Bạo hành bằng lời nói (Verbal abuse): Hậu quả và cách xử lý

Bạo hành bằng lời nói (Verbal Abuse) hay còn gọi là bạo lực bằng lời nói đang diễn ra khá phổ biến trong cuộc sống hiện nay. Nạn nhân thường phải đối mặt với tổn thương và nỗi đau tâm lý dai dẳng. Tuy nhiên, tình trạng này lại chưa thực sự được quan tâm đúng mức do không để lại vết tích cụ thể như bạo hành thể xác.

bạo hành bằng lời nói
Bạo hành bằng lời nói có thể gây tổn thương sâu sắc về tâm lý cho nạn nhân

Bạo hành bằng lời nói là gì?

Bạo hành bằng lời nói (Verbal Abuse) còn được gọi là bạo hành ngôn ngữ. Đây là một dạng bạo hành tinh thần đang diễn ra ngày càng phổ biến. Kẻ bạo hành sẽ dùng những lời nói nặng nề và cực đoan để gây ra tổn thương và nỗi đau tâm lý cho nạn nhân.

Bạo hành bằng lời nói có thể khó xác định. Những kẻ bạo hành có thể làm tổn thương lòng tự trọng của bạn, đồng thời lại tỏ ra quan tâm sâu sắc đến bạn. Bạo hành ngôn ngữ là ngấm ngầm nhưng lại có khả năng gây hại không thua kém bạo hành thể chất.

Nhiều chuyên gia nhận định bạo hành ngôn ngữ có thể là bất kỳ cách nào mà kẻ bạo hành sử dụng ngôn ngữ của họ để kiểm soát mối quan hệ. Đó có thể là lời nói được dùng để khiến nạn nhân cảm thấy ít được coi trọng. Bạo hành ngôn ngữ thường nhắm vào sự bất an của ai đó. Nó có thể khác nhau về hình thức, từ la hét và sỉ nhục cho đến những cách tinh vi hơn.

Bạo hành thể chất có thể dễ dàng nhận biết. Không có nghi ngờ gì khi bạn bị đánh hay bị thương bởi kẻ bạo hành. Còn bạo hành bằng lời nói thì khác. Tổn thương là bên trong và không có những vết tích cụ thể về thể chất.

Hiện nay, sự hiểu biết về bạo hành ngôn ngữ vẫn còn rất hạn chế. Do đó nhiều người thậm chí không hề hay biết rằng mình đang chính là nạn nhân của bạo hành. Hoặc cũng có không ít người còn mơ hồ và không biết cách để thoát khỏi bạo hành.

Bạo hành bằng lời nói có thể ảnh hưởng đến bất cứ đối tượng nào. Trong đó thường thấy nhất là ở trẻ em, phụ nữ và người cao tuổi. Nhất là ở những quốc gia châu Á (trong đó có Việt Nam), đàn ông vẫn đang chiếm ưu thế trong gia đình và có những đặc quyền riêng.

Trên thực tế, bạo hành bằng lời nói cũng có thể gây ra những ảnh hưởng về lâu dài. Chẳng hạn như đánh giá thấp bản thân, căng thẳng, lo lắng, trầm cảm,… Do đó cần tìm hiểu rõ các dấu hiệu để sớm phát hiện và có biện pháp can thiệp phù hợp.

Các hình thức phổ biến của bạo hành bằng lời nói

Như đã đề cập, bạo hành bằng lời nói có thể diễn ra theo nhiều hình thức khác nhau. Trong đó, các hình thức phổ biến nhất bao gồm:

hình thức bạo lực bằng lời nói
La mắng, quát tháo là một trong những hình thức bạo hành bằng lời nói thường thấy
  • Gọi tên tiêu cực: Kẻ bạo hành có thể đặt cho bạn những biệt danh xấu xí khiến bạn cảm thấy khó chịu. Một số cái tên bị lạm dụng một cách chắc chắn. Tuy nhiên cũng có những cái tên khác giống như những lời khen có cánh hơn. Những thứ này thường sẽ khó xác định hơn nhưng bạn hãy tin tưởng vào cảm nhận của chính mình.
  • Hạ thấp: Sử dụng những lời chỉ trích, chế giễu hoặc mỉa mai nhằm hạ thấp bạn (một mình hay trước mặt người khác) cũng được cho là một kiểu bạo hành. Đây có thể là những nhận xét về cách nói chuyện, cách ăn mặc hoặc trí thông minh của bạn. Bất cứ nhận xét nào khiến bạn cảm thấy tự ti hoặc xấu hổ thường là do kẻ bạo hành cố ý.
  • Nâng cao tiếng nói: Kẻ bạo hành có thể dùng cách la mắng mà không có nhiều hành động khiêu khích đi kèm. Bạn có thể hiểu rằng, bất cứ điều gì mà bạn nói đều sẽ khiến họ khó chịu. Nếu bạn cảm thấy bất an và phải kiểm duyệt những gì mình nói thì đây không phải là một dấu hiệu tốt. Nếu đối tác của bạn thay đổi cảm xúc và la hét để đe dọa bạn thì bạn có thể đang bị bạo hành bằng lời nói.
  • Sử dụng lời nói đe dọa: Các mối đe dọa đối với cơ thể và cuộc sống của bạn đều sẽ tạo ra nỗi sợ hãi. Tuyệt đối không được xem nhẹ chúng. Ngay cả khi vợ/ chồng của bạn nói rằng họ chỉ nói đùa thì bạn cũng cần cẩn trọng. Chú ý nghiêm túc xem xét mối đe dọa nếu nó khiến bạn cảm thấy đề phòng hoặc thay đổi hành vi.
  • Đổ lỗi: Nếu ai đó mất bình tĩnh và đổ lỗi cho bạn về những hành động hay hành vi của họ thì điều này được cho là một dấu hiệu bạo hành bằng lời nói. Điều này thường có liên quan tới tính cách tự ái. Những lời bào chữa của kẻ bạo hành có thể là cố ý tổng hợp để khiến bạn bối rối và dẫn tới việc bạn xin lỗi vì hành động của họ. Sau đó họ có thể lại trìu mến với bạn để khiến bạn tin rằng họ không bao giờ làm tổn thương bạn.
  • Loại bỏ cảm xúc: Kẻ bạo hành sẽ từ chối thảo luận về những vấn đề khiến cho bạn khó chịu. Họ có thể đang trốn tránh trách nhiệm. Các cuộc trò chuyện về lời nói làm tổn thương bạn đã kết thúc và các vấn đề phản ánh về hành vi kém của họ sẽ bị loại bỏ. Đây cũng được cho là một hình thức châm biếm.
  • Thao túng: Việc sử dụng các ngôn từ đe dọa dai dẳng và dữ dội có thể sẽ khiến cho bạn làm những việc hoặc hành động theo cách mà bản thân cảm thấy không thoải mái. Hình thức bạo hành bằng lời nói này thường diễn ra ở giai đoạn cuối của hôn nhân. Nếu vợ/ chồng bạn không muốn ly hôn thì họ sẽ nói bất cứ điều gì cần thiết để đánh vào cảm xúc của bạn. Từ đó giữ bạn trong cuộc hôn nhân với họ.

Nhìn chung, các hình thức bạo hành bằng lời nói có biểu hiện tương đối đa dạng. Bạn có thể là nạn nhân của một số hình thức khác không được đề cập trên đây. Tuy nhiên, điểm chung của tất cả các hình thức bạo hành đều là gây ra tổn thương, sự buồn bã, đau khổ,… dai dẳng cho nạn nhân.

Dấu hiệu cho thấy bạn là nạn nhân của bạo lực bằng lời nói

Nhiều người đang bị bạo hành bằng lời nói nhưng vẫn không hề hay biết. Dưới đây là một số dấu hiệu giúp bạn nhận ra có thể mình đang là nạn nhân:

dấu hiệu của nạn nhân bị bạo hành lời nói
Nạn nhân có thể sẽ cảm thấy buồn bã, chán nản và có lòng tự trọng thấp
  • Bạn có lòng tự trọng thấp: Bạn cảm thấy bản thân đang chôn chặt cảm xúc và cố gắng không làm mất lòng đối phương. Thậm chí làm việc chăm chỉ mỗi ngày để giữ hòa khí. Đôi khi bạn còn cảm thấy chán nản, hoặc tự hỏi “liệu mình có bị điên không?”. Bạn giữ căng thẳng của mình vào bên trong và tự trừng phạt bản thân.
  • Cảm thấy bản thân không còn là chính mình: Bạo hành bằng lời nói có thể thay đổi cách mà bạn cảm nhận về bản thân. Bạn sẽ bị cuốn vào mối quan hệ và cố gắng tránh làm mất lòng đối phương. Đến mức mà bạn đánh mất con người của mình trước đây và bỏ qua ranh giới cá nhân.
  • Không có cảm giác an toàn: Nếu bạn không có cảm giác an toàn khi người ấy ở bên thì bạn có thể cảm thấy cần phải đề phòng mọi lời nói của mình. Mọi thứ mà bạn nói hoặc làm không bao giờ đủ tốt. Bạn sẽ luôn có cảm giác lo lắng và bất an, giống như đang đi trên vỏ trứng.

Bạo hành bằng lời nói gây tổn thương tâm lý nặng nề

Bạo hành bằng lời nói có thể gây ra những tổn thương và nỗi đau tâm lý rất nặng nề cho nạn nhân. Những người xung quanh (bao gồm cả kẻ bạo hành) thường không ý thức được sự nghiêm trọng của vấn đề. Trên thực tế, chỉ có nạn nhân mới là người cảm nhận một cách sâu sắc nỗi đau và các cảm xúc tiêu cực do bạo hành gây ra.

Trước hết, bạo hành bằng lời nói thường khiến cho nạn nhân trở nên buồn bã, tự ti, lòng tự trọng thấp và dẫn tới mất niềm tin vào bản thân. Tình trạng này kéo dài khiến nạn nhân không dám thể hiện bản thân, đồng thời vô tình bỏ lỡ nhiều cơ hội tốt trong cuộc sống.

Những cảm xúc tiêu cực do bạo hành bằng lời nói gây ra còn khiến cho tâm trạng của nạn nhân trở nên bất ổn và khó kiểm soát. Từ đó làm gia tăng các phiền toái trong cuộc sống. Điển hình là gây ra ảnh hưởng tiêu cực tới hiệu suất học tập/ làm việc.

Nghiêm trọng hơn, bạo hành bằng lời nói còn làm tăng nguy cơ gặp phải các vấn đề tâm lý lâu dài. Bao gồm:

  • Stress mãn tính
  • Sử dụng rượu bia, lạm dụng chất
  • Trầm cảm
  • Rối loạn căng thẳng sau chấn thương
  • Rối loạn lo âu xã hội
hệ lụy của bạo lực bằng lời nói
Bạo hành bằng lời nói làm tăng nguy cơ mắc chứng trầm cảm và các rối loạn tâm lý khác

Có thể thấy rằng, bạo hành bằng lời nói gây ra rất nhiều tổn thương tâm lý nặng nề. Nó khiến cho nạn nhân rơi vào trạng thái buồn bã và đau khổ dai dẳng. Điều này ảnh hưởng đến cả sức khỏe tinh thần và thể chất, làm suy giảm chất lượng cuộc sống.

Cần làm gì khi bị bạo hành bằng lời nói?

Sau khi nhận thấy mình đang là nạn nhân của tình trạng bạo hành bằng lời nói thì bạn cần tìm kiếm biện pháp khắc phục sớm. Không dễ dàng để đối mặt với tình trạng này nhưng để cuộc sống tốt đẹp hơn, bạn cần cố gắng vượt qua nó.

Dưới đây là các biện pháp có thể giúp ích:

1. Cố gắng điềm tĩnh

Khi ai đó nói với bạn một cách lăng mạ, cố gắng kiểm soát hành vi của bạn và muốn bạn phản ứng bằng cách khó chịu thì bạn cần thật sự bình tĩnh. Hãy chuyển sự chú ý sang bản thân và cố gắng kiểm soát hành vi của chính mình.

  • Tuyệt đối không để bản thân bị lôi vào cuộc tranh cãi hay một tình huống tồi tệ.
  • Đừng tự bảo vệ mình trước những lời lăng mạ và buộc tội vô căn cứ. Điều đó sẽ khiến kẻ bạo hành bạn thêm phần hung hăng. Thay vào đó có thể nói “Tôi xin lỗi vì bạn cảm thấy như vậy”.
  • Nếu họ nói rằng bạn quá nhạy cảm thì bạn càng không nên bộc lộ tính dễ bị tổn thương hoặc thu hút sự đồng cảm của họ. Thay vào đó có thể phớt lờ và không quan tâm đến ý kiến của họ.
  • Khi bạn bị xúc phạm, la mắng, chế giễu, đe dọa bằng lời nói thì hãy hít thở sâu. Hãy nói với giọng bình tĩnh, đừng nên la hét hoặc lẩm bẩm.
  • Nhắc nhở bản thân rằng không một ai có quyền hạ thấp bạn. Đồng thời những gì đang xảy ra hoàn toàn không phải là điều bạn đáng phải nhận.

2. Đặt ra ranh giới khi bị bạo lực bằng lời nói

Khi bạn bị bạo hành bằng lời nói thì cần cho đối phương biết rằng bạn sẽ không tham gia vào hành vi đó. Đồng thời đặt ra hậu quả nếu họ tiếp tục thực hiện hành vi bạo hành lời nói với bạn. Hãy cho họ biết rằng, bạn sẽ không nói chuyện khi họ đang xúc phạm, la mắng, đe dọa hay hạ thấp bạn.

Trường hợp họ nói rằng họ chỉ đang nói đùa thì bạn hãy mạnh mẽ đáp trả lại họ rằng bạn không thích trò đùa đó. Hãy cho họ biết rằng bạn không muốn nói chuyện với họ nếu họ nói với bạn bằng những ngôn từ thiếu nghiêm túc như vậy.

vượt qua bạo hành bằng lời nói
Nên đặt ra ranh giới và yêu cầu kẻ bạo hành dừng ngay hành vi của họ

3. Ngừng giao tiếp và rời đi

Trường hợp ranh giới mà bạn đặt ra bị vượt qua hoặc bạn cảm thấy không an toàn thì hãy ngừng giao tiếp và rời đi. Nếu bạn đang ở nhà thì có thể đi đến phòng khác hoặc rời khỏi nhà. Có thể đi ra quán cà phê để ngồi thư giãn.

Nếu bạn đang bị bạo hành lời nói từ một người mà bạn không biết hay không có lý do gì để nói chuyện thì hãy bỏ đi nếu bạn cảm thấy an toàn khi làm vậy. Bạn không cần phải ngồi yên chịu đựng sự bạo hành.

Bạn cần chú ý đến một số vấn đề sau:

  • Chỉ trở lại nhà nếu bạn cảm thấy an toàn. Ra khỏi nhà chính là một giải pháp tốt nếu bạn có thành viên khác trong gia đình đang nổi giận và cần bình tĩnh. Lúc này, hãy rời đi khoảng một vài giờ và quay lại khi mà bản thân cảm thấy sẵn sàng.
  • Trường hợp người bạo hành có xu hướng tiếp tục tức giận, thậm chí leo thang thành bạo lực hay tìm cách trả thù thì hãy tránh xa. Nếu có trẻ em hay những người dễ bị tổn thương khác trong nhà thì bạn hãy dẫn họ theo.
  • Trường hợp bạn ngẫu nhiên bị bạo hành bằng lời nói bởi một người lạ thì bạn hãy im lặng. Hoặc cũng có thể nói “Làm ơn đừng nói chuyện với tôi bằng giọng đó”. Đồng thời di chuyển đến nơi an toàn ngay khi mà bạn có thể.

4. Học cách phớt lờ sự tiêu cực

Nhiều trường hợp, bạn có thể bị bạo lực bằng lời nói bởi chính người thân trong gia đình hoặc bạn bè trong lớp học. Với những mối quan hệ này thì việc chấm dứt hoàn toàn không dễ dàng. Do đó, điều mà bạn nên làm là hãy học cách phớt lờ các vấn đề tiêu cực trong cuộc sống.

Thay vì chăm chăm suy nghĩ về những lời nói chì chiết và mỉa mai thì bạn nên bỏ chúng ở ngoài tai. Đồng thời tập trung và nỗ lực trong việc học tập cũng như làm việc để khẳng định giá trị của bản thân. Lúc này, những tiêu cực kia chỉ luôn ở phía sau bạn mà thôi.

Những điều trong cuộc sống đôi khi không xảy ra như những gì bạn mong muốn. Do đó hãy tập làm quen dần với những sự việc ngoài ý muốn và không nên để chúng gây ảnh hưởng xấu cho tâm trạng của bạn.

làm gì khi bị bạo lực bằng lời nói
Bạn nên phớt lờ những vấn đề tiêu cực, nhất là khi kẻ bạo hành lại chính là người thân của mình

Trên thực tế, những người giữ được tâm lý ổn định và bình tĩnh trước những áp lực sẽ ít gặp phải phiền toái. Đồng thời dễ gặt hái được nhiều thành công trong cuộc sống. Tuy nhiên để kiểm soát được cảm xúc và giữ cho tinh thần luôn lạc quan, tích cực thì bạn cần rèn luyện kiên trì.

5. Tránh xa các mối quan hệ độc hại

Mối quan hệ với những kẻ bạo hành bằng lời nói với bạn chính là mối quan hệ độc hại. Do đó bạn nên tránh xa các mối quan hệ này nhằm tránh trở thành nạn nhân của sự bạo hành. Trường hợp kẻ bạo hành là người yêu, vợ/ chồng thì bạn cũng cần xem xét biểu hiện của đối phương. Đồng thời cân nhắc việc chấm dứt mối quan hệ nếu thấy cần thiết.

Những kẻ bạo hành lời nói đều có chung tính ích kỷ, họ thường không biết chia sẻ và thấu hiểu với những người xung quanh. Việc sống lâu dài với các đối tượng này chỉ khiến cho bạn thêm mệt mỏi và mất dần hy vọng. Thay vì cho họ thêm cơ hội thì bạn nên mạnh mẽ chấm dứt để có thể đón nhận cuộc sống mới tốt đẹp hơn.

Trường hợp bạn và kẻ bạo hành có mối quan hệ vợ chồng thì việc chấm dứt khá phức tạp. Bạn nên lưu lại những bằng chứng cho thấy mình đang bị đối phương bạo hành. Điều này sẽ giúp bạn chấm dứt được mối quan hệ độc hại ngay cả khi đối phương không đồng ý ly dị.

6. Tìm kiếm sự giúp đỡ khi bị bạo lực bằng lời nói

Nếu bạn đang bị bạo hành bằng lời nói tại nơi làm việc hoặc trường học thì hãy chủ động báo cáo kẻ ngược đãi bạn với cấp trên. Cần tranh thủ sự giúp đỡ từ đồng nghiệp và bạn bè.

Trường hợp bạn đang bị đối tác bạo hành thì cần sớm đưa bản thân thoát khỏi tình huống này. Nếu con bạn hoặc người phụ thuộc khác của bạn tỏ thái độ hung hăng bằng lời nói thì hãy đặt ra những giới hạn nghiêm ngặt. Đồng thời tìm kiếm sự giúp đỡ cho chúng.

Đừng bao giờ im lặng khi bị bạo hành lời nói. Hãy cho những người xung quanh biết những gì mà bạn phải trải qua. Bạo hành có thể leo thang và xâm nhập vào đầu bạn. Trong khi đó, gia đình, bạn bè và những người khác hoàn toàn có thể giúp đỡ.

Ngoài ra, bạn nên hẹn hò thường xuyên với bạn bè. Hãy cố gắng giữ liên lạc với các thành viên gia đình và bạn bè mà bạn yêu quý. Có thể thành thật chia sẻ với bạn bè và gia đình về tình hình mà bạn đang gặp phải để luôn cảm thấy an toàn.

7. Gặp chuyên gia tâm lý

Trong nhiều trường hợp, bạo hành bằng lời nói có thể khiến cho bạn bị tổn thương sâu sắc. Nếu không thể tự mình vượt qua thì bạn nên chủ động tìm gặp chuyên gia tâm lý để được giúp đỡ.

cách vượt qua bạo hành lời nói
Nếu cảm thấy cần thiết, hãy tìm gặp chuyên gia tâm lý khi bạn bị bạo hành bằng lời nói

Chuyên gia tâm lý sẽ chia sẻ cùng bạn để tìm hiểu những cảm xúc và suy nghĩ mà bạn đang trải qua. Sau đó giúp bạn giải tỏa những phiền não, đau khổ và các cảm xúc tiêu cực do bị bạo hành bằng lời nói.

Khi tâm lý của bạn đã bắt đầu ổn định thì chuyên gia sẽ cho bạn những lời khuyên hữu ích. Điều này sẽ giúp bạn đánh giá khách quan các vấn đề mà chính bản thân bạn đang phải đối mặt. Đồng thời trang bị cho bạn kỹ năng để đối mặt nếu gặp phải tình trạng bạo hành bằng lời nói trong tương lai.

Bạo hành bằng lời nói hiện đang là một dạng bạo hành tinh thần diễn ra phổ biến. Bạn cần mạnh mẽ đối mặt để sớm vượt qua nó. Trường hợp gặp phải nhiều khó khăn thì cần chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ và tìm gặp chuyên gia tâm lý khi cần thiết.

Tham khảo thêm:

4/5 - (3 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *