Bạo lực gia đình: Nguyên nhân, hậu quả và cách phòng chống

Hiện nay tình trạng bạo lực gia đình đang trở thành vấn nạn đáng lo ngại của toàn xã hội bởi nó gây ra nhiều hệ lụy nguy hiểm đối với con người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Cùng tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình cùng các giải pháp ngăn chặn thông qua bài viết dưới đây.

Bạo lực gia đình
Phụ nữ và trẻ em chính là những nạn nhân thường gặp của hành vi bạo lực gia đình

Bạo lực gia đình là gì? Thực trạng nhức nhối hiện nay

Theo quy định của Luật phòng chống BLGĐ năm 2007 định nghĩa ” Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình”.

Vào năm 2010, Tổng cục thống kê đã tiến hành công bố một báo cáo quốc gia về tình trạng bạo lực gia đình đối với phụ nữ của Việt Nam. Cuộc khảo sát được thực hiện trên 5000 người phụ nữ đã lập gia đình và sau khi chia sẻ, nhận thấy rằng:

  • Có 32% phụ nữ đã từng kết hôn phải đối diện với nạn bạo lực thể xác trong đời.
  • Có 54% phụ nữ đã từng kết hôn là nạn nhân của bạo lực tinh thần trong đời.
  • Có 10% phụ nữ đã từng kết hợp phải hứng chịu nỗi đau bạo lực tình dục.
  • Có 5% phụ nữ bị đánh đập trong giai đoạn mang thai và thủ phạm chính là người chồng, người đầu ấp tay gối với họ.

Bên cạnh đó, các báo cáo ở địa phương từ năm 2012 đến năm 2016 trong cả nước nhận thấy có trên 127.000 vụ bạo lực gia đình. Đặc biệt hơn là có đến 83.6% đối tượng gây bạo lực chính là nam giới.

Các hành vi bạo lực gia đình thường gặp

Bạo lực gia đình có thể thể hiện qua rất nhiều các hình thức khác nhau. Nó không phải đơn thuần là những đòn roi, những hành vi tra tấn và làm tổn thương về mặt thể xác mà là cả những nỗi đau về mặt tinh thần. Cụ thể các hành vi bạo lực gia đình thường gặp như:

1. Bạo lực về thể xác

Đây được xem là hình thức bạo lực gia đình phổ biến nhất và có thể dễ dàng nhận biết được. Cụ thể đó chính là những hành vi ngược đãi, hành hạ, đánh đập, tra tấn đến cơ thể. Người bạo lực sẽ cố ý xâm phạm và làm tổn thương đến sức khỏe, thậm chí là cả tính mạng của người bị bạo lực.

thực trạng bạo lực gia đình
Bạo lực về thể xác là hình thức phổ biến nhất của thực trạng bạo lực gia đình.

Nó không chỉ đơn thuần là những hành vi như đấm, đá, tát, cào cấu, xô đẩy, đánh đập,…mà còn có thể là sự tra tấn dữ dội về mặt thể xác. Họ có thể bắt người bị bạo lực phải ăn mặc rách rưới, nhịn đói, khiến họ họ bị bệnh tật, ốm đau mà không được chăm sóc, chữa trị.

2. Bạo lực về tinh thần

Bạo lực tinh thần chính là các hành vi, lời nói nhằm nhục mạ, hạ thấp hoặc cố ý xúc phạm, tổn hại đến nhân phẩm và danh dự của người khác. Đó chính là tình trạng xua đuổi, cô lập, thường xuyên tạp áp lực về mặt tâm lý và gây nên nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe tinh thần của người bị bạo lực.

Cụ thể một số hành vi bạo lực tinh thần thường xuất hiện trong gia đình như:

  • La mắng, quát tháo, sỉ nhục, lăng mạ, đe dọa.
  • Kiểm soát, tự quyết định tất cả mọi việc trong gia đình.
  • Cấm đoán, ngăn cản các mối quan hệ gia đình, bạn bè, xã hội.
  • Theo dõi, xâm phạm, lục soát người hoặc cho người theo dõi, giám sát vợ, chồng, con cái.
  • Lôi kéo người khác về phe mình để chống đối lại đối tượng bị bạo lực.
  • Thường xuyên đe dọa sẽ bỏ nhà đi.

3. Bạo lực tình dục

Bạo lực tình dục là hình thức bạo lực gia đình mang tính chất tồi tệ và để lại nhiều tổn thương nhất đối với người bị bạo lực. Trong thực tế đã có không ít các trường hợp trẻ nhỏ bị chính cha mẹ của mình lạm dụng tình dục, thực hiện các hành vi trái với đạo đức và chuẩn mực của xã hội.

