Trầm Cảm Sau Sinh: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu Và Hướng Chữa Trị
Trầm cảm sau sinh là một dạng rối loạn cảm xúc phổ biến, ảnh hưởng đến khoảng 15% phụ nữ sau khi sinh. Bệnh lý này đặc trưng bởi tâm trạng trầm buồn, mệt mỏi, thường xuyên khóc, gặp khó khăn trong việc chăm sóc con,… Cần sớm phát hiện và can thiệp điều trị để tránh gặp phải hệ lụy nghiêm trọng.
Trầm cảm sau sinh là gì?
Trầm cảm sau sinh (Postpartum Depression) đề cập đến một hỗn hợp phức tạp của những thay đổi về thể chất, cảm xúc và hành vi xảy ra sau khi sinh. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến khoảng 15% phụ nữ sau quá trình sinh nở.
Trên thực tế, trong khoảng vài tuần đầu sau khi sinh con, các mẹ bỉm thường có những rối loạn cảm xúc nhất định. Chẳng hạn như thay đổi tính cách, dễ cáu gắt, tức giận hay dễ khóc hơn. Trường hợp không được quan tâm đúng cách thì sẽ có nguy cơ cao phát triển thành bệnh trầm cảm.
Trầm cảm sau sinh đặc trưng bởi cảm giác buồn bã, lo lắng, mệt mỏi và tuyệt vọng kéo dài. Các cảm giác này thường khiến cho mẹ bỉm gặp khó khăn khi chăm sóc bản thân và em bé. Về lâu dài có thể gây ra những hệ lụy đáng quan ngại.
Chứng trầm cảm ở mẹ bỉm có thể xảy ra bất cứ lúc nào sau quá trình sinh nở. Tuy nhiên nó thường bắt đầu trong vòng 1 – 3 tuần sau khi sinh con. Một số trường hợp triệu chứng có thể kéo dài đến 1 năm sau đó.
Trong điều trị trầm cảm sau sinh, một số mẹ bỉm có thể đáp ứng nhanh. Trong khi đó những người khác lại phải vật lộn với triệu chứng trầm cảm trong nhiều tháng. Thậm chí cũng có những mẹ bỉm phải điều trị y tế hơn 1 năm sau khi sinh con. Trầm cảm sau sinh không được điều trị có thể dẫn đến trầm cảm mãn tính cùng với đó là nguy cơ gặp phải nhiều hệ lụy nghiêm trọng khác.
Nguyên nhân gây trầm cảm sau sinh
Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu nhưng nguyên nhân gây trầm cảm sau sinh vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên sự kết hợp của các thay đổi về thể chất và những tác nhân gây căng thẳng về cảm xúc có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Các yếu tố hàng đầu có liên quan đến sự phát triển bệnh trầm cảm sau sinh bao gồm:
1. Thay đổi hormone đột ngột
Khi đang trong quá trình mang thai thì hàm lượng estrogen và progesterone sẽ tăng vọt. Trong vòng 1 ngày sau khi sinh, hàm lượng của các hormone này sẽ giảm xuống mức trước khi mang thai. Sự thay đổi đột ngột này có thể khiến cho tâm sinh lý của mẹ bỉm thay đổi.
Ngoài ra, sự sụt giảm hormone tuyến giáp cũng có thể xảy ra sau khi sinh con và gây ra các triệu chứng tương tự như trầm cảm. Tình trạng này thường xuất hiện trong khoảng từ 4 – 12 tháng sau khi sinh.
2. Mất ngủ
Mẹ bỉm có thể bị mất ngủ do nhiều nguyên nhân khác nhau. Điển hình như thay đổi hormone, sự nhạy cảm quá mức của các cơ quan hay những cơn đau sau khi sinh.
Ngoài ra, nhiều mẹ bỉm còn thường xuyên phải thức đêm khi con quấy khóc, con ốm hay con đói. Mất ngủ gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả sức khỏe thể chất và tinh thần. Đặc biệt có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng trầm cảm.
3. Yếu tố di truyền
Các nghiên cứu đã tìm ra được mối liên hệ giữa yếu tố di truyền và bệnh trầm cảm. Nếu trước đó trong gia đình có người bị trầm cảm thì tỷ lệ đời sau bị bệnh này sẽ cao hơn. Các triệu chứng trầm cảm bắt đầu bùng phát mạnh mẽ khi có những yếu tố thuận lợi. Trong đó mang thai và sinh con chính là những giai đoạn bệnh dễ bộc phát nhất.
4. Tiền sử về các vấn đề tâm lý
Trầm cảm khi mang thai hay một số vấn đề tâm lý trước đó cũng có thể làm tăng nguy cơ bị trầm cảm sau sinh. Bởi các rối loạn tâm lý thường có ảnh hưởng lâu dài và rất dễ tái phát trở lại khi có điều kiện thuận lợi. Bên cạnh đó, những mẹ bỉm thường xuyên suy nghĩ tiêu cực cũng chính là đối tượng hàng đầu dễ bị trầm cảm.
5. Chưa chuẩn bị tâm lý
Những phụ nữ mới sinh con lần đầu và sinh khi còn quá trẻ thường chưa chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho việc đón chào thành viên mới. Họ thường loay hoay với rất nhiều vấn đề phát sinh và có cảm giác như cuộc sống bị thay đổi hoàn toàn. Nếu thiếu đi sự trợ giúp để điều chỉnh kịp thời thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Thậm chí dẫn tới suy sụp và gây ra các rối loạn cảm xúc sau khi sinh, bao gồm cả trầm cảm.
6. Sự mặc cảm sau sinh
Quá trình mang thai và sinh nở khiến cho ngoại hình của phụ nữ có nhiều thay đổi theo chiều hướng xấu. Đặc biệt là họ sẽ càng trở nên xồ xề, da dẻ sạm đen và nhiều mụn. Những thay đổi về ngoại hình này khiến không ít chị em rơi vào tình trạng suy sụp.
Hơn nữa, sau khi sinh rất nhiều mẹ bỉm còn ép buộc bản thân phải ăn kiêng để giảm cân. Trường hợp không thành công sẽ khiến tinh thần của họ càng thêm bức bối và rất dễ dẫn tới trầm cảm.
Ngoài các nguyên nhân nêu trên thì một số yếu tố khác cũng có thể làm tăng nguy cơ bị trầm cảm sau sinh. Chẳng hạn như:
- Mâu thuẫn và xích mích vợ chồng
- Tranh cãi giữa mẹ chồng và nàng dâu
- Thiếu sự quan tâm và hỗ trợ từ người thân
- Bị chê trách về việc chăm sóc và nuôi dạy con
- Lo lắng về tài chính
- Phải nuôi con một mình
- Sinh đôi, sinh ba hay từng sinh con nhiều lần
- Em bé có các vấn đề về sức khỏe
Dấu hiệu nhận biết trầm cảm sau sinh
Trầm cảm sau sinh và trầm cảm xảy ra vào thời điểm khác ở phụ nữ về cơ bản có triệu chứng giống nhau. Ngoài ra, trầm cảm sau sinh cũng có thể bị nhầm lẫn với hội chứng Baby Blues. Tuy nhiên triệu chứng của trầm cảm sau sinh dữ dội và kéo dài hơn so với các triệu chứng của hội chứng Baby Blues.
Mẹ bỉm có thể bị trầm cảm nếu gặp phải bất cứ triệu chứng nào dưới đây gần như mỗi ngày:
- Nỗi buồn cùng cực, trống rỗng và tuyệt vọng
- Thường xuyên khóc trong vô thức
- Mất hứng thú với các hoạt động và sở thích thông thường
- Khó ngủ vào ban đêm hoặc khó thức vào ban ngày
- Chán ăn hoặc ăn quá nhiều, giảm cân hoặc tăng cân không chủ ý
- Thường xuyên có cảm giác tự ti về bản thân, vô dụng hoặc cảm thấy tội lỗi
- Khó tập trung và khó đưa ra quyết định
- Cảm thấy thất vọng về cuộc sống
- Khó gắn kết với em bé
- Lo lắng quá mức
- Suy nghĩ làm hại bản thân hoặc em bé
Các dấu hiệu khác có thể xảy ra bao gồm:
- Cực kỳ tức giận hoặc cáu kỉnh
- Lảng tránh gia đình và bạn bè
- Lo lắng quá mức về con bạn
- Lo lắng rằng bạn không phải là một người mẹ tốt
- Không quan tâm hay không thể chăm sóc cho con
- Cảm thấy kiệt sức tới nỗi không thể rời khỏi giường trong nhiều giờ
- Mất ham muốn tình dục
- Cảm thấy đau nhức cơ thể mà không rõ nguyên nhân
- Trí nhớ suy giảm, có thể không nhớ được những thứ mình đã nói hay đã làm
- Da dẻ xanh xao, thiếu sức sống
Ở giai đoạn đầu, rất khó để những người xung quanh phát hiện mẹ bỉm đang gặp phải các vấn đề tâm lý. Tuy nhiên nếu không sớm can thiệp thì tình trạng của mẹ bỉm có thể trở nên tồi tệ hơn và tiềm ẩn nhiều vấn đề đáng quan ngại.
Trong một số trường hợp hiếm hoi, một vài mẹ bỉm có những suy nghĩ hoang tưởng hay ảo giác. Thậm chí còn gây hại cho em bé của họ. Đây được xác định là dấu hiệu của chứng loạn thần sau sinh, hoàn toàn khác với trầm cảm sau sinh.
Trầm cảm sau sinh có nguy hiểm không?
Trầm cảm sau sinh được đánh giá là vấn đề sức khỏe tâm lý nghiêm trọng. Tuy nhiên hiện nay nhiều người vẫn chưa thực sự quan tâm và hiểu biết cặn kẽ về căn bệnh này.
Không ít người đã xem nhẹ bệnh trầm cảm sau sinh, cho đến khi mà bản thân hay người nhà phải trải qua thì mới nhận biết hậu quả nặng nề mà nó gây ra. Căn bệnh này có thể gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và cuộc sống của mẹ bỉm cũng như gia đình.
Với bản thân mẹ bỉm, trầm cảm sau sinh không được điều trị có thể ảnh hưởng tới khả năng làm mẹ. Các vấn đề thường bao gồm:
- Không có đủ năng lượng
- Mệt mỏi, kiệt quệ sức lực
- Gặp khó khăn khi chăm sóc bản thân và em bé
- Không thể chăm sóc con
- Có ý nghĩ và hành vi tự tử cao hơn
Ngoài ảnh hưởng đến mẹ thì chứng trầm cảm sau sinh còn có thể tác động xấu đến em bé trong suốt thời thơ ấu. Nó thường gây ra các vấn đề sau:
- Chậm phát triển ngôn ngữ và các vấn đề trong tư duy, nhận thức
- Các vấn đề trong mối quan hệ mẹ con
- Các vấn đề hành vi
- Dễ bị kích động hoặc khóc nhiều hơn
- Chiều cao thấp hơn
- Nguy cơ bị béo phì cao hơn ở trẻ mẫu giáo
- Các vấn đề đối phó với căng thẳng
- Khó thích nghi với trường học
- Khó đối phó với các tình huống xã hội khác
Đặc biệt, nếu trầm cảm tiến triển nặng thì mẹ bỉm thường có những suy nghĩ làm hại bản thân và chính đứa con mà mình vừa sinh ra. Không ít trường hợp, chứng hoang tưởng do trầm cảm nặng ở mẹ bỉm đã gây ra cái chết rất thương tâm cho em bé.
Ngoài ra, đối với gia đình thì mẹ bỉm bị trầm cảm sẽ làm tăng thêm gánh nặng cho gia đình. Nhất là với người chồng khi luôn phải ở bên hỗ trợ và động viên tinh thần trong quá trình điều trị bệnh cho vợ.
Hướng điều trị chứng trầm cảm sau sinh
Điều trị trầm cảm sau sinh không phải là vấn đề đơn giản. Mẹ bỉm cần kiên trì trong thời gian dài. Việc điều trị càng diễn ra sớm thì tiên lượng sẽ càng tốt, tránh gặp phải các rủi ro nghiêm trọng cho sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Các phương pháp phổ biến nhất là tâm lý trị liệu và dùng thuốc chống trầm cảm. Ngoài ra, một số giải pháp y tế khác cùng với kế hoạch chăm sóc tại nhà cũng đóng vai trò quan trọng.
Bác sĩ sẽ căn cứ vào triệu chứng của bạn để xây dựng phác đồ phù hợp. Các phương pháp thường được dùng cụ thể như sau:
1. Tâm lý trị liệu
Trong điều trị trầm cảm sau sinh, tâm lý trị liệu là phương pháp luôn được ưu tiên hàng đầu. Nhất là với những mẹ bỉm sớm phát hiện trầm cảm ở giai đoạn đầu thì triệu chứng hoàn toàn có thể cải thiện tốt thông qua tâm lý trị liệu mà không cần sử dụng thuốc.
Mục tiêu của trị liệu tâm lý là giúp mẹ bỉm hiểu được vấn đề mà bản thân đang gặp phải. Từ đó, tìm ra các giải pháp phù hợp giúp kiểm soát dần những suy nghĩ và hành vi tiêu cực.
Thông qua tâm lý trị liệu, mẹ bỉm bị trầm cảm sẽ dần làm chủ được bản thân và dành cho con sự quan tâm, chăm sóc phù hợp. Đồng thời hướng đến cuộc sống vui vẻ, tích cực và lạc quan hơn.
