Hậu Quả Trầm Cảm ở Học Sinh Nguy Hiểm Hơn Bạn Tưởng
Trầm cảm ở học sinh gây ra những hậu quả nặng nề nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời. Hiểu rõ được vấn đề này sẽ giúp cha mẹ chú ý hơn đến tâm lý của con và kịp thời ngăn chặn những ảnh hưởng lâu dài.
Những hậu quả của trầm cảm ở học sinh phụ huynh cần nắm rõ
Trầm cảm ở học sinh đang có xu hướng tăng trong thời gian gần đây. Nguyên nhân được xác định là do áp lực học tập, mâu thuẫn với gia đình, thầy cô và bạn bè. Ngoài ra, sự nhạy cảm vốn có trong giai đoạn dậy thì cũng là yếu tố góp phần gây ra bệnh lý này.
Dù nguyên nhân là gì, trầm cảm cũng đều gây ra những ảnh hưởng nặng nề về thể chất, tinh thần và chất lượng cuộc sống. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các vấn đề tâm lý nói chung và trầm cảm nói riêng đều có thể là nguyên nhân dẫn đến hành vi tự sát ở thanh thiếu niên. Thực trạng này cho thấy bố mẹ đang thiếu quan tâm đến sức khỏe tinh thần của con trẻ.
Thực tế, các bậc phụ huynh ít chú ý đến tâm lý và cảm xúc của con mà chỉ tập trung chăm sóc sức khỏe thể chất, đồng thời giáo dục nghiêm khắc với mong muốn con chăm chỉ học tập và đạt kết quả cao. Đây cũng là lý do khiến gia đình không phát hiện và ngăn chặn kịp thời những hậu quả của bệnh trầm cảm.
Hiểu rõ hậu quả của bệnh trầm cảm ở học sinh sẽ giúp bố mẹ nhận thức được mức độ nghiêm trọng và có phương pháp khắc phục hợp lý. Dưới đây là những hậu quả trẻ phải đối mặt khi mắc chứng trầm cảm:
1. Suy giảm trí nhớ
Trầm cảm có tiến triển từ từ với triệu chứng ban đầu là khí sắc trầm buồn, chán nản, bi quan và giảm năng lượng. Tuy nhiên, sau một thời gian, trẻ sẽ phải đối mặt với tình trạng hay quên và suy giảm trí nhớ. Nguyên nhân là do bệnh trầm cảm gây ức chế về mặt cảm xúc, nhận thức và hành vi. Nhận thức bị ức chế khiến bệnh nhân khó khăn khi ghi nhớ và tư duy (suy nghĩ).
Suy giảm trí nhớ là tình trạng phổ biến ở bệnh nhân trầm cảm. Tình trạng này thường đi kèm với hiện tượng chậm chạp trong lời nói, mất nhiều thời gian suy nghĩ và khó khăn khi trả lời các câu hỏi (bao gồm cả những câu hỏi đơn giản).
Giảm trí nhớ có thể nghiêm trọng dần theo thời gian nếu không có biện pháp điều trị và chăm sóc. Nhiều nghiên cứu cũng đã cho thấy mối liên hệ mật thiết giữa trầm cảm và chứng sa sút trí tuệ. Ở lứa tuổi học sinh, trẻ có khả năng ghi nhớ tốt và tiếp thu nhanh. Vì vậy, tình trạng suy giảm trí nhớ sẽ có biểu hiện rất rõ và bố mẹ sẽ dễ dàng nhận ra nếu chú ý đến con cái.
2. Kết quả học tập kém
Hậu quả dễ nhận thấy nhất của bệnh trầm cảm ở học sinh là kết quả học tập kém. Bởi bệnh lý này khiến cho trẻ giảm trí nhớ, khả năng tiếp thu kém, mất tập trung và không còn hứng thú với việc học.
Trẻ thường lơ đễnh khi thầy cô giảng bài và không xem lại bài vở hay hoàn thành bài tập sau khi về nhà. Nguyên nhân là do trẻ mất đi sự quan tâm, hứng thú với việc học. Ngoài ra, bệnh trầm cảm cũng khiến cho trẻ mất động lực để thực hiện tất cả các hoạt động từ những hoạt động sinh hoạt thường ngày cho đến các hoạt động học tập, vui chơi.
Bên cạnh đó, vẫn có những trẻ chăm chỉ học tập nhưng kết quả kém và sa sút rõ rệt do học trước quên sau, nhầm lẫn kiến thức, tư duy kém và mất đi sự sáng tạo, nhạy bén trước đây. Thậm chí, nhiều trẻ bị trầm cảm nặng gần như không có khả năng tiếp thu và phải dừng việc học để điều trị.
Học tập sa sút là hậu quả thường thấy của chứng trầm cảm ở học sinh. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh cho rằng kết quả kém là do con trẻ lười biếng và hư hỏng. Không ít trường hợp gia đình chì chiết, trách móc con khi kết quả học tập sụt giảm. Điều này “vô tình” khiến cho tâm lý của con trẻ trở nên nặng nề và bi quan hơn.
3. Trẻ chậm phát triển, sức khỏe kém
Trầm cảm không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần mà còn gây ra tác động tiêu cực đối với thể chất. Học sinh bị trầm cảm thường gặp phải tình trạng mất ngủ, suy nhược, ăn uống kém, sụt cân, đau đầu, đau dạ dày, rối loạn kinh nguyệt,… Ảnh hưởng của bệnh lý này khiến cho trẻ chậm phát triển so với bạn bè đồng trang lứa.
Trầm cảm đặc trưng bởi tình trạng giảm nồng độ serotonin ở khe synap. Ngoài tác dụng nâng cao tâm trạng và kích thích cảm giác thèm ăn, serotonin còn tham gia vào quá trình phát triển các cơ quan.
Serotonin đã được chứng minh kích thích tạo ra tế bào xương, sửa chữa tổn thương gan, chữa lành tổn thương ở tim mạch,… Hormone này còn kích thích sự thèm ăn và tạo cảm giác ngủ ngon – đây đều là những yếu tố đảm bảo sự phát triển của trẻ trong giai đoạn đến trường.
Chậm phát triển khiến trẻ không đạt được chiều cao tối đa, sức khỏe suy nhược, hệ miễn dịch kém và dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Các vấn đề sức khỏe thể chất ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống và “vô tình” làm gia tăng sự lo lắng, bi quan, buồn bã, mất hứng thú ở bệnh nhân trầm cảm.
4. Giảm lòng tự trọng
Đặc điểm thường thấy ở người bị trầm cảm là giảm lòng tự trọng. Bệnh nhân cho rằng bản thân là kẻ thất bại, không có năng lực và là gánh nặng của gia đình. Trẻ đang trong độ tuổi đến trường thường đánh giá thấp bản thân, thiếu tự tin, nhút nhát và dễ tự ái.
Giảm lòng tự trọng khiến trẻ không có ý thức về danh dự và nhân phẩm của bản thân. Trẻ dễ dàng từ bỏ, nhụt chí trước những khó khăn trong cuộc sống vì cho rằng bản thân không đủ khả năng để vượt qua. Giảm lòng tự trọng cũng khiến con trẻ dành nhiều thời gian suy nghĩ về bản thân với cách nhìn nhận bi quan, tiêu cực và có phần méo mó.
5. Giảm khả năng giao tiếp
Trầm cảm là bệnh rối loạn tâm thần có cơ chế vô cùng phức tạp. Ngoài những ảnh hưởng đối với cảm xúc (khí sắc), bệnh lý này còn gây ức chế tư duy với biểu hiện là tư duy đơn điệu, liên tưởng chậm chạp, lời nói rời rạc, thiếu linh hoạt và giảm khả năng tiếp thu.
Tư duy ức chế khiến trẻ giảm khả năng giao tiếp. Đặc điểm thường thấy ở học sinh bị trầm cảm là rất ít nói, ít phát biểu và lời nói thường có âm lượng nhỏ, từ ngữ rời rạc và đôi khi không có nghĩa. Nếu không điều trị sớm, tình trạng có thể nghiêm trọng dần theo thời gian khiến trẻ khó có thể giao tiếp với gia đình, thầy cô và bạn bè.
6. Sống thu mình, nhút nhát
Trầm cảm khiến cho trẻ mất đi hứng thú với mọi thứ, cho rằng cuộc sống tẻ nhạt, không có ý nghĩa và đôi khi hình thành các suy nghĩ méo mó về tương lai. Vì không cảm nhận được bất cứ cảm xúc tích cực nào nên trẻ không có nhu cầu duy trì mối quan hệ hay các sở thích trước đây.
Trầm cảm ở học sinh khiến trẻ trở nên nhút nhát, sống thu mình và ít giao tiếp. Trẻ thích ở một mình và suy nghĩ về bản thân thay vì vui chơi với bạn bè đồng trang lứa.
7. Gia tăng các hành vi lệch chuẩn
Sau một thời gian tiến triển, trầm cảm có thể khiến cho trẻ bị hoang tưởng (thường là hoang tưởng bị buộc tội hoặc tự buộc tội). Ngoài ra, những suy nghĩ bi quan về việc bản thân vô dụng và là gánh nặng của mọi người cũng gây ra sự đau khổ dai dẳng cho người bệnh.
Để thoát khỏi những cảm xúc này, trẻ có thể lựa chọn dùng rượu bia và chất gây nghiện. Một số trẻ có các hành vi lệch chuẩn như hút thuốc lá, quan hệ tình dục sớm,… do mắc chứng trầm cảm và các rối loạn tâm lý khác. Vì vậy, gia đình cần chú ý đến con trẻ để phòng tránh hậu quả do trầm cảm ở học sinh gây ra.
8. Tăng nguy cơ mắc các bệnh tâm lý khác
Trầm cảm ở học sinh có thể gia tăng nguy cơ mắc các chứng bệnh tâm lý khác như rối loạn lo âu, hội chứng Self-Harm và các rối loạn nhân cách. Ở những trường đồng mắc, triệu chứng thường có mức độ nghiêm trọng và tiên lượng xấu. Nếu không được điều trị sớm, trẻ có thể mất hoàn toàn khả năng học tập, sống phụ thuộc vào gia đình và trở thành gánh nặng của xã hội.
9. Ảnh hưởng đến tương lai của con
Những ảnh hưởng của bệnh trầm cảm khiến cho con trẻ đánh mất tương lai do học tập kém, ít giao tiếp và không có các mối quan hệ xã hội. So với trầm cảm ở người trưởng thành, trầm cảm ở học sinh gây ra những ảnh hưởng nặng nề hơn. Bởi đây là giai đoạn con đang phát triển mạnh mẽ về thể chất, tinh thần và cũng là giai đoạn trẻ có khả năng tiếp thu tốt nhất.
Trầm cảm xảy ra trong thời gian đến trường sẽ khiến con bỏ lỡ nhiều cơ hội, mất kiến thức căn bản và thiếu hụt các kỹ năng sống. Thiếu hụt kỹ năng và kiến thức khiến cho trẻ khó khăn khi tìm kiếm việc làm, thiếu tự tin, dễ tự ái và phải đối mặt với nhiều phiền toái trong cuộc sống.
Trầm cảm ở học sinh ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai của con trẻ. Chính vì vậy, gia đình và nhà trường cần quan tâm đến sức khỏe tinh thần của các con bên cạnh sức khỏe thể chất và kết quả học tập. Bởi chỉ khi tinh thần ổn định, học sinh mới có thể tìm thấy hứng thú và nỗ lực để đạt kết quả cao trong học tập.
10. Hành vi tự hại, tự sát
Trầm cảm là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em và thanh thiếu niên chỉ đứng sau tai nạn giao thông. Cảm xúc giảm thấp trong một thời gian dài khiến trẻ mất đi hy vọng trong cuộc sống, luôn đau khổ, chán nản, buồn bã và bi quan. Ngoài ra, suy nghĩ tiêu cực và các hoang tưởng tự buộc tội cũng khiến trẻ hình thành suy nghĩ về cái chết và lên kế hoạch tự sát.
Bệnh nhân trầm cảm cho rằng, cái chết chính là cách giải thoát bản thân khỏi đau khổ và giúp những người xung quanh có cuộc sống tốt đẹp hơn. Trong những năm gần đây, tỷ lệ tự sát do trầm cảm tăng lên đáng kể. Do đó, gia đình cần có biện pháp chăm sóc và điều trị kịp thời để giúp con vượt qua chứng bệnh này.
Có thể thấy, trầm cảm ở học sinh gây ra những hậu quả vô cùng nặng nề. Hy vọng qua bài viết, cha mẹ đã hiểu rõ về mức độ nguy hiểm của bệnh lý này và quan tâm hơn đến sức khỏe tinh thần của con cái. Nếu nhận thấy trẻ có biểu hiện trầm cảm, nên khuyến khích con đến gặp bác sĩ/ chuyên gia tâm lý để được điều trị trong thời gian sớm nhất.
Tham khảo thêm:
- 7 Tác hại của việc ép trẻ học quá nhiều và lời khuyên cho cha mẹ
- Trầm cảm sau mùa thi cử: Thực trạng và cách phòng ngừa
- Cha mẹ cần làm gì khi con trẻ có dấu hiệu bị trầm cảm?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!