Nguy cơ trầm cảm vì con quấy khóc mẹ sau sinh nên biết
Trầm cảm vì con quấy khóc là tình trạng rất nhiều mẹ sau sinh đang gặp phải. Trước những tiếng khóc không ngừng của con, mẹ bỉm luôn cảm thấy chán nản, mệt mỏi và bất lực. Cần sớm có biện pháp khắc phục để giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến cả sức khỏe thể chất và tinh thần của mẹ.
Vì sao trẻ sơ sinh thường xuyên quấy khóc?
Khoảng 3 tháng đầu sau sinh là giai đoạn mà các bà mẹ vất vả nhất. Bởi đây chính là thời kỳ mà trẻ quấy khóc rất nhiều, nhất là lúc chiều muộn và ban đêm. Bé có thể chợt khóc rồi chợt nín nhưng đôi khi việc ôm ấp và dỗ dành hay cho bú cũng không thể làm dịu đi tiếng khóc của con.
Không phải ngẫu nhiên mà trẻ quấy khóc nhiều, khi bé được khoảng 3 tháng tuổi thì tiếng khóc đã mang nhiều thông điệp hơn. Tiếng khóc có thể thể hiện các trạng thái tâm lý, cảm xúc hoặc là tín hiệu cảnh báo một sự bất an nào đó.
Việc nắm được lý do mà trẻ quấy khóc sẽ giúp mẹ tìm được phương pháp khắc phục phù hợp. Từ đó làm giảm sự khó chịu cho bé và hạn chế căng thẳng ở người mẹ. Dưới đây là một số nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường xuyên quấy khóc:
- Trẻ bị đói: Đây là nguyên nhân đầu tiên mà hầu hết các bà mẹ đều nghĩ đến khi con khóc. Một số dấu hiệu đói ở trẻ sơ sinh cần lưu ý bao gồm quấy khóc, bặm môi, rướn người và đưa tay lên miệng.
- Khó chịu ở vùng bụng: Chứng đau bụng ở trẻ nhũ nhi thường được mô tả là tình trạng khóc không thể dỗ dành trong ít nhất 3 giờ/ ngày, 3 ngày/ tuần và kéo dài liên tục ít nhất 3 tuần. Nếu mẹ thường xuyên thấy bé quấy khóc nhiều sau khi bú thì có thể bé đang bị đau bụng, đầy hơi hoặc các vấn đề tiêu hóa khác.
- Tã bị bẩn: Tã hoặc bỉm bị bẩn chính là một nguyên nhân khá phổ biến khiến trẻ cảm thấy khó chịu và gửi tín hiệu cho cha mẹ bằng cách quấy khóc nhiều hơn. Nếu không biết nguyên nhân vì sao con khóc thì bạn hãy kiểm tra tã của bé ngay.
- Do buồn ngủ, gắt ngủ: Người lớn thường cho rằng khi trẻ mệt trẻ có thể lăn ra ngủ rất nhanh ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào. Tuy nhiên mọi thứ không dễ dàng như vậy, một số trẻ có thể gắt ngủ và quấy khóc. Nhất là khi trẻ quá mệt.
- Muốn được bế: Trẻ sơ sinh thường rất cần cảm giác được bảo vệ và che chở, con luôn muốn cha mẹ âu yếm, vỗ về. Con luôn có nhu cầu cảm nhận được sự hiện diện của người chăm sóc thông qua khuôn mặt và giọng nói. Quấy khóc có thể là một cách bé thể hiện mong muốn được ôm ấp, bế bồng.
- Quá lạnh hoặc quá nóng: Đây cũng là yếu tố ảnh hưởng đến cảm xúc của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Mẹ có thể dễ dàng nhận thấy, vào những ngày thời tiết quá nóng nực thì trẻ thường có xu hướng quấy khóc nhiều hơn.
- Trẻ mọc răng: Mọc răng có thể là một trong những trải nghiệm đau đớn của trẻ sơ sinh. Mức độ ảnh hưởng ở mỗi bé là khác nhau nhưng nhìn chung bé nào cũng không thể tránh khỏi cảm giác khó chịu. Lúc này bé thường phát sinh phản ứng quấy khóc để thể hiện sự khó chịu của bản thân.
- Tác động của môi trường xung quanh: Trẻ sơ sinh có thể gặp khó khăn khi xử lý những kích thích từ thế giới xung quanh. Bao gồm cả ánh sáng, tiếng ồn hay việc được truyền từ tay người này sang người khác. Khóc có thể là cách mà một đứa bé phản xạ trước những tác động này.
- Trẻ cảm thấy không khỏe: Trường hợp bạn đã dỗ dành và đáp ứng đầy đủ nhu cầu cơ bản nhưng con vẫn không ngừng khóc thì có thể lúc này bé đang không được khỏe. Có thể cặp nhiệt độ để xem thử bé có sốt không và chuẩn bị sẵn tâm lý đưa con đi khám bác sĩ khi cần thiết.
Trẻ sơ sinh thường rất nhạy cảm với mọi thứ xung quanh. Do đó đôi khi trẻ có thể quấy khóc vì những lý do mà cha mẹ không thể ngờ tới. Điều mà bạn cần làm là quan tâm đến con nhiều hơn và chú ý đến cả những chi tiết nhỏ nhặt nhất. Từ nhãn mác quần áo, cách bế ẵm trẻ cho đến loại bình sữa cho bé bú hay đồ chơi của bé.
Nguy cơ mẹ sau sinh bị trầm cảm vì con quấy khóc
Trẻ sơ sinh hay quấy khóc được cho là một điều hoàn toàn bình thường. Trong hầu hết các trường hợp thì khóc chính là cách để trẻ đòi hỏi nhu cầu, giải tỏa cảm xúc và cảm thấy tốt hơn. Tuy nhiên, đối với các bà mẹ thì tiếng khóc của trẻ là một thứ không hề dễ chịu.
Rất nhiều trẻ sơ sinh có phản ứng quấy khóc trong 3 – 4 tháng đầu đời. Và đối với một người mẹ vừa bị cạn kiệt sức lực do trải qua quá trình sinh đẻ thì việc phải đối phó với một đứa bé khó tính, hay quấy khóc chính là một thử thách lớn.
Một nghiên cứu tổng hợp dữ liệu từ 8.200 bà mẹ trong khoảng 9 tháng sau sinh được công bố trên Tạp chí Academic Pediatrics cho thấy, những bà mẹ có con hay quấy khóc sẽ tăng gấp đôi nguy cơ bị trầm cảm sau sinh so với những bà mẹ ở nhóm có con dễ tính, ít quấy khóc hơn.
Trong một nghiên cứu khác, các chuyên gia đã tìm thấy mối liên hệ giữa việc trẻ sơ sinh khóc nhiều trong 6 tuần đầu sau sinh và tăng các triệu chứng trầm cảm của bà mẹ. Thêm vào đó, trẻ sơ sinh của các bà mẹ bị trầm cảm cũng có nhiều khả năng quấy khóc hơn.
Một trong những lý do gây trầm cảm vì con quấy khóc là người mẹ đã không chuẩn bị tinh thần để đón chờ một đứa bé khó tính. Đồng thời họ cũng không được cảnh báo hay tư vấn về việc sẽ có một số em bé dễ quấy khóc hơn hình thường. Do đó họ cảm thấy bị sốc và không biết làm cách nào để xử trí khi rơi vào tình huống con quấy khóc thường xuyên.
Nhiều bà mẹ có thể gặp phải tình trạng thức đêm trường kỳ vì con quấy khóc khiến cơ thể suy nhược và không thể yên tâm chợp mắt. Đôi lúc, người mẹ còn cảm thấy bất lực, giận dữ và mất kiểm soát. Ngoài ra, mẹ có thể còn gặp các biểu hiện khác như đau đầu, chán ăn, thường xuyên tự trách móc bản thân, không muốn gần gũi con,…
Vượt qua chứng trầm cảm vì con quấy khóc
Như đã phân tích, con quấy khóc nhiều là một trong những nguyên nhân rất phổ biến làm tăng nguy cơ phát triển chứng trầm cảm sau sinh. Trầm cảm vì con quấy khóc có thể tiến triển nặng gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, thậm chí khiến những tình huống đáng tiếc xảy ra.
Gần đây, các trang mạng xã hội, báo đài và các phương tiện thông tin đại chúng đang không ngừng cảnh báo về sự nguy hiểm của trầm cảm sau sinh. Một số bà mẹ vì trầm cảm đã không kiểm soát được hành vi của mình, làm hại con, thậm chí là giết con rồi tìm cách tự sát.
Để bảo vệ tốt hơn sức khỏe tinh thần, thể chất của mẹ và giúp con yêu phát triển lành mạnh thì mẹ cần sớm tìm cách để vượt qua tình trạng trầm cảm vì con quấy khóc. Dưới đây là một số giải pháp:
1. Trang bị các mẹo dỗ con quấy khóc
Nguyên nhân gây trầm cảm đang được đề cập đến chính là tình trạng trẻ quấy khóc khiến mẹ căng thẳng, mệt mỏi và bất lực. Do đó muốn khắc phục được vấn đề này thì cần phải đi từ căn nguyên. Tức là người mẹ cần phải tìm cách để hạn chế tình trạng con khóc nhiều.
Dưới đây là một số mẹo để dỗ con quấy khóc mà bà mẹ sau sinh nào cũng cần biết:
– Tìm ra lý do khiến con khóc:
Có nhiều lý do khiến trẻ sơ sinh quấy khóc. Tuy nhiên mẹ hãy cố gắng tìm hiểu xem có phải do tã bẩn hoặc do con ốm mệt hay không. Nên ghi chép lại kiểu ngủ, bú, khóc và giờ thức của con để bác sĩ dễ dàng xác định nguyên nhân bé quấy khóc. Hơn nữa thói quen ghi chép còn giúp mẹ hiểu bé nhanh hơn.
– Đu đưa con nhẹ nhàng:
Theo bác sĩ Nhi Khoa M.D. Kristie Rivers thì việc bế và đung đưa bé qua lại nhẹ nhàng có thể giúp làm dịu tâm trí, giảm nhịp tim và thư giãn cơ bắp của con. Mẹ có thể bế con trên tay và đi lòng vòng khắp nhà. Với những trẻ lớn hơn thì có thể cho con ngồi trên xe tập đi và đẩy chúng từ từ.
– Cho trẻ nghe nhạc:
Đôi khi sự im lặng cũng là vấn đề đáng lo ngại giống như tiếng ồn đối với trẻ sơ sinh. Nếu con quấy khóc, mẹ có thể thử mở một bản nhạc nhẹ nhàng. Âm nhạc có thể đánh lạc hướng con yêu khỏi tiếng khóc của mình. Đồng thời cho bé một điều thú vị khác để tập trung vào cũng như giúp bé dễ chìm vào giấc ngủ.
– Sử dụng núm vú giả:
Trẻ sơ sinh thường cảm thấy thoải mái và thư giãn hơn khi bú mẹ. Thay vì cho con bú quá nhiều thì mẹ có thể cho bé ngậm một chiếc núm vú giả. Tuy nhiên không nên lạm dụng giải pháp này. Bởi nó có thể làm tăng nguy cơ gặp phải các vấn đề răng miệng hoặc vấn đề về vệ sinh an toàn cho bé.
– Làm tối không gian ngủ của con:
Mẹ nên kéo rèm, tắt đèn và để con ở trong không gian tối. Trong bóng tối và im lặng, bé có thể bình tĩnh và dễ dàng chìm vào giấc ngủ hơn. Tuy nhiên nếu mẹo nhỏ này khiến con khóc nhiều hơn thì mẹ nên tìm kiếm giải pháp khác thay thế.
– Massage cho con:
Massage cũng là giải pháp hữu ích mà mẹ có thể thực hiện để giúp con bình tĩnh hơn khi bé quấy khóc quá nhiều. Mẹ nên bắt đầu từ ngực, xoa nhẹ nhàng theo chuyển động tròn khi di chuyển về phía rốn. Sau đó xoa từng bên chân, nhẹ nhàng từ thắt lưng xuống đến bàn chân. Đồng thời mở các ngón chân của bé ra và xoa nhẹ. Tiếp tục thực hiện tương tự cho cánh tay và bàn tay.
– Tuyệt đối không nổi nóng với con:
Dù cho bé quấy khóc nhiều đến đâu thì mẹ cũng đừng mất bình tĩnh. Hãy nhẹ nhàng nhất có thể, hít một hơi thật sâu, ôm con vào lòng và xoa nhẹ lưng để bé biết rằng mẹ đang cạnh bên.
2. Chia sẻ việc chăm con với chồng và người thân
Sinh con và nuôi con chính là một bài toán lớn cho phụ nữ, nhất là với những chị em mới trải nghiệm lần đầu làm mẹ. Đặc biệt là những mẹ có con thường xuyên quấy khóc thì việc chăm con trở thành một vấn đề đáng lo ngại. Lúc này bạn nên chủ động chia sẻ công việc với chồng và người thân.
Bạn hãy nhớ rằng, chăm sóc con cái và lo toan việc nhà không phải là trách nhiệm của một mình bạn. Cả hai vợ chồng đều phải có trách nhiệm chung, nhất là khi con quấy khóc hay ốm bệnh thì người chồng cần quan tâm và chia sẻ với vợ nhiều hơn.
Trường hợp ông bà nội hoặc ông bà ngoại còn khỏe mạnh thì bạn nên mở lời nhờ hỗ trợ thêm. Hãy chia sẻ với ông bà những khó khăn mà bạn đang gặp phải. Đừng tỏ ra khó chịu hay bực dọc mà cần cố gắng nhẹ nhàng để ông bà thấu hiểu và đồng cảm với bạn nhiều hơn.
Khi có được sự hỗ trợ từ chồng và gia đình thì bạn sẽ có thêm thời gian chất lượng cho bản thân. Lúc này bạn có thể tranh thủ nghỉ ngơi, giải quyết công việc cá nhân hay thậm chí là có thêm thời gian thư giãn và chăm sóc bản thân để sớm phục hồi sức khỏe. Điều này cũng giúp cho tinh thần thoải mái hơn, sớm thoát khỏi tình trạng trầm cảm vì con quấy khóc.
3. Chăm sóc bản thân thật tốt
Một trong những điều tốt nhất mà bạn có thể làm để giảm bớt hoặc tránh trầm cảm vì con quấy khóc là chăm sóc bản thân thật tốt. Bạn càng quan tâm đến sức khỏe tinh thần và thể chất của mình nhiều bao nhiêu thì bạn sẽ càng cảm thấy tốt hơn bấy nhiêu.
Thay đổi lối sống là cách đơn giản giúp bạn cảm thấy yêu đời trở lại:
- Bỏ qua việc nhà: Hãy ưu tiên cho bản thân và con yêu của bạn. Hãy cho phép bạn tập trung vào bản thân và em bé. Công việc nhà có thể nhờ đến sự giúp đỡ của chồng, người thân hoặc nếu có điều kiện tài chính hãy cân nhắc thuê người giúp việc.
- Hoạt động thể chất: Các nghiên cứu chỉ ra rằng, tập thể dục có thể mang lại hiệu quả tương tự như thuốc chống trầm cảm. Do đó bạn nên vận động trở lại càng sớm càng tốt. Chỉ cần đi bộ khoảng 30 phút/ ngày cũng có thể mang đến hiệu quả tuyệt vời. Các bài tập kéo căng như yoga sẽ đặc biệt hữu ích nếu bạn đang bị trầm cảm vì con quấy khóc.
- Thực hành thiền chánh niệm: Nghiên cứu đã chỉ ra hiệu quả của thiền trong việc giúp bạn cảm thấy bình tĩnh và tràn đầy năng lượng hơn. Ngoài ra nó còn giúp bạn nhận thức rõ hơn về những gì bạn cảm thấy cũng như những gì mà bạn cần.
- Chú ý đến giấc ngủ: Ngủ đủ 8 giờ/ ngày có vẻ là một điều xa xỉ đối với các bà mẹ đang phải chăm sóc trẻ sơ sinh. Tuy nhiên ngủ không đủ giấc có thể khiến bệnh trầm cảm trở nên tồi tệ hơn. Do đó bạn hãy làm những gì có thể để được nghỉ ngơi nhiều hơn. Bạn nên tranh thủ sự giúp đỡ của chồng và người thân để chợp mắt bất cứ khi nào có thể.
- Dành thời gian chất lượng cho bản thân: Hãy cố gắng dành thời gian để thư giãn và tạm dừng nhiệm vụ làm mẹ. Bạn có thể nghĩ đến những cách để nuông chiều bản thân. Chẳng hạn như ngâm mình trong bồn nước ấm với tinh dầu, nhâm nhi tách trà nóng, trò chuyện với bạn bè,… Ngoài ra có thể đăng ký một gói chăm sóc sau sinh tại các cơ sở làm đẹp.
- Ưu tiên bữa ăn: Khi bạn bị trầm cảm thì chế độ dinh dưỡng thường sẽ bị ảnh hưởng. Những gì bạn ăn sẽ tác động đến tâm trạng cũng như chất lượng sữa mẹ. Do đó hãy cố gắng hết sức để thiết lập và duy trì thói quen ăn uống lành mạnh.
- Đi ra nắng: Ánh nắng mặt trời được chứng minh là có khả năng nâng cao tâm trạng của bạn. Do đó hãy cố gắng tắm nắng ít nhất 10 – 15 phút mỗi ngày để cảm thấy thư giãn và thoải mái hơn. Điều này đặc biệt cần thiết với những bà mẹ có trẻ sơ sinh thường xuyên quấy khóc.
4. Trầm cảm vì con quấy khóc cần tham vấn tâm lý
Trong rất nhiều trường hợp, con quấy khóc quá nhiều có thể khiến cho các bà mẹ bị căng thẳng thần kinh kéo dài. Cùng với đó các triệu chứng trầm cảm sau sinh cũng sẽ được đẩy lên cao trào. Đây là dấu hiệu cho thấy rằng các vấn đề nghiêm trọng hơn hoàn toàn có thể xảy ra.
Lúc này các bà mẹ nên chủ động đi tìm gặp chuyên gia để được tham vấn tâm lý. Với những mẹ bỉm chỉ mới bị trầm cảm nhẹ thì hoàn toàn có thể sớm vượt qua tình trạng này thông qua tâm lý trị liệu mà chưa cần phải sử dụng đến thuốc.
Mục tiêu của tâm lý trị liệu là giúp các mẹ bỉm hiểu rõ hơn về vấn đề mà bản thân đang phải trải qua. Từ đó tìm ra các giải pháp phù hợp nhất giúp kiểm soát tốt hơn những suy nghĩ cũng như hành vi tiêu cực.
Thông qua tâm lý trị liệu, mẹ bỉm bị trầm cảm vì con quấy khóc sẽ dần làm chủ được bản thân. Đồng thời dành cho con sự quan tâm cũng như chăm sóc phù hợp. Hơn nữa với sự giúp đỡ của chuyên gia tâm lý, bạn còn sớm hướng đến cuộc sống tích cực, lành mạnh và lạc quan hơn.
Tình trạng trầm cảm vì con quấy khóc đang là vấn đề đáng lo ngại với các bà mẹ sau sinh. Việc trang bị những kiến thức chăm sóc con cũng như chăm sóc sức khỏe sau sinh có thể giúp mẹ cải thiện tinh thần tốt hơn. Trường hợp nhận thấy các dấu hiệu trầm cảm ngày càng tồi tệ hơn thì nên chủ động tìm gặp chuyên gia tư vấn tâm lý để được giúp đỡ.
Tham khảo thêm:
- Gia đình độc hại là gì? Đặc điểm nhận dạng và cách thoát khỏi
- Trầm Cảm Khi Mang Thai: Dấu Hiệu Nhận Biết Và Cách Vượt Qua
- Trầm cảm ảnh hưởng đến não bộ và cơ thể như thế nào?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!