Thực Trạng Stress Ở Học Sinh Hiện Nay Và Cách Giải Quyết
Stress ở học sinh đang là thực trạng đáng quan ngại hiện nay. Nếu không sớm quan tâm thì tình trạng này có thể kéo dài và tiến triển nghiêm trọng. Ngoài khiến kết quả học tập sa sút thì còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tâm lý, tâm thần ở học sinh.
Thực trạng stress ở học sinh hiện nay
Stress (căng thẳng) là vấn đề sức khỏe tinh thần rất phổ biến hiện nay. Thuật ngữ này dùng để mô tả phản ứng bình thường của cơ thể nhằm đối phó với các áp lực hoặc để thích nghi với các thử thách trong cuộc sống.
Tình trạng stress có thể ảnh hưởng đến bất cứ đối tượng nào. Trong đó học sinh là đối tượng rất dễ bị stress do nhiều nguyên nhân khác nhau. Chẳng hạn như áp lực bài vở, thi cử, kỳ vọng từ gia đình, nhà trường hay mối quan hệ không tốt với bạn bè,…
Tại Việt Nam, một nghiên cứu được tiến hành tại một số trường THPT ở Đà Nẵng cho thấy, tỉ lệ học sinh lớp 12 bị stress mức độ 4 chiếm tới 23.9%, học sinh bị stress mức độ 3 chiếm 12.6%. Các em học sinh này có các biểu hiện về thể chất như đau đầu, đau lưng,… Kèm theo đó là hành vi phản ứng mạnh, chống đối, mất tập trung, mệt mỏi, buồn chán và giảm trí nhớ.
Nhiều khảo sát khác cũng cho thấy rằng, có đến 31% học sinh cảm thấy choáng ngợp và 30% học sinh cho biết chúng chán nản hoặc buồn bã do căng thẳng. Hơn 1/3 học sinh (đa phần ở độ tuổi thanh thiếu niên) cảm thấy mệt mỏi và gần 1/4 học sinh có xu hướng bỏ bữa do stress quá mức.
Thật đáng báo động khi trải nghiệm căng thẳng của học sinh cũng tương tự như ở người lớn. Tuy nhiên, điều đáng quan ngại hơn là học sinh thường đánh giá thấp tác động tiềm tàng mà stress gây ra đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng.
Trên thực tế, có đến 13% học sinh cho biết chúng không bao giờ dành thời gian để quản lý căng thẳng. Khoảng 42% học sinh không làm đủ hoặc không chắc chắn liệu bản thân có làm đủ để kiểm soát căng thẳng hay không. Điều này khiến tình trạng stress càng thêm nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến kết quả học tập, sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Nguyên nhân gây stress ở học sinh
Tình trạng stress ở học sinh thường liên quan đến các vấn đề bài tập, thi cử và môi trường giáo dục. Ngoài ra áp lực hay những kỳ vọng quá lớn từ gia đình cũng có thể là yếu tố làm gia tăng nguy cơ bị stress.
Các nguyên nhân gây stress ở học sinh thường thấy bao gồm:
- Các bài kiểm tra sắp tới: Rất nhiều học sinh lo lắng về việc đạt điểm cao hoặc chỉ dành thời gian học bài nếu có nhiều hơn 1 bài kiểm tra sắp tới. Căng thẳng không chỉ ảnh hưởng tới các học sinh đang gặp khó khăn mà các học sinh có thành tích cao cũng thường gặp rất nhiều stress về việc cần phải làm tốt bài kiểm tra.
- Quá nhiều bài tập về nhà: Khi con bạn bị choáng ngợp với bài tập về nhà thì chúng sẽ khó hoàn thành bài tập hơn. Điều này sẽ gây ra 1 chu kỳ căng thẳng khi bài tập về nhà chồng chất. Điều này khiến con không có thời gian và năng lượng để hoàn thành. Từ đó gia tăng căng thẳng hơn nữa.
- Thiếu tổ chức: Học sinh có kỹ năng tổ chức kém sẽ có xu hướng gặp nhiều căng thẳng hơn. Điều này thường do chúng không được chuẩn bị đúng cách với các công cụ hoặc kỹ năng cần thiết để học. Khi kỹ năng tổ chức không được cải thiện thì chúng sẽ tiếp tục bị tụt lại phía sau và dẫn tới căng thẳng nhiều hơn.