Những trường hợp cưỡng ép tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cố ý cản trở hôn nhân cũng được xem là hành vi bạo lực tình dục. Những hành vi này không chỉ gây ra những tổn thất to lớn về mặt thể chất mà còn để lại những vết thương sâu sắc và nặng nề về mặt tinh thần, có thể đeo bám đến suốt cuộc đời.

Một số hành vi có thể bắt gặp như:

  • Chê bai, cố tình sử dụng những hành vi hoặc lời nói cười nhạo, miệt thị về khả năng tình dục của bạn đời.
  • Cưỡng bức, bắt ép giao hợp khi vợ hoặc chồng không đồng ý.
  • Hành hạ hoặc sử dụng những phương thức quan hệ tình dục không lành mạnh.
  • Bắt ép kết hợp với người mà mình không có tình cảm.

4. Bạo lực tài chính

Là những hành vi hủy hoại, chiếm đoạt hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của các thành viên trong gia đình hoặc cả những tài sản chung của các thành viên. Một số trường hợp còn cố ý cưỡng ép, bắt buộc những thành viên trong gia đình lao động, làm việc quá sức. Ép họ phải đóng góp mức tài chính vượt quá khả năng của họ.

Đồng thời, còn kiểm soát thu nhập, chi tiêu cá nhân của các thành viên với mục đích muốn người khác phụ thuộc tài chính vào mình. Ngoài ra, một số người bạo lực tài chính còn có những hành vi trái pháp luật buộc những thành viên trong gia đình phải rời khỏi chỗ ở.

Nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình

Có rất nhiều các nguyên nhân có thể dẫn đến hành vi bạo lực gia đình. Theo đó, các chuyên gia nhận thấy sự sai lệch về tư tưởng, nền văn hóa, yếu tố kinh tế và luật pháp chính là các lý do phổ biến gây nên vấn nạn này. Cụ thể như sau:

nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình
Quan niệm “trọng nam khinh nữ” là lý do lớn nhất gây ra những hành vi bạo lực trong gia đình.

1. Nguyên nhân về tư tưởng

Vấn đề bình đẳng chính là yếu tố lớn nhất có thể dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình. Tuy rằng hiện nay xã hội đã có cái nhìn tích cực hơn về vai trò và giá trị của người phụ nữ nhưng vẫn có không ít các gia đình giữ lối tư tưởng xưa. “Trọng nam khinh nữ” là một trong những hệ tư tưởng phong kiến khiến cho nhiều nam giới tự đề cao giá trị và vai trò của bản thân, hình thành tính gia trưởng và cho phép mình quyền hành được bạo lực, hạ nhục phụ nữ.

Phụ nữ xã hội hiện đại tuy đã dần chứng minh được vị thế của mình nhưng vẫn có không ít những sự nhìn nhận chưa phù hợp và đúng đắn. Sự đấu tranh của người phụ nữ trước tệ nạn bạo hành gia đình vẫn còn yếu ớt và nhiều mặt hạn chế. Họ mang tư tưởng “xấu chàng hổ ai”, sợ lo sợ bị bạn bè, hàng xóm chê cười, sợ “vạch áo cho người xem lưng”.

Đồng thời, sự giáo dục của gia đình từ nhỏ cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với tư tưởng và cách nhìn nhận của trẻ nhỏ sau này. Nhiều gia đình hiện nay vẫn xem trọng con trai, họ coi trọng việc sinh cháu đức tôn và nếu không có con trai để nối dõi sẽ được xem như tuyệt tự, gia đình không có phúc phần.

Thực tế ngày nay không hiếm các vụ bạo lực gia đình xuất phát từ việc không đẻ được con trai. Theo đó, các ông chồng hoặc thậm chí là cả gia đình chồng liên tục chửi mắng, mỉa mai, hạ nhục, đánh đập người phụ nữ về việc không biết cách để đẻ con trai. Một thực tế đau lòng hơn là có cả những trường hợp người vợ phải đồng ý cho chồng “gieo giống” ở chỗ này, chỗ kia chỉ với mang về một đứa con trai nối dõi.

“Trọng nam khinh nữ” là một lối tư tưởng phong kiến cần phải được loại bỏ ngay trong thời đại bây giờ. Xã hội hiện nay vẫn chưa thể nhận thức được rõ ràng về vấn đề này, thậm chí còn tích cực lên án đối với phụ nữ. Nhiều người vợ phải liên tục phá thai nhiều lần đến khi có được con trai mới được nghỉ ngơi. Điều này không gây nên tổn hại to lớn về sức khỏe, thể chất lẫn tinh thần của người phụ nữ.

2. Nguyên nhân đến từ tâm lý

Tâm lý ở đây không phải là những khái niệm về tâm lý xã hội nói chung mà chính là tâm lý của mỗi cá nhân, mỗi thành viên với những tư cách khác nhau trong một gia đình đối với vấn đề bạo lực gia đình. Nhiều cặp vợ chồng có tâm lý “Phu xướng phụ tùy”, luôn đề cao đến vai trò quan trọng của người đàn ông trong gia đình, xem họ là trụ cột, là yếu tố quyết định của một gia đình.

Tuy nhiên, đôi khi tâm  lý này lại khiến cho người vợ và những đứa con bị mất đi quyền tự do của bản thân và dễ dàng trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình. Lối suy nghĩ này đã dần ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người, đặc biệt là với văn hóa của người Việt Nam. Nhiều người cho rằng, vợ đánh chồng, cãi lời chồng là hư hỏng nhưng khi người chồng đánh vợ thì được xem là một cách dạy vợ.

Hơn thế với tâm lý đàn ông là phái mạnh nên nhiều người tự cho phép mình quyền được sử dụng thể chất, sức lực để hành hạ và đàn áp người khác, đặc biệt là người thân. Đồng thời, khả năng cam chịu của đàn ông cũng kém hơn so với phụ nữ nên họ dễ “động chân động tay” khi xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp.

Ngược lại, nhiều người phụ nữ thường có tâm lý rằng việc bản thân cằn nhằn, đay nghiến, trách móc chồng con là điều hết sức bình thường. Tuy nhiên, đôi khi những lời nói, hành vi này có thể trở thành lưỡi dao sắc nhọn làm tổn thương đến tinh thần của các thành viên trong gia đình.

Đồng thời, những quan niệm về giáo dục như “thương cho roi cho vọt” đôi khi khiến nhiều đứa trẻ cảm thấy tù tùng và mệt mỏi trong chúng gia đình của mình. Trẻ liên tục bị cha mẹ đánh đập, bạo lực về cả thể xác lẫn tinh thần, thậm chí nhiều trường hợp còn rơi vào trầm cảm, lo âu.

3. Yếu tố kinh tế xã hội

Điều kiện kinh tế xã hội cũng là một trong các yếu tố tác động mạnh mẽ đối với mối quan hệ gia đình và cả ngoài xã hội. Sự khó khăn về mặt tài chính thường là nguyên nhân lớn tạo ra những áp lực, căng thẳng, cạnh tranh khốc liệt trong cuộc sống gia đình và nó chính là nhân tố thúc đẩy các hành vi bạo lực thể chất, tinh thần không đáng xảy ra giữa những thành viên gia đình.

Tình trạng bị thiếu thốn về mặt vật chất sẽ làm cản trở và thu hẹp các điều kiện học tập, giao lưu giữa các thành viên cùng sống chung một mái nhà, cách cư xử cũng không được đảm bảo tốt. Sự nghèo khổ khiến cho xung đột gia đình càng tăng cao, sự gắn kết giữa cha mẹ, con cái, ông bà, anh chị dần trở nên xa cách và nhiều khả năng dẫn đến các hành vi bạo lực.

Tuy nhiên, trong thực tế, ngay cả những gia đình có vật chất đầy đủ cũng có thể xảy ra tình trạng bạo lực. Các chuyên gia lý giải rằng, khi kinh tế đã được đảm bảo và ngày càng phát triển thì nhu cầu thỏa mãn của mỗi con người cũng sẽ gia tăng, từ đó họ chỉ chú trọng vào lợi ích cá nhân thay vì dành thời gian để quan tâm, chăm sóc và yêu thương người khác. Đối với những gia đình này sẽ có khả năng phát triển hành vi bạo lực tinh thần nhiều hình thức thể chất, tình dục, kinh tế bởi những điều này có thể đáp ứng được bằng tiền.

4. Trình độ dân trí thấp là nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình

Các yếu tố nêu trên có thể được giải quyết nếu gia đình được nâng cao trình độ dân trí. Khi có sự hiểu biết về vai trò của gia đình, tiếp xúc với những tri thức tiến bộ thì các thành viên cũng sẽ dễ dàng tuân thủ đúng theo các quy định của luật pháp về tình trạng bạo lực gia đình, hạn chế tối đa các hành vi bạo hành, xâm phạm người khác.

Tuy nhiên, hiện nay luật có liên quan đến tệ nạn này vẫn chưa thực sự được ban bố rõ ràng và nghiêm ngặt. Chủ yếu các bộ luật chỉ mang tính hình thức, việc thực hành vẫn chưa thực sự được đảm bảo và chấp hành nghiêm túc.

Đồng thời, công tác tuyên truyền và phổ biến về luật chống bạo lực gia đình vẫn chưa đạt được hiệu quả cao, vẫn còn gặp phải nhiều hạn chế. Sự hiểu biết của cộng đồng về pháp luật và những hình thức xử phạt với hành vi bạo lực gia đình vẫn chưa được cụ thể.

Có thể bạn quan tâm: Những câu nói đàn ông luôn muốn nghe từ vợ khi trò chuyện

Hậu quả của vấn đề bạo lực gia đình

Bạo lực gia đình hiện đang là vấn nạn đáng báo động và cần nhận được nhiều sự quan tâm của toàn xã hội. Tình trạng này luôn để lại những hậu quả vô cùng đáng tiếc đối với thể chất và tinh thần của mỗi nạn nhân, đặc biệt tỉ lệ phụ nữ và trẻ em bị bạo hành đang ngày càng gia tăng đáng kể.

Bạo lực gia đình
Nạn nhân bị bạo lực sẽ chịu nhiều tổn thương về cả tinh thần lẫn thể chất

Một số hậu quả khó lường có thể xảy ra do bạo lực gia đình như:

1. Đối với nạn nhân

Những thiệt hại về thể chất và tinh thần là điều không thể tránh khỏi đối với những nạn nhân của bạo lực gia đình. Những hành vi đánh đập, tra tấn, hành hạ, sử dụng bạo lực hay những lời mắng chửi, hạ nhục, phỉ báng sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe tổng thể của con người.

Những vết thương về thể xác có thể gây đau đớn tại thời điểm đó và sẽ lành lại sau một thời gian nhưng những nỗi đau về tâm hồn có thể đeo bám đến suốt cuộc đời. Không ít các trường hợp nạn nhân của bạo lực gia đình rơi vào trạng thái khủng hoảng tinh thần, trầm cảm, thậm chí là có ý định muốn tự sát.

2. Đối với người gây bạo lực gia đình

Nhiều người thường nghĩ rằng chỉ có nạn nhân của bạo lực gia đình mới phải đối mặt với những thiệt hại to lớn. Tuy nhiên, trong thực tế, ngay cả những người gây ra tình trạng này cũng phải trả một cách giá rất đắt cho hành vi của mình. Cũng chính vì những hành vi đó mà người gây bạo lực có thể phá hỏng các mối quan hệ thân thiết, làm rạn nứt tình cảm vợ chồng, con cái, ông bà, anh chị trong một gia đình.

Chính vì thế họ phải đối mặt với sự cô đơn, ghẻ lạnh trong chính mái ấm của mình. Với những hành vi bạo lực, người này có thể phải chịu sự trừng phạt của pháp luật. Đối với những tình huống nhẹ thì sẽ bị phạt tiền và đối với những tình huống nghiêm trọng hơn có thể đối mặt với việc truy cứu trách nhiệm hình sự.

3. Đối với trẻ em

Trẻ em chính là nạn nhân phải gánh nhiều nhiều hậu quả nhất của hành vi bạo lực gia đình. Trẻ nhỏ đang trong giai đoạn phát triển cả về nhận thức, thể chất và trí tuệ. Chính những vụ bạo hành sẽ khiến cho nhiều đứa trẻ liên tục rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi, sợ hãi và ám ảnh tâm lý cực lớn.

Đồng thời, khi sống trong một gia đình bạo lực, trẻ sẽ không thể hoàn toàn tập trung vào việc học tập, suy giảm khả năng vui chơi, có xu hướng lẩn tránh xã hội và các mối quan hệ xung quanh. Nhiều trẻ sống tách biệt, tự tạo cho mình một vỏ bọc để lẩn trốn khỏi mọi người xung quanh.

Bạo lực gia đình
Trẻ em bị bạo lực gia đình có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và cả tương lai sau này.

Ngược lại, cũng có nhiều trẻ hình thành tâm lý chống đối, có những hành vi bốc đồng, phản kháng dữ dội. Trong thực tế đã có không ít các trường hợp trẻ em bỏ học, hút thuốc, sử dụng rượu bia, các chất gây nghiện, thực hiện những hành vi bạo hành người khác do ảnh hưởng từ bạo lực gia đình. Khi trưởng thành trẻ sẽ có tâm lý không tin tưởng vào bất kì ai, sợ hôn nhân, muốn rời khỏi những người thân trong gia đình hoặc thậm chí là trở thành người gây bạo lực gia đình.

4. Đối với gia đình

Bạo lực gia đình là một trong các nguyên nhân phổ biến dẫn đến các cuộc hôn nhân đổ vợ, ly hôn, ly thân ở nhiều cặp vợ chồng. Không những thế, những hành vi bạo hành có thể khiến cho nạn nhân rơi vào trạng thái bị suy kiệt sức lực, mắc phải các bệnh lý nghiêm trọng và cần có thời gian, tiền bạc để chữa trị. Điều này khiến cho họ bị giảm đi nâng suất làm việc, mất thu nhập, khiến gia đình lâm vào tình cảnh khốn khó về mặt vật chất, không còn khả năng làm tròn nghĩa vụ của bản thân trong gia đình.

5. Đối với xã hội

Như đã chia sẻ ở trên, bạo lực gia đình gây ảnh hưởng đến nạn nhân, người gây bạo lực và cả gia đình của họ. Chính vì điều này sẽ làm kéo theo sự suy giảm về những đóng góp đối với xã hội. Đất nước sẽ dần bị mất đi nguồn lực lao động có sức khỏe ổn định, thay vào đó là những người có thể chất và tinh thần yếu kém, thiếu sự chủ động và sáng tạo. Nếu không thể khắc phục và phòng chống tốn tệ nạn này thì xã hội có thể bị suy giảm về nhiều mặt, nhiều nguy cơ dung túng và chấp nhận cho bạo lực gia đình.

Các biện pháp phòng chống bạo lực gia đình

Như đã chia sẻ ở trên, bạo lực gia đình có thể gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc ảnh hưởng đến cá nhân và cả cộng động. Chính vì thế, bản thân chúng ta cần phải có ý thức hơn về việc phòng chống và ngăn chặn hành vi bạo lực này bằng các cách sau:

1. Tuyên truyền, giáo dục

Theo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình thì phòng ngừa chính là yếu tố được nêu lên hàng đầu. Trong đó, cần chú trọng nhiều hơn đến công tác giáo dục, tuyên truyền đối với gia đình, tư vấn và hòa giải phù hợp với phong tục, truyền thống văn hóa, tập quán tốt đẹp của dân tộc ta. Các cơ quan, tổ chức cần tích cực đưa ra các thông tin, nội dung về phòng và chống bạo lực gia đình. Đồng thời, tư vấn, góp ý và trực tiếp phê bình trong cộng đồng về tình trạng bạo lực gia đình.

2. Phát hiện và báo tin về bạo lực gia đình

Ngay khi phát hiện được hành vi bạo lực gia đình, người dân cần tiến hành báo tin kịp thời đến cơ quan công an gần nhất hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc với những người đứng đầu trong cộng động dân cử để tìm hiểu và giải quyết sự việc. Các cơ quan khi nhận được tin báo hoặc phát hiện ra hành vi bạo lực gia đình cần phải có trách nhiệm kịp thời để xử lý. Đồng thời cần phải bảo vệ nhân thân hoặc trong các trường hợp cần thiết cần bảo vệ người báo tin.

3. Biện pháp ngăn chặn và bảo vệ

Để tránh những thiệt hại to lớn về thể chất, tinh thần và cả tính mạng thì mỗi chúng ta cần có ý thức hơn trong việc ngăn chặn và bảo vệ người bị bạo hành. Khi nhận thấy hành vi bạo hành gia đình, cần phải:

  • Buộc chấm dứt ngay hành vi tiêu cực
  • Theo dõi và cấp cứu cho nạn nhân bị bạo hành gia đình
  • Áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo đúng quy định của pháp luật đối với cơ quan có thẩm quyền
  • Cấm người gây bạo hành gia đình đến gần nạn nhân hoặc sử dụng các phương tiện thông tin để liên lạc, đe dọa nạn nhân  được thực hiện theo quy định tại Điều 20 và Điều 21 của Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2007.

Trên đây là những thông tin về hành vi bạo lực gia đình và một số biện pháp phòng chống, ngăn chặn. Gia đình chính là mái ấm, là nơi che chở tốt nhất, hi vọng rằng mỗi chúng ta sẽ biết cách vun đắp và bảo vệ chính ngôi nhà của mình.

Tham khảo thêm:

2.5/5 - (4 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *