Trầm Cảm Khi Mang Thai: Dấu Hiệu Nhận Biết Và Cách Vượt Qua

Trầm cảm khi mang thai là một rối loạn cảm xúc xảy ra phổ biến trong thai kỳ. Việc sớm phát hiện và kiểm soát sẽ giúp làm giảm các vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ bầu và thai nhi.

trầm cảm khi mang thai
Trầm cảm khi mang thai là một dạng rối loạn cảm xúc ảnh hưởng đến rất nhiều mẹ bầu

Trầm cảm khi mang thai là gì?

Mang thai là thời kỳ rất nhạy cảm của người phụ nữ. Những thay đổi về mặt tâm sinh lý trong quá trình này ảnh hưởng đến cả sức khỏe thể chất và tinh thần của các mẹ bầu. Trong đó không ít mẹ bầu rơi vào trạng thái trầm cảm.

Trầm cảm khi mang thai là một dạng rối loạn cảm xúc có liên quan đến tâm trạng buồn bã hay tuyệt vọng trong ít nhất 2 tuần. Ngoài ra mẹ bầu cũng có thể cảm thấy vô cùng khó chịu hay lo lắng về em bé của mình. Khó tập trung hay khó ngủ cũng là những biểu hiện khác có liên quan.

Theo số liệu ước tính, cứ 10 phụ nữ mang thai thì sẽ có 1 người bị trầm cảm. Một phần là do sự thay đổi nội tiết tố của thai kỳ và những thay đổi khác trong cuộc sống khi trở thành người mẹ. Chứng trầm cảm phổ biến hơn ở những chị em mang thai lần đầu tiên.

Tình trạng trầm cảm khi mang thai không được can thiệp sớm có thể trở nên nghiêm trọng. Nó khiến cho mẹ bầu cảm thấy buồn và tuyệt vọng tới mức gặp phải khó khăn trong việc chăm sóc bản thân và thai nhi. Nhiều trường hợp, các hệ quả nguy hiểm hoàn toàn có thể xảy ra.

Tuy nhiên ngay cả khi các mẹ bầu được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm nghiêm trọng trên lâm sàng thì vẫn có nhiều phương pháp điều trị hiệu quả. Bắt đầu điều trị càng sớm thì kết quả sẽ càng cao. Do đó mẹ bầu cần chú ý đến sức khỏe tinh thần và kịp thời thăm khám khi nhận thấy dấu hiệu bất thường.

Dấu hiệu nhận biết trầm cảm khi mang thai

Một số triệu chứng của bệnh trầm cảm như thay đổi giấc ngủ, thèm ăn, mệt mỏi,… tương tự như các biểu hiện của thai kỳ. Do đó, mẹ bầu có thể cho rằng các triệu chứng này là do mang thai chứ không phải do trầm cảm.

Để nhận biết được bệnh trầm cảm khi mang thai thì mẹ bầu cần theo dõi thêm các dấu hiệu khác. Chẳng hạn như có cảm giác buồn bã hay tuyệt vọng, mất hứng thú với những thứ từng yêu thích… Đồng thời những triệu chứng này kéo dài hàng tuần.

dấu hiệu nhận biết trầm cảm khi mang thai
Khí sắc trầm buồn, tuyệt vọng, hay khóc lóc là những dấu hiệu trầm cảm rất đặc trưng ở mẹ bầu

Mẹ bầu có thể bị trầm cảm nếu gặp phải bất cứ biểu hiện nào dưới đây trong ít nhất 2 tuần:

  • Mất hứng thú với các hoạt động hằng ngày hoặc có cảm giác không còn gì vui vẻ, thú vị nữa
  • Cảm thấy buồn hoặc trống rỗng ở hầu hết thời gian trong ngày
  • Có lòng tự trọng thấp, thường nghĩ rằng mình không phải người mẹ tốt
  • Thường xuyên khóc mà không xác định rõ lý do
  • Cảm thấy cực kỳ khó chịu và rất dễ bị kích động
  • Cảm thấy quá lo lắng về thai nhi còn trong bụng mẹ
  • Khó tập trung hoặc đưa ra quyết định trước các vấn đề quan trọng
  • Năng lượng thấp, mệt mỏi cực độ không cải thiện khi nghỉ ngơi
  • Trải qua những thay đổi trong cách ăn ngủ, ví dụ như muốn ăn ngủ mọi lúc hoặc không thể ăn ngủ được
  • Cảm thấy cuộc sống không đáng sống
  • Có cảm giác vô dụng, tuyệt vọng và tội lỗi

Các triệu chứng của bệnh trầm cảm khi mang thai có thể sẽ khác nhau ở từng giai đoạn thai kỳ. Tuy nhiên nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, chúng thường xảy ra nhiều hơn ở tam cá nguyệt thứ nhất và thứ ba.

Nguyên nhân gây trầm cảm khi mang thai

Bệnh trầm cảm nói chung và trầm cảm khi mang thai nói riêng cho đến nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân cụ thể. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu tin rằng, sự kích hoạt căn bệnh này là do nhiều yếu tố cùng tác động.

Đặc biệt, mang thai là giai đoạn nhạy cảm, các mẹ bầu có nhiều thay đổi lớn về tâm sinh lý. Do đó, các yếu tố nguy cơ cũng có phần đặc biệt hơn ở những người bình thường.

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ bị trầm cảm khi mang thai bao gồm:

1. Thay đổi nội tiết tố

Kể từ khi bắt đầu quá trình mang thai, các hormone trong cơ thể mẹ thay đổi rất nhiều. Các chuyên gia cho rằng, đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến chứng trầm cảm ở mẹ bầu.

Sự thay đổi hormone khiến cho các mẹ bầu nhạy cảm hơn. Lúc này cảm xúc của mẹ cũng sẽ thay đổi mạnh mẽ hơn với các vấn đề xung quanh cuộc sống.

Nhiều mẹ bầu còn quan trọng hóa vấn đề, suy nghĩ và lo lắng nhiều hơn trước các sự việc mà người khác cho là đơn giản. Bên cạnh đó, những cãi vã thường ngày của vợ chồng cũng sẽ gây ra nhiều căng thẳng hơn khi mang thai.

2. Mang thai ngoài ý muốn

Với những người mẹ đang mong ngóng có con thì mang thai sẽ là món quà dành cho họ. Trái lại, những phụ nữ mang thai ngoài ý muốn thường sẽ suy nghĩ tiêu cực, ảnh hưởng tới cả sức khỏe tinh thần và thể chất.

bà bầu bị trầm cảm do dâu
Mang thai ngoài ý muốn có thể làm tăng lo lắng và dẫn tới trầm cảm

Những suy nghĩ tiêu cực kéo dài khiến cho mẹ rơi vào trạng thái trầm cảm. Đặc biệt là trong trường hợp gặp phải chỉ trích hay thái độ không tốt từ những người xung quanh.

3. Căng thẳng quá mức

Vốn dĩ, việc kiểm soát căng thẳng khi mang thai là rất khó đối với mẹ bầu. Khi đối mặt với các sự kiện gây căng thẳng như kết thúc mối quan hệ, sự ra đi của người thân, mất việc và vấn đề tài chính thì mẹ bầu sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn. Căng thẳng quá mức do các sự kiện này có thể là nguyên nhân gây ra trầm cảm khi mang thai.

Không ít mẹ bầu đã uống rượu, hút thuốc hay sử dụng các loại thuốc chưa được bác sĩ kê đơn để giảm bớt căng thẳng. Tuy nhiên, điều này không chỉ làm tăng nguy cơ trầm cảm mà còn khiến các mẹ bầu phải đối mặt với các biến chứng về sức khỏe thai nhi.

4. Thiếu sự hỗ trợ

Mang thai thực sự là quá trình rất khó khăn với các mẹ bầu. Do đó sự hỗ trợ từ gia đình và bạn bè là rất cần thiết. Nếu mẹ bầu cảm thấy bị cô lập hay nhận được ít sự hỗ trợ thì sẽ có nguy cơ cao bị trầm cảm. Ngoài ra, có vấn đề trong mối quan hệ hay người chồng không ủng hộ cũng sẽ làm tăng nguy cơ này.

5. Các biến chứng khi mang thai

Sức khỏe thai nhi là vấn đề luôn được các mẹ bầu quan tâm hàng đầu. Một số biến chứng thai kỳ như dị tật bẩm sinh ở thai nhi hay mang thai đa bội cũng làm tăng nguy cơ bị trầm cảm ở mẹ bầu.

vì sao mẹ bầu bị trầm cảm
Những vấn đề sức khỏe bất thường của thai nhi có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm ở mẹ bầu

Ngoài ra, một số phụ nữ có thể từng trải qua một lần sảy thai hay chấn thương khi sinh nở. Đây cũng là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý ở lần mang thai tiếp theo. Từ đó làm tăng nguy cơ bị trầm cảm.

6. Hệ quả của các bệnh lý

Quá trình mang thai khiến cho việc kiểm soát một số căn bệnh mãn tính trở nên khó khăn. Các chuyên gia cho biết, mắc bệnh tiểu đường từ trước hay tiểu đường thai kỳ đều làm tăng nguy cơ bị trầm cảm ở mẹ bầu.

Ngoài ra, một tình trạng tuyến giáp bất thường cũng có thể là nguyên nhân. Bởi mức độ hormone tuyến giáp điều chỉnh cách mà bạn dùng và dự trữ năng lượng trong thức ăn. Sự dao động của chúng khi mang thai có thể gây ra các triệu chứng trầm cảm.

7. Các yếu tố khác

Ngoài các nguyên nhân nêu trên thì một số yếu tố khác cũng có thể liên quan đến chứng trầm cảm khi mang thai. Chẳng hạn như:

  • Tiền sử cá nhân bị trầm cảm hoặc lo lắng: Nếu trước đây mẹ bầu đã từng phải vật lộn với chứng trầm cảm hay lo lắng thì khả năng bị trầm cảm khi mang thai sẽ cao hơn.
  • Tiền sử gia đình bị trầm cảm: Nếu bệnh trầm cảm xuất hiện ở người thân trong gia đình thì khả năng mắc bệnh ở mẹ bầu sẽ cao hơn. Ngoài ra những người phụ nữ có bạn đời được chẩn đoán bệnh trầm cảm hay một chứng rối loạn tâm thần khác cũng có nhiều khả năng bị trầm cảm trước khi sinh.
  • Bạo lực gia đình: Tình trạng bạo lực gia đình trở nên tồi tệ hơn khi mang thai xảy ra rất phổ biến. Đây cũng là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ trầm cảm ở mẹ bầu.
  • Lạm dụng tình dục: Phụ nữ có tiền sử bị lạm dụng tình dục cũng sẽ dễ bị trầm cảm khi mang bầu hơn so với bình thường.
  • Những biến cố trong quá khứ: Mẹ bầu đã từng trải qua những ám ảnh trong quá khứ như hiếm muộn, sảy thai… sẽ có nhiều lo lắng hơn về sự an toàn của thai nhi hiện tại. Điều này khiến tâm lý bị tổn thương và làm tăng nguy cơ trầm cảm.
nguyên nhân gây trầm cảm khi mang thai
Bạo lực gia đình khiến nhiều mẹ bầu rơi vào trạng thái trầm cảm, sợ hãi

Ảnh hưởng của trầm cảm khi mang thai

Một số mẹ bầu có thể không tìm cách điều trị chứng trầm cảm khi mang thai vì nhiều nguyên nhân. Một phần do họ cảm thấy xấu hổ, tội lỗi hoặc đơn giản vì họ nghĩ rằng dấu hiệu trầm cảm chỉ là các triệu chứng mang thai thông thường và sẽ tự biến mất.

Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy, bệnh trầm cảm không được điều trị có thể gây ra nhiều sự nguy hại cho cả mẹ và thai nhi. Đặc biệt, mức độ nguy hiểm sẽ tăng dần lên theo giai đoạn bệnh. Nhất là khi mẹ bầu phải sử dụng thuốc để cân bằng cảm xúc.

1. Ảnh hưởng đến mẹ bầu

Những cảm xúc tiêu cực và tâm trạng buồn chán do trầm cảm khiến mẹ bầu chán ăn nên dễ bị sút cân. Trong khi đó, phụ nữ mang thai lại cần bổ sung hàm lượng dưỡng chất cao hơn bình thường.

Ngoài ra, trầm cảm còn khiến giấc ngủ của mẹ bầu bị ảnh hưởng. Việc không ăn không ngủ được khiến họ sa sút cả tinh thần và thể chất. Lâu dần sẽ dẫn tới mệt mỏi, kiệt sức và gầy đi thấy rõ. Hơn nữa còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như huyết áp cao, tim mạch, tiểu đường…

Mẹ bầu bị trầm cảm nặng có thể thay đổi về suy nghĩ, nhận thức và hành vi. Ngoài việc thu mình, tách rời khỏi bạn bè người thân thì không ít chị em còn có suy nghĩ từ bỏ con. Bởi họ cho rằng, chính đứa bé là nguyên nhân khiến họ phải đau khổ.

2. Ảnh hưởng đến thai nhi

Ngoài tác động xấu đến sức khỏe của mẹ thì tình trạng trầm cảm khi mang thai còn ảnh hưởng không ít đến thai nhi. Bởi sự phát triển cả về thể trạng lẫn trí tuệ của em bé có mối quan hệ chặt chẽ với sức khỏe của mẹ.