- Quá ít thời gian nghỉ ngơi: Học sinh với lịch trình bận rộn có thể nhanh chóng trở nên quá tải. Chúng sẽ không còn thời gian rảnh để nghỉ ngơi, thư giãn. Học sinh từ tiểu học đến trung học có số lượng và mức độ khó khăn của bài tập ở trường tăng lên. Việc quản lý thời gian không tốt sẽ làm phát sinh stress.
- Lịch ngủ kém: Ngủ không đủ giấc khiến cho các em học sinh khó tập trung và không thể học tập hiệu quả. Điều này sẽ gây ra cảm giác căng thẳng khi chúng không thể hoàn thành tốt các bài tập hay tiếp thu bài ở lớp.
- Vấn đề tham gia lớp học: Đối với nhiều học sinh, ý nghĩ bị gọi trong lớp hoặc phải nói trước các bạn cùng lớp có thể rất kinh hoàng. Điều này có thể đặc biệt đúng nếu con bạn gặp khó khăn trong việc theo kịp một môn học nào đó. Phổ biến là toán, ngoại ngữ và ngữ văn.
- Thiếu hỗ trợ: Thiếu hỗ trợ của cha mẹ hoặc giáo viên dù chỉ là nhận thức cũng có thể gây thêm nhiều stress cho học sinh. Chúng có thể cảm thấy rằng chúng được kỳ vọng quá nhiều nhưng lại không có một hệ thống hỗ trợ đủ mạnh để đạt được mục tiêu của mình.
- Chuyển đổi sang một môi trường mới: Thực hiện một sự chuyển đổi lớn về môi trường học tập có thể là một khoảng thời gian căng thẳng đối với nhiều học sinh. Cho dù đó là bắt đầu ở một trường học mới hay chuyển tiếp từ cấp tiểu học lên trung học. Tất cả các lớp học mới, giáo viên mới và thói quen mới đều có thể gây ra căng thẳng. Lúc này học sinh luôn cần có thời gian để điều chỉnh.
- Lớp học quá khó: Các lớp học nâng cao với độ khó tăng lên có thể gây căng thẳng cho học sinh. Điều này đặc biệt phổ biến đối với thanh thiếu niên khi bước vào những năm trung học.
Dấu hiệu nhận biết stress ở học sinh
Tình trạng stress ở học sinh có thể biểu hiện khác nhau ở từng đối tượng. Ngoài các triệu chứng về mặt tâm lý, cảm xúc thì các em học sinh có thể gặp phải các triệu chứng thể chất đi kèm.
Có thể xem xét các dấu hiệu dưới đây để nhận biết chứng stress ở học sinh:
- Gặp khó khăn trong việc tập trung
- Kết quả học tập có chiều hướng sa sút
- Tâm trạng lo lắng, bất an
- Sợ đi học, không muốn đến trường, sợ thầy cô
- Thường xuyên mất ngủ
- Rối loạn ăn uống
- Thường xuyên than vãn về các vấn đề học tập
- Thường xuyên cáu gắt không rõ nguyên nhân
- Lao vào học tập quá mức, quên ăn quên ngủ
- Hay đau đầu, ngủ gật
- Lầm lì, ít nói và ít giao tiếp với mọi người
- Có các biểu hiện chống đối, phản ứng mạnh và tiêu cực
Khi thấy con cái có các biểu hiện nói trên, các bậc phụ huynh cần chú ý quan tâm đến con nhiều hơn. Tốt nhất hãy dành thời gian trò chuyện và lắng nghe con chia sẻ. Từ đó giúp con tìm hiểu vấn đề và có cách khắc phục phù hợp.
Ảnh hưởng của chứng stress ở học sinh
Stress ở học sinh đang là thực trạng đáng quan ngại. Nếu không sớm có sự quan tâm và khắc phục đúng mức thì các em học sinh có thể gặp phải nhiều hệ lụy xấu. Dưới đây là một số ảnh hưởng của chứng stress đến các em học sinh:
- Suy giảm kết quả học tập: Stress có thể gây ra chán nản, mệt mỏi và mất tập trung. Hơn nữa, khả năng tư duy và trí nhớ cũng bị giảm sút. Điều này khiến cho kết quả học tập sa sút, bằng chứng là các em thường xuyên bị điểm kém.
- Giảm chất lượng cuộc sống: Stress khiến cho tinh thần của trẻ luôn trong trạng thái mệt mỏi. Hơn nữa nhiều em học sinh còn bị mất ngủ, chán ăn dẫn tới suy kiệt sức lực.
- Tăng nguy cơ mắc bệnh tâm lý, tâm thần: Trên thực tế, tình trạng stress ở học sinh không được khắc phục sớm có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tâm lý, tâm thần. Điển hình như trầm cảm, rối loạn lo âu,…
Cách giải quyết tình trạng stress ở học sinh
Tình trạng stress ở học sinh không được quan tâm sớm và có biện pháp giải quyết thì sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy đáng quan ngại. Ngoài làm sa sút kết quả học tập thì còn ảnh hưởng đến sức khỏe và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tâm lý, tâm thần.
Dưới đây là một số cách giúp kiểm soát chứng stress ở học sinh hiệu quả:
1. Ăn uống lành mạnh
Chế độ ăn uống có thể thúc đẩy trí não và nuôi dưỡng tinh thần của bạn tốt hơn. Một chế độ ăn uống lành mạnh có thể hoạt động tương tự như một kỹ thuật quản lý căng thẳng và hỗ trợ học tập.
Các chuyên gia cho biết, cải thiện chế độ ăn uống có thể giúp cho các em học sinh không gặp phải tình trạng thay đổi tâm trạng, căng thẳng hay chóng mặt. Các vấn đề cần chú ý bao gồm:
- Tăng cường bổ sung các loại rau xanh, trái cây, các loại củ, thực phẩm giàu kẽm, Omega 3, probiotic,…
- Hạn chế tiêu thụ các loại ngũ cốc đã qua tinh chế
- Không ăn thực phẩm chứa nhiều muối, đường, chất béo bão hòa, thức ăn nhanh, đồ hộp
- Không hút thuốc lá và uống rượu bia (tình trạng này hiện đang khá phổ biến ở các em học sinh nam THPT)
- Không ăn các loại đồ ăn chiên rán bán ngoài cổng trường, vỉa hè
- Bổ sung đầy đủ nước cho cơ thể (khoảng 2 – 2.5 lít nước mỗi ngày). Tuyệt đối không dùng nước ngọt đóng chai thay thế cho nước lọc
2. Hoạt động thể chất
Hiện nay, rất nhiều em học sinh tỏ ra lười biếng với các hoạt động thể chất. Đây là một thói quen xấu có khả năng làm tăng nguy cơ bị stress hoặc khiến cho các triệu chứng stress ở nên nghiêm trọng hơn.
Để sớm kiểm soát chứng stress thì các em học sinh nên dành thời gian hoạt động thể chất mỗi ngày. Ngoài việc tích cực và năng nổ trong các tiết học thể dục ở trường thì nên chú ý tập thể dục ở nhà hoặc chơi các trò chơi ở sân trường trong giờ nghỉ giải lao. Các em học sinh nam có thể chơi đá cầu, học sinh nữ có thể chơi nhảy dây.
Để có nhiều động lực trong việc hoạt động thể chất thì các em có thể luyện tập những bài tập yêu thích. Ngoài ra có thể lựa chọn các bộ môn thể thao mang lại cảm giác hứng thú để rèn luyện mỗi ngày.
Hoạt động thể chất thường xuyên sẽ kích thích cơ thể sản xuất nhiều hormone endorphin hơn. Từ đó mang đến cảm giác thư giãn, thoải mái và vui vẻ. Ngoài ra, tập thể dục còn giúp mang đến nền tảng thể chất tốt cho mọi hoạt động học tập và phát triển.
3. Xây dựng kế hoạch học tập
Xây dựng kế hoạch học tập là một trong những kỹ năng cần có để giúp việc học tập thực sự hiệu quả. Lập kế hoạch học tập và kiên trì thực hiện cũng sẽ giúp học sinh giảm tải được một phần áp lực.
Các vấn đề cần chú ý bao gồm:
- Thiết lập cả mục tiêu học tập ngắn hạn và dài hạn
- Chia nhỏ các mục tiêu ra để thực hiện chúng dễ dàng hơn
- Nên xác định những hạng mục ưu tiên, xếp theo mức độ quan trọng
- Dành thời gian trống cho việc nghỉ ngơi và thực hiện các hoạt động khác
- Cân nhắc về cách học tập mà bạn yêu thích hoặc tiếp thu nhanh
- Cần theo sát kế hoạch, có thể lập các nhóm học tập để cùng giám sát nhau
Các em học sinh nên đặt ra mục tiêu phù hợp cho bản thân. Tuyệt đối không đặt mục tiêu quá cao hay quá khó so với thực lực của mình. Học tập là cả một chặng đường dài, cần cố gắng từ từ để nhận được kết quả tốt mà không khiến cho bản thân bị căng thẳng hay đuối sức.
4. Chăm sóc giấc ngủ
Stress ở học sinh và tình trạng mất ngủ có sự liên quan và tác động qua lại lẫn nhau. Trên thực tế, những học sinh bị căng thẳng quá mức thường gặp phải các vấn đề về giấc ngủ như khó ngủ, mất ngủ,… Ngược lại, việc ngủ đủ giấc với chất lượng giấc ngủ tốt có thể giúp ích cho sức khỏe tinh thần.
Khi ngủ đủ giấc, não bộ có thời gian để tự điều chỉnh những rối loạn bên trong. Từ đó làm giảm tình trạng mất cân bằng các hóa chất trong não. Đồng thời thúc đẩy tốc độ phục hồi các tế bào bị hư tổn do tác động của stress. Đảm bảo giấc ngủ tốt cùng sẽ hỗ trợ làm giảm hormone gây stress như cortisol hay adrenaline.
Các em học sinh nên biết cân bằng thời gian học tập và ngủ nghỉ. Hãy cố gắng đi ngủ trước 23 giờ tối và đảm bảo giấc ngủ ban đêm kéo dài 7 – 8 tiếng. Buổi trưa nếu có thể hãy chợp mắt khoảng 30 phút để việc học buổi chiều diễn ra thoải mái hơn.
Trường hợp bị khó ngủ hoặc mất ngủ kéo dài thì hãy chủ động báo cho phụ huynh được biết. Việc thăm khám và nhờ đến sự giúp đỡ từ bác sĩ có thể rất cần thiết để các em học sinh có được giấc ngủ chất lượng.
5. Thực hiện các giải pháp thư giãn
Một số giải pháp thư giãn có thể giúp cho các em học sinh giải tỏa được tình trạng căng thẳng thần kinh. Đồng thời có được tinh thần thoải mái để việc học tập diễn ra suôn sẻ và nhận được kết quả tốt hơn.
Có thể áp dụng các giải pháp thư giãn sau đây:
- Hít thở sâu: Khi cơ thể đang trải qua phản ứng căng thẳng thì bạn sẽ không suy nghĩ được rõ ràng như bình thường. Một cách nhanh chóng để bình tĩnh lại là thực hành các bài tập thở. Nó đặc biệt hiệu quả để làm giảm căng thẳng, lo lắng trước hoặc thậm chí trong khi kiểm tra.
- Thư giãn cơ liên tục: Kỹ thuật này bao gồm việc căng và thả lỏng tất cả các cơ cho tới khi cơ thể hoàn toàn thư giãn. Có thể thực hiện trước khi đi ngủ hoặc bất cứ khi nào bạn cảm thấy căng thẳng.
- Nghe nhạc: Đây cũng là một “loại thuốc” làm giảm căng thẳng rất tiện lợi cho các em học sinh. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy âm nhạc có thể giúp kích thích tâm trí và làm giảm căng thẳng. Học sinh có thể nghe nhạc không lời khi học hoặc nghe các bài nhạc lạc quan để đánh thức tinh thần và thư giãn.
6. Sắp xếp không gian học tập
Sự bừa bộn có thể gây ra căng thẳng. Đồng thời làm giảm năng suất học tập của các em học sinh. Rất nhiều học sinh sống trong một căn phòng lộn xộn. Điều này có tác động tiêu cực tới điểm số. Một cách để giảm bớt stress ở học sinh là hãy giữ một khu vực học tập tối giản, nhẹ nhàng và ngăn nắp.
Không gian học tập ngăn nắp, không bị lộn xộn có thể giúp làm giảm mức độ căng thẳng. Đồng thời tiết kiệm được đáng kể thời gian tìm kiếm các đồ vật bị mất. Ngoài ra, nó còn giúp cho học sinh có được cảm giác tích cực trong việc học và khuyến khích học tập nhiều hơn.
7. Vai trò của phụ huynh
Học sinh là lứa tuổi chưa đủ trưởng thành để ý thức rõ các vấn đề mà bản thân đang gặp phải. Do đó các bậc phụ huynh cần chú ý đến con nhiều hơn. Hãy kịp thời phát hiện và giúp đỡ khi con gặp phải tình trạng stress.
Một số vấn đề cần chú ý bao gồm:
- Không nên tạo sức ép hay đặt quá nhiều kỳ vọng cho con
- Cố gắng tạo cho con môi trường học tập tốt
- Luôn quan tâm, chia sẻ và động viên con trong mọi vấn đề
- Quan tâm đến sức khỏe cũng như chế độ ăn uống của con
8. Vai trò của nhà trường
Như đã phân tích, tình trạng stress ở học sinh đang ngày càng có xu hướng gia tăng. Nhà trường và các thầy cô giáo cũng nên hiểu rõ vai trò của mình trong đó. Bởi tình trạng này liên quan trực tiếp đến áp lực học tập, thi cử và môi trường giáo dục.
Để làm giảm áp lực cho học sinh, nhà trường và thầy cô giáo cần chú ý:
- Sắp xếp lịch học phù hợp: Nên lên lịch học cho các em học sinh một cách hợp lý. Cần tránh tình trạng lịch học quá dày đặc, bắt ép các em học thêm quá nhiều.
- Chú trọng vấn đề tư vấn học đường: Nhà trường và các thầy cô giáo nên quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe tâm lý và tinh thần của các em học sinh. Nên tổ chức các buổi tư vấn để trang bị cho các em những kỹ năng cần thiết nhằm quản lý căng thẳng và giảm tải áp lực.
- Tăng cường tổ chức học nhóm: Việc học nhóm sẽ giúp các em học sinh nâng cao kỹ năng làm việc nhóm. Đồng thời tạo mối quan hệ thân thiết với bạn bè, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ trong học tập.
9. Tham vấn tâm lý cho chứng stress ở học sinh
Trong một số trường hợp, tình trạng stress ở học sinh có thể kéo dài dai dẳng. Ngoài ra, các biểu hiện đi kèm có thể ngày càng tệ đi. Lúc này các bậc phụ huynh nên cân nhắc việc đưa con đi tham vấn tâm lý để nhận được sự hỗ trợ từ chuyên gia.
Chuyên gia tâm lý sẽ giúp các em học sinh giải tỏa cảm xúc và biết cách kiểm soát căng thẳng. Đồng thời nhìn nhận và đánh giá khách quan các vấn đề đang gặp phải. Ngoài ra, chuyên gia cũng có thể khuyên các em tham gia các khóa rèn luyện kỹ năng sống. Từ đó giúp hòa nhập với bạn bè hay những người xung quanh dễ dàng hơn.
Stress ở học sinh đang là thực trạng đáng báo động hiện nay. Gia đình và nhà trường cần có sự quan tâm đúng mức và giúp đỡ các em giải tỏa căng thẳng để học tập tốt hơn. Trường hợp học sinh bị stress kéo dài thì phụ huynh hãy chủ động đưa con đi gặp chuyên gia tư vấn tâm lý.
Có thể bạn quan tâm:
- Bị căng thẳng, stress nên ăn gì để cải thiện?
- Mất ngủ do stress, căng thẳng quá mức và biện pháp giải quyết
- 9 Loại thức uống giúp giảm căng thẳng stress nhanh chóng
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!