Trẻ bị dính thắng lưỡi chậm nói: Cách nhận biết và điều trị
Trẻ bị dính thắng lưỡi chậm nói là tình trạng thường xảy ra, tuy nhiên cũng có những trường hợp trẻ đến 4- 5 tuổi phụ huynh mới phát hiện bất thường. Theo các bác sĩ, dù dính thắng lưỡi không phải tật quá nghiêm trọng, có thể khắc phục được nhưng nếu để kéo dài cũng gây ra nhiều ảnh hưởng đến giao tiếp, tính cách nên cần can thiệp đúng cách từ sớm.
Trẻ bị dính thắng lưỡi chậm nói – tình trạng phổ biến
Để có thể phát ra âm thanh hay trò chuyện là cả một quá trình dài và cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa nhiều cơ quan. Bất cứ sự bất ổn của cơ quan nào cũng có thể làm trẻ bị chậm nói, nói không rõ. Trong đó trẻ bị dính thắng lưỡi chậm nói là một trong những tình trạng khá phổ biến, có thể nhận diện dễ dàng mà phụ huynh cũng cần lưu tâm.
Hiểu một cách đơn giản thì thắng lưỡi giống như một lớp niêm mạc mỏng ở mặt dưới của lưỡi. Cơ quan này có nhiệm vụ chính là hỗ trợ cho các chuyển động linh hoạt của lưỡi để hỗ trợ cho việc ăn uống, nói chuyện, phát âm.. Tuy nhiên nếu lớp màng này phát triển không đúng kích cỡ, quá dày hoặc quá ngắn sẽ làm giới hạn phần nào các hoạt động của lưỡi và không thực hiện tốt chức năng cần thiết.
Một số tên gọi khác cho tật dính thắng lưỡi như phanh lưỡi ngắn, hãm phanh lưỡi. Bình thường lưỡi cần thực hiện các chuyển động đưa lên, đưa xuống hay uốn lưỡi để hỗ trợ cho việc phát ra âm thanh chuẩn xác. Do đó khi trẻ bị dính thắng lưỡi sẽ dễ dẫn đến tình trạng chậm nói, nói ngọng, phát âm không được tròn vành rõ chữ cùng rất nhiều vấn đề khác.
Theo các bác sĩ, dính thắng lưỡi là tình trạng khá phổ biến có thể gặp 4- 5% trẻ nhỏ và có thể dễ dàng nhận biết từ giai đoạn sớm. Một số phụ huynh chưa có kinh nghiệm có thể chưa nhận ra nhưng thường những người đã từng nhìn thấy trẻ bị dính thắng lưỡi sẽ rất dễ nhận biết khi thấy trẻ có dấu hiệu khóc hay la hét, há miệng to.
Bất cứ đứa trẻ nào cũng có nguy cơ bị dính thắng lưỡi, tuy nhiên hầu hết các nghiên cứu cũng chưa thể khẳng định chính xác nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là gì. Yếu tố di truyền được coi là nổi bật nhất trong những nghiên cứu có liên quan. Do đó hiện nay cũng chưa có bất cứ biện pháp nào có thể hạn chế nguy cơ này.
Mức độ dính thắng lưỡi sẽ được phân chia dựa trên việc đo lớp niêm mạc từ điểm gắn ở lưỡi đến sàn miệng:
- Dính thắng lưỡi độ 1: đo được thắng lưỡi có độ dài từ 12-16 mm
- Dính thắng lưỡi độ 2: độ dài của thắng lưỡi từ 8-11 mm
- Dính thắng lưỡi độ 3: độ dài của thắng lưỡi từ 3-7 mm
- Dính thắng lưỡi độ 4: độ dài của thắng lưỡi từ Dưới 3 mm
Tùy mức độ bị dính thắng lưỡi mà trẻ trẻ chậm nói với mức độ khác nhau. Trẻ ở độ 1-2 vẫn có thể phát âm bập bẽ nhưng không rõ, ở độ 3- 4 hầu như con nói không ai nghe được gì. Một số vấn đề trẻ cũng gặp phải bên cạnh chậm nói như khó bú, lớn hơn thì khó nhai/ nuốt nên phụ huynh tuyệt đối không nên chủ quan.
Biểu hiện của trẻ bị dính thắng lưỡi chậm nói
Cách để nhận diện chính xác nhất liệu trẻ có đang bị chậm nói do dính thắng lưỡi không chính là quan sát về hình dáng lưỡi, hoặc thậm chí có thể thấy lưỡi khó đưa lên, thắng lưỡi quá ngắn mỗi khi trẻ khóc hay nói chuyện. Tuy nhiên để đảm bảo chính xác nhất vẫn sẽ cần có sự chẩn đoán chuyên môn của bác sĩ thông qua các biện pháp kiểm tra xét nghiệm cần thiết.
Một số đặc điểm nhận diện mà phụ huynh có thể tham khảo để tự kiểm tra tại nhà cho con như
- Lưỡi của trẻ nếu thè ra ngoài ( chẳng hạn khi con la khóc) thường hình trái tim hoặc hình nhọn hoặc vuông, ở trạng thái bình thường đầu lưỡi khá tròn
- Lưỡi có độ dày hơn những đứa trẻ bình thường
- Trẻ khó đưa lưỡi chạm lên hàm trên hoặc đưa thẳng ra ngoài
- Ở trẻ lớn hơn, khi phát âm con có thể không cong được lưỡi
- Trẻ khó đưa lưỡi liếm quanh miệng do thắng lưỡi quá ngắn
- Xem xét răng cửa hàm dưới của trẻ bị dính thắng lưỡi thường có xu hướng nghiêng hoặc hở
- Do phanh lưỡi ngắn và răng hàm dưới không khít nên khi bú mẹ trẻ có xu hướng dễ bị trào sữa ra ngoài
- Trẻ bị dính thắng lưỡi chậm nói, chỉ nói được một vài từ, nói khó nghe hoặc hay phát âm sai các phụ âm như r, kh, tr, l…
- Trẻ bị dính thắng lưỡi cũng bị khó nhai, khó nuốt
Thường nếu dính thắng lưỡi ở độ 1 sẽ khó nhận ra hơn, tuy nhiên là độ 3- 4 thì các biểu hiện có thể nhận thấy cực kỳ rõ ràng. Bởi ở tình trạng dính thắng lưỡi độ 4 thì lưỡi hầu như không có chuyển động nên khả năng phát âm, trò chuyện của con cũng hầu như bằng không.
Trẻ bị dính thắng lưỡi chậm nói có ảnh hưởng gì không?
Theo bác sĩ, dính thắng lưỡi thực tế không phải một tật quá nguy hiểm bởi hoàn toàn có thể khắc phục và điều trị được. Thường biện pháp được chỉ định cho các trường hợp này sẽ là phẫu thuật để làm giảm mức độ cản trở khi chuyển động lưỡi. Trẻ chậm nói do bị dính thắng lưỡi sau đó sẽ được chỉ định kết hợp các phương pháp để bổ sung ngôn ngữ, lời nói hiệu quả.
Tuy nhiên không thể vì vậy mà chủ quan. Bất cứ bất thường nào của cơ thể đều có thể gây ra rất nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và quá trình phát triển của con. Nhiều phụ huynh khi thấy con không nói hoặc nói không rõ thường chỉ nghĩ rằng do trẻ chưa lớn, từ từ rồi sẽ biết nói chứ không nghĩ nhiều. Bởi vậy không ít trẻ được 4- 5 tuổi rồi mới được điều trị dính thắng lưỡi.
Những ảnh hưởng tiêu cực khác nếu can thiệp điều trị cho trẻ bị dính thắng lưỡi quá chậm như
- Kém phát triển giao tiếp: Trẻ bị dính thắng lưỡi chậm nói, phát âm không rõ ràng dẫn tới khả năng giao tiếp ngày càng hạn chế. Trẻ có thể không nói được hoặc nói rất ít, không chủ động giao tiếp, không kết bạn hay trò chuyện với người khác. Thực tế mức độ nhận thức của trẻ dính thắng lưỡi vẫn bình thường, trẻ vẫn hiểu và thực hiện được yêu cầu từ người khác nhưng thường không chủ động, không biết dùng lời nói để thể hiện nhu cầu cá nhân.
- Ảnh hưởng về tâm lý: Trẻ bị dính thắng lưỡi chậm nói, hạn chế trong giao tiếp, nói chuyện người khác không hiểu, không đáp ứng được mong muốn nên cũng rất dễ có những bất ổn trong tâm lý. Mặt khác thì ở nhóm trẻ lớn hơn đã đến tuổi đi học sẽ dễ bị bạn bè trêu chọc, khó khăn khi kết bạn nên càng dễ ức chế, tiêu cực hơn.
- Ảnh hưởng về thể chất: trẻ không thể bú mẹ, nhai và nuốt khó nên thường dẫn đến xu hướng bỏ ăn. Điều này khiến trẻ có xu hướng chậm lớn, chậm phát triển hơn hẳn các bạn đồng trang lứa. Dính thắng lưỡi càng kéo dài sẽ khiến bé đau đớn khi sử dụng lưỡi nên bé càng biếng ăn hơn.
- Ảnh hưởng về thẩm mỹ: như đã nói, do phanh lưỡi ngắn nên trẻ dễ gặp các vấn đề về nha chu, răng bị xô lệch, viêm lợi hay tụt răng ở mặt trong. Trẻ cũng có nguy cơ cao bị sâu răng ở hàm dưới do lưỡi không đưa lên được dẫn tới việc vệ sinh răng miệng kém sạch cùng rất nhiều nguy cơ khác.
Nói chung trẻ bị dính thắng lưỡi không chỉ chậm nói mà còn gây ra rất nhiều ảnh hưởng đến quá trình phát triển toàn diện của con. Phụ huynh ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường nào trong từng cột mốc phát triển nên dành thời gian quan sát để sớm đưa trẻ đến bệnh viện và thăm khám phù hợp hơn.
Cần làm gì khi trẻ bị dính thắng lưỡi chậm nói?
Chỉ quan sát thôi cũng không thể nào xác định chính xác trẻ có đang bị dính thắng lưỡi dẫn đến chậm nói hay không. Tốt nhất, phụ huynh nên đưa trẻ đến các bệnh viện có chuyên khoa nhi hoặc chuyên khoa tai – mũi – họng để thực hiện thăm khám, kiểm tra chuyên môn.
Bác sĩ sẽ kiểm tra xem xét từng tình trạng để đưa ra hướng can thiệp phù hợp. Mặt khác với tình trạng trẻ bị dính thắng lưỡi chậm nói cần giải quyết được 2 vấn đề là dính thắng lưỡi và chậm nói nên phụ huynh cũng cần phối hợp với bệnh viện, hay các đơn vị trị liệu ngôn ngữ để điều chỉnh lời nói hay ngôn ngữ của trẻ một cách phù hợp.
Điều trị dính thắng lưỡi
Thường phẫu thuật sẽ là biện pháp được chỉ định chính cho những trẻ bị dính lưỡi giúp lưỡi có thể chuyển động một cách linh hoạt và thoải mái hơn. Tuy nhiên không phải mọi tình trạng đều được áp dụng phương pháp này. Với tình trạng trẻ bị dính thắng lưỡi chậm nói độ 1 và độ 2, bác sĩ thường chưa yêu cầu phẫu thuật ngay mà sẽ theo dõi thêm, nếu tình trạng sau đó vẫn tiếp tục không cải thiện mới cần phẫu thuật.
Hiện nay các phương pháp được chỉ định dùng để phẫu thuật cho trẻ dính thắng lưỡi được đánh giá khá an toàn và nhanh chóng. Phổ biến nhất là cắt thắng lưỡi bằng dao điện. Với trẻ vài tháng tuổi có thể giữ đầu bé nằm yên thì có thể dùng thuốc tê trước khi cắt, tuy nhiên nếu trẻ đã lớn hơn thì cần dùng thuốc gây mê để tránh bé cựa quậy sẽ khiến các kỹ thuật cắt đôi khi bị sai lệch.
Phẫu thuật cho trẻ bị dính thắng lưỡi thường được đánh giá khá nhanh chóng, chỉ khoảng 15- 20 phút. Trẻ có thể xuất viện ngay sau đó và về nhà phục hồi chứ không cần nghỉ ngơi tại bệnh viện. Thường các vết thương này cũng phục hồi khá nhanh chóng, ít để lại sẹo, ít có biến chứng và cũng không ảnh hưởng nhiều đến ăn uống, sinh hoạt nên phụ huynh có thể an tâm.
Một số vấn đề phụ huynh cần lưu ý để bảo đảm sức khỏe và sự phục hồi cho trẻ sau khi phẫu thuật dính thắng lưỡi
- Chú ý quan sát đảm bảo không để trẻ chạm vào vết thương vì có thể gây nhiễm trùng
- Cho bé uống nước lọc ( không dùng nước nóng) vì có thể kích thích làm chảy máu nhiều hơn
- Cho bé bú mẹ để phục hồi năng lượng
- Với những trẻ đã có thể ăn thô, trẻ lớn hơn thì ăn các đồ ăn mềm, lỏng, nguội như cháo, súp, các loại rau củ nấu mềm.. Chú ý không cho trẻ ăn khi đồ ăn quá nóng vì có thể khiến trẻ dễ bị chảy máu hơn
- Không ăn hay nhai các đồ ăn quá cứng, quá dai cho đến khi vết thương lành hoàn toàn
- Hạn chế việc trẻ nói hay việc phải cử động lưỡi quá nhiều nếu vết thương chưa lành
- Theo dõi các triệu chứng của con sau khi phẫu thuật, chẳng hạn bé có khóc nhiều, có dấu hiệu sốt hay chảy máu không để kịp thời thông báo cho bác sĩ nếu cần
- Tái khám theo lịch hẹn để kiểm tra các vết thương cũng như lên kế hoạch điều trị cho trẻ bị dính thắng lưỡi chậm nói
Theo các bác sĩ phẫu thuật cho trẻ bị dính thắng lưỡi chậm nói thường không quá phức tạp, ít biến chứng nhưng vẫn nên thực hiện sớm, tốt nhất là trước năm 5 tuổi. Bởi càng để lâu đường thắng lưỡi có thể hình thành các mạch máu, việc phẫu thuật lúc nào sẽ dễ chảy máu và đau đớn nhiều hơn, trẻ cũng dễ bị ám ảnh khi đến bệnh viện nhiều hơn.
Can thiệp điều trị chậm nói
Các biện pháp can thiệp cho trẻ chậm nói vì bị dính thắng lưỡi sẽ được thực hiện sau khi vết thương đã lành hoàn toàn để đảm bảo các cử động lưỡi không bị đau đớn. Tùy mức độ chậm nói mà trẻ sẽ được chỉ định các biện pháp can thiệp khác nhau để mang lại những thay đổi tích cực nhất cho trẻ.
Chẳng hạn nếu trẻ bị trẻ bị dính thắng lưỡi chậm nói chỉ ở trong khoảng dưới 2 tuổi thì phụ huynh chỉ cần tăng cường các hoạt động giao tiếp hơn bình thường thì trẻ hoàn toàn có thể nhanh chóng bắt nhịp lại với quá trình phát triển lời nói. Hơn nữa đây mới chỉ là giai đoạn bắt đầu phát triển lời nói, thói quen hay nhận thức nên sẽ dễ điều chỉnh hơn rất nhiều.
Tuy nhiên với những trẻ lớn hơn bác sĩ có thể khuyến khích các biện pháp trị liệu ngôn ngữ chuyên môn hơn để can thiệp tình trạng này hiệu quả hơn. Bởi trẻ có thể không biết cách sử dụng lưỡi đúng cách khi phát âm dẫn tới phát âm sai, phát âm không được tròn vành rõ chữ, hoặc trẻ cũng có thể không chịu giao tiếp do thói que3n đã hình thành từ trước đó.
Với các biện pháp âm ngữ trị liệu sẽ được thực hiện trực tiếp 1:1 với các chuyên gia với các liệu pháp được xây dựng dựa trên chính tình trạng của con. Với trẻ chỉ chậm nói đơn thuần do bị dính thắng lưỡi thì thời gian phải thực hiện các liệu pháp ngữ âm trị liệu thường không kéo dài quá lâu là trẻ đã có những thay đổi tích cực nên phụ huynh cũng không cần quá lo lắng.
Một số vấn đề phụ huynh cũng cần lưu ý trong quá trình chăm sóc, giáo dục cho trẻ bị dính thắng lưỡi chậm nói như
- Dành thời gian trò chuyện, tương tác với trẻ hằng ngày, trong mọi tình huống để tăng cường ngôn ngữ, giao tiếp và nhận thức cho trẻ
- Phụ huynh nên chú ý cách phát âm chuẩn, rõ ràng, tròn vành rõ chữ để trẻ nhìn và học theo
- Quan sát trẻ cách phát âm, cách đặt lưỡi để điều chỉnh sao cho phù hợp
- Tạo các hoạt động để kích thích lưỡi bé chuyển động linh hoạt hơn, chẳng hạn như bôi mật ong quanh miệng con để bé thè lưỡi ra và liếm; dạy trẻ đưa lưỡi lên/ xuống/ sang ngang; cho con nhai các đồ ăn cứng hoặc dai, chẳng hạn như quả ổi, kẹo cao su…
- Lắng nghe và chỉnh sửa ngay các âm, các từ mà trẻ phát âm chưa đúng để con có thể ghi nhớ và học nhanh
- Kích thích trẻ chủ động giao tiếp và thể hiện các nhu cầu cá nhân thông qua lời nói thay vì chỉ trỏ hay la hét
- Dành lời khen ngợi và cổ vũ con mỗi khi trẻ phát âm đúng hay chủ động giao tiếp với cha mẹ
- Đọc sách. truyện hay dạy trẻ các bài hát cũng là biện pháp hỗ trợ tăng cường vốn từ và khả năng giao tiếp cho trẻ chậm nói hiệu quả
Trẻ bị dính thắng lưỡi chậm nói nếu không sớm có biện pháp can thiệp đúng cách thì cũng có thể thành tật làm cản trở trẻ trong quá trình giao tiếp, trò chuyện nên gia đình không nên chủ quan. Phụ huynh cũng có thể dành thời gian sát sát cách phát âm, kiểm tra vòm miệng của trẻ ngay từ những tháng đầu tiên để có thể phát hiện sớm tình trạng này.
Có thể bạn quan tâm:
- Top 6 trung tâm dạy trẻ chậm nói tại Hà Nội chất lượng nhất
- Trẻ chậm nói khám ở đâu tại TPHCM? Gợi ý 5 địa chỉ tốt nhất
- Trẻ nói ngọng: Nguyên nhân và cách can thiệp sửa chữa cho con
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!