Nhiều liệu pháp tâm lý khác nhau có thể đáp ứng với chứng trầm cảm sau sinh. Trong đó, trị liệu cá nhân, trị liệu nhóm với những phụ nữ khác đang có trải nghiệm tương tự hay trị liệu gia đình sẽ mang lại rất nhiều lợi ích. Tùy thuộc vào trường hợp cụ thể mà các chuyên gia tâm lý sẽ chỉ định liệu pháp phù hợp.
2. Điều trị bằng thuốc
Sử dụng thuốc cũng là một giải pháp điều trị chính với chứng trầm cảm sau sinh, thường được kết hợp với trị liệu tâm lý. Trong đó các loại thuốc chống trầm cảm là được sử dụng phổ biến nhất.
Thuốc chống trầm cảm có thể giúp cân bằng các chất hóa học trong não chịu trách nhiệm điều chỉnh tâm trạng. Mỗi loại thuốc sẽ có cách thức hoạt động khác nhau. Đôi khi những loại khác nhau sẽ được kết hợp để nâng cao hiệu quả điều trị.
Nhóm benzodiazepin (Sertraline, Fluoxetine, Mirtazapine, Paroxetine, Venlafaxine,…), các nhóm thuốc bình thần (Bromazepam, Clonazepam) hay thuốc an thần đều có thể được bác sĩ kê toa.
Thông thường mẹ bỉm sẽ cảm thấy tốt hơn sau khi dùng thuốc khoảng 3 – 4 tuần. Phản ứng với các loại thuốc chống trầm cảm có thể khác nhau ở mỗi người. Do đó mẹ bỉm đừng nản lòng nếu cần có một số thử nghiệm và sai sót để tìm ra loại thuốc với liều lượng phù hợp nhất.
Thuốc chống trầm cảm có thể gây ra tác dụng phụ nhưng đa phần sẽ hết sau một thời gian ngắn. Nếu bạn gặp phải các tác dụng phụ ảnh hưởng tới cuộc sống hay khiến bệnh tình tồi tệ hơn thì hãy báo ngay với bác sĩ để sớm có sự điều chỉnh.
Mẹ bỉm cần tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định của bác sĩ trong suốt quá trình điều trị bằng thuốc. Cần dùng thuốc đúng liều lượng, tần suất và thời gian. Tốt nhất nên nhờ người thân giám sát để tránh dùng thiếu hoặc quá liều.
3. Các phương pháp y tế khác
Ngoài tâm lý trị liệu và điều trị bằng thuốc thì một số phương pháp khác cũng có thể giúp ích. Nhất là trong trường hợp bệnh trầm cảm sau sinh tiến triển nặng và không đáp ứng với thuốc.
Các phương pháp khác có thể được bác sĩ cân nhắc bao gồm:
– Kích thích từ xuyên sọ (TMS):
Nghiên cứu chỉ ra rằng, kỹ thuật không xâm lấn này có thể hiệu quả với khoảng 50% người bệnh trầm cảm sau sinh không tìm thấy sự trợ giúp từ thuốc. Từ trường được dùng để nhắm mục tiêu vào các vùng não có liên quan tới chứng trầm cảm. Tuy nhiên, TMS không thích hợp dùng cho những người có nguy cơ cao bị co giật.
– Liệu pháp sốc điện (ECT):
Liệu pháp sốc điện được áp dụng cho những mẹ bỉm bị trầm cảm rất nặng không đáp ứng với liệu pháp trò chuyện hay dùng thuốc. Với ECT, các dòng điện nhỏ sẽ được truyền qua não trong khi người bệnh được gây mê toàn thân. Các chuyên gia tin rằng, kích thích điện này có thể gây ra những thay đổi hóa học trong não và làm giảm các triệu chứng trầm cảm.
4. Tự chăm sóc
Ngoài các giải pháp điều trị y tế thì mẹ bỉm luôn được khuyến nghị là cần biết tự chăm sóc bản thân trong quá trình điều trị trầm cảm sau sinh. Bởi chỉ có bản thân bạn mới thật sự hiểu rõ chính mình đang gặp phải vấn đề gì.
Một số biện pháp tự chăm sóc cần mẹ bỉm thực hiện tốt bao gồm:
- Dành thời gian nghỉ ngơi, không nên làm việc quá nhiều. Nếu cảm thấy việc nhà và vấn đề chăm con quá áp lực thì cần tìm kiếm sự giúp đỡ.
- Nghỉ ngơi là rất quan trọng nhưng mẹ bỉm không nên nằm quá nhiều. Thường xuyên đứng dậy đi lại sẽ thấy cơ thể khỏe khoắn hơn.
- Coi trọng giấc ngủ, cần đảm bảo ngủ đủ giấc mỗi ngày. Mẹ bỉm có thể tranh thủ chợp mắt mỗi khi bé ngủ.
- Khi đã qua thời gian ở cữ thì mẹ bỉm cần chú ý đến hoạt động thể chất đơn giản mỗi ngày. Trường hợp sợ nhiễm lạnh thì có thể đi bộ trong nhà hằng ngày cũng rất tốt.
- Chủ động tâm sự và chia sẻ cảm xúc với chồng, bạn bè hay người thân.
- Học cách thương yêu bản thân nhiều hơn.
- Nếu gặp khó khăn trong việc chăm sóc và nuôi dạy con thì nên nhờ mẹ hoặc những chị em đã có kinh nghiệm tư vấn và giúp đỡ.
- Ăn uống lành mạnh và đủ chất mỗi ngày. Ưu tiên các loại thực phẩm tươi, tránh ăn đồ chế biến sẵn.
- Cố gắng suy nghĩ tích cực và lạc quan. Có thể viết nhật ký để kiểm soát cảm xúc mỗi khi cảm thấy bức bối và khó chịu.
- Tắm nước ấm, massage toàn thân bằng tinh dầu trước khi ngủ cũng sẽ giúp tinh thần và cơ thể được thư giãn hơn rất nhiều.
Kiểm soát chứng trầm cảm sau sinh là quá trình lâu dài nên đòi hỏi mẹ bỉm phải thật kiên trì. Đừng ngại ngần tìm kiếm sự giúp đỡ nếu gặp phải bất cứ khó khăn nào.
5. Sự hỗ trợ từ người thân
Các chuyên gia cho biết, sự hỗ trợ mạnh mẽ từ phía người chồng, gia đình và bạn bè là rất quan trọng với quá trình kiểm soát chứng trầm cảm sau sinh. Các vấn đề nên làm bao gồm:
- Nhận biết các dấu hiệu: Bạn cần học cách nhận biết các triệu chứng của bệnh trầm cảm sau sinh. Nếu nhận thấy các dấu hiệu này ở mẹ bỉm, hãy thúc dục cô ấy đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.
- Luôn lắng nghe: Hãy cho cô ấy biết rằng bạn luôn muốn lắng nghe và chia sẻ những lo lắng với cô ấy. Trường hợp thấy cô ấy có biểu hiện bất thường nhưng không chia sẻ thì bạn nên đặt câu hỏi.
- Hỗ trợ mẹ bỉm: Hãy cho cô ấy biết rằng cô ấy không phải một mình đơn độc đối phó với bệnh trầm cảm. Luôn có bạn ở bên để giúp đỡ cô ấy khi cần. Bạn có thể đề nghị làm giúp việc nhà hay trông em bé trong khi cô ấy nghỉ ngơi hoặc đi gặp gỡ bạn bè.
- Khuyến khích cô ấy tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần: Đôi khi mẹ bỉm có thể không thoải mái và ngại tìm kiếm sự giúp đỡ. Bạn nên khuyến khích cô ấy tìm đến chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ tâm thần. Ngoài ra có thể gợi ý thuê người giúp việc để giảm tải áp lực chăm sóc con cái. Đồng thời thúc dục cô ấy sẵn sàng tìm kiếm bất cứ sự giúp đỡ nào khi thấy cần thiết.
- Không chê bai hay chỉ trích: Tuyệt đối tránh nói với mẹ bỉm những lời chê trách. Bởi điều này sẽ khiến cho tinh thần của họ không vui và dễ gặp phải các áp lực tâm lý vô hình. Thay vào đó, bạn nên dành cho cô ấy lời khen, động viên và cảm ơn vì sự cố gắng của cô ấy.
Trầm cảm sau sinh tiềm ẩn nhiều hệ lụy xấu nên cần được loại bỏ càng sớm càng tốt. Ngoài những nỗ lực cần có từ mẹ bỉm thì gia đình chính là nguồn động viên lớn trong quá trình kiểm soát bệnh. Bản thân mỗi gia đình nên trang bị những kiến thức cần biết về các rối loạn tâm thần sau sinh để giúp đỡ mẹ bỉm trong việc phát hiện và điều trị.
Xem thêm:
- Cách phòng tránh trầm cảm sau sinh – Cả chồng và vợ nên biết
- Trầm Cảm Sau Sinh Thường Kéo Dài Bao Lâu? Có Tự Khỏi?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!