuộc sống giả dối mà bản thân họ đã dày công sắp đặt.
Trầm cảm ẩn có thể bắt nguồn từ những áp lực rất nhỏ nhưng do không được giải tỏa nên dần dần tích tụ lại trở thành một bóng đen lớn trong tâm trí. Nghiên cứu cho thấy thường các dấu hiệu trầm cảm ẩn dấu đã được xuất hiện từ rất sớm nhưng hầu hết chỉ khi đến giai đoạn nặng mới có thể phát hiện.
Triệu chứng trầm cảm ẩn
Hầu hết bản thân người bệnh thường chối bỏ rằng bản thân mình đang mắc bệnh trong khi thực tế tình trạng bệnh đã vô cùng trầm trọng. Người bệnh không chỉ gặp các vấn đề về tinh thần mà còn xuất hiện các triệu chứng trên thực thể nhằm che lấp đi những cảm xúc mà bản thân đang gặp phải chẳng hạn như bị đau dạ dày, đau nhức ở đâu đó không rõ nguyên nhân hay các vấn đề xương khớp, tim mạch..
Dễ thay đổi cảm xúc
Một người mắc chứng trầm cảm che dấu thường dễ xúc động với các tình huống cảm xúc hơn, chẳng hạn khóc khi đang xem các chương trình truyền hình hoặc phim ảnh trong khi bình thường họ sẽ tỏ ra mạnh mẽ và rất khó khóc. Hay một số người có thể đột ngột trở nên nóng giận, dễ cáu gắt bởi một sự việc không đáng, tuy nhiên sẽ nhanh chóng giảng hòa và tỏ ra hối lỗi.
Những cảm xúc thay đổi này thường đi qua rất nhanh khiến người đối diện trong 1 phút nào đó có thể cảm nhận người đứng trước mặt không phải là người mà họ quen.
Hay nói về triết lý
Một trong những triệu chứng trầm cảm ẩn đặc trưng chính là họ thường xuyên nói về triết lý, đạo lý về cuộc đời, nhân sinh, ý nghĩa cuộc sống hay những gì ảnh hưởng đến cuộc sống của bản thân. Họ cũng thoải mái trong việc nói về việc làm bản thân đau đớn, nói rằng với mình cái chết là điều bình thường với một thái độ thản nhiên khiến người khác không thể nắm bắt được rằng liệu nó đang nói đùa hay thật.
Ngoài ra họ cũng có thể bàn luận về việc tìm kiếm hạnh phúc, vẽ ra tương lai tươi sáng của họ. Những câu chuyện với người trầm cảm che dấu thường sẽ được hướng về xoay quanh các triết lý này. Đây có thể là dấu hiệu đặc trưng nhất của bệnh để những người xung quanh có thể nhận diện rõ so với các triệu chứng khác.
Suy nghĩ và hành vi bi quan
Bản thân họ luôn nhìn nhận mọi thứ một cách sai lệch dẫn đến xử lý các vấn đề theo một cách bi quan, tiêu cực. Tuy nhiên hầu hết những cảm xúc tiêu cực đó sẽ chỉ được thể hiện khi họ ở một mình. Họ cảm thấy tội lỗi dù mình không làm gì sai hoặc cho rằng chỉ có bản thân mình là phải chịu đựng những điều đau khổ.
Người bệnh trầm cảm ẩn cũng có xu hướng tự làm bản thân đau và thường nghĩ đến cái chết và thực hiện nó mà không ai có thể phát hiện. Bởi những cảm xúc bên ngoài quá bình thường khiến không ai biết được họ đang phải chịu đựng những gì nên không dành sự quan tâm đúng mực. Do đó tỷ lệ tự tử thành công ở những bệnh nhân trầm cảm che dấu là rất cao.
Sinh hoạt bất thường
Khó khăn khi đi ngủ, mất ngủ thường xuyên là các triệu chứng thường gặp ở hầu hết các bệnh nhân trầm cảm. Rất khó khăn để họ có thể tìm được một giấc ngủ sớm, dù họ thấy bản thân cạn kiệt năng lượng, không còn một chút sức lực nào. Mất ngủ vào ngày hôm trước khiến họ không muốn thức dậy vào ngày hôm sau và phải đấu tranh rất nhiều để có thể tiếp tục ‘đeo lớp mặt nạ hạnh phúc” để đi học, đi làm.
Bên cạnh đó ăn uống thất thường, chán ăn, giảm vị giác cũng là triệu chứng thường gặp ở rất nhiều người. Tuy nhiên một số khác lại trở nên ăn uống nhiều hơn kể cả với những món ăn trước đó họ không hề thích bởi họ cho rằng đồ ăn có thể làm khỏa lấp các khoảng trống trong tâm hồn họ. Thậm chí họ cũng tìm đến bia rượu, thuốc lá hay các chất kích thích khác để làm bản thân thấy thoải mái hơn.
Luôn tỏ ra hạnh phúc
Tỏ ra hạnh phúc với những nụ cười thường trực trên môi khi đối diện với người khác chính là cách để họ che dấu sự vụn vỡ trong tâm trí của bản thân. Trước mặt mọi người họ sẽ luôn tỏ ra là mình đang rất vui vẻ, luôn tỏ ra sẵn sàng tham gia cùng các hoạt động nhóm, tuy nhiên nếu thực sự cần có sự góp mặt của họ thì sẽ tìm cách né tránh.
Dù có sinh hoạt trong một hội nhóm nhưng bản thân họ vẫn luôn cảm thấy cô đơn, trống rỗng, không thể hòa nhập được.Bởi vậy nên họ ngày càng khép mình và chỉ muốn ở một mình, không muốn nói chuyện, giao tiếp với ai, kể cả với cha mẹ hay người thân.
Lẩn tránh và dấu diếm bệnh
Nếu vô tình bị gia đình hay người khác phát hiện những dấu hiệu bất thường và bắt đi khám thì họ có thể vẫn đi, tuy nhiên sẽ không tin tưởng và trung thực với bác sĩ. Họ có thể sẽ đồng ý đi khám nhưng lại thay đổi kế hoạch; nói dối tình trạng, cảm xúc của bản thân với bác sĩ hay không thực hiện các phương pháp điều trị được chỉ định. Hầu hết nếu người bệnh đi tìm sự giúp đỡ của người khác chứng tỏ họ đã quá tuyệt vọng, không thể chịu đựng thêm được nữa.
Chẩn đoán trầm cảm ẩn
Theo các bác sĩ việc tiến hành chẩn đoán bệnh với bệnh nhân trầm cảm ẩn thường gặp nhiều khó khăn bởi các triệu chứng không hoàn toàn nằm trong các tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh trầm cảm hiện nay. Nếu được hỏi về cảm xúc, suy nghĩ hay các sự kiện tác động tâm lý từ quá khứ hị cũng thường chỉ trả lời qua loa, thiếu trung thực, phủ nhận hoặc nói ra những thông tin sai lệch khiến bác sĩ khó có thể chẩn đoán nhanh chóng.
Mặt khác thay vì nói về cảm xúc của bản thân, bệnh nhân thường sẽ than phiền về những cơn đau nhức cơ thể hay các rối loạn chức năng khác khiến bác sĩ dễ bị nhầm lẫn. Nếu thực hiện các xét nghiệm máu không cho các kết quả nhiễm khuẩn hay bị viêm nào khác trong khi người bệnh vẫn nói về những cơn đau nhức hay khó chịu của bản thân.
Để thực hiện chẩn đoán cho bệnh trầm cảm che dấu cần được thực hiện tại các bệnh viện chuyên khoa hay tại các trung tâm tâm lý có các bác sĩ, chuyên gia giỏi, có thể phát hiện những vấn đề bất thường trong suy nghĩ, lời nói của người bệnh. Tùy từng đối tượng và kinh nghiệm từ bác sĩ mà các biện pháp chẩn đoán sẽ được thực hiện linh hoạt, có thể làm các bài test, chẩn đoán y khoa hay thông qua trò chuyện.
Chú ý với người trầm cảm ẩn nên có gia đình đồng hành đi thăm khám và cả trong quá trình điều trị để tránh người hợp người bệnh tìm cách né tránh đến bệnh viện hay không hợp tác với bác sĩ.
Hướng điều trị trầm cảm ẩn
Tương tự như giai đoạn chẩn đoán, giai đoạn đầu trong điều trị cũng có thể gặp nhiều khó khăn do bệnh nhân từ chối mình bị bệnh và không muốn điều trị. Hoặc có những người giả vờ chấp nhận điều trị tại bệnh viện nhưng không thực hiện tại nhà vì họ vẫn cố chấp cho rằng bản thân mình đã và đang rất ổn. Điều này gây khó khăn rất nhiều trong việc loại bỏ bệnh hoàn toàn.
Theo các bác sĩ, so với các dạng trầm cảm thông thường, trầm cảm ẩn thường có tỷ lệ tự tử thấp hơn, nhưng nếu muốn thực hiện thì thường có tỷ lệ thành công cao. Do đó cần tiến hành điều trị càng sớm càng tốt.
Điều trị bằng thuốc
Với bệnh nhân trầm cảm ẩn, việc dùng thuốc sẽ chỉ làm giảm phần nào các triệu chứng, chẳng hạn như giúp họ ngủ ngon hơn, giảm các cơn đau nhức vô hình ở cơ thể mà không rõ nguyên nhân. Một số loại thuốc thường được chỉ định như nhóm kích thích bài tiết serotonin, noradrenaline hay nhóm tricyclique để giảm các triệu chứng trên thể chất. Nếu điều trị phù hợp các triệu chứng này có thể thuyên giảm sau 3 tuần, tuy nhiên bác sĩ vẫn có thể chỉ định dùng duy trì trong 6 tháng để ngăn ngừa tái phát.
Ngoài ra bác sĩ cũng có thể chỉ định dùng thêm các nhóm thuốc an thần để cải thiện giấc ngủ hay một số thuốc chống trầm cảm điển hình, phụ thuộc vào từng người bệnh.
Trị liệu tâm lý
Tâm lý trị liệu là biện pháp được hướng đến chính với người mắc chứng trầm cảm ẩn. Mục tiêu của trị liệu nhằm giúp bệnh nhân hiểu được bản thân đang gặp phải vấn đề gì, chấp nhận điều trị và có niềm tin vào bác sĩ. Chỉ khi bệnh nhân hiểu được về bệnh và có niềm tin vào bác sĩ, hợp tác cùng liệu trình từ các chuyên gia tâm lý và bác sĩ thì việc điều trị mới thực sự có kết quả.
Tuy nhiên như đã nói, nếu không phải những chuyên gia lâu năm, có nhiều kinh nghiệm thì hoàn toàn có thể dẫn tới những chẩn đoán bệnh sai lầm khiến việc trị liệu đi theo hai hướng khác biệt. Do đó gia đình cần đưa bệnh nhân đến các cơ sở trị liệu uy tín, có chuyên gia giỏi, có thể giúp đỡ bệnh nhân vượt qua những giai đoạn khó khăn.
Chăm sóc và điều trị tại nhà
Các bác sĩ khuyến khích gia đình nên tham gia cùng hỗ trợ điều trị trầm cảm với bệnh nhân, đặc biệt trong giai đoạn đầu để đảm bảo người bệnh thực hiện theo đúng phác đồ được bác sĩ chỉ định. Bên cạnh đó hãy luôn dành sự động viên, khuyến khích, cùng bệnh nhân tham gia các hoạt động hằng ngày để người bệnh không cảm thấy mình cô đơn, có động lực để vượt qua những giai đoạn khó khăn này.
Một số biện pháp hữu ích cho bệnh nhân trầm cảm ẩn trong thời gian điều trị tại nhà như
- Tôn trọng suy nghĩ, cảm xúc của chính mình, chẳng hạn nếu buồn hãy cứ khóc, không được tự lừa dối cảm xúc của bản thân
- Tập nói ra những mong muốn, suy nghĩ của mình với những người thân thiết
- Không nên để ý đến cái nhìn của người mà mà hãy là chính mình bởi chỉ khi sống thật bạn mới thực sự hạnh phúc
- Coi trọng giấc ngủ, luôn đảm bảo ngủ đủ giấc mỗi ngày
- Dùng âm nhạc chữa bệnh trầm cảm có thể giúp bạn vui vẻ phấn khích hơn để quên đi nỗi buồn xấu xí
- Giải quyết những vấn đề khiến bạn căng thẳng hay đau khổ để không phải nghĩ về nó
- Luyện tập thiền, yoga hằng ngày sẽ giúp tâm trí được thanh lọc, tinh thần trong trạng thái tràn đầy năng lượng
- Tập thể dục thể thao hằng ngày để nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần
- Bổ sung đầy đủ các dưỡng chất hằng ngày để tinh thần và thể chất luôn trong trạng thái tốt nhất
- Thực hiện đúng các phương pháp điều trị được bác sĩ chỉ định
Bất cứ ai cũng có thể là nạn nhân của trầm cảm ẩn mà không hề hay biết. Thay đổi lối sống lành mạnh, tự tin hơn, học các giải tỏa căng thẳng chính là biện pháp tốt nhất để phòng tránh căn bệnh nguy hiểm này. Hy vọng những chia sẻ trên đây đã mang đến cho bạn nhiều thông tin hữu ích.
Tham khảo thêm:
- Bị trầm cảm nhẹ có tự khỏi không? Điều trị thế nào?
- Các loại thuốc chống trầm cảm tốt nhất và lưu ý khi dùng
- Phương pháp thôi miên chữa trầm cảm có hiệu quả không?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!