Trẻ nói ngọng: Nguyên nhân và cách can thiệp sửa chữa cho con
Tình trạng trẻ nói ngọng phổ biến đến mức phụ huynh khi thấy con nói chuyện ngọng nghịu không những không điều trị mà còn trêu chọc, nhại theo giọng của bé. Theo các chuyên gia, nói ngọng nếu không chữa trị đúng cách có thể thành tật theo trẻ đến cả khi trưởng thành và khó khắc phục hơn. Vậy can thiệp cho trẻ nói ngọng như thế nào để hiệu quả?
Trẻ nói ngọng – thực trạng cực kỳ phổ biến
Không khó để bắt gặp những trẻ nói ngọng nghịu, líu lưỡi, nhầm lẫn âm “l/n” bởi đây là tình trạng cực kỳ phổ biến. Nói ngọng thường gặp phổ biến nhất ở trẻ 2-4 tuổi bởi đây là thời điểm trẻ đang học nói, các cơ quan phát ra âm thanh cũng chưa chuẩn xác, đồng thời dễ chịu các tác động từ bên ngoài nên rất dễ phát âm sai so với ngữ pháp bình thường.
Hiểu một cách đơn giản nhất thì nói ngọng hay rối loạn phát âm (Speech Disorder) là tình trạng trẻ không thể phát ra các âm chính xác theo chuẩn mực, nhầm lẫn giữa các âm, các phụ âm, dấu câu.. khiến những người xung quanh không hiểu con nói gì hoặc mất nhiều thời gian “phiên dịch”. Chẳng hạn “con đến lớp” thì trẻ nói thành “con đến nớp” cùng rất nhiều sự cố hài hước khác khi con nói chuyện.
Cần biết rằng trẻ nói ngọng vẫn có thể nói chuyện, thậm chí là con líu lo suốt cả ngày và có xu hướng nói khá nhanh khiến phụ huynh càng cảm thấy khó nghe hơn. Tình trạng nói ngọng có thể xuất hiện ở bất cứ đứa trẻ nào và cũng được đánh giá là không quá nguy hiểm, có thể khắc phục được. Bởi thế nhiều gia đình chủ quan không cho trẻ can thiệp sớm dẫn tới tình trạng dù đã trưởng thành những vấn thường phát âm sai.
Theo các chuyên gia, có thể chia tình trạng nói ngọng thành 2 dạng chính như sau
- Nói ngọng thực thể: sự tổn thương hay rối loạn tại hệ thần kinh trung ương, các cơ quan phát âm, các bệnh lý có thể làm trẻ bị nói ngọng
- Nói ngọng cơ năng: không tìm thấy các tổn thương ở bất cứ cơ quan phát triển lời nói nào ở dạng này, việc nói ngọng có thể hình thành từ các yếu tố tác động bên ngoài.
Dấu hiệu trẻ nói ngọng
Các dấu hiệu trẻ nói ngọng được biểu hiện một cách cực kỳ rõ ràng bởi tất cả đều nằm trong những câu từ mà con phát âm ra. Tuy nhiên nếu trẻ còn quá nhỏ, đôi khi việc con phát âm chưa chuẩn xác hoàn toàn, nghe ngọng nghịu cũng là điều khá dễ hiểu. Phụ huynh cần quan sát, lắng nghe con phát âm để đưa ra những nhận định chính xác và có hướng điều chỉnh sớm cho trẻ.
Các dạng nói ngọng chủ yếu bị ngọng từng âm ( ngọng âm); trẻ nói ngọng theo các nhóm âm (ngọng âm tiết) hay trẻ cũng có thể nói ngọng toàn bộ âm đó.Tình trạng mỗi trẻ là khác nhau, chẳng hạn
- Các âm con nói ra không chính xác, khó nghe
- Giọng yếu, nhỏ, nhanh và con có thể có xu hướng mệt sau khi nói
- Cột hơi phát ra từ mũi nhiều mỗi khi con nói
- Nhầm lẫn giữa âm “l” và “n”, chẳng hạn “lúa nếp” thì đọc thành “núa lếp”
- Nhầm lẫn giữa âm “r” và “g”, chẳng hạn “con cá rô” thì bé nói ngọng đọc thành “con cá gô”
- Trẻ mất các phụ âm đầu mỗi khi phát âm, chẳng hạn ” con đi ngủ đây” thì đọc thành “on i ủ ây”
- Phát âm “tr” thành “ch”, chẳng hạn “trái ổi” thì con đọc là “chái ổi”
- Phát âm thanh “ngã” thành thanh ” hỏi”, chẳng hạn như “mỡ màng” thành “mở màng”..
- Các âm “s” và “z” trẻ khi nói ngọng sẽ thành âm “th” ; chẳng hạn “suôn sẻ” thì nghe thành “thuôn thẻ”..
- Khi đến tuổi đi học, trẻ bị nói ngọng cũng có xu hướng viết sai các âm mà con nói sai
Mức độ và các âm mà mỗi trẻ nói ngọng sẽ là khác nhau, không phải tất cả các trường hợp trẻ đều sẽ phát âm sai các âm này. Ngoài ra một số trẻ phát âm không chuẩn cũng có thể liên quan đến âm ngữ vùng miền, chẳng hạn như người miền Tây cũng hay phát âm “r” thành “g” như “đi ra” thành “đi ga”..
Tuy nhiên ở những người phát âm không chuẩn theo âm ngữ địa phương thường có đặc trưng riêng về âm ngữ, tông giọng và họ cũng có thể viết chúng chính tả cho dù lời nói ra không chuẩn. Dù vậy phụ huynh cũng có thể đưa trẻ đi thăm khám để xác định liệu con có bị nói ngọng hay không, từ đó tìm hướng khắc phục phù hợp.
Nguyên nhân trẻ nói ngọng
Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ nói ngọng và nếu không sớm phát hiện cũng có thể gây ra những ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, tinh thần và cuộc sống của trẻ. Cụ thể
Rối loạn hành vi
Một trong những nguyên nhân khiến trẻ chậm nói hay nói ngọng cực kỳ phổ biến hiện nay chính là ảnh hưởng bởi các thiết bị vô tuyến trong quá trình trẻ đang học nói. Mặc dù TV, máy tính hay điện thoại có thể phát ra âm thanh hay lời nói nhưng chỉ mang tính một chiều và trẻ không thể biết được âm thanh đó có nghĩa gì, không thể định hình được âm đó như thế nào.
Trẻ có thể tự tạo ra các ngôn ngữ, âm thanh nếu con xem các thiết vị vô tuyến quá nhiều. Mặt khác trẻ cũng dễ bị ảnh hưởng bởi âm ngữ, giọng điệu từ các âm thanh phát ra trên TV khiến các âm con phát ra lệch chuẩn, kỳ lạ mà người khác cũng có thể không hiểu. Tiếp xúc nhiều với các âm thanh này cũng có thể khiến trẻ bị rối loạn ngôn ngữ nên phụ huynh cần chú ý.
Do trẻ bắt chước xung quanh hay yếu tố gia đình
Cần biết rằng nói ngọng không phải là một tật có tính chất di truyền nhưng lại có yếu tố gia đình rất lớn. Nếu trong gia đình có cha hay mẹ bị nói ngọng thì tỷ lệ trẻ cũng nói ngọng là rất cao. Điều này chính do trẻ bắt chước cha mẹ trong quá trình đang hình thành ngôn ngữ và lời nói. Không chỉ cha mẹ mà bất cứ người nào con thường xuyên tiếp xúc mà nói ngọng thì trẻ cũng có nguy cơ này.
Chúng ta đều biết rằng giọng nói hay ngôn ngữ đều được hình thành quá trình tương tác, tiếp xúc mỗi ngày, bởi thế mà dù cha mẹ trẻ nói giọng Bắc nhưng trẻ lại sinh sống ở miền Nam thì con nói giọng nam cũng là điều hiển nhiên. Đặc biệt ở giai đoạn 2- 4 tuổi trẻ mới chỉ bắt đầu học ngôn ngữ, nhận thức còn hạn chế nên càng dễ chịu ảnh hưởng từ những người xung quanh.
Trẻ nói ngọng do ngậm ti giả nhiều
Nhiều phụ huynh hiện nay thường có xu hướng cho bé ngậm ti giả để con ngủ ngon hơn bởi có cảm giác đang vú mẹ. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, việc ngậm ti sẽ khiến lưỡi trẻ có xu hướng nút lưỡi (thumb sucking) hoặc đẩy lưỡi đẩy lưỡi (tongue thrusting) ra ngoài nhiều hơn thành thói quen. Đến khi nói chuyện con cũng đẩy lưỡi ra ngoài khiến âm thanh phát ra không được trọn vẹn, trẻ nói ngọng hay bị đớt rất khó nghe.
Vấn đề ở thính giác
Trước đây khi tìm hiểu về các nguyên nhân khiến trẻ nói ngọng thì các vấn đề về thính giác thường rất hay bị bỏ qua. Tuy nhiên thực tế, khi trẻ không thể nghe hoặc không tiếp nhận được âm thanh, lời nói một cách rõ ràng thì sẽ dẫn đến tình trạng con cũng diễn đạt lời nói sai. Trẻ tự bóp méo hay điều chỉnh âm thanh, ngôn ngữ theo mức độ mà con nghe được dẫn tới nói ngọng.
The các chuyên gia, các vấn đề về thính giác như viêm tai giữa, nghe kém hay điếc thường khiến trẻ có xu hướng nói ngọng các các âm cao, nhầm lẫn thanh điệu. Các vấn đề liên quan đến thính giác cần được điều trị càng sớm càng tốt nếu không có thể để lại rất nhiều hậu quả khó lường.
Các vấn đề ở cơ miệng
Để hình thành được lời nói, âm ngữ cần có sự phối hợp của rất nhiều các cơ quan khác nhau, chẳng hạn như m, thanh quản, lưỡi, răng… Việc các cơ qua này gặp vấn đề, không thể phối hợp với nhau ăn ý thì âm tiết phát ra không thể chuẩn xác, trẻ bị nói ngọng, nói khó nghe cùng rất nhiều vấn đề khác.
Chẳng hạn trẻ bị dính thắng lưỡi thì hạn chế các cử động của lưỡi dẫn tới không thể phát âm chuẩn xác một số từ; trẻ bị sứt một hở hàm ếch hay một số vấn đề khác khiến miệng không thể khép chặt và làm âm phát ra cũng không được trọn vẹn. Hay nếu thanh quản của trẻ bị cản trở chắc chắn âm thanh của lời nói, từ ngữ cũng không thể đúng với chuẩn mực.
Một số bệnh lý các ở cơ miệng có có thể liên quan đến các nguyên nhân làm trẻ nói ngọng như do khe hở miệng, liệt dây thanh hoặc bị u nang dây thanh quản hay một số tình trạng cấu trúc môi-vòm bất thường khác. Phụ huynh cần đến bệnh viện thăm khám trực tiếp để xác định các nguy cơ này.
Các bệnh lý khác khiến trẻ nói ngọng
Mũi cũng là một cơ quan có liên quan đến việc phát âm, do đó nếu trẻ mắc chứng viêm xoang, viêm VA, có các vấn đề về đường thở cũng sẽ làm trẻ nói ngọng. Biểu hiện rõ ràng nhất là khi bạn bị sổ mũi, nghẹt mũi cũng có xu hướng mất âm, phát âm không được tròn vành rõ chữ. Tình trạng này có thể xuất hiện ở một số trẻ sinh ra và lớn lên ở các vùng lạnh nên ảnh hưởng các vấn đề về thở.
Có thể bạn quan tâm: Trẻ 5 tuổi vẫn nói ngọng: Nguyên nhân và cách chữa cho bé
Trẻ nói ngọng có ảnh hưởng gì?
Nói ngọng là một tình trạng phổ biến và các chuyên gia cũng cho biết có thể can thiệp khắc phục được nên hầu như phụ huynh thường rất chủ quan, không hề lo lắng. Thậm chí có những tình trạng cha mẹ thấy con nói ngọng nhưng lại cảm thấy rất hài hước mỗi khi con phát âm, nhại lại giọng con bởi họ cho rằng khi đến tuổi đến trường con sẽ tự hết nên không cần quan tâm đến việc điều trị.
Thực tế nói ngọng nếu không sớm khắc phục có thể trở thành một “tật” ảnh hưởng rất lớn đến giao tiếp và cuộc sống sau này của trẻ. Những trẻ nói ngọng rất dễ bị bạn bè trêu chọc, cười đùa, nhại giọng, thậm chí là bắt nạt mỗi khi đến trường. Tình trạng này khiến tâm lý trẻ cảm thấy tự ti, ngại ngùng, xấu hổ, dần thu mình và không dám giao tiếp, thậm chí rơi vào rối loạn lo âu hay trầm cảm vì bị trêu chọc.
Có những người từ nhỏ không được điều chỉnh việc nói ngọng nên lớn lên rất khó để chỉnh, bởi nó đã trở thành một thói quen, dù người đó ý thức rằng bản thân nói không đúng những vẫn bị buột miệng. Chính những người trưởng thành cũng có tâm lý tự ti, ngại giao tiếp, thậm chí là hình thành tâm lý cọc cằn, khó chịu mỗi khi có ai đó trêu chọc về khiếm khuyết của bản thân.
Mặt khác rõ ràng cũng có thể thấy có rất nhiều các vấn đề về sức khỏe có liên quan đến nguyên nhân gây nói ngọng và nếu không khắc phục sớm thì cũng gây ra rất nhiều ảnh hưởng. Chẳng hạn trẻ bị viêm xoang sẽ thường xuyên sổ mũi đau đầu; trẻ xem TV quá nhiều cũng ảnh hưởng về mặt tâm lý hay trẻ bị dính thắng lưỡi cũng ảnh hưởng đến khả năng ăn uống hay bú mẹ.
Bên cạnh đó, việc trẻ nói ngọng có thể ảnh hưởng lớn để tương lai nghề nghiệp của rất nhiều người nếu không sớm khắc phục. Một số ngành nghề không chấp nhận những người nói ngọng hiện nay như giáo viên hay người dẫn chương trình. Ngoài ra nếu trẻ cũng có xu hướng viết sai chính tả theo ngôn ngữ, cách phát âm sai của bản thân thì cũng không thể làm các công việc biên tập hay viết lách.
Nói chung, mặc dù nói ngọng được đánh giá không phải một tình trạng nguy hiểm nhưng không nên vì thế mà chủ quan. Rất nhiều bác sĩ, chuyên gia đều đã khẳng định về điều này nhưng đại đa số nhiều người vẫn có tâm lý coi nhẹ việc nói ngọng, đôi khi ngay cả việc đã đưa trẻ đi thăm khám cũng không muốn điều trị theo quy trình vì quá phức tạp.
Hướng can thiệp cho trẻ nói ngọng
Theo bác sĩ, ngay khi thấy trẻ có các dấu hiệu nói ngọng, phát âm không tròn vành rõ chữ, nói nhanh và khó nghe phụ huynh nên đưa trẻ đến các bệnh viện về Tai – mũi – họng, phục hồi chức năng hay tâm lý để kiểm tra chính xác nhất nguyên nhân là gì. Đặc biệt với trẻ sau 4 tuổi, cần thăm khám và khắc phục ngay lập tức để tránh gây ra các ảnh hưởng tiêu cực hơn.,
Tùy nguyên nhân, tùy tình trạng, tùy mức độ nói ngọng và độ tuổi của trẻ mà hướng can thiệp sẽ khác nhau. Chẳng hạn như nếu trẻ dưới 4 tuổi chỉ bị nói ngọng do các tác động từ môi trường gia đình vẫn có thể khắc phục tại nhà thông qua việc giao tiếp một cách đúng đắn. Tuy nhiên nếu trẻ trên 4 tuổi hay đã đến tuổi đến trường thì nên tham gia các biện pháp điều trị chuyên môn hơn.
Điều trị nguyên nhân
Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ nói ngọng nên cần phải giải quyết toàn toàn các nguyên nhân này thì mới có thể can thiệp điều chỉnh âm ngữ cho trẻ chính xác. Chẳng hạn như nếu trẻ bị dính thắng lưỡi thì cần làm các phẫu thuật cắt thắng lưỡi, trẻ bị sứt môi hở hàm ếch cũng cần làm phẫu thuật để điều chỉnh những khuyết khuyết này.
Tương tự nếu trẻ bị viêm amidan, viêm xoang, viêm thanh quản cũng cần điều trị chuyên môn về y tế để có hướng khắc phục hoàn toàn. Trẻ có thể được dùng thuốc, làm các tiểu phẫu nếu cần thiết. Với các biện pháp điều trị y tế còn cần xem xét về yếu tố sức khỏe và thể trạng của trẻ nói ngọng nhưng đều được khuyến khích làm càng sớm càng tốt.
Theo bác sĩ, hai tình trạng thường hay gặp nhất là dính thắng lưỡi hay tổn thương thính giác đều được khuyên nên phẫu thuật trước 5 tuổi. Với dính thắng lưỡi thì lớp màng của trẻ nếu chưa hình thành mạch máu thì việc phẫu thuật sẽ an toàn hơn. Tương tự với một số tổn thương thính giác cũng có thể khắc phục đáng kể nếu phẫu thuật trước 5 tuổi còn trường hợp xấu nhất thì trẻ cần phải dùng máy trợ thính.
Ngữ âm trị liệu
Trẻ nói ngọng đôi khi không biết cách điều chỉnh các cơ quan phát âm, đặt lưỡi ở đâu, mở cơ miệng như thế nào cho chuẩn xác nên rất cần có sự hướng dẫn chuyên môn từ chuyên gia. Điều này đặc biệt cần thiết cho những trẻ đã đến tuổi đi học trở lên bởi lúc này trẻ cũng đã hình thành nhận thức và thói quen một cách đáng kể nên nếu chỉ áp dụng các biện pháp trò chuyện bình thường thì sẽ khó có hiệu quả.
Thường ngữ âm trị liệu với trẻ nói ngọng sẽ được chỉ định thực hiện bởi 1 cô : 1 trò để xây dựng từng biện pháp can thiệp sao cho phù hợp. Trẻ sẽ học phát âm từ cơ bản đến nâng cao, điều chỉnh cách mở khẩu hình, đặt lưỡi lên hay xuống để con có thể phát âm chuẩn chỉnh nhất. Con được học từng âm, sau đó ghép thành từng từ rồi dần dần có thể nói được nguyên câu đúng theo đúng chuẩn mực.
Quá trình trị liệu ngôn ngữ cho trẻ nói ngọng sẽ khác nhau, phụ thuộc vào từng nguyên nhân, tình trạng. Bên cạnh đó trẻ cũng được cải thiện tình trạng giao tiếp đáng kể, tự tin hơn khi nói chuyện để dễ dàng hòa nhập với các bạn bè đồng trang lứa khi đến trường.
Phát triển âm ngữ tại nhà
Dù trẻ nói ngọng do bất cứ nguyên nhân nào, đã áp dụng các biện pháp nào thì việc phát triển, điều chỉnh âm ngữ tại nhà cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Bởi nói ngọng không phải vấn đề quá nghiêm trọng nên gia đình không thể nào gửi gắm con hoàn toàn cho bác sĩ, chuyên gia mà quá trình tương tác, giao tiếp tại nhà vẫn chiếm phần lớn thời gian.
Thực tế nếu trẻ trong giai đoạn 2- 4 tuổi mới phát triển và định hình về ngôn ngữ, nhận thức thì phụ huynh vẫn hoàn toàn có thể cải thiện tật nói ngọng cho trẻ thông qua việc trò chuyện, giao tiếp đúng cách tại nhà. Cụ thể, một số vấn đề phụ huynh nên thực hiện như sau
- Nguyên tắc khi muốn điều chỉnh giọng cho trẻ nói ngọng chính là phải phát âm chuẩn xác, nói tròn vành rõ chữ, nói chậm và cải thiện các âm nói sai từ đơn giản cho đến phức tạp
- Phụ huynh cần tăng cường hoạt động tương tác, trò chuyện nhiều hơn với con mỗi ngày, nhưng phải đảm bảo bản thân phát âm đúng hoàn toàn
- Lắng nghe trẻ nói và điều chỉnh các lỗi sai ngay lập tức. Tuy nhiên chú ý không cắt ngang lời con mà hãy đợi con nói hết câu rồi mới phân tích về lỗi sai của con và điều chỉnh
- Quan sát cách con phát âm mẹ cũng có thể nhận thấy vì sao con phát âm sai, chẳng hạn do đặt lưỡi sai, do khẩu hình sai.. từ đó tìm cách điều chỉnh
- Hạn chế tối đa việc cho trẻ tiếp xúc với những người cũng đang phát âm sai, nói không chuẩn chỉnh
- Cải thiện các hoạt động cơ miệng cho trẻ nói ngọng thông qua việc cho con nhai các loại đồ ăn có tính chất cứng hay dẻo; cùng bé chơi thổi bong bóng hay dùng ống hút để uống nước
- Điều chỉnh các âm phát âm sai thông qua các trò chơi cùng cha mẹ để con cảm thấy hứng thú hơn, chẳng hạn cùng thi xem ai bắt chước tiếng mèo kêu phù hợp hơn
- Cho bé hát, đọc thơ hay đọc các bài đồng dao cũng là cách giúp trẻ vừa rèn luyện các phát âm, vừa rèn phản xạ khi phát âm. Chẳng hạn bài đồng dao ” Lúa nếp là lúa nếp làng, lúa lên lớp lớp lòng nàng lâng lâng”
- Nếu trẻ đến độ tuổi học chữ hãy kết hợp với bảng chữ cái để hình dung chữ đó viết như thế nào, nhờ đó cũng hạn chế được việc trẻ nói sai, viết sai
- Tăng cường các hoạt động tương tác để trẻ hình thành thói quen phát âm chuẩn xác một cách linh hoạt. Bởi đôi khi nói từng từ một thì con có thể phát âm chuẩn, tuy nhiên nếu trong hoạt cảnh giao tiếp thực tế con lại quên mất, theo thói quen nên vẫn phát âm sai mà không kiểm soát được nên cần phải luôn tạo ra các tình huống để rèn trẻ
- Kích thích trò chuyện cho trẻ thông qua các hoạt động vui chơi ngoại khóa, đưa trẻ đến các khu vui chơi trẻ em, cho con gặp gỡ các bạn bè đồng trang lứa..
Chăm sóc tâm lý cho trẻ nói ngọng
Những ám ảnh tổn thương vì bị trêu chọc thời thơ ấu có thể trở thành một bóng đen tâm lý ảnh hưởng đến tinh thần của rất nhiều trẻ. Đặc biệt có những đứa trẻ con bị chính cha mẹ, những người xung quanh trêu chọc, thường xuyên nhại theo giọng con rồi cười cợt. Nhiều trẻ nói ngọng cũng cảm thấy sợ hãi, lo lắng, không muốn đến trường vì thường bị bạn cười nhạo mỗi khi phát biểu.
Phụ huynh tuyệt đối không được trêu chọc, chê bai hay nhại theo giọng trẻ nói ngọng. Luôn giữ thái độ nhẹ nhàng mà nghiêm túc, tạo môi trường học tự nhiên và thoải mái để giúp trẻ tiếp thu thông tin dễ dàng hơn. Nếu trẻ đến độ tuổi đến trường hãy trao đổi với giáo viên để hạn chế việc trẻ bị trêu ghẹo, la mắng để con vui vẻ hơn khi đến lớp.
Ngoài ra nếu thấy trẻ nói ngọng có tâm lý bất ổn, nhạy cảm quá mức, hay kích động khi có ai trêu chọc khuyết điểm, không muốn đi học, cảm xúc mất kiểm soát phụ huynh cũng nên tham khảo đưa trẻ đến gặp các chuyên gia tâm lý để tránh tồn đọng những tiêu cực quá lâu. Nhà trị liệu sẽ thông qua trò chuyện để đi sâu vào tâm lý, giúp bé ổn định lại tinh thần, tích cực và phối hợp với các biện pháp giáo dục của cha mẹ hay bác sĩ có hiệu quả hơn.
Trẻ nói ngọng tưởng chừng là vấn đề không nguy hiểm nhưng nó cũng có thể gây ra rất nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống, học tập, tinh thần hay sức khỏe của trẻ. Phụ huynh cần chú ý đến việc phát âm của trẻ ngay từ những năm tháng đầu đời để hạn chế tối đa các vấn đề về ngôn ngữ hay giao tiếp này.
Có thể bạn quan tâm:
- 4 Dấu hiệu bé sắp biết nói và những điều cha mẹ cần giúp trẻ
- Trẻ 3 tuổi chậm phát triển ngôn ngữ cần sớm được can thiệp
- Trẻ nói nhiều nhưng không rõ liệu có bất thường? Phải làm sao?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!