Trầm cảm khiến mẹ bị suy nhược cơ thể. Do đó thai nhi cũng không được cung cấp đủ dưỡng chất để phát triển khỏe mạnh. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ bị gầy yếu, suy dinh dưỡng ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Ngoài ra, trầm cảm còn khiến mẹ bầu phải đối diện với nguy cơ sảy thai, sinh non…

ảnh hưởng của trầm cảm khi mang thai đến thai nhi
Nguy cơ sinh non ở mẹ bầu sẽ tăng lên nếu mắc chứng trầm cảm khi mang thai

Đặc biệt, các tác hại sẽ trở nên nghiêm trọng hơn khi mẹ phải điều trị bằng thuốc. Bởi các loại thuốc dù được xác định là tương đối an toàn nhưng ít nhiều vẫn sẽ tiềm ẩn các tác dụng phụ.

Một số biến chứng xảy ra ở thai nhi khi mẹ bầu dùng thuốc chống trầm cảm bao gồm:

  • Phơi nhiễm thuốc trước khi sinh
  • Biến chứng cuối thai kỳ
  • Tăng nguy cơ quái thai và các dị tật bẩm sinh
  • Chậm phát triển trí não và ngôn ngữ
  • Trẻ bị vàng da hoặc tổn thương não
  • Hội chứng Serotonin

Ngoài ra, bệnh trầm cảm không được điều trị khi mang thai còn có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề khác cho trẻ khi sinh ra. Chẳng hạn như trẻ sơ sinh có thể khóc nhiều hơn. Bên cạnh đó, những trẻ lớn hơn có thể gặp nhiều vấn đề về cảm xúc và hành vi.

Các lựa chọn điều trị cho chứng trầm cảm khi mang thai

Trầm cảm là chứng rối loạn cảm xúc xảy ra rất phổ biến hiện nay. Trong những lần thăm khám thai định kỳ, bác sĩ thường sẽ hỏi về tâm trạng và cảm xúc của mẹ bầu. Nếu có bất thường thì bác sĩ có thể yêu cầu các kỹ thuật chuyên sâu cần thiết để xác định chẩn đoán.

Trước những bất thường về sức khỏe tinh thần, nhiều mẹ bầu có thể nghĩ rằng mình là người duy nhất cảm thấy như vậy. Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều mẹ bầu khác gặp phải trải nghiệm tương tự.

Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ xác định phương pháp để điều trị trầm cảm khi mang thai. Thông thường, liệu pháp tâm lý, sử dụng thuốc và các hỗ trợ tại nhà khác sẽ được cân nhắc.

1. Tâm lý trị liệu

Tâm lý trị liệu được thực hiện qua hình thức trò chuyện giữa chuyên gia tâm lý và mẹ bầu đang bị trầm cảm. Mục đích là để xác định rõ vấn đề, phát triển các cách giải quyết và kiểm soát triệu chứng.

điều trị trầm cảm khi mang thai
Tâm lý trị liệu là phương pháp điều trị an toàn cho phụ nữ bị trầm cảm khi mang thai

Có nhiều phương pháp và hình thức trị liệu tâm lý khác nhau. Một số phương pháp thường được yêu cầu cho chứng trầm cảm ở mẹ bầu bao gồm:

  • Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT): Liệu pháp này sẽ giúp mẹ bầu xác định, thay đổi những cách suy nghĩ và hành vi tiêu cực. CBT đã được chứng minh là giúp cải thiện chất lượng cuộc sống rất tốt. Đây được cho là một phương pháp điều trị hiệu quả với cả chứng trầm cảm và rối loạn lo âu.
  • Liệu pháp tâm động học: Thông qua liệu pháp này, mẹ bầu sẽ hiểu được nguyên nhân gây ra những đau khổ về cảm xúc. Từ đó định hình phương pháp để giải quyết chúng hữu hiệu nhất.
  • Liệu pháp giữa các cá nhân: Đây là liệu pháp đặc biệt hiệu quả trong quá trình mang thai. Bởi nó sẽ dạy các mẹ bầu cách để đối phó với nhiều thay đổi trong cuộc sống khi trở thành người mẹ.

2. Thuốc chữa trầm cảm khi mang thai

Lo lắng về việc sử dụng thuốc khi mang thai là điều xảy ra tự nhiên ở các mẹ bầu. Tuy nhiên, khi kê toa thuốc, bác sĩ sẽ cân nhắc kỹ lưỡng giữa lợi ích và rủi ro của thuốc đối với cả mẹ và bé.

Những rủi ro liên quan tới việc dùng thuốc chống trầm cảm khi mang thai là rất nhỏ. Rủi ro thường thay đổi tùy thuộc vào từng loại thuốc, liều lượng và thời gian sử dụng.

Hầu hết các nghiên cứu cho thấy, các chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) là an toàn để dùng trong thai kỳ. Các thuốc nhóm này sẽ không làm tăng nguy cơ bị dị tật bẩm sinh ở thai nhi.

Ngoài ra trong một số trường hợp thật sự cần thiết, bác sĩ có thể cân nhắc một số thuốc khác. Điển hình là thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRI) như duloxetine và venlafaxine.

Bupropion không phải là giải pháp hàng đầu nhưng có thể dùng nếu mẹ bầu không đáp ứng với các loại thuốc chống trầm cảm khác. Ngoài ra, thuốc chống trầm cảm ba vòng (TCAs) như nortriptyline cũng có thể được cân nhắc.

thuốc chữa trầm cảm khi mang thai
Trong một số trường hợp, dùng thuốc có thể cần thiết để kiểm soát bệnh trầm cảm khi mang thai

Việc sử dụng các loại thuốc điều trị trầm cảm khi mang thai cần tuân thủ chặt chẽ chỉ định từ bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý ngưng thuốc, tăng/ giảm liều hay thay đổi kế hoạch dùng thuốc nếu bác sĩ chưa cho phép.

Tìm hiểu thêm: Đang mang thai nên dùng thuốc chống trầm cảm loại nào an toàn?

3. Các giải pháp hỗ trợ khác

Đối phó với những thay đổi về nội tiết tố, thể chất và cảm xúc của thai kỳ là điều rất khó khăn khi mẹ bầu bị trầm cảm. Tốt nhất là nên nói chuyện với bác sĩ để tìm kiếm kế hoạch điều trị phù hợp.

Ngoài ra, một số giải pháp sau đây có thể hỗ trợ mẹ bầu kiểm soát chứng trầm cảm khi mang thai:

  • Chăm sóc bản thân: Đây được cho là một phần rất quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe thai kỳ. Mẹ bầu cần đặt việc chăm sóc bản thân lên hàng đầu. Nên dành thời gian để đọc sách, tắm nước nóng hay đi dạo.
  • Dành thời gian cho người thân: Nuôi dưỡng các mối quan hệ của mẹ bầu với chồng, gia đình và bạn bè cũng rất cần thiết khi mang thai. Mẹ bầu nên biết chia sẻ để giải tỏa áp lực, tránh căng thẳng và lo lắng quá mức.
  • Tham gia một nhóm hỗ trợ: Mẹ bầu có thể kết nối với những phụ nữ khác, nhất là những người cũng đang phải đấu tranh với chứng trầm cảm khi mang thai. Sự đồng cảm và sẻ chia chính là liều thuốc quý giá giúp các mẹ hướng đến suy nghĩ và hành vi tích cực.
  • Hoạt động thể chất: Mẹ bầu nên hoạt động thể chất mỗi ngày trong suốt thai kỳ. Đó có thể là tham gia một lớp yoga dành cho phụ nữ mang thai hay đơn giản chỉ là đi dạo quanh khu nhà. Nghiên cứu cho thấy, hoạt động thể chất có thể làm giảm bớt các triệu chứng lo lắng và trầm cảm.
  • Ăn uống lành mạnh: Mẹ bầu cần tập trung tiêu thụ các thực phẩm tươi. Đặc biệt là trái cây, rau, cá, ngũ cốc nguyên hạt, thịt và gia cầm ít chất béo. Cần cố gắng hạn chế tối đa đồ ngọt và các thực phẩm chế biến sẵn.
  • Ưu tiên nghỉ ngơi: Mặc dù mang thai thường khiến mẹ bầu khó có được một đêm ngon giấc nhưng giấc ngủ luôn rất quan trọng với sức khỏe tinh thần. Do đó nên cố gắng đi ngủ sớm, có thể đầu tư một chiếc gối êm ái dành cho mẹ bầu để hỗ trợ giấc ngủ.
  • Yêu cầu giúp đỡ: Đừng ngần ngại việc nhờ chồng, gia đình hay bạn bè giúp đỡ về những công việc cần phải hoàn thành. Sự giúp đỡ sẽ giúp mẹ bầu giảm tải áp lực và có nhiều thời gian chăm sóc bản thân hơn.

 

Trầm cảm khi mang thai là vấn đề mà các mẹ bầu tuyệt đối không được chủ quan. Cần thực hiện một kế hoạch điều trị kịp thời kết hợp với các biện pháp chăm sóc tại nhà. Mẹ bầu không nên cố gắng đối phó với bệnh trầm cảm khi mang thai một mình. Tốt nhất hãy tìm kiếm thêm sự giúp đỡ từ chồng, gia đình và bạn bè.

Có thể bạn quan tâm